LỄ PHÉP TRONG GIAO TIẾP LÀ GIẤY THÔNG
Có một số người ngày nay cho rằng chỉ cần con cái có thành tích học tập tốt thì cha mẹ cũng không cần phải quản chuyện khác. Nhưng kỳ thực đối với bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ, thì thói quen là rất quan trọng, nó sẽ hình thành nên tính cách.
Từ thực tế mà xét, không ai yêu thích một đứa trẻ vô lễ cả, bởi vì trên thế giới này, tình yêu thương đều không phải là vô duyên vô cớ. Văn hóa người Phương Đông nói chung thường không muốn thổ lộ hết những gì mình nghĩ, thấy trẻ không lễ phép nhưng cũng nói giảm nói tránh đi. Dần dần do không chú trọng lễ nghi, cũng không bị ai phê bình nhắc nhở nên trẻ càng ngày càng trở nên yếu kém trong giao tiếp.
Nhưng xét cho cùng, dù là thời xưa hay thời nay thì việc giáo dục, dạy bảo con trở thành người lễ phép là một việc tối quan trọng. Một đứa trẻ thiếu lễ phép thì cánh cửa thế giới này sẽ đóng lại trước mặt chúng. Cho dù sau này khi lớn lên, trẻ có một tấm bằng tốt và một thân thể khỏe mạnh, nhưng bởi vì không biết lễ phép, trẻ cũng sẽ khó mà tiến lên được.
Trước đây tôi có một người bạn là giáo viên âm nhạc được nhận vào một trường tư lớn nổi tiếng. Đợt ấy có bốn người cùng thi tuyển vào nhưng trường chỉ có thể nhận được ba người. Kỹ thuật đàn, hát của cô ấy là tốt nhất trong ba người, nhưng ba tháng sau cô lại là người duy nhất bị cho nghỉ việc. Cô cảm thấy vô cùng oan uổng, bất bình.
Sau này người quản lý nhân sự của trường trong lúc uống cà phê nói chuyện đã thổ lộ: “Trường học không nhận cô, không phải cô không xuất sắc mà là vì cô không biết lễ phép!”
Cô ấy hiện giờ đã lập ra một tập đoàn giáo dục, nhưng cô luôn kể với chúng tôi câu chuyện cũ ấy. Cô nói rằng: “Khi ấy tôi còn trẻ, hết sức ngông cuồng và cũng không chào hỏi một ai. Cả ngày, tôi đều là ngẩng đầu đi đường, vùi đầu làm việc. Tôi luôn nghĩ: Mình là một người có tài, đâu cần phải để ý ai! Hiện giờ tôi mới hiểu được rằng, bạn không để ý đến thế giới thì thế giới cũng sẽ không để ý đến bạn.”
Tôi từng dạy văn cho một em học sinh. Bởi vì cả cô và trò đều sống ở căn hộ chung cư nên chúng tôi thường xuyên gặp nhau trong thang máy. Em chưa bao giờ chủ động chào và hỏi chuyện tôi. Tôi nghĩ rằng cô bé thẹn thùng, ngại ngần nên không chủ động. Vì thế, tôi luôn chủ động: “Cô chào con!”, “Con ăn cơm chưa?”, “Đi chơi vui vẻ nha…”
Có một lần mới thi xong, tôi lại gặp cả gia đình em học sinh đi bộ dưới sân. Mẹ của em vừa nhìn thấy tôi liền chạy đến kéo tôi lại và hỏi han chuyện thi cử. Còn hai cha con vẫn coi như không nhìn thấy tôi, mải mê nói chuyện phiếm. Kỳ thực, so với một đứa trẻ không lễ phép thì việc cha mẹ “quá hồn nhiên” còn đáng sợ hơn! Tôi nghĩ lời chào hỏi nhau phải quan trọng gấp hàng trăm vạn lần chuyện thi cử chứ? Mặc dù một đứa trẻ có điểm số cao, đạt tiêu chuẩn đi nữa nhưng nếu không biết lễ phép thì cuộc đời cũng không đạt chuẩn được.
Có một lần nhà trường thông báo ngày mai có bão, thì một em học sinh gửi cho tôi tin nhắn gọn lỏn: “Ngày mai không học?” Tôi gửi tin trả lời nhưng cảm giác trong cổ họng như có gì đó nghẹn lại. Một lần tôi đang giảng bài thì nhận được một tin nhắn: “Còn chưa tan học sao?” của một phụ huynh. Cho dù người gửi tin nhắn là một em học sinh ngây thơ hay là cha mẹ trưởng thành thì nói thêm một từ cho có chủ ngữ khó khăn đến vậy sao?
Lễ phép là một thói quen trọng đại trong đời người. Trẻ em có thể dạy được nhưng nếu là cha mẹ thì phải làm sao đây? Người ta nói rằng, đằng sau mỗi đứa trẻ ưu tú đều là cha mẹ biết dạy dỗ. Vì thế, cha mẹ nhất định phải là tấm gương sáng cho con học tập, noi theo.
/St/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét