Là một trong số các tác giả của nền thơ Việt Nam hiện đại, Bùi Kim Anh để lại cho bạn đọc những ấn tượng khá sâu đậm về một nhà thơ có gương mặt phúc hậu với những bài thơ, câu thơ rất mộc mạc nhưng đậm chất trữ tình.
Có ai biết rằng đằng sau con người đời thường và con người thơ ấy là bao sóng gió ngả nghiêng của số phận, bao nỗi buồn của cuộc đời bủa vây. Và Bùi Kim Anh đã chọn thơ là bạn tâm giao để gửi gắm nỗi niềm, là nơi để nương náu trước những bão giông cuộc đời. Giờ đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi, những gì chị đã nếm trải trở thành nguồn tư liệu, là xúc cảm để chị làm thơ. Chị thản nhiên đón nhận nỗi buồn và coi đó như “gia tài” lớn của đời mình. Bởi chị ý thức sâu sắc rằng: Buồn vui xếp cũng đã đầy/ có thêm cũng chỉ cho dày vần thơ.
Điều đặc biệt ở Bùi Kim Anh là chị làm thơ khi đã vào tuổi xế chiều của đời mình. Chị viết khá khỏe, cứ trung bình hai năm lại ra một tập dày dặn. Và đến bây giờ chị đã có 11 tập thơ. Mỗi bài thơ, câu thơ chị viết như được rút ra từ máu thịt, tâm can của chính chị. Tất cả dày đặc những thanh âm buồn. Cái buồn khởi phát từ nhiều nguyên nhân: vì số phận ngả nghiêng chao đảo, vì ước nguyện làm người chưa trọn, vì thế thái nhân tình ẩm ương…
Những năm tháng bất hạnh và khổ đau liên tiếp ập đến với gia đình chị nhưng có lẽ đau đớn nhất là khi người chồng mắc vào vòng lao lí. Nỗi buồn bủa vây, đến nỗi: Căn nhà tắt ánh mặt trời/ tắt ánh đèn/ tắt nụ cười/ và dòng nước mắt/ sự thật bị mất bóng hình và tiếng nói/ lạnh tanh.
Là một người đàn bà giàu nghị lực, Bùi Kim Anh đã vượt qua tất cả. Trong tột cùng đau khổ, nhà thơ trấn an và cũng là tự động viên: Mẹ dựa các con đi nốt đoạn đường này/ cha dựa mẹ con mình vượt qua cửa ải/ chúng ta vì cha mỉm cười ngăn dòng lệ lại.
Tai nạn liên tiếp xảy đến với gia đình chị. Nhưng cũng từ đây nhà thơ nghiệm ra nhiều điều về tình người, về lẽ sống, niềm tin và cả những hoài nghi đau đáu trước cuộc đời.
Trò chuyện với Bùi Kim Anh, tôi nhận ra đằng sau nụ cười là những chuỗi buồn miên man. Chị kể trong lời nghèn nghẹn. Tôi cảm phục nghị lực và bản lĩnh, sự vững vàng của trái tim một người đàn bà như chị. Ở vị trí, cương vị nào Bùi Kim Anh cũng làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của mình. Những năm tháng đứng lớp là một cô giáo đầy nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung trước bao thế hệ học trò. Trong gia đình là người vợ đảm đang, tháo vát, là chỗ dựa tinh thần cho chồng sau bao nạn ách. Là người mẹ giàu lòng yêu thương con, quan tâm đến sự tiến bộ, trưởng thành của các con. Là một người bà mẫu mực, luôn giáo dục cho các cháu những điều hay lẽ phải về cách đối nhân xử thế ở đời...
Mãnh liệt và tha thiết với cuộc đời và con người nên giọng thơ Bùi Kim Anh càng về sau càng buồn, càng suy tư hơn về lẽ tồn vong, về ý nghĩa tồn tại của con người trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
Bên cạnh những bài thơ viết về cái tôi cá nhân, Bùi Kim Anh có nhiều bài thơ viết về đề tài thế sự với những nỗi trăn trở, day dứt lớn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân trước bao biến động của thời cuộc: Hà Nội ơi thanh lịch đã xa rồi/ trầm mặc Hồ Gươm khoác sắc màu rực sáng/ rùa đã bỏ niềm tơ tưởng cũ/ ta xưa hoài niệm lạc lối về// ra phố đi Hà Nội của ta ơi/ lại có thể vừa đi vừa hát/ lẩm nhẩm khúc tình ca chìm trong suy tưởng/ kẻo rồi mai ra phố ngại ngần.
Là người phụ nữ đã đi qua những năm tháng của chiến tranh, lại là người đàn bà nhân hậu nên chị có sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của người mẹ có con đã hi sinh: Nước mắt một đời giờ đã cạn khô/ bao lần tiễn con/ mẹ chẳng biết ghi lên ngày tháng/ vắng con mẹ một mình lụi cụi/ chịu âm thầm cùng nước mắt thở than// mẹ đặt lên bàn thờ tấm huân chương/ lẩy bẩy thắp nén nhang cho người con liệt sĩ/ mẹ lặng im/ khép sự đơn côi/ che cơn lạnh mới về.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng biết bao nỗi đau từ cuộc chiến vẫn còn vọng về, đặc biệt nhất là những người mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt của con: Trống không một khoảng bàn thờ/ nghĩa trang phần mộ chơ vơ không người/ bia vẫn trắng cỏ vẫn tươi/ mẹ còng lưng suốt một đời nỗi đau/ ai biết mộ anh ở đâu?
Con là nhịp điệu trái tim của mẹ là một bài thơ thật sự cảm động. Đây là bài thơ mà Bùi Kim Anh viết để tặng con gái Trần Mai Anh và Chương trình Thiện Nhân & những người bạn. Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, nhẹ nhàng. Lời nhắn nhủ, truyền dạy cho con về lòng nhân ái và sự bao dung. Điều đó thật đáng quý vô cùng. Bởi: Đời đã chọn con trao sứ mệnh lạ kì/ ta không có quyền chối bỏ. Chính vì tình thương và lòng nhân ái mà chị và con gái Mai Anh đã nuôi cậu bé Thiện Nhân từ cuối năm 2007 (cậu bé ở Quảng Nam bị bỏ rơi trong góc vườn hoang, một chân và bộ phận sinh dục bị thú dữ ăn mất).
Dù viết về mình, về người, về nhân tình thế thái, thơ Bùi Kim Anh vẫn dịu dàng đằm thắm, tha thiết nỗi đời, nỗi người. Ở đó người ta thấy một nhà thơ Bùi Kim Anh luôn sống hết mình với cuộc sống và tình yêu. Nhưng cái chủ đạo trong thơ chị vẫn là giọng trầm buồn, se sắt. Nhà thơ tự làm một cuộc hành trình đi tìm bản thân mình, trở về với chính mình để suy nghĩ, để chiêm nghiệm, để sống thật với bản thân mình hơn: Có như đêm nay tôi tự tìm mình/ đêm cô đơn mở toang cánh cửa/ lúc này gió không còn có nữa/ một bóng người hút cuối bóng cây.
Niềm vui có chăng chỉ là những đốm sáng le lói, hiện lên rồi tắt lịm ngay sau đó. Để rồi, nhà thơ phải “ước”: Giá có thể quay về cổ tích/ ước một lần không phải là mình/ trong vai diễn một con người sống thật/ ước hai lần về với thuở khai sinh/ mỗi tuổi lớn theo ý mình ham muốn/ xếp cuộc đời theo từng bước đặt/ sướng - khổ, rủi - may/ chẳng tại số trời/ ước ba lần...
Nhưng không vì thế mà làm cho chị tuyệt vọng. Nhà thơ vẫn bình tâm mà sống, mà yêu: Buồn thì ra ngắm phố đông/ tội gì đóng cửa mà đong cơn sầu/ buồn thì ta lại yêu nhau/ tội gì ủ rũ cho mau cái già.
Những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức sa sút, trên đà xuống cấp; con người trở nên giả dối, ích kỉ, sống lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm. Nỗi đau ấy được nhà thơ chuyển tải qua những lời thơ buồn, hoang mang, hoài nghi, nhức nhối: Bây giờ là hội nhập/ tình yêu cũng nhập rồi/ cả mặt nạ lòng người/ cũng theo trào lưu nhập// chữ tâm đã thay đổi/ chữ tình cũng đổi thay/ lạc câu kinh sám hối/ người đi ai có hay.
Hiện thực giữa phố thị càng làm cho chị lo âu và cảm thấy hoài nghi trước tác động lớn của nền kinh tế mở cửa và lối sống phức tạp của con người. Do đó, thơ Bùi Kim Anh không phải là những lời thơ ngợi ca, lí tưởng hóa mà đó là cái nhìn trực diện với những cái vụn vặt đời thường.
Nhiều lúc Bùi Kim Anh cảm thấy lẻ loi và bất lực trước cuộc đời: Trong đêm buồn người vẽ giải khuây/ trong đêm buồn ta làm thơ giải thoát; Một ta nửa thức nửa mơ/ nửa đêm thức nửa đêm chờ lẻ loi/ mảnh trăng gối gió giữa trời/ ta thương ta cứ một đời quẩn quanh; mong manh chi nữa mong manh/ ta như chiếc lá trên cành sang thu/ một mai về chốn sa mù/ câu thơ đốt trắng trăng lu khói mờ. Giữa bao vần xoay và lốc biến, nhà thơ ngậm ngùi: May mắn rủi ro không tính trước/ nụ cười nước mắt mặc thời gian.
Bùi Kim Anh có cách của riêng mình để tìm đến sự bình yên trong tâm hồn, mặc cho ngoài kia bao sóng gió, vật vã, đảo điên: Trốn tất cả/ ta ngồi đây với biển/ một lặng yên/ một thư thái/ chả cần gì/ trốn tất cả/ ta ngồi đây với sóng/ với bình minh/ với hoàng hôn/ và thoáng những vu vơ; Ta theo ngọn gió rong chơi/ mặc cho kẻ ghét nói lời chát chua. Nhà thơ như tự thú với chính mình: những câu thơ xâu chuỗi chữ buồn/ năm tháng không là nốt phím xóa kí ức/ thực tại không dùng chỉnh sửa trên điện thoại làm đẹp/ lên mờ đi được/ và tôi chạy trốn.
Hành trình đi tìm mình là một hành trình dài
và không đích đến. Khi nhà thơ Bùi Kim Anh đối diện với những bất hạnh của
chính bản thân đó là lúc chị thu mình trong góc để viết và đọc - “mình viết cho
riêng mình đọc”: Tôi ngồi trong góc của mình viết cho riêng mình đọc/
lời ốm yếu và lời hèn nhát/ ngoài kia vật vã ngoài kia biến động/ đọc những
chuyện ngoài kia và chất chứa nỗi niềm. Chị cũng không ngần ngại khi
phơi trải đến tận cùng sự thật chính mình khi nhà thơ ý thức rõ về hoàn cảnh và
nhân cách: Người đàn bà ngẩn ngơ lảm nhảm trong đêm câu thơ tụng niệm/
giận mình không thể làm trái bom hất lên tự thẩm sâu u uẩn/ không là một đám cỏ
để người xéo oằn mà vẫn giận mình; Hãy cho tôi mặt nạ da người/ tôi vênh
váo dạo qua khắp phố/ chẳng còn ai nhận ra tôi nữa/ một người đàn bà lẻ loi. Hay
như: Tôi chỉ là kẻ ước ao/ yếu chân chẳng vượt nổi rào mà bay…
Bài thơ Mẹ chỉ còn một nửa là những lời gan ruột của người mẹ nói với đứa con, người đọc cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Dù rất yêu thương con cháu nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà mẹ không còn có sự lựa chọn nào khác hơn: Căn nhà tách ra/ mẹ một mình với tuổi già/ xoay xoả lương hưu chật hẹp/ đã ngăn cách tiếng rầy la bực bội/ ngăn cách tình bà cháu mẹ con// mẹ một mình chống đỡ thời gian/ căn phòng lạnh khỏi chống lời con cháu/ nước mắt cạn chỉ mình mẹ thấu/ trong nửa nhà mẹ cho/ con thành kẻ láng giềng.
Bùi Kim Anh nương náu vào thơ, coi nó như điểm tựa của đời mình sau bao khắc nghiệt đau xót mà chị đã trải qua: Ta băm nát đời mình vào những câu thơ/ trang điểm tâm hồn bằng lời bằng chữ/ ta lầm lỡ chỉ thơ tha thứ/ cho ta vịn vào khi thiên hạ lùi xa; ngoài những câu thơ ta chẳng còn gì/ thơ trú ngụ trong ý nghĩ/ thức dậy/ một thế giới cổ xưa/ ta ôm giấc mơ từ khi còn trẻ/ vỡ vụn con chữ/ ta cần những ý thơ như người chết cần một chiếc quan tài/ khi ta mỏi mệt và chán nản những ý thơ ào đến vực ta sống lại/ cái bóng mờ trong tim gọi tên mất mát/ có là chiếc áo lấm bẩn đâu mà rũ sạch/ ta và thơ giằng hai chữ đúng sai/ chỉ ngày mai không biết gì là đúng. Dám sống thật, nói thật với chính mình, không nguôi quên quá khứ, trung thành với hiện tại là những phẩm chất đáng quý ở nhà thơ, nhà giáo Bùi Kim Anh.
Phải chăng với Bùi Kim Anh - “bà lão tóc trắng” như mây này giờ bất chấp với nỗi khổ đau của cuộc đời. Bởi chị đã thế chấp chính bản thân, cuộc đời mình bằng đoạn đường gập ghềnh mà chị đã đi qua: Lọc qua bụi thời gian tóc nhợt màu/ lọc qua từng lớp đớn đau ngầu giọt mắt/ ta cạn ta cạn yêu ghét quanh ta/ ta đã cho yêu thương những gì không nhớ nữa/ người yêu thủa con gái đất đã đắp dày/ những cuộc tình thả theo đám mây/ bạn ngày xưa thưa dần lối cũ/ sáng lân la suốt buổi suốt ngày chiều giới hạn hoàng hôn ngắn ngủi// ta đã dành cho ta những gì không có nữa/ mỗi ngày nay lại cày bừa tơi tả/ mỗi ngày mai lại quăng mình âu lo/ chẳng bỏ gì trời đã ban cho ta gặm nhấm và ta vồ vập/ cạn chén tình trong li rượu đắng cạn/ chén hờn trong li rượu ngọt/ ta cạn ta cạn yêu ghét quanh ta/ chén rượu nào dập đi mọi cảm giác nhoà đi mọi ảo giác phủ ngợp tâm can sự trống rỗng mù loà/ kí ức túm tó quẳng trong xó tủ/ kí ức đi đi lại lại trên đôi dép lê bằng nhựa tái sinh quèn quẹt lê vào hiện tại.
Làm thơ với Bùi Kim Anh trở thành một nhu cầu, thành sự sống, thành định mệnh, thành minh triết theo kiểu của thơ. Chị đi tìm chính mình ở những nơi “thơ” nhất. Nhà thơ viết để thấy mình tồn tại và tồn tại đúng nghĩa: Ta phủ lên thời gian bằng thơ/ như sương ấy/ sáng nay phủ mờ thành phố/ che đi hết đoạn đường loang vệt nước/ những khuôn mặt vui buồn khuất lấp/ và mặt trời ngủ muộn với giấc mơ; Ta ngồi dậy/ từ thân xác của mình/ đi vào đêm/ chẳng có ai/ ngăn cản/ vô hình/ nhìn xuống cõi hữu hạn/ chìm trong giấc ngủ/ yêu ghét nào còn có nghĩa gì. Đôi lúc nhà thơ nhận ra sự phù du của kiếp người: Một bước chân vô thức/ rơi vào miền hư vô/ rồi ngày như chiếc lá/ buông một khắc giữa đời// ta là ai không là/ vô minh không hình bóng/ một bước chân lạc lõng/ trôi miết về xa xôi// Thế thôi thế là đủ/ ăm ắp vị làm người/ một bước chẳng quay lại/ cõi mịt mờ sương rơi. Khi đã nếm đủ những ngọt bùi, đắng đót nhà thơ vẫn canh cánh bên lòng những nỗi niềm khắc khoải. Từng lời thơ đọc lên nghe nhói buốt, tái tê: Mẹ hãy giữ bình yên ngôi nhà nhỏ, cả sau này khi không còn mẹ, con trở về lo hương khói, sống nốt chuỗi ngày phải sống kiếp trần gian/ Mệnh con người mang lúc thoát thai, dẫu tra cứu chỉ là tiên đoán. Con tự mình dõi theo số phận tự mình vần xoay/ Con trở về như với tuổi thơ - thanh thản sống vô tư trong lặng lẽ.
Mẹ hãy giữ bình yên ngôi nhà nhỏ - nơi mỗi
chiều bên một ấm trà, xoong cơm nhỏ lửa lom nhom khói, chỗ nằm ấm hơi ủ cơn
lạnh lùng/ Con trở về khi duyên kiếp trả xong.
Thơ Bùi Kim Anh đề cập nhiều về nỗi buồn nhân sinh với những khát vọng chân thành, tha thiết. Một cái tôi mang đậm yếu tố nữ tính, tinh tế, nhạy bén theo một điệu tâm hồn riêng.
Đọc thơ Bùi Kim Anh, người đọc dễ nhận ra là chị không đặt nặng vấn đề lựa chọn, gọt giũa từ ngữ, không thiên về kĩ thuật, kĩ xảo như nhiều nhà thơ hiện đại khác. Thơ chị đơn giản chỉ là tiếng nói của tự nhiên, những gì người mình, hồn mình thôi thúc phải bày tỏ. Có lẽ vì thế mà thơ Bùi Kim Anh dễ gây cảm tình với độc giả. Chị có nhiều bài thơ được bạn đọc yêu mến như: Lục bát cuối chiều, Đến bao giờ, Cho ngày cuối, Lời buồn trên đá, Về Cà Mau, Bán không cho gió, Con là nhịp điệu trái tim của mẹ... Chị thể nghiệm trên nhiều thể loại thơ nhưng có lẽ lục bát là thế mạnh nhất của chị. Trong hành trình sáng tạo của mình, nhà thơ Bùi Kim Anh có hẳn 1 tập thơ lục bát. 10 tập còn lại đều có thơ lục bát ở trong đó. Đọc thơ chị, Nguyễn Trọng Tạo đã rất tinh tường khi nhận xét rằng: “Bùi Kim Anh thật đắc địa với lục bát. Những câu thơ lục bát của chị đi giữa lằn ranh của quê kiểng và thị thành, giữa dân gian và hàn lâm, giữa cổ xưa và hiện đại. Chính cái lằn ranh ấy khiến thơ lục bát của chị không phá cách quá, nhưng cũng không bị cũ nên dễ nhập vào đương thời”.
Thơ Bùi Kim Anh là tiếng thơ của một người đàn bà nhân hậu, có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu suy tư, đầy nỗi trăn trở. Một hồn thơ giàu nữ tính, trong sáng, nhân ái và bao dung. Những lời thơ của Bùi Kim Anh là tiếng lòng thành thực của một tâm hồn phụ nữ về những bất hạnh - khổ đau; về những thao thức trong tình yêu và cả trong cuộc sống thường nhật.
VANDANBNN trích sách/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét