Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

nguyễn nguyên bảy SẮC ĐẸP NGÀN VÀNG – XÀI THẾ NÀO CHO KHỎI PHÍ?



nguyễn nguyên bảy

SẮC ĐẸP NGÀN VÀNG – XÀI THẾ NÀO CHO KHỎI PHÍ?


Tôi có người bạn già, sinh một hơi năm cô gái, lúc nào cũng tự coi mình là người giàu sang trong thiên hạ. “Sắc đẹp ngàn vàng, tôi có tới năm ngàn vàng lận, xưa nay mấy ai cự phú như tôi”. Tôi chỉ cười, coi đó là sự lộng ngôn. Ông bạn già biết điều đó mà không chấp.

Năm Tân Hợi (1971), tôi có con đầu lòng, mừng hết cỡ, bởi cầu được, ước thấy, tôi mê con trai. Ông bạn già tới thăm, cho một bó hoa lớn có ít nhất là mười loại hoa. “Chẳng biết cô chú thích hoa gì, nên tặng thế này, mong là hợp”. Tôi thưa với ông, hoa nào chẳng đẹp, bởi mỗi loài hoa có một nét đẹp riêng. Nghe tôi nói vậy, ông cười lớn: “Thế là chú đã “ngộ” rồi đó. Hoa cũng như người con gái, mỗi người một vẻ, không một ai xấu cả”. Ông bạn già nhìn tôi hồi lâu, như để tôi kịp hiểu, rồi ông luận giải về sắc đẹp của “đàn bà, con gái” (chữ ông dùng), khiến tôi mê đến nỗi, lúc này nhớ lại ngỡ như ông vừa nói đây thôi.

“Tôi lấy khoa Tử Vi luận cho chú nghe, mong chú loại trừ ý nghĩa mê tín mà người đời thêm thắt thị phi cho môn khoa học này, nên coi khoa Tử Vi như là một môn Thống-kê-kinh-nghiệm. Cụ Trần Đoàn, sáng lập khoa Tử Vi, cụ đặt ra ba bộ sao chính, quy hợp mọi sắc đẹp của đàn bà con gái, cho mỗi sao một số ý nghĩa, rồi dùng ngũ hành sinh khắc mà luận giải, mà chiêm nghiệm qua thời gian. Ba bộ chỉ sắc đẹp ấy gồm sáu sao, đi với nhau từng cặp. Cặp một: Hai sao Đào Hoa – Hồng Loan, cặp hai: Hai sao Long Trì – Phượng Các, cặp ba: Hai sao Thiên Đức – Nguyệt Đức. Cô gái nào may mắn trong mệnh số được cả ba cặp sao trên hội nhập thì tất nhiên là “tuyệt thế giai nhân”, sắc tài hoàn hảo. Cô nào được ít sao tất nhiên kém đẹp hơn. Nhưng thật may mắn là chẳng có một cô gái nào không có ít nhất một hoặc hai ngôi sao đẹp chiếu mệnh. Vì vậy, người ta mới nói “nữ nhân đồng nghĩa với sắc đẹp”.

Ý nghĩa của ba bộ sao sắc đẹp đại lược là:

“Cặp sao Đào – Hồng: Mặt đẹp như hoa, da trắng như phấn, hàm răng đều đặn, khi môi nhoén cười cũng là khi mắt long lanh. Cái đẹp như muốn phơi bày ra ngoài (bởi là hoa) nên ai quá đà cái sự phơi bày đó thường mắc vào dâm tục. Vẻ đẹp này thật dễ thấy, thật dễ cảm, dễ si mê, và người có vẻ đẹp này được ví như một nàng “ngựa” bất kham”.

“Cặp sao Long – Phượng: Mặt đẹp lạnh, đẹp trầm, đẹp đôi khi làm người chiêm ngưỡng “sợ”. Mắt sắc, môi hồng với nụ cười khô. Nói năng chậm rãi như là vừa nói, vừa nghĩ. Rất khắt khe và không dễ bằng lòng với tình yêu, nhưng khi đã yêu thì thủy chung như nhất. Với nét đẹp này, đức tự tin và bản lĩnh toát ra trong mọi ứng xử và hành động, có khả năng tiếp sức cho bạn đời thành công trong sự nghiệp”.

“Cặp sao Thiên – Nguyệt Đức mà Thúy Vân của cụ Nguyễn Du là một mẫu. “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Thân hình mập, đậm. Bước đi hơi nặng, tính tình khoan hòa, nhân hậu. Chỉ nghĩ tới sự làm ác, làm xấu, mặt đã đỏ bừng. Đây là nét đẹp hiền thảo, việc nội trợ thật đảm, nuôi con thật khéo, đó chính là nét đẹp “Vượng phu, ích tử””.

“Bây giờ, hẳn là chú thuận với tôi: Nữ nhân không có người xấu. Có nghĩa là ai cũng đẹp, mỗi người một vẻ đẹp riêng, và sắc đẹp nào cũng đáng giá ngàn vàng. Điều quan trọng là người ta sử dụng cái ngàn vàng ấy như thế nào để khỏi hoài phí”. Tôi nói vậy là bởi nhiều người “xài” hoang phí lắm. Đây chính là yếu tố hoàn toàn không mê tín, mà là yếu tố quan trọng “nhân định thắng thiên".

“Người có sắc đẹp Đào – Hồng chỉ cần buông thả một chút thành gái lầu xanh. Hoặc không muốn trở nên giàu có bằng lao động của mình, chỉ muốn “một phút nên bà” mà chấp nhận làm “bé”, làm “gái bao” để có nhà lầu, xe hơi. Những cuộc tình này, đa phần đều có những kết thúc cay đắng. Xài ngàn vàng như vậy là phí, phí lắm”.

“Người có sắc đẹp Long – Phượng giọng nói chất kim nhiều, sắc sảo, đa ngôn, kiêu hãnh. Lúc nào cũng chỉ bo bo biết mình, nhiều vị kỷ, ít vị tha, dễ sinh đố kỵ, ghen tuông, hờn dỗi, át bạn tình, át chồng con, nên nhiều khi tình yêu vuột khỏi vòng tay, ít bạn mà nhiều thù. Ham việc lớn coi là sự nghiệp. Chuyện cửa nhà, nội trợ phó cho chồng, cho con, vì thế tưởng như hạnh phúc mà không hạnh phúc, chồng con tìm một vùng ấm khác, còn mình sống thường trực trong cô đơn. Xài ngàn vàng như vậy cũng là phí lắm”.

“Người có sắc đẹp Thiên – Nguyệt Đức hiền hậu quá nên dễ bằng lòng, coi việc nội trợ là tất cả, chuyện xã hội là không có mình, nên luôn luôn bỡ ngỡ trước đám đông, lạc hậu với tiến triển của khoa học nghệ thuật, ít hội nhập vào cuộc sống. Chồng con vì thế yêu mà xem thường, dễ chạy theo những lời mời gọi mới, quyến rũ và thông thái hơn. Xài ngàn vàng như vậy cũng là uổng”.

“Chú sẽ vấn tôi: Vậy có khuôn thước nào để xài ngàn vàng mà không uổng phí? Xin đáp: Không có khuôn thước nào cả. Khuôn thước là ở mỗi người, là nền giáo dục gia đình, là gốc văn hóa, là ý thức sự quan trọng đúng mức của sắc đẹp. Khi người ta nói ”Cái nết đánh chết cái đẹp” là nói cái nết na, hiền thảo hơn hẳn của cặp sao Thiên – Nguyệt Đức trước Long – Phượng, Đào – Hồng. Lại khi người ta nói “Người đẹp vì lụa…” là nói cái thắng thế cao sang của cặp Long – Phượng khi tận dụng cái giàu sang của mình để át cái đẹp của Đào – Hồng, của Thiên – Nguyệt Đức. Thời nay, sự cao sang đó được hiểu là thời trang, là vàng ngọc, là mỹ phẩm. Và khi nói “Hơn nhau tấm áo manh quần…” không chỉ hàm chưa cái nghĩa như là “Người đẹp vì lụa” mà còn hàm cái ý chê cười sự hở hang thường hay có ở cặp Đào – Hồng và sự tồ toàng (bị coi là giản dị) quần ống thấp, ống cao, áo đứt cúc, sứt chỉ của cặp Thiên – Nguyệt Đức. Trước đây, quan niệm sắc đẹp thiên về mặt đạo đức. Thời nay quan niệm đó nhẹ hơn, cái đẹp được quan niệm đơn thuần “Nhất mốt, nhì da, thứ ba là dáng!” Mọi quan niệm, mọi định nghĩa, mọi luận bàn, đánh giá về cái đẹp xưa nay đều nên coi là kinh nghiệm, là trải nghiệm, để mỗi người tự vận dụng “xài” tấm ngàn vàng của mình sao cho đáng tấm ngàn vàng”.

" Người có sao đẹp (Đào Hoa) nở giờ Mão (5 – 7 giờ sáng), thật là đẹp đẽ, bởi hoa đẹp suốt một ngày (hay suốt đời cũng vậy), thế mà sớm để héo úa. Người có sao Đào Hoa nở giờ Dậu (5 – 7 giờ chiều) tưởng như là tàn một ngày rồi, vậy mà vẫn đẹp tươi. Là lý làm sao? Lý rằng: Sắc đẹp trời (hay là cha mẹ) cho ta, còn “xài” thế nào lại là chuyện của ta, kiệm ước hay hoang phí, ta tự biết hơn ai”. Người có Đào hoa nờ Ngọ bảo là Đào lửa, rát mặt người và dễ cháy mình. Người có Đào hoa nở Tý, bảo là " phiếm thủy dào hoa", hoa trôi vô định trên dòng đời khuya.."

Tôi đã ngẫm nhiều năm lời dạy giảng của ông bạn già, đã áp dụng được đôi điều, thấy ích lợi cho vợ tôi, em gái tôi và cả con gái tôi nữa, nên chép lại thành bài này gọi là tặng các người đẹp, may chăng giúp ích được điều gì để người đẹp gìn giữ tấm ngàn vàng của mình. Xin cứ nhâm nhi câu hỏi mà ngẫm nghĩ thêm: Sắc đẹp ngàn vàng - xái thế nào cho khỏi phí?..


Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét