Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

NGUYỂN NGUYÊN BẢY, MỘT NGƯỜI LẶNG LẼ DÂNG ĐỜI NHỮNG VẦN THƠ RẤT THƠ / NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


NGUYỂN NGUYÊN BẢY, MỘT NGƯỜI LẶNG LẼ
DÂNG ĐỜI NHỮNG VẦN THƠ RẤT THƠ

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


1/THƠ LÀ THƠ, VÀ CỨ THẾ MÀ THÀNH THƠ

“Thơ là thơ”.
Đó là một cách lý giải về thơ rất mộc và rất tình của Nguyễn Nguyên Bảy.
Rất mộc bởi cách nói “Thơ chính là thơ”, không cần sự dài dòng văn tự nhưng người hiểu thơ là thế.
Rất tình bởi bàng bạc trong thơ là thơ, là tình, là tiếng lòng của những con người mắc nợ văn chương.
Nguyễn Nguyên Bảy chính là một người nặng nợ chữ nghĩa, bởi chẳng những ông viết cho người, cho mình mà viết cho cả người bạn đời yêu dấu. Như lời anh tâm sự.
“99 khúc tặng Liên” cũng là 99 bức thông điệp không phải chỉ dành cho riêng Liên…
Tôi biết cả đời anh dành nhiều thời gian cho viết. Bởi nhìn vào số lượng và thể loại tác phẩm của anh. Nhưng riêng thơ, thì: “thơ là thơ”. Thế thôi.

Và cứ thế mà thành thơ
Tôi luôn có ấn tượng đẹp về đôi vợ chồng làm thơ, làm sách, nghiên cứu phê bình và rong ruổi khắp chốn này: Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên.
Viết về “99 khúc tặng Liên”, Phùng Thành Chủng đã có bài phê bình với đầu đề “Tập thơ của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn…”
Đó là những tri thức về lịch sử, địa lý, về văn hóa xã hội (tín ngưỡng phồn thực, tâm linh…) và văn học dân gian. Và nữa, phải có sự hiểu biết về triết học phương Đông nói chung và Đạo học nói riêng. Cho nên “99 khúc tặng Liên” cũng là những trắc nghiệm với những ai có hứng thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình. Đấy là chưa kể khi “đọc” Nguyễn Nguyên Bảy là lúc đòi hỏi người “đọc” tâm phải tĩnh và thần phải định.
Nghe như thế và tìm hiểu tác phẩm của anh, chúng ta thấy những nhận định trên của Phùng Thành Chủng có cái lý của nó, bởi anh là người thông hiểu và viết về nhiều thể loại (thơ, truyện ngắn, tạp văn, tiểu luận…), nhiều đề tài viết về lịch sử, địa lý, văn hóa xã hội (tín ngưỡng phồn thực, tâm linh…)
Như nhà phê bình trẻ tuổi Nguyễn Văn Hòa cũng đã có cảm nhận: “…Thơ Nguyễn Nguyên Bảy – Đúng như con người của ông và những phát ngôn của ông: Thơ là thơ. Tôi đặc biệt ấn tượng và thích kiểu loại thơ đó. Thơ là đời, là người, là cuộc sống như nó vốn có. Vì thế thơ Nguyễn Nguyên Bảy không cao giọng, không hô hào, không khẩu hiệu… mà nó thật như những gì vốn có của cuộc sống, của cuộc đời.
Bởi chính anh đã nghe những lời sẻ chia đầy tâm huyết của thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy: “Đời tự nhiên đã muôn mầu muôn sắc, cớ chi thơ không muôn sắc mầu. Vấn đề là trước cảnh, trước người, trước việc ấy lòng ta buồn hay lòng ta vui? Thành thực với chính mình, thì buồn vui gì cũng tuôn chảy ra vần điệu, và đó chính là thơ… Phải cố mà tránh những khuôn mẫu nghĩ, những thói bầy đàn lười biếng, những dụ dỗ của danh tiền tầm thường, để mặc vội vã cho ngôn từ tấm ảo “bảo là thơ”.
Nhưng là người làm thơ và viết phê bình về văn chương, tôi lại muốn tiếp cận thơ anh ở một góc độ khác, đó là “Những vần thơ thuở mới làm thơ”. Và với tập thơ “thơ Nguyễn Nguyên Bảy”, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh (1988).


2/ VỚI TẬP THƠ MỘT THỜI TUỔI TRẺ

Cầm trên tay tập “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy”, đọc lướt qua một lượt, tôi dừng lại lâu hơn ở phần lời bạt “Lời nói sau của một người đọc trước” in cuối tập của Giáo sư Hoàng Như Mai (người thầy đáng kính của tôi). Và tâm đắc với chữ của thầy, rằng: “… Mỗi tập thơ là một thế giới thi ca. Phải tìm hiểu, cảm thông với nó chứ đừng lấy cái khác đo lường nó, bình giá nó…”.
Đọng lại trong mắt thầy từ thuở xa ấy (1988) và trong lòng tôi (2018), cách nhau 30 năm, thơ Nguyễn Nguyên Bảy vẫn là những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên khi viết về tuổi thần tiên. Vẫn là những bài thơ hồn hậu tình người, tình đời.
Có khi như là chuyện kể bằng thơ về những rung chạm đầu đời, những cảm xúc về hình ảnh người thơ… Nhưng ngày xưa ấy, đã là rất thơ, đúng như tuyên ngôn thơ của anh “Thơ là thơ”.
Là những bài Giếng Tiên, Một chút biển, Thần ái tình Cupiđông và mũi tên, Thi sĩ…
Cái tình nhẹ như giọt sương trên cành, nhưng lại phát tiết nhanh và mãnh liệt như bông hoa nở bùng lên trước gió:
Là khi anh nói về em
Bông hoa trước cửa tự nhiên nở bùng
Trên cành một giọt sương rung
Gió nhẹ vô cùng thổi mãi không rơi.
Có khi là lời yêu nghe có chút buồn man mác. Nhưng hình ảnh rất rất nên thơ và thật trong veo:
Giọt nào cho cuộc tình ta
Để khi nắng tắt, ta ra nhặt về…
Tình yêu thuở đầu đời của thời tuổi trẻ cứ nhẹ như sương mây. Nhưng nhà thơ trẻ khi ấy vẫn phải đối diện với thực tại chiến tranh. Bởi ngày ấy “đêm là sống mà Mặt trời là chết”. Cứ thế mà Nỗi ám ảnh về chiến tranh đã đi vào thơ anh. Vì “Thơ là thơ, mà thơ cũng là đời”.
Màu xanh dịu êm, nhưng màu đỏ là chết chóc biệt ly (chữ của GS Hoàng Như Mai) Anh đã chìm trong cái màu xanh hạnh phúc ấy để viết nên những vần thơ hạnh phúc:
Kinh thành hai giờ sáng lặng im
Vợ tôi ngủ đẹp như tranh tĩnh vật
Con cười mơ rung cả mặt phím dương cầm…
Nhưng chiến tranh tàn ác đã thản nhiên vô tình dập tắt những giấc mơ đẹp đẽ. Màu đỏ chiến tranh đã làm biến dạng sắc xanh yên ả, dịu dàng trong mái nhà bình yên kia:
Hà Nội rạng đông
Máu đã chảy lên thành Quả Mặt Trời.
Thế nên, có khi những vần thơ của Nguyễn Nguyên Bảy như là một sự tích tụ, dồn nén đau thương khi nhìn những bức tranh ngún lửa giơ những ngón tay mảnh cong cầu cứu lên trời và giấc thơ đã bị dập vùi, bấy nát… không thể cất cánh bay lên:
Tranh tĩnh vật những ngón tay ngún lửa
Giấc mơ thơ nát bấy như bùn…
Cứ như thế, những vần thơ ngày tuổi trẻ đọc lên nghe đã rất thơ. Thơ đã là thơ. Và đã mang nhiều sắc màu của “Giác”, của “Ngộ”, của “Tâm”, của “Tịnh”.
Nếu phần đầu tập là những bài thơ của bảng lảng du ca, của một phần đời lãng tử, một góc nhìn về chiến tranh và hạnh phúc riêng tư, thì sang phần sau của tập, khúc thơ lại mang hơi ấm tình yêu người, yêu đời… Nồng nàn hơn, mật ngọt hơn. Như những bài: Hoa Quỳnh, Rừng, Mặt trăng, Những nếp nhăn đuôi mắt…
Là những câu thơ dịu mềm anh dành cho em yêu dấu:
Em Đức Chúa trong thơ
Muối đời trong nước mắt…
Hay những lời thơ anh viết riêng về em một thuở lận đận, buồn đau bên đời:
Đầy tràn gương mặt anh đôi mắt u hoài xanh biếc
Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời đêm đêm nhìn anh.
Phần cuối tập còn có những lời người cha làm thơ viết cho đứa con nhỏ không còn cùng cha đi tiếp con đường đời. Nghe sao mà đắng đó, mà cháy lòng:
Những bài ru xanh những bài ru đỏ
Những bài ru muôn hồng nghìn tía
Cha vẫn ru con dù con đã xa xôi…
Những vần thơ ngày ấy vẫn còn đôi chỗ rất mộc. Có khi ta tưởng một vài ngữ trong câu thơ như thừa ra. Nhưng với tâm niệm: “Thơ là thơ, Thơ là đời” cái sự thừa ấy lại có duyên.

3/THỜI GIAN CHO THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Giờ thì anh đã có nhiều tác phẩm hơn ngày xưa viết “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy”. Nhiều thể loại, nhiều tác phẩm hay…
Đọc thơ Nguyễn Nguyên Bảy, nhà thơ Hoàng Xuân Họa cho rằng: “Thế giới thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thế giới của cái đẹp, cái đẹp những dòng sông, tình yêu, cuộc sống; nhiều vấn đề của cuộc sống được anh khai thác thả vào thơ để mong người đời hướng thiện”.
Như đầu đề đã nói, Nguyễn Nguyên Bảy là một nhà thơ lặng lẽ nhưng say mê sáng tạo nét trữ tình hiện đại của thơ ca. Thơ Nguyễn Nguyên Bảy có rất nhiều nhiều hình ảnh thơ đặc sắc, sáng tạo từ ngữ, thể hiện trình độ tư duy nghệ thuật. Anh kế thừa và làm mới thơ trên nhiều phương diện, nhất là trong cấu trúc hình thức tác phẩm.
Thời gian sẽ là thước đo giá trị cho thơ và những tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Thơ Nguyễn Nguyên Bảy cũng không nằm ngoại lệ. Những giá trị về chất lượng thơ ca, ý nghĩa thơ của Nguyễn Nguyên Bảy đã được công chúng đón nhận. Và sẽ ngày càng cắm rễ sâu vào mảnh đất văn chương, sinh sôi thêm cành thêm lá với thời gian.
Với tôi, không chỉ là những cảm xúc về chất thơ dung dị nhưng trí tuệ của anh, về tác phẩm của anh, mà còn là những cảm xúc về hình ảnh rất đẹp của đôi vợ chồng cầm bút. Đẹp người, đẹp thơ và đẹp về tài năng, phẩm hạnh.
Lời anh bày tỏ: “Thơ là thơ” đã là một cách nghĩ đẹp về thơ để anh (cùng chị) suốt một đời đau đáu với thơ-và với cuộc đời.

(Phan Thiết, tháng Chạp / 2019)

Theo Ấn phẩm Người Yêu Sách, Thư viện tư nhân Gò Vấp, trang 108.
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét