VĂN BẠN
VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013
11. Văn Truyện
LẠI VĂN LONG
LẠI VĂN LONG
Vợ chồng ông Dân bà Lê đều đã
ngoài tám mươi, nhưng ai nhìn vào cũng thấy họ còn rất mặn nồng. Mỗi sáng thức
dậy, bà đứng chải đầu trước gương, hỏi ông:
- Anh thấy em có đẹp không?
- Ông rúc đầu vào gối, trả lời
như cái máy:
- Đẹp!
Buổi trưa bà Lê ăn thoải mái, rồi
vỗ bụng hỏi ông:
- Em ăn những ba chén cơm với bao
nhiêu thức ăn, anh thấy em khỏe không?
- Ông xỉa răng, vừa nhìn vào màn
hình ti vi, đáp gọn lỏn:
- Khỏe!
Tối đến, trước khi lên giường
trùm chăn chung, bà lại hỏi:
- Em lúc nào cũng ngủ đúng giờ,
nhờ vậy mới không suy giảm trí nhớ phải không anh?
- Ông mở mắt không lên ậm ừ:
“Đúng”!
Hơn sáu mươi năm chung sống, từ
những tháng ngày khó khăn, gian khổ, cái chết cận kề; đến khi ngủ giường nệm có
máy điều hòa, ăn ngon mặc đẹp; đều đặn mỗi ngày ba lần ông Dân phải… khen hoặc
tán thành với vợ! Gia đình có truyền thống thờ tổ tiên, sau này thờ thêm Phật,
Thánh; ông Dân biết nói dối là có tội với trời phật, tổ tiên, Thánh Thần. Biết
nhưng không thể làm khác được!
Ông bà ở cùng làng, sinh cùng năm, mười lăm tuổi hai người là cặp đôi nổi
tiếng. Ông vật ngã một gã Tây đi càn, giành được súng có lưỡi lê và đâm chết
Tây. Bà dẫn đầu đoàn biểu tình đi phá kho thóc của Nhật, lấy gạo cứu đói cho cả
làng. Sau này ông đi Vệ quốc đoàn làm trung đoàn trưởng, còn bà lên đến bí thư
huyện ủy. Ngoài tài làm chính trị, bà còn là hoa khôi của huyện và luôn tự hào
với năng khiếu hát hò. Ngày đó bà sáng chói nên ông mụ mị. Yêu được bà ông phấn
khởi như trung đoàn vừa diệt xong cả sư đoàn địch. Được bà hôn lần đầu, ông
sướng như được thưởng huân chương chiến công hạng nhất. Đêm tân hôn trên chiếc
giường tre ọp ẹp trong vùng kháng chiến, ông thấy mình hạnh phúc như bắt sống
được tướng giặc. Tình yêu của đời nhà binh, cảm xúc cứ như đánh trận!
Ông về hưu rồi bà cũng nghỉ công
tác. Gia đình đầm ấm với ba con trai đặt tên Công – Nông – Trí. Ba con gái là
Bắc – Trung – Nam.
Ông Dân chỉ huy cả mấy ngàn quân đánh giặc, thế nhưng với bà Lê, ngày nào ông
cũng răm rắp như theo quân lệnh. Từ thời cái radio đến sau này là cái ti vi, đố
ông dám mở ca nhạc. Có hôm nghe nhạc lén, ông bị bà bắt gặp, xỉa xói:
- Này! Này! Cái con ấy giọng cứ
the thé, hát sao hay bằng tôi mà ông cứ mê mẩn hử?
- Ông vội vã chuyển kênh, lắp bắp
giải thích:
- Tôi đang dò đài mà, có nghe cô
ấy hát đâu!
Ngày xưa bà đẹp, da dẻ trắng nỏn,
căng hồng. Bà sinh xong sáu đứa con, ông vì hạnh phúc có con nên thấy bà càng
đẹp.
Nhưng quy luật ở đời là Thành
- trụ - dị - diệt, chẳng có gì nguyên vẹn với thời gian. Đôi mắt to, đen láy,
lông mi cong vút của bà mệt mỏi dần với vô số vết chân chim bên khóe. Cái cổ
cao trắng hồng từ từ xạm lại, xuất hiện những vết nhăn rồi dần dần thành rúm
ró. Những ngón tay thon dài như măng tre với móng trong vắt, dần xù xì, xấu xí
theo tuổi tác. Về già bà lại ăn trầu, răng trắng thành đen, khóe miệng nhễu
nhão nước trầu đỏ lòm phả mùi hăng hắc.
*
Cả ba cô con gái Nam –
Bắc – Trung đều cao ráo, đẹp, học thức, dịu dàng. Cô Bắc đạt danh hiệu hoa khôi
ở trường đại học, cô Trung lấy được bằng thạc sĩ ngoại ngữ, cô Nam chủ một
doanh nghiệp thành đạt. Nhưng bà Lê không đánh giá cao thành tích của con, dưới
mắt của mẹ, cả ba cô cũng chỉ là “sinh ra để hưởng”… Bà thường phân bì với các
con:
- Chúng mày lớn lên với quần là
áo lụa, ăn no mặc ấm, được học hành nhiều, đẹp phải thôi. Mẹ ngày xưa chiến đấu
gian khổ, đã đói lại rét thế mà vẫn cứ đẹp hơn chúng mày bây giờ nhiều!
Đối với ba con trai Công – Nông –
Trí, bà Lê “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Bà thương anh Công nhất, cứ ép anh
học đến tiến sĩ với lý do:
- Anh là cả, phải có bằng cấp cao
các em mới kính nể!
Anh Công chỉ vào bộ đồng phục thợ
điện đang mặc, cười, nói vui với mẹ:
- Con mà thành tiến sĩ thì suy
nghĩ khác, hành động khác, mặc quần áo khác, giai cấp khác, thu nhập cũng khác…
Lúc đó mẹ còn thương con không?
Bà ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Có lý, tiến sĩ là trí thức, ép
nó làm công nhân sao được? Thôi con cứ để trình độ tú tài, trung cấp nghề như
thế mẹ lại thấy tin ở con hơn!
Anh Nông đang mơ ước sản xuất
lớn, dồn điền đổi thửa, lập trang trại, bà Lê phân vân:
- Con tích tụ ruộng đất nhiều rồi lại sinh cái thói bóc lột như địa chủ? Ngày
xưa mẹ chống địa chủ, bây giờ để thằng địa chủ gọi mình bằng mẹ thì xấu hổ lắm!
Anh Nông cãi lại:
Con làm nông nghiệp, không mơ sở
hữu ruộng đất chẳng lẽ mơ làm tá điền? Không có sản xuất lớn nông nghiệp,
nay mai bọn nước ngoài sang đây đầu tư, con chờ đi làm mướn cho chúng nó à?
- Mẹ cứ mở miệng là sợ bóc lột,
đến bao giờ nhà mình mới văn minh?
Bà Lê không chịu thua:
- Con có nhớ thời bao cấp không?
Không có gian trá, tội phạm, tệ nạn, tham nhũng như bây giờ…đấy mới là văn
minh!
Anh Trí gãi mũi, nâng gọng kính
cận, tranh luận với mẹ:
- Thời thiếu đói xếp hàng mua
bằng tem phiếu mà mẹ gọi là văn minh sao?
Bà Lê quay sang xỉa ngón tay vào
trán anh Trí:
- Anh lộn xộn nhất nhà. Lúc nào
cũng lí với lẽ!
Anh Trí phàn nàn :
- Biết mà không nói ấm ức lắm,
uổng phí học hành! Hơn nữa con phản biện là vì lợi ích, tương lai của cả gia
đình.
Bà Lê trề môi:
- Tôi sanh anh ra mà sao anh
không giống tôi? Từ khi anh đi du học tiến sỹ về, chữ hiếu đối với tôi anh còn
có một nửa
Chuyện gì anh cũng ý kiến ý cò…
Anh Trí năn nỉ:
- Mẹ! Sao lại nói như vậy! Càng
dân chủ càng thịnh vượng, trong nhà mà âm u, thiếu sáng sẽ lận đận mãi.
Bà Lê nhảy dựng:
- Các
anh còn muốn dân chủ kiểu nào? Muốn coi cha mẹ như bạn bè à?
Anh Công lôi anh Trí đi:
- Mẹ đang nóng, chú đừng cãi nữa, nhà bay cả nóc bây giờ!
*
Bên cạnh nhà ông Dân có quán cà phê, bia bọt do bà Bản làm chủ. Bà Bản ở
tuổi hồi xuân phơi phới, sống một mình với đứa con gái phổng phao, xinh đẹp.
Suốt ngày quán mở nhạc xập xình, toàn nhạc vũ trường nghe cứ muốn nhảy dựng
lên. Thanh niên, trung niên và cả Tây ba lô đủ loại cứ nườm nượp ra vào. Bà Lê
căm ghét chỉ vào đó cảnh giác các con:
- Ổ rắn đầy nọc độc; chỉ cần nhìn sang thôi các con đã hư hỏng…
Ông Dân nhìn bà Bản nỏn nà, mặc quần đùi, áo mỏng nằm hớ hênh trên sô pha
không chớp mắt. Bà Bản môi cong cớn, tóc uốn loăn xoăn, mắt lúng liếng đa tình,
mùi nước hoa quyến rũ như muốn lôi tuột ông Dân qua hàng rào giới hạn giữa hai
nhà. Đôi mắt nghiêm nghị của bà Lê chạm ngay ánh mắt lả lơi của bà Bản như tóe
lửa. Bà Lê véo ông Dân một cái thật đau:
- Nhìn gì mà cứ mụ mị như thế, thèm lắm à?
Ông Dân giật mình, đủ khôn ngoan làm vợ hạ giận:
- Thật hư đốn mình nhỉ…ngữ này tôi ghét lắm!
Anh Trí đứng bên cạnh thở dài:
- Tội nghiệp cha tôi, tội nghiệp những người ngoại tình tư tưởng !
Bà Lê quắt mắt:
- Cái gì? Anh cũng thèm à?
Anh Trí cười cười:
- Mẹ muốn con đồng tính à? Đàn ông phải biết rung động trước cái đẹp nữ
tính chứ!
Bà Lê hét lên:
- Cha con nhà này hư hết rồi!
Anh Trí lầm bầm:
- Ước gì mẹ cũng trẻ đẹp, quyến rũ như bà Bản. Lúc đó cha và con nhìn sang
hàng xóm làm gì!
Ông Dân can con:
- Nói nhỏ thôi, mẹ con thính tai, tinh mắt, nóng tính…
Anh Trí lắc tay cha nói đùa:
- Chắc cha con mình phải… tịnh thân! Có khát vọng mà không được bày tỏ thì
khác gì thái giám ! Cha con mình và có lẽ rất nhiều đàn ông khác trong khu
phố này, trong thành phố này, trong thời kỳ lịch sử này, đang là…“thái giám
chính kiến”!
Ông Dân liếc vợ, thấy bà đang trợn mắt, mím môi nên cao giọng để đánh lạc
hướng :
- Bọn gian thương, đĩ điếm, chủ nghĩa cá nhân, phồn vinh giả tạo ấy mà đứng gần
sự ưu việt của mẹ con là… xấu hổ ngay!
*
Chiều mưa, quán vắng khách, bà Bản ngồi trau chuốt lại bộ móng, trên mặt bàn
để đầy phấn son, bấm, giũa…
Bà vừa làm đẹp cho tứ chi vừa khe khẽ huýt sáo. Chợt bà rùng mình vì giọng
nói từ sau lưng :
- Cô bạn xinh đẹp đang làm gì đó?
Bà Bản ngước lên, càng giật mình. Vị khách không mời mà đến lại là bà Lê –
“bà già chuyên chính” mà cả khu phố ai cũng ngại đụng chạm. Sau phút sững sờ,
bà Bản lật đật đứng lên thể hiện kỹ năng thương mại:
- Chào bác Lê! Bác sang thăm nhà cháu quý hóa quá… Mời bác dùng cocacola và
chút thức ăn nhẹ nhé.
- Ở tuổi xấp xỉ năm mươi, bà Bản gọi người đã ngoài tám mươi như bà Lê là
“bác” xưng “cháu” là hợp lẽ ; nhưng bà Lê giãy nảy:
- Là phụ nữ với nhau, nỡ nào em chúc chị “mau già, nhanh chết” như thế?
Bà Bản càng ngạc nhiên, rất nhạy bén – bà cười xởi lởi:
- Chị dạy thế, em sao dám trái lời!
Bà Lê ngã người vào sôpha êm ái, đưa mắt quét khắp lượt từ nhà đến chủ nhân
rồi buông một câu :
- Cũng có thứ để mình phải học tập đây!
Xưa nay bà Bản rất sợ bà Lê phản ánh với phường về điểm kinh doanh của
mình, giờ nghe câu này càng lo lắng. Thôi thì nịnh “bà già chuyên chính” vài
câu để còn được yên thân làm ăn. Bà Bản nhích lại gần, vuốt ve bàn tay già nua
khô héo của người hàng xóm khó tính:
- Tay chị đẹp thế, đúng là búp măng của hoa khôi một thời.
Bà Lê thở dài:
- Chị không biết mình già từ khi nào – sau chống Pháp, chống Mỹ hay thời kỳ
cải tạo tư sản? Đến lúc đổi mới hình như chị có hồi xuân… bây giờ thì già thật
rồi! Nhiều lúc nhìn lên bàn thờ, chị lại tự hỏi – Sao Đức Phật đã hơn hai ngàn
năm trăm tuổi mà vẫn không già nhỉ? Chị mới ngoài tám mươi đã khô hết tinh túy,
chẳng còn gì hấp dẫn, chán thật!
- Bà Bản cười thầm trong bụng: “Chuyên chính hay chính chuyên thì cũng đến
lúc phải son phấn thôi! Không có thứ che đậy để lừa thiên hạ, mặt nào cũng mốc,
cũng meo!”
Nói rồi bà chạy vào buồng ngủ xách ra một vali da vuông vức chứa toàn mỹ
phẩm, sốt sắng nói với bà Lê:
- Em sẽ làm chị trẻ, đẹp như mơ bằng những thứ lâu nay chị xa lánh nhưng cả
nhân loại vẫn quen dùng…
Nghe bà Bản hứa giúp mình trẻ đẹp, bà Lê sướng rơn, cười cười mắng yêu cựu
thù vừa thành đồng minh:
- Gớm, em tân trang nhan sắc cho chị mà nói cứ như đang…diễn biến, chuyển
hóa bà già này vậy. Biết em dễ mến như vậy, chị sang chơi từ lâu rồi…hí! hí!
Bà Bản mở cái vali “nhiệm mầu” nhiều ngăn, nhiều lớp, soạn “đồ nghề” ra,
vui vẻ tán tỉnh:
- Trước hết phải làm đôi mắt linh lợi. Mắt có sáng thì chị mới nhìn thấy vẻ đẹp
đổi mới của mình. Thấy rồi mới thấm những thiệt thòi trong quá khứ không giao
lưu, cởi mở. Thấm rồi sẽ tự tin hơn với diện mạo mới!
*
Khi cả nhà quây quần bên mâm cơm tối thì ngoài cổng chuông reo. Anh Công ra
mở cửa rồi rú lên kinh ngạc hay kinh hãi gì đó, mọi người lật đật rời bàn ăn
cùng chạy ra xôn xao. Bà Lê từ nhà bà Bản trở về, sáng trưng dưới ánh đèn với
mái tóc uốn loăn xoăn, đôi mi cong vút ướt át và cặp môi khiêu khích màu nho
như mấy thiếu nữ tuổi teen trong phim Hàn Quốc. Cô Bắc tròn mắt, tiến lại ôm
vai mẹ, cười nắc nẻ:
- Hoa khôi đại học như con đứng gần mẹ cũng lu mờ thôi!
Anh Công lo lắng:
- Mẹ có làm sao không? Mẹ còn nhớ tin tưởng con nhất nhà không?
Khi bà Lê trở về vị trí cố định ở giữa bàn ăn, anh Nông rót ly nước cung
kính mời:
- Trông mẹ đẹp lắm, sang lắm… mẹ cho con mua thêm đất lập trang trại nhé. Khi
nào mẹ đến thăm trang trại của con, con cho quay phim để lại cho con cháu nhớ
ngày bà nội, bà cố của chúng hoan nghênh tư bản nông nghiệp.
Anh Trí gắp miếng nạc ở cái mang cá lóc nấu canh chua đặt vào chén bà Lê:
- Miếng ngon nhất của con cá, của món canh chua, của bữa ăn đầu tiên sau
khi mẹ đổi mới… mời mẹ dùng! Mẹ mà thay đổi thêm chút nữa, cả nhà ta huy hoàng…
Bà Lê nhíu mày, cau có:
- Anh định hướng cho tôi đấy à? Đổi cái gì, giữ cái gì là tôi quyết định
chứ không phải anh!
Sợ căng thẳng làm bữa ăn mất ngon, ông Dân bảo anh Trí:
- Con kể chuyện tiếu lâm đi, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Trí nhún vai khổ sở:
- Con sợ tai mẹ chưa… đổi mới, nghe xong không cười mà mắng con bất hiếu!
Cô Nam phê phán Trí:
- Mỗi lần mẹ vui, công ty của em lại phát đạt. Em luôn cầu trời phật cho mẹ
vui… Còn anh suốt ngày cứ chọc giận mẹ!
Trí chép miệng não nề
- Thôi, anh làm “thái giám chính kiến”… để trong nhà bớt xào xáo, công ty
của em phát đạt, anh
Công được mẹ tin và anh Nông thỏa nguyện ruộng đất!
*
Bà Lê kêu mấy người làm mướn vào tháo dỡ hàng rào kẽm gai giăng trên cột
sắt. Bây giờ sân nhà bà liên thông với sân quán cà phê nhảy nhót của bà Bản. Bà
chỉ vào mặt bằng liên kết lý tưởng đó nói với chủ quán cà phê:
- Em cứ kê thêm bàn ghế sang sân nhà chị, quán em sẽ đầy khách cho mà xem!
Bà Bản chỉ lên nóc nhà bà Lê:
Khách chỉ mê sân thượng vừa đẹp, vừa rộng, vừa mát mẻ của nhà chị. Em ước
gì được kê bàn trên đó rồi làm cầu thang sắt từ chỗ này cho khách đi lên. Em
gửi chị mười triệu đồng mỗi tháng!
Bà Lê tròn mắt:
- Những mười triệu…? Gần ba lần lương hưu của chị? Vậy thiệt thòi cho em
quá!
Bà Bản lại cười thầm, bước đến sửa cổ áo hơi trễ của bà Lê:
- Có tay bác sĩ này chỉnh vòng một giỏi như thánh, ngày mai em đưa chị đến
đó. Núi đồi nhấp nhô mới hợp với kiểu áo này. Em còn mấy cái màu cực đẹp, chị cứ
lấy hết về mặc cho trẻ trung.
Bà Lê há mồm khoe hàm răng vừa đại tu:
- Chị bỏ trầu rồi, mới đi nha sĩ cà trắng răng. Hôm nào em dắt chị đi học
khiêu vũ nhé!
Bà Bản tủm tỉm cười, nói nhỏ vào tai bà Lê:
- Vào đấy bọn đàn ông nhìn mình như thôi miên, nhột nhạt khắp cả người, cứ
như lúc mười lăm, mười sáu vậy… thích lắm chị ạ!
Hai bà cùng cười rú lên.
*
Chiếc BMW màu đen bóng, mang biển
số ngoại giao dừng trước quán cà phê, bấm còi tin tin. Khách trong quán trố mắt
nhìn. Cô con gái bà Bản tóc nhuộm bảy màu, mặt vênh váo, diện mini jupe xanh lá
cây bó gồ thân thể, ưỡn ẹo trên đôi giầy cao gót bước ra, leo lên xe. Từ trên
lầu nhà mình, anh Trí mỉm cười, đóng cửa sổ rồi tuông xuống cầu thang. Anh đi
cửa sau để lọt vào nhà bà Bản. Phía trước quán vẫn đông khách, trong nhà lại im
ắng lạ thường. Đã quá quen nên Trí lọt nhẹ nhàng vào phòng ngủ bà chủ. Anh
thoải mái ngả lưng lên chiếc giường nệm êm ái, thơm mùi nước hoa, móc “di động”
ra bấm… Bà Bản cũng mini jupe củn cỡn, mong manh như cô con gái, lách mình qua
cánh cửa hé rồi đóng lại, vặn khóa tanh tách. Anh Trí ngoắc:
- Nhanh lên cưng!
Bà Bản dí ngón tay vào trán Trí,
trề môi đỏ chót:
- Thua người ta gần chục tuổi mà
dám gọi là “cưng”, hư quá!
- Trí chồm lên lôi bà Bản xuống giường, cả hai cười khúc khích…
Trời tối om, Trí ra về từ cửa sau nhà người tình. Anh men theo bóng tối,
đến chỗ hàng rào vừa bị dỡ bỏ, Trí đụng đầu một bóng đen lù lù ngay lối đi.
Giọng bà Lê nhỏ, rít:
- Ăn vụng về à?
Trí giật mình, im lặng chờ đợi giông bão. Lại tiếng nhỏ, rít:
- Anh còn lý lẽ biện minh không?
Trí hóa liều, xẵng giọng:
- Sang nghe cô Bản kể chuyện vũ trường, mẹ ngả ngớn với bao nhiêu ông rồi?
- Anh buộc tôi trẻ hóa mà?
- Nhưng mẹ đi quá xa!
- Ra thế !... Ai bảo thủ rõ rồi nhé. Bọn trí thức các anh vừa đểu vừa
thâm, vừa hô hào đổi mới vừa sa đọa, lắm lời.. hứ!
- Mẹ trẻ lại nhờ son phấn vay mượn, nhưng sử dụng quyền lực với con cái vẫn
cổ hủ như xưa. Mẹ ác cảm với phản biện!
- Phải ! Tôi ghét kẻ bất trung, bất hiếu!
- Suốt mấy mươi năm mẹ tự khen mình, không được một lời tử tế với “giai cấp
phong kiến”, rồi bây giờ lấy cả sân thượng trên đầu bàn thờ tổ tiên để liên
doanh, hợp tác với ngoại nhân, đó là … trung – hiếu sao?
Phun hết ấm ức bực bội, Trí bước nhanh vào nhà, bỏ lại bà Lê sững sờ sau
cuộc “tranh luận trong bóng tối”…
*
Sau vụ anh Trí “nổi loạn”, bà Lê buồn cả tuần. Bà vùi mình trong chăn,
không thiết ăn uống hay làm đẹp nữa. Bà Bản mấy lần điện thoại và sang tận
phòng ngủ bà Lê gõ cửa, nhưng bà Lê nhất quyết không tiếp. Chồng, con cũng
chẳng gọi được bà. Cả nhà căng thẳng, ngột ngạt như địa ngục. Ba chị Trung –
Nam – Bắc thay nhau chì chiết Trí:
- Anh vừa lòng, hả dạ chưa? Đã bảo mẹ già, khó tính, nhưng không có mẹ gia
đình này loạn ngay.
Tại sao anh cứ một mực phải đối đầu với mẹ… được cái gì, hử? Mẹ mà chết, cả
đời anh mang tội bất hiếu!
Trí mặt xanh xao, hốc hác vì lo âu, sợ hãi nhưng vẫn không lùi bước. Cả nhà
rùng mình khi Trí buông một câu lạnh lùng:
- Ăn vạ là cách thể hiện sự độc đoán khi không còn quyền lực tuyệt đối. Mẹ
dám chết, Trí này cũng dám chết!
Trí vừa dứt lời, anh Công giận đến tím mặt, giang tay tát Trí như trời
giáng. Anh Nông xông vào tính bồi thêm nhưng ông Dân kịp can ngăn. Nông vẫn
giận phừng phừng, chộp chiếc cặp hàng ngày
Trí vẫn xách đi giảng dạy, ném ra sân:
- Cút đi thằng mất dạy!
Ông Dân ôm ngực lảo đảo vì bệnh tim tái phát rồi ngã vật ra sàn nhà. Lát
sau tiếng còi xe cứu thương rú lên inh ỏi. Bà Lê bất ngờ xuất hiện ở cầu thang
trong bộ lụa trắng. Mặt bà nhợt nhạt, hai mắt sâu hoắm, tóc tai rối bời, chao
đảo như sắp ngã khụy. Anh Công lao lên đỡ mẹ, những người còn lại đang vực ông
Dân lên băng ca cùng trố mắt nhìn. Bà Lê nói nhỏ nhẹ, rõ ràng:
- Đừng đánh đuổi Trí, lời Trí khó nghe nhưng là suy nghĩ chân thật, thẳng
thắn của đứa con có hiếu!
- Trí sững người rồi chạy đến ôm mẹ, dụi cái má còn rát bỏng vì cái tát của
anh Công vào cổ mẹ.
Mẹ, con cùng bùi ngùi trong căn nhà đã im ắng, lắng dịu…
TPHCM, 2 - 10 – 2012
Lại Văn Long
(Đăng trên báo văn nghệ số 47 ra ngày 24/11/2012)
Tác giả gửi bài
Ông bà ở cùng làng, sinh cùng năm, mười lăm tuổi hai người là cặp đôi nổi tiếng. Ông vật ngã một gã Tây đi càn, giành được súng có lưỡi lê và đâm chết Tây. Bà dẫn đầu đoàn biểu tình đi phá kho thóc của Nhật, lấy gạo cứu đói cho cả làng. Sau này ông đi Vệ quốc đoàn làm trung đoàn trưởng, còn bà lên đến bí thư huyện ủy. Ngoài tài làm chính trị, bà còn là hoa khôi của huyện và luôn tự hào với năng khiếu hát hò. Ngày đó bà sáng chói nên ông mụ mị. Yêu được bà ông phấn khởi như trung đoàn vừa diệt xong cả sư đoàn địch. Được bà hôn lần đầu, ông sướng như được thưởng huân chương chiến công hạng nhất. Đêm tân hôn trên chiếc giường tre ọp ẹp trong vùng kháng chiến, ông thấy mình hạnh phúc như bắt sống được tướng giặc. Tình yêu của đời nhà binh, cảm xúc cứ như đánh trận!
- Con tích tụ ruộng đất nhiều rồi lại sinh cái thói bóc lột như địa chủ? Ngày xưa mẹ chống địa chủ, bây giờ để thằng địa chủ gọi mình bằng mẹ thì xấu hổ lắm!
- Các anh còn muốn dân chủ kiểu nào? Muốn coi cha mẹ như bạn bè à?
- Bọn gian thương, đĩ điếm, chủ nghĩa cá nhân, phồn vinh giả tạo ấy mà đứng gần sự ưu việt của mẹ con là… xấu hổ ngay!
- Trước hết phải làm đôi mắt linh lợi. Mắt có sáng thì chị mới nhìn thấy vẻ đẹp đổi mới của mình. Thấy rồi mới thấm những thiệt thòi trong quá khứ không giao lưu, cởi mở. Thấm rồi sẽ tự tin hơn với diện mạo mới!
- Trông mẹ đẹp lắm, sang lắm… mẹ cho con mua thêm đất lập trang trại nhé. Khi nào mẹ đến thăm trang trại của con, con cho quay phim để lại cho con cháu nhớ ngày bà nội, bà cố của chúng hoan nghênh tư bản nông nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét