ĐẠO LÝ "SOI GƯƠNG" CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ XƯA
Trong “Tả truyện” viết: “Con người không ai là không có lỗi lầm,
có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng”. Có lỗi mà không muốn sửa thì
chính là phạm thêm một tầng sai lầm trầm trọng nữa, đúng như lời Khổng Tử nói:
“Đã sai mà không chịu sửa, vậy mới gọi là sai.”
Người có đạo đức cao thượng, có đức hạnh, sẽ không đàm luận thị
phi về người khác, không quá khắt khe với người khác, mà thường tìm những
khuyết điểm ở bản thân. Người chỉ luôn nhìn vào khuyết điểm của người khác thì
sẽ không thể có khả năng suy xét và tu dưỡng chính mình. Bởi vậy cổ ngữ có câu:
“Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, thường xuyên tìm những
khoảng thời gian tĩnh lặng suy xét lại chính mình, từ đó nhận ra và sửa chữa
sai lầm, giúp bản thân tiến bộ hơn, còn đàm luận về sai sót của người khác thì
tốt nhất là nên cố gắng tránh.
Chuyện kể rằng Liệt Tinh Tử Cao là một vị hiền giả thời Chiến
Quốc, nhờ tài hoa xuất chúng nên được Tề Mẫn Vương đặc biệt coi trọng, hầu như
đều nghe theo chủ kiến. Một hôm, Liệt Tinh Tử Cao hứng chí, bèn khoác lên mình
bộ y phục bằng lụa, đội mũ lụa trắng, chân đi một đôi giày đầu cao, hào hứng
hỏi người hầu: “Ta ăn vận thế nào?” Người hầu đáp: “Ngài quả thực vừa anh tuấn
lại có khí phách.”
Liệt Tinh Tử Cao vui vẻ bước tới bên giếng nước soi mình. Vừa
liếc nhìn bóng ảnh trong làn nước, ông thấy mình căn bản chỉ là một người xấu
xí, không anh tuấn, cũng chẳng có khí phách gì. Ông thở dài mà rằng: “Người hầu
cố ý lấy lòng ta. Vậy thì với những vị vua đứng đầu một nước, tình trạng nịnh
hót còn nghiêm trọng đến mức nào. Bậc quân vương không có được một tấm gương
soi tình trạng chân thực của mình thì ngày vong quốc chẳng còn xa nữa. Gương
chỉ có thể phản chiếu hình ảnh bản thân, công lao nhỏ. Bậc hiền sĩ có thể nhìn
rõ khiếm khuyết của mình, công trạng lớn. Chỉ đắc được thứ nhỏ mà mất đi cái
lớn, thì thật là vô tri.”
Mọi người đều nói muốn hiểu rõ bản thân, nhưng lại ghét những
người chỉ ra thiếu sót của mình. Như thế thì người ta sẽ khó mà nhìn thấy
khuyết điểm của bản thân, dẫu phạm sai lầm cũng không biết. Kỳ thực mọi mối
quan hệ đều là một tấm gương soi, thông qua chúng, bạn có thể thật sự hiểu được
chính mình. Bởi lẽ những gì chúng ta nhìn thấy ở người khác thật ra chính là
bản thân chúng ta.
Nếu bạn cảm thấy người khác kiêu căng ngạo mạn, rất có thể là
bạn đang đố kỵ. Nếu bị chọc ghẹo, có lẽ bởi bạn đang muốn khoe khoang sắc đẹp
của mình. Nếu bạn cảm thấy người bạn đời mất đi tình yêu thương, có thể do bạn
đã không còn nhiệt tâm với họ nữa…
Một người không biết tự kiểm điểm, nhìn nhận lại bản thân, rất
nhiều khi cũng sẽ vô tình làm tổn thương người khác. Khi nhận được lời khuyên
từ người khác, dù lời khuyên đó đúng hay sai trên logic bề mặt, thì không nên
lập tức công kích hay đáp trả. Hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi bản thân. Nếu bạn
sai, thì nên sửa. Nếu bạn thật sự cảm thấy rằng mình “không hề sai”, thì đây là
một thử thách về lòng bao dung cho bạn.
Khi nội tâm an hòa, chúng ta sẽ dừng việc phê phán người khác và
những suy nghĩ bất bình về họ. Một người thật sự lương thiện, dù bạn đối xử với
họ ra sao, những gì họ bộc lộ sẽ chỉ là ôn hòa, thiện lương, bởi vì họ chính là
kiểu người như vậy.
Gương có thể phản chiếu ra hình ảnh của vật thể phía trước,
nhưng nếu mặt gương bị phủ một lớp bụi thì hình ảnh phản chiếu ra sẽ bị mờ nhạt
và không được rõ ràng. Tâm của con người cũng như mặt gương soi vậy, tâm người
quân tử sáng tỏ, nhìn núi ra núi, nhìn sông ra sông. Nếu tâm của một người đã
bị che lấp bởi lớp bụi danh lợi tình nơi trần thế sẽ khó có thể nhìn mọi sự
được minh bạch. Đây chính là đạo lý soi gương của người quân tử thời xưa.
Theo Sound Of Hope
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét