Mai An Nguyễn Anh Tuấn
https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/hay-cuu-lay-thien-nhien-viet-nam-100449.html
Sự hòa hợp giữa Con
người và Thiên nhiên là yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn của chúng ta (1) (Aurelio
Peccei và Daisaku Ikeda)
1.Văn hào Nga Lev
Tolstoi trong luận văn Về cuộc sống đã trích làm đề từ một luận điểm của triết
gia Kant nói rằng: Một trong hai điều luôn tràn ngập tâm hồn chúng ta bằng niềm
ngạc nhiên và ngưỡng mộ luôn mới mẻ và ngày càng gia tăng, “bắt đầu từ điểm mà
tôi đang chiếm giữ trong thế giới cảm tính bên ngoài” (2).
Cái điều đó là gì, nếu
như trước hết không phải là Thiên nhiên? Tolstoi đã xác quyết rõ rệt: “Cuộc
sống chân chính là đạt tới cái chân phúc không phụ thuộc vào mọi chuyển động
hữu hình trong không gian và thời gian bằng sự quy phục trí tuệ”. (3) Chân
phúc, tức hạnh phúc đích thực và chân chính như vậy, theo văn hào, chỉ có thể
đạt tới bằng sự vận dụng trí tuệ vào việc “quy phục, tuân thủ “ những quy luật
của thiên nhiên.
Bởi nếu không làm như
thế, theo Tolstoi, “tất cả những hoạt động sôi động phức tạp của con người với
thương mại, chiến tranh, với phương tiện truyền thông, khoa học, nghệ thuật của
họ phần lớn chỉ là cảnh chen lấn của một đám đông điên rồ bên cánh cửa của cuộc
sống.”(4)
Tôi đã nhớ lại những
điều mà L.Tolstoi nói đến từ những năm 70 của thế kỷ XIX, khi cảm thấy nhục nhã
và đau đớn trước cảnh tượng hùng hổ tranh cướp ấn, hay cảnh hỗn loạn chen lấn
của đám đông ở một số đình, chùa, giữa rác rưởi ô uế, giữa những con thú rừng
bị thui đang há mõm như than khóc cho sự tận diệt thiên nhiên ở mức báo động
đỏ. Còn đâu một mẩu nào của ánh sáng trí tuệ như L. Tolstoi đòi hỏi ở một “đám
đông điên rồ” đang góp phần làm thiên nhiên tan hoang tơi tả kia, để có thể
rung động nổi với cảnh Bụt cần có và đã từng có: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng
trái/ Ngẩn ngơ khe suối cá nghe kinh” (Chu Mạnh Trinh)?
Mấy năm qua, cứ mỗi
lần biết được một sự tàn phá thiên nhiên tại Việt Nam, tôi tin rằng rất nhiều
người cũng như tôi, đều tựa bị dao đâm, lửa đốt. Vì đâu nên nỗi? Thiên nhiên là
một trong những Ngôi Đền thiêng liêng nhất của nhân loại từ xửa xưa, và của mỗi
người dân Việt từ thuở ấu thơ, sao giờ lại là đối tượng bị tàn sát, bị truy
đuổi một cách man rợ đến vậy ngay trên mảnh đất chữ S?
Thù ghét thiên nhiên
thì làm sao yêu được con người? Còn khi dửng dưng trước thân phận, nỗi đau của
người khác thì thiên nhiên cũng sẽ chỉ là thứ xa lạ, bị ruồng bỏ, hoặc chỉ để
lợi dụng nó. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị xẻ thịt không thương tiếc bởi
không ít quan chức và văn nghệ sĩ có tên tuổi để phục vụ cho hưởng thụ cá nhân!
Trong hệ thống giáo dục của ta, từ bậc tiểu học tới đại học, thiên nhiên đã được
dạy dỗ ra sao, để tới nay, số người hiểu biết thực sự về nó và bênh vực bảo vệ
nó một cách hiệu quả còn quá ít ỏi, để lấn át đến nhức óc là những khẩu hiệu
trơ trẽn hoặc những hoạt động với mục đích giải ngân về “Bảo vệ Thiên nhiên”!
Tài nguyên Thiên nhiên
với Môi trường có mối quan hệ thế nào, tầm quan trọng của Thiên nhiên đối với
sức khỏe, y tế, đời sống dân sinh, văn hóa, kinh tế, giáo dục ra sao, nhiều
thầy cô giáo chưa có điều kiện hiểu rõ, và thậm chí nhiều quan chức các bộ có
liên quan mật thiết tới những vấn đề này chắc cũng ngắc ngứ… Tài nguyên Thiên
nhiên VN đã và đang bị tàn sát, bị đầu độc, dẫn tới biết bao bi kịch đau lòng
chưa từng thấy. Mỗi người Việt cần làm gì để cứu lấy tài nguyên Thiên nhiên
Việt Nam?
2. Cố GS Trần Văn Giàu
đã dẫn ra 7 giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng
tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa (5). Xin được mạn phép bổ sung một bản
sắc: Lòng yêu thiên nhiên. Nó là cái gốc của các giá trị, và thậm chí, là kết
quả sau cùng, tinh hoa của các giá trị nói trên. Bởi, Thiên nhiên được phản ánh
trong tâm lý và tập quán người VN từ ngàn xưa, xét cho cùng, cũng là một thành
tố hữu cơ của bản sắc dân tộc.
Nói bản sắc dân tộc
Việt Nam tức là nói tới những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, sẽ tạo ra những giá
trị văn hóa hoặc là bản sắc văn hóa. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã từng đưa ra
luận điểm độc đáo: “Văn hóa bốn F” để khái quát về văn hóa Việt Nam từ hàng
ngàn năm qua (Fatherland, Family, Fate, Face - Tổ quốc, Gia đình, Thân phận,
Diện mạo), và ông đã kể lại sự ngạc nhiên của nhiều học giả Pháp về mô hình
làng xã kiểu Đông Nam Á mang đặc thù “văn hóa bốn F” gợi nhắc đến thành bang cổ
đại của Hy Lạp (6). Trong đó, sự bảo vệ thiên nhiên như một yếu tố hàng đầu,
bởi lẽ chính con người VN vốn “thương người như thể thương thân” và đùm bọc lẫn
nhau trong hoạn nạn cũng được công xã làng mạc với các lũy tre làng che chở.
Đó là thứ văn hóa của
những người yêu thiên nhiên tha thiết, đã dùng nhân nghĩa để đối xử tử tế với
những kẻ thù đã đầu hàng: “Ai yêu như Người, cái lẽ hiếu sinh/ Một giọt nắng
thanh bình/ Trên đầu ngọn lúa?” (Gửi Ức Trai - Lưu Trọng Lư). Và khi ông cha ta
trông mong vào các lực lượng tự nhiên để bảo vệ cho mình trong cuộc sống nông
nghiệp tự cung tự cấp, trong khi làm bạn với thiên nhiên và coi “người ta là
hoa đất”, thiên nhiên cũng được tôn thờ, được thần thánh hóa (như: Con cóc là
cậu ông Trời…).
Cái gốc của văn hóa
Việt Nam là đạo Mẫu - thờ Mẹ xuất phát từ xa xưa, từ thời huyền thoại Âu Cơ và
chảy mãi cho đến tận ngày hôm nay. Nó có sức sống lâu bền ở chính nền tảng nông
nghiệp lúa nước. Gắn với nền kinh tế lúa nước ấy, người phụ nữ đã trở thành
biểu tượng của sự cần cù, hy sinh, chịu thương chịu khó, của sự cầu may hạnh
phúc no đủ, và thiên nhiên trở thành người Mẹ bao trùm, lúc ẩn sâu lúc hiển
hiện trong Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải...
Danh nhân Nguyễn Văn
Siêu trước cảnh vật Hồ Tây thời chưa bị ô nhiễm đã thốt lên: "Ôi, muôn vật
trong trời đất, cái lớn nhất là con người, là sông núi, con người đã mất thì
sông núi lại còn sao được! Chỉ có cái khí của trời đất, tích tụ chuyển vận bên
trong, hun đúc nên con người. Con người được cái khí của sông núi mà thành;
sông núi lại được cái khí của con người mà thể hiện ra, hợp thành cái khí bất
diệt."(7)
Hầu như người Việt Nam
nào cũng có một quê hương thi vị của tuổi ấu thơ in hằn trong tâm tưởng, xin
đọc những dòng đẹp như thơ viết về thiên nhiên làng quê Bắc Bộ của cố GS địa lý
học Lê Bá Thảo: “Từ thuở nhỏ, ai mà chẳng được sống trong lời ru của bà, của
mẹ, mà âm điệu du dương của chúng mang bóng dáng của đất đai làng mạc đã tạo
nền cho tình yêu quê hương đất nước thắm thiết lắng sâu vào tâm hồn…
Những cảnh vật quen
thuộc của đồng bằng đã đến với tuổi thơ bao thế hệ thông qua những câu ca dao
ca ngợi lao động và tình yêu quê hương, những bài tập đọc trong sách giáo khoa,
những bức tranh miêu tả những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những thôn làng nằm
yên ả sau luỹ tre, có giếng nước ao làng, có mái đình chùa rêu phong cổ kính,
có những cây đa cổ thụ chơ vơ ngoài gò, ngoài bãi…”(8)
Tình cảm gắn bó với
quê hương, với lũy tre, với cây đa bến nước sân đình… từ thuở ấu thơ đã mau
chóng trở thành tình yêu Đất Nước. Cha ông ta đã gọi giang sơn của mình là Non
Nước. Nước Non quấn quýt tình nghĩa trong cảm quan yêu nước của Tản Đà Nguyễn
Khắc Hiếu xét cho cùng xuất phát từ lòng yêu thiên nhiên trĩu nặng: “Nước Non
nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non”…
Các danh nhân văn hóa
- lịch sử nước ta đều có nhiều vần thơ, bài thơ thực rung động về thiên nhiên
và chúng đều đạt tới vẻ đẹp cổ điển của văn chương, như thơ của Trần Nhân Tông,
Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện
Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, v.v. Trong số những câu thơ thuộc
loại tuyệt đỉnh ở kiệt tác Truyện Kiều, không ít câu là viết về thiên nhiên:
“Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng...”.
Có lần, từ trên máy
bay tôi ngắm nhìn mê mải đồng bằng châu thổ vào mùa lúa chín. Câu ca xưa từ
thuở mới cắp sách đến trường trở lại ngân nga: “Đứng bên ni đồng ngó bên tê
đồng, thấy mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, thấy bát ngát
mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ giữa ngọn nắng hồng buổi
mai”…
Tâm hồn dân gian mộc
mạc và thi vị của người lao động đã vẽ nên bao cảnh đẹp say lòng của đồng bằng
châu thổ, mảnh đất chôn nhau: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư đông đúc như
hình con long”… Là người Việt Nam, ai mà chẳng đồng cảm với học giả Pháp Pierre
Gourou khi nghe ông miêu tả cảnh làng quê Bắc Bộ:
“Thoạt nhìn phong cảnh
châu thổ có vẻ đơn điệu xám xịt, không có duyên, nhưng dần dần, nét nên thơ và
vẻ đẹp của nó lộ ra trước mắt những ai chịu khó đi tìm cảm xúc, lần theo các
con đê và những con đường đất nhỏ trong các mùa khác nhau, và đi vào các xóm
làng… Mặt nước mênh mông, bằng phẳng và gợn sóng, trôi chầm chậm về phía chân
trời, tuỳ từng lúc mà điểm tô màu đỏ sậm, hồng nhạt hoặc xám lam; một khóm tre,
đám cỏ trên thân đê, bộ lông vàng của con bò làm nổi thêm giá trị của nước phù
sa đỏ cạch; đôi khi những tương quan cực kỳ tinh vi được tạo ra giữa màu hồng
của sông nước và những mái rạ màu xám cũ kỹ của một làng ven sông.
Những phong cảnh mà ở
đó màu sắc trùm lên hình thể, việc thay đổi các sắc thái lấn át đường nét: tóm
lại những cảnh quan ấn tượng chủ nghĩa…" Đó quả là những bức tranh hội hoạ
đặc sắc, là những khuôn hình điện ảnh kiểu mẫu, kèm theo lời chỉ dẫn pha màu
cho hoạ sĩ hoặc cách phối màu sắc và ánh sáng cho nhà quay phim! Nhưng có lẽ,
điều đặc sắc hơn cả trong công trình địa lý nhân văn của vị Uỷ viên thông tấn
Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nặng lòng yêu Việt Nam này là: Ông đã đúc kết được
một cách tài tình nền văn minh châu thổ, mà ông gọi là "Nền văn minh nông
dân.”
Nhà khoa học Pháp,
vượt lên trên những sự kỳ thị của tầng lớp thực dân thống trị đương thời, đã
hào hứng viết như sau: “Thật vậy, một trong những dáng vẻ đáng yêu nhất của
châu thổ Bắc kỳ là sự hoà hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên. Từ bao
thế kỷ, người nông dân đã biết tổ chức những mối quan hệ hài hoà với những cảnh
quan quanh mình...”. Sau khi so sánh với sự tiến bộ hiện đại ở phương Tây mà
thực chất là một sự tách rời giữa con người với ngoại cảnh tự nhiên, là sự huỷ
hoại thiên nhiên, P. Gourou đã có một ý tưởng đột xuất mà cho đến hôm nay càng
chứng tỏ tính chất dự báo, tính chất thời sự nóng hổi không những đối với VN mà
còn mang ý nghĩa toàn cầu, buộc tất cả chúng ta phải suy nghĩ và có thể vận
dụng vào thực tế hôm nay:
“Sự hài hoà cổ xưa
giữa con người với thiên nhiên vẫn có thể gìn giữ được nếu như người VN, đặc
biệt là những người thuộc tầng lớp thượng lưu ưu tú, nghĩ rằng đó là di sản quý
báu nhất của nền văn minh của họ… Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam, thì
họ phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hoà quý báu đó giữa
thiên nhiên và con người, vì đó là vấn đề tiên quyết, là vấn đề chi phối mọi
vấn đề khác dù là kinh tế hoặc chính trị...”(9)
Khi đi lang thang
trong một vùng thiên nhiên còn hoang sơ của huyện mới Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tôi
đã bất giác nhớ đến những dòng viết về thiên nhiên làng quê Việt Nam của hai
học giả Lê Bá Thảo và P. Gourou, rồi chợt thảng thốt: Cái thiên nhiên kỳ diệu
kia của vùng núi Tây Bắc nếu cũng bị phá tan nát như ở nhiều vùng quê Việt bây
giờ, thì thực đau xót! Tôi đã bắt đầu có kế hoạch vận động một số nhà đầu tư có
tâm huyết tới vùng huyện mới Vân Hồ làm Du lịch sinh thái hoang dã để góp phần
bảo vệ kho báu tài nguyên thiên nhiên nơi này…
3. Triết gia danh
tiếng người Ấn Độ Krishnamurti từng nói nhiều đến thiên nhiên trong cái
"cảm giác ngưỡng mộ", "sự tôn kính những gì phát sinh từ cái đẹp
vĩ đại" của thiên nhiên, nơi sẽ diễn ra quá trình tự chữa trị vết thương
lòng kỳ diệu, và "việc chữa trị ấy sẽ dần xảy tới nếu bạn sống với thiên
nhiên."(10) Những đề nghị trở về với đời sống thiên nhiên, để mong đạt tới
sự thảnh thơi tự tại, sự "thuận thiên" của Trang Tử hiện đang làm thế
giới tiêu dùng phương Tây và khắp thế giới phải sững sờ tìm hiểu.(11)
Các nhà giáo dục lớn
xưa nay trên thế giới là những người hơn ai hết hiểu rõ vai trò của thiên nhiên
trong việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Trong tác phẩm Emile hay là về giáo
dục, nhà văn, triết gia người Pháp J.J. Rousseau thế kỷ 18 đã cho thấy hình ảnh
của nhân vật Emile - sản phẩm giáo dục theo hình dung của ông là: Vững chãi,
độc lập trong tư duy, phán đoán và hành động.
“Vấn đề là chỉ ra cho
nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự
thật”. Và để khám phá ra sự thật, không gì bằng môi trường thiên nhiên. Mục
tiêu giáo dục của Rousseau là, trước khi và trong khi dạy cho Emile sự hiểu
biết, cần làm cho Emile hạnh phúc tối đa trong lứa tuổi của cậu ta, với những
gì được thiên nhiên trao tặng. Hình ảnh một người trẻ, độ tuổi 15 mà Rousseau
muốn tạo ra là: “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do... Không
phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức
mà thiên nhiên cho phép”(12).
Bác sĩ, nhà giáo dục
người Ý Maria Montessori trong công trình Bí ẩn tuổi thơ đã có một khái niệm
rất đáng quan tâm: “Đứa trẻ bị lệ thuộc” (cũng là một đề mục trong chương sách
mang tên: “Những lệch lạc tâm thần”). Bà lo lắng rằng: Nếu như không tạo ra một
môi trường tốt cho đời sống tinh thần trẻ em, không gắn trẻ em với thiên nhiên,
không có một phương pháp sư phạm đúng đắn, sẽ tạo ra những đứa trẻ thờ ơ, lãnh
đạm, lười biếng. Và những ai có ý định “máy móc hóa” học đường, “robot hóa” trẻ
thơ, tách trẻ thơ ra khỏi thiên nhiên cần tỉnh ngộ trước những lời cảnh báo của
Montessori cách đây hơn một thế kỷ: “Tiến bộ về mặt vật lý, hóa học và sinh
học, và sự cải thiện các phương tiện giao thông chỉ làm tăng nguy cơ của sự tàn
phá, khốn khổ và sự xuất hiện của cái man rợ độc ác...”(13).
Có một thực trạng nguy
hiểm đang bắt đầu chiếm lĩnh tâm lý đám đông xã hội ở nước ta: Tâm lý thích
hành hạ thể xác và tâm hồn người khác, nó đang nảy nở như nấm sau mưa và không
chừa lứa tuổi nào! Điều này cho thấy tình trạng ''tê cóng'', ''bại liệt lòng
nhân đức'' của con người, mà có lẽ nguyên nhân sâu xa là thiên nhiên đã trở
thành vật để mua bán, trục lợi, và tình yêu thiên nhiên chỉ còn chết đọng trong
các câu chuyện cổ tích! (Các khái niệm nhân đức, tê cóng, bại liệt này, tôi
dùng lại theo Mạnh Tử)(14).
Đây là một phương pháp
giáo dục gắn với thiên nhiên mà nước ta cần học hỏi: Ý tưởng nuôi dưỡng trẻ em
nhỏ tuổi sống giữa thiên nhiên còn hoang sơ xuất phát từ Đức vào cuối thế kỷ
18. Sau đó nó nhanh chóng được người Bắc Âu đón nhận và phát triển. Hoa Kỳ, đất
nước của những đứa trẻ mất kết nối với thiên nhiên cũng nhanh chóng nhập cuộc.
May mắn nhất, những đất nước kể trên đều là các quốc gia bảo tồn tốt hệ sinh
thái và những khoảng xanh của mình.
Hiện nay, tại Đức có
đến 700 trường mầm non trong rừng (chiếm khoảng 10% các trường mầm non trên
toàn quốc). Số lượng các trường học theo mô hình này cũng chiếm tỉ lệ tương tự
tại Hoa Kỳ. Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra sự khác
biệt mà trường học trong rừng mang đến cho những đứa trẻ. Đặc điểm lớn nhất của
thiên nhiên chính là sự đổi thay từng ngày, từng giờ... Sự bất ngờ, những điều
mới mẻ luôn là động lực tốt nhất tạo nên sự hứng thú và ham thích tìm hiểu ở
những đứa trẻ.
Vì thế, nhiều nghiên
cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ học “trong rừng” có trí tưởng tượng tốt và
phong phú hơn những đứa trẻ học “trong nhà”. Thêm vào đó, thiên nhiên rộng lớn
và biến đổi liên tục chính là môi trường thuận lợi nhất để trẻ thực sự học được
những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống''.
Con người cần kết nối
lại với thiên nhiên, đó lời kêu gọi khẩn cấp từ những nước phát triển! Một bài
báo của nước Anh viết: ''Một khảo sát gần đây đã nhận thấy một thực trạng đáng
quan ngại là người dân đô thị đang dần mất đi sự kết nối với thiên nhiên, và
cái giá phải trả ngày càng đắt. Chúng ta quên mất vẻ đẹp kỳ diệu của cây cối,
không khí trong lành như thế nào, những loài động vật hoang dã cuốn hút ra sao,
và khả năng làm giảm căng thẳng mà vùng nông thôn yên bình có thể mang lại cho
con người… Có thể khẳng định rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ mà thiên
nhiên bị “tước đoạt” nhiều nhất trong lịch sử.
Một khảo sát mới đây
của nước Anh chỉ ra rằng cứ 7 trong số 10 người nói rằng họ hoàn toàn đã “mất
liên lạc” với tự nhiên. Mối liên hệ giữa con người và hệ động thực vật chính là
động lực thôi thúc con người muốn bảo vệ tự nhiên... Con người lìa xa thiên
nhiên sẽ khiến thiên nhiên dễ bị hủy diệt hơn”.
Báo Pháp Khoa học và
Đời sống từng viết về Tám hiểm họa môi sinh của thế kỷ XXI: 1/ Nhiệt độ tăng,
2/ Đất thoái hóa, 3/ Nước hết, 4/ Hóa chất làm ô nhiễm, 5/ Vùng biển bị khai
thác quá mức, 6/ Phá rừng gây nên dịch bệnh mới, 7/ Mất cân đối dân số, nam
nhiều hơn nữ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, 8/Đô thị hỗn loạn. Người
ta giải thích thêm điểm cuối: nay là thời của những THỊ DÂN HUNG DỮ; cuộc sống
vô cùng hỗn độn bởi một số dân quá đông cùng sống trong một diện tích quá chật
chội.
Trong chương CON NGƯỜI
VÀ THIÊN NHIÊN của cuốn sách 'Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI', hai tác
giả Ý và Nhật Bản viết những năm cuối thế kỷ trước mà như trực tiếp nói về
những thảm họa môi trường sinh thái của nước ta gần đây, với sự phẫn nộ đanh
thép: ''Chúng ta vật lộn nhau, tranh giành phần thắng. Chúng ta vung dao lên để
cướp lấy những lợi ích trước mắt, mặc ai bị thiệt hại, hoặc bất chấp việc vi
phạm những chuẩn mực đạo đức. Hành động như thế, chúng ta đã phá hoại môi
trường của mình... Sự hiểu biết và những quyền lực đó đã làm cho chúng ta trở
thành tự phụ, ích kỷ, đến mức quên cả cảm thông với thiên nhiên... quên vai trò
chủ yếu của thiên nhiên trong sự sinh tồn của mình''.
''Kho tàng phát sinh
sự sống của thế giới được chế biến, phân hóa, hoàn chỉnh qua hàng chục hàng
trăm triệu năm trong những phòng thí nghiệm của thiên nhiên, đang bị phá hủy,
đảo lộn một cách tàn bạo. Những nơi cư trú cần thiết cho sự sống và sự tiến hóa
của vô số giống loài đang bị hủy diệt vĩnh viễn. Vô số cơ cấu và hệ thống khác
của sự sống tương đối đơn giản nhưng không thể thay thế, cần thiết cho sự cân
bằng năng động và sự điều tiết của hệ sinh thái đang bị loại trừ không thương
tiếc. Chỉ có sự ngu dốt hiện nay của chúng ta ngăn trở không cho chúng ta hiểu
sự phân hóa kỳ lạ và đa dạng của thiên nhiên cần thiết cho sức khỏe của con
người đến mức nào''(15)
''Chúng ta và con cháu
chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai về sự giết hại sinh thái liên
tục và tràn lan ấy. Chúng ta xem thường ý nghĩa của từ ngữ khi nói rằng đại
dương và môi trường thiên nhiên là tài sản chung của nhân loại. Thực tế, tất cả
chúng ta là tội phạm của sự cướp phá tài sản ấy, là tội phạm đồng lõa để cho
người ta tàn phá, giết hại tất cả những hình thái của sự sống khác con người
một cách vô độ...''(16)
Còn F. Engels trước đó
hơn một thế kỷ cũng đã từng cảnh báo: Không thể thống trị giới tự nhiên như một
kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài thế giới
tự nhiên.(17)
Trước cuộc sống hiện
đại đang khiến cho xã hội lâm vào tình trạng hỗn loạn và đầy bất ổn, đã có
không ít bài báo nước ngoài ca ngợi lối sống gắn với Mẹ Thiên Nhiên của người
dân da đỏ, những người coi thiên nhiên là một món quà của Thượng Đế, và luôn
tâm niệm rằng: Cần phải tôn kính, quý trọng thiên nhiên... Họ truyền dạy con
cháu ''bước khoan thai trên mặt đất, sống cân bằng và hài hòa''
''Chỉ khi cái cây cuối
cùng chết đi và khi dòng sông cuối cùng bị đầu độc và con cá cuối cùng bị đánh
bắt thì chúng ta mới nhận ra mình không thể ăn được tiền''. Đặc biệt, có một
bức thư của hai tù trưởng trả lời tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Pierce muốn
người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng, được coi là văn kiện hay nhất
xưa nay nói về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất
đai tiên tổ và quan niệm thâm thúy của họ về môi trường sống:
“... Đối với đồng bào
tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt
sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì
thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của
đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của
người da đỏ...
Nếu có bán cho Ngài
mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho
ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm
hương hoa đồng cỏ... người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên
mảnh đất này như những người anh em''.Báo cáo “Sự gia tăng gần đây về áp lực
của con người và mất rừng đe doạ nhiều Di sản Thiên nhiên Thế giới” đã được
nhận giải thưởng Elsevier Atlas. “Hành động cấp bách rất cần thiết để cứu những
nơi kỳ quan này trước khi quá muộn”, Tiến sĩ James Watson của trường UQ và Hiệp
hội Bảo tồn Động vật Hoang dã nói:
“Đó là tài sản thế
giới, được cộng đồng quốc tế thừa nhận như viên ngọc quý trên vương miện khi nó
được đưa vào bảo tồn thiên nhiên, và nó đáng được bảo vệ cho toàn thể nhân
loại.” .
Đại sư Shayalpa Tenzin
Rinpoche đã ra thông điệp được BBC trích dẫn: ''Theo thiển ý của tôi thì tất cả
chúng ta ai cũng đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung và cuộc sống sẽ có
ý nghĩa nếu chúng ta tìm ra cách thức tôn trọng môi trường tự nhiên tốt nhất
trong khả năng của mình. Muốn chăm sóc bảo vệ môi trường thì cần chăm sóc bảo
vệ chính chúng ta về lâu dài vì đó là điều đem lại lợi ích cho thế hệ sau...
Thực sự, điều quan trọng nhất là biết tôn trọng và yêu quý vẻ đẹp thiên
nhiên''.
Trước tình cảnh rừng
Amazon sắp mất nửa số loài vì biến đổi khí hậu, và tình hình Trái đất đang trở
nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, 20.000 nhà khoa học đã ký vào một bức thư, đồng
loạt cảnh báo về thảm họa diệt vong của nhân loại. Bức thư có tựa đề: “Khoa học
thế giới cảnh báo nhân loại: Lời cảnh tỉnh thứ hai” (Nguyên văn: World
Scientists’ Warning to Humanity: A Second Notice). Đây là thông báo tiếp sau lá
thư đầu tiên vào năm 1992 do Uỷ ban khoa học quan ngại (UCS) phát hành, nhằm
cảnh báo về vận mệnh của nhân loại.
Có khá đông người trẻ
ở Hồng Kông đang từ bỏ những cơ hội tìm công việc có lương cao để chọn những
công việc lương thấp nhằm giúp bảo vệ môi trường, thường gây nhiều thất vọng
cho các bậc cha mẹ truyền thống.
Những hoạt động tích
cực của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - chính trị và khoa học khắp thế
giới đang nhằm vào cái đích mà đất nước được mệnh danh là “Quốc gia hạnh phúc
nhất thế giới" đã đạt tới: "Đó là khu bảo tồn sinh thái tốt nhất trên
hành tinh của chúng ta.... Costa Rica cũng không chạy theo đồng Đô-la của các
viện bào chế thuốc tây Âu Mỹ hay của các tập đoàn khai thác năng lượng phương
Tây để bán rẻ tài sản thiên nhiên của mình...."
Mơ ước tạo dựng nên
những vùng đất hạnh phúc và đáng sống như thế, có biết bao ''kẻ mộng mơ'' từ
Đông sang Tây hàng ngày cặm cụi, đơn độc làm công việc tưởng như ''dã tràng xe
cát'' để đem lại dù chỉ một bóng cây, thậm chí có ông lão đã tạo nên cả một khu
rừng nhiệt đới từ đám đất sỏi, có đôi vợ chồng già đã mất 15 năm để biến sa mạc
thành ốc đảo... Và nhiều nhân vật có thực khác gây xúc động lòng người thấm
thía trong bài báo ngắn của Phạm Thu Hương: Đời luôn sẵn kẻ mộng mơ.
(Còn tiếp)
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Chú thích
1. Aurelio Peccei
(Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật). Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, Trương
Chính & Đông Hà dịch. Nxb Chính trị Quốc gia, H 1993, tr.25
2. L.Tolstoi. Đường
sống-Văn thư nghị luận chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu, chú
giải (với sự tham gia của một số người khác). Nxb Tri thức, H 2015, tr.171
3. Đường sống... Sđd,
tr.226
4. Đường sống... Sđd.
Tr.200
5. Trần Văn Giàu. Giá
trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, H, 2011
6. Phan Ngọc. Một cách
tiếp cận văn hóa, Nxb Thanh niên, H, 1999-tr.359-366
7. Phương Đình văn
loại. Trần Lê Sáng dịch. Nxb văn học H 2001, tr.34
8. Lê Bá Thảo. Thiên
Nhiên Việt Nam, Nxb KH &KT, H 1978
9. Pierre Gourou.
Người nông dân châu thổ Bắc kỳ- Nghiên cứu địa lý nhân văn, nhiều người dịch.
Nxb Trẻ, HCM 2003
10. Krishnamurti tinh
yếu. Nguyễn Ước dịch. Nxb Văn học, H 200
11. Trang Tử và Nam
Hoa kinh. Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch. Nxb Văn hóa-Thông tin, H 1994
12. J.J. Rousseau.
Emile hay là về giáo dục. Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch. Nxb Tri Thức, H
2008. tr. 273, tr. 277
13. Maria Montessori.
Bí ẩn tuổi thơ. Nghiêm Phương Mai dịch. Nxb Tri Thức, H 2014. tr.281, tr.326
14. Francois Jullien.
Xác lập cơ sở cho đạo đức- Đối thoại của Mạnh Tử với một nhà triết học Khai
sáng, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu. Nxb Đà Nẵng, 2000-tr.132
15. Tiếng chuông cảnh
tỉnh... Sđd, tr.3
16. Tiếng chuông cảnh
tỉnh... Sđd, tr.62
17. Mác Ăng-ghen toàn
tập, tập 20, Nxb CTQG, H 1994. tr. 655
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét