HÃY CỨU LẤY THIÊN NHIÊN VIỆT NAM / 2 HẾT/
Mai An Nguyễn Anh
Tuấn.
https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/hay-cuu-lay-thien-nhien-viet-nam-phan-cuoi-100451.html
Bảo vệ môi trường lâu
nay không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề sống còn của toàn
nhân loại.
4. Chúng ta tìm về
thực trạng thiên nhiên VN giữa khi cả xã hội loài người đang xao xác tơi tả bởi
những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài
nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh
đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của
chính mình...
Vào giữa thế kỷ trước,
mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền Mỹ được giải Nobel Hòa bình
đã cay đắng thốt lên trước các thảm họa môi trường: "Quá muộn rồi. Sau
đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng?"
Bảo vệ môi trường lâu
nay không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề sống còn của toàn
nhân loại. Từ ngày 5.6.1972 tại Stockholm (Thuỵ Điển) đã có Hội nghị môi trường
thế giới lần đầu tiên để nhắc nhở “Con người hãy cứu lấy cái nôi của chúng ta”,
lấy ngày 5.6 hàng năm là ngày Môi trường thế giới.
Sau đó, tháng 6.1992
tại Brazil, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường thế giới diễn ra với sự tham dự
của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, một lần nữa khẳng định tình trạng suy
thoái môi trường nghiêm trọng, kêu gọi mọi quốc gia hãy hợp tác hiệp lực trong
trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nhưng cho đến nay, vấn đề ô nhiễm
môi trường vẫn là vấn đề nóng bỏng của mỗi quốc gia.
Ở VN, sự trì trệ, bảo
thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa
học đã khiến Sự nghiệp Môi trường trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ,
và là căn nguyên của một hệ thống chính sách sai lầm về các vấn đề Môi trường.
Điều đó dẫn tới hệ quả là môi trường ô nhiễm tràn lan khủng khiếp chưa từng
thấy, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác
bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến
đứt ruột.
Trong một công trình
nghiên cứu công phu, cuốn ''Môi trường và con đường phát triển'' (18), lần đầu
tiên những vấn đề lý luận về Môi trường ở nước ta mới được đặt ra một cách hệ
thống; ở đây, PGS.TS. Nguyễn Đắc Hy đã phân tích khá kỹ lưỡng hai nội dung khái
niệm: "Tài nguyên Thiên nhiên" và "Tài nguyên Con người",
cùng khái niệm "Lượng giá trị của tài nguyên" và những vấn đề kinh tế
học của Môi trường.
Sau khi nói đến tình
trạng khai thác bừa bãi vốn thiên nhiên, vốn con người suốt những năm qua (sự
bất cập, phi lý trong chuyện khai thác khu công nghiệp, sân golf... dẫn tới mất
đất nông nghiệp, trong việc đầu tư, xuất khẩu lao động bừa bãi...), tác giả
thốt lên: vốn tài nguyên đó của Đất nước nếu không biết quý trọng, không biết
khai thác, quản lý một cách khoa học và có lương tâm thì sẽ có tội lớn với Dân
tộc!
Ông bảo: ở nước ta,
người nghiên cứu kinh tế thường chỉ quan tâm đến đồng tiền nhảy múa mà bỏ quên
vấn đề Tài nguyên (Thiên nhiên và Con người). Theo ông, khi người ta mới làm
chính trị về môi trường, chứ chưa làm môi trường thực sự, thì số phận thiên
nhiên vẫn còn bị đe dọa.
Quả vậy, hiện tại ở
VN, hàng ngày vẫn đang tràn ngập những câu chuyện tàn phá môi trường: Chất thải
đổ ra biển, rừng bị tàn phá nặng nề, kênh rạch, sông hồ bị ô nhiễm... Ngoài
việc đổ thuốc trừ sâu xuống các hồ tôm cá, thả chông và mảnh chai xuống ruộng,
còn những “hành vi trả thù” tàn ác khác như đốt mía, đổ thuốc vào thân dừa,
chặt chân trâu bò… Khủng khiếp nhất là thảm họa Formosa, rồi bãi chôn xỉ lấn
biển của Formosa, chuyện các nhà máy thép DANA, chuyện phá rừng để nuôi bò và
thi hoa hậu, các nhà máy gây ô nhiễm khắp nơi, sông chết, biển chết trên cả
nước; Hà Nội, TP.HCM thi nhau chặt cây trong lúc đây là hai thành phố thuộc
diện ô nhiễm nhất thế giới...
Đau đớn nhất là chuyện
những con chim bị khâu mắt, cột chân giữa nắng để làm mồi nhử đồng loại giữa
quê hương đại thi hào Nguyễn Du! Báo chí trong nước đưa tin về các công ty nước
ngoài đổ chất thải xuống biển, đã tự kiểm duyệt cụm từ “chất thải“, thay thế
bằng cụm từ “vật liệu nạo vét“.
Báo Thanh Niên cho
biết, việc khai thác khoáng sản titan tràn lan ở Bình Thuận sẽ làm cạn kiệt
nguồn nước ngọt tự nhiên... Báo Một Thế Giới có bài điều tra về nạn khai thác
cát tặc đang hoành hành tại miền Tây, được chính quyền bảo kê, dẫn đến hiện
tượng sạt lở khủng khiếp. Cũng báo Thanh Niên: “Việc Bộ Tài nguyên – Môi trường
cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, theo các
chuyên gia, bản chất là xả thải. Nó sẽ hủy hoại vĩnh viễn cả một vùng biển giàu
có và độc nhất vô nhị về nhiều mặt của Việt Nam“.
Theo báo Sài Gòn giải
phóng, người dân “Bất an với gần 1 triệu m³ chất thải “chôn” xuống biển”. Còn
tại Tây Nguyên, dẫn lời quan chức tỉnh Đắk Nông, báo Tuổi Trẻ cho biết, “người
dân xã Nhân Cơ rất lo lắng trước hiện tượng chất bột màu trắng từ Nhà máy chế
biến alumin Nhân Cơ phát tán và bám đầy trên cây trồng“.
Một trong những tiếng
nói thấm thía nhất về sự tàn phá môi trường là loạt ký sự: Sơn Trà ký sự (Kỳ 6:
Khoa học của sự tôn kính thiên nhiên) trên báo Một Thế Giới: ''...Có thể nói,
trong máu của người Đà Nẵng có linh khí của Sơn Trà. Đó không phải là thứ “linh
khí” của niềm tin tôn giáo, mà là thứ linh khí có thật từ thảm thực vật và các
loài sinh vật, trong đó có vô số dược liệu hấp thu nguyên khí của đất đai trời
biển, lan tỏa theo nắng gió đến với con người... Đó là chưa kể đến việc khôi
phục rừng tại Sơn Trà có ý nghĩa khoa học như thế nào đối với việc bảo tồn đa
dạng sinh học và khôi phục rừng trong cả nước và tác động quốc tế của nó, vì
như đã nói, Sơn Trà có hội đủ các điều kiện dung trú hầu hết các loài thực vật
trong cả nước và trên hành tinh... Sơn Trà không bị bom và chất độc hóa học,
rừng nguyên sinh bị hủy diệt từ lòng tham và lợi ích thiển cận của con người''.
Khi Thứ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao & Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký bừa để kỷ luật một người bảo vệ
Sơn Trà, ta có thể nhận thấy: đằng sau sự việc này là sự dửng dưng trước số
phận Thiên nhiên của ông thứ trưởng, và đó là hệ quả đáng tiếc của cả một quá
trình giáo dục mà ở đó, lòng yêu thiên nhiên không được coi trọng như các tiêu
chí đạo đức khác.
Khi bệnh vô cảm và ích
kỷ đã tràn lan khắp đất nước, đã có biết bao tiếng nói đau xót đến chảy máu mắt
về thảm cảnh tàn phá thiên nhiên, như những tâm sự sau đây: “Hiện tại, U Minh
Thượng hay U Minh Hạ, rồi Đất Mũi, tất cả rừng đước, sú, vẹt cả mấy trăm năm
tuổi, thậm chí ngàn năm tuổi đang bị khai thác một cách vô tội vạ… Cả một cung
đường dài từ Nam chí Bắc đều là cây cối trơ trọi. Thay vào đó là hàng quán, đi
chừng 300 mét đã có quán thịt rừng, đặc sản rừng, khu nhà trọ, quán nhậu… Giờ
có vẻ như Trường Sơn cũng chẳng còn bao nhiêu cây để chặt, người ta lại kéo về
thành phố để chặt, mà đáng sợ nhất vẫn là chặt cây theo dự án! Có không biết
bao nhiêu ngàn hecta rừng Trường Sơn bị chặt phá theo dự án thủy điện mà sự
thật đằng sau cái dự án đó là bóng ma nhà buôn Trung Quốc…”
Vấn đề Môi trường và
Thiên nhiên bị tận diệt cũng đã nóng lên trong các phiên họp Quốc hội. Theo Phó
chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong, người dân Việt Nam hiện
không thể an tâm khi nhiều nơi rừng đã hết, có chỗ biển gặp sự cố môi trường
nặng nề, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt… Đại biểu
Phong quan ngại về tình trạng đưa công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường vào
trong nước gây ô nhiễm môi trường. “Khi đất đã chết, sông chết, rừng sắp hết,
biển gần chết… thì tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể mua được môi
trường tươi đẹp mà chúng ta đã mất và đang mất''.
5. Tại VN, đã xuất
hiện ngày một nhiều những ''tổ chức Mơ Mộng'', những “người Mơ Mộng”, những
''hoạt động Mơ Mộng'' sẽ có khả năng giúp cho tài nguyên Thiên nhiên và Môi
trường sinh thái thoát khỏi nguy cơ rơi xuống vực thẳm. Như một vài nhà đầu tư
đã dũng cảm tìm đến thiên nhiên còn nguyên sơ của huyện Vân Hồ làm du lịch sinh
thái kết hợp với nông nghiệp xanh và quy trình công nghệ sinh học khép kín.
Như Diễn đàn Nhà báo
Môi trường đã từng cử nhà báo tới vùng lõi Tam Đảo đứng trước nguy cơ bị xẻ
thịt để có dữ liệu phản biện một cách quyết liệt. (Người viết bài này là một
trong hai nhà báo VN đầu tiên đã leo tới nơi xa xôi nguy hiểm nhất của Tam Đảo
II để thực thi sứ mệnh trên của Diễn đàn). Như Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển
và Phát triển cộng đồng (MCD), với Dự án “Thực tập sinh và đại diện cộng đồng
chung tay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại các khu dự
trữ sinh quyển Việt Nam - Học hỏi và chia sẻ những bài học thực hành tốt giúp
thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong thích ứng với BĐKH tại khu vực Vịnh
Hạ Long”...
Như Hội Bảo vệ thiên
nhiên và môi trường TP.HCM, là một tổ chức quần chúng tự nguyện nhằm tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên
và môi trường; thực hiện các hoạt động phản biện xã hội, tư vấn về công nghệ,
sản xuất sạch trong lĩnh vực môi trường; đấu tranh chống các hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ thiên nhiên và môi trường…
Như GS.TS Đặng Huy
Huỳnh, nhà khoa học đầu tiên của VN vừa được ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng
sinh học ASEAN khi ngồi hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
của các dự án lớn đã phản đối hoặc đề nghị bỏ không làm nhiều dự án để bảo vệ
môi trường tự nhiên... Như nhóm yêu quý và bảo vệ Cát Tiên tổ chức triển lãm
ảnh Rừng Việt: “Cát Tiên trong tôi”…
Như các sinh viên khoa
ngữ văn Anh (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã bằng vật liệu cũ và tái
chế thiết kế nhiều bộ trang phục thời trang độc đáo và bắt mắt trong cuộc thi
trình diễn thời trang… Như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên đã
đưa kiến nghị bảo vệ rừng trắc tại lưu vực suối Đá Bàn… Như Không Gian Chia Sẻ
S.hub với định hướng tập trung vào hỗ trợ phát triển giáo dục, góp phần giúp
giới trẻ kiến tạo tương lai, đã giúp mọi người vừa hưởng thụ thiên nhiên miễn
phí vừa bảo vệ thiên nhiên (như Khám phá Sơn Đoòng qua trải nghiệm thực tế ảo)…
Như Hội thi “Chúng em
bảo vệ thiên nhiên, môi trường” - một trong những hoạt động giáo dục môi trường
trong trường học, là một hợp phần thuộc Chương trình Trồng rừng được triển khai
tại 4 trường THCS thuộc địa bàn vùng đệm VQG Ba Vì… Như 22 bạn trẻ đã đoạt được
giải thưởng lớn nhất trong Cuộc thi Tê giác hoang dã (Wild Rhino Competition)
từ 1.500 bài dự thi và được tham quan Nam Phi 5 ngày để trải nghiệm thiên nhiên
hoang dã…
Như Hội chợ triển lãm
quốc tế về Sản phẩm sinh thái (EPIF 2008) tại Hà Nội, sau đó Việt Nam tiếp tục
đăng cai tổ chức EPIF 2017 tại TP.HCM với chủ đề “Công nghệ và sản phẩm xanh -
Hành động cho tương lai”… Như tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Trẻ em với môi
trường”, ghép tranh cổ động về môi trường, chương trình chiếu phim về khoa học
và môi trường, thi tìm hiểu về sản phẩm sinh thái và công nghệ môi trường…
Như nhiều bậc phụ
huynh đang kiên trì dạy con bảo vệ thiên nhiên môi trường, tìm cách kết nối con
trẻ với môi trường tự nhiên, rồi chia sẻ giúp các phụ huynh khác khơi gợi tình
yêu thiên nhiên ở trẻ… Như các nhà giáo, các nhà làm chương trình giáo dục đang
vắt óc tìm cách lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường trong các bài giảng, trong
các chương trình đào tạo giáo viên các cấp…
Như hoạ sĩ Văn Ngọc,
người đã tìm mọi cách đưa thiên nhiên vào khung cảnh sống của gia đình mình ở
Vũng Tàu - trong đó có cả những thứ phế phẩm như mẩu gỗ cháy dở, thanh côp-pha
nham nhở vữa bỏ đi, nồi gốm sứt mẻ, ống thoát nước đất nung bị loại, v.v. Thế
rồi, những con ong bay về tìm đến các hộp gỗ đục lỗ để làm tổ; dây leo cây dại
mọc tự nhiên trên những hòn đá được bày làm ghế ngồi quanh sân…
Điểm sơ qua những
việc, những người Mơ Mộng như thế để thấy: xu thế xây dựng nền văn hóa bảo vệ
Thiên nhiên và Môi trường đã bắt đầu trở thành một nhu cầu tự bên trong, có
tính cấp thiết của xã hội.
6. Tạm kết.
Một học giả Mỹ nghiên
cứu sâu về phương Đông đã tâm đắc với nhà phê bình phân tâm học Pháp nổi tiếng
G. Bachelard khi bàn về chất thơ của không gian trong thiên nhiên có tầm quan
trọng thế nào đối với cuộc sống: ''Không gian có một ý nghĩa tình cảm hoặc thậm
chí một ý nghĩa duy lý do một loại tiến trình mang tính thơ (a kind of poetic
process)'' (19). Nếu không gian con người mất đi cái ''chất thơ'' này, sẽ xảy
ra hiện tượng đau lòng và khủng khiếp mà học giả người Nga B.I.Kozlov đã cảnh
báo: Có thể dẫn đến ''sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa nhân văn và dứt khoát loại
bỏ Homo Sapiens ra khỏi vũ đài lịch sử'' - ;Và khi đó, điểm cuối cùng sẽ được
xác định: Máy móc sẽ là cái duy nhất trong vũ trụ mang Tinh thần và Lý trí''.
(20)
Rất nhiều nhà khoa học
có lương tâm trên thế giới đã lên tiếng gay gắt trước nguy cơ chủ nghĩa vị kỷ
độc ác hủy diệt Thiên Nhiên và Môi Trường sinh thái, và họ nhấn mạnh tới chủ
nghĩa nhân đạo mang tính toàn cầu trong sự nghiệp cứu vãn trái đất cả ''phần
xác'' lẫn ''phần hồn''; xin dẫn ra một tiếng nói khá tiêu biểu giúp cho những
người VN đang lo lắng cho vận mệnh Đất nước cùng suy ngẫm:
''Quả Đất Mẹ còn vô số
những vấn đề chưa được giải quyết... Trước tiên, cần giải quyết những vấn đề mà
chúng ta phải chịu trách nhiệm do quan hệ tồi tệ của chúng ta đối với Thiên
Nhiên trên hành tinh này gây ra. Thiên Nhiên là phần thân thuộc của chúng ta,
là nguồn thường xuyên và thiết yếu của sự sống. Cải thiện mối quan hệ đó là mục
đích chính của chúng ta''. (21)
Còn một trong những
mục đích chính và cấp thiết của tất cả người Việt Nam lúc này là: Hãy cứu lấy
tài nguyên Thiên Nhiên của Đất Nước chúng ta đang có nguy cơ bị tận diệt!
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
(Nhà báo, Đạo diễn điện ảnh)
Chú thích
18. Nguyễn Đắc Hy. Môi
trường và con đường phát triển, Nxb Công an nhân dân, H 2011
19. Edward Wadie Said.
Đông phương luận, Nxb Tri thức, H 2014. Tr.101.
20. Lương Việt Hải
& I.K.Lixiev đồng chủ biên. Hiện đại hóa xã hội và sinh thái, Nxb KHXH, H
2008, tr. 211
21. Tiếng chuông cảnh
tỉnh... Sđd, tr. 84
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét