Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.
Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN
TÓC ĐEN GIỜ CÓ CÒN KHÔNG ?
Về bài thơ "Tóc đen" của Lê Văn Triển
Hình ảnh mái tóc dài Việt nam từ lâu đã là nguồn cảm hứng và nguồn chất liệu quan trọng cho không ít tác phẩm thơ ca, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh... Nhưng Lê Văn Triển không coi điều đó là một vật cản đối với anh. Là một thi sĩ không chuyên, anh viết những gì mà anh yêu thích; và ở đây, tóc dài - tóc đen trong ký ức là một độc quyền của riêng anh. Bài thơ như một lời tự sự, dòng thơ 6 chữ càng làm nổi bật tính chất tự sự đó, và cứ thế thấm vào lòng người đọc những điều tưởng như giản dị, thoáng qua - nhưng lại là kết quả của một nỗi niềm day dứt trăn trở đến độ phải bật ra thành thơ...
Khổ đầu:
Tóc đen - giờ không đen nữa
Mới đó mà đã thay màu
Phố phường nhuộm nhanh đến thế
Ngỡ ngàng gặp lại - hoe nâu
Bắt đầu là một sự "ngỡ ngàng" của một anh chàng "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" - cái bệnh của người chót mang tâm hồn thi sĩ! Trước sự đổi thay của thời cuộc, của phong hóa, một người giàu cảm nghĩ, lại từng sống qua nhiều năm tháng đường đời, làm sao không thể không ngậm ngùi, và trong một lúc bột phát đã quy tội cho "phố phường" ! Nhưng tác giả đã không bị chìm đắm trong cái vẻ ngoài của sự vật lẫn những lý do "vật lý" thông thường; và khổ thơ đầu chỉ là cái cớ, "quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân...", để mau chóng đưa người đọc vào cái thế giới đáng yêu của riêng mình - cái lý do chính để bài thơ phải ra đời.
Hai khổ thơ tiếp theo sau, với những diễn tiến cảm xúc vừa theo quy luật tâm lý, vừa đột ngột để tạo ra sự chân thật lẫn hiệu ứng thi ca bất ngờ...
Còn đâu - óng đen bồ kết
Ngát thơm hương bưởi hương mùi
Quanh năm nước mưa em gội
Quanh năm nước mưa em gội
Bồng bềnh như là mây trôi
Tác giả kéo người đọc vào ngay cái xúc cảm đầy thi vị về một mái tóc đen từng in đậm thời trai trẻ của anh, nó lay động thị giác, vị giác và tâm tưởng - những hình ảnh, mùi vị tự chúng có sức ám ảnh: óng đen, hương mùi, hương bưởi, bồng bềnh mây trôi... Và sự ám ảnh còn tăng thêm sức nặng khi đặt trong tâm thế tiếc nuối: còn đâu
Đâu rồi tóc dài ngày ấy
Tán Cọ nghiêng che hai người
Cứ đi, đi hoài, đi mãi
Bùa mê em thả một đời...
Vẫn tâm thế tiếc nuối đó được tiếp tục trong sự miêu tả kỹ lưỡng hơn "Đâu rồi...", trong một không gian vừa xác định vừa vô định: "Tán cọ nghiêng che hai người", và trong suốt cả thời gian của một lữ hành tình ái đầy mê đắm nồng nàn, cho ta thấy một đôi lứa dám sống chết cho tình yêu. Mà phải đặt trong không gian ấy, thời gian ấy mới có thể hiểu hết, mới có thể cảm thông nổi sức quyến rũ của nó: "Bùa mê em thả một đời..."
Khổ cuối:
Vẫn còn dòng sông tuổi thơ
Bến Đoan - Hiền Quan còn đó
Sông Thao bao mùa cạn lũ
Đêm ngày vẫn chảy trong tôi
Những điều đã gợi, đã tả ở những khổ thơ trên, đến đây được đưa vào một không gian xác định của một quê hương có địa danh cụ thể. Và khi tác giả viết: "...Đêm ngày vẫn chảy trong tôi", mạch thơ như được khơi ra sau bao kìm nén, còn chúng ta được thấm thía hết cái thật, cái lý thú của tình yêu và của cái đẹp dân dã chân chất - biểu tượng trong mái tóc dài đen của người con gái quê hương khiến tác giả thao thức suốt một đời...
Từ những bâng khuâng về tình yêu thời trai trẻ, những kỷ niệm khó phai mờ trên quê hương, tác giả viết hai câu thơ kết một cách cô đọng:
Nắng mưa đã làm thay đổi
Tóc đen - này tóc đen ơi !
Lại là hình ảnh tóc đen - cái "thần nhãn" của bài thơ, cái tụ điểm của xúc cảm đến đây chợt trở nên nghẹn ngào... Là người hiểu được cái quy luật của nắng mưa, của năm tháng, nhưng cũng đồng thời là người biết trân trọng, tiếc thương, xa xót, khi nhà thơ thốt lên: "Tóc đen - này tóc đen ơi!" anh đã vô tình gài cắm vào lòng người đọc một xúc cảm thẩm mỹ đáng quý, chân thành về những vẻ đẹp quen thuộc, song không phải dễ dàng nhìn ra được và ca ngợi được - chúng đã từng và đang tồn tại ở những vùng quê. Và sự tồn tại đó thật mong manh, dễ đánh mất, đang cần được trân trọng gìn giữ...
Cả bài thơ chỉ là những lời thủ thỉ tâm tình, như chính con người thi sĩ trong đời thường, khá tiêu biểu cho phong cách thơ anh. Mỗi người đọc sẽ tìm thấy ở bài thơ một chút gì đó của riêng mình để xúc cảm, chiêm nghiệm. Và nếu như ai đã một lần được nhìn ngắm dòng sông Thao ngầu đỏ (phía thượng nguồn của sông Hồng - sông Mẹ) chảy cuồn cuộn về xuôi, qua những nương chè đồi cọ xanh mướt vùng trung du sẽ xác nhận cùng tôi điều này: những câu thơ day dứt đầy ám ảnh của Lê Văn Triển còn giống như những khuôn hình điện ảnh giàu chất thơ long lanh trong ánh sáng và màu sắc gợi cảm.
Tình Thơ Bạn Thơ 2/ Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét