Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa / 3. Y BAN “BẤT KHAM” - NHỮNG LÁT CẮT CỦA CUỘC SỐNG


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa


3. Y BAN
“BẤT KHAM” - NHỮNG LÁT CẮT CỦA CUỘC SỐNG
(Nhân đọc tập thơ Bất kham của Y Ban, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)


Lâu nay, trên văn đàn người ta biết đến Y Ban là một nhà văn với những tác phẩm làm xôn xao dư luận, trở thành một hiện tượng khá nổi bật của nền văn học nữ đương đại. Chị là một trong những cây bút văn xuôi cá tính, giàu nội lực, viết đều, viết nhiều. Tác phẩm nào của Y Ban ra đời cũng nhận được sự chào đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc, sự đánh giá xác đáng của giới nghiên cứu phê bình cả trong và ngoài nước.

1.Người đàn bà có ma lực (tập truyện ngắn, 1993) 2. Người đàn bà sinh ra trong bóng đêm (tập truyện ngắn, 1995) 3Vùng sáng ký ức (tập truyện ngắn, 1996) 4. Truyện ngắn Y Ban (tập truyện ngắn, 1998) 5. Miếu hoang (tập truyện ngắn, 2000) 6. Cuộc phiêu lưu trên dòng nước lũ (truyện vừa viết cho trẻ em, 2000) 7. Cẩm Cù (tập truyện ngắn, 2002) 8. Cưới chợ (tập truyện ngắn, 2003) 9. Đàn bà xấu thì không có quà (tiểu thuyết, 2004) 10. Thần cây đa và tôi (truyện vừa, 2004) 11. I am đàn bà (truyện ngắn, 2006) 12. Xuân từ chiều (tiểu thuyết, 2008) 13. Hành trình tờ tiền giả (tập truyện ngắn, 2010) ...

Điều lạ và bất ngờ, năm 2018 nhà văn Y Ban đã trình làng tập thơ đầu tay Bất kham. Ngay tên tập thơ đã gây đã gây sự tò mò đối với người đọc. Bất kham là gì? Sao lại Bất kham? Bất kham điều gì? Nội dung của tập thơ Bất kham, Y Ban muốn chuyển tải bức thông điệp gì?... 
Nếu như ở thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết Y Ban có thế mạnh nói về thân phận đàn bà với những vấn đề tế nhị mà người ta ngại nói, khó nói. Thì ở tập thơ đầu tay này Y Ban lại mạnh dạn phản ánh những sự thật của đời sống một cách tự nhiên, không hề che giấu, những nỗi đau của kiếp người lần lượt đi vào thơ chị như sự trải lòng. Không biết Y Ban cố tình hay do thói quen mà chị làm thơ như kiểu viết văn. Mạch thơ như một câu chuyện kể. Chị làm thơ mọi lúc, mọi nơi, thậm chí khi rửa bát cũng làm thơ. Thơ với chị như một mạch ngầm, tiềm ẩn. Do vậy, đọc thơ Y Ban, người đọc nhận thấy chị không cầu kỳ, không chú trọng đẽo gọt câu chữ, không nặng về kỹ thuật, không làm dáng, không ngoa ngôn... Thơ chị có sự bình dị, tự nhiên, đôi lúc như là lời thủ thỉ tâm sự rất mực gần gũi, đời thường. Nhưng đọc kỹ, thơ chị nhiều ẩn ý, giàu sức liên tưởng. Tôi cho rằng đó lại là cái đáng yêu, tạo nên hồn cốt và nét riêng của một nhà văn đi viết thơ. Thơ viết về tình yêu, miếng ăn, nỗi khổ, sự mất tự do, cái chết, nỗi buồn... Tất cả những điều đó tràn ngập trong thơ chị.

Tên những bài thơ thoạt nghe tưởng bình thường nhưng đọc hết bài gợi nên sự ám ảnh, day dứt. Thơ viết lúc rửa bát, Nghi lễ trước bữa ăn, Tự do, Tị nạn, Ơi những chú ngựa bất kham, Ăn mày, Quê nội nhìn từ bãi tha ma, Những cây tầm gửi, Thời đại khò, Khúc bi ca về rượu, Tự cầm tù ta, Lửa trong tay đàn bà, Hãy khóc thương tàu lá chuối, Giả - chân, Hãy lợi dụng tôi đi, Xin hãy mở khóa tim con... Thơ thoát ra tự nhiên, tự nhiên nhưng là sự tự nhiên chua xót, có lúc tỏ ra dửng dưng, có lúc bàng hoàng, có lúc như là tiếng kêu thương xé ruột. Thơ Y Ban ngổn ngang những vấn đề nhức nhối, liên quan trực tiếp đến sự sống của con người thời hiện đại. Trước cái chết của 9 em học sinh trên sông Trà Khúc, Y Ban đặt ra nhiều câu hỏi. Này kẻ láo xược/ Trăm con trai của ta đã chết hết cả rồi/ Chỉ còn lại sản phẩm lỗi của các người/ -Vnen là cái gì?/ Thông tư 30 là cái chi?/ Đổi mới cải cách ư?/ Khi lũ trẻ đã chết/ Đồng phục chúng để lại trên bờ/ Những cuốn vở chúng để lại trên bờ.... À ơi, tôi hát ru nỗi đau/ Hãy đừng ngủ yên dưới dòng sông ấy/ Hãy cất lên thành bài ca buổi sớm/ Để đánh thức sự u mê/ Vì quyền lực/ Vì tiền bạc/ Vì lợi ích nhóm/ Hỏi còn lại gì/ Khi các em đã chết thế kia? Một xã hội đã thực sự văn minh, tốt đẹp như những gì ta vẫn nghe ra rả trên báo đài chưa? Nơi nào, ngõ ngách nào chị cũng thấy nhan nhản cái ác, cái xấu bủa vây. Y Ban khẩn thiết đề nghị: Thế gian ơi đêm nay đừng giao hợp/ Để chặn vòng luân hồi của kẻ ác nhan nhản quanh ta/ Và ta nữa mẹ ơi đừng cho con mượn dạ/ Nào kiếp người này có ích gì đâu/ Chữ với nghĩa đã nhuốm mùi tiền bạc/ Những tờ tiền mua cả sự tự do (Thơ viết lúc rửa bát).

Hiện thực xã hội với bao điều xấu xa, bất công, ngang trái đã và đang xảy ra làm cho Y Ban ngao ngán, mất niềm tin. Bằng cấp, học hành, bệnh thành tích, sự dối trá, mua bán điểm chác; sự tha hóa và xuống cấp đạo đức, đồng tiền có giá trị vạn năng... Do vậy, Y Ban không muốn những sinh linh nhỏ ra đời nữa, vì nếu ra đời sẽ có thêm nhiều những cái xấu, cái ác nữa. Hiện tại chị đã choáng, nếu sinh thêm thì không biết tương lai sẽ đi về đâu? Chị bất lực trước cuộc đời: Ta đã từng thờ ơ nhìn hàng nghìn chiếc xe tang/ ngang qua cuộc đời/ Sáng nay chiếc xe tang chở nỗi đau ta găm từng mũi/ kim vào ngực.
Và rồi chị nghĩ về sự tự do vĩnh cửu trong cái chết: Và một ngày kia trong chiếc xe tang ta tự do vĩnh cửu (Tự do).

Nghi lễ trước bữa ăn đặt ra nhiều câu hỏi, những câu hỏi đó cũng chính là lời kêu thương thảng thốt cất lên từ kiếp sống khổ đau, thê thảm. Tác giả đã 5 lần đề cập đến những giọt “nước mắt”. Rồi đây, chính những đứa trẻ, những em bé mới chào đời này phải đối mặt với bao thách thức, phải mang vác, phải oằn mình gánh gồng trả nợ. Bởi vì: Người ta vay/ Để viết nên những dự án trăm tỷ nghìn tỷ/ Không mang lại lợi ích cho dân/ Và chia chác cho nhau/ Gọi là tham nhũng/ Người ta vay/ Gọi là nợ công/ Để chia đều cho mỗi người dân/ Vừa có mặt trên đời em đã vác trên lưng món nợ/ Em bé ơi/ Nước mắt của em/ Đã như một nghi lễ/ Trước bữa ăn/ Để nghĩ về một món nợ tương lai.

Đọc bài thơ Tị nạn mà rưng rưng nước mắt. Khóc vì đó là tấn bi kịch khi phải tị nạn, tị nạn ở xứ người vì chiến tranh và nghèo đói. Đau xót hơn gấp bội phần là “Tôi phải tị nạn lương tâm/ Tôi cũng đành câm lặng như em bé”. Muốn nói thật nhiều, gào thét thật nhiều nhưng phải đành câm lặng. Bởi “tôi” đã bị cấm ngăn và không có quyền lên tiếng, “tôi” đã phải tị nạn lương tâm ngay trên chính quê hương mình. Người mẹ bồng con đứng đợi chồng hằng đêm/ Chồng nhậu quên ngày quên tháng/ Quên cả vợ con …. Đêm đã tàn/ Mẹ chờ con trai/ Như cha con cũng thường vùi đầu vào rượu (Khúc bi ca về rượu)Đó là đại bi kịch của những gia đình có chồng nghiện rượu, con nghiện rượu rồi biết bao hệ lụy liên tiếp xảy ra. Người đàn bà phải gánh chịu tất cả những nhọc nhằn, tủi khổ. Con thơ mất bố, vợ trẻ vay tiền làm tang chồng/ Đêm đã hết, chồng không về, trong bệnh viện, chấn thương sọ não, vợ phải vay tiền cứu chồng thoát khỏi tử thần, chồng không chết mà trở thành tàn phế. Rồi tiếp tục người vợ phải chạy vạy ngược xuôi để nuôi chồng./ Đêm đã hết, chồng không về, trong bệnh viện, Gan thận bị phá hủy, Bán nhà cứu chồng, Mấy mẹ con tá túc nhờ bếp nhà hàng xóm... Hết chồng làm đau khổ, đến lượt con trai, cũng vì rượu mà đến với thần chết. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau này không? Ở cuối bài thơ là một câu hỏi tu từ, câu hỏi không cần lời giải đáp, câu hỏi như cắt cứa vào tim óc người đọc. Hỏi không chỉ hôm nay mà cho cả tương lai? Dân tộc tôi đang hoại tử dần vì rượu/ Nếu có thể chắt nỗi đau từ trái tim người mẹ/ Để ngâm rượu mà cai được không con?

Lời tự sự trong bài Ơi những chú ngựa bất kham là những lời gan ruột của Y Ban nói với đứa con trai, và cả những điều nghịch lý, bất công đang xảy ra ở ngoài xã hội. Lời tâm sự của mẹ với con trai đó là câu chuyện dài, khi Y Ban đã nhìn nhận và thấu hiểu lẽ đời và thời cuộc. Những lời của chị nói với con trai, những sự thật trớ trêu đang diễn bên ngoài xã hội làm trái tim đa cảm của chị thắt lại. Câu chuyện về việc đi học thêm của con trai Y Ban, cuộc đối thoại giữa chị với đứa con, việc chị viết đơn đề nghị mở lớp dạy thêm cho con mình. Sau đó chị dằn vặt, suy nghĩ... Y Ban lại nghiệm ra những triết lý cho riêng mình. Tôi ấn tượng và quý chị ở chỗ, chị là một người mẹ yêu con, thương con, hiểu con, không tạo áp lực cho con, chị biết mình biết người, không mơ ước xa vời viễn vông. Bởi chị nhận thức được thực trạng xã hội: Mẹ không thể nói với con/ cái kiềng ba chân như người ta nói thế/ nhà trường, gia đình, xã hội/ cập kênh đến hàng nghìn chỗ lệch/ mẹ làm sao kê cho bằng/ Giá khi đó mẹ cứ nói thẳng với con mọi điều mẹ nghĩ/ rằng con ơi mẹ không mơ mộng con trai của mẹ được/ thành nhà toán học như Ngô Bảo Châu hay anh hùng/ Phạm Tuân bay vào vũ trụ/ Sự mơ mộng quá xa xỉ/ nên mẹ chỉ mơ mộng con thành người đàn ông/ chăm chỉ lao động/ dám làm dám chịu về mọi hành vi lời nói của mình. Mơ ước về đứa con trai của chị giản dị mà cao thượng làm sao! Phải chăng xã hội thời chị đang sống có quá nhiều những cạm bẫy, dối lừa, bất an, mất niềm tin đến vậy? Ơi những chú ngựa bất kham có thể xem là bài thơ hay nhất của tập thơ này. Y Ban đã khéo dẫn dắt từ câu chuyện chị nói với đứa con trai, rộng ra là nói đến nhiều người, nhiều vấn đề mang tính thời sự; gây sự chú ý và quan tâm của cả cộng đồng xã hội.

Bất kham với 24 bài, đó là những lát cắt của đời sống hiện đại. Những sự thật đáng buồn mà Y Ban chứng kiến, có lúc chị lại là người trong cuộc. Hơn ai hết, Y Ban nhìn đời, nhìn người bằng cảm quan của một người nghệ sĩ đã đi qua những thăng trầm, bão giông của cuộc đời và thời cuộc. Sự thức nhận của một người đàn bà từng trải, cá tính. Tất cả đó chính là bức tranh thật của cuộc đời. Ở đó, Y Ban sâu sắc nhận ra những Giả - chân, những nghịch lý, những thủ đoạn, những bi hài, những đau thương và cả sự cam chịu một cách gượng ép, bất đắc dĩ... Ở đó là nỗi bất hạnh, sự khốn cùng của kiếp người, của thời đại mà chị đang sống. Y Ban chỉ biết “khóc - cười” trong những lời nỉ non khi những sự thật lẽ ra không có, không xảy ra, không tồn tại ở nơi gọi là thiên đường, nơi được coi là tốt đẹp, bình đẳng, người với người sống để yêu thương nhau, không có thù hằn, không có bất công ngang trái. Ấy vậy mà biết bao nỗi đau khổ lại chất chồng lên người dân. Mọi thứ đã thay đổi, tất cả những gì tốt đẹp cũng chỉ là quá khứ. Chẳng hạn ở chương VI trong bài Ơi những chú ngựa bất kham là một minh chứng: Bờ xôi ruộng mật/ cánh đồng xưa thẳng cánh cò bay/ lúa vào thì con gái/ hương thơm cứ vướng chân người đi/ lỗi bước/ Hồn thơ thới trải vào ánh xanh/ Khi lúa chín/ cánh đồng vàng rực/ nối với chân trời/ Người nông dân hân hoan/ Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen nắng gió/ người nông dân còn đồng ruộng/ thì không bao giờ sợ đói/ Từ ngàn đời, niềm tin đó đã đóng đanh/ vào trái tim con người/ Từ cánh đồng nền văn minh lúa nước ra đời/ ca dao cổ tích/ Chiếu chèo rộn rã sân đình/ Chú tễu cười váng dưới ao/ sừng sững bước vào nền văn minh nhân loại/ Sao cứ phải hiện đại hóa công nghiệp hóa/ Sao cứ phải thành công nhân/ Người công nhân vô sản. Một quá khứ đẹp, trong lành, hồn hậu, đáng yêu, đáng sống. Nhưng cuộc sống hiện đại “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đã làm thay đổi hoàn toàn: Dự án đến/ Đồng ruộng bị bức tử dưới lớp cát/ Đồng ruộng cầu cứu người nông dân/ Bỗng tim mẹ nhói đau như vừa bị trúng đạn/ Khi mẹ nhìn thấy cầm dùi cui là bàn tay con trai

Bao câu hỏi, bao sự đau đớn, chua chát, cả sự vật vã đầy hoài nghi của Y Ban: Một người làm quan cả họ được nhờ/ Mẹ có cần nhờ vả gì ở một ông quan?/ Khi đôi tay của mẹ đã làm lụng để kiếm đủ cái ăn/ cái mặc/ Mẹ còn để dành cho ông quan lương thiện khi thành/ thứ dân/ mẹ chỉ nhờ con một điều/ con hãy là một ông quan lương thiệnĐó là bản lĩnh, nghĩa nghĩa khí của một người công dân chân chính, thẳng ngay và trên hết là tấm lòng của một người mẹ nhân ái, bao dung dành cho đứa con trai. Dù con có thế nào đi chăng nữa mẹ vẫn yêu con như mẹ đã từng yêu con. Bởi chị đã nếm trải, chị đã nhận thấu, chị đã đau nỗi đau chung, lẫn nỗi niềm riêng của cuộc đời, cuộc người này. Y Ban có cái nhìn biện chứng đầy nhân văn, nhân ái. Mẹ tha thứ cho con/ Thời tao loạn/ Mẹ không có quyền lựa chọn/ Mẹ phải biết chấp nhận/ Cả thiên thần và ác quỉ/ mượn thân xác mẹ để làm người/ Để mẹ yêu cả phần người/ phần thiên thần và ác quỉ...

Thơ Y Ban thể hiện rõ nét cá tính của một người đàn bà bộc trực, dám nói thẳng, nói thật những điều mắt thấy, tai nghe, những vấn đề gai góc của đời sống xã hội. Chị quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, đến thân phận đàn bà, đến những số phận bất hạnh, những kiếp người bé mọn trong cõi nhân sinh và cả những nghịch lý, bất công đang tồn tại. Sự tự thức và dám nói những gì mình nghe - thấy - biết đó là nghĩa khí, cốt cách, bản lĩnh của người cầm bút chân chính đáng trọng.

VANDANBNN trích sách/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét