Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa 7. miên di “LŨ BUỒN HOANG” - TIẾNG LÒNG TRĂN TRỞ VÀ NHỮNG NỖI BUỒN NGỔN NGANG


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa


7.
miên di

“LŨ BUỒN HOANG” - TIẾNG LÒNG TRĂN TRỞ 

VÀ NHỮNG NỖI BUỒN NGỔN NGANG
 
(Nhân đọc tập thơ
Lũ buồn hoang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
)


Lũ buồn hoang là tập thơ mới nhất của nhà thơ miên di. Tập sách khá đầy đặn và có những thể nghiệm, tìm tòi, sáng tạo mới. Tất cả thể hiện một cái tôi không bình yên, luôn trăn trở suy tư, luôn khát khao bộc lộ nhu cầu sống tự nhiên với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Lũ buồn hoang được bố cục 4 chương:
Chương 1: Tài khoản của Chúa (35 bài)
Chương 2: Con đường vấp phải bước chân (58 bài)
Chương 3: Biên bản sống (41 bài)
Chương 4: Những ghi chú rời rạc (33 ghi chú)
Cách phân chia cũng như nội dung được phản ánh trong toàn tập sách đã cho thấy một nhà thơ miên di với phong cách thơ chững chạc và có những dấu ấn thơ riêng, khó có thể lẫn vào với bất kì một nhà thơ trẻ đương đại nào khác. Bởi miên di đã tự tạo cho mình tạng thơ riêng.
Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn: “Đọc miên di, thấy thơ là bận lòng khôn nguôi về những ngổn ngang của đời và phận người. miên di muốn hóa giải những ngổn ngang ấy, mà cứ bị lâm sâu vào sự ngổn ngang. Để lòng thơ cũng chất chứa những ngổn ngang, mỗi tiếng thơ là một nỗi ngổn ngang của cuộc nhân sinh dằng dặc rối bời”.
Những nỗi đau hiện hữu và cả những nỗi đau không rõ hình hài lần lượt hiện diện trong thơ miên di. Đó có thể là nỗi xót xa khi vợ đi lấy chồng, sự sám hối khi mình đi qua tuổi bốn mươi, một lời thề hẹn xưa, những tâm sự với cảnh với người và cả những điều nhà thơ linh cảm, nghĩ suy, chiêm nghiệm.
Điều dễ nhận thấy và cũng làm nên sự độc đáo trong thơ miên di đó là việc anh tổ chức nội dung tự sự (lựa chọn đề tài, nội dung và việc tổ chức sắp xếp các ý sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật và hấp dẫn người đọc).
Điều này được thể hiện trước hết ở cách đặt tên nhan đề bài thơ rất sát với đặc trưng kể chuyện: Bầu trời của cha, Cuối năm thăm mộ Bà, Giấc mơ tôi, Tâm sự với bao diêm, Tâm sự với cha, Tâm sự với mẹ, Tâm sự với Chúa, Uống rượu với Chúa, Tâm sự với cây đàn vỡ, Check-in lên một đám mây, Con đường và đôi chân, Tâm sự với phố khuya, Tâm sự với phố cũ, Chuyện vợ chồng, Phố & tôi, Thu của tôi, Con đường và đôi chân, Đọc lại mục lục chính mình, Tâm sự với sân ga, Sau ly dị, Luận anh hùng, Tâm sự với con vi trùng, Phận đàn bà, Ngày cuối năm, Tâm sự với đống cát...
Ngôn ngữ thơ cũng biểu hiện kết cấu tự sự, nó chứa đựng nhiều sự kiện, hình ảnh, được tường thuật rất chi tiết. Ngôn ngữ thơ được sáng tạo nhờ sử dụng các từ ngữ, biểu tượng, có sức gợi cảm cao, lối tư duy đa chiều, làm cho thơ trở nên giàu hàm lượng nghĩa.
Ở bài Phố & tôi, chỉ gói gọn 17 câu thơ mà nhà thơ vẽ ra không gian trùng phức, chất chứa nhiều tâm trạng, mở ra những tri nhận mới về đời sống đa chiều kích của con người thời hiện đại. Đặc biệt nhà thơ luôn truy tìm câu trả lời cho mỗi sự việc được phản ánh.
Octavio Paz Lozano - người từng đoạt giải thưởng Nobel văn chương cho rằng: “Cái cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người. Con người là sinh vật duy nhất cảm thấy mình đơn côi”. Cô đơn và buồn là dấu hiệu của một triết học bi kịch về con người.
Cả tập thơ dày đặc những thanh âm buồn, do vậy những hệ từ chỉ sự buồn đau, mất mát, tổn thương được lặp đi lặp lại liên tục: đau điếng, khô rũ, buồn, khóc, mặn chát, ua úa nỗi niềm, vết rách, sám hối, tội lỗi, khâm liệm, quạnh quẽ, vết thương, chán ngán, rạn nứt, bạc đầu, đổ vỡ, đưa ma, lầm lũi, va vấp, ân hận, tàn tạ, bất lực, khốn cùng, khổ đau, rụng rời, buồn tẻ, tê tái, lẻ loi, nước mắt, thất lạc, chia tay, vết đâm, rách nát, trầm luân, điêng điếng buồn, mất nhau, cô đơn, tơi bời, nhợt nhạt, ê chề, tức tưởi, tỵ nạn, biền biệt, lưu vong, bão giông...
Thơ miên di mang một dáng vẻ riêng khó lẫn một giọng thơ nào trong dòng chảy của thơ trẻ đương đại. Bởi anh có những cách liên tưởng lạ và độc đáo với giọng suy niệm, triết lý hồn hậu.
Người ta cứ tưởng một doanh nhân làm thơ như miên di sẽ nói nhiều, sẽ có những phát ngôn gây sốc hay kiểu chém mây chém gió. Nhưng với bản tính thâm trầm, phong thái đĩnh đạc được anh thể hiện và gửi gắm ngay trên từng trang viết.
Có bài thơ chỉ 2 câu mà chứa đựng trong đó bao nỗi niềm trắc ẩn và sự suy tư đau đáu:
Lòng như chỗ vắng bặt tăm/ Tôi và một chiếc lá nằm, thương nhau (Chiếc lá & tôi).
- Giáo đường chứa bao lời xưng tội/ Hay lòng người không còn chốn bao dung (Chốn bao dung).
- Mơ thành sói dữ dịu dàng/ Trở về thăm thuở hồng hoang trong người (Giấc mơ tôi).
- Bao thuốc đầy còn bao làn khói khác/ Có hay diêm ở lần cháy cuối cùng (Tâm sự với bao diêm).
- Những ngày khó chỉ thích nhìn trẻ nhỏ/ Nghe yêu thương như gỡ được một thế cờ (Những ngày khó).

Cái buồn trong thơ miên di là nỗi buồn của một con người đã đi qua những thăng trầm, biến động của cuộc đời. Đó có thể là những nỗi buồn khi tình yêu trắc trở, nỗi buồn của sự xa vắng đi tình thân, nỗi buồn của những biến động thời cuộc...
Khi tình yêu không trọn, sự cô đơn đã ăn mòn vào sức sống, nhân vật trữ tình không sao tránh khỏi những nghẹn ngào: Mình đã bỏ nhau khi còn chung bữa/ Nhặt dần vui ra khỏi nỗi buồn/ Vắng em sau yên xe/ Anh chuyện trò với khoảng trống/ Chiếc áo em mua anh vẫn còn đang mặc/ Tấm áo bền hơn vết rách/ Anh diện lên mình hạnh phúc đã qua (Vợ đi lấy chồng).
Đọc bài thơ Tháng 7 này của anh mà tôi rưng rưng xúc động, bởi tôi nhận ra ở đó không chỉ bóng dáng của anh mà còn có cả của chính tôi và nhiều những đứa con xa quê đang mưu sinh nơi phố thị. Vì cuộc sống và nợ cơm áo nên những đứa con ít có dịp về với mẹ nơi quê nhà.
Nơi ấy “mái bếp dột đã thành quen với mẹ” và cũng chính từ vùng quê nghèo khó mẹ lại chắt chiu, dành dụm những thứ quà quê rồi chính mẹ mang về phố cho con.
Tháng 7 này trên những chuyến xe/ có mùa Vu Lan bao người về với mẹ/ con lấy vợ rồi làm cha trong thành phố/ nhà mình vắng những về thăm
Tháng 7 này Vu Lan qua điện thoại/ con thành xa khi mẹ vẫn còn gần/ mái bếp dột đã thành quen với mẹ/ tiếng gà quê quạnh quẽ những trưa chiều
Nỗi buồn được chắt lắng và chuyển vào thơ một cách tự nhiên, tự nhiên mà hồn hậu, buồn mà đầy tự tin, cô đơn mà rất ung dung tự tại.
Mây cũng trôi/ rồi nước cũng qua cầu/ xe cũng chạy/ rồi con đường cũng vắng/ chỉ còn lại cái bùng binh tự kỷ/ chẳng biết nghĩ gì khi đứng giữa ngã tư
Và ta cũng một mình như am tự/ như khung thành sau trận đấu kinh thiên/ đời rỗng rang như sân vận động đã qua mùa/ trỏng trơ vài lá cờ giờ là rác (Đói buồn).
Nhà thơ cảm nhận cuộc đời trong sự cô đơn, buồn tủi nhưng không hề bi lụy hay tuyệt vọng. Có lẽ anh đã thấu rõ mọi quy luật của cuộc đời, cuộc người. Vui buồn, khổ đau, hạnh phúc là những thứ luôn hiện diện trong mỗi phận người. Chỉ có điều chúng ta phải biết đối diện với nó và cải biến sao cho phù hợp để sống.
Tự dưng không nỡ đóng đinh chuyện đời/ nhặt được thương cho ai rơi/ tự dưng không nỡ bật cười vì may Thôi làm cái đúng bằng sai/cho nhau một cái vỗ vai nghĩa tình/ không ai bằng tuổi chính mình/ hôm nay là bóng của hình hôm sau/ Mất là cách khác của trao/ buồn là từng lúc giải lao cuộc đời (Đọc lại mục lục chính mình).
miên di cũng ý thức sự được - mất, có - không trong cuộc đời. Anh coi nó như là sự hiển nhiên không thể cưỡng lại được. Bởi: Ông trời còn mất sao rơi/ Huống gì trần thế loài người mất nhau (Mất).
Cái tôi cô đơn trong thơ miên di là cái tôi tự thức đầy tỉnh táo và bản lĩnh, giàu nghị lực, khát sống, khát yêu. Trong sâu thẳm tâm hồn, thơ miên di rất tha thiết với tình yêu, tình người, tình đời. Tôi có buồn vẫn vui hơn con phố/ Đêm nào qua cũng dẫn kẻ tái tê về (Tâm sự với phố khuya).
Là một tâm hồn có chiều sâu nên miên di nhạy cảm trước những va đạp của cuộc sống. Do vậy anh có những bài thơ, câu thơ làm người đọc nao lòng. Tuổi bốn mươi/ khoảng giữa của vui buồn/ như khoảng giữa của từng lựa chọn/ ta vò tóc trên đầu như sóng bạc/ khúc xé mình đến đoạn rẽ dòng sông (Tâm sự với tuổi bốn mươi).
Thành phố này niềm vui chật lắm/ anh đứng dưới vỉa hè nhìn khách sạn 5 sao/ nhìn những cô gái chân dài thơm phức/ mà nhớ mùi tóc em khét nắng/ mùi thiên đường của anh (Cho nhau một chút thiên đường).
Vào những chiều đói nỗi buồn khôn tả/ ta như con thú cuồng nhấm máu vết thương lâu (Đói buồn).
Đôi lúc người đọc nhận ra trong thơ anh có sự hài hước, lời thủ thỉ nhẹ nhàng mà giàu ẩn ý. Tình yêu không có bảo hành/ Lấy về có hỏng cũng đành thương nhau (Bảo hành yêu).
Nhà thơ miên di dí dỏm khi Đọc lại mục lục chình mình mà ở đó hình bóng mình hiện lên trong sự liên tưởng ngộ nghĩnh, đáng yêu: Tự dưng thấy rất mọi người/ ở trong mục lục cuộc đời riêng ta/ thấy mình giống chiếc hon-đa/ bao nhiêu lần sửa để là còn đây/ tự dưng thấy rất cỏ cây/ tự dưng thấy một rồi này, mà hai.
Sự chiêm nghiệm, triết lý về cuộc đời, thời cuộc và thế thái nhân tình được anh chuyển tải một cách tự nhiên và giàu chất trí tuệ. Trong bài Thời vắng sống gợi lên cho người đọc bao câu hỏi lớn, không chỉ đơn giản chỉ là bữa cơm mà rộng hơn đó là vấn đề thế sự, niềm tin, sự sống, tương lai và cả những gì “trống không”, buồn tẻ, vật vã, đau đớn, phi lý đã và đang diễn ra.
Đó là một tấn bi kịch. Cũng có lần đã nói cùng nhau/ sóng biển Đông ngầu ngầu trong ly bia sủi bọt/ những đôi đũa vung gậy tầm vong/ Đám cá tôm biểu tình sục sôi trong nồi lẩu
Thế sự ồn ào/ rồi những bữa cơm
Từng tháng ngày chật chội bởi trống không/ đám nhân tài chưa sinh đã có mộ/ lũ trai gái không cần anh hùng nữa/ lồng ngực người người không còn chỗ đựng niềm tin
Từng tháng ngày chật chội bởi trống không/ hôm sau nữa và rồi hôm sau nữa/ những yêu nhau, yêu nhau, yêu nhau/ và đám cưới/ từng đứa trẻ sinh ra, sinh ra, sinh ra/ và đám chết/ bữa cơm buồn rồi lại đến bữa cơm
Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời mình đã đi qua, miên di sâu sắc nhận ra rằng: “Nếu là người tốt, phần lớn cuộc đời là những lo âu cho người khác, thân xác phải luôn mệt mỏi vì bổn phận, tâm hồn không bao giờ bình an. Vậy hạnh phúc của người tốt ở đâu - nếu không phải trong chính những nhọc nhằn, thương khổ”. Anh ví von: “Đời đẹp như một bài thơ cay đắng”.
Hiện thực cuộc sống hiện đại với bao điều phức tạp, vàng thau lẫn lộn, tốt xấu mập mờ; nhà thơ miên di đã tự mình làm cuộc hành trình đi tìm chính mình. Anh soi chiếu trong quan hệ với những đối tượng khác để suy ngẫm, để chiêm nghiệm về lẽ đời.
Anh vẫn buồn, như một buổi trưa/ Có chiếc lá rụng, thế là mùa thu không qua khỏi/ Phía ngoài kia cuộc đời như thoáng khói/ Anh ngô nghê, tìm điều không có thật ở trên đời
Lời anh hứa khi tưởng đời dễ ợt/ Tưởng chỉ yêu nhau là hạnh phúc sẵn trên đời/ Chuyện thành đạt tưởng chỉ cần vuông ngực trẻ/ Dễ như trời luôn đủ rộng để mây bay
Nhưng em ạ, gầm trời rộng thế/ Sao lão ăn mày không có chỗ để nương thân?/ Anh ngô nghê nên thành thằng phẫn chí/ Cay chuyện đời vào cả nỗi nhớ em
(Mùa thu & thằng phẫn chí)
Bài thơ viết cạnh dòng sống là một trong số những bài thơ hay của tập sách này. Có lẽ với những giả định mà nhà thơ miên di đưa ra trong bài thơ (Thử làm/ Thử là/ Thử làm/ Thử làm/ Thử lên/ Thử không/ Thử làm/ Thử luôn/ Thử làm/ Thử là/ Thử sống/ Thử là/ Giả sử) đã bộc lộ chân thật những suy nghĩ rất riêng của nhà thơ về cuộc sống, về con người và cuộc đời.
Từ những suy tưởng về thân phận con người hôm nay trong hỗn loạn giá trị đến những suy tưởng về thân phận một dân tộc, một thời đại trong tâm thức con người.
Điều đáng trân trọng là nhà thơ miên di dành những tình cảm đặc biệt đến thân phận những người phụ nữ. Viết về Bà, về Mẹ, về Chị, về Em nhà thơ đều thể hiện sự cảm thông và trân quý. Bởi miên di hiểu sâu sắc rằng, Thượng đế sinh ra phụ nữ thì họ đã gánh vác những nhọc nhằn và nỗi khổ đau, thua thiệt nhiều hơn so với đàn ông.

Sợ tôi buồn, em bảo tôi đi bước nữa
Em thương tôi bằng những bữa cơm người
Còn em ở vậy thổi cơm cho thằng bé
Sợ con buồn, em chẳng nỡ để ai yêu
(Sau ly dị)
Có lẩn tránh tận hư vô/ Em không thoát khỏi là cô gái buồn (Phận đàn bà).
Cái tôi trong thơ miên di là cái tôi dám bày tỏ một cách trực tiếp, thẳng thắn những tâm tư, tình cảm và nghĩ suy của mình: Em dắt buồn tôi đi đâu/ để lại tôi đứa trẻ bạc đầu/ nghịch đồ chơi là những muộn phiền/ có ghép lại cũng chỉ là rạn nứt/ mong em chạm vào/ để lại đổ vỡ cũng là vui (Chỗ vắng trong người). Anh muốn định nghĩa lại bão giông, Định nghĩa lại em, Định nghĩa lại ánh sáng, Luận về anh hùng...
Thơ miên di đầy ắp những nỗi niềm khắc khoải, cô đơn trong nỗi buồn vô tận. Nhưng người đọc có thể nhận ra đó là những nỗi buồn tinh khiết, những nỗi đau mà anh là người bình thản đón nhận nó, đón nhận trong tâm thế thản nhiên, có khi như là việc bình thường. Có lẽ vì anh đã thấu hiểu lẽ đời, biết được những vần xoay, sự khổ đau, hạnh phúc của cuộc đời nên anh có cách đón nhận như thế.
Thượng Đế, ổng rất là hay/ Định mệnh làm mát cả mày cùng tao/ Thế thì nếu có ra sao/ Thì là tất thảy riêng nào ai đâu (Bài thơ viết cạnh dòng sống).
Nhà thơ miên di chiêm nghiệm: “Nếu phải đi qua nỗi buồn nào đó. Lần thứ nhất bạn cảm thấy tận cùng đau khổ. Lần thứ hai nhẹ nhàng hơn. Rồi lần sau, lần sau nữa, dần nguôi ngoai.
Một ngày, bạn lạc về với nỗi buồn đó. Nếu cảm thấy đau khổ bỗng vẹn nguyên như lần đầu. Thì nỗi buồn ấy chính là hạnh phúc thực sự của đời người”.
Lũ buồn hoang gồm 134 bài thơ và 33 ghi chú rời rạc đó là bức tranh đời sống do chính miên di thức nhận và phản ánh. Ở mặt này hay mặt khác có thể đôi chỗ lời thơ, ý thơ, câu chữ chưa thật sự hoàn hảo nhưng nhìn chung đây là tập sách có chất lượng, đáng để đọc. Ở Lũ buồn hoang, độc giả cũng sẽ nhận ra lục bát là thế mạnh của miên di. Anh có những thể nghiệm bước đầu trong việc tìm tòi và làm mới thể thơ truyền thống này.
Nhìn chung miên di đã có sự mở rộng biên độ trong sự liên tưởng, sáng tạo. Từ những câu chữ phản ánh hiện thực, những hình ảnh và mọi thứ xảy ra xung quanh, anh đã mở ra cho người đọc những suy tưởng làm hiển lộ một sự thật đa tầng mang những suy nghiệm mới.
Thơ miên di đã cho thấy được những nội dung phong phú, đa dạng của cái tôi trữ tình. Cái tôi tự khẳng định mình một cách quyết liệt, cái tôi bộc lộ nhu cầu sống tự nhiên với nhiều đối cực. Thơ chính là nơi để anh thể hiện, giải tỏa những chất chứa, những điều sâu kín của lòng mình, hồn mình.
Trong xu hướng đổi mới chung, các nhà thơ hiện đại đã tìm cho mình một hướng đi riêng mang đậm dấu ấn cá nhân của một cái tôi trữ tình đầy kiêu hãnh. miên di cũng đã góp một tiếng thơ riêng làm nên sự đa sắc hương trong dàn đồng ca của thơ trẻ đương đại.

Trích sách Tình Thơ Bạn Tho 1/
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét