Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

BIÊN NIÊN SỬ THĂNG LONG – HÀ NỘI MỘT NGHÌN NĂM VĂN HIẾN (1010 – 2010) / Nhà giáo NGUYỄN XUÂN TƯ


BIÊN NIÊN SỬ
THĂNG LONG – HÀ NỘI
MỘT NGHÌN NĂM VĂN HIẾN (1010 – 2010)

Nhà giáo NGUYỄN XUÂN TƯ 


Sau đây là những dòng có tính chất “biên niên sử” về những biến cố lớn trên đất kinh thành, kể từ khi kinh đô Thăng Long được khởi lập và kế tiếp là một nghìn năm tròn, tính đến năm 2010.

1010: Thành Thăng Long được khởi lập.
Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, (Hà Nội ngày nay). Tương truyền rằng khi ra đến Đại La, thấy có con rồng bay lên, nhà vua cho là điềm lành nên đổi tên kinh đô là thành Thăng Long. Nhà vua rất mừng khi nhận thấy đây là “chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô, kinh sư của muôn đời” (Chiếu dời đô)
Suốt triều đại nhà Lí 215 năm (1010-1225), kinh thành Thăng Long được phòng thủ vững chắc, giữ vững được sự yên bình, thịnh vượng và phát triển của kinh đô một nước độc lập, và mãi đến gần 30 năm sau (sang đời nhà Trần) mới có lần bị thất thủ.

1257: Thành Thăng Long thất thủ lần thứ nhất.
Khi quân Nguyên (Mông Cổ) đã dứt được nhà Tống và đã chiếm được cả nước Tầu, vua Mông Cổ sai một đạo quân đi đánh nước Đại Lí (thuộc tỉnh Vân Nam của nước Tầu). Tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang nước ta đòi vua Trần Thái Tông về thần phục Mông Cổ. Vua Thái Tông không chịu và còn bắt giam sứ Mông Cổ. Đánh xong nước Đại Lí, Ngột Lương Hợp Thai đem quân tiến đánh thành Thăng Long. Quân ta ít nên chống không nổi. Vua Trần Thái Tông phải bỏ kinh đô chạy về Hưng Yên: Kinh thành Thăng Long thất thủ lần thứ nhất. Quân giặc cướp phá và chém giết dã man nhân dân ta ở trong thành. Sau đó ít lâu (có sách ghi là 10 ngày), quân Mông Cổ mệt mỏi vì không quen thủy thổ nước ta nên bị đánh thua, phải rút về Vân Nam.

1285: Thành Thăng Long thất thủ lần thứ hai.
Năm 1285, giặc Nguyên mượn đường nước ta để đi đánh nước Chiêm Thành. Vua Trần Nhân Tông không chịu. Quân Nguyên đưa 50 vạn quân theo hai đường thủy – bộ sang đánh nước ta. Thế giặc rất mạnh. Thoát Hoan (Tướng giặc, con vua Mông Cổ) vào Thăng Long tàn phá kinh thành, chém giết dân ta rất dã man. Đó là lần thứ hai, thành Thăng Long bị thất thủ vào tay quân Mông Cổ. Nhưng chỉ hai tháng sau, quân ta thằng trận lớn. Tướng giặc Toa Đô chết tại trận, còn Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân đẩy xe đi và đã trốn thoát. Ta khôi phục lại kinh thành.

1288: Thành Thăng Long mở hội “Thái Bình diên yến”.
Năm 1287, nhà Nguyên lại sang đánh nước ta. Thái tử Thoát Hoan được phong làm Đại nguyên súy, cùng nhiều tướng giỏi, đem 30 vạn quân Nguyên sang đánh để báo thù cho lần đại bại năm trước (1285). Vua Trần Nhân Tông và danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn dân ra sức phòng giặc và chống giặc. Thế giặc lúc đầu rất mạnh, có phen nhà vua phải rời khỏi kinh thành. Nhưng sau nhiều trận quyết chiến, ta đã thắng lớn ở trận Vân Đồn và trận Bạch Đằng Giang. Nhiều tướng giặc và hàng chục vạn quân giặc bị giết hoặc bị quân ta bắt được tại trận. Thoát Hoan phải theo đường tắt để chạy trốn về Tầu. Triều đình ta trở về kinh sư trong niềm vui chiến thắng toàn vẹn quân Nguyên. Nhà vua sai mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, cho dân mở hội mừng chiến thắng trong 3 ngày gọi là “Thái Bình diên yến”

1371:Thành Thăng Long thất thủ lần thứ ba.
Năm 1370, nhân có người Đại Việt (là mẹ của Dương Nhật Lễ - ông vua bị phế truất) sang cầu cứu nước Chiêm Thành, Vua Chiêm là Chế Bồng Nga, liền đem thủy quân sang đánh Đại Việt để đòi lại hai Châu Ô –Lí mà vua đời trước là Chế Mân đã dâng để làm lễ cưới Công Chúa Huyền Trân (1306). Quân Chiêm vượt biển, kéo lên đánh phá kinh thành Thăng Long, chém giết dân lành, bắt đàn bà con gái và chiếm đoạt các đồ châu báu rồi kéo quân về. Đây là lần thứ ba, kinh thành Thăng Long thất thủ, do triều đại nhà Trần lúc này đã suy yếu.

1377 – 1378: Thành Thăng Long thất thủ lần thứ tư và lần thứ năm

Năm 1376, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem cống Đại Việt 15 mâm vàng nhưng bị quan Trấn thủ Hóa Châu lấy đi và xin vua ta cử binh sang đánh. Vua Trần Duệ Tông sai quan Khu mật Đại sứ Lê Quy Li chuẩn bị đi đánh Chiêm Thành. Sau vua ta bị mắc mưu trá hàng của Chế Bồng Nga nên bị chết ở trận (1377). Quân Chiêm nhân đó đem quân sang đánh Thăng Long, vào được kinh thành, cướp phá, vơ vét tài sản rồi rút lui. Năm sau (1378), quân Chiêm Thành lại sang đánh phá nước ta và lại kéo lên đánh phá kinh thành lần nữa. Thế là kinh thành Thăng Long bị thất thủ 2 lần liền trong vòng hai năm.

1396: Dời đô vào Thanh Hóa (thành Tây Đô)

Lê Quý Li có hai người cô lấy vua Trần Nghệ Tông nên được bổ làm quan trong triều. Quý Li mưu sự thoán đoạt ngôi vua nên chuyên quyền, nhất là từ khi vua Nghệ Tông mất, được làm Phụ chính Thái sư, vào ở trong cung điện. Quý Li có nhiều cải cách trong việc trị nước nhưng không được lòng dân ủng hộ. Quý Li cho xây dựng kinh đô mới ở tỉnh Thanh Hóa và gọi là Tây Đô (thành Thăng Long gọi là Đông Đô). Năm 1396, Quý Li bắt vua Thuận Tông dời kinh đô về Tây Đô, rồi đến năm 1400, Quý Li bỏ Thiếu Đế và tự xưng làm vua, đổi họ là Hồ. Thế là nước ta từ năm 1396 đến năm 1407 có Tây Đô ở Thanh Hóa và Đông Đô là kinh thành Thăng Long.

1407: Thành Thăng Long bị quân Minh chiếm đóng.

Năm 1404, có Trần Thiêm Bình xưng là con vua Nghệ Tông sang cầu cứu nhà Minh. Năm 1406, vua nhà Minh cho quân đưa Thiêm Bình về nước, Quý Li cho quân đóng ở ải Chi Lăng đánh quân Minh, bắt được Thiêm Bình. Nhà Minh đem quân sang đánh Đại Việt, quân nhà Hồ thua liên tiếp. Quân Minh bắt được Hồ Quý Li và con là Hồ Hán Thương đem về đất Kim Lăng. Năm 1407, nhà Minh chia nước ta ra thành quận, huyện, đặt quan lại để cai trị. Đây là lần thứ sáu kinh thành Thăng Long bị thất thủ trước quân xâm lược nước ngoài và bị chiếm đóng 20 năm (1407-1427).

1427: Bình Định Vương chiếm lại Đông Đô.
Cuộc kháng chiến 10 năm (1418-1427) của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, sau nhiều phen khốn đốn, đã chiến thắng quân Minh liên tiếp. Bình Định Vương Lê Lợi tiến ra Đông Đô và khôi phục đất nước. Tướng giặc là Vương Thông phải xin cầu hòa. Viện binh do Liễu Thăng đem sang bị quân ta đánh tan. Liễu Thăng bị chết chém ở Mã Yên Sơn (Lạng Sơn). Vương Thông phải xin cầu hòa lần thứ hai và hẹn ngày đưa quân về nước. Vua Lê Thái Tổ khôi phục lại kinh thành, ban bố “Bình Ngô đại cáo”, sửa sang lại mọi việc trong nước và đóng quân ở Đông Đô (Thăng Long).

1526 – 1527: Quan trong triều làm loạn kinh thành.
Sau khi vua Lê Tương Dực bị giết, nhà Lê suy tàn, các quan trong triều chia bè kéo phái: Kẻ lập vua này, người lập vua khác, nên việc lập vua, giết vua làm rối loạn kinh thành, giặc giã nổi lên ở nhiều nơi, vua Chiêu Tông liền giao cả binh quyền cho Mạc Đăng Dung để trừ giặc. Mấy phen nhà vua phải rời bỏ kinh thành để đi lánh nạn, làm cho kinh thành tan hoang, loạn lạc trong chục năm trời.

1527 – 1592: Nhà Mạc đóng đô ở Đông Đô.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, đóng đô ở Đông Đô trong 65 năm. Đất nước thời kì này không được ổn định, chia ra Nam Triều và Bắc triều.
Nam triều: Từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào, do các cựu thần nhà Lê phò tá các vua Lê Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông để chống  nhà Mạc từ 1533 đến năm 1599.
Bắc triều: Là đất Bắc do vua nhà Mạc cai quản, đóng đô ở Đông Đô từ năm 1527 đến năm 1592

1592 – 1788: Thành Thăng Long thời vua Lê, chúa Trịnh.
Đất nước lại bị phân chia làm hai: Đó là thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh, kéo dài gần 200 năm, lấy sông Gianh (còn gọi là Linh Giang, ở tỉnh Quảng Bình) làm giới hạn mà chia địa giới. Họ Nguyễn làm chúa ở phía Nam, đóng đô ở Thuận Hóa. Họ Trịnh làm chúa ở phía Bắc, với danh nghĩa phủ nhà Lê trung hưng, đóng đô ở Thăng Long. Vua nhà Lê chỉ có hư vị, kể từ vua Kính Tông (1600) đến vua Chiêu Thống (1788), cả thảy 13 đời vua chỉ ngồi làm vì, còn quyền bính thì ở cả trong tay các chúa Trịnh với 10 đời chúa, kể từ Trịnh Tùng (1570) đến Trịnh Khải (1786). Thời kì này nước ta có vua lại có chúa, rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề. 

1786: Bắc Bình Vương lấy lại Thăng Long cho nhà Lê.
Năm 1876, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ từ Nam kéo quân ra Bắc, với danh nghĩa phù Lê, diệt Trịnh, đánh tan quân chúa Trịnh. Nguyễn Huệ vào kinh thành Thăng Long, trao quyền lại cho vua Lê rồi đem quân về Nam. Khi đó vua Lê Chiêu Thống nhu nhược, triều thần nối nhau chuyên quyền, gây ra tán loạn. Lại có loạn kiêu binh quấy phá kinh thành, khiến cho tình hình đất nước càng thêm rối ren, hỗn độn.

1788: Thành Thăng Long bị quân Mãn Thanh chiếm đóng.
Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Mãn Thanh đem quân cứu viện. Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quãng Đông và Quãng Tây), là Tôn Sĩ Nghị dâng biểu lên vua nhà Thanh xin cho đem quân sang đánh Đại Việt. Vua Càn Long liền cho Tôn Sĩ Nghị đem quân 4 tỉnh (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu) sang đánh nước ta, rồi tiến xuống đánh chiếm Thăng Long, ra sức cướp bóc của cải và giết hại nhân dân ta. Quân Thanh đánh chiếm nhiều nơi khác với mưu đồ thống trị nước ta. Đây là lần thứ 7, kinh thành Thăng Long bị thất thủ.

1789: Vua Quang Trung giải phóng kinh thành Thăng Long.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin cấp báo, từ Phú Xuân (Huế) làm lễ lên ngôi, lấy hiệu là Quang Trung Hoàng đế, hành quân thần tốc ra Bắc đánh đuổi quân Thanh. Nhà vua tự tin nói với quan quân rằng: “Chúng nó sang phen này là mua lấy cái chết ở đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tầu về chẳng qua 10 ngày là xong việc”.
Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên đán trước để đến đêm trừ tịch (30 tháng chạp âm lịch) thì cất quân đi, định đến ngày mồng 7 tháng giêng vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Cuộc chiến thần tốc đã thành công rực rỡ: Sáng mồng 5 tết Kỉ Dậu (dương lịch 1789), quân Tây Sơn tiến quân ào ạt vào thành Thăng Long. Nhiều tướng giặc và quân giặc bị chết tại trận. Quân Thanh đại bại. Tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa, không kịp mặc áo giáp, phải bỏ cả ấn tín chạy qua sông sang bờ Bắc để thoát thân. Trong trận này. 20 vạn quân giặc Mãn Thanh bị tiêu diệt, kinh thành Thăng Long được giải phóng vào dịp tết Nguyên đán làm cho nhân dân kinh thành và cả nước vui mừng.

1831: Không còn địa danh Thăng Long.
Năm 1802, Nguyễn Ánh dứt được nhà Tây Sơn, thống nhất được cả đất nước, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Thành Thăng Long không còn là kinh đô của nước ta nữa. Đến đời vua Minh Mệnh (năm 1831), với lí do một nước không thể có hai kinh đô, nên đã sáp nhập huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, phủ Lí Nhân, phủ Thường Tín thành tỉnh Hà Nội. Từ đó cái tên Thăng Long không còn trên văn bản hành chính nữa nhưng vẫn tồn tại trong lòng người dân Việt Nam từ ngày khởi lập thành Thăng Long đến tận ngày nay.

1873: Thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất.
Theo Hòa ước 1862, ta phải nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông xứ Nam Kì: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Quân Pháp lại có ý đồ chiếm xứ Bắc kì. Phái viên của giặc Pháp là Đại úy Francis Garnier được chính quyền Pháp ở Nam kì (lúc đó còn gọi là Súy phủ Sài Gòn) điều ra Bắc kì, liền đưa thư trách cứ Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương làm cản trở việc thông thương của người Pháp. Y lập kế hoạch đánh thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị bắt nhưng quyết không chịu dùng thuốc và nhịn ăn mà chết. Đây là lần thứ nhất thành Hà Nội thất thủ
và là lần thứ 8, Thăng Long rơi vào tay quân xâm lược. Rồi sau đó, phía Pháp trả lại cho ta thành Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Kì mà chúng đã chiếm được, để chuẩn bị kí Hòa ước 1874 (theo hiệp ước đó, ta phải nhường cả 6 tỉnh Nam Kì cho nước Pháp)

1882: Thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai.
Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu thấy quân Pháp đưa binh thuyền ra Bắc thì đã có ý phòng bị quân giặc đánh phá. Chỉ huy quân Pháp là Đại tá Henri Rivière liền đưa tối hậu thư bắt ta phải giải binh và các quan văn võ Việt Nam phải ra đợi lệnh ở Đồn Thủy (đại bản doanh của Pháp). Tổng đốc Hoàng Diệu không chịu và ra sức chống cự. Quân Pháp đánh phá và chiếm lấy kinh thành. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết ở Võ Miếu. Đây là lần thứ hai, thành Hà Nội bị thất thủ và là lần thứ chín, Thăng Long rơi vào tay quân xâm lược. Sau đó Pháp trả lại thành Hà Nội nhưng vẫn đóng quân ở trong Hành cung để chờ nghị hòa.
Năm sau (1883) vua ta phải kí hòa ước với Pháp và thừa nhận quyền cai trị của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

1940: Thành Hà Nội lại thêm ách thống trị của phát xít Nhật.
Năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào chiếm đóng Đông Dương để chuẩn bị hất cẳng thực dân Pháp. Thế là Hà Nội lại phải chịu thêm sự đô hộ của phát xít Nhật. Giặc Nhật cùng với giặc Pháp ra sức vơ vét, bóc lột tài sản của nhân dân ta, khiến cho nhân dân ta vô cùng cực khổ. Đây là lần thứ 3 Hà Nội bị chiếm đóng và là lần thứ mười thành Thăng Long bị quân xâm lược thống trị.

1945: Thành Hà Nội và Tổ quốc Việt Nam được giải phóng.
Ngày 19/08/1945, nhân dân ta nổi dậy, làm cuộc khởi nghĩa đánh tan quân giặc Pháp và Nhật, giành lại nền độc lập sau gần 100 năm bị giày xéo dưới ách thống trị tàn bạo của quân giặc. Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng Đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Hà Nội được giải phóng. Nhân dân Việt Nam vô cùng hân hoan chào đón chế độ dân chủ mới, vô cùng tự hào với hào khí và truyền thống của Thăng Long – Hà Nội anh hùng.

1946-1954: Thủ đô Hà Nội bị tạm chiếm.
Ngày 19/12/1946, giặc Pháp gấy hấn ở Hà Nội và nhiều nơi khác, tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Quân giặc đánh chiếm thủ đô Hà Nội, tàn phá kinh thành và mở rộng vùng tạm bị chiếm, mưu đồ đô hộ nước ta một lần nữa. Nhân dân thủ đô tản cư ra các vùng giải phóng để xây dựng lực lượng kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Quân giặc chiếm được thủ đô ta nhưng không chiếm được lòng yêu nước của nhân dân ta. Thủ đô Hà Nội trong chín năm bị tạm chiếm đóng, không hề chịu khuất phục quân thù, đã nhiều phen “đánh địch trong lòng địch” khiến cho chúng phải lao đao khốn khổ và không thực hiện được ý đồ xâm lược của chúng. Đây là lần thứ 4, Hà Nội bị thất thủ và là lần thứ 11 (cũng là lần cuối cùng), thành Thăng Long bị ngoại bang chiếm đóng.

1954: Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Nhân dân Việt Nam quyết tâm kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc, và sau 9 năm trường kì kháng chiến gian khổ, đã chiến thắng anh dũng và oanh liệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, và ngày 10/10/1954, nhân dân thủ đô Hà Nội cùng với nhân dân cả nước vui mừng chào đón đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản thành phố. Thủ đô Hà Nội lại càng rực rỡ hơn khi trở lại là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1966-1972: Thủ đô Hà Nội bị đế quốc Mĩ đánh phá ác liệt.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mĩ xâm lược ngày càng giành được nhiều thắng lợi. Đế quốc Mĩ ngày càng sa lầy ở Việt Nam, liền đem không quân ra đánh phá rất ác liệt miền Bắc Việt Nam. Trong khoảng 7 năm trời leo thang chiến tranh ra miền Bắc (1966-1972), quân giặc tàn phá thủ đô Hà Nội và nhiều nơi trên miền Bắc với sức hủy diệt ghê gớm và với dã tâm đưa nước Việt Nam trở lại thời kì đồ đá. Nhưng nhân dân ta, với tinh thần và ý chí “không có gì quý hơn Độc lập – Tự do” (lời Hồ Chủ tịch) đã anh dũng đánh Mĩ đến cùng.
Đặc biệt trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại trên bầu trời Hà Nội: “Một trận Điện Biên Phủ trên không” đã chấm dứt vĩnh viễn ý đồ xâm lược của đế quốc Mĩ, đem lại hòa bình cho đất nước Việt Nam.

1976: Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.
Hiệp định Paris được kì kết ngày 27/1/1973, đã công nhận nền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, và buộc đế quốc Mĩ phải rút quân về nước. Đó là một thắng lợi hết sức to lớn của nhân dân ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thành công vẻ vang ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Năm 1976, thủ đô Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam Độc lập, Thống nhất, Dân chủ và Hòa bình: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2010: Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trải qua 1000 năm với bao thăng trầm của thời cuộc, qua bao biến cố của lịch sử, Thăng Long – Hà Nội tự hào là thủ đô anh hùng của nước Việt Nam anh hùng và thêm tự hào là “Thành phố Hòa bình”, danh hiệu mà Tổ chức Giáo dục Khoa học – Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trân trọng vinh danh thủ đô ta.
Năm 2010, nhân dân Hà Nội cùng với nhân dân cả nước tổ chức Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là một sự kiện vĩ đại về phương diện chính trị, lịch sử và văn hóa của Tổ quốc Việt Nam về sự trường cửu và thịnh vượng của thủ đô vinh quang của chúng ta.

Bài viết Nguyễn Xuân Tư/ tác giả cho bài.
VANDANBNN giới thiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét