Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

VẬT NÀO CÓ CHỦ ẤY, DẪU MỘT LY TA CŨNG CHẲNG MÀNG.


VẬT NÀO CÓ CHỦ ẤY, DẪU MỘT LY TA CŨNG CHẲNG MÀNG.

Con người sống nơi thế gian, hầu như ai ai cũng có tâm yêu thích vật chất, muốn có được nhiều hơn là cho đi. Nhưng người có đạo đức cao thượng biết ước chế bản thân, đối với vật bất nghĩa thì nhất quyết không lấy, như trong bài “Tiền Xích Bích phú”, Tô Đông Pha viết: “Vật nào có chủ ấy, dẫu một ly ta cũng chẳng màng, như ngọn gió mát trong núi cùng vầng trăng sáng trong nước kia vậy”.

Ngày nay, người ta thường không mấy để ý đến tâm tham của mình. Kỳ thực trong văn hóa truyền thống, thanh liêm là cao thượng và mỹ đức, còn tham lam là hủ bại và sỉ nhục. Tuy nhiên thuận theo việc xã hội nhân loại biến đổi, tâm tham của người hiện đại cũng trở nên đặc biệt lớn, chỉ muốn chiếm lợi dù nhỏ dù to: dùng của công để làm chuyện tư, chi tiêu bằng thẻ mua sắm của người khác tặng, đòi hỏi quà cáp, ăn miễn phí, nhận hối lộ, v.v.. Ngay cả những người thiện lương thì cũng khó có thể tránh khỏi chuyện này.

Lão Tử nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc, Cữu mạc đại ư dục đắc”, không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ, không có cái hại nào lớn bằng lòng tham muốn có được. Một vài người khi đã có được cuộc sống ổn định, tiếp đó lại truy cầu sự an nhàn. Khi đã có một cuộc sống an nhàn, họ lại muốn truy cầu hưởng thụ vật chất xa hoa. Nhưng nếu một người không biết khắc chế lòng tham của mình mà lại còn phóng đại nó lên thì chính lòng tham sẽ khiến cho người ấy rơi vào vũng bùn mà không có cách nào thoát ra được. Phúc đức của người ấy cũng liền mất và tai họa cũng liền giáng xuống.

Trong Kinh Dịch có câu: “Thiện không tích không đủ thành danh, ác không tích không đủ diệt thân”, vạn sự trên đời có nhân ắt có quả, có sự việc phát sinh ắt có nguyên nhân khởi đầu, người gieo nhân nào phải gặt quả đó. Vậy nên, trong cuộc sống, trước khi có họa vận giáng xuống, nhất định phải trừ bỏ đi những thói xấu như tham lam, đố kỵ…

Có một câu chuyện cổ về danh y Diệp Thiên Sĩ trị hết bệnh đau lưng cho Hoàng đế Khang Hy như vậy. Sau khi Diệp Thiên Sĩ chữa khỏi chứng đau lưng cho Hoàng đế, Khang Hy đế muốn trọng thưởng cho ông, nhưng ông đã nhẹ nhàng cảm ơn và từ chối: “Học trò hành nghề y trước giờ chỉ thu phí chẩn bệnh, không bao giờ nhận bất kỳ quà biếu nào từ bệnh nhân, không có ngoại lệ.”

Khang Hy hỏi: “Vậy à, Diệp Thiên Sĩ, ngay cả phần thưởng của trẫm, khanh cũng không nhận ư?”
Diệp Thiên Sĩ cung kính đáp: “Học trò hành nghề y trong hơn 30 năm, hiểu thấu rằng y đạo thông với Thiên đạo. Cái tâm trong y đạo chính là không thể có tư lợi cho bản thân. Thuật trong y thuật là để cứu người, người làm nghề y có liên quan đến mạng sống của hàng vạn người. Mạng người là quan trọng, nếu dùng thuật trong y thuật để cầu danh, cầu lợi, thì chẳng khác gì đạo phỉ. Học trò hiểu sâu sắc rằng, y thuật không thể gắn liền với tiền tài, chỉ có vô tư vô ngã, thì y thuật mới có thể viên dung như ý, y đạo mới có thể là chính Đạo. Vẫn mong hoàng thượng có thể lượng thứ cho học trò cầu toàn lần này, tác thành nguyện ý của học trò.”
Nhiều người ngày nay còn thắc mắc những chuyện như bán hàng đa cấp, cho vay nặng lãi thì sai trái ở đâu. Họ căn bản không hiểu được đạo lý “có làm mới có được”, “vật nào có chủ ấy” mà cổ nhân coi trọng.
Trong tiểu thuyết Thủy Hử có một đoạn truyện như thế này. Lỗ Trí Thâm mang đến một bao vàng bạc gấm vóc để dâng lên Bổn sư. Trí Chân trưởng lão nói: “Đệ tử, con được những thứ này ở đâu? Tiền bất nghĩa thì tuyệt đối không nhận.” Trí Thâm bẩm: “Của cải này là công sức mà đệ tử trải qua lao động vất vả tích lũy mà có được, đệ tử không dùng, đặc biệt muốn dâng lên Bổn sư để sung vào công quỹ.”

Trong Tả Truyện lại ghi chép một câu chuyện khác. Vào năm Tống Tương Công 15, có một người sau khi có được một miếng ngọc trắng không tì vết liền mang đến tặng cho đại phu Tử Hãn. Từ Hãn từ chối không nhận.
Người biếu ngọc nói: “Viên ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua rồi. Ông ấy nói đây đúng là một loại ngọc rất quý giá, là báu vật, nên tôi mới dám đem dâng biếu quan lớn!”.

Đại phu Tử Hãn nói: “Miếng ngọc là bảo bối của ngươi, ‘không tham’ là bảo bối của ta. Ngươi đem ngọc biếu ta, nếu ta nhận, thì cả hai chúng ta đều mất báu vật rồi! Chi bằng, mỗi người chúng ta tự giữ lại báu vật của mình đi!”
Người biếu ngọc kia thấy Tử Hãn không nhận bảo ngọc đành phải bẩm báo thật lòng: “Tiểu dân nếu giữ lại bảo ngọc này, sợ rằng không được bình an cho nên đã một mình đến đây biếu ngài…”
Tử Hãn nghe xong liền lệnh cho một thợ gia công mài giũa viên ngọc này, tạo hình dạng cho nó và đem bán, sau đó giao lại số tiền ấy cho người biếu ngọc kia. Hơn nữa, ông còn phái người hộ tống người biếu ngọc kia trở về nhà.

Những câu chuyện này đều cho thấy tâm cảnh tĩnh tại khi đối mặt với tài vật của cổ nhân, cũng làm rõ niềm tin cao thượng “vật nào có chủ ấy”. Bởi vậy sách Hoài Nam Tử tổng kết rằng: “Bậc thánh nhân bảo trì đức của mình, họ hài lòng với những thứ mình có, không tham lam và truy cầu những thứ mình không có. Người nào tham lam và truy cầu những thứ mình không có, thì những thứ mà mình đang có sẽ bị mất đi. Ngược lại, người nào tu dưỡng đạo đức thì sẽ tự nhiên đạt được những gì mình muốn”.

VANDANBNN st tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét