Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Bài đăng theo nhắc nhớ của fb/ fb HẢI XUÂN / CUỘC NGƯỜI TRONG CÕI ÂM DƯƠNG Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa



CUỘC NGƯỜI TRONG CÕI ÂM DƯƠNG
Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa
( Nhân đọc tiểu thuyết Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm của Hoàng Xuân Họa)

Gia đình chúng tôi, vợ chồng và các con, từ nhiều năm nay đã dụng văn vần, văn xuôi, dụng tranh, dụng ảnh để thăng hoa mình vào hai cõi âm dương. Nhưng thu hoạch chẳng là bao, âm dương vẫn là hai cõi bao la, huyền bí, mang mang.. Ấp ủ viết một tiểu thuyết để mong sức dài, vai rộng của loại hình ôm đươc nhiều hơn những bí ảo trong hai cõi âm dương, nhưng ấp mãi vẫn chưa ủ. sáng nay, thưa dậy, mở eMail, anh Hoàng Xuân Họa gửi cho bản vi tính tiểu thuyết Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm. Vô thức thốt lên tiếng w..ào khiến cả nhà bật dậy trước bình minh.

W..ào 1, anh Hoàng Xuân Họa, tuổi đã bảy mươi đuôi ngắn, thơ viết kể cũng đã nhiều, vô số những câu thơ còn đẹp mãi: " Mùa thu cầm chắc trong tay/ Loay hoay rơi mất chằng hay lúc nào", hoặc " Trời đem trộn nắng vào mưa/ Con người trộn thiếu, trộn thừa vào nhau""/ Từng câu, từng chữ da diết khía vào tâm thức người đọc" (Bạch Huê Anh). Thơ Hoàng Xuân Họa đã viết đến cỡ tâm trạng này, sao không duy dưỡng mà phát, còn lội sang tiểu thuyết là sao?

W..ào 2, mình tự hỏi mình, nhưng nghe lời vợ đáp, đáp như lệnh, anh Họa gửi bản thảo cho hai vợ chồng, anh mở máy in ra cho em đọc. Lệnh rồi, ra ngay, hẳn là vào bếp làm tô mỳ ăn liền cho chồng điểm tâm sáng. Tôi mở máy, máy in cá nhân, chậm rãi in từ trang nhất rồi sẽ đến trang thứ ngoài hai trăm. Trong lúc chờ máy in, tôi nhắm mắt ngắm nhìn anh Họa. Vóc thấp, ăn nói nhỏ nhẹ, cứ nhất định gọi vợ chồng tôi là thầy cô, dù chúng tôi là vai em kết nghĩa, từng là thầy giáo, từng là bộ đội, từng đã gửi tặng chúng tôi cuốn nhật ký cháy xém lửa chiến trường những trang chép thơ Lý Phương Liên, từng đã mời chúng tôi uống rượu cần và từng đã cho phép chúng tôi coi con gái anh như con gái thứ của mình..

W..ào 3, máy đã in xong. Trang cuối: Chuyện cõi trời Chuyện cõi âm/ Tiểu thuyết/ Hoàng Xuân Họa/ Nhà xuất bản Hội Nhà Văn/ Chịu trách nhiệm xuất bản: Phạm Trung Đỉnh/ Chịu trách nhiệm bản thảo: Trần Quang Quý/ Biên tập: Tạ Duy Anh/ Bìa:Tranh của họa sỹ Nguyễn Lý Phương Ngọc.

Cất hình ảnh nhà thơ Hoàng Xuân Họa vào góc riêng tư, chúng tôi bắt đầu đọc sách của anh theo thói quen mở lòng, trân trọng và nghiêm khắc với bản thân mỗi khi đọc sách. Các Thầy/ Cô tôi dạy và tôi thu hoạch, đúc kết: Tiểu thuyết là một sinh vật cấu thành từ ba sinh vật có thật đời thường là gà, báo và công, nên sinh vật ấy có tên là Đầu Gà/ Mình Báo/ Đuôi Công. Pháp đọc sinh vật này gồm hai bước, bước một đọc Đầu Gà/ Đuôi Công để lượng giá cuốn sách cần hay không cần đọc, không cần đọc thì xếp lên giá phấn son kiến thức, trường hợp cần hoặc nên đọc thì tiếp bước hai, đọc Mình Báo. Tức là đọc trọn cuốn sách. Xin thưa, chỉ có pháp đọc này mới hy vọng có thời gian chọn đọc núi rừng sách được in ra trong thời buổi văn hóa đọc đang bị xếp vào dửng dưng. Tôi đã đọc tiểu thuyết Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm của anh Hoàng Xuân Họa theo pháp Đầu Gà/ Mình Báo/ Đuôi Công.

Trang mở sách Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm (Đầu Gà):
“Một ánh mắt lóe sáng như mũi tên đồng từ xa lao vụt vào tôi, không hề hay hấn chút đau, ngực tôi rộn lên rạo rực, dường như có người đẩy sau lưng, lôi tay tuồn tuột về phía trước, chân không dính đất, tôi như bay bay theo gió theo mây. Gió ào ào tạt hai bên má, vù vù hai bên tai, cảm giác như mình đang sải tay bơi lướt từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, từ làng này qua làng khác, qua những rặng phi lao vi vu. Bầu trời hồ thủy cao thăm thẳm nhuộm non cánh đồng lúa xanh mươn mướt tỏa hương đòng đòng thơm man mác. Gió hoang toàng thổi làm ức triệu ngọn lúa dào dạt lô xô cuộn trùng trùng muôn làn sóng xanh. Rồi như có một lực vô hình ghìm tôi đứng khựng lại trước một ngôi làng toàn nhà xây một kiểu; kiểu nhà giống hệt nhau mà tôi chưa thấy ở bất cứ làng quê hay phố phường nào trên đời, nơi tôi đang sống…” . Đầu Gà bắt đầu một một giấc mơ. Và tôi đã bị cuốn đi theo giấc mơ ấy…

Trang kết sách Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm/ Mời đọc, xem Đuôi Công có xòe:
“…Tôi mở mắt mà không muốn ngồi dậy vì toàn thân mỏi rã rời. Mặc bà ta ca! Mặc bà ta ca!... Vơ chiếc gối che kín lên mặt định ngủ thêm. Tôi muốn ngủ thêm giấc nữa để hưởng trọn giấc mơ tiên. Giấc mơ tiên… Xuống âm phủ chẳng ai muốn, trừ người lúc thấy mình khổ quá thì than: “chết quách đi cho xong”, nhưng mấy ai tự “chết quách” được đâu. Còn lên Thiên Ðường thì cả nhân loại đều muốn. Riêng tôi, được tới Thiên Ðường một lần, dù chỉ là Thiên Ðường trong lúc mơ ngủ đã làm tôi thấy chán. Bởi cõi Thiên Ðường trong giấc mơ ấy cũng phàm tục như chốn tục phàm cả thôi có hơn gì đâu, tốt đẹp gì đâu. Khi trăm tuổi, có được lên Thiên Ðường thật, tôi cũng xin vái, xin kiếu cái Thiên Ðường mà một lần tôi đã gặp trong mơ!” Đôi ba dòng kết, duôi công xỏe rực rỡ với thông điệp ngắn gọn xúc tích của tác giả.

Với Đầu Gà/ Đuôi Công này, bạn có tiếp tục đọc Mình Báo hay không là tùy. Phần mình, tôi thong thả hít khi ngập đan điền, rồi băm bổ đọc Mình Báo, giơ tay xua ngăn cả quãng dừng vợ mời ăn cơm trưa. Tác giả gọi đây là cuốn tiểu thuyết, tôi chưa biết các nhà phê bình văn học (nếu đọc) sẽ lập danh thế nào cho loại hình của cuốn sách này, nếu cũng thừa nhận là tiểu thuyết thì đây là cuốn tiểu thuyết lạ mới. Không có tình yêu tay ba, tay tư, không có phải trái, thiện ác của nhân vật, không có thắt nút cởi nút của xung đột, xem hồi sau sẽ rõ… Văn phong kể chuyện mộc mạc, như đời thường, thư thả, êm đềm, không có những trang đoạn vút cháy như lửa hoặc lóng lánh như kim cương, không có âm nhạc gió và hương nồng hoa cỏ… Thưa vâng, gần như tất cả những gì vốn có của tiểu thuyết kinh điển đều không gặp thấy trong tiểu thuyết Chuyện Cỏi Trời, Chuyện Cõi Âm. Nhưng bộ xương của tiểu thuyết được tạo dựng khá vững chắc, da thịt của tiểu thuyết đầy đăn, tươi hồng. Và quan trọng là tiểu thuyết lôi cuốn người đọc không chỉ vì tò mò, thích thú, mà còn vì cái duyên cuốn của ngôn từ, của trải nghiệm, của tấm lòng người kể chuyện. Người đọc đi theo nhân vật Phong hiện sống, xưng tôi và nhân vật tình, đã chết, tên Huệ, họ làm tình trong âm dương bất tử, bay cùng nhau, bơi cùng nhau, họ kể chuyện những trải nghiệm một thời bom lửa, họ lắng nghe chuyện áo cơm tem phiếu thời đầy đọa, họ khóc, họ cười, họ tin yêu, họ hy vọng, họ than thở, họ oán trách..Tất cả đều trong mơ, giấc mơ kỳ lạ của người ở cõi nhân giáng mơ xuống cõi âm và thăng mơ lên tận cõi thiên đường.. Quả đã khi được đọc một cuốn sách hay và thích. Một cuốn sách khó đặt xuống giữa chừng.

Với tôi, Tiểu thuyết Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm của Hoàng Xuân Họa là cuốn sách hay và thích. Rất nên đọc mà được lợi lạc nhiều lắm. Tôi đã đọc cuốn sách giấc mơ này và thu hoạch được những lợi lạc từ thông điệp sách, chép lại dưới đây:

Cõi dương gian tên gọi bể đời. Bất kể ai sinh ra làm người đều phải bơi, lặn, lội trong Bề Đời mà tới bờ tên là Mơ Ước. Càn Khôn thương hại con người yếu đuối, nên thả xuống Bể Đời phiến thuyền Bát Nhã, giao cho Phật Mẹ quản thuyền. Mỗi khi, mỗi lúc Người bơi, lặn, lội trong Bể Đời mệt nhọc, kiệt sức, tuyệt vọng, đều được Mẹ Phật vớt đón lên thuyền. Mẹ búng cho ba giọt linh thần khiến mọi hung họa đời người đều tan biến, Người lại tươi mới, mạnh cường như vừa sinh ra. Trước mừng rỡ hồi sinh ấy, Mẹ Phật hỏi Người vừa được cứu khổ cứu nạn: Ngươi có muốn lên Thiên Đường? Muốn thì ta cho thăng. Lần đầu tiên được nghe câu hỏi trang nghiêm của Phật Mẹ, Người được cứu khổ cứu nạn hiểu đầy không phải câu hỏi cợt đùa. Thiên Đường là cõi nao, ta đâu biết trên cõi ấy thế nào, chỉ kịp nghĩ thế, Người đã hốt hoảng quỳ lạy Mẹ đừng bắt Người lên Thiên Đường. Phật cười, lại hỏi: Hay là Người muốn xuống làm vua nơi địa ngục? Nơi ấy muốn chém giết hồn ai thì chém giết, muốn chiếm đoạt đất đai làng hồn nào cho thả sức chiếm đoạt, muốn tích trữ bao nhiêu bạc vàng, lâu đài, gái non, cho tùy hưởng. Người vừa được cứu khổ cứu nạn toát mô hôi máu, lập cập cầu xin Mẹ Phật đừng giáng người xuống địa ngục làm vua quỷ. Phật Mẹ gật đầu: Có nghĩa là Ngươi muốn về lại Bể Đời bơi, lặn, lội làm Người? Đáp: lạy Mẹ, cho con được về lại làm người. Phật nghiêm mặt: Vậy nghe đây, trước mặt Bể Đời là bờ Phúc, trên bờ có vườn hoa. Phải luôn tu thân mà thấy bờ, mà bơi, mà lặn, mà lội cho tới bờ. Mỗi khi mắt không thấy bờ, tức là đã lạc đường, đã gây họa tai, đã tạo nên nghiệp chướng, lúc đó hãy niệm pháp quay lưng là bờ..Cứ vậy mà tu thân.

Tôi viết những dòng thu hoạch này diễn giải thông điệp giác ngộ qua tiều thuyết Chuyện Cõi Trời, Chuyện Cõi Âm, thay lời cảm ơn tác giả Hoàng Xuân Họa đã cho đọc một cuốn sách rất đáng đọc.

Sài Gòn 10.2012
Nguyễn Nguyên Bảy
(Nhà văn)
Copy nguyên trang: bài và ảnh từ Fb Hải Xuân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét