Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

TẢN MẠN VỀ LÝ PHƯƠNG LIÊN - MỘT NGƯỜI THƠ


LPL và Hạt Cát / phải sang, trái sang

Sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 4
HẠT CÁT- DIỆU SINH - BÙI CỬU TRƯỜNG

TẢN MẠN VỀ LÝ PHƯƠNG LIÊN - MỘT NGƯỜI THƠ


1. Tôi nhớ là cách đây đến bốn mấy năm. Khi tôi về nghỉ hè tại một căn gác nhỏ trên Đường Trần Phú.
Hè ấy Hà Nội nóng như nung. Tôi cũng chả có việc gi làm trong vài tuần ở Hà Nội, nên bố tôi thường nhờ chiều chiều ra xếp hàng mua cho cụ một bi - đông bia ở hiệu kem Hòa Bình ( Phố Hàng Bông – cách nhà tôi một quãng )
Căn gác nhà tôi hẹp, bếp cùng hẹp, nên khi bố tôi có khách thường tiếp khách ở cái bàn ngay cửa ra vào, còn tôi ngồi khuất sau tủ trên một cái phản nhìn xuống đường Trần Phú và Lý Nam Đế.
Phép nhà là con cái không được nghe lỏm chuyện người lớn. Song liên tiếp mấy ngày tôi thấy bố tôi, bác Huyền Kiêu, hai cụ thơ họ Bùi,có hôm thêm chú Thợ Rèn ( Phạm Lê Văn), bác Trần Lê Văn, bác Xuân Thiêm… Mọi người khi nói chuyện cứ nhắc đến một người thơ nữ nào đó tên Liên họ Lý.
Tôi nhớ nhất là một lần bố tôi nhao từ trên giường xuống đất, mặc cái quần nâu xăn dở chừng, tay cầm quạt nan phe phẩy, nói và cười rất to:
- Thần! Thần! Viết: “ Con gà để một trái hồng
Còn bao trái chin ở trong cuộc đời!”... thì Thánh thật.
Bác Huyền Kiêu vỗ đùi: - “ Nó còn đi xa”
Tôi không biết hồi ấy báo chí đã đăng thơ Lý Phương Liên chưa? Vì ở nước ngoài báo chí với chúng tôi như một thức ăn tinh thần quý hơn cao lương mỹ vị. Chúng tôi nghe một vài tin trên đài bạn, xem vài cảnh đạn nổ bom rơi trên Vô tuyến, làm gì có tin Văn Thơ Việt Nam mà biết.

2. Tôi vốn không mấy quan tâm đến nghề Thơ Văn của bố và các bạn cụ. Việc của tôi là nhồi mấy Học thuyết “Âm Dương Ngũ Hành“ gì gì đó vào đầu, để ra trường kiếm chỗ làm nuôi thân cho cha mẹ rảnh nợ.
Hết hè, khi đi, tôi được Bác Huyền Kiều cho mấy bài Bác xé trong sổ tay của Bác. Tôi nhớ có ba bài : “Ca Bình Minh”, “Lời ru với Anh” và bài “Chờ Anh dưới cột đồng hồ”… và hình như còn hai bài nào nữa không biết vương đâu...
Với một kẻ ngoại đạo như tôi, vớ được mấy bài thơ mình tâm đắc đã là quý lắm rồi.
Trở lại xứ người tôi khoe với bạn tôi về mấy bài thơ tôi có. Và cũng bệ nguyên lời của bố tôi “ Bố tớ bảo thơ viết thế là thần đấy nhé!” Cả lũ khâm phúc lắm, mê mẩn lắm.

Nhiều câu bọn con gái chưa yêu ngờ nghệch chúng tôi xem như kim chỉ nam, như câu:
"Buộc cánh anh
Buộc cánh anh
cũng chẳng thành tình yêu…"
Bon tôi hồi ấy sống trong cam kết“ không yêu“ với Bộ đại học, sai quy chế ấy thì bị kỷ luật về về nước như chơi… Bạn bè trai gái nhìn nhau như nhìn tranh ảnh, hò hẹn với mây gió chứ không phải với con người bằng xương bằng thịt… Nên kinh nghiêm yêu đương của Bài thơ ấy - mà chúng tôi gán cho là Tác giả phải hơn tuổi chúng tôi và có kinh nghiệm lắm, như “ kim chỉ nam “ vậy. Nhiều bạn gái có người yêu ở trong nước hay thành phố khác đều thấy không “buộc” mà “ thả”. Thả rông. Thả đến nỗi người yêu bay đi hẳn rồi vẫn không hay…

Còn về bài "Đợi anh dưới cột đồng hồ” thì chúng tôi đoán nhà Lý Phương Liên chắc ở chỗ nào dó gần Cột Đồng Hồ ( Bờ sông). Hà Nội hồi đó bé tẻo teo. Hình như các anh chị yêu đương luôn hẹn nhau ở một công viên hay một chỗ công cộng nào đó chứ không đi cà fe cà pháo như bây giờ.(Dạo ấy ở Hà Nội đồng hồ là một tài sản, là một xa xỉ phẩm mà mấy ai có được. Bố tôi khi từ mấy nước châu Âu về qua cho tôi một cái đồng hồ 2 kim… với sinh viên bọn tôi lúc đó là nhất hạng rồi.)
Bèn ngẫm: Người Thơ này khôn thật: Chờ ở cột đồng hồ thì đi từ mé nào cũng nhìn thấy rất rõ… lại sáng, thoáng, lại yên tâm vì có đồng hồ mà nhìn…
Ngày ấy, tôi đọc Lý Phương Liên và nhớ Người Thơ ấy là như vậy – theo kiểu của riêng tôi, kể cà lòng yêu lẫn sự than phục người con gái có kinh nghiệm cuộc đời dày dạn hơn tôi – một học sinh được bao bọc từ trong trứng! và tôi thấy Người Thơ ấy đã tài hoa lại cũng khôn ngoan và già dặn hơn mình rất nhiều!

3. Tôi tốt nghiệp về nước và vào bộ đội.
Cuốc đời binh nghiệp sống theo hiệu lệnh và mệnh lệnh dần làm cho tôi quên mất mình là ai và có ý thích gì… Tôi có nghe Lý Phương Liên bị gì đó về bài thơ về “Thuý Kiều”. Tôi có nghe hai bác bạn bố tôi nói với nhau là “ Nó chui từ tay áo người khác ra” chả hiểu họ nói về Lý Phương Liên Thơ hay về Bài thơ : Thúy Kiều" ấy…
Rồi… tôi cũng quên dần. Nhưng trong tôi mỗi lần tôi đi nhân trực hay trả trực vào sáng sớm, tôi vẫn nhớ đến Ca Bình Minh… tôi cám ơn LÝ đã tìm được một cái gì rất mới mẻ cho buổi sớm nhập nhoạng, mắt cay xè vì thiếu ngủ và ngáp sái quai hàm vì buồn ngủ lặp đi lặp lại trong cuộc sống thường nhật của tôi… và cười một mình như… ngố.

4. Lý Phương Liên lặn mất trên thi đàn...
Trong họ hàng và những người quen của tôi cũng có những Người Thơ nổi lên và lặn mất như vậy. Riêng với tôi… Lý Phương Liên vẫn tồn tại như một dấu hỏi. Vì ở đời, yêu mến một ai đó rồi quên với riêng tôi đâu có dễ, nữa là một người Thơ nữ có tài và hiếm hoi của xứ sở phong kiến kiên cố này!
5. Không biết là khi tôi gặp Lý Phương Liên là bốn tư, hay bốn lăm năm sau khi tôi biết về thơ Lý.
Ngẫu nhiên một lần, tôi thấy trên Blog Trần Vân Hạc (một người tôi cũng chỉ biết mà không quen vì anh hay gửi bài đến Tạp Chí Cây thuốc của tôi) tôi thấy bài đăng của bloger Hoàng Xuân Họa và bức ảnh về bài thơ cháy xém anh mang theo những ngày lửa bom. Rồi dưới là những lời comment…
Tôi về nói với bố:
- Lý Phương Liên vẫn còn sống bố à, con thấy trên mạng họ nói vậy.
Bố tôi thở dài:
- Cái ấu trĩ đã bẻ gẫy một ngọn bút!
Tôi là người ngoại đạo Văn chương, lại là người sống khép kín trong thế giới nhà binh riêng mình… Nên tôi lẳng lặng dõi theo Lý Phương Liên từ xa qua những bài viết và việc làm về sự trở lại thi đàn của chị.

6. Rôi ngẫu nhiên tôi gặp và quen cả hai người. Đối với giới văn nghệ của bố, tôi thường “ Kính nhi viễn chi”. Vì tôi thuộc nhóm người làm những việc cụ thể. Sự bay bổng và mơ mộng không có chỗ trong cuốc sống và việc làm của người thày thuốc!
Lý xởi lởi và dễ thương. Giọng nói trong và đầy âm hưởng chân thành và dễ mến! Tôi có cảm tình ngay với Lý, và khi ngồi với vợ chồng họ, tôi mới thấy một điều: Cái may mắn nhất trong đời Lý không phải là sự nổi tiếng mà là Lý có người chồng tuyệt vời, nhờ anh mà Lý vượt qua được muôn vàn gian khó trong cuốc đời. Đó là Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy.
Sự thông minh vượt trội và tính trầm tĩnh, tỉnh táo, lòng yêu thơ và tình yêu vô bờ với Lý của anh giúp cho họ vượt qua muôn vàn sóng gió cuộc đời

Lý Phương Liên mở lòng: " NẾU TRỜI CHO EM SỐNG CÙNG LÚC CẢ HAI CUỘC ĐỜI EM CHƯA ĐỦ TRẢ CÁI NGHĨA YÊU VÀ CÁI ƠN TÌNH MÀ ANH ĐÃ GIÀNH CHO ĐỜI EM VÀ THƠ EM "
Thơ với Lý và anh Bảy như Nghiệp Duyên, như Nợ Kiếp. Họ yêu cùng đắm chìm vào thơ… sống vì thơ.
Và có lẽ tình yêu khiến họ nương tựa nhau rồi vượt lên bao chông gai để quay lại với thơ! …

7. THƠ BẠN THƠ & VĂN BẠN VĂN là sự trả nợ Ngiệp Duyên mà Lý và anh Bảy đang làm.
Cảm ơn một tấm lòng thơ của hai người thơ! Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy.

Sách Tình Thơ Bạn Thơ 4/ 
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét