Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

TRẦN HẬU / Số phận bi thương của nguyên mẫu bức tranh “Người đàn bà xa lạ”


TRẦN HẬU
Số phận bi thương của nguyên mẫu bức tranh “Người đàn bà xa lạ”

Nếu như tên tuổi của họa sĩ Kramskoy rất nổi tiếng thì cô con gái yêu của ông chỉ một số ít người nghe nói đến. Thật kỳ lạ, không hiểu sao một nữ họa sĩ tuyệt vời, danh tiếng đến thế lại bị rơi vào quên lãng! Hơn nữa, cô chính là nguyên mẫu của bức tranh “Người đàn bà xa lạ” nổi tiếng của họa sĩ.

Sofya Kramskaya, người con gái duy nhất trong gia đình (có lẽ vì thế mà được bố yêu nhất), sinh khoảng năm 1866 (theo các nguồn khác là năm 1867). Bà học tại trường trung học bình thường, nhưng nhờ không khí sáng tạo trong gia đình, bà sớm bộc lộ lòng say mê hội họa. Kramskoy ra sức bồi dưỡng tài năng nghệ thuật của cô con gái và trở thành người thầy đầu tiên của cô.

Năm 16-17 tuổi, Sofya xinh đẹp tuyệt vời. Cô đính hôn với một bác sĩ trẻ. Kramskoy đã vẽ những bức chân dung chú rể và cô dâu tuyệt đẹp. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, bác sĩ bỗng phải lòng cô bạn gái của vợ chưa cưới. Lễ đính hôn bị hủy bỏ và chẳng bao lâu Sasha Tretyakova lấy chồng chưa cưới của bạn gái. Trên bức chân dung do bố cô vẽ sau đó, Sofya trông hoàn toàn khác...

Gương mặt cô toát lên nỗi sầu muộn và sự trống vắng trong tâm hồn. 
May mắn thay, hội họa đã cứu Sofya. Cô gái 16 tuổi say mê vẽ tranh và bắt đầu gặt hái những thành công thực sự trong nghề.

Kramskoy hiểu rằng ông sắp qua đời, mà con gái vẫn chưa trưởng thành. Ông lo lắng cho số phận của con gái, sợ cuộc đời riêng của cô sẽ trở nên bi đát. Quả thật, một thời gian dài Sofya không thể lấy lại sự thăng bằng trước cú đòn quá tàn nhẫn của số phận, cô không yêu ai và không lấy chống. Chỉ vào năm 1901, khi bố đã mất, cô kết hôn với luật sư Petersburg gốc Phần Lan Georgy Yunker.

Sofya Kramskaya cũng vẽ nhiều bức chân dung của hoàng đế, nữ hoàng, các con của họ, trước hết là thái tử và những người thân khác. Nhưng hầu như không có bức nào được lưu giữ. Có những bức bị phá hủy hoặc thất lạc trong những năm cách mạng, một số bức bà chuyển cho bảo tàng thành phố Ostrogozhsk ở quê hương bố cùng với những bức tranh của ông, nhưng năm 1942 bảo tàng bị cháy và chúng đã bị thiêu rụi cùng với phần lớn bộ sưu tập của bảo tàng.

Sofya là họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng, bà nhận được nhiều đơn đặt hàng. Nhưng nhiều tác phẩm rơi vào tay các nhà sưu tầm tư nhân hoặc thuộc về các gia đình, điền trang bị tàn phá trong giai đoạn cách mạng, đến nay vẫn biệt vô âm tín.

Chồng của Sofya qua đời năm 1916. Và chẳng bao lâu bắt đầu những tai họa khác: cuộc nội chiến, cái chết của mẹ năm 1919... Nhưng người phụ nữ ngoài 50 này vẫn cố gắng thích nghi với cuộc sống mới.

Từ năm 1918, bà làm việc ở Cục Quản lý các cơ quan khoa học, nghệ thuật và bảo tàng. Ở Leningrad, nhiều người quen của bà từ “cuộc đời cũ”, những con người xuất thân từ giới quý tộc, đã bị đọa đày đau khổ. Họ mất hết nhà cửa, tài sản, công việc, họ không có bất cứ thu nhập nào, nhiều người đói ăn. Bà đã giúp họ tìm những công việc thu nhập rất thấp như dịch thuật, dạy học, đánh máy để tồn tại. Vì những việc làm đó người đàn bà đứng tuổi đã bị buộc tội và rơi vào vòng lao lý. Ngày 25/12/1930, Sofya Kramskaya bị bắt vì tội tuyên truyền phản cách mạng theo điều 58-II của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Xô viết LB Nga. Bà bị buộc tội “thành lập nhóm phản cách mạng gồm các thành phần quý tộc trước đây nhằm mục đích cài người của mình vào phục vụ trong các cơ quan của Liên Xô để thu thập thông tin...”.

Kramskaya-Yunker bị kết án ba năm đi đày ở Sibir, nhưng do chấn động thần kinh bà bị đột quỵ. Trong tình trạng bị liệt nặng bà được đưa tới bệnh viện nhà tù tạm giam, được điều trị sơ sài và sau đó bị dẫn đến Irkutsk, rồi chuyển đến Kansk, Krasnoyarsk.
Ngày 18/2/1932, vụ án của Kramskaya-Yunker được xem xét lại do bà bị bệnh hiểm nghèo và vì “không gây nguy hiểm cho xã hội”.

Năm 1933, nữ họa sĩ qua đời đột ngột và mãi đến năm 1989, bà mới được phục hồi danh dự vì thiếu cấu thành tội phạm.

Trần Hậu/ (Theo báo Nga)
Ảnh: ("Người đàn bà xa lạ" và nguyên mẫu Sofya Kramskaya)
VANDANBNN st/gt /

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét