Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

LỜI RIÊNG TƯ CHÚC TẾT NHÂM DẦN 2022 / fr. NGUYỄN NGUYÊN BẢY



LỜI RIÊNG TƯ CHÚC TẾT NHÂM DẦN 2022

fr. NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Kinh chúc bà con nội ngoại gần xa, anh em con cháu ruột thịt, bằng hữu bốn phương
Đông Tây Nam Bắc đều là huynh đệ..Lời chúc mùng năm mới dân giã cổ điển : 
An Khang, Hạnh Phúc.
Kinh chúc bạn đọc VANDANBNN, sức đọc như hổ đồng bằng, hân hoan 
tương tác những lời tình bạn, chia sẻ cùng nhau những lời lợi lạc yêu thương.
Và riêng tư, Chúc mình của anh, bạn đời yêu quý, đã suốt đời bền gan yêu anh,
nuôi con, chăm cháu. 
Anh tựa vai mình,ngẩng đầu làm chồng, làm cha,
làm ngươi. Cảm ơn minh, chúc minh 75 xuân lão yêu anh.

Và, sau hết, xin cho tôi tự chúc mừng tôi. Lời cảm ơn Cao Xanh linh thiêng
đã phục sinh tôi, ban cho tôi sức khỏe, trái tim yêu đời. 

Tết Nhâm Dần 2022 tai Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ
VANDANBNN


Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022



CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022
Kính Chúc Sức Khỏe & Tình Yêu

VANDANBNN

Lời Người Tha Hương Trước Thềm Năm Mới / Thơ. NGUYỄN NGUYÊN BẢY / HOA ĐỖ QUYÊN



Lời Người Tha Hương Trước Thềm Năm Mới

Thơ. NGUYỄN NGUYÊN BẢY

HOA ĐỖ QUYÊN

Có thể con chưa nghe
Hoa đỗ quyên gọi mùa cuốc cuốc
Nhưng chắc chắn con đã đọc
Thơ lòng Bà Huyện Thanh Quan
Cha không phân biệt hoa chim
Chỉ nghe tiếng thầm thào cuốc cuốc
Trên bàn ngày xưa con ngồi học
Cha chưng chậu đỗ quyên hồng
Hoa vồng tươi từng cánh mắt buồn
Ngóng người ly hương xa hút.

Cha đã xa kinh thành cổ tích
Hăm nhăm năm ăn Tết Sài Gòn
Tha hương trên đất nước mình
Lòng nhủ không nơi nào quê người đất khách
Vậy mà mỗi năm những ngày cận Chạp
Vẫn nao lòng bóng nhạn trời quê
Tha thẩn tìm lối hồn về
 Bỏ xác đứng ngồi cô chiếc
Nhớ ngan ngát hương trầm Phát Lộc
Tìm hương nhang nghi ngút Pháp Hoa
Nhớ mưa phùn gió bấc cắt da
Đón gió đêm đông Sàigòn se lạnh
Bánh chưng nào không là bánh
Sao cứ ngẩn ngơ nếp cái hoa vàng
Tay cầm cành mai Nam
Trí tưởng tượng thăng hoa đào Bắc
Phút giao thừa nhớ quê da diết
Cầu truyền hình hiện bóng hồ Gươm
Cũng may trào hết ngấn buồn
Òa vui đầy nhà sum họp
Ba ngày Tết
Dưới mỗi mái nhà là một quê hương.

Nhưng năm nay đích thực tha hương
Dù có đào Nhật Tân bạn tặng
Dù có bánh chưng nếp cái hoa vàng
Sao lòng chẳng thức bước chân
Đi vào đi ra lạnh lẽo
Sáu mươi tuổi bây giờ mới hiểu
Đêm đông ai hát tết buồn
Thèm cồn cào một tiếng gọi ông
Tiền mới ngủ vùi phong bao đỏ
Gượng cười ra ngõ
Lì xì trẻ nhà bên xin một lời mừng

Về nhà dở ảnh cháu con
Chỉ thấy tuyết rơi trắng xóa
Không nỡ chất thêm buồn mắt vợ
Ôm vai nịnh một câu tình
Ngọt mơ hồ miếng mứt trắng tinh
Căn nhà trống phủ đầy những tuyết
Không sum họp làm gì có tết
Đỗ quyên đầy chậu ngẩn ngơ.
Cởi buồn khai bút lụy thơ
Thương cháu con chảy nhòe giấy viết

Xứ tuyết ấy làm gì có tết
Quê người đất khách con tôi
Áo cơm đời nặng thế áo cơm ơi
Cánh cò trắng lội mò tuyết trắng
Vợ khiêng chồng gánh
Mang về nhà thì tuyết đã tan
Bạn tây nào gửi biếu bánh chưng
Bạn đầm nào gửi hoa cắm tết
Tìm đâu ra tình ruột thịt
Sum họp một nhà đề thấy quê hương
Xứ thiên đường Ba ngày tết
Ai chia sầu xa xứ với con ?

Bỗng chuông điện thọai đổ dồn
Ríu rít cháu con mừng tuổi
Già rồi ư sao cháu con chúc cha trẻ mãi ?
Tan tan cười cho con cháu biết mình vui
Tan tan cười gọi nở đào mai
Không gọi mùa xuân cũng đến.
Chậu đỗ quyên trên bàn buồn lặng
Nghe tan tan cười nói cái gia gia
Ngấn buồn trào hết mắt hoa
Se sẽ nở một vồng hồng rực rỡ.

Sài Gòn Tết năm 2000
VANDANBNN
 

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / NGUYỄN NGUYÊN BẢY / THƠ KINH THÀNH CỔ TÍCH


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
THƠ TỤNG TẾT CẦU AN

KINH THÀNH CỔ TÍCH

Nơi ấy các cô gái đều là tiên nữ
Áo quần mớ bảy mớ ba 
Yêu nhau bắc cầu giải yếm

Nơi ấy cốm Vòng gói lá sen xanh
Chuối đổ mầu trứng cuốc
Heo may thu vào từ năm cửa ô

Nơi ấy tôi là đứa trẻ đẻ rơi
Mẹ trảy hội trên cầu giải yếm
Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm
Chuyền tay nhau hát hò
Chày Yên Thái tôi nghe
Trái bàng rơi tôi nhặt
Gạo làng Gióng tôi ăn
Sông Cái lắm thủy thần
Rằm, Mồng một dâng hoa chùa Bộc

Nơi ấy
Các bà tiên dạy tôi biết khóc
Các bà tiên dạy tôi biết cười
Các bà tiên cho tôi giấy bút
Vẽ lên trơi hình rồng thăng
Dạy tôi chép chữ thành vần
Dạy tôi làm chồng làm vợ
Năm ấy sấm Trạng Trình ran nổ
Trời thật nhiều đạn bom

Nơi ấy lẽ Càn Khôn
Các bà tiên lần lượt về mây trắng
Con đưa mẹ tới đầu cầu giải yếm
Mẹ trắng vào mây
Mẹ thăng vào gió
Mẹ đi trảy hội Tiên Rồng

Nơi ấy
Đào Nhật Tân nở chấn Cửa Đông
Áo trấn thủ phủ rêu Cửa Bắc
Kèn tàu hừng hực Cửa Nam
Quốc ca hát đỏ sông Hồng
Nơi ấy là kinh thành cổ tích
Nơi ấy là đời tôi..

Hà nội, Tết 1970 dài mãi
VANDANBNN

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ THƠ HUYỀN THOẠI PHÚC



CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
THƠ TỤNG TẾT CẦU AN


HUYỀN THOẠI PHÚC

Song thân ơi, xin rước mẹ cha về
Làng mở hội tạ ơn củ khoai thần năm Dậu
Con thấy thuyền cha về từ mây sông thương
Ông cháu ôm nhau cười như sáo sậu
Mẹ gánh hoa về từ bến nắng nhớ
Con dâu đón mẹ dâng hoa khoai thần
Riêng thằng chắt nội
Trốn hội ngồi gốc đa làng
Bấm game siêu nhân đại chiến thế giới


Tôi bảo con tôi
Đứng trách mắng con.
Nó cũng như con
Chẳng có mảy may ký ức nào về cụ nội
Nên không thể giả vui là tết Công Gô
Không thể trá buồn nước mắt cá sấu..

Và cũng đừng tội nghiệp đời cha
Chỉ thèm có ông để nhớ
Để hóa vàng niềm ước xót xa
Chết được chôn theo đôi guốc mộc
Biết cha mình chỉ đắc phúc nhị đại
Nên ông con sống một đời tích đức
Dạy cha huyền thoại củ khoai thần

Và cha tin huyền thoại khoai thần
Ngẩng đầu mà nuôi con sống
Tạ ơn phúc con tôi khôn lớn
Cũng tin huyền thoại khoai thần
Khoai như niêu cơm Thạch Sanh
Nuôi cả làng thoát qua năm Dậu

Ông con đắc phúc tam đại
Dù thế cha vẫn sống một đời tích đức
Dạy con bằng huyền thoại khác
Huyền thoại súng trường bắn rơi máy bay
Huyền thoại như mưa sáng nay
Con ngồi trong thúng tản cư
Mẹ gánh con đi trong kiếp nạn
Cha đã thấy nụ cười xán lạn
Sẽ rồi nở sáng mặt con

Giờ đây tam đại nhà ta đồng đường
Dù vậy con vẫn phải một đời tích đức
Tích đức cho đứa trốn hội ngồi gốc đa làng
Bấm game siêu nhân đại chiến thế giới
Hãy dựng chính đời mình thành huyền thoại
Cánh cò bay vượt đại dương
Con sẽ thấy nguồn cội
Giản đơn như bánh tráng phơi sương
Chiều cuối tuần cuốn bánh nhớ quê hương

Lễ hội khoai thần biết sau còn ai nhớ
Huyền thoại mới thay huyền thoại cũ
Cái đói đã đi qua
Khói lửa đã đi qua
No ấm thanh bình cõi ước
Ngửa mặt cầu xin mưa nắng thuận hòa
Vẫn thấy bóng cha đưa đò sông mưa
Mẹ ngồi bán hoa chợ nắng
Cây đời cội phúc tươi xanh..

Hà Nội, một Tết xa rồi nhưng còn mãi
VANDANBNN

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY / PHẬT HÁT


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022


Thơ Tụng Tết Cầu An
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


PHẬT HÁT

Yếm thắm không bỏ bùa sư
Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm
Mẹ bảo này trọc đầu
Trong ngực tôi có Phật
Trọc đầu có sợ ố cà sa?

Giữa chợ lực điền yếm thắm gặp cha
Cha thẳng đường cày cầu xin yếm thắm
Mẹ bảo trong ngực tôi có Phật
Nếu ngực Phật anh thuận lòng
Thì yếm thắm này thuyền xin theo sông

Tôi ấp môi son vú mẹ
Lè phè nằm nghe Phật hát
Phật hát lời cò trắng muốt
Trắng muốt vì cò không phải là công
Phật hát lời cua đi ngang
Dẫu đi ngang cua vẫn chẳng lạc đường…

Suốt tuổi thơ tôi bú lời Phật hát
Quay sa mẹ hát lụa tơ
Ra đồng mẹ hát nắng mưa thuận hòa
Lời trăng thủ thỉ vai cha
Cỏ hoa mẹ hái bao la dành riêng con
Mẹ nhấn véo von
Lòng buồn cũng chớ nhuộm buồn có hoa

Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật
Con thưa trong ngực con có mẹ
Mẹ khóc nhòe và ngực tôi bỗng hát
Lời mẹ hát có, lời mẹ hát cua
Ngực con đầy tiếng mẹ ru..

Hà Nội, Một Tết dài mãi..
VANDANBNN


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY / MẸ KHÓC

 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

Thơ Tụng Tết Càu An
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

MẸ KHÓC

Mỗi khi con thấy mẹ ngồi bệt xuống hè
Tay cầm cây quạt nan
Là con biết mẹ đang đè buồn, nuốt giận
Khóc ở trong lòng..

Khóc trong lòng nước mắt chảy đi đâu?
Cầu cho nước mắt chảy vào gan vào ruột
Để nước mắt trôi ra ngoài
Nhưng nước mắt không chảy vào gan ruột
Mà chảy vào tim rồi hòa vào máu
Chẳng bao giờ con có thể lau

Những lúc ấy con quì trước mẹ
Hai tay dụi gọi Mẹ ơi!
Trên trời tất nhiên có Giời
Nhưng sao Giời nỡ bất công
Để con càng lớn càng cao mẹ càng già càng thấp

Ôm con mắt mẹ úp ngang vai
Mẹ bảo mẹ khóc mừng khóc phúc
Mừng phúc mẹ khóc như mưa
Phùn xuân rào hạ
Mầu khóc hồng son

Con tắm trong khóc mẹ ngập hồn
Tinh chất khóc ngấm vào da thịt
Con không chùi không lau
Con không trả khóc về mắt mẹ..

Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn ,khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người..

Hà Nội, Một Tết dài mãi
VANDANBNN

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ THƠ MÙA TỨ QUÝ



CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
THƠ TỤNG TẾT CẦU AN


MÙA TỨ QUÝ

Mười tám ngày tháng Ba (*)
Mẹ cãi dân văn không chịu trông vào (**)
Mẹ gọi rét Bân về cho cha mặc áo
Áo Bân dệt vời mưa phùn
Cha mặc vừa in bảo ấm..

Mười rám ngày tháng Sáu (*)
Mẹ tần đồng xa mẹ tảo đồng gần
Tép cà gia bản
Cơm ngô khoai độn với sum vầy
No cười như mưa bóng mây..

Mười tám ngày tháng Chín (*)
Mẹ theo hịch dân văn trông ra
Váy phùng, đòn gánh, yếm tơ
Cùng dân làng mẹ đi đón mùa thu
Hớn hở mùa thu chào mẹ

Mười tám ngày tháng Chạp
Mẹ đồ xôi, đóng oản
Mẹ nấu chè kho
Mẹ bảo khổ thế nào cũng phải vui ba ngày Tết
Rước tổ tông về
Vì thế, và thế
Càn khôn đón mẹ tôi về mùa Tứ Quý

Mùa Tứ Quý có suốt quanh năm
Chả thế tôi làm sao thành một lực điền
Cày cuốc quanh năm không mỏi mệt
Chả thế làm sao tôi yêu em
Yêu lâu thế mà sông tình vẫn đẹp
Chả thế tôi làm sao nuôi dạy các con
Nếp tẻ đều thành người tử tế

Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ
Sau trăm tuổi xin cho tôi về mùa Tứ Quý
Để tôi hầu hạ mẹ tôi...

(*) Mùa tính theo ngũ hành.
(**) Dân gian nói : Đói tháng Tám trông ra, đói tháng Ba trông vào.

Sài gòn 1990 -2010
VANDANBNN


Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG MĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ CHÙA VIỆT Ở SEATTLE

CHÚC MỪNG MĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

THƠ TỤNG TẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


CHÙA VIỆT Ở SEATTLE

Con trai tôi thường đến đây những lúc thương cha nhớ mẹ những lúc tâm hồn tròng trành những lúc không biết nên khóc hay nên hát

Chùa thấp von như chủa làng quê Việt. Thấp von không phải bởi rét mướt mà bởi chùa làng khiêm cung tu thân từ thanh nghèo bạch khổ. Chư Phật, chư Bồ tát, chư tăng tọa sát mái chùa, thắp nhang, tay người chạm tay Phật, Phật như bằng hữu, như người thân, như xóm láng giềng làng
Vườn chùa thanh tịch, cây chay trĩu những quả chay, phật thủ ngâu hoa nhắc nhở lời tịch diệt
Con đang cầu gì mà tay chắp ngực, mắt lời không chớp
Lạy Mẹ Quán Thế Âm, xin cho chúng con tam đại đồng đường. Lạy Chúa cứu thế, xin cho chúng con tam đại đồng đường. Lạy Thánh Ala, xin cho chúng con tam đại đồng đường
Con lạy thế bởi con không nhập đạo, con chỉ có đức tin, trong con linh thiêng Phật, linh thiêng Chúa hay linh thiêng Ala cũng chỉ một linh thiêng toàn năng cứu thế
Xin hãy cứu vớt cha con một đời bền gan ngộ huệ, không sân si, không thù oán, lòng chỉ nguyện sống đời tử tế
Xin hãy cứu vớt mẹ con, từ bể khổ được lên thuyền Bát Nhã, đức hy sinh dài  sông cao núi, trọn đời vú sữa nuôi con
Xin hãy cứu vớt em con tay em chỉ vừa mới hái cầm hạnh phúc
Xin cứu giúp các con con, chúng đang là những bông thu trước mùa đông tuyết băng mưa đá
Riêng lẻ chúng con thật yếu đuối. Xin cho chúng con tam đại đồng đường. Ăn mày Phật, ăn mày Bồ tát, ăn mày chúng Tăng tam đại đồng đường trong ngôi chùa Việt nhỏ mà nội lực sinh tồn vạn đại, toàn năng cứu độ chúng sinh

Trước một văn hóa lạ hoắc, một miệt rừng mênh mông, sông đã rộng còn thêm ao hồ khủng, những ngưởi Việt  nhập cư đã không hơ hoảng hoang mang, không ngã lòng khiếp sợ, đã nhanh tay dựng ngôi chủa Việt xóm, Việt làng, Việt quê để gieo trồng hạt giống đức tin
Đức tin tam đại đồng đường, cây mọc ở đất nào cũng có gốc có thân có ngọn,  cũng ra hoa kết trái, dẫu cóc ổi trần bì dâu da…dẫu nho thì cũng Phan Rang, táo nhỏ như bi cũng don don dầm đường Hà Nội
Chỉ riêng điều cầu xin tam đại đồng đường xum họp, cha và con đã khác biệt nguyện cầu, khác biệt  nào trái tim cũng ngộp
Một hớp thơ cha: Ly hương ư? Tóc bà heo may. Lưng còng ngồi se sợi gió. Nhà cha dột ai lên rừng tìm tre nứa. Canh bờ rào mẹ nấu để ai ăn. Hoa dại dại tay ai cầm. Anh đi rồi ai tặng hoa em nhỉ? Kẻ chạy trốn bọc trăm trứng mẹ. Nở thành người được chăng?
Một hớp lời con: Nguyện cầu của cha ngược về quá khứ, mộng mơ trồng lại những cây cành đã chết. Nguyện cầu của con nhìn về tương lai. Con muốn các con của con được sống làm người
Bất đồng cha con hóa giải 16 năm chưa xong
Hèn chi đã gần bốn chục năm vết thương chiến tranh Bắc Nam vẫn còn rỉ máu
Hèn chi cầu xin của các con tôi mãi mãi chỉ là ước mơ xum họp một nhà, một nhà như tam đại đức tin trong ngôi chùa Việt
Chùa thấp von như chùa làng quê ta. Thấp von không phải bởi rét mướt mà bởi chùa làng khiêm cung tu thân từ thanh nghèo bạch khổ. Chư Phật, chư Bồ tát, chư tăng tọa sát mái chùa, thắp nhang, tay người chạm tay Phật, Phật như bằng hữu, như người thân, như xóm láng giềng làng

Đấng toàn năng trong ngôi chùa Việt ở Seattle đã tiếp nhận nguyện cầu con sắp bầy cổ tích
Em gái con du học Bắc Kinh, thích yêu quê mẹ, thích yêu tranh thủy mặc, lá rụng về cội lòng chẳng chút mơ hồ phương tây
Vậy mà một người trai Mỹ, lon ton Bắc Kinh, gặp sét em gái con nhất quyết đòi thành chồng vợ.
Câu chuyện kết thúc có hậu theo sắp đặt của Đấng toàn năng em gái tôi về Seattle theo nguyện vọng của tứ thân phụ mẫu, của anh trai chị dâu, của đích tôn Kít-Cát hội nhị đại đồng đường
Anh em đã xum vầy nhị đại, mà sao con vẫn chắp tay nguyện cầu.
Này con, Đấng toàn năng nghe chuông từ mọi phía, nghe nguyện cầu từ nhiều lòng, vô tư công bằng thuận lý, không ai có thể cưỡng bức nguyện cầu
Chúng ta đang có cây gia phả ba đời. Gốc cha mẹ nơi quê làng người Việt. Thân cành các con và hoa trái các con con xum xuê trên đất Mỹ. Một cây gia phả đang có. Một cây gia phả hiện thực.
Ngôi nhà của mẹ cha rộng cửa. Con cháu của ta phải biết rộng lòng. Năm nay, ngày này, bây giờ chẳng phải tam đại chúng ta đang đồng đường trong căn nhà của con? Trên sân ngôi chùa Việt tín ngưỡng của con?
Ước mơ có giới hạn là ước mơ hiện thực. Ước mơ không giới hạn là mơ ước viển vông. Nhìn cây tam đại đồng đường nhà ta xum họp cha mẹ dụi mắt  ngỡ tưởng nằm mơ
Đấng toàn năng đang hỷ xả tươi cười
Tại sao con khóc? Đầy một sân chùa Việt trai gái trẻ già sao ai cũng khóc? Nước mắt chảy xuống Lake Washington hồng xanh trong veo. Đem theo hình bóng ngôi chùa Việt ở Seattle hồng xanh trong veo.
Nước mắt con tôi, tín ngưỡng con tôi, tam đại đồng đường tôi, những tam đại đồng đường người Việt tha hương như tôi…đang trôi về với cội nguồn.
Tháng bảy quê nhà đang mùa báo hiếu…

Seattle, 20/8/2011
Thơ Nguyễn Nguyên Bảy
VABDANBNN

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / GỌI XUÂN

 

Thơ
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

GỌI XUÂN

Đâu chỉ bởi hai chữ xuân về nhẹ hều
Mà xuân về trên đất ngọt Sugar Land
Bỏ lại sau lưng cơn bão tuyết khủng
Những thảm cỏ chết cóng, những ngọn cây chết cóng
Những mái nhà phủ băng trắng, nhưng con đường phủ băng trắng
Những ống nước vỡ toang, những đường điện rét toang..
Miền Đất Ngọt trắng chìm trong băng giá..
Không cam chịu, đất thức người, người cùng đất
Lội trong băng giá gọi xuân về..

Cơn bão tuyết khủng thổi ngực người xa quê
Băng giá trái tim già yếu
Đất và Người Sugar Land mở lòng cứu người
Những bác sĩ Mỹ - Phi hạng nhất.
Mổ tim thông vá dịu dàng
Những y tá Mễ - Hàn nhân hậu như em
Dỗ ăn uống thuốc men cười ngọt mía
45 ngày nổi chìm dâu bể
Kẻ xa quê sống lại mà yêu..

Đâu chỉ bởi hai chữ xuân về nhẹ hều
Mà xuân về trên đất ngọt Sugar Land
Người Sugar Land lội bão gọi xuân
Kẻ tha hương dẫu xe lăn lẫm chẫm
Cũng cố cùng dân làng không chịu chậm
Bước gọi xuân..

Viết sau mổ tim tại Viện tim
Methodist Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ
Tháng 3.2021
VANDANBNN 

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Thơ NGUYỄN NGUYEN BẢY / TẾT MIỀN XA QUÊ

 

Thơ NGUYỄN NGUYEN BẢY

TẾT MIỀN XA QUÊ

1.
Một trời bão tuyết trắng phau
Không nhang khói Mẹ biết đâu lối về ?
Giao thừa mâm cúng trà quê
Tuyết ùa xuống uống tái tê lòng trà
Giao thừa bão tuyết bao la
Mâm cúng nở trắng bảo là xuân sang..

2.
Vội vàng, vâng, rất vội vàng
Xuất hành hướng miền xanh xin lộc
Vườn cây nào cũng trụi lơ khô khốc
Không một cành xanh có thể hái lộc về 
Hơ hải chạy hướng quê
Nửa trái đất làm sao chạy tới ?
Nghe rất nhiều tiếng gọi nhau í ới
Về nhà thôi, nơi duy nhất có hương xuân
Bươn bả về, nén khóc xuống chân
Vợ đang xào Thúy Nga xuân tìm tiếng pháo
Con đang nhai bánh kẹp thịt mỡ dưa hành thay bánh tét
Hai đứa cháu song sinh đang líu lo tết..tết
Ông thong thả mở thiệp xuân tìm hoa đào hoa mai
Tìm cụ đồ người muôn năm cũ
Mỗi năm cùng xuân về
Viết mừng tuổi đời câu chúc đỏ..
Thế đó, Tết tha hương nức nở
Ngoài trời tuyết vẫn trắng vô tâm..

3.
Câu chúc đỏ năm nay: Tuyết tan
Xuân về..

Viết nhớ tết bão tuyết tháng 2.2021
tại SugarLand, Houston Texas Hoa Kỳ
VANDANBNN


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / Nguyễn Nguyên Bảy/ “CHỈ CÒN GIẢI PHÁP TU THÂN ĐỨC TIN ”

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

Nguyễn Nguyên Bảy
Bài tụng Tết cầu an

“CHỈ CÒN GIẢI PHÁP TU THÂN ĐỨC TIN ”
(Minh Thi thực hiện)

@ Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy nổi tiếng đa tài: Không chỉ làm thơ, viết tiểu thuyết, ông còn là dịch giả, nhà báo, nhà nghiên cứu kinh dịch, phong thủy, tử vi. Trong đời người, mỗi cá nhân đều có cách trở về khác nhau. Mỗi dân tộc lại càng có cách về khác biệt. Ở nhiều góc độ như vậy, ông có cách nhìn sâu sắc và thâm thúy quanh cái sự về của người Việt. 

@ Ông nghĩ gì về một chữ “về” khi năm hết Tết đến và chữ “tụ” trong tâm hồn Việt? 

Nguyễn Nguyên Bảy: Vì lý do này hay khác, người ta có thể cứ đi mãi, lang thang mãi, xa quê mãi vì miếng cơm manh áo. Nhưng mỗi khi có dịp, ngay lập tức, người ta trở về, trở về nơi cắt rốn chôn nhau, quê làng, hương xóm cũng là nơi gốc hồn…để hít thở, để tắm gội, để dưỡng nuôi cái xác bấy lâu vì sinh tồn, sinh lý mà tha hương hồn. Dịp trở về truyền thống nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất chính là dịp Lễ Tết. Vì thế chữ Lễ Tết, theo một khía cạnh tâm linh, đồng nghĩa với hai từ Sum họp. Chữ Sum họp theo một khía cạnh mênh mang nào đó, đồng nghĩa với hai chữ Gia đình, với hai chữ Tổ tông, với hai chữ Quê hương. Chữ quê hương mở rộng nghĩa mà không lạc đề là dòng chữ tâm can: Cháu con ở đâu, quê hương ở đó. Thế nên, Tết là sum họp. Sum họp để người ở hay kẻ đi xa trở về, thắp lên bàn thờ gia tiên nén nhang tình, nhang nghĩa, nén nhang tri ân để nhớ, để tu thân, và rồi quây quần bên nhau, ông bà, cha mẹ, con cháu…trên một chiếu rượu, chõng trà, để kể cho nhau nghe chuyện chiêm mùa, giông bão, chuyện sự nghiệp, công danh, chuyện ly loạn, chuyện phản trắc, lọc lừa chỉ với mục đích báo cáo của người dưới lên người trên và nụ cười khuyên mừng của người trên ban cho kẻ dưới. Sum họp này, quây quần này là quây quần sum họp dưới gốc hồn, dưỡng lực cho xác, nuôi chí cho tâm, nói cách khác là bồi bổ đức tu thân mà làm người tử tế. 

@ Là một nhà nghiên cứu kinh dịch và phong thủy nhiều kinh nghiệm, xin ông cho biết, vì sao thời nay người ta hay nói nhiều đến đức tin, tu thân và bắt đầu quay về ngôi nhà của mình, tổ chức sắp xếp một tổ ấm đúng nghĩa, thay vì tranh đấu căng thẳng ngoài xã hội? Phải chăng, quan niệm, thái độ sống của người hiện đại đang thay đổi? 

Nguyễn Nguyên Bảy: Một thời gian quá dài, rất dài, chúng ta đã hoang đường như sấm (sấm lớn mưa nhỏ, sấm có tiếng nhưng không có lực) luôn rao giảng cái tốt đẹp cái vĩ đại của thời tương lai, thời sẽ thế giới đại đồng, thời cả nhân loại cùng thương yêu nhau. Chúng ta mải mê tiến bước theo cái hoang đường ấy. Mà bỏ quên hay xem nhẹ cái chỗ hiện tại mà gốc của nó là Gia đình. Lý xuôi, thuận phải là từ cái tôi trong khu vực Gia đình, từ Gia đình ra Tổ Quốc, ra thế giới. Nhưng chúng ta đã đi ngược và có vẻ như bằng lòng với sự ngược đó. Nên cái tôi bị coi là ích kỷ tầm thường, khu vực Gia đình bị xem là bé nhỏ, mờ nhạt, thế nên chân móng của đạo đức bản thể cũng như đạo lý gia đình bị xâm hại, bị lún sụt mà đức tin - bản chất của khí, của hồn - chao đảo, ngả nghiêng, hoang mang, ngã quỵ không phương bấu víu để đứng dậy, ngay cả bấu víu ấy chỉ là một câu thơ… 
Vì thế, thời nay, người ta hay nói nhiều đến đức tin, tu thân và bắt đầu quay về ngôi nhà của mình, tổ chức sắp xếp một tổ ấm truyền thống như thời các cụ xưa, một truyền thống đúng nghĩa và nhất thiết phải kế thừa giữ gìn. Từ tổ ấm đúng nghĩa, người ta gây dựng lại tình ruột thịt, để thấm thía nghĩa đồng bào, mà chia sẻ sướng khố cùng nhau thay vì gươm giáo gây gộc tranh đấu căng thẳng với nhau trong môi trường xã hội. 

@ Còn nhìn ở góc cạnh dịch lý, thì cái sự về ấy thuận tự nhiên ra sao, thưa ông? 

Nguyễn Nguyên Bảy: Theo ma trận Kinh dịch được số hóa, thì số 1 tên gọi là sự nghiệp hay là bản thể của một con người, tiến lên số 2 tên gọi là Hôn nhân, tức là một đạo dương/âm cần được hoan phối với một đạo âm/dương để trường tồn nòi giống, để còn mãi làng quê, non nước, để sau đó tiến lên số 3 tên gọi là Gia đình.. Dẫn từ số 1 tiến lên 2, rồi 3, nhận thấy sự thuận lý vốn có từ khi có loài người, đó là sự thuân lý sống làm người (số 1), kết hợp với nhau để sinh tồn, sinh lý (số 2) mà thành môi trường, tuy số 3 chỉ ý nghĩa Gia đình, nhưng thực ra chữ gia đình hàm nghĩa môi trường nhỏ là lân bang xóm giềng, lớn hơn chút là làng quê, lớn hơn nữa là non sông, thậm chí hàm cả nghĩa thế giới, vũ trụ..1 lên 2, rồi 3 là bước ma trận tiến/ thuận…Nói cách khác là truyền thống đạo lý xã hội người từ ngàn xưa đến nay. Một thời gian, chúng ta nhầm hướng, nay đi lại, chậm hơn người khác, xã hội khác, nước khác, nhưng vẫn tốt hơn, và nếu chúng ta thành thực tu thân và mạnh bước thuận tiến, thì việc chúng ta tiến kịp người không là sự viển vông mơ hồ.. 
Ở trên đã nói sơ qua về bước tiến thuận từ số 1 lên số 3. Đây là ba bước khởi căn bản nhất trước khi tiến lên số 4. Số 4, tên gọi là phú quí, tàng ẩn ý nghĩa thành quả của lao động, cũng là cơm áo gạo tiền, cũng là điền sản, tài chính, ngân hàng...Đó chính điều kiện căn bản nhất của sinh tồn, là lý tưởng của cuộc sống. Nhưng, đã một thời gian dài, đạo đức của chúng ta bụng thích tiền, tham tiền, nhưng ngoài mặt coi khinh tiền, nhổ nước bọt vào tiền, rủa sả tiền, dối gạt tiền, bỏ tù tiền.. Để đến bây giờ, hiện nay, thời nay, đồng tiền hiện ra toàn phần hai bộ mặt Tiền (phải) và Bạc (trái). Mặt Tiền với ý nghĩa Xanh, Sạch, Đẹp gầy còm yếu ớt trước mặt Bạc của tham nhũng, hối lộ, mua quan, bán chức, độc quyền, băng hoại, lợi ích nhóm…Con người, gia đình, xã hội, đất nước bị đồng tiền tàn phá nghiêm trọng, đạo đức suy đồi, đức tin triệt giảm, cảnh báo nguy cơ tồn vong một xã hội, một đất nước. 
Trước thảm họa này, chỉ còn duy nhất một giải pháp Tu thân Đức tin. Sau số 4 là số 5, số 5 tên gọi là Đức tin, ngự nơi trung tâm, trên mặt tượng là mũi, cửa ra vào của khí (bóp mũi chết ngay), không có đức tin là chết, trên cơ thể người là bụng và bộ phận truyền giống, không có đúng nghĩa khu vực này con người không còn là con người. Tu thân sống theo đạo lý làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc, không còn là giải pháp lý thuyết, mà phải là giải pháp hành động, tan hòa vào máu thịt mỗi chúng ta. 
Vậy Đức tin là gì? Đức tin là điều, là sự mà khi ta đặt câu hỏi và trả lời được câu hỏi, thì điều và sự đó là đức tin. Không trả lời được thì không tin, không phản bác, nhưng tạm xếp vào khu vực dị đoan. 

@ Nhiều người cho rằng, một khi một xã hội ở trong hoàn cảnh bất thường, thì sẽ có những hiện tượng không bình thường về mặt tâm linh. Gần đây có những trào lưu ngoại cảm giả thật lẫn lộn, xin ông cho biết suy nghĩ của ông về vấn đề này? 

Nguyễn Nguyên Bảy: Hiện đang rộ hai luồng đức tin ngược chiều nhau về thật, ảo của các “nhà ngoại cảm” về thế giới âm. Đây thực ra là hiện tượng không bình thường về mặt tâm linh, xảy ra trong một xã hội khủng hoảng đức tin. Nhưng như đã nói, đức tin có chân lý, đức tin sẽ tự mách bảo chúng ta về thật/giả của cái gọi là “ngoại cảm”. Gieo hạt mơ hồ, hoang đường, dối gạt thì sao có thể gặt hái được mùa màng đức tin? 
Đức tin lúc hao khuyết theo thời thế, lúc vượt qua ranh giới thành ra mê tín, nhưng cái đạo làm người, đạo đối nhân xử thế của tổ tiên, đạo thờ cúng ông bà, gia tiên thì dường như luôn trường tồn, khiến người sống thanh thản trong tâm, bất chấp mọi biến cố lịch sử. Về tựa gốc hồn để tu thân đức tin mà sống làm người tự tế. 

@ Xin cảm ơn ông. 

Báo Lao Động Cuối Tuần xuân Giáp Ngọ

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / Nguyễn Nguyên Bảy/ XUẤT HÀNH XUÂN CÙNG NGỰA GIÁP

 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

Thơ Tụng Tết
Nguyễn Nguyên Bảy

XUẤT HÀNH XUÂN CÙNG NGỰA GIÁP


Neo chân ngựa trên triền đê cỏ
Tôi cầm tuổi bảy mươi vào căn nhà lá đầu sông
Trong nhà có chiếc trống gầy
Mặt trống khắc trăm chim lạc
Bay cùng chim lạc là bát lư đá
Lư lạnh tro và chân nhang
Thắp một nén hương khấn Mẹ,,,

Triền đê ngựa hý dục
Tôi nhìn tìm trong khói nhang
Thấy chợ hoa Hàng Lược
Trăm năm trước mẹ bán hoa đào ở đấy
Ngực cau chín áo nâu phai
Thấy con sao Mẹ quay mặt đi?

Ngựa lại hý
Tôi thắp thêm cây nhang xá tội
Thấy Mẹ trên trời
Rắc nắng ngăn phùn nghèo bấc buốt
Rải gió cho hoa ấm Tết
Thấy con sao Mẹ vẫn quay mặt đi?

Tôi thắp thêm nhang
Nhang không cháy
Lư đá biến mất trống đồng biến mất
Căn nhà cũng biến mất,,
Tôi chạy ra triền đê cỏ
Ngựa cũng đi xa rồi..

Bừng tỉnh tuổi bảy mươi
Đức tin cất tiếng gọi Mẹ ơi, Ngựa ơi
Con đã ngộ nơi đi chốn đến
Mẹ thương gọi ngựa quay trở lai
Hừng hực vó xuân thượng mã
Tóc lau ngựa gió nắng xanh..

VANDANBNN


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 / NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Thơ KHAI QUẬT HOÀNG THÀNH



CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Thơ tụng Tết cầu an

KHAI QUẬT HOÀNG THÀNH

Đất này Hoàng thành Thăng Long
Người du xuân thơ thẩn, thẩn thơ..

Vườn xuân đang trong mùng
Không biết là thời nào vua nào
Chỉ thấy vua áo vàng, các quan áo đỏ áo xanh
Dân con áo nâu, áo đen
Dưới nắng luân tình múa hát
Góc vườn la liệt bánh dầy, bánh chưng
Vua truyền đói ăn, khát uống
Ba ngày tết được sống no
Nhưng chớ tham lam tắt mắt lộc về nhà
Sau vườn mắt đao không ngủ..

Một đức vua đang thơ thẩn thẩn thơ
Sang tai người du xuân: Ngươi họ chi?
Đáp: Thưa tôi họ Nguyễn
Lời sang tai: Họ mới, họ mới, họ mới
Sau họ Trần tru di họ Lý?
Sau họ Lê tru di họ Trần?
Hay sau tru di Mạc Trịnh?
Tầng tầng tru di
Trăm họ đông đàn thành Nguyễn..

Nổi giận vì ngày xuân nhắc chuyện tội ác
Người du xuận bực gắt
Vua đã ma sao thét trảm được người
Thơ bước đi mắt tứa máu
Máu mắt hỏi mây
Mây ngàn năm vẫn bồng bềnh cờ lau
Máu mắt hỏi gió
Gió ngàn năm vẫn xanh tóc Bạch Đằng
Chỉ có nắng mỗi ngày già xong lại trẻ
Tích chuyện Hoàng thành xưa rồi nay
Nay rồi xưa
Hoàng thành khai quật
Lịch sử làm sao chôn?
Áo nâu, áo đen hóa non sông tạc hình trẫm chúa
Bia miệng nhục vinh..

Người du xuân bảy mươi tuổi ngẫm tình
Một đức vua rời vườn múa hát
Ngắt một bông hoa điều lại gần sang tai
Tết xán lạn thế này sao nhà ngươi không vui?
Không đáp, nhanh chân theo nắng
Nắng quá Ngọ tóc đã muối rang
Đang rừng rực đỏ về chiều..


Mồng 7 Tết Giáp Ngọ
Sách KInh Thành Cổ Tích
VANDANBNN


Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ thơ / ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU ?



NGUYỄN NGUYÊN BẢY
thơ

ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU ?
Gừi Hòa PY

Tôi hỏi Càn Khôn hư không
Ta sẽ đi đâu, về đâu?
Hư không thì thầm: Mổ tim ra rồi biết
Rồi Càn Khôn bỏ đi và tôi chìm vào giấc mê sâu..

Trong mê tôi thấy vũ trụ tròn như trái cam
Đông và Tây thay nhau sáng tối
Sáng bên Đông khi thì hiện ra Kinh Thành Cổ Tích, (*)
Khi thì hiện ra Thành Phố Ngọc Ngà (*)
Sáng bên Tây khi thì hiện ra Seattle Washington, (*)
Khi thì hiện ra Sugar Land Houston Texas (*)
Vỗ ngực bốn nơi này đều là quê tôi
Các thành phố bên Đông tôi sống thời trai trẻ
Các thành phố bên Tây tôi ở lúc tuổi chiều..

Trong mê, nhìn trời nơi nào tôi cũng thấy Mẹ tôi
Đang cần mẫn gánh hoa mưa hoa nắng
Lạy Mẹ, con sẽ đi đâu, về đâu ?
Mẹ cười: Con bận tâm chuyện đó làm gì
Phận nhà ta thường dân tử tế
Không có cửa thăng lên thiên đường
Cũng không phải giáng xuống địa ngục
Mà ở bến luân hồi
Nếu là hạt mưa con hãy xuôi ra biển
Rồi thăng mây
Mẹ sẽ cho con chen ngang mây mưa
Về lại đất làm người..

Trong mê, nhìn đất dọc hai bờ sông Cái
Nơi nào tôi cũng thấy Cha tôi
Ngạo nghễ trên thuyền cỏ mật
Chở đầy ắp những phù sa..
Lạy Cha, Con sẽ đi đâu, về đâu?
Cha đáp: Con có thấy những hạt phù sa trên thuyền cỏ của ta
Đều là linh hồn người cả đấy
Phù sa đang hóa thân vào đất
Trả ơn cho Đất
Đất phì nhiêu mùa màng
Con không cần xin ta chen ngang
Mỗi năm mỗi lứa phù sa luân hồi..

Trái tim tôi về lại quê tôi
Lồng ngực khâu vá lại
Câu hỏi: Đi đâu về dâu đã có lời đáp
Tôi hớn hở làm người..

(*) Hà Nội, Sài Gòn, Hai thành phố nổi tiếng ở Mỹ.

Viết sau mổ tim tại Viện Tim Methodist 
Sugaland Houston Texas Hoa Kỳ
Tháng 3. 2021
VANDANBNN

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN – 2022 / thơ nguyễn nguyên bảy / BẾN ĐỢI


CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN – 2022

thơ tụng tết cầu an
nguyễn nguyên bảy

BẾN ĐỢI

Anh tin những giọt sữa sừng tê
Em mài trong đĩa nước mắt
Anh tin thứ mộc nhĩ
Sắt chỉ bằng lưỡi dao tình
Táo tàu tháng xuân, gừng già tháng hạ
Sắc liu diu trong lửa trăng xanh..

Anh tin thứ nghệ vàng
Trộn với đương qui trắng
Với tam thất bột pha mật ong rừng
Nêm chín giọt sữa trinh uống sống
Bát thuốc tình nào em cũng nuôi hy vọng
Anh uống giọt dỗ dành ngoan ngoan
Mà đứng dậy đè cơn lũ dữ
Bơi về bến đợi tình em..

Thơ Nguyễn Nguyên Bảy, tụng Tết
VANDANBNN 

Lê Thiếu Nhơn / NGUYỄN NGUYÊN BẢY – LÝ PHƯƠNG LIÊN VỢ CHỒNG CẦM BÚT, BUỒN VUI GẬP GHỀNH

Lê Thiếu Nhơn NGUYỄN NGUYÊN BẢY – LÝ PHƯƠNG LIÊN
VỢ CHỒNG CẦM BÚT, BUỒN VUI GẬP GHỀNH
Trong giới cầm bút, có nhiều cặp vợ chồng nổi tiếng. Thế nhưng, cả vợ lẫn chồng đều làm thơ và sống bên nhau trọn đời, lại không có nhiều. Năm nay Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên tổ chức đám cưới vàng, đánh dấu nửa thế kỷ họ sánh vai trên đường thi ca buồn vui gập ghềnh. Thi sĩ vợ chỉ cười hiền hậu khi nhắc đến hạnh phúc, còn thi sĩ chồng tếu táo: “Khi mới đến với nhau, chúng tôi nằm trong số những người khổ nhất quả đất. Còn bây giờ, chúng tôi lọt vào top những người sướng nhất quả đất”. 1. Đều sinh trưởng ở Hà Nội, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy lớn hơn thi sĩ Lý Phương Liên 8 tuổi. Khi chàng cử nhân Nguyễn Nguyên Bảy đã đường bệ cán bộ biên tập ở Đài Tiếng nói VN thì nàng công nhân Lý Phương Liên tập tễnh làm thơ để vơi bớt niềm riêng cay cực. Là chị cả của bốn đứa em. Lý Phương Liên phải bươn chải cùng mẹ gánh vác gia đình khi người cha mất sớm. Năm 18 tuổi, Lý Phương Liên lại hứng chịu thêm một cú sốc, người mẹ trúng bom Mỹ qua đời. Gạt nước mắt, Lý Phương Liên xin làm công nhân ở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo để nuôi em ăn học. Khoảnh khắc ấy, chị viết: “Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi// Sống vẫn lời mẹ dặn thiêng liêng…”. Và cũng từ xót xa số phận mình, Lý Phương Liên đã có bài thơ “Tâm sự với Thúy Kiều” gây chấn động đời sống văn học cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Lý Phương Liên không chỉ khước từ ngõ cụt tăm tối “Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây/ Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên/ Kiểu gì chết cũng thấp hèn/ Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời” mà còn quyết liệt chọn lấy một sự tồn tại hướng đến tương lai: “Chúng ta mở cửa cuộc đời/ Và cầm lái con thuyền nhân định/ Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người”! 2. Vụt lên như một hiện tượng thơ, nhưng đối với Lý Phương Liên, sự thành công dạo đó chỉ đơn giàn “cha mẹ mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố… Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do toàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi!”. Nói là nói vậy, nhưng một nàng công nhân làm thơ “Ca bình minh” về chính nhịp sống lao động bộn bề trên miền Bắc vừa xây dựng vừa ủng hộ miền Nam đánh Mỹ, cũng đáng để công chúng mến mộ: “Bạn bè em có nhiều ý lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của những đêm đầy trời sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh/ Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình/ Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ/ Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường/ Đón bình minh đất nước”. Chính nhờ những câu thơ trong sáng và đắm thắm của cô công nhân Lý Phương Liên, đã khiến chàng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy tìm kiếm cơ hội hạnh ngộ. Vốn đã đồng cảm với thơ, lại gặp người con gái xinh đẹp và tháo vát, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy lập tức đem lòng si mê. Bài thơ “Thư tình đầu” được Nguyễn Nguyên Bảy viết năm 1968 đánh dấu thời hẹn hò của họ: “Tình yêu gọi dòng sông xuôi về biển/ Chim đầy vườn ríu rít gọi mai lên/ Mỗi bông hồng chọt hiện một nàng tiên/ Em đã đến để lòng anh thương nhớ”. Còn nàng thì sao? Giữa những giờ đứng máy và bao việc vun vén cơm áo cho bốn đứa em, Lý Phương Liên bất chợt nghĩ đến người yêu ngày đêm chia sẻ những ngược xuôi túng bấn: “Muốn khuyên anh nhiều lắm/ Gặp nào cũng muốn khuyên/ Nhưng gặp lại quên/ Vì sao? Vì sao em không biết/ Cái cười anh thương thương/ Thế là em quên hết/ Rồi về nhà lại lo/ Rồi về nhà lại thương/ Những điều khó nói/ Không đành để mãi trong lòng/ Nên viết gửi anh/ Bài thơ về những điều khó nói”. Khi tình yêu đã chín muồi, Lý Phương Liên nhận lời cầu hôn của Nguyễn Nguyên Bảy cuối năm 1969. Hoàn cảnh nàng chật vật, mà hoàn cảnh chàng cũng không dễ chịu hơn. Không sao, trái tim thi ca giúp họ tự tin gắn bó với nhau. Cũng chẳng có gì phải chuẩn bị cho ngày làm cô dâu, Lý Phương Liên thắp mấy nén hương lên bàn thờ để “Xin phép mẹ đi lấy chồng” bằng lòng thành trong khói tỏa: “Anh ấy cao cao/ Căn nhà cao đồ đạc thường cũng mát/ Vẻ thông minh thu vào đôi mắt/ Nốt ruồi cửa miệng làm duyên/ Anh đến với con choáng ngợp phút đầu tiên/ Là đôi mắt say và nụ cười như nói…/ Rồi thời gian sẽ đáp lời thủy chung/ Rồi thời gian biết gừng cay muối mặn/ Trong hương thoảng nghe rõ lời mẹ dặn/ Cách làm vợ làm chồng sau đám cưới tình yêu…”. Còn chú rể Nguyễn Nguyên Bảy cũng cam kết: “Anh hứa đôi ta mùa gặt/ Nếp cho đời là nếp cái hoa vàng/ Tẻ cho đời là tẻ xoan tẻ dự/ Anh chỉ xin tình một điều/ Chợt đôi lúc anh lạc mê lạc lú/ Em hãy Bồ Tát khoan dung”. Hai mảnh đời thi sĩ run rẩy của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên bước vào cuộc sống vợ chồng với bao khó khăn chồng chất. Lý Phương Liên xa dần những vần điệu khát khao, chỉ còn Nguyễn Nguyên Bảy níu giữ những phút giây lặng lẽ sống, lặng lẽ thơ của họ: “Có em tủi tủi mừng mừng/ Khỏi than thở nỗi chưa từng được yêu/ Có em như có tín điều/ Thuyền đời phải vượt bao nhiêu thác ghềnh”. Nguyễn Nguyên Bảy ghi lại sự bình yên trong lam lũ: “Câu văn vần này em đã không quên/ Anh ngủ nướng ban mai nghe chổi hát ngoài thềm/ Quét bụi mưa bụi gió/ Thức dậy không thấy nón thấy rổ/ Biết là cò đã đi chợ cỏ lau/ Đổi kẹo lạc kẹo vừng lấy củi lấy rau…” và ghi lại sự sóng gió trong tin cậy: “Mất việc, bạn cho mượn chiếc máy may/ Cấp vốn một chỉ vàng/ Vợ te te đi mua vải/ Chồng thành thợ may hiên ngang/ Thương vợ mòn chân đi ký gửi hàng/ Học Tú Xương ơn thương cò lặn lội/ Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi/ Khúc sông này bát ngát một tình ca/ Chở máy khâu trả bạn cười xòa/ Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ/ Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ/ Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa”. Nhờ họ có nhau và có thơ, nên tại tổ ấm nhỏ bé mà Nguyễn Nguyên Bảy thường ghi chú “dốc Thọ Lão, căn nhà muỗi 16”, cũng có một “Vườn chiều” mơ mộng: “Một vườn chiều có thực/ Máy bay địch đã bay xa/ Hai đứa nhoi lên từ hầm trú ẩn/ Và một vườn chiều khác hẳn/ Tiên Dung căng màn trên cát mềm/ Sao em chọn chỗ này để tắm/ Chử Đồng Tử tôi nghèo lắm/ Khoan khoan xối nước khoan khoan/ Chớ để thịt da tôi đắc tôi/ Chớ để đau lòng mẹ cha…”. 3. Non sông thống nhất, vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên đưa nhau rời Hà Nội vào đô thị sầm uất nhất phương Nam để bắt đầu một hành trình mới mẻ. Thi sĩ chồng công tác ở Đài Truyền hình TP.HCM, còn thi sĩ vợ công tác Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên, thời bao cấp gieo neo, lắm phen cả thi sĩ chồng lẫn thi sĩ vợ phải dắt díu nhau ra chợ trời mua bán đồ cũ để có thêm thu nhập nuôi hai đứa con. Thế nhưng, kinh doanh đâu phải trò đùa. Mấy bận thua lỗ, Nguyễn Nguyên Bảy đành chuyển sang viết… tiểu thuyết, để Lý Phương Liên đạp xe đi bỏ mối cho các hiệu sách. Đất nước mở cửa, thi sĩ chồng xông xáo tay năm tay mười, còn thi sĩ vợ nhẫn nại dành dụm chắt chiu, cuộc sống của Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên cũng khá giả dần lên. Đứa con trai đầu được đi du học ngành điện ảnh, rồi đứa con gái thứ cũng được đi du học ngành mỹ thuật. Nhiều lần đổi nhà, cơ ngơi sau luôn khang trang hơn cơ ngơi trước, nhưng những nhọc nhằn còn in sâu trong đôi mắt Lý Phương Liên vẫn là nỗi ám ảnh của Nguyễn Nguyên Bảy: “Một nửa tôi không lời/ Thương đau có gì phải kể/ Cảnh mất cha đổ buồn mắt mẹ/ Mất mẹ trút khổ vai em/ Mười bảy tuổi mỏng manh thuyền/ Chèo chống đàn em dại/ Chỉ còn đôi mắt vợ của tôi/ Toàn thân em như cây thị rũ lá/ Khô cành trước gió ban mai/ Chỉ còn đôi mắt/ Đôi mắt kể tôi nghe/ Lưng ngày nắng quật/ Đêm ngôi bỏng vú môi con/ Vai gánh nỗi thương chồng/ Đôi mắt u hoài trong vắt/ Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời/ Đêm đêm nhìn anh/ Thức với anh/ Đi cùng anh/ Hai ngôi sao không lặn bao giờ”. Hiện tại, hai người con của vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên đã định cư ở Mỹ. Ngoài thời gian bay sang bên kia bờ đại dương thăm con bồng cháu, vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên tự bỏ kinh phí biện soạn hợp tuyển văn chương cho bạn bè. Những tập “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” rất chỉn chu và rất sang trọng lần lượt ra đời, chứng minh tình yêu văn chương chưa bao giờ nguội lạnh trong tâm hồn họ: “Thơ này em tung câu sáu/ Anh hứng câu tám/ Câu sáu em bay cò trắng/ Câu tám anh ôm tình trắng mướt bến sông xanh”. Sau nửa thế kỷ chồng vợ, cặp thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên vẫn “ tương kính như tân”. Bằng chứng là thi sĩ chồng có cả tập “99 khúc tặng Liên” để trao dâng ấm áp cho thi sĩ vợ: “Tình yêu hai chúng mình/ Không ngôn từ mây gió/ Không ngọt ngon cám dỗ/ Mộc mạc lời trăng rằm/ Mà nên duyên tri kỷ/ Mà nên tình tri âm/ Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng chỉ trả đủ/ Thủy chung yêu một đời. Báo An ninh Thế giới Cuối Tháng 3.019 & Báo Giáo Dục & Thời Đại số 78, ngày 1.4.019 VANDANBNN tổng hợp