Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 12. Văn Luận TRẦN HUY THUẬN / CÁI TAI VÀ VĂN HÓA NGHE

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013

Văn Lu
ận
TRẦN HUY THUẬN
CÁI TAI VÀ VĂN HÓA NGHE
" Gảy đàn liệu có lọt tai trâu?" (Văn Như Cương)


Người bình thường nghe bằng hai tai.
Người có đủ hai tai lành lặn, nhưng chỉ có một tai làm việc, dân gian gọi là người chuyên... nghe một tai! Cái tai chuyên môn hóa ấy, chỉ rặt nghe các đệ tử ruột, không nghe ai khác, không nghe ý kiến khác ngoài ý kiến đồng tình, tâng bốc ca ngợi mình!

Trung ngôn, nghịch nhĩ –
Những lời nói thẳng làm nhiều sếp nghe không lọt lỗ tai! Còn nghe chưa thủng lỗ tai, nghe chưa ra đầu ra đuôi đã vội… phán, là hành vi của những kẻ hồ đồ.

Người sợ liên lụy trách nhiệm thì dù thiên hạ nói gì cũng... ngô nghê giả điếc!
Cũng có người bị gọi là tai lành tai điếc, mặc dù anh ta chẳng... điếc chút nào cả. Đó là loại người có tính tầm phào; nghe đấy mà đâu có nghe? Đầu óc còn để tận đâu đâu!
Nghe cho có nghe, nghe mà chả nghe gì cả, nghe đâu bỏ đấy là những cách nghe của không ít quan chức làm công tác tiếp dân mắc bệnh lãnh cảm! Dân đội đơn kêu khản cả giọng mà quan làm như không nghe thấy gì – đích thị quan ấy bị điếc lòi tai!
Kẻ thích đưa chuyện làm quà, thường mới nghe hơi nồi chõ, đã lê la đi kể khắp nơi, được người đương thời gọi là... buôn dưa lê!
Dự Hội thảo khoa học mà có người mặt cứ ngây ra như mặt ngỗng ỉa, chẳng hiểu mô tê gì cả, chẳng khác chi... vịt nghe sấm!
Mấy anh chàng có tính hão huyền, thường hay nằm mộng nghe kèn!
Đem tâm sự nói với người vô tâm, chẳng khác gì đem đàn gảy tai trâu, thà vạch đầu gối ra mà nói, còn hơn!
Kẻ lười chảy thây thường điếc tai: làm, sáng tai: họ (dừng)!
Người thô lỗ thì nói cứ như đấm vào tai người nghe! Hiền như Bụt cũng phát tức. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng nhẹ nhàng nói ngon nói ngọt, nói như rót mật vào tai. Đặc biệt, nếu dùng cách nói này với sếp, thì dễ đưa sếp... lên mây lắm. Rồi thì muốn gì, sếp cũng sẵn sàng chiều, ngay cả lúc ấy ta có đề nghị sếp ký giấy bán... cầu Long Biên, sếp cũng ký! (Bởi xưa có câu: Nói ngọt, lọt đến xương mà!).
Tai luôn luôn vểnh lên nghe ngóng chuyện người khác, đích thị là tai của kẻ hay kiếm chuyện rồi! Nói thế chứ, một khi đã bị vạch mặt chỉ tên, những kẻ này cũng dễ cụp tai như chó cụp đuôi thôi!
Trên bảo, dưới không nghe
là căn bệnh yếu sinh lý của đấng mày râu; nhưng thời nay, cụm từ ấy còn được dùng để ám chỉ cảnh kỷ cương không nghiêm, phép vua thua lệ làng; cảnh cá mè một lứa, không ai bảo được ai; hoặc cũng để nói về tình trạng người trên ở chẳng chính ngôi, để cho người dưới chúng tôi hỗn hào!, như dân gian thường nói!
Thế đấy! Có đôi tai lành lặn để nghe; nhưng nghe như thế nào, lại không phải là chuyện đơn giản!


CÁI MẮT VÀ CÁI NHÌN!


Mắt dùng để nhìn. Đúng quá rồi, sao lại còn phân biệt Cái Mắt với Cái Nhìn ?
Vậy mà có sự khác nhau đấy.
Cái Mắt
về mặt cấu tạo thì ai cũng giống ai, nhưng Cái Nhìn sự vật, thường không phải lúc nào cũng giống nhau. Đứng trước một phong cảnh, người này khen, người khác lại chê. Có cái nhìn thiện cảm, cũng có cái nhìn thù địch. Có cái nhìn trong sáng, có cái nhìn đen tối. Có cái nhìn nhân ái, bao dung; lại có cả cái nhìn chứa chan hận thù...
Cái Mắt
sinh ra thế nào thì suốt đời nó vẫn thế, không thay đổi –  trừ phi nó bị tai nạn làm  biến dạng hoặc hư hỏng... Nhưng Cái Nhìn thì ở mỗi thời điểm, trước mỗi đối tượng, lại ... khác nhau, cho dù vẫn nguyên là cái mắt ấy! Có những đôi mắt rất đẹp, hiền như "mắt nai" mà nhiều khi lại nhìn người khác bằng con mắt "cú vọ"; có những cặp mắt "cú vọ" thực sự, đôi khi lại hiền dịu như mắt "bồ câu"!.. Có đầy đủ hai con mắt lành lặn, nhưng nhiều kẻ chỉ nhìn đời bằng một thậm chí nửa con mắt
Có kẻ mắt mở tháo láo mà vẫn... "mù" vì... sợ trách nhiệm, vì nể nang, vì chót "chén chú chén anh", vì "cùng hội cùng thuyền" với nhau rồi!.. Có cặp mắt thao láo, nhưng nhìn ai cũng "ti hí mắt lươn"... Lại có cả chuyện những đôi mắt rất sáng, nhưng chủ nhân của nó lại muốn cho nó "đui" đi, để khỏi nhìn thấy những điều chướng mắt... Nhiều khi quan sát con người, chỉ cần nhìn con mắt khi nói chuyện là có thể biết người đó có thật thà, thẳng thắn hay không. Ngây thơ như trẻ con trước khi định "vòi vĩnh" cũng biết nhìn vào đôi mắt của bố mẹ để thăm dò xem có phải lúc thích hợp để chúng làm điều đó hay không.
Chưa hết! Trước Đồng Tiền  có kẻ mắt mờ đi, thậm chí tối sầm lại; ngược lại có kẻ mắt lại sáng lên. Có tình trạng dân đang lo ăn đến vàng cả mắt, mong tiền trợ cấp đến đỏ con ngươi thì quan tham nhìn vào bất cứ đâu, bất cứ việc gì từ Dự Án đến Lễ Hội, từ Quy Hoạch đến Chính Sách, từ Triển   Khai Nghị Quyết đến Tổ Chức Hội Thảo ...thảy đều nhìn Thấy có cơ hội Kiếm Ăn cho mình. Kết cục là quan tham cứ thản nhiên vơ đầy Túi còn dân đen thì cứ trắng mắt ra!
Cái Nhìn
đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống: "Trăm nghe không bằng một thấy"... Nhưng "thấy" lại phụ thuộc Tầm Nhìn.
Có cái nhìn cơ học và có cái nhìn lý trí. Mỗi loại có một Tầm Nhìn khác nhau. Tầm nhìn cơ học thì phụ thuộc chất lượng bản thân con mắt và phụ thuộc thời tiết. Mắt bị cận thị, bị viễn thị, bị chột, bị loà, bị mù... hoặc gặp tình trạng không gian đầy sương mù thì tầm nhìn không thể tốt. Tầm nhìn lý trí phụ thuộc Trí Tuệ của chủ nhân đôi mắt. Trí tuệ lại phụ thuộc Tri Thức. Thiếu tri thức đương nhiên không thể có Tầm Nhìn Rộng, hông thể có Tầm Nhìn xa  không thể có Cái Nhìn Chuẩn Xác dẫn đến quyết sách sai, hành động mù quáng...
Cái nhìn còn phụ thuộc Vị Trí Nhìn (điểm nhìn – quan điểm). Vị trí nói ở đây vừa có ý nghĩa cơ học (chỗ đứng nhìn), vừa có ý nghĩa xã hội (trình độ học vấn, vị trí xã hội...).
Mà cái sự nhìn thì bản thân nó đã có nhiều dạng nhiều vẻ lắm. Thày thuốc Tây y thì "nhìn đâu cũng thấy vi trùng", Công an nếu quá “cảnh giác” thì "nhìn đâu cũng thấy có địch", Tuyên huấn thì "nhìn đâu cũng thấy diễn biến hoà bình"!... Có những người không phải "mù mầu" nhưng lại chỉ nhìn thấy rặt "mầu hồng", không một mầu nào khác, thậm chí thấy rất rõ nó xám xịt mà vẫn cứ bảo rằng rất ... "hồng". Ngược lại có những kẻ nhìn vào đâu cũng chỉ thấy tối tăm, ảm đạm, lạnh lẽo, hoang vu... Đó thảy đều là những Cái Nhìn lệch lạc, méo mó...
Nhìn Trừng Trừng
là cách nhìn của người muốn áp chế, muốn "ăn sống nuốt tươi" đối tượng mà anh ta nhìn! Người đó có khi là Bề Trên, có khi là Bề Dưới, tuỳ thuộc hoàn cảnh...
Nhìn Hau Háu là kiểu nhìn thèm khát một cái gì đó. Với trẻ con thì cái gì đó có thể chỉ là cái kẹo, miếng bánh, chai sữa... Với người lớn thì cái gì đó nếu là Vật Chất thì thường phải là những thứ có giá trị kinh tế ... Còn nếu là Tinh Thần thì cái "tinh thần" đó cũng phải hàm chứa ... nhiều giá trị vật chất!.. Còn "Tinh thần suông" có lẽ chả mấy ai... "hau háu" nhìn ... Nhiều cô gái bắt gặp cái nhìn kiểu "hau háu" này của cánh con trai, thảy đều... khiếp vía!..
Nhìn Bao Dung
là cái nhìn của kẻ trượng phu, người nhân nghĩa. Nhìn Xa Trông Rộng là cái nhìn cần có ở người Lãnh Đạo. Làm lãnh đạo mà Thiển  Cận thì mọi khổ đau, người bị lãnh đạo "lãnh đủ".
"Mắt La Mày Lém"
là cái nhìn của kẻ tiểu nhân. "Tráo Trưng Trợn Trừng“ là cái nhìn của kẻ bất lương, cậy quyền thế.
Có cái "Nhìn Tử Tế” lại có cả cái sự "Nhìn Đểu" nữa!... Nhiều khi ra đường hoặc ở nơi công cộng nào đó, thực bụng ta chả nghĩ xấu về ai, nhìn ai cũng bằng cái nhìn tử tế, thế mà vẫn gặp hoạ, bị vu cho là "nhìn đểu", rồi bị ăn đòn "hội chợ"... Rõ ràng trong trường hợp này không phải tại Cái Mắt mà tại kẻ xấu muốn tìm cớ để trị đối phương hoặc chỉ để “lấy mẽ” ra oai!
Lại có câu này, "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Không nhớ tác giả của câu nói đó, nhưng ai cũng hiểu: Cái Nhìn thường luôn luôn gắn với Cái Tầm của bản thân người nhìn. Tâm sáng thì cái nhìn cũng sáng; Tâm tối, đương nhiên cái nhìn không thể sáng.
Phải chăm lo giữ gìn Con Mắt là lẽ đương nhiên: Đường phố những ngày này nắng nóng và đầy bụi, vậy thì đi đâu cũng nên mang kính râm. Nhỡ ra bị đau mắt thì phải tra thuốc mắt, bị cận thị thì đeo kính cận, bị viễn thị thì đeo kính viễn. Đeo kính "hợp số" thì "số" tăng chậm. Không đeo kính thì "số" mau tăng. Không cận không viễn mà cứ đeo kính bừa, thì chỉ có hại.

Nhưng chăm lo giữ cho Tâm Hồn luôn trong sáng và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao Trí Tuệ để có Cái Nhìn lành mạnh, cái nhìn thấu nghĩa đạt tình, mới là điều hệ trọng!..

NGỰ NGAY GIỮA MẶT LÀ CÁI … MŨI!


Mũi
là một bộ phận của cơ thể được "ngự" ngay giữa mặt, dưới Mắt và trên Mồm! Chỉ cái "vị thế" ấy của mũi đã cho thấy vai trò của nó quan trọng đến mức độ nào!
Mũi của con người (và động vật) có hai chức năng chính, thứ nhất là "hít thở" không khí (cùng với cái mồm), thứ hai là "ngửi" mùi (thông qua cơ quan khứu giác cư trú ở đây).
Chức năng Hít Thở tác dụng đến sự sống mỗi người từng giây, từng phút như thế nào, chúng ta đều đã rõ - chỉ đến khi từ giã cõi đời, con người nói riêng và động vật nói chung mới không còn hít thở!
Chức năng Ngửi đối với con người tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn, nhưng thiếu nó - mũi bị Điếc chẳng hạn, trước mắt sự hưởng thụ của chúng ta sẽ mất đi một phần thi vị mà thiên nhiên ban tặng. Như khi đứng trước một bông hoa, chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài, chứ không thưởng thức được hương vị thơm tho đặc trưng của nó...
Và không chỉ có vậy, khứu giác còn giúp ta sớm nhận biết sự vật ngay cả khi mắt và tai chưa kịp phát hiện - ví dụ mùi khét của lửa, sớm giúp phát hiện hoả hoạn, trước khi cái mắt nhìn thấy ngọn lửa bốc lên, còn đến lúc cái tai nghe thấy tiếng nổ "lốp bốp" của ngọn lửa thì thường là đã quá muộn! Thậm chí, có những công việc cái mắt, cái tai không làm được, mà chỉ duy nhất cái mũi làm được. Ví dụ, để phân biệt loại và chất lượng nước hoa, người ta phải nhờ đến TÀI NGỬI của một số chuyên gia. Khi người ta yêu nhau, cái mũi là quan trọng lắm đó. Ấy là lúc nó "bén mùi" của nhau, đúng như Nguyễn Du đã mô tả: "Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình"!
Cái mồm đóng vai trò chính trong việc ăn uống. Nhưng việc đánh giá chất lượng món ăn và đồ uống, lại không chỉ do mỗi cái mồm quyết định. Khi cái mũi đã tỏ ra “khó ngửi” như phát hiện ra mùi thiu, mùi mốc… thì mồm bạo ăn uống đến mấy cũng không dám nuốt, phải lè ra ngay lập tức!
Con người thông minh nói chung là nhờ Bộ Óc, còn con chó thông minh chủ yếu lại là nhờ... Cái Mũi. Chó Khôn là chó có tài ... Ngửi, tức tài Đánh Hơi (chẳng hạn, để phát hiện "ma tuý" của bọn buôn lậu "cái chết trắng", công an phải dùng đến tài Đánh Hơi của chó nghiệp vụ...).
Nhưng chức năng của Mũi không chỉ dừng lại ở “hít thở và ngửi”, mà còn nhiều tác dụng khác không kém phần quan trọng.
Đó là chức năng "biểu đạt tình cảm". Khi khó chịu điều gì đó mà chưa đến mức "đỏ mặt tía tai", thì người ta hay "Nhăn Mũi" lại. Ngược lại khi nghe được lời nói êm tai tâng bốc mình, thì trước khi "lên mây xanh", cái mũi thường Phổng Lên phập phồng! Lại nữa, khi con người đau khổ quá mà khóc, thì thường không chỉ đôi mắt chảy nước mà ngay cả cái mũi cũng có nước chảy ra!...
Đó là chức năng "can thiệp" vào nội tình của người khác, hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của mình - chức năng... "Nhúng Mũi"! Cái trò nhúng mũi này có mặt ở khắp tất cả mọi lúc mọi nơi, từ công sở đến trường học, từ trong nhà ra ngoài đường... gây khó chịu, bực bội cho nhiều người!
Đó là chức năng "do thám" hành vi của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... Dân gian gọi cái đó là trò "Đánh Hơi" vào công việc, vào đời sống riêng tư của người khác, để "tâng công" với chủ, để "lấy lòng" sếp, để "đẹp lòng" bề trên cũng như vì nhiều lẽ khác.... Muốn sống yên thân, mỗi chúng ta phải tìm cách lánh xa, cách ly những đối tượng ấy, càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy!
Cái Mũi
còn là điểm yếu của một số loài vật mà từ lâu, con người đã biết khai thác rất... hữu hiệu: Để dễ dàng điều khiển, sai khiến con trâu, con bò, người ta dùng giây thừng Xỏ Mũi nó. Từ đó, muốn con vật đó đi theo hướng của mình, người chủ chỉ cần kéo cái giây thừng. Sau này, để ám chỉ một ai đó đã bị sống lệ thuộc người khác, chấp nhận sự sai khiến của người khác, dân gian cũng nói: "Cái thằng ấy đã bị... xỏ mũi rồi".
Trẻ em nước ta không mấy em không từng đọc truyện chú người gỗ Pinochio. Sau khi đọc, các em sợ Nói Dối lắm, bởi truyện kể rằng, có một bà tiên đã làm phép cho chú mỗi khi nói dối thì chiếc mũi sẽ dài và nhọn ra mãi. Ôi! Giá mà ngày nay Bà Tiên còn có phép làm như thế đối với cả Người Lớn chúng ta nữa nhỉ? Nếu vậy, ngoài đường sẽ tràn ngập những  Người Mũi Dài quá khổ?!.
Như vậy, vai trò của cái MŨI trong cuộc sống là rất quan trọng. Quan trọng đến mức xưa nay mọi người vẫn bảo nhau: "Vuốt mặt phải nể mũi" - nghĩa là cái mặt có thể vuốt, nhưng cáimũi thì nên nể, đừng có động vào! Do đó, chúng ta nhất định phải luôn quan tâm chăm lo săn sóc, bảo vệ đến cái Mũi của chính mình một cách chu đáo! Lại phải biết cách “Giáo Dục”nó làm sao để nó có được một đời sống Văn Hóa thực sự, không bao giờ làm cái việc Nhúng Mũi hoặc Đánh Hơi kiểu súc vật đồi với đồng loại.

CÁI MỒM: CÔNG VÀ TỘI!


Chức năng chính của Cái MồmĂnNói. Hai "chức năng" đó đều có cả phần Công lẫn phần Tội. Ăn để tồn tại là Công, ăn đến khuynh gia bại sản, đến thâm thủng công quỹ quốc gia, là Tội. Nói để cắt nghĩa việc LàmCông, Nói để che đậy cái xấu, cái ác là Tội.
Người và động vật không Ăn thì sớm muộn gì cũng sẽ chết! Cho nên công lớn nhất của cái Mồm là nhận và nghiền nát thức ăn rồi chuyển nó xuống dạ dày. Tiếp đó thức ăn được chế biến để lấy dinh dưỡng nuôi cơ thể. Với con người, mồm còn để diễn đạt cảm xúc và tư tưởng bằng lời nói (một số động vật cũng biết diễn đạt một số cảm xúc bằng tiếng kêu từ mồm). Cho nên với mỗi người chúng ta, công lớn thứ hai của mồm là Nói.
"Ăn thường mang theo nhiều hệ quả: Khi nói: "Hay ăn thì lăn vào bếp", "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" là ám chỉ việc muốn có ăn tức muốn tồn tại, thì con người phải biết lao động – lao động trí óc hay lao động chân tay (xã hội càng tiến lên, thì hàm lượng lao động chân tay càng giảm, hàm lượng trí thức trong lao động càng tăng). Chỉ muốn ăn mà không muốn làm thì đích thị là kẻ Ăn Bám rồi. Con cái còn bé, chưa đến tuổi lao động, việc nuôi ăn là do cha mẹ, ông bà... Nhưng đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn không tự lo kiếm miếng ăn nuôi bản thân, thì không thể chấp nhận được, sớm muộn cũng phải thay đổi thôi, nếu không, khi người lớn qua đời, chỉ có nước đi ăn mày!
Trong nội bộ một gia đình cũng đã không có ai ưa gì cái kẻ ăn bám, nói chi xã hội? Kẻ ăn bám xã hội thường là "kẻ ăn trên ngồi trốc" - Thế mới ngược đời chứ! Không phải là kẻ ăn trên ngồi trốc, mà muốn ăn bám thì chỉ có là kẻ ăn mày, ăn xin ... quá nữa là bọn ăn cắp, ăn cướp. Còn đã là kẻ ăn trên ngồi trốc, thì "nỏ" cần xin ai, cái ăn vẫn cứ tự nhiên dâng lên hàng ngày, toàn của ngon vật lạ! Mà kẻ đem dâng lại còn "biết ơn" kẻ ăn bám nữa – Thế đấy!
"Ăn"
cũng "có nết" và "mất nết". Ăn Có Nết là ăn uống từ tốn chừng mực, là "ăn có mời, (làm có khiến)", là "ăn trông nồi ngồi trông hướng",.. Ăn Mất Nết là thấy "ngon xơi" liền "tọng" hồi lùng, chẳng nghĩ đến ai, chỉ cốt thoả cái thèm khát của bản thân, là "ăn bẩn", là "ăn tham". Đã tham ăn thì thể nào cũng dẫn đến bệnh về tiêu hoá – Xưa các cụ dạy rồi: "tham thực cực thân", không chỉ "cực", ối kẻ còn chết vì bội thực đấy! Nhưng trò đời, cái Tham nó không bao giờ có chừng mực cả, không bao giờ có điểm dừng! Trong xã hội, kẻ ăn trên ngồi chốc mà tham, nhân dân gọi là Quan Tham. Quan tham hay dân tham thì cũng như nhau hết: Lòng tham vốn không bao giờ có đáy!
Thời nay kẻ khôn ngoan không "ăn" một mình. Ăn một mình dễ bị đệ tử "ghen ăn". Trong tình yêu, đòn "ghen" vốn rất hiểm, nhưng "ghen ăn", đòn còn hiểm hơn nhiều. Nhãn tiền thấy rồi. "Quan tham hiện đại" ăn cũng hiện đại, không ăn riêng lẻ nữa mà "ăn bè", ăn "tập đoàn", ăn theo "nhóm lợi ích". Dân thì còng lưng lo "làm chủ tập thể", còn quan tham phưỡn bụng "ăn nhậu tập đoàn"! Ăn như tằm ăn rỗi, làm sao che đậy được? Khó gì đâu, đứa nào định phát hiện, kéo ngay nó vào cùng "bè", cùng “nhóm”, tống vào họng cho nó một phần, mắt nó tối lại, mồm nó không há ra được nữa, thế là... kín như "bưng" như "bít"! "Hè" nhau mà ăn như thế, Trời cũng phải bó tay, nhắm mắt, giả điếc làm ngơ. Mà Trời làm gì có tay, có mắt, có tai nhỉ? Mà cho dù có đi chăng nữa thì trước mỗi vụ làm ăn, bọn họ đều đã biện lễ khấn vái cầu Trời phù hộ độ trì rồi thôi?!.

"Nói" là hoạt động bầy tỏ tình cảm, quan điểm, sự hiểu biết,... của mỗi con người đối với cộng đồng (Nói phải có người nghe, chứ nếu sống đơn lẻ, một mình một cõi, chả ai cần Nói. Trường hợp ấy mà lảm nhảm một mình, chỉ có kẻ bị thần kinh!). Vậy công của Nói là lớn lắm.
Tuỳ trạng thái và đối tượng mà người ta chọn cách nói thế này, cách nói thế kia. Việc không cần nói to, thì ghé tai "thì thầm" (kẻ làm điều xấu cũng thường hay nhỏ to với đồng bọn hoặc ra hiệu thay cho phát ngôn). Việc phải nói to thì hoặc "hô hào", hoặc hét toáng lên. Kẻ trộm cắp cũng hay hét lắm - Dân ta vẫn nói: "Vừa ăn cướp vừa la làng" là gì! Chả trách các quan tham thường "ăn to nói nhớn" là phải! Nói thường là loại hoạt động lắt léo và ẩn chứa nhiều cạm bẫy, nên cha ông ta xưa đã từng để lại cho hậu thế rất nhiều lời khuyên nhủ, nào là "Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau", nào là "Lời nói như dao chém đá", "Lời nói đọi máu", nào là "Nói ngọt lọt đến xương", nào là "Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay",...
"Nói"
là hoạt động năng động nhất của con người – trừ người khiếm khuyết bộ phận phát âm. "ĂN" chỉ có ba bốn, nhiều lắm là mươi lần trong một ngày. "Nói" thì có thể suốt ngày, thậm chí ngủ rồi, nhiều người vẫn nói mê! Tần suất hoạt động của cái Mồm Nói nhiều hơn rất nhiều cái Mồm Ăn, Nh ưng hai cái này liên kết với nhau chặt chẽ lắm: Ăn càng tốt, nói càng nhiều, "ăn to nói lớn". Không ăn thì rã họng ra, nói sao được?!. Cho nên các quan tham không chỉ có biệt tài Ăn Khỏe mà thường bao giờ Nói Cũng Hay (đã làm đến chức quan thì nhất định nói phải hay rồi, hiếm có quan nói không hay lắm. Nhưng quan tham thì tuyệt không thấy quan nào nói dở cả!). Mà cái "phạm trù" quan tham nói hay nhất lại là vấn đề chống ... ăn tham! Trong đám dân thường, xét ra khó có ai nói hay, nói giỏi được như họ trong lĩnh vực "nhạy cảm" này! Không tin, ai đó cứ thử nói xem? Không khéo lại mắc tội ... "phát ngôn vô tổ chức", chứ chẳng chơi!
Ngược lại, đến phận mình, Cái Mồm Nói lại tác động trở lại Cái Mồm Ăn, theo nguyên tắc "có vay có trả", chứ tuyệt không "ăn không": Quan tham nào nói càng giỏi thì quan đó ăn càng lớn - đó là điều đã được thực tế cuộc sống chứng minh một cách rất hùng hồn, không thể có điều gì còn nghi hoặc! Cứ thế, Cái Mồm Ăn giúp cái Mồm Nói nói tốt; Cái Mồm Nói đến lượt nó, lại giúp Cái Mồm Ăn ăn khoẻ hơn, cái nọ là tiền đề của cái kia và ngược lại - Quy trình đó cứ thế phát triển, không ngưng nghỉ!.. Chì có Công Sản Quốc Gia là ngày một hao mòn mà thôi...
Công dụng của Cái Mồm Nói lớn lắm, khó mà kể hết. Chỉ xin điểm thêm mấy điều sau đây: Thời xưa dạy: "Nói hay không bằng cày giỏi", nhưng ngày nay nhiều khi ngược lại: "Người cày giỏi không bằng kẻ nói hay"! Một lời nói khéo có thể xoa dịu mọi cơn thịnh nộ. Một lời nói hay có thể làm mê hoặc lòng người. Một lời "bốc thơm" bề trên, cả bề trên và chủ của nó đều lên mây. Một kẻ ỉ thế, buông lời nạt nộ, ngàn vạn bầy tôi bay hồn, bạt vía.
Vậy, cuối cùng, xét theo bình diện xã hội thì giữa Công Tội của Cái Mồm, thì thứ nào hơn, thứ nào kém? Điều đó chắc phải nhờ cậy các nhà đạo cao đức trọng phân xử, kẻ hèn mọn này không dám lạm bàn.


Văn luận Trần Huy Thuận
Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét