Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2./ Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN / TRONG THẾ GIỚI ÂM THANH CỦA NỮ THI SĨ LÊ HÀ/



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

TRONG THẾ GIỚI ÂM THANH CỦA NỮ THI SĨ LÊ HÀ
Về tập thơ "Sau cơn bão"*

Tập bản thảo mới nhất mang tên "Sau cơn bão" của nhà giáo Lê Hà có các kiểu & cỡ chữ vi tính khác nhau, cùng với những bài viết tay. Tôi đọc dần dà suốt từ trước tết ÂL tới giờ mà vẫn chưa thể tìm ra cái giọng điệu chủ chốt, cái chìa khóa cần thiết để bước vào thơ chị và viết đôi dòng cho lời mở, như đã hứa với chị. Có lẽ, cũng bởi tôi có ấn tượng sẵn rằng: thơ chị dễ lẫn vào biết bao tập thơ của các câu lạc bộ thơ- trong đó có mấy CLB mà chị đang tham gia... Cho tới gần đây, một lần đưa con gái tới học đàn chị, nghe chị rải hợp âm và chơi mẫu một Étude, tôi chợt bàng hoàng nhận ra một điều: Thơ chị cũng chính là sự vang vọng của thế giới Âm thanh, mà trong đó tiếng dương cầm là chủ đạo...

Thế là, tôi đã đọc lại toàn bộ thơ chị, với một cánh cửa mới mở, và thấy không thể đọc thơ chị như trước. Nghĩa là, nếu chỉ chăm chăm vào câu chữ, tứ thơ của chị như những bài thơ thông thường thì ngoài một số câu chữ thông minh và có nghề ra, rất nhiều câu thơ đọc thoáng qua chỉ thấy mông lung, mơ hồ, thậm chí cỏ vẻ vụng về... Nhưng nếu biết lắng nghe và cảm được bằng thính giác lẫn trí tưởng tượng, thơ chị sẽ có thể len tới chiều sâu nhất xúc cảm của chúng ta như âm nhạc cổ điển đã làm được một cách kỳ diệu! (dĩ nhiên là không phải với số đông người). Dường như thơ ca là một phương tiện để Lê Hà bộc bạch những suy tưởng của chị về những gì chị quan sát được, hơn thế, nghe thấy từ thiên nhiên và từ chính tiếng đàn của mình thể hiện những giai điệu của Chopin, Mozat, Betthovel, Litz... Trong những Âm thanh đó, chị có thể cảm thấy rõ rệt "Tiếng mẹ thở dài trong giấc chiêm bao" (Có thể ) và chị tin cậy nhờ chúng "hóa giải những cơn mê bất chợt" (Rủ rê). Nhìn lại những tháng năm đã qua, chị ấn tượng nhất về "khoảng trời trong khuông nhạc" khi đứng lớp (Bước thong thả). Những bậc cầu thang cũ kỹ rêu phong đối với chị thực "nồng ấm" bởi chúng gợi những phím dương cầm tạo nên "những hợp âm nơi dĩ vãng/ dội về thăm thẳm đầy trăng" (Nhà tôi). Tiếng gió xạc xào rừng suối Côn Sơn cũng là cớ để chị liên tưởng tới tiếng đàn Cầm năm xưa mà Ức Trai từng nghe và những hợp âm rải trên phím dương cầm hiện đại... Chị có thể chơi được những đoạn khó trong Conxerto Định mệnh (nguyên là giao hưởng Anh hùng) của Betthovel, nhưng thực ra chị thích hợp với Sonata Ánh trăng của nhạc sĩ này hơn. Cuộc sống của chị ưa tĩnh lặng, quen với những gì mơ mộng, nhẹ nhàng, thơ chị cũng vậy. Những xung đột nội tâm căng thẳng và xung đột xã hội gay gắt xa lạ với tâm tư của chị. Nếu chị có nói tới "Sau cơn bão" thì ta cũng có thể hình dung đó là khung cảnh trong tranh của Lêvitan trên nền nhạc Travinski, Grieg... mà nỗi nhớ xa xôi đầy mộng tưởng đẹp về một thời bình yên, hay quá khứ thi vị của tuổi thơ, thời thiếu nữ đã là motif chủ đạo ( Sau cơn bão, Mùa thu khe khẽ hát, v.v.). Chị hay lắng nghe bước đi của thời gian từng tháng từng mùa trong năm, dõi theo những đổi thay bé nhỏ của thiên nhiên thông qua tiếng động một chiếc lá rơi, một tiếng tụng kinh Phật... Ký ức thường chỉ xôn xao như một tiếng gầu rơi làm vỡ ánh trăng trong chốc lát, và để lại dư âm khó tả sau vách đàn bóng mờ... Chị quen thuộc với các chùa cổ tĩnh lặng. Chị tìm đến những cảnh vật gắn với cuộc đời những con người đáng kính thời xưa. Ở những nơi đó, chị dễ tìm thấy những âm thanh phù hợp với tạng mình, và thơ chị là sự tìm cách diễn tả những âm thanh kia đang ngân nga trong tâm tưởng... Trước cây đàn, chị thường nhớ về người cha nhạc sĩ quá cố:
Biền biệt cha vào miền nhớ
Khuông nhạc phím đàn còn đây

Về quê nội, bên bát nước chè xanh từng in bóng trong bài hát của một thời "Bộ đội về làng" ( nhạc sĩ Lê Yên), chị dường cũng nghe được giai điệu của nắng nhẹ và gió thơm:
Chúng con về vùng đồi thơm lắm
Nâng những cánh chè rơm rớm nắng hồn cha

Đặc biệt nhất trong tập thơ giàu âm thanh, được viết ra bởi sự thôi thúc của âm thanh này là những bài thơ viết về mẹ- trong đó hay nhất có lẽ là bài thơ "Bốn chín ngày" mà tôi xin được dừng lại lâu hơn để cảm nhận. Chỉ lướt vài dòng đầu, mấy câu thơ này đã "xóc" ngay vào tâm trí tôi:
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung...

Hàng ngày, chị vẫn đánh đàn cho mẹ nghe, để bà đỡ cơn đau và nhớ về hình bóng người chồng nhạc sĩ quá cố. Sống đơn sơ đạm bạc, chủ yếu bằng tiền lương hưu của một cô giáo dạy văn sử phổ thông, nhưng căn buồng khu tập thể nhỏ bé của hai mẹ con chị luôn tràn ngập kỷ niệm, tiếng đàn và tiếng cười... Ngoài thời giờ dạy học, soạn chấm bài, nội trợ, chị mê mải làm thơ và... tập đàn. Cây đàn piano cũ là tài sản đáng giá nhất ở nhà chị. Song những phím đàn màu trắng ngà dường đã tím tái đi trong nỗi đau suốt những ngày tang tóc, và tiếng đàn không thể thánh thót âm vang, chỉ xạc xào tựa tiếng khóc nhớ thương phải kìm lại... Phải là một cô giáo có tâm hồn nghệ sĩ và yêu quý cây đàn dương cầm đến mức nào mới có nổi những câu thơ giàu trực cảm như thế! Tiếp đó, cả bài thơ giản dị như lời nói thường ngày, nhưng ngẫm ra sẽ thấy đó là những lời tâm sự buốt đau, chưa hết nỗi bàng hoàng của một người con quen sống với mẹ giờ chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà nhỏ! Và tất cả đều là những nốt đàn dịu ngọt!

Đây là bài thơ khá tiêu biểu cho cả tập "Sau cơn bão", một bài thơ mà nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã phải thốt lên: "Đọc xong cứ thấy ám ảnh một con ngõ trống vắng, một thiếu phụ đơn thân hàng ngày cứ phải ra vào mà không thoát khỏi được nỗi bơ vơ côi cút của mình... Lời càng mộc mạc càng thấm thía..." (thư điện tử).
Có thể nói, hầu hết thơ trong tập "Sau cơn bão" của Lê Hà, theo cách diễn đạt lý thú của một người bạn chị- nhà giáo dạy văn Thục Anh: "là những câu thơ nỗi niềm, tự thân thơ đã từ chối mọi lời bình". Vì thế, tôi xin được dừng bút để những giai điệu buồn, thanh thoát và sang trọng của thế giới Âm nhạc trong thơ Lê Hà tự nhiên đến với những người yêu thơ...
__________
* Nxb Hội nhà văn , 2017

Tình Thơ Bạn Thơ 2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét