Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 7. Văn Đò Đưa Vũ Bình Lục/ CHUÔNG KHÁNH MONG GÌ TRONG TRẺO HƠN?

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.2013
Văn Đò Đưa/ VŨ BÌNH LỤC
CHUÔNG KHÁNH MONG GÌ TRONG TRẺO HƠN?

Tôi đã lưu vào máy một bài thơ của Anh Vũ, bài Diềm bâu, định khi nào thong thả sẽ bình giải bài thơ này. Diềm bâu được các soạn giả cuốn Thơ Việt Nam thế kỷ XX (Thơ Trữ tình) chọn tuyển. Cũng không chắc đây là bài thơ hay nhất của Anh Vũ, nhưng câu thơ kết bài thì nhiều ý vị: Ấy ai cuối bọn cười vang nhất / Chuông khánh mong gì trong trẻo hơn? Vậy mà lại mới đây thôi, được đọc chùm thơ của Anh Vũ, in trên Tuần báo Văn nghệ số 34 (Ngày 20-8-2011), thấy một Anh Vũ thi sĩ vẫn rất mộc mạc chân quê. Rủ rỉ chân quê, mà nghiệm suy bác học, điềm đạm một phong cốt khó lẫn với ai…

 
BẾP ẤM

Cả đến bếp bây giờ cũng mấy khi có lửa

nồi cơm điện này ta hơ tay vào đâu

không có khói làm sao tìm ra dáng mẹ

chẳng lậm lụi gió bấc mưa phùn lại nhớ ông đầu rau


Ơ hay ông đầu rau sao chỉ thấy lưng còng
 
đội mãi nồi niêu nhọ nhem chừng xém mặt
cuối năm nào mẹ tôi cũng một lần nặn đất

cho ba ông cũ về tắm hụp với ao chuôm


Sùi bọt củi rào và lem lém rạ rơm

mẹ có nghìn tay cũng đầu gio mặt muội

tôi giúp gì hay chỉ quẩn bên chân

mẹ không mắng còn kéo con vào sưởi cho ấm bếp


Này mái bếp tuổi thơ bồ hóng đu đưa đen kịt

Tôi là rổ rá gác khói không mối mọt bao giờ

lại thoảng mùi cơm chín với lạc giã canh dưa

mẹ vẫn phần tôi củ khoai vùi nưng nức…



Bài thơ chỉ nói quẩn quanh, không gì ra ngoài cái bếp. Cái bếp bây giờ, để gợi nhớ cái bếp ngày xưa và từ đó mà khơi lên hình ảnh của quá khứ tro than lầm lũi, nhưng sâu nặng nghĩa tình…

Cả đến bếp bây giờ cũng mấy khi có lửa / Nồi cơm điện này ta hơ tay vào đâu?
Đấy là hai câu thơ mở đầu, “kể” tâm trạng của con người ở thời hiện đại, khi mà bếp ga, nồi cơm điện…đã thay thế, đã chiếm lĩnh và đỡ đần cho con người nhiều lắm. Tiện ích thì đã đành rằng thế, nhưng với những người đã từng trải qua cái thời nghèo khó và lạc hậu ngày xưa, lại hay thẩn thơ cả nghĩ, sao không khỏi bùi ngùi? Thời hiện đại, Cả đến bếp bây giờ cũng mấy khi có lửa, người ta đôi khi cũng đâm ra lười biếng, chả muốn nấu nướng lôi thôi bận bịu, kéo nhau đi ăn tiệm, vừa sang, lại vừa đỡ khổ đến thân. Thì đã đành rằng thế, nhưng kể cả khi nấu cơm ở nhà, thì nồi cơm điện này ta hơ tay vào đâu? Thế nghĩa là đã mất đi cái cảm giác của hơi ấm lửa nồng đã sưởi ấm tâm hồn con nguời suốt nhiều nghìn năm, thậm chí, cũng mới chỉ mấy chục năm, hoặc mấy năm gần đây thôi, sao không khỏi bùi ngùi?...Không có khói làm sao tìm ra dáng mẹ / Chẳng lậm lụi gió bấc mưa phùn lại nhớ ông đầu rau. Không có khói, bởi rằng bếp ga bếp điện đã chiếm lĩnh cái khoảng không gian nho nhỏ giành cho việc nấu ăn, thay cho những củi những rơm những rạ, nhiêu khê lắm lắm. Lại không phải lậm lụi mưa phùn gió bấc, sung sướng quá còn gì! Nhưng mà Không có khói sao tìm ra dáng mẹ? Đó mới chính là cái cảm giác rất lạ của niềm vui, của sự được và sự mất. Được, là được cái thụ hưởng sự nhàn nhã, văn minh. Đành rằng là thế, nhưng mà không có khói sao tìm ra dáng mẹ, sao có thể tìm ra những kỷ niệm tuổi ấu thơ bên mẹ hiền lam lũ mà chan chứa đầy vơi tình mẫu tử? Một ý thơ giản dị, nhưng không dễ tìm thấy trong cuộc sống tất bật sôi động ngày nay. Nhớ mẹ, cũng không thể không nhớ tới những ông đầu rau, với cả bà đầu rau nữa!


Khổ thơ thứ hai, tác giả tập trung vào hình tượng ông đầu rau, gắn với cuộc đời mẹ, và cả tuổi thơ của con lấm lem trong khói bếp. Ba ông đầu rau, không phải, giai thoại dân gian kể rằng hai ông và một bà, chứ chẳng phải ba ông, thú vị lắm. Họ đã từ dân gian mà đi vào văn chương, vào thơ ca, như những nhân vật đáng yêu, gắn bó với con người từ ngày xửa ngày xưa cơ! Ơ hay ông đầu rau sao chỉ thấy lưng còng / Đội mãi nồi niêu nhọ nhem chừng xém mặt / Cuối năm nào mẹ tôi cũng một lần nặn đất / Cho ba ông cũ về tắm hụp với ao chuôm…Cũng vẫn chỉ là kể, nhưng mà kể có kèm theo nghi vấn. Nghi vấn, gợi hình ảnh về cái lưng còng lam lũ, hay cái dáng lưng còng đội mãi nồi niêu đến xém mặt của các vị đầu rau, đã nhoi nhói hiện lên hình ảnh của mẹ già quanh năm vất vả, chịu đựng gánh gồng cả cái giang sơn nhà chồng, biết bao là thương khó?

Khổ thơ tiếp theo, hồi ức về mẹ, với Sùi bọt củi rào và lem lém rạ rơm , đi cùng tuổi thơ quẩn quanh bên bóng mẹ. Câu Mẹ có nghìn tay cũng đầu gio mặt muội chân thực và nhiều gợi cảm. Kết thúc bài thơ vẫn là chuyện cái bếp của tuổi thơ, với bồ hóng đu đưa đen kịt, với mùi cơm chín với lạc giã canh dưa, với củ khoai vùi nưng nứcrổ rá gác khói …Và tôi, cũng đen nhẻm như đám rổ rá kia, quẩn quanh hoài trong tình mẹ ấm áp chở che…

Bếp ấm
của Anh Vũ, chỉ là những câu chuyện dường như rất vụn vặt xung quanh cái bếp. Bếp nay, gợi nhớ bếp xưa, với những vật dụng thông thường, cái gì cũng nhem nhuốc, đen nhẻm bồ hóng, cay cay mùi khói rạ rơm củi rào…Và tâm điểm, lại chính là hình ảnh người mẹ tảo tần, giàu đức hy sinh, chan chứa nghĩa tình. Trong mắt những người con, người mẹ bao giờ cũng là hình ảnh gần gũi và vĩ đại nhất. Anh Vũ kể chuyện bếp, để gợi lại những kỷ niệm về cuộc sống đã qua, để tri ân quá khứ nghèo khổ mà ấm áp tình người quê kiểng. Đọc Bếp ấm, với những người đã sống qua một thời Bếp ấm, không thể không rưng rưng cảm động. Không hẳn do tài năng của thi sĩ, mà chính những chi tiết chân thực của quá khứ thân thương một thời nghèo khó, tự nó đã cất lên tiếng nói ấm nồng! Ấy là chưa nói vài mươi năm sau, đọc Bếp ấm của Anh Vũ, những người đầu xanh tuổi trẻ sẽ tìm thấy ở đây bóng dáng của một thời gian khó, một đi không trở lại, như một nét văn hoá phi vật thể đáng yêu về cuộc sống của cha ông…

 
SỚM QUÊ

Gần sáng tôi hay tắt điện

Nán lại chút hương vườn vào

Lúc này mọi vật như bóng

Riêng mình không thấy bóng đâu

Châng lâng cái gì cũng nhẹ

Phút đêm vào ngày tan mau

Cả ta chẳng còn ta nữa

Chuyện chi không cuối không đầu

Khởi sự là hương bát ngát

Thấm vào trong phổi thật sâu

Rồi nghe máu trong mạch đập

Mắt mở rung rinh sắc màu

Có sớm trong veo như thế

Ra vườn hỏi lá vài câu…
 

Cũng là cảnh quê, nhưng là cảnh một Sớm quê, cụ thể hơn, chính là nơi tá túc của gia đình thi nhân, đồng thời là nghệ nhân Anh Vũ. Sớm quê được thể hiện với một bút pháp khác với Diềm bâuBếp ấm. Nó là một kiểu thơ vừa thật vừa ảo, dân dã mà hiện đại. Vẫn là kể và tả. Kể rằng Gần sáng tôi hay tắt điện / Nán lại chút hương vườn vào…Và tả rằng Lúc này mọi vật như bóng. Chắc là sau một đêm ngủ say sưa dưới sao trời, cũng có thể là dưới màn trăng viên mãn, cây cối, và cả mọi vật trước vườn nhà thi nhân dường như đều thấm đẫm sương đêm, có cảm giác như mọi vật vừa được ai đánh bóng. Thi nhân có vẻ sửng sốt, như thể “ngạc nhiên chưa?”...Mọi vật trước mắt là vậy, như đang hiển hiện một sinh khí mới, tươi trong, láng bóng, lóng lánh gương soi. Còn người thơ thì cảm thấy Riêng mình không thấy bóng đâu…Không thấy bóng mình trước ban mai chưa nhú, còn đang tranh tối tranh sáng, là nghĩa thực. Nhưng đó cũng chính là ảo giác, siêu thực. Bởi là ảo giác siêu thực, cho nên mới Châng lâng cái gì cũng nhẹ / Phút đêm vào ngày tan mau / Cả ta chẳng còn ta nữa / Chuyện chi không cuối không đầu…
Một cảm giác thơ thật dễ thương, về sự chuyển hoá huyền ảo của thời gian mơ màng và trong trẻo. Đó chính là phút giây con người dường như đang lỏng dần ra, ảo giác như không làm sao nhận thức được bản thể, Cả ta chẳng còn ta nữa / Chuyện chi không cuối không đầu…Lỗi tại ở đâu? Hoá ra Khởi sự là hương bát ngát / Thấm vào trong phổi thật sâu…Tại cái mùi hương bát ngát kia cứ hồn nhiên vô tư luồn vào trong phổi, thấm sâu vào máu, khiến ta mắt mở rung rinh sắc màu…Diễn đạt một khoảnh khắc thiên nhiên trong vắt và thánh thiện như thế, phải nói là rất thi sĩ, và tài hoa nghệ sĩ.

Kết thúc bài thơ, tác giả viết: Có sớm trong veo như thế / Ra vườn hỏi lá vài câu…Một cái kết vu vơ, khoáng đạt mà gợi nhiều liên tưởng xa xôi.

Người ta thường bảo tuổi trẻ sung mãn mới sáng tạo được thơ hay. Riêng đối với thi nhân, tuổi trẻ thường có thơ tình hay, bởi đó là tuổi của yêu đương, của khát khao mãnh liệt. Nhưng đó là chỉ nói về thơ tình thôi, còn với thơ nói chung thì không hẳn là như vậy. Tôi cho rằng, thi nhân trải nhiều việc đời việc người, trong bụng đã no đầy sách vở, phải ở cái tuổi tri thiên mệnh trở lên, suy tư đã nhiều, trăn trở đã nhiều, mới có được những câu thơ, những bài thơ giàu hương vị sâu đằm của cuộc sống. Anh Vũ chính là một kiểu nhà thơ như thế!


Hà Nội 28-8-2011
 


MỘT THU CẢM VÂN LONG


Mở cửa-Đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố phải đi thôi
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người
Mùa thu-thu đến từng hơi thở
Thu đến từng thi tứ chín cây
Ai may áo mới cho Hà Nội
Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mang
Như người chưa bao giờ được trẻ
Tôi bâng khuâng với mặt hồ đầy
Bước vào khoảng không em để lại
Một lần thêm trống trải nước mây
Bất giác đưa tay lên hất tóc
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dày
Xỏe ra đôi sợi mang màu nắng
Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay!


Đò  Đưa: Bây giờ thì không phải là “đôi sợi vương màu nắng” nữa, bởi vì bài thơ “Thu cảm” Vân Long viết cách nay đã hai mươi năm có lẻ. Chả biết trái tim ông bây giờ có còn rung lên một cách “dữ dội”, khi bất chợt mùa thu đến, bất chợt “em” đi ngang qua như một “con gió” nữa hay không? Nhưng Thu Hà Nội thì còn mãi, còn trẻ mãi! “Mở cửa- Đường thơm hoa sữa gọi/ Phải bùng ra phố phải đi thôi”… Đã thấy gấp gáp, đã thấy giục giã. Ngoài kia có gì mà hấp dẫn thế, khiến thi nhân phải vội vã “bùng ra phố”, “phải đi ngay”, kẻo trễ? Thì ra là “đường thơm hoa sữa gọi”! Và cả “trời xanh màu cốm mới” nữa chứ! Thế là “chẳng ai đòi ai bắt”, nhà thơ ùa ra phố, theo tiếng gọi của trái tim mà hoà vào dòng chảy, mà “nhập vào thu với mọi người”…
Thi liệu không mới. Thì vẫn là thu Hà Nội, với những đặc trưng tiêu biểu, nhưng hấp dẫn ở cách thể hiện, cho thấy một tâm trạng nao nức, tràn đầy hứng khởi, trẻ trung tươi rói. “Bùng ra” là một động từ, nghe rất “văn xuôi”, nhưng đặt vào đây lại có nội hàm tâm trạng, chân thực và rất tự nhiên.
Khổ thơ thứ hai là nói cái độ “chín”, độ “căng” viên mãn của mùa thu. Hình như trời đất Hà Nội đều nhuốm vẻ thu, đều chín màu thu và rưng rức căng tròn như vồng ngực ai kia, đang “đợi tỏ bày”! Có thể là vồng ngực thu căng tròn trong làn áo mới. Có thể là vồng ngực căng tròn của một yểu điệu giai nhân nào đó, hay là một cảm giác thu  được trộn lẫn, xao xuyến, bâng khuâng…
Thì đây:
Em như con gió thổi qua ngang

Trẻ đến làm đau cả lá vàng”

Thế là rõ rồi! “Em” đã trở thành tâm điểm của mùa thu, hay cái yểu điệu thướt tha của bóng giai nhân đã thay “áo mới” cho thu, làm mùa thu trẻ lại? Hay cái rưng rức non tơ của ai kia, đã khiến cái trẻ trung rạo rực trong lòng thi nhân cũng muốn cựa quậy, cũng muốn “bùng ra” ? Câu “trẻ đến làm đau cả lá vàng” là một câu thơ tài hoa, của một người thơ từng trải, trong bụng đã thật nhiều gió nhiều trăng, đang đứng ở bên kia đỉnh dốc cuộc đời, mà tiếc nuối.  Một câu thơ hàm súc và nhiều nghĩ ngợi, nhiều ẩn ý, lại còn có cả cái tinh quái của một anh chàng đa tình, trái tim còn nhiều thổn thức, chưa muốn chịu “dừng yêu lại”, chưa muốn chịu già!
Mà cũng chả riêng bác Vân Long nhà ta mới đa tình đến thế! Đến như trời đất cỏ cây cũng còn đa tình đa cảm nữa là! Kia như “Lá phượng vụng về rơi mái tóc / Lại thành hoa rắc em mang”…Chữ “vụng về” thì quá hay rồi, vì nó Người hoá cả câu thơ, làm cho lá phượng cuối thu cũng biết bẽn lẽn, cũng biết ngượng ngùng, cũng biết đa tình mê đắm cái trẻ cái đẹp của mỹ nhân…Nhưng chữ “rơi” thì e rằng chưa thật đắt, bởi nó hơi thụ động. Ví như bác Vân Long mà đặt chữ  “gieo” chẳng hạn, thì có lẽ câu thơ sẽ sống động hơn, đa tình hơn nữa!
Ở trên là mượn cảnh mượn vật để gửi gắm tâm trạng. Hai khổ thơ cuối bài, lại là những giãi bày trực cảm. Một chút “bâng khuâng”, một chút cô đơn “trống trải”, khi mà ngọn gió mỹ nhân đã vô tình lướt qua, chỉ còn gieo lại một chút hương thu man mác, trên má, trên môi, và cả trên mái tóc thi sỹ đa tình :
“Bất giác đưa tay lên hất tóc / Bỏ quên đâu mái tóc xanh dày / Xoè ra đôi sợi vương màu nắng /Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay”…

Mở ra bằng những xao động hồn nhiên nao nức, với thu Hà Nội, với cái tươi non trong vắt của giai nhân, thấy yêu đời, yêu cuộc sống và những khát khao nhân bản, làm dịu mát tâm hồn. Kết thúc là một tỉnh thức, một tiếng thu sâu thẳm, nao nao buồn, như thể “mùa thu vương kẽ tay”…Vân Long là một nhà thơ viết nhiều. Nhiều thơ và nhiều thể loại văn chương. Ở thể loại nào thì cũng chỉ thấy một Vân Long đằm thắm tình người, khao khát sẻ chia và bao dung đôn hậu. Nhìn chung, thơ Vân Long không nhiều ồn ã tài hoa, nhưng lại chân thực hồn nhiên. Và chính sự hồn nhiên dung dị, đã thăng hoa như một phẩm chất đáng yêu của thơ và hơn thế, phẩm chất của tâm hồn. Với Vân Long, thơ chính là người vậy!

Hà Nội 10-06-2010


Vũ Bình Lục đò đưa thơ Anh Vũ & Vân Long
Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét