Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

7 CẢNH GIỚI CAO NHẤT CỦA ĐẠO NHÂN


7 CẢNH GIỚI CAO NHẤT CỦA ĐẠO NHÂN

 
Thiện lương là phúc khí lớn nhất
Mặc dù Đạo giáo, Nho giáo hay Phật giáo trong văn hóa truyền thống có khởi nguyên bất đồng nhưng đều có chung một điểm là khuyến thiện.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Đạo Trời là công bằng, không thiên vị bất kỳ ai, nhưng thường hay giúp đỡ những người hành thiện”. Mỗi một hành vi của bản thân một người sẽ quyết định phúc báo của người ấy. Phật gia cũng giảng “hành thiện tích đức”, cũng chính là dạy làm người tốt mà có được phúc báo về sau.

Trong sách “Thái Thượng cảm ứng thiên” thì viết rằng, họa phúc của một người đều không có cửa mà là do bản thân người ấy tự gây ra. Làm ác thì gặp họa, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không sai một điểm.

Làm việc thiện thể hiện ở ngay hai khía cạnh là lời nói và việc làm của một người. Thứ nhất là nói những lời hay, lời tốt đẹp, lời khích lệ người khác. Cổ ngữ nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Nói lời lương thiện với người khác còn khiến họ ấm áp hơn cả áo quần, nói lời đả kích người khác còn khiến họ đau hơn thương đâm. Thứ hai là làm việc thiện. Trong sách “Vi lô dạ thoại” viết rằng, hành thiện có hai chữ là “nhường” và “kính”. Làm việc có thể nhường người, làm người có thể kính người thì đó là hành thiện tốt nhất.

Thủ tín là nguyên tắc cao nhất
Tuân Tử viết, một người nếu nói mà không giữ lời, làm việc không có nguyên tắc thì thứ mà mắt người ấy nhìn đến cũng chỉ là lợi ích, là tiểu nhân mưu cầu lợi mà thôi. Người như vậy nhất định sẽ khiến người người chán ghét, mọi chuyện làm cũng không xong.

Một người nếu không tuân thủ lời hứa, nói chuyện không giữ lời thì mọi người tự nhiên cũng không tin tưởng người ấy nữa, không tin lời người ấy nói và việc người ấy làm. Cho nên, Mặc Tử nói rằng: “Người không giữ chữ tín thì làm việc không có kết quả”. Học giả Lưu Hướng thời Tây Hán cũng giảng: “Người bội tín thì danh không đạt”.

Một người giữ chữ tín thì nhất định là người có phẩm đức, làm việc có nguyên tắc. Người như vậy thẳng thắn vô tư, quang minh chính đại, chân thành đáng tin cậy, tự nhiên cũng khiến người khác nguyện ý kết giao, nguyện ý hợp tác.

Khoan dung là tu hành tốt nhất
Khoan dung là tu dưỡng, là khí lượng, nó thành tựu nên đại khí của con người. Đối với khoan dung, trong sách “Thượng Thư” viết: “Hữu dung nãi đại”, tức là vì dung nạp mà thành lớn lao. Núi Thái Sơn chẳng quản gom từng hạt đất mà trở nên cao lớn. Sông biển không kén dòng chảy to nhỏ mà trở nên thâm sâu. Kết quả của khoan dung chính là rộng lớn.

Vậy làm sao để trở nên khoan dung? Thứ nhất là cần phải học cách nhẫn nhường. Nhẫn nhường sẽ khiến một người khó thoải mái và không dễ dàng làm được. Nhưng cần nhớ rằng: “Cắn răng là có thể vượt qua”. Thứ hai là cần phải học cách tha thứ, nghĩ nhiều hơn về khuyết thiếu của mình, nhìn nhiều hơn vào ưu điểm của người khác. Thứ ba là đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương. Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Lấy tâm trách cứ người để trách mình, lấy tâm khoan thứ mình để khoan thứ người, đặt mình vào hoàn cảnh người khác thì sẽ tự nhiên có thể lý giải và khoan dung người khác”.

Thành thật làm cảm động lòng người nhất
Trong sách “Trang Tử” viết rằng: “Chân là sự tinh thành rất mực. Không tinh thành thì không cảm động được người khác”, tinh thành chính là thành thật cao nhất. Người như vậy thực sự có thể làm cảm động lòng người.

Triết học gia thời Tống, Trình Di nói rằng dùng thành thật mà cảm động người khác, người khác cũng theo đó mà trở nên thành thật. Một người có thành thật hay không thì người khác có thể cảm nhận được, cho dù có thể lừa gạt được người khác trong nhất thời, cũng tuyệt đối không thể lừa gạt được lần sau.

Nếu chúng ta đối đãi với người khác một cách thành thật thì họ tự nhiên cũng sẽ đối đãi với chúng ta thành thật, còn nếu chúng ta không thành thật thì sẽ khiến người khác chỉ có thể đứng xa không dám lại gần, đây là tác dụng cảm ứng đem lại. Cho nên, có thành người thành việc hay không đều nằm ở hai chữ “thành thật”. Vì thế, Hàn Phi Tử mới nói: “Xảo trá không bằng vụng về thành thật”.

Khiêm tốn là tố chất mạnh nhất
Nhà tư tưởng triều Minh, Hoành Phủ nói rằng: “Có thể hạ mình cho nên tâm trống rỗng, tâm trống rỗng cho nên mới dung nạp được nhiều, dung nạp được nhiều mới trở nên cao lớn”. Chỉ có khiêm tốn mới khiến lòng người trở nên quảng đại và khiến bản thân đạt đến cảnh giới cao minh. Bởi vì tâm khiêm tốn là sự khai mở và tiếp nhận, cao ngạo chính là sự bài xích và phong bế.

Trái với khiêm tốn là cao ngạo. Vương Dương Minh nói rằng, căn bệnh nặng nhất đời người là cao ngạo. Đạo sĩ Cát Hồng thời Đông Tấn nói rằng, người khiêm nhường có thể đứng trước mọi người, kẻ cậy công ngạo mạn rồi sẽ chỉ đứng sau mọi người mà thôi. Cho nên, khiêm tốn và cao ngạo ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành hay bại trong làm người, làm việc.

Chính trực là mưu lược cao nhất
Danh thần Quản Trọng thời Xuân Thu nói, chí hướng của một người không thể theo tà ác, hành vi của một người phải chính trực. Đối lập với chính trực chính là dối trá và tà ác.

Nhà văn, tể tướng nổi tiếng thời Tống, Vương An Thạch cho rằng trong cách dạy người và trị mình đều phải lấy chính trực làm đầu. Bao Chửng nhà Tống cũng nói rằng, lòng trong sạch là cái gốc của việc trị nước, đạo ngay thẳng là điều mưu cầu của việc tu thân.

Làm sao để trở thành người chính trực? Hàn Anh thời Tây Hán nói rằng, người chính trực thì thuận đạo mà hành, thuận lý mà nói, công bằng vô tư, không vì cầu an mà phóng túng cái chí, không vì sợ nguy mà thay đổi hành vi. Người chính trực làm người làm việc đều theo đạo lý, cầu công bằng, có nguyên tắc. Chỉ người như vậy mới làm tốt được bổn phận làm người, làm việc mới khiến người đời tâm phục.

Kiên trì là bản sự lớn nhất
Bất luận là đối với tu dưỡng hay làm việc, kiên trì bền bỉ mới có thể thành công. Lão Tử nói: “Cây to dùng hai tay mới ôm hết là từ cây non nhỏ bé sinh trưởng thành, đình cao chín tầng là được xây từ một mô đất mà thành, hành trình hàng ngàn dặm xa như vậy cũng là được bắt đầu từ bước thứ nhất”.

Trong sách “Hạc lâm ngọc lộ” viết: “Thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn”. Tuân Tử cũng giảng rằng, nếu không chú trọng tích lũy, bỏ dở nửa chừng thì gỗ quý cũng thành khúc gỗ mục; kiên trì không mệt mỏi, thì sắt đá cũng thành đồ điêu khắc tinh mỹ. Bởi vậy, các bậc tiên hiền thời xưa đều nhất trí quan điểm cho rằng hai chữ “bền gan” là cái gốc thành người thành sự.

/St/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét