Khoảng sau Tết Nguyên đán 1970, thơ Lý Phương Liên xuất hiện trên báo ở miền Bắc và tức khắc thu hút sự chú ý của dư luận văn học. Người ta nói nhiều, ca ngợi nhiều về chị bởi trước hết thơ chị mới lạ, hay. Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha chị là công nhân, làm ở nhà máy điện Bờ Hồ, ông mất vì bệnh. Mẹ chị chết trong một trận bom khi đang trên đò qua sông Hồng. Chị học hết lớp 8 (hệ phổ thông 10 năm) phải bỏ học đi làm công nhân, kế nghiệp cha, để nuôi các em. Thưở ấy, là công nhân mà lại biết làm thơ, thơ lại hay thì được ca ngợi tót vời. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầy khâm phục của sinh viên chúng tôi khi đang học năm thứ hai Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội- được đọc nguyên một trang thơ Lý Phương Liên, in trên báo Nhân dân, ngày 20-8-1970, và nhiều tờ báo khác. Thời ấy, văn, thơ mà được in trên Nhân dân là khủng khiếp lắm! Lý Phương Liên trở thành sự kiện trong làng thơ: Nổi tiếng ngay từ những bài thơ đầu. Hồn thơ Lý Phương Liên trong trẻo, hồn nhiên, lối thể hiện mang âm hưởng thơ ca dân gian, truyền thống nhưng khá hiện đại và rất thực. Em mơ có một phiên tòa, Ca bình minh, Chim bằng… là tấm lòng của một thiếu nữ giữa thời đạn bom khói lửa vẫn tràn đầy lòng nhân ái, cháy bỏng tình yêu và dồi dào nghị lực. Bài Chim bằng là chỉ dấu sáng chói của một tâm hồn thơ yêu tự do, khát khao tự do, dám phủ nhận những lồng son tù túng, đồng thời cũng chứng tỏ lối thơ cách tân khá sớm của tác giả. Thế rồi bài thơ dài: Trò chuyện với Thúy Kiều (Nghĩ về Thúy Kiều) được in trên báo Văn nghệ. Ngay lập tức, chị bị phê phán. Thậm chí, có kẻ cho rằng Trò chuyện với Thúy Kiều là của một tên Nhân văn Giai phẩm đã đưa thơ của hắn cho chị in dưới danh chị để… Thế là “xong phim”!
Tài thơ của Lý Phương Liên đã không gặp may. Nhân duyên của chị chỉ đến thế là hết ư? Rất nhiều người xót xa, tiếc thay cho chị, tiếc cho nền văn học nước nhà. Tài năng mà không gặp môi trường, thủy thổ lành thì làm sao đơm hoa kết trái!
Tôi cho rằng Trò chuyện với Thúy Kiều là một trong những bài thơ hay nhất của cuộc đời thơ Lý Phương Liên, nó là đỉnh của chị. Bài thơ dài xuất hiện trên Văn nghệ, lập tức gây dư luận khen chê sôi nổi. Bài khen thì không thấy báo nào đăng, chỉ toàn những lời chê. Đất nước đang dốc toàn lực cho cuộc chiến tranh: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 không thu được kết quả như mong muốn duy ý chí ban đầu, nay đang tổ chức đợt hai. Chiến dịch thứ hai này càng tổn thất nặng nề hơn. Miền Bắc, hơn lúc nào hết, càng phải: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” … “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”! Văn học nghệ thuật, trong đó có thơ, cũng phải là một mặt trận, là người lính xung kích để giành chiến thắng, giành độc lập tự do. Thế mà Lý Phương Liên lại đau đáu tư duy về thân phận nàng Kiều, lại trắc ẩn với hàng vạn nàng Kiều hiện đại, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cõi nhân gian. Lý Phương Liên viết: Trái đất chúng mình cho đến hôm nay/ Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi/ Thời gian còn nửa ngày là đêm tối/ Còn đồng tiền đổi trắng thay đen/ Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen/ Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến/ Còn những đất đai triền miên chinh chiến/ Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài… Chỉ riêng với đoạn thơ vừa dẫn, Lý Phương liên đã đủ bị phê bình kịch liệt, nếu không muốn nói đến những kiểu cách ứng xử tinh vi… bất thành văn thời đó! Chủ nghĩa cộng sản là mùa Xuân của nhân loại! Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã được xây dựng, cho đến khi bài thơ này được viết, là hơn 15 năm. Thế mà Lý Phương Liên dám hạ bút kêu than cho số phận người phụ nữ hiện đại, dám viết rằng thời của chị vẫn còn rất nhiều nàng Kiều, vẫn còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, đồng tiền vẫn đổi trắng thay đen tác yêu tác quái! Bị đánh là phải!
Nguyễn Du vĩ đại ở chỗ: ngay từ đầu thế kỷ 19, ông đã có tác phẩm tuyệt hay viết về thân phận người đàn bà của chung toàn nhân loại. Lý Phương Liên đồng cảm một cách sâu sắc với nàng Kiều, tức là với thi hào Nguyễn Du, đã cất lên tiếng kêu xé lòng của những nàng Kiều hiện đại, ở một khía cạnh khác của thân phận, một góc khác của niềm khát khao về lòng nhân và hạnh phúc, một nẻo khác hướng về tương lai...
Đặc biệt cô gái trẻ 23 tuổi (ta) đã hồn nhiên viết ra những dòng thơ sâu sắc về tư duy, lấp lánh tư tưởng nhân bản về định mệnh, về nghị lực mà người phụ nữ quyết vượt lên số phận của con người. Những người phụ nữ Việt Nam thời ấy đã làm được như rứa:
Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây
Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên
Kiểu gì chết cũng thấp hèn
Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời
Trên chết chóc muốn dập vùi
Trên đau thương mới là người, người ơi…
Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên
Kiểu gì chết cũng thấp hèn
Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời
Trên chết chóc muốn dập vùi
Trên đau thương mới là người, người ơi…
Quyết không chịu chết, không đầu hàng số phận, không chào thua định mệnh. Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh/ Định mệnh là đối thủ tiến công. Lý Phương Liên đã làm được như lời mẹ dặn, chị đã hãnh diện ca ngợi người phụ nữ trong bài thơ này: Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa/ Không có vùng trời nào toàn chim hót/ Không có cây khế vàng trong cổ tích/ Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng…/ Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
Phải sống! Đơn giản là chết thì chết kiểu gì cũng là hết, là hèn. Phải sống! Bởi thế cả dân tộc Việt Nam đã vùng đứng lên: Những ngày sáu chín, bẩy mươi/ Chẳng có nơi đâu hơn tuyệt diệu con người/ Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt/ Mỗi người dân đều nhận phần mất mát/ Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn.
Thơ hay rứa, thật rứa, tự hào rứa mà bị đánh! Tệ hết sức! Người ta bảo Lý Phương Liên gieo mầm bi quan yếm thế, làm nản chí lòng người trai trẻ đang ra trận! Thật là ác tâm ác khẩu. Hãy đọc những dòng thơ: Tôi cứ đi chuyên cần bền bỉ/ Trông xa về phía trời hồng/ Thúy Kiều ơi, như người sang sông/ Tôi đưa đò cập bến (…)/ Đất nước chiến tranh nhân dân còn cơ cực/ Khi cái chết vãi từ trên phản lực/ Bom chùm, bom lửa, bom bi… Đời còn nhiều gian khó phải qua… / Thấy hết gian truân để mà cười, mà sống… Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát nhiều hơn, gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/ Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp…
Trong bản in đầu, tôi còn nhớ có hai câu: Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh/ Định mệnh là đối thủ tiến công. Hai câu ấy sau này không còn nữa, nó có vẻ trực cảm, trực nghĩa quá. Bài thơ của chị là ánh phản tâm hồn đa cảm nhưng khỏe khoắn giàu nghị lực.
Lý Phương Liên làm thơ vào thời của những khẩu hiệu, những phong trào, những hành khúc, chỉ được nói đến chiến thắng, ca ngợi sự hy sinh vì chiến thắng, không chấp nhận nói về nỗi đau buồn, mất mát, về số phận, về định mệnh hay là những thứ tư tưởng dễ khiến người ta ý thức về cá nhân, về quyền của cá thể… Chị biết điều đó nhưng chị lại rất dũng cảm – dũng cảm chứ không phải khờ, phải liều-, cứ nói những gì tâm hồn mình, trí tuệ mình thôi thúc! Đơn giản là không gì có thể kiểm soát, lèo lái được; không ai có thể trói buộc được tình cảm và trí tuệ con người:/ Lẽ nào em buộc cánh anh/ Buộc cánh anh/ Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu!
Chị là chim bằng, chị phải có và cần trời biếc! Chị khao khát tự do và lòng nhân. Thế mà…
Áp lực đến từ mọi phía… Lý Phương Liên, cô gái đang độ tuổi xuân sung sức đã phải buông lời nguyền: Phải sống cho ra sống, nhưng không làm thơ nữa! Thế nhưng thơ của chị vẫn được rất nhiều người thuộc, không ít anh lính trẻ ra trận mang trong ba lô tờ báo in thơ chị, cuốn sổ nhật ký chép thơ chị, mang trong tim tình cảm mà chị truyền vào hồn chữ hồn thơ…
Triệu Xuân
Tạp chí Văn chương ngày nay, số 4.2011
Ấn phẩn NYS, số 96, trang 56, thay tham luận.
VANDANBNN tổng hợp.
Ấn phẩn NYS, số 96, trang 56, thay tham luận.
VANDANBNN tổng hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét