Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Mời tôn vinh Sách Văn Bạn Văn 2/ Chân dung NNB/ 4. NÉN TÂM NHANG VỚI SÔNG CÁI MỈM CƯỜI Nhà thơ TRẦN VÂN HẠC & NSND, Đạo Diễn ĐÀO TRỌNG KHÁNH

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyn Nguyên By

NÉN TÂM NHANG VỚI SÔNG CÁI MỈM CƯỜI

Nhà thơ TRẦN VÂN HẠC &

NSND, Đạo Diễn ĐÀO TRỌNG KHÁNH


Nhà thơ TRẦN VÂN HẠC

Tôi không nói thơ của Nguyễn Nguyên Bảy lạ về bút pháp, mới về cách nhìn. Song cái lạ, cái mới, khi ẩn, khi hiện, chuông mõ thức hồn tràn ngập trong thơ ông. Nguyễn Nguyên Bảy có biệt tài vận dụng những biểu tượng, nhạc điệu và những hình tượng thơ để nói lên những tâm trạng, cảm xúc của tâm hồn, kết hợp hài hòa giữa trực giác với cảm xúc và sự thông minh mang phẩm cấp của một thi sĩ. Nói cách khác trong thơ NNB có âm hưởng của thơ tượng trưng, thơ lãng mạn và thơ cổ điển. Ngay trong khúc tráng ca: “Sông Cái mỉm cười” mà ông trang trọng đặt tên là “Trường ca Lễ Tạ Cha Ông trước thềm Năm Mới” đã hội tụ những yếu tố nghệ thuật ấy.

Sông Cái, con sông của quê hương yêu dấu, con sông thơm thoảng hương cỏ mật ngày đêm cần mẫn chuyên chở những phù sa, bồi đắp nên cánh đồng mầu mỡ và bồi mãi bao kỷ niệm của đời người, hóa thân thành Sông Mẹ, nơi sinh ra và nuôi dưỡng cả phần xác và phần hồn mỗi con người. Sông Cái thiêng liêng và vĩnh hằng trong tâm tưởng con cháu, bởi có người cha, người ông đã “hóa thân vào Sông Cái”, hòa trong phù sa, hiện sinh trong những mùa vàng, hoàn sinh và vĩnh hằng và ngày một đẹp hơn trong kiếp luân hồi đời người.

Hình ảnh nghệ thuật “Sông Cái” chảy suốt khúc tráng ca, đầy những khuôn mặt người thân yêu của ông với nhiều cảnh ngộ. Dẫu ông có xử dụng nhiều chi tiết nghệ thuật như: “Lá cỏ mật”, "hồn", "nắng", "gió"… và rất nhiều nữa trên con sông trăng, sông đời, với cha, với mẹ, vợ, con… thì mỗi chi tiết nghệ thuật lại nâng bài thơ lên một tầm cao mới. Cái thực và cái ảo đan xen làm cho chất thơ, chất tráng ca mang một phẩm cấp của thi sĩ. Đọc câu thơ: “Con anh quì áp mặt ông/ Ông cho cháu nốt nụ cười”, người đọc vẫn nhận ra thủ pháp nghệ thuật ấy, vì có gì cao siêu đâu nhưng sự tinh tế đến chân thực của tình người, của đạo làm người, hướng người ta tới tấm lòng thương yêu, hy sinh vô bờ bến của người sắp đi vào miền cực lạc dành cho đứa cháu yêu, cho thế hệ kế tiếp, không dành lại chút nào cho riêng mình. Ngay chi tiết: “Lần đầu tiên cha viết dối các con/ Về sức khỏe mình” rất thật đấy chứ nhưng lại được đặt đúng chỗ tạo nên một chi tiết nghệ thuật chuyên chở đức trọng của cha, không muốn những người con phải buồn phiền lo nghĩ đớn đau nhiều bởi cuộc “ra đi” ấy theo qui luật của tạo hóa : “Bà nội sinh cha nơi bến sông/ Bà đang đến đón cha về/ Hãy để thân xác cha về với Mẹ”, về với cội nguồn, cát bụi lại trở về cát bụi. Người cha thanh thản “ra đi” không chỉ vì hiểu qui luật sinh tồn, mà hơn thế ông yên lòng đã có người con chí hiếu chắc chắn sẽ làm rạng rỡ giống nòi. Sông Cái trở thành bất tử:“Sông luân hồi miệt mải/ Cho phù sa muôn đời/ Chẳng chút chi đòi lại/ Chỉ đòi còn mãi dòng sông..”. Và hình ảnh: “Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái” đã trở thành vĩnh hằng. Triết lý nhân sinh được thể hiện thật dễ hiểu và dung dị.

Thơ Nguyễn Nguyên Bảy luôn da diết một tình yêu với quê hương, đất nước. Tình yêu cụ thể mang truyền thống của cha ông, ngấm vào xương tủy, thấm đẫm hơi thở trong suốt cuộc hành trình đời người. Đó là nơi cha từng: “chỉ thèm củ khoai năm Dậu”, khi cả dân tộc quay quắt, thóp thoi trong tận cùng cái đói. Đó là nơi: “Đôi bạn tình không tuổi/ Uống trà thoại yêu”. Đó là nơi: “Tôi lại là tôi trồng dâu, ươm kén/ Tiếng hát ban mai mình liệng/ Say lịm cha đong đưa vai”. Đó là nơi ông tìm ra chân lý: “Nước non còn bởi còn người/ Bể mặn bởi nước mắt đời yêu nhau”.Đó cũng là nơi khi những bậc tiền nhân nhận được tình yêu trong sáng, sâu sắc của những người con: “Tiếc thương cắn lưỡi/ Nước mắt tràn đê/ Chảy xuống sông” để rồi yên tâm thanh thản: “Sông Cái mỉm cười”.Nụ cười mãn nguyện, bao dung thấm đượm tình người. Yêu như thế, tuy không có tiếng gào thét nhưng sao mà sâu sắc, thấm mát hồn người, nâng mỗi con người vượt qua bể khổ. Sông Cái, con sông mỗi phù sa là xương cốt và máu, là bao khổ đau và khát vọng của bao thế hệ, từng ngày nuôi dưỡng, tạo dựng nên nhân cách và chắp cánh cho thơ ông chăng! Và cuộc sống sẽ ngày tươi đẹp hơn vì người con của quê hương biết yêu và biết sống! Cánh đồng tâm đức ông gieo chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái cho muôn đời!

“Sông Cái mỉm cười”
 như nén hương lòng ngát thơm ba cõi, có khác nào tiếng của thần thánh, đất trời và con người trong khúc hòa ca về tình yêu cuộc sống. Vợ chồng ông có lúc tưởng đã bị "thác thơ" nhấn chìm như rồi bằng bản lĩnh con người và bản lĩnh người thơ đã vượt qua"Thác thơ" mà không hề trách cứ ai: "Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”. Đó phải chăng là bản lĩnh của những con người đã hiểu được qui luật của cuộc sống. Và nhân quả chăng, khi ông viết: "Trong anh sông Cái mỉm cười/ Và anh tin lòng con anh Sông Cái cũng mỉm cười..." Niềm tin ấy bây giờ đã thành hiện thực. Thơ ông chở cái đạo làm người, bởi vậy cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông sống mãi trong lòng bè bạn. Con cháu của vợ chồng ông đã được hưởng hạnh phúc mà hai vợ chồng ông lặng thầm chiến thắng số phận gom góp, gieo trồng cây đức cho đời sau.

Xin thắp nén tâm nhang và cùng đọc Tráng ca Sông Cái Mỉm Cười


NSND, Đạo Diễn ĐÀO TRỌNG KHÁNH

Nguyễn Nguyên Bảy, hôm nay, lúc này, nhang đã thắp và tôi sắp đọc tráng ca Sông Cái Mỉm Cười của ông để tưởng nhớ hương hồn các bậc sinh thành ra chúng ta đã khuất. Vâng, hoàn toàn đúng như thế, cha mẹ chúng ta đều đã chầm chậm hóa thân vào sông Cái..
..Thơ ông tràn ngập linh khí, thơ ông như có người cõi trên nhập vào, rồi bảo ông tuôn chảy, tuôn chảy không ngừng nghỉ, ai đọc cũng được, ai nghe cũng được. Tôi tự hỏi đó có phải là trận mưa đá khổng lồ từ trời đổ xuống. Mà không, nếu ví với mưa đá thì e là có tai họa, tôi bèn bảo cơn mưa đá ấy khi đổ xuống thân thể ta nó tan thành trận mưa rào, tắm mát, tắm sạch đời ta dù chỉ trong khoảng khắc. Dù đã thăng hoa trận mưa đá hay mưa rào ấy không mây, đúng là không mây, nhưng vẫn thấy là không phải, mà thơ ông phải là trận mưa chiều, tạnh ngay, làm quang đãng sáng lóa mọi tầng tầng mái nhà không phân biệt hèn sang, giầu nghèo, để không ai phải ganh tỵ là trời quang mây tạnh dành cho riêng ai, mà là cho tất cả, ai muốn nhận cũng được..
Tôi xin chỉ nói về thơ ông như thế e là đã nhiều, bởi thơ ông đã nói quá đủ về tình yêu, về cuộc đời quá đẹp và quá buồn của chúng ta, về thế thái nhân tình thời chúng ta đang sống..
Tôi đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Hiền, cho Lê Đại Chúc, cho Nguyễn Anh Tuấn, để các bạn cùng chia sẻ cảm xúc đang tràn ngập lòng tôi. Và bây giờ, cho phép tôi thay mặt ông đọc Sông Cái Mỉm Cười kính dâng cha mẹ..


SÔNG CÁI MỈM CƯỜI

Thơ Nguyễn Nguyên Bảy

Sông mở lòng trang nghiêm
/ Nước không trôi đỏ vắt/ Anh thả tro bụi cha vào sông/ Xin mát mẻ hồn/ Hồn cười trong nước/ Anh hái những lá cỏ mật/ Thả xuống sông làm thuyền/ Hồn ngồi lên thuyền/ Mắt níu bờ da diết/ Đê kè thổ đất/ Thương nhớ lòa tròng/ Thương nhớ không bật khóc/ Làm sao nước mắt xuống thuyền/ Tiễn cha về cực lạc/ Anh nghe thoáng một triền gió ngát/ Sông Cái mỉm cười/ Từng đàn cỏ mật chèo khua…


Như chỉ mới tối hôm qua
/ Áp thấp gió mây cờ xí/ Quân hồn ngợp trời nước lửa/ Chiến thuyền phủ kín sông trăng/ Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi/ Qua lời kể của thằng cháu nội/ Truyện Tam Quốc tranh hung/ Giọng bi bô sang sảng giống hệt ông/ Tích quá quan trảm lục tướng/ Anh như thấy nụ môi cha nở mỏng/ Hoa từng cánh se khô/ Bay sang môi con anh đỏ chót mơ h/ Thành ròn cười khanh khách/ Anh linh cảm trời đang gần gang tấc/ Trong bước chân cha/ Và đất trong mắt cha/ Thăm thẳm hun hút/ Anh như nghe âm thanh gọi nấc/ Con anh quì áp mặt ông/ Hai ông cháu thì thầm/ Điều sau này anh mới biết/ Ông cho cháu nốt nụ cười/ Trước khi ra bến đò sông Cái/ Du sông tan bão nắng hoa…


Như chỉ mới trưa hôm qua/ Vợ anh đun nước lá thơm mời cha tắm nhọc/ Lần đầu tiên trong đời anh thấy cha khóc/ Vợ anh quýnh quáng van nài/ Mặt cha mưa cười/ Mưa tan vào nước lá thơm/ Khói sương một nhà hơi ấm/ Anh giúp vợ lau khô mình cha/ Bồng gió lên giường/ Giọng cha hoan lạc lạ thường/ Lúc cha sinh ra đỏ hỏn/ Mẹ của cha tắm rửa cho cha/ Mấy ai được hưởng tuổi già/ Nước thơm con dâu tắm mát/ Anh nắm tay cha hít hà hương nước/ Lửa hồng dưới bếp hoan ca..

Như chỉ mới sáng hôm qua
/ Mẹ anh đi nuôi con dâu ở cữ mới về/ Ông ngồi bên cửa sổ/ Giỗi già hờn vợ/ Bà men ngồi xuống bên ông/ Cong mềm lưng nhớ/ Hai bàn tay tìm nhau/ Một tay gầy/ Một tay khô/ Mộc mạc lời năm mươi năm trước/ Tình ngỏ vụng về/ Tôi đi xa ai hát ông nghe/ Cháu nội thì chưa vỡ giọng/ Con dâu công việc bộn bề?/ Sáng nào tôi chẳng nghe bà hát/ Ngàn cây số có gì xa với gió/ Có gì xa với lòng/ Năm mươi năm tiếng hát thức bình minh/ Nhưng chiều chiều làm sao khuây nhớ?/ Nhớ thùng nước tắm cho tôi/ Tay gầy tay khô cười ra nước mắt/ Anh nghe trộm những lời quy tước/ Biết tình không có tuổi già?

Vẫn là mới tối hôm qua
/ Anh ngồi hiu hiu đắng chát/ Buồn mình chẳng chút công danh/ Để mẹ cha mát mặt/ Chợt cha hỏi anh điếu thuốc/ Tự mình lóng ngóng quẹt diêm/ Xanh leo ngọn lửa/ Suốt đời cha không hút thuốc/ Ôm ngực rúc một cơn ho/ Lại hỏi nhà mình có rượu/ Ngơ ngác anh rót Nàng Vân/ Cha nhấp môi mặt lửa/ Ho ra tiếng cười/ Mát mặt tuổi già ơi Con tôi muốn công danh bổng lộc/ Để xây lầu Đồng Tước/ Cho cha hưởng sướng Nhị Kiều/ Rồi cha hát Kiều/ Tiền Đường ngộ thành sông Cái/ Sông luân hồi miệt mải/ Cho phù sa muôn đời/ Chẳng chút chi đòi lại/ Chỉ đòi còn mãi dòng sông/ Cha nhìn anh mắt xuất thần hồn/ Ngâm nga bài thơ anh viết về sông Cái/ Sóng lòng phụ tử ngân nga…

Vẫn là mới sáng hôm qua
/ Cha thức kể giấc mơ vể làng/ Vợ chồng người nhà đò chở cha qua sông/ Cô vợ chèo đò/ Người chồng ngồi bên cha vì lo cha té ngã/ Ôi tuổi già thật tệ/ Cha từng lội qua sông như một con kình/ Cha về gặp lại đồng xanh/ Gặp lại những thằng Cu cái Gái/ Khoanh tay chào hỏi như chim/ Cỗ bàn rạp tiệc liên hoan/ Sao cha chỉ thèm củ khoai năm Dậu/ Củ khoai thờ ngoài đình làng/ Cha thắp nhang tạ củ khoai thần/ Trước một lễ hội rước dâu/ Áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu/ Rồng rắn lên đê/ Sông Cái nước to/ Xuôi về xuôi rất vội/ Xuôi theo cả sắc mầu chói lói/ Bóng đoàn người rồng rắn trên đê/ Cha bỗng nghe tiếng bà nội hát/ Tiếng hát mía ngọt/ Cha chạy theo tiếng hát của bà/ Gọi mẹ/ Giật mình mới biết chiêm mơ/ Vài ngày nữa là Rằm Tháng Bảy/ Sông Cái nước đang to/ Nhưng làng mình không còn lo lụt nữa/ Cha ngồi tưởng bóng sông quê/ Triền cỏ bờ đê say nắng

Vẫn là mới tối hôm qua
/ Trăng xanh cành bưởi/ Đôi bạn tình không tuổi/ Uống trà thoại yêu/ Lần đầu tiên thấy mình lòng tôi chiêng trống/ Trống chiêng một đống núi ngồi/ Lạc mắt nhìn công nhìn phụng/ Phô khoe ngũ sắc vây mình/ Công phụng làm sao bằng núi/ Tôi hằng ao ước tựa lưng/ Ngày mình sinh cho tôi thằng cả/ Tôi nhìn thấy trên dòng sông Cái/ Bao nhiêu là cầu lụa/ Trên cầu xoan ghẹo giao duyên/ Còn tôi thấy toàn lửa Ngọ/ Chàng lực điền mồ hôi mật ứa/ Tưới mát cánh đồng xanh/ Ngày mình theo tôi buôn bè/ Vào chợ tiền đầy tay nải/ Lại phụng lại công múa vái/ Mắt mòn nhìn gái một con/ Đồng tiền gieo họa/ Đồng tiền gieo buồn/ Ai bảo mình ham cờ bạc/ Ai bảo mình say rượu chè/ Mình mê cô đằu trống phách/ Cắt sợi tình ra/ May mà đôi mình tỉnh ra Quẳng tiền xuống ghềnh sông Cái/ Mình lại là mình lực điền/ Tôi lại là tôi trồng dâu,ươm kén/ Tiếng hát ban mai mình liệng/ Tôi nghe mát cả đồng xanh/ Tôi muốn đêm nay được nghe mình hát/ Tôi đã hát mình nghe cả đời/ Mà mình vẫn cứ tình trai/ Vẫn cứ đòi nghe tôi hát/ Mình uống chén trà này tôi rót/ Như hồi mình mới đôi mươi/ Tay cha run chén đợi lời/ Chén tình mẹ đón nâng môi/ Lời tình lầm thầm như hát/ Say lịm cha đong đưa vai/ Hoa vườn nhà bên thơm ngát/ Một vùng sông gió thiên thai

Vẫn là mới thức ban mai
/ Cha đưa anh bức thư gửi người con trưởng/ Lần đầu tiên cha viết dối các con/ Về sức khỏe mình/ Chữ nghĩa từng dòng núi lở/ Giấy trắng vãi tung đất đá Đất nước dài bao nhiêu đường sá/ Tiền đâu ra vào thăm thỏa nhớ thương/ Cha gửi những cái hôn/ Cho khắp lượt cháu con nội ngoại/ Cha bảo cha còn sống mãi/ Đọc thư đừng đứa nào buồn/ Anh không dám buồn/ Gửi lá thư đi/ Anh linh cảm thấy bao nhiêu lửa nắng/ Trút xuống đời cha/ Sông hồn bắt đầu sôi/ Khí hồn bắt đầu thăng

Vẫn là mới sáng hôm qua
? Cha gọi thân yêu quây lại bên giường/ Dặn những lời đỏ thắm Với anh/ Bà nội sinh cha nơi bến sông/ Bà đang đến đón cha về/ Hãy để thân xác cha về với Mẹ/ Đừng cỗ bàn nhạc hoa cờ xí/ Với mẹ anh/ Mình đừng khóc tiễn chân tôi/ Tôi đi trước đào cho mình cái giếng/ Hoa chanh mình tắm thơm chiều/ Với vợ anh/ Nước non còn bởi còn người/ Bể mặn bởi nước mắt đời yêu nhau/ Với con anh/ Ngực ấm không lời/ Cháu nội ôm ông vỡ khóc/ Cha nhìn thân yêu khắp lượt/ Thiêm thiếp mặt mơ../

Cửa mả mở
/ Với anh ba ngày như mới hôm qua/ Một đời như mới hôm qua/ Cha anh còn sống hôm qua/ Mà hôm nay đã âm dương hai cõi/ Cha ơi Anh hơ hải gọi/ Chỉ nghe tiếng cha đáp phía hôm qua/ Hôm qua không thể nào sống lại/ Để anh nâng giấc ngủ cha/ Để anh dâng cha tờ báo mới/ Để anh rót hầu cha chén trà/ Để anh gục đầu vai cha những ngày đen tối/ Rằng đích anh tời/ Vườn đời đầy hoa/ Mà chân anh đã tới cổng vườn/ Anh sẽ hái nụ cười thương/ Trả lại môi cha tạ tội/

Ngoảnh lại sau lưng toàn là ngày hôm qua
/ Tiếc thương chót lưỡi/ Hối hận đầu môi/ Tại sao anh không là thế này/ Tại sao anh không là thế khác/ Cho đời cha hoan hỉ những hôm qua/ Để những hôm qua bớt buồn bớt cực/ Cha cũng là người bằng xương bằng thịt/ Nào phải thánh thần chi/ Mà anh để cha ăn mây uống gió/ Nuôi anh một đời vô tích sự/
Anh bật khóc thành tiếng
Nước mắt tràn đê
 
Chảy xuống sông
Lạ kỳ chưa
Sông Cái mỉm cười

  Trôi đi những thuyền cỏ mật.

Cha đứng trên thuyền
 Thuyền cười trên sóng nhấp nhô
 
Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái…

Ai bảo nước đi nước không trở lại

Nước trôi rồi nước thăng mây
 
Mây chín lại rụng về làm nước

Sông chảy qua làng
 
Thuyền cỏ mật đậu xanh mặt bến
 
Cha hỏi thăm đoàn người gồng gánh phù sa

  Có ai là con cháu
 
Nghe cha hỏi choáng choàng anh gọi
 
Chỉ thấy môi sông Cái hồng cười
 
Đón gạo thơm và muối trắng

  Con trai anh rắc xuống như hoa..

Và dòng sông nắng tr
ôi qua
 
Hai cha con lững thững về làng

  Mỗi người mang theo theo một dòng sông Cái
  Trong anh sông Cái mỉm cười
Và anh tin lòng con anh
Sông Cái cũng mỉm cười…

Nguyễn Nguyên Bảy, NXB Văn Học 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét