Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN/ ( Về thơ NGUYỄN BÍCH NGOC)



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

VỀ PHỐ HUYỆN TÌM LẠI TUỔI THƠ
( Về thơ NGUYỄN BÍCH NGOC)


Nhà thơ Nguyễn Bích Ngọc làm thơ từ tuổi đôi mươi, khi còn làm tại nhà máy dệt khăn Minh Khai - Hà Nội, rồi lang thang qua nhiều nghề nghiệp, kể cả xuất khẩu lao động sang CHLB Đức, hầu như chị chưa lúc nào ngừng làm thơ và đọc thơ bè bạn. Nhưng chị vẫn coi làm thơ và sinh hoạt trong một vài CLB thơ chỉ là thứ giải trí, cho bớt stress, bớt cô đơn… Nhưng chính vì không “cay cú” làm thơ để in tập, để trở thành tác giả và được vào hội này hội nọ (như không ít người) mà thơ chị bao năm qua vẫn giữ được sự hồn hậu, duyên dáng, tự nhiên - cái tự nhiên của người không cố tình gò ép vần điệu từ ngữ để làm thơ! Nhiều bạn bè thân gợi ý, thúc dục chị tập hợp thơ để in sách, nhưng chị chỉ cười trừ lắc đầu vẻ ngượng ngùng… Nhưng nếu ai đề nghị chị đọc thơ của người khác, nhất là thơ của nhà thơ Lý Phương Liên (LPL) mà chị thuộc làu rất nhiều bài từ bao giở bao giờ, chẳng khi nào chị từ chối, bởi chị tự hào là đàn em của nhà thơ xuất thân công nhân nhà in LPL, là “Fan cuồng” của tác giả “Ca bình minh” nổi tiếng một thời - như nhiều nữ công nhân Hà Nội hồi ấy!
Tình cờ mới đây, chị đưa tôi đọc tập thơ in chung của CLB thơ Trung Phụng, tôi chú ý đến bài thơ “Về phố huyện”, một bài thơ mang rất nhiều nét thơ hương vị thơ của chị.

      VỀ PHỐ HUYỆN

Vó ngựa đi về đâu
Nện đều trên nền sỏi
Quán hàng tranh gió thổi
Khách đi rồi bâng khuâng

Nghe hơi thở dòng sông
Biết tâm tình phố huyện
Lùm ổi thơm kể chuyện
Biết ngay mùa thu bay

Dọc đồi bờ cỏ may
Tuổi thơ thầm níu lại
Trường huyện giờ đổi mái
Xao xác bài thơ xưa

Phơ phất mùi hương trưa
Khói rơm đầm ấm lạ
Trả cho em tất cả
Tiếng đưa đều võng ru

Lớn xa nhà ưu tư
Chuyện đời thì chẳng dứt
Những canh dài giấc thức
Lại nhớ về phố quê

Bịn rịn là bến xe
Người đi rồi lại đến
Lá sen tơ phố huyện
Còn thơm hương trên đầu…

Cả bài thơ như một lời tâm sự thì thầm với chính mình về kỷ niệm đối với phố huyện, nhân một lần trở về thăm quê… Khung cảnh êm đềm, với những dấu vết xưa cũ còn lại, trong một nỗi bâng khuâng của hồi ức ngọt ngào đầy lưu luyến khiến phố huyện của hôm nay hiện ra tựa một “vùng quê cổ tích”, và tác giả cứ thế chân thật miêu tả lại, không phải dụng công tìm từ, tìm ý cầu kỳ: vó ngựa nện đều đều trên nền sỏi, quán lá cũ kỹ gió thổi nhẹ trên mái tranh… Cảm tưởng đầu tiên mà tác giả thốt lên là:
                           Khách đi rồi bâng khuâng
Quán lá nghèo bâng khuâng hay khách thăm bâng khuâng? Chắc là cả hai, bởi lúc này, tình cờ “thiên nhân hợp nhất”, tác giả nghiễm nhiên coi quán lá xưa dường cũng mang tâm hồn - cái tâm hồn của tuổi thơ; và cái bâng khuâng này sẽ trải khắp bài thơ, trước hết là tới đoạn tiếp theo:
Nghe hơi thở dòng sông
Biết tâm tình phố huyện
Lùm ổi thơm kể chuyện
Biết ngay mùa thu bay
Cũng vẫn giọng thủ thỉ, tác giả dẫn người đọc đến dòng sông thơ ấu để cùng lắng “nghe hơi thở dòng sông”, và chị dễ dàng thuyết phục được mọi người điều giản dị tưởng chừng vô lý này: chỉ cần nghe hơi thở xưa cũ nhưng bồi hồi của dòng sông, có thể hiểu được tất cả “tâm tình phố huyện”… Trong cái “tâm tình” ấy, tác giả như nghe thấy và thấm hiểu cả câu chuyện của “lùm ổi thơm” đang lầm rầm kể chuyện trong gió thu, rồi ngỡ ngàng đến thảng thốt: đúng là mùa thu đã về tự bao giờ…
Dọc đồi bờ cỏ may
Tuổi thơ thầm níu lại
Trường huyện giờ đổi mái
Xao xác bài thơ xưa
Trong mùa thu ấy, tác giả đã đi “dọc đồi bờ cỏ may”, để nhớ về “Lời thề cỏ may” của thi sĩ Phạm Công Trứ mà tác giả gọi là “Tuổi thơ thầm níu lại”… Trên bờ đê cỏ may, tác giả nhìn về ngôi trường xưa, mái tranh đã được thay bằng mái ngói, và dòng ký ức ào ạt trở về mà chị chỉ chọn lấy một cảm xúc, và diễn đạt cô đọng bằng ấn tượng về những câu thơ thời con trẻ: “Xao xác bài thơ xưa”. Chữ “xao xác” sao mà thương thế, buồn thế; nhưng buồn mà không bi lụy, bởi tình quê hương và bao kỷ niệm thơ ấu đang quấn quýt, tràn ngập không gian:
Phơ phất mùi hương trưa
Khói rơm đầm ấm lạ
Trả cho em tất cả
Tiếng đưa đều võng ru
Tới đây, tác giả như chìm đắm cảm xúc trong “mùi hương trưa” phố huyện, mà nổi bật là “khói rơm đầm ấm lạ”; khói rơm chỉ có ở một phố huyện còn giữ gần nguyên vẹn bóng dáng làng quê Việt, ở đó vẫn còn tiếng võng đưa kẽo kẹt và tiếng ru như tiếng thương của những người bà người mẹ qua nhiều năm tháng gian nan u buồn, mà tác giả gói vào một câu: “tiếng đưa đều võng ru”… “Trả cho em tất cả”, là trả cho ai? Sao là tất cả? Và ai là Em? Hai khổ thơ sau, tác giả sẽ dần hé lộ cho người đọc biết rõ.
Lớn xa nhà ưu tư
Chuyện đời thì chẳng dứt
Những canh dài giấc thức
Lại nhớ về phố quê
Tới đây, tác giả cho thấy “chủ thể trữ tình” chính là bản thân mình, quê hương đã Trả cho em tất cả” hình bóng và hương vị xưa cũ nhưng đẹp đẽ khi trở về. Khi đó, đã trưởng thành, đã kịp mang biết bao nỗi “ưu tư” nóng bỏng và trăn trở về những “chuyện đời chẳng dứt” sau bao chặng đường đời. Và tâm sự này của tác giả: “Những canh dài giấc thức/ Lại nhớ về phố quê” chắc sẽ tìm được sự đồng điệu, cảm thông của biết bao số phận: quê hương tuổi thơ chính là nơi gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của đời người, là bóng mát chở che an ủi cho bao nỗi u buồn bất hạnh. Chỉ một chữ đảo: “thức giấc” thành “giấc thức”, tác giả đã đem cho cái khoảnh khắc của sinh hoạt đời thường một chiều dày của số phận…
Bịn rịn là bến xe
Người đi rồi lại đến
Lá sen tơ phố huyện
Còn thơm hương trên đầu…
Lúc rời xa phố huyện, cái bịn rịn của riêng tác giả chuyển sang cả cái bến xe thân thuộc; với bản tính thi sĩ và tình yêu phố huyện tuổi thơ trĩu nặng, chị đem cho nó cái hồn người một cách tự nhiên, không gò ép… “Người đi rồi lại đến” - cái cuộc đời thường ngày vẫn cứ thế diễn ra, người này đi lại có người khác đến, nhưng mấy ai có được cái xúc cảm và trực giác được đúc lại thành thơ như thế này: “Lá sen tơ phố huyện/ Còn thơm hương trên đầu”… Sợi tơ sen “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” thường dành cho đôi lứa yêu nhau phải chia lìa, nhưng ở đây tác giả vận dụng nhần nhị, tự nhiên vào tình quê hương; cái hương thơm ấy không chỉ là “thơm hương trên đầu”, tỏa khắp không gian xa cách sắp tới, mà còn sẽ lưu mãi trong tâm hồn người xa quê… Chị có kể là đã đọc bài thơ ấy cho một ông lão đánh xe ngựa tên là Kim Kê ở phố huyện Bình Đà, người đã gieo tiếng vó ngựa tuổi thơ vào tâm hồn chị…
Đọc xong bài thơ, tôi chợt nhớ đến một đoạn văn của nhà văn Nga K. Pautovski: “Sự tiếp nhận cuộc đời một cách thi vị là món quà vĩ đại nhất mà tuổi thơ đã cho ta…”
Những bài thơ còn đọng lại được trong lòng người, theo tôi, có một lý do rất quan trọng mà lắm khi người đời lãng quên, đó chính là “Sự tiếp nhận cuộc đời một cách thi vị…”  Cảm ơn tác giả “Về phố huyện” đã cho người đọc sống cùng những giờ khắc “thi vị” như thế !

Tình Thơ Bạn Thơ 2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét