Trong “Liệt Tử, Thuyết Phù” viết: “Hạ thần chưa từng nghe nói bản thân người cai trị đất nước có tu dưỡng đạo đức mà quốc gia lại loạn lạc, và cũng chưa từng nghe nói bản thân người cai trị thác loạn mà quốc gia lại thịnh trị bao giờ.” Thước mà không ngay ngắn thì không thể vẽ được hình vuông, compa mà không đúng chuẩn thì khó vẽ được hình tròn. Cho nên việc tu dưỡng đức hạnh của con người cũng phải có quy tắc khuôn phép giống như thước và compa, nếu không thì dù có tài năng cũng chỉ vẽ được những hình thù méo mó.
Biết ngọn nguồn của thiên tính thì sẽ không bị họa phúc mê hoặc.
Trong lòng có dự định đoan chính thì “hỉ nộ ái ố” sẽ không bị thay đổi thất
thường. Điều hòa được tính tình sẽ có thể tiết chế được dục vọng. Không bị họa
phúc mê hoặc thì hành vi động tĩnh đều theo lý. Không “hỉ nộ” thất thường thì
thưởng phạt sẽ không bị thiên lệch. Không tham lam thì sẽ không vì ham muốn
hưởng thụ vật chất mà thương tổn bản tính. Dục vọng có thể được tiết chế thì sẽ
biết đủ. Những phương diện này không thể dựa vào người khác mà có được, chỉ có
thể dựa vào sự tu dưỡng của bản thân mình.
Trong sách Hoài Nam Tử có viết: “Người tự tin thì không
thể dùng lời gièm pha hay khen ngợi để thay đổi chí hướng của anh ta. Người
biết đủ thì không thể dùng quyền thế, lợi ích để dẫn dụ ham muốn của anh ta”.
Cho nên, người hiểu rõ thiên tính sẽ không theo đuổi những sự tình mà vốn dĩ
lương tri không muốn làm. Người hiểu vận mệnh sẽ không lo lắng về những sự tình
mà bản thân không thể chi phối, thao túng được. Người thông hiểu đạo sẽ không
có vật ngoại thân nào có thể làm đảo lộn sự bình thản trong nội tâm.
Những sự tình trong thiên hạ, không phải chỉ dựa vào trí lực là
có thể làm thành được, cũng không thể chỉ dựa vào sự thông minh mà có thể nhận
thức được rõ ràng, càng không thể chỉ dựa vào tài năng của một người mà có thể
làm thành được. Tương tự, người ta không thể chỉ dựa vào sách lược nào đó mà có
thể khiến người khác quy thuận, chỉ bằng sức mạnh thì lại càng không thể. Trí
lực, sự thông minh, bản sự, phương sách, sức mạnh đều thuộc phạm trù tài năng
của một người. Nhưng nếu một người chỉ có những thứ này mà đức hạnh không cao
thì không thể làm thành được sự tình gì to lớn. Chỉ có tu dưỡng đức hạnh tốt
thì những tài năng này mới có thể theo đó mà phát huy tác dụng.
Sách cổ viết: “Đắc được Đạo có thể khiến người ngốc
không có tài năng cảm thấy sức mạnh vô cùng. Mất đi Đạo sẽ khiến người thông
minh cũng cảm thấy lực bất tòng tâm”. Một người bơi qua sông Trường
Giang mặc dù có thân thể cường tráng mà không có kỹ thuật bơi lội thì nhất định
sẽ chết đuối. Trái lại, một người dù thân thể gầy gò mà hiểu được thủy tính thì
có thể thuận lợi vượt qua.
Có thể thấy được rằng, cổ nhân vô cùng coi trọng việc tu dưỡng
đạo đức, coi việc tu dưỡng đạo đức quan trọng hơn tài năng. Chỉ có tu dưỡng đạo
đức tốt mới là đảm bảo căn bản cho sự thành công. Một người có được sự thông
minh, bản sự nhưng không có đạo đức tốt đẹp thì có thể thu được những lợi ích
ngắn ngủi, tạm thời mà không thể được lâu dài. Thông minh, bản sự, tài trí của
một người chỉ có thể làm phụ trợ cho đức hạnh.
/St/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét