Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 5. Văn Đò Đưa Trần Vân Hạc/ TỨ ĐẠI DANH CA CỦA NGÀN XANH

VĂN BẠN VĂN 1
TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

Văn Đò Đưa

TRẦN VÂN HẠC

TỨ ĐẠI DANH CA CỦA NGÀN XANH



Đấy là danh hiệu do giới sành chơi chim từ cổ chí kim phong cho các loài: Sơn ca, họa mi, chích chòe và cu gáy. Đứng đầu trong tứ tuyệt là sơn ca. Mỹ danh này quả là không ngoa chút nào, bởi sơn ca có vẻ đẹp toàn bích từ thân hình tới tiếng hót, với “độc chiêu” bay lên trời cao rồi thả mình rơi trong không trung, vừa nhả những âm thanh tuyệt diệu, quả là có một không hai.
Sơn ca thân nhỏ, lông từ vàng nhạt tới nâu sậm, mỗi độ xuân về lại kết đôi vô cùng tình tứ. Tiếng hót của sơn ca trong vắt và cao. Mỗi khi hót, sơn ca ngự trên ngọn cây cao, lúc cao hứng bay vút lên như để tận hưởng bầu không khí trong lành, rồi từ từ hạ cánh. Cùng lúc đó, từng hợp âm long lanh như ngọc tươi vui sáng cả đất trời. Cũng vì vậy mà lồng sơn ca bao giờ cũng cao tới hơn một mét và có trụ ở giữa. Sơn ca trống có chòm lông như chiếc ngù trên đỉnh đầu, sang trọng và kiêu kỳ. Giới sành chơi chia giọng sơn ca làm ba loại: “Tam thanh” và “tứ tuyệt”.“Tam thanh”: giọng hót trong vắt, cao vút mà không sắc đến độ chói tai. Giọng trung phải mượt mà uyển chuyển như mây bay nước chẩy, không gợn đục. Giọng trầm phải phải ấm áp, không rè. Còn “tứ tuyệt” lại chia ra: Âm tuyệt, hội tụ được đầy đủ tố chất của tam thanh. Điệu tuyệt là tiếng hót có tiết tấu như reo vui, nhịp nhàng, trong sáng như ánh ban mai. Thế tuyệt là phong cách khi hót: Đậu nơi đỉnh cao, vươn cổ, mào dựng oai phong, cánh rung như múa.Thì tuyệt là tiếng hót dài hơi mà không đuối, không e sợ khi có đối thủ.
Họa mi đứng thứ hai, với tước hiệu: “văn võ kiêm toàn”.Tuy có mầu lông không đẹp, chuyển từ vàng nhạt tới nâu sẫm, nhưng lại có thân mình thon thả, với đường viền trên mi mắt mầu trắng như một điểm nhấn ( họa mi ). Một con họa mi đẹp ít nhất phải đạt được tiêu chí ngũ trường: Thân dài, chân cao, đuôi dài, mắt biếc hình hạt dưa, đầu thon. Mỗi con đực bá chủ một vùng, tiếng hót của họa mi vừa như tuyên ngôn về chủ quyền, lại đầy ma lực với các cô mi duyên dáng. Những âm thanh tuyệt vời của họa mi như chắt ra từ tiếng của đại ngàn, khi vút cao như gió reo đầu núi, khi trầm như thác đổ dưới lòng thung, khi ngân rung như tiếng vĩ cầm xuân sớm. Còn mỗi khi lâm trận, họa mi quyết liệt với nhiều đòn thế, dữ dội mà hào hoa, quyết liệt nhưng khoan dung quân tử. Mỗi khi địch thủ thua trận, họa mi không dồn đuổi đến cùng, mà vươn cổ, rung cánh, cất tiếng hót lảnh lót đầy oai dũng, ngân vang trên vương quốc của kẻ tình si.
Đứng thứ ba trong tứ tuyệt là chích chòe. Đây là loài có dáng điệu nhẹ nhàng, khoan thai, mang cốt cách của một văn nhân, phong lưu tài tử. Chích chòe có nhiều lọai như: Chìa vôi, chích chòe than, chích chòe lửa… Tiếng hót của chích chòe tươi sáng, thanh tao, với những luyến láy tài hoa. Mỗi sáng nghe tiếng chích chòe du dương thánh thót, ta thấy lòng thêm trong sáng, bước vào một ngày mới với một niềm tin yêu phơi phới; sau mỗi ngày lao động hết mình, được thả hồn trong tiếng hót hồn nhiên, bao mệt nhọc ưu tư chợt tan biến.
Thứ tư là cu gáy. Từ dáng hình tới tiếng gù đều mang một sự thâm trầm, trải nghiệm của bậc hiền triết cao minh. Dù là giọng kim ( cao ), hay thổ ( trầm ), tiếng gù của cu gáy như sự dồn nén với bao khắc khoải của bậc anh hùng hào kiệt trước nhân tình thế thái, không may thất thế sa cơ, thân thể bị giam hãm, nhưng cái chí cứ vút lên chốn cao xanh, gợi trong lòng người một nỗi khát khao vẫy vùng và chiến thắng. Tiếng gù của cu gáy thường được người chơi chia ra làm hai loại chính là kim và thổ. Trong giọng thổ lại có hai loại thổ đồng và thổ gầm, giọng thổ gầm là cực quí và hiếm. Đó là giọng trầm ấm sang trọng của thổ đồng xen lẫn tiếng rù rù đầy kịch tính. Một con cu gáy hay phải đạt được những yêu cầu cơ bản như: Chu ( âm điệu thanh cao, vi vu như tiếng sáo diều, như tiếng gió reo trong ống nứa); mơ ( tiếng gù nghe nhẹ nhàng xa xăm như dòng hồi tưởng ); lèo (nhấn thêm một nhịp sau tiếng cúc cù cu ); vấp ( tiếng gù đang thả nhịp khoan thai bỗng ngưng lại như bị vấp ); thừa ( thêm một tiếng lạ bất kỳ trong tiếng gù ), đủ (gù đủ các hồi trên ); đảo ( gù từ hồi một đến hồi năm, rồi đảo đi đảo lại nhiều lần ) Người sành chơi thường săn tìm bằng được chú cu gáy có giọng thổ gầm, “ lèo tứ”. Tiếng gù trầm ấm minh triết đầy nội tâm như một dòng hồi ức, bỗng ngưng lại như lắng chút suy tư, rồi chợt bật lên một tiếng “ thừa” ngạo nghễ đầy tiết tháo.
Sơn ca, họa mi, chích chòe, cu gáy, mỗi ca sĩ của ngàn xanh mỗi vẻ, mười phân vẹn mười, xứng đáng là tứ đại danh ca mà tạo hóa ban cho con người, giúp con người vơi bớt nỗi vất vả nhọc nhằn, thêm yêu đời, yêu người và chào đón ngày mai tươi sáng hơn.


Bài Trần Vân Hạc/ tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét