Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Mời tôn vinh Sách Văn Bạn Văn 2/ 9. Văn đò đưa ĐƯỜNG VĂN-HOÀNG DÂN RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyn Nguyên By
9. Văn đò đưa
ĐƯỜNG VĂN-HOÀNG DÂN
RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU

( Trích in )


1.     Rượu với Kiều – Kim



Trong Truyện Kiều, Kiều uống  rượu cùng Kim Trọng tất cả 7 lần. 2 lần trong đoạn đầu: gặp gỡ - thề bồi; 2 lần trong đêm đoàn viên - hội ngộ. Còn 3 lần trong thời gian gia biến - lưu lạc được Nguyễn Du tái hiện trong hồi ức của Kiều chỉ nhớ về lần uống thứ hai. Sau khi cùng chàng Kim quỳ bái dưới trăng: Tóc tơ căn vặn tấc lòng/trăm năm tạc một chữ đồng đến xương, thì đến cảnh: Chén hà sánh giọng quỳnh tương/Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng… sống lại trong trí nhớ của Kiều như vừa mới … đêm qua. Như vậy, thực tế Kiều - Kim đối ẩm có 4 lần. Giữa 2 lần đầu và 2 lần cuối cách nhau dằng dặc một khoảng thời gian 15 năm. Tố Như tiên sinh đã tả những lần ấy như thế nào.?

Chúng tôi cho rằng lần tả rượu – uống rượu cuối cùng (26/3223) trong Truyện Kiều:
Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
/ thì chắc chắn Kiều có tham gia nhưng chưa hẳn đã có mặt chàng Kim, nên tạm không tính vào đây. Cũng với quan niệm trên, chúng tôi sẽ bình luận riêng 3 lần Kiều uống rượu trong hồi tưởng ở tiểu mục  4:  Một mình Kiều với … rượu.

1.1.
Đủ điều trung khúc ân cần;
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng
.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non Đoài.

Hai người đối ẩm vào ban ngày, tại phòng trọ học của Kim Trọng, vào một ngày đẹp trời cuối xuân đầu hạ. Nhân dịp may hiếm có: cả nhà Kiều về bên ngoại dự sinh nhật, thế là cô gái đầu nhà họ Vương xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê, đang khắc khoải mong nhớ người yêu lập tức quyết định hành động táo bạo: Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường/Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng. Thì dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông. Hai người dắt tay nhau vào nhà, trò chuyện râm ran, ríu rít. Vừa trò chuyện vừa uống rượu; chuyện nhỏ, chuyện to, chén thù chén tạc. Bốn mắt nhìn nhau say đắm. Như quên hết chung quanh, chỉ còn biết có nàng, có chàng. Nguyễn Du đồng cảm sâu sắc với cặp uyên ương lần đầu được hưởng hạnh phúc ngọt ngào, ngất ngây của tình yêu thơ mộng. Câu thơ/ Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng/ 8 chữ, đắt cả 8. Từng chữ như muốn bay, muốn múa, nở hoa, tỏa hương. Lòng Kiều – Kim lúc này cùng phơi phới vui, say, tươi như ngày xuân, như mùa xuân, hoa xuân, tuổi thanh xuân tràn trề hạnh phúc trong mối tình đầu mới hé. Rót -  mời – nâng - cạn chén rượu này (không để ý, không cần biết là rượu gì!) là chén xuânchén tình say sưa, ngây ngất, được men rượu trợ hứng, càng nồng nàn lan tỏa. Cả hai, trong mắt nhau, càng trở nên xinh đẹp, phong lưu, hào hoa, yểu điệu mười phân vẹn mười. Tàng tàng là trạng thái mới bắt đầu say, hơi say: say ngà ngà, bung biêng chút chút. Nhưng cả hai (nhất là Kiều) vẫn đủ tỉnh táo để nhìn ra ngoài sân; và nhận rõ: Ngày vui ngắn chẳng đầy gang/Trông ra ác đã ngậm gương non Đoài. Thời gian tâm lý thật kỳ diệu. Cách diễn tả cũng tao nhã, hình ảnh biết bao. Sau này có lúc, trong tâm trạng ngược lại, Kim Trọng thấy: ba thu dồn lại một ngày dài ghê; còn bây giờ trời cho được ở bên nhau, sao một ngày (thời gian trừu tượng) lại có thể so với chưa đầy 1 gang tay (cụ thể?) Vừa mới gặp nhau, trò chuyện một chốc, thoắt đã cuối chiều rồi!

Trong lần gặp gỡ thứ ba này (lần đầu, đầu tháng ba năm ấy, ở hội Đạp thanh: tình trong như đã mặt ngoài còn e, lần thứ hai, bên tường, trên sân cạnh phòng trọ của Kim, Kiều – Kim tỏ tình, đổi trao kỷ vật, cách đó ít lâu), rượu – uống rượu đóng vai trò phụ: 1 nghi lễ tiếp khách quý, còn đóng vai trò chính: như chất xúc tác, trợ hứng, không thể thiếu, tuy nhiên ở đây, không quan trọng lắm. Với Kiều – Kim ngày hôm ấy, họ chỉ biết có nhau, càng nhìn, càng nói, càng nghe… càng như say, như ru, cuốn nhau, dìu nhau phơi phới bay trên biển sóng tình yêu càng lúc càng dào dạt. Không có rượu cũng đã say tình lắm, nhưng thù tạc nhau vài chén, thì cái chén xuân tàng tàng càng làm đắm đuối lòng xuân.

Bản thân tình cảm lứa đôi trai gái xưa nay luôn là một thứ rượu thần nồng nàn, mà ngọn lửa yêu đương chính là thứ men đắm say bậc nhất trong đời sống con người. Tình yêu ấy thường đẹp nhất, lãng mạn, hồn nhiên nhất ở lứa tuổi hoa niên - tuổi xuân, trong mối tình đầu. Hiểu quy luật tình cảm kỳ diệu ấy, mới càng thấy sự trẻ trung, đồng cảm sâu xa, rộng mở của tâm hồn lớn Nguyễn Du, tài hoa trác việt của nghệ sĩ thiên tài Tố Như.

Có lẽ đây là lần đầu và duy nhất, Nguyễn Du nói đến rượu – uống rượu một cách thật sung sướng, hồn nhiên, nhẹ nhàng, mà mê say, bay bổng đến thế, trong Truyện Kiều.


1.2.

Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia hai.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.

Chúng tôi phải trích hơi dài cốt cho đầy đủ cái lễ thề trang nghiêm, trịnh trọng mà giản dị, chân tình của Kiều – Kim giữa đêm trăng vằng vặc ấy. Từng câu, từng chữ, từng dòng, cả nhịp thơ, điệu thơ, lối đối: tiểu đối và đại đối… đều góp phần thể hiện không khí trang trọng, linh thiêng của cảnh vật và con người đang tiến hành và chứng kiến một trong những thủ tục, nghi lễ trọng đại bậc nhất của con người: Lễ thề tình yêu chung thủy. Kết thúc lễ thề trịnh trọng, trang nghiêm ấy là cảnh hai người cùng uống chén rượu thề (đồng ẩm) dưới sự chứng giám của trăng sáng, trời cao.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
/ Câu thơ 6 tiếng vang lên đĩnh đạc, trịnh trọng, nhịp 2/2/2 đều đặn, chậm rãi cốt ngầm tả từng động tác đưa tay, cất chén, đặt chén cùng lúc của chàng – nàng. Nếu ở lần đầu gặp gỡ trên, tác giả dùng chén xuân để đối xứng, tiếp nối với lòng xuân là rất phù hợp thì trong nghi lễ thề bồi này, Nguyễn Du dùng chén hà (cần phân biệt với cụm từ chén quan hà dùng trong lần Kiều uống tiễn Thúc Sinh sau này) với nghĩa chén rượu quý hiếm – quỳnh tương ngọc dịch - dùng cho các vị thần tiên trên trời. Một cách nói ước lệ, đẹp lời quen thuộc của thi pháp văn thơ trung đại. Nhưng trong trường hợp này là hoàn toàn thích đáng, phù hợp. Rượu - uống rượu, ở đây hoàn toàn mang ý nghĩa 1 nghi lễ phải có, cần có, cho nên không thấy tả cảm giác ngon hay không, say hay không say… là rất tinh tế. Kiều – Kim nghĩ gì trong khoảnh khắc nghi lễ tự nguyện đó? Nguyễn Du không tả nên người đọc có thể đoán phỏng, tha hồ liên tưởng, tưởng tượng theo chủ quan mình. Riêng tôi, tôi đoán: Họ chẳng nghĩ gì cả! chỉ rất hồi hộp, có phần sợ hãi nữa. Sợ cái gì, không rõ! Nhưng có điều họ biết chắc và tự khẳng định chắc chắn, rằng: Họ đã thuộc về nhau. Từ nay sẽ mãi mãi thuộc về nhau. Họ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu trong sáng và tình cảm thủy chung của mình. Cùng tin: lời dạ thề sẽ được trời đất, thần linh chứng nghiệm và sẽ có hiệu lực vĩnh viễn… (Hai trái tim mười tám, đôi mươi non nớt, ngây thơ đâu có ngờ lời thề nguyền chính đính trang nghiêm và vô cùng trong sáng đó sẽ bị vi phạm. Chỉ ít lâu sau, bi kịch tình yêu đã bắt đầu!). Nhưng chỉ ngay câu tiếp sau, điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du đã chuyển ngay sang con mắt và tâm trạng chàng Kim khi ngắm ý trung nhân của mình đang uống chén rượu thề dưới trăng. Ánh trăng – dải áo là - mùi hương (hương trầm, và hương từ quần áo, từ người đẹp thoang thoảng ) bỗng lẫn lộn, quyện hòa, lồng vào nhau, với nhau, lả lướt, quấn quýt, như bay, như mơ… trong cái đê mê, ngây ngất, tuyệt vời…

Bút pháp cổ điển đã manh nha mầm lãng mạn - hiện thực của thiên tài Nguyễn Du, trong đoạn này, có lẽ là ở đó.

1.3. Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa
…Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
.

Từ những năm 70 thế kỷ trước, trong một bài nghiên cứu về Nguyễn Du – Truyện Kiều, Xuân Diệu cho rằng đoạn Đoàn viên là một tấn bi kịch mới – bi kịch cuối cùng trong đời nàng Kiều; đó là bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều. (xem Xuân Diệu: Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, 1985?). Chúng tôi hết sức đồng cảm và khâm phục nhà thơ lớn – nhà phê bình thơ xuất sắc về nhận xét đầy tính phát hiện ấy. Nay muốn nối thêm đôi ý vụn vặt liên quan ít nhiều đến rượu – uống rượu trong đoạn hội ngộ này.

Câu chuyện được khơi mào không phải từ Thúy Kiều, Kim Trọng hay Vương Quan, hoặc hai vợ chồng lão viên ngoại…mà lại chính là từ… Thúy Vân, em gái ruột của Kiều, phu nhân của tri huyện Kim từ 15 năm qua. Trong bữa tiệc gia đình mừng sum họp, tại quan nha, đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy: / Tàng tàng chén cúc dở say/ Đứng lên, Vân mới giãi bày một hai…

Đây là lần thứ 23  trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết về rượu - uống rượu với dụng ý nghệ thuật rõ ràng và tinh tế. Nhưng trước hết, ta hãy giả sử: nếu không có cái say ngà ngà do ngấm men vài chén rượu cúc (một loại rượu màu, rượu mùi nồng độ cồn nhẹ) thì liệu nàng Thúy Vân có dám đứng lên để giãi bày một câu chuyện vô cùng trọng đại, vô cùng khó nói, ngay cả với chính mình, trước cả nhà như thế hay không? Chúng tôi nghĩ, theo lôgich tâm lý, lô gich tính cách nhân vật Thúy Vân, trong hoàn cảnh ấy, nàng cũng sẽ vẫn đứng lên, vẫn nói hết ý kiến của mình. Bởi đó là điều Vân đã từng nung nấu, suy nghĩ đắn đo, đã tự làm việc với tâm não mình, chí ít cũng từ lúc gặp lại Kiều đến giờ. Và có lẽ đây là chủ quyết dứt khoát, kiên định của nàng. Nàng không muốn hoặc không thể hoặc không cần bàn qua hay hỏi ý kiến chồng (Kim Trọng). Có thể vì sợ Kim phản đối, hai vợ chồng lại tranh cãi lôi thôi! Theo Vân, đây là quyết định hoàn toàn hợp tình, hợp lý để đền bù lại bao nhiêu đau khổ, hy sinh mà chị ruột nàng phải một mình gánh chịu vì gia đình, vì nàng. Thế nhưng, tại sao Vân không nói ngay lúc mới gặp ở chùa, hoặc lúc mới về, hoặc lúc vào tiệc mà phải đợi đến lúc tàng tàng dở say? Hơn nữa, trong chuyện tế nhị này, trong gia đình họ Vương, chỉ một mình Thúy Vân nói ra, đưa ra đề nghị mới là hợp lý, hợp tình, hợp cảnh nhất. Tôi nghĩ đó chính là chỗ Nguyễn Du tâm lý và tinh tế. Một là, để có thêm thời gian cân nhắc lần cuối trước khi trình bày ý kiến trước cả nhà. Hai là, để thúc đẩy, vững chắc thêm quyết tâm, dũng khí (Tôi cho rằng, nói được rõ ràng, liền mạch, một mạch ý kiến trọng đại này, Thúy Vân phải tự vượt lên mình rất nhiều, bao dung, đại lượng và chấp nhận sự thiệt thòi, hi sinh rât nhiều. Bởi lẽ (sau khi quyết định được thực hiện, sẽ không phải là cảnh chồng chung, 2 chị em cùng lấy 1 chồng: em: vợ cả, chị: vợ lẽ…thì cũng đã ai dễ chịu nhường cho ai, dù là ruột thịt! mà ở đây là vợ nhường chồng, nhường hẳn, trả hẳn!!!) Thế cho nên trong thâm tâm, chắc Vân cũng đau đớn, giằng xé lắm chứ! Nhưng rồi cái nghĩa tình chị em ruột thịt, lòng kính yêu và biết ơn sâu nặng đối với Kiều trong Vân đã chiến thắng. Nhưng vẫn cần có chút rượu, chút hơi men ngà ngà say để tăng thêm dũng khí, đánh bạt hẳn sự do dự, đắn đo, ngập ngừng đang loảng thoảng, vấn vương trong lòng, để Vân có thể nhất khí quán hạ, một hơi trình bày xong chủ kiến của mình… và bình tâm ngồi xuống chờ nghe ý kiến mọi người. Như thế, dù chỉ lại đóng vai trò xúc tácdung môi gần giống như cảnh lần đầu Kiều – Kim song ẩm chén xuân. Cả hai lần, người uống đều tàng tàng, bồng bềnh… Trạng thái ngà ngà vô cùng khoan khoái ấy, đã một lần chắp cánh đưa Kiều – Kim lên đỉnh Giáp – Non Thần của mối tình đầu hé nở, lần này lại giúp Vân hoàn thành nhanh gọn, dứt khoát lời đề nghị chí tình chí nghĩa của mình.
Có lẽ bởi lần này cốt kể chuyện tâm lý, tâm tình, rât hiện thực đời thường nên Nguyễn Du không hình ảnh hóa, mỹ lệ hóa rượu, chén, mà ông viết giản dị: chén cúc – chén rượu cúc, đơn giản vậy thôi!
Nhưng Vân vừa dứt lời thì Kiều đã lập tức đứng dậy gạt đi, phản đối. Chàng Kim lập tức phản đối, chất vấn lại Kiều. Kiều hùng hồn, tha thiết phản bác, nói rõ ý nguyện của mình. Chàng Kim bẻ lại bằng những lý lẽ sắc bén, hết điều. Hai thân thì cũng quyết theo một bài. Cuối cùng,…Thúy Kiều đành cúi đầu ngắn dài thở than và miễn cưỡng chấp nhận!

Đến đây, tạm kết cảnh  đầu trong màn kịch cuối – đoàn viên.

Một lưu ý nhỏ bạn đọc: Tiệc vui thì hẳn phải có nhiều rượu, uống rượu nhiều để tăng vui. Đó là chuyện thường. Nhưng ở bữa tiệc vui sau 15 năm mới có này, rượu - uống rượu hầu như chỉ đóng vai trò rất nhỏ,  đủ gây cảm giác tàng tàng để Thúy Vân bắt đầu câu chuyện của mình. Thế thôi! Còn từ đó trở đi cho đến mãn tiệc, hình như mọi người đều chỉ mải nói, mải biện luận, tranh luận, phản bác, mải nghe, mải nghĩ, đến mức hình như quên bẵng cả chuyện uống, ăn… Thúy Vân là người khơi mào bằng một ý kiến khá dài, rõ ràng, dứt khoát. Sau đó, nàng chỉ ngồi im, lắng nghe, và rất tự tin, rằng cuối cùng ý kiến đúng đắn của mình sẽ được thực hiện. Nhưng câu chuyện nhà họ Vương đâu có đơn giản, xuôi chèo mát mái như vậy!

Cảnh kịch thứ 2 với những bất ngờ mới mà rượu – uống rượu vẫn lại đóng vai trò không thể thiếu.
Nói cho chính xác, đã có 2 bữa tiệc đoàn viên nối tiếp nhau. Một tiệc lớn, chung, dành cho cả nhà, như vừa nói qua ở trên. Một tiệc nhỏ, dành riêng chỉ cho 2 người hoa xưa, ong cũ mấy phân chung tình. Bữa tiệc mà cả hai đã hết lòng chờ đợi suốt 15 năm nay, và không một ai có thể ngờ, nó, cuối cùng đã trở thành hiện thực! Nguyễn Du tả bữa tiệc này rất dụng công, dụng ý, chi tiết, tinh vi. Ở đây, chỉ xin tập trung vào chủ đề bài viết: cách tả, dụng ý tư tưởng – nghệ thuật của rượu – uống rượu trong tình huống – cảnh kịch cuối mà thôi.

Trang trọng, thiêng liêng mà thân mật, gần gũi, là thực mà vẫn như mơ, cả hai người vẫn dường như không tin vào sự thật.  Còn Nguyễn Du? ông vẫn coi đây là đêm động phòng hoa chúc của Kim tân lang –Vương tân nương. Nhà thơ đồng cảm sâu xa, hoan hỉ chúc mừng hai nhân vật yêu quý nhất của mình. Câu thơ, hình ảnh thơ, nhịp thơ… cũng như muốn dặt dìu, muốn bay, muốn múa khúc hoan ca hạnh phúc. Mà quả thật, trải 15 năm, vượt qua bao ghềnh thác, bão táp của cuộc đời luân lạc, nổi chìm, chung thủy đến cùng trong mối tình đầu của mình, giờ đây họ mới có được hạnh phúc thực sự, mới có được đêm tân hôn, động phòng thực sự! Dìu dặt chén mồi! Cách nói vừa thân mật, gần gũi vừa sang trọng, đài các, vừa uớc lệ vừa hiện thực. Chén đựng rượu  làm bằng đồi mồi cực quý hiếm. Dìu dặt dặt dìu hết chén tiếp chén mời nhau trong ánh nến lung linh, trong mùi hương trầm thơm thoảng. Men rượu và men tình yêu, hiện tại và dĩ vãng 15 năm chảy trôi, tái hiện, đồng hiện trong tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi: buồn nhè nhẹ, man mác, tiếc nhớ, cảm thương…
Phải chăng đây là những giây phút ngắn ngủi, rất ngắn ngủi, sau 15 năm gặp lại, Kiều – Kim lại được hưởng khoảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc, tuy không hoàn toàn giống với cảm giác 2 lần uống chén xuân tàng tàng và chén thề dưới trăng 15 năm trước!?

Nhưng tiếc thay, giây phút thần tiên ấy trôi qua rất nhanh…!

Thông minh và quả quyết như Kiều, dù rất muốn, cũng không thể tự cho phép kéo dài quá lâu, dễ sinh chuyện khác, khó xử thêm! Kiều tỉnh táo và dịu dàng, nghiêm trang nói lại một lần nữa chủ kiến và đề nghị của mình một cách cụ thể, đủ chứng lý mà không thiếu nghĩa tình, biện luận, lường trước đủ mọi đường gần xa … Chàng Kim chỉ còn biết lặng nghe lời nói như ru, càng nghe càng ngạc nhiên, bất ngờ, thầm lấy làm kỳ lạ, càng thấm, càng kính, càng yêu, càng phục … và hoàn toàn tán thành quyết định của người thục nữ chí cao: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ! Kiều thì khấu đầu lạy tạ chàng Kim – quân tử khác người. Nguyễn Du viết tiếp:

Thoắt thôi, tay lại cầm tay
Càng yêu vì nết, càng say vì tình.
Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
.
Tình xưa lai láng khôn hàn…



Nguyễn Du vẫn tiếp tục tả rượu – uống rượu một cách trang trọng, ước lệ để tả - kể kết cục của đêm đoàn viên có một không hai này. Từ chén đồi mồi (chất liệu) chuyển sang chén rượu tiên (quỳnh tương). Giao hoan: giao đãi niềm vui với nhau. Kết thúc thật bất ngờ, có hậu, viên mãn, tình ý đều thông, tràn trề, lai láng

Nhưng đọc kỹ, đã thấy có cái gì gượng gạo, không thực! Bởi lẽ đơn giản, tác giả đã đi ngược lại lô gich cuộc sống; cố ép cho kết cuộc đoàn viên phải có hậu đẹp đẽ mọi bề! Bắt đầu từ đây, tôi cho rằng cả Kiều – Kim (nhất là Kiều) sẽ phải ngấm ngầm chịu đựng đến tận cuối đời tấn bi kịch vô vọng mà chính mình (nói đúng hơn là chính Kiều tự gây ra và Kim vì bị động và quá yêu Kiều mà tán thành!). Bởi Kiều vẫn hằng ngày sống chung một mái nhà với chàng Kim yêu dấu ấy mà bây giờ chỉ là bạn, chỉ là em rể?! Quan hệ mới ấy sẽ duy trì ra sao, liệu có một chiều êm ả?! Và ngược lại, sau phút bồng bột bị Kiều thuyết phục, trong tương lai, chàng Kim sẽ thanh thản chăng, yên lòng chăng, hạnh phúc chăng… khi tiếp tục làm vợ chồng với Thúy Vân mà trái tim vẫn chỉ khắc khoải hướng tới Thúy Kiều?

Luận theo lôgich ấy, tôi nghĩ, lần tả rượu - uống rượu cuối cùng (26) trong Truyện Kiều:/ Khi chén rượu, khi cuộc cờ,/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên. 

Phải chăng là lần tả gượng gạo nhất, đơn điệu, lặp lại, vô hồn, sáo, giả nhất, công thức nhất, không thật nhất?! Chúng tôi cho rằng, đó chỉ là câu thơ dùng biểu tượng - ẩn dụ tả cuộc sống thường nhật của Kiều và gia đình họ Vương. Theo thời gian bàng bạc, cứ đều đều, êm ả trôi đi, chẳng có gì đáng nói nữa. Những hình ảnh, sự việc (chén rượu, cuộc cờ, xem hoa nở, chờ trăng lên…) đã bị tước đi đến 99% nghĩa đen để thay bằng 99% nghĩa bóng – với công thức tao nhã thành khuôn sáo: cầm - kỳ – thi – tửu, chỉ nếp sống của những gia đình phong lưu đài các, quan lại, danh gia vọng tộc phương Đông xưa. 

Kết cấu khi… khi… (lặp lại tới 4 lần; trong Truyện Kiều, kết cầu này được Nguyễn Du ưa thích, sử dụng vài lần ở các mức độ khác nhau, nhằm những dụng ý nghệ thuật khác nhau. Riêng lần cuối này, nó tỏ ra rất đắc dụng (có khi ngoài ý muốn ngợi ca, biểu dương của tác giả?!): khắc họa nhịp sống thong thả, nhàn tản và vô vị của nhà ông bà viên ngoại mà Thúy Kiều là một thành viên góp phần tạo nên và duy trì cuộc sống ấy, lối sống ấy, nhịp sống ấy.

Bởi vậy, chén quỳnh mà hai người đang chuốc, mời nhau từng chén, từng chén kia, chưa chắc đã giao hoan thực sự. Tôi ngờ rằng có khi cả hai đều phải tự gồng mình lên, cố làm ra vẻ như vậy (nhất là Kim Trọng)! Và cuộc rượu – uống rượu ở đây, trong trường hợp cụ thể này, không thể giúp hai người cùng say sưa, ngây ngất như những lần uống trước đó, mà chỉ giúp họ cố nuốt trôi cục mâu thuẫn bất khả giải mà cách giải quyết của Kiều, thực chất của Thanh Tâm Tài Nhân – Nguyễn Du, chẳng qua cũng chỉ là  một cách  giải quyết nửa vời, đạo đức chủ quan, không tưởng… mà thôi!



(..2 và 3..) 4. Một mình Kiều với… Rượu


Đặc điểm chung của cả 4 lần Kiều một mình uống rượu, với rượu là Nguyễn Du đặc tả dòng tâm tư của nhân vật trữ tình trong 4 tình huống – hoàn cảnh khác nhau bằng cách nhập thẳng vào nhân vật để độc thoại, độc thoại nội tâm. Tâm trạng chủ yếu – nổi bật của nhân vật trữ tình là sự cô đơn vò võ, buồn nản cực độ, chán đời, chán mình, tự phủ định mình ngày càng triệt để. Kiều không biết chia sẻ, tìm sự đồng cảm với ai, ở ai nên đành chỉ còn một cách duy nhất là sống lại quá khứ, nhớ về những người thân yêu nhất với những kỷ niệm thiêng liêng hay ngọt ngào nhất, đã qua từ lâu và dường như sẽ không bao giờ trở lại, gặp lại. Trong đêm trao duyên, trong lời tâm sự đẫm nước mắt với em gái Thúy Vân, thực chất vẫn là lời độc thoại của Thúy Kiều (vì Thúy Vân hoàn toàn im lặng trong suốt cả cuộc trao duyên dầy hệ trọng ấy). Ngòi bút miêu tả, phân tích tâm lý bậc thầy Nguyễn Du đã sáng tạo ra những câu thơ chan chứa cảm thông, yêu thương, chia sẻ với người con gái tài hoa bạc mệnh. Đó cũng chính là những câu thơ đẹp nhất, hay nhất, sâu sắc, hấp dẫn nhất về nghệ thuật thể hiện thế giới bên trong, thế giới tâm hồn đầy bí ẩn của con người. Trong đó, rượu – uống rượu góp một phần không nhỏ tạo nên thành công đi trước thời đại. Càng thú vị hơn, khi khảo sát từng lần bên chén rượu độc ẩm, Kiều ngồi một mình, mơ màng, đăm chiêu hồi tưởng, ta vẫn thấy ngòi bút Nguyễn Du biến hóa linh hoạt, không hề chung chung, lặp lại.



4.1.



Thề hoa chưa ráo chén vàng

Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa.

Tâm trạng nổi bật trong hồi tưởng lần đầu của Kiều là mặc cảm tội lỗi do mình gây ra với chàng Kim, người yêu lý tưởng đầu đời. Theo dõi câu chuyện gia biến mắc oan vừa xảy ra với gia đình Kiều cùng quyết định và hành động kịp thời, đúng lúc (bán mình chuộc cha) của nàng đã chuyển nguy thành an, ta thấy Kiều thật xứng đáng là trụ cột duy nhất của nhà họ Vương trong hoàn cảnh ấy. Thông minh, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, đặc biệt là dám hi sinh tất cả tấm thân đáng giá ngàn vàng của mình, tình yêu đầu vừa mới hẹn thề để đền ơn sinh thành của cha mẹ và cứu hai em thoát vấn nạn tày trời. Suốt mấy ngày nước sôi lửa bỏng vừa qua, chẳng có lúc nào Kiều nghĩ riêng cho bản thân, cho mối tình riêng của mình. Mãi đến khi công việc tạm yên, khi cha, em đã được tha về, khi cả nhà đang mệt mỏi chìm trong giấc ngủ, thì riêng Kiều vẫn một mình nàng, ngọn đèn khuya, mới có dịp nghĩ tới chuyện riêng của mình, trong tâm trạng chưa nguôi thảng thốt vì đại họa vừa qua như cuồng phong bão tố, thoắt đảo lộn tất cả, phá nát, đập tan, cắt phăng mối tình đầu đẹp như mơ mà nàng vừa mới được nếm qua hương vị. Dòng độc thoại nội tâm dâng tràn miên man, (cơ hồ chỉ tạm dứt khi emVân chợt tỉnh giấc), không biết bao giờ khắc đã trôi qua trong nước mắt ròng ròng: Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn. Nhưng thủy chung và nổi lên choán ngợp tâm tư Kiều đêm ấy chỉ hướng về Kim Trọng với tình yêu càng thêm bỏng cháy, giãy giụa, tuyệt vọng, với mặc cảm mình chính là người đầu tiên phản bội lời thề, là kẻ chẳng ra gì! Nàng tự giày vò mình, dằn vặt mình, tự kết tội mình một cách nghiêm khắc, nặng nề. Trước tiên là nhớ tiếc cái đêm trăng thề nguyền trong vườn Thúy vừa mới hôm nào:

Thề hoa chưa ráo chén vàng

Câu thơ hồi tưởng tái hiện sự việc xen kẽ 2 từ Hán Việt trang nghiêm, sang trọng (thề (dưới) hoa, chén vàng) với 2 từ thuần Việt nôm na, gần gũi (chưa ráo) thể hiện phần nào cảm xúc ngổn ngang, tâm trạng rối bời tiếc nuối của nàng Kiều. Giờ đây, không còn là chén xuân, chén hà, chén quỳnh… nữa, mà là chén vàng (tất nhiên vẫn là cách nói ước lệ), với nghĩa chén bằng vàng, chén cực quý hiếm để đựng rượu thề. Mới thấy Kiều coi trọng nghi lễ thề bồi ấy đến thế nào. Vậy mà, bỗng nhiên nghi lễ trang nghiêm ấy, lời thề thiêng liêng ấy bị phản bội phũ phàng, bị giày xéo tàn nhẫn! Mà kẻ phạm tội đáng nguyền rủa ấy, khốn nạn thay, lại do chính bản thân nàng tự gây ra!

                        Câu thứ hai: Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa!

Với cụm từ lỗi thề, ý nhận lỗi, nhận tội được đặt lên đầu một cách dụng ý hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình. Từ thôi vang lên như tiếng thở than não nuột, đành lòng cam chịu trước hậu quả một sự việc đã rồi. Thực ra, trong hoàn cảnh cụ thể ấy, với tính cách và tâm hồn Kiều, giải pháp của nàng là hoàn toàn đúng đắn, khả thi và hiệu quả duy nhất. Nàng cũng biết rõ như vậy. Nhưng đến phút này, khi sóng gió tạm yên, nghĩ đến chuyện riêng của mình, mới thấy càng giận thân, càng đau xót, tiếc nuối, nhất là khi nghĩ về chàng Kim. Kiều thuộc loại con gái hết mình vì tình yêu, yêu người yêu hơn chính bản thân mình. Lời thề vàng đá: trọn đời chẳng ôm cầm thuyền ai còn văng vẳng bên tai, chén vàng rượu thề còn chưa ráo, hơi rượu quý còn thoang thoảng đâu đây…mà nàng đã phụ bạc chính những lời nàng mới khấn nguyện hôm nao, phụ bạc chén quỳnh nàng vừa nhắp đêm nao, thì còn gì đau đớn, khổ sở hơn! Mặc cảm tội lỗi, phản bội này sẽ còn đeo đẳng, day dứt, ám ảnh Kiều suốt 15 năm lưu lạc, đến cả trong đêm đoàn viên hội ngộ, và có lẽ suốt cả cuộc đời người đàn bà tài hoa bất hạnh.

Thế là, chén rượu thề mới đêm kia sóng sánh ánh trăng vàng, ngỡ chừng vĩnh viễn gắn chặt  hai con tim, có ngờ đâu, đêm nay lại thành chén nhớ, chén thương, chén tiếc, chén lỗi, chén lệ đong đầy nước mắt yêu thương, nhớ tiếc, hối lỗi, đau đớn, cô đơn vô hạn… của  một mình Vương Thúy Kiều.



4.2.



Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Không đơn giản chỉ là lời kể lể vân vi, khúc nhôi câu chuyện tình sâu kín lần đầu tiên hé lộ cho đứa em gái ruột biết để nhờ cậy nó một việc tối quan trọng và khó nói mà còn là dòng hồi ức chở nặng nỗi lòng đau xót, đắng cay, tiếc nuối, yêu thương, ân hận của nàng Kiều hướng về chàng Kim vô vàn yêu dấu. Kiều nói với em nhưng thực chất là lại thổn thức với lòng mình, sống lại từng kỷ niệm thần tiên, thiêng liêng cùng người tình đầu tiên, vừa mới đem nao nay thoắt đã thành kỷ niệm, thành dĩ vãng. Trong giọng kể lể chậm rãi, đượm đà vẫn thoáng nhói từng cơn nấc nghẹn: khi…, khi... Một lần nữa chén thề được nhắc tới trong đêm thề nguyền như còn tỏa hương nồng nàn đâu đây…



4.3. 



Tưởng người dưới nguyệt, chén đồng

Tin sương luống hãy rày trông mai chờ

Bên trời góc bể chơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?

Đây là lần thứ  3 Kiều nhớ Kim, đoạn trước lầu Ngưng Bích nổi tiếng thi trung hữu họa, hữu nhạc, hữu tình… xưa nay. Nói là lần thứ 3 vì trước đó, sau đêm thất thân với Mã Giám sinh, Thúy Kiều trong đau đớn, ê chề càng tiếc hùi hụi cho chàng Kim. Nguyễn Du cách ta hơn 200 năm đã viết được những câu thơ không chỉ chứa chan đồng cảm mà còn rất tâm lý, rất hiện đại: Phẩm tiên rơi đến tay hèn/Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai?/Biết thân đến bước lạc loài/Nhị đào thà bẻ cho người tình chung/Vì ai ngăn đón gió đông?/Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi/Trùng phùng dù họa có khi/Thân này thôi có ra gì mà mong…(Chỉ tiếc là cả đoạn độc thoại vô cùng thành thật, mạnh bạo và đau đớn ấy không nhắc gì đến rượu – uống rượu nên không thuộc phạm vi khảo sát của bài này).

Nếu ở lần đầu hồi tưởng, chuyện cũ vẫn còn nóng hổi, rớm máu, sặc sụa mùi vàng mới trao (hẳn ít nhiều liên quan đến việc tác giả chọn dùng từ chén vàng?), Kiều chủ yếu nhớ là nhớ đến đêm thề, lời thề với mặc cảm lỗi thề, phụ thề, phụ phàng với hoa …Hình ảnh chàng Kim chưa phải là trung tâm của nỗi nhớ  như đã phân tích ở trên, thì lần này, sự việc đêm thề nguyền trọng đại dưới trăng vàng đã mờ đi, lùi xuống hàng thứ hai để hình ảnh chàng Kim vời vợi mà gần ngay gang tấc hiện lên trước mắt đang cùng nàng nâng chén đồng tâm, đồng ý, đồng tình tạc một chữ đồng đến xương. Nhà thơ chọn tưởng chứ không dùng nhớ, hoặc nghĩ… là khá tinh  tế; vì tưởng nói rõ hơn cái khoảng cách thời gian – không gian so với lần nhớ trước, đã càng rộng, càng xa, ….lắm rồi. Hình ảnh dưới nguyệt chén đồng (dưới vầng trăng vằng vặc giữa trời, đôi uyên ương cùng uống cạn chén rượu thề), một lần nữa và sẽ còn nhiều lần nữa… hiện lên ngọt ngào mà nhức buốt trong tâm trí Kiều. Trước cảnh thật hiện tại bát ngát biển xanh, cát càng cồn nọ, vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung, trong nỗi bẽ bàng của người vừa quyết quyên sinh cho thoát nợ đời mà không thể thoát, Kiều ngồi một mình trong căn lầu vắng mà chia tấm lòng. Nỗi nhớ lại ào ạt, cuộn lên, cuộn lên như sóng cồn ngoài khơi. Và lạ thay, hợp lý, hợp tình thay, người đầu tiên hiện lên trong trí tưởng của người con gái họ Vương không phải là hai thân, em gái hoặc em trai mà là Kim lang yêu dấu. Nhưng lần này, mặc cảm tội lỗi phụ lời thề hình như, theo thời gian, có giảm đi ít nhiều phần dữ dội, cào xé trái tim nàng cũng là hợp quy luật của tình cảm, tâm lý con người. Giờ đây, nổi lên trong nỗi nhớ da diết diết da là tình yêu thương, xót xa đắm đuối, hoàn toàn nghĩ về, hướng về, đặt mình vào vị thế và tâm trạng của chàng Kim để cùng chàng đang khắc khoải rày trông mai chờ tin Kiều nhi. Như nghe tiếng chàng vượt biển, vọng về hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng, khi xa, khi gần: - Kiều  nhi! Kiều nhi! K - i – ề - u… nhi- i…Nàng ở đâu???!!!

Kiều dường quên hết hiện tại, bản thân, để sống lại, sống trong nỗi nhớ, hồi tưởng, thấy như hình ảnh hào hoa phong nhã của chàng Kim lồng lộng vừa cạn xong chén rượu lóng lánh trăng vàng đã phất tay áo lướt trên làn sóng biếc, ung dung, hớn hở đến cạnh nàng. Nhưng Kiều vừa giơ tay định nắm tay chàng thì Kim lại mỉm cười lùi ra xa, xa mãi, rồi quay lưng mờ dần, mờ dần, mất hút cuối làn sóng bạc. Kiều khản tiếng gào thảm gọi theo… nhưng thảy đều vô vọng.…!!! Lại chập chờn hiện lên cảnh chén đồng dưới nguyệt đêm nao, ngây ngất cùng ai… để rồi lại chạnh nghĩ đến bản thân mình trong cơn ba đào hiện tại: Bên trời góc bể  bơ vơ/Tấm son gột rửa bao giờ cho phai? Với mặc cảm tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề  này đã bị nhục nhã, nhơ bẩn, hoen ố,… đến tận cùng!

Hơi rượu thề vẫn như còn thoang thoảng đâu đây trong bẽ bàng, ngậm ngùi, tủi hổ lại vừa nhoi nhói lên trong trái tim rỉ máu của người con gái họ Vương, trong đêm trăng cô đơn não nùng ở lầu Ngưng Bích.

                                                                

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình, xót xa!



Ai chưa từng một lần say rượu đến hôn mê thì cũng khó mà thấm thía cái trạng thái “tỉnh rượu”. Đó là cái khoảnh khắc mà thân thể ra rời, mồm miệng đắng ngắt và đầu óc thì hoàn toàn trống rỗng. Bởi sau cơn ngộ độc một hàm lượng cồn quá lớn, con người từ chỗ chợt quên tất cả (hôn mê) đột ngột chuyển sang trạng thái chợt nhớ lại tất cả (tỉnh rượu); nhớ một cách đầy đủ, chính xác và lạnh lùng. Nhớ để có một cuộc đối thoại sòng phẳng, quyết liệt với chính mình. Cho đến nay, vẫn có ít nhất hai cách hiểu về dòng 6 : Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh:

-  Hai cụm từ  kể - tả hai thời điểm khác nhau mà Kiều đều có trạng thái “Giật mình”.

-  Hai cụm từ  kể - tả một thời điểm vừa có quan hệ nhân quả, vừa có quan hệ tăng tiến để đặc tả trạng thái “giật mình” của Kiều (Diễn nôm: Khi tỉnh rượu vào lúc tàn canh thì Kiều giật mình và thương mình, xót xa).

Chúng tôi nghiêng về cách hiểu thứ nhất, căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp và cách ngắt nhịp đột biến của dòng thơ này.

Về cấu trúc ngữ pháp, ta thấy:

- Trong cụm danh từ “Khi tỉnh rượu” thì “Khi” là danh từ trung tâm, “tỉnh rượu” là định ngữ làm rõ nghĩa cho “khi” và trả lời câu hỏi: Khi nào? Nhưng ở trong văn bản thì “tỉnh rượu” không chỉ thực hiện chức năng cú pháp, mà quan trọng hơn, còn thực hiện chức năng thẩm mĩ. Do đó, người ta gọi là “định ngữ nghệ thuật. “tỉnh rượu” không chỉ làm rõ nghĩa cho “khi” mà còn xây dựng hình tượng về “một khoảnh khắc thời gian tâm trạng”. Như vậy, “Khi tỉnh rượu” là một thời điểm độc lập với “lúc tàn canh”.

- Tương tự, trong cụm danh từ “lúc tàn canh” thì “lúc” là danh từ trung tâm, “tàn canh” là định ngữ làm rõ nghĩa cho “lúc” và trả lời câu hỏi: lúc nào?... Nói cách khác, “lúc tàn canh” là thời điểm độc lập với “Khi tỉnh rượu”. Trong thực tế, hai thời điểm này có thể diễn ra gần nhau, thậm chí trùng nhau, nhưng về bản chất, chúng vẫn độc lập tương đối. Vả lại, trạng thái tâm lí của khoảnh khắc “tỉnh rượu” và “tàn canh” vốn có khá nhiều khác biệt; trong đó “tỉnh rượu” là chợt tỉnh lại sau một cơn hôn mê vì rượu (có thể là ngộ độc rượu), còn “tàn canh” (khoảng 3 - 4 giờ sáng) là lúc chợt thức giấc và không thể nào ngủ lại hoặc ngủ tiếp được nữa, đành thức trắng đến sáng. Trong khoảng thời gian này con người thường nghĩ ngợi miên man, vẩn vơ, thảng thốt, vui buồn… Cả hai trạng thái “tỉnh rượu” và “tàn canh” đều vô cùng mệt mỏi, nhưng “tỉnh rượu” mệt vì rã rượu, còn “tàn canh” mệt vì thiếu ngủ….

Về cách ngắt nhịp của cả câu lục bát: Dòng 6 thường có nhịp 2/2/2, dòng 8 là 4/4 nhưng ở đây là nhịp 3/3 và 2/4/2 - một cách ngắt nhịp đột biến, lạ. Cách ngắt nhịp này dường như đã góp phần mô phỏng nhịp điệu tâm hồn (điệu hồn) bất an của nhân vật vào những thời điểm khác nhau; bởi nếu chỉ là một thời điểm thì có thể nhịp thơ sẽ là 2/2/2 và 4/4 chăng? (chẳng hạn, để minh chứng: Mỗi lần/tỉnh rượu/tàn canh; Giật mình thon thót/thương mình xót xa!).

Nếu cuộc đời là một sân khấu lớn thì mỗi người là một diễn viên, diễn điêu luyện hay ngờ nghệch tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan, chủ quan. Khách quan là thời mà mỗi người đang sống với cơ man những quan hệ xã hội vô cùng phong phú, phức tạp và đầy rủi ro, bất trắc. Chủ quan là trí tuệ, khả năng xét đoán tình thế, dự cảm tương lai và khả năng tự biết bản thân.

Với quan niệm như thế, thử trả lời câu hỏi: Kiều đã thủ vai diễn của mình xuất sắc như thế nào? Chỉ riêng trong việc uống rượu, Kiều cũng đáng là bậc thầy của những đệ tử lưu linh có hạng. Bậc thầy ở chỗ, cần say (để tìm quên, để giải sầu…) thì say, cần tỉnh nhưng vì công việc thì phải giả vờ say. Giả vờ say nhưng lại như say thật. Hư hư thực thực, biến ảo khôn lường. Tôi không tin tất cả những lần uống rượu tiếp khách, Kiều đều bị ngộ độc rượu đến mức vô tri vô giác. Thế thì làm gì có mối tình “Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng” với Thúc Kì Tâm? (theo tôi, đây là mối tình chân thành, cảm động). Làm gì có cái cả cười mãn nguyện của Từ Hải “Cười rằng tri kỉ trước sau mấy người”?! Chí lý thay danh ngôn: “Cái đẹp nào cũng lấp lánh hào quang trí tuệ!”. Thúc Sinh mê mẩn Kiều, Từ Hải sẵn sàng chết vì Kiều là bởi ở nàng Kiều luôn “lấp lánh hào quang của trí tuệ”. Hai người đàn ông này đã vượt lên định kiến xã hội, dám làm tất cả không phải vì thân xác Kiều, mà vì trí tuệ của nàng. Một trí tuệ như thế cần phải được tôn vinh, ngưỡng mộ. Do đó, tạm giới hạn, chỉ bàn về cáitỉnh rượu” trong những lần nàng Kiều say thật; còn cái say giả như say thật sẽ bàn ở bài viết về một câu thơ khác, chẳng hạn, câu: “Biết bao bướm lả ong lơi/Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”.

Kiều từng uống rượu rất nhiều lần, nhưng mỗi lần lại phải thủ một vai diễn khác nhau, do đó có những trạng thái tâm lí, tình cảm khác nhau. Chỉ nội việc uống rượu để chài, đưa khách làng chơi vào mê cung đốt tiền tìm thú vui xác thịt, e cũng phải tới ngàn lần?! Tú Bà dạy Kiều đủ ngón nghề, hẳn phải có cái chiêu chuốc rượu cho những gã đàn ông rửng mỡ. Như vậy, trong việc uống rượu, Kiều vừa chủ động, vừa bị động. Chủ động vì đó là nghề, không làm không thể yên với mụ Tú. Bị động vì nếu gặp phải những gã đàn ông cao thủ, bợm rượu, cố tình dùng thủ đoạn hoặc vũ lực để chuốc rượu thì chính Kiều có thể sẽ là người bị rượu hạ gục trước. Tạm gác sang một bên chuyện chủ động, bị động, chỉ biết rằng sau một cơn “hôn mê”, Kiều vừa “tỉnh rượu”.

Vậy, khi “tỉnh rượu”, Kiều đã nhìn thấy gì? Cảm thấy gì? Nhớ gì?

- Thấy: một thân thể loã lồ, nhàu nát, bẩn thỉu… - Cảm thấy bẽ bàng, tủi nhục…

- Nhớ: Xưa sao phong gấm rủ là?/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Tất cả những hành động “nhìn”, “cảm”, “nhớ” của Kiều đều hướng nội, tức là trong tâm hồn Kiều diễn ra một cuộc đối thoại nội tâm tỉnh táo, đau đớn:

1. Tại sao ta phải uống rượu? - Vì buồn, muốn quên, vì phải chuốc khách làng chơi, vì bị khách làng chơi chuốc lại…

2. Trước kia ta là ai? - Là một tiểu thư khuê các, nhan sắc bậc nhất thiên hạ, tài năng cũng vào loại nhất nhì thiên hạ! Rồi cuộc “gặp gỡ” bóng ma Đạm Tiên, cuộc hạnh ngộ chàng Kim, gia biến, thất tiết với Mã, sập bẫy Sở, rơi vào tay Tú Bà…

3. Hiện tại, ta là ai? - một con đĩ!

Khi đã ý thức được một cách sâu sắc “ta là ai?”, Kiều thảng thốt: “Giật mình, mình lại thương mình, xót xa”. (Về cái “giật mình” này, xin đọc thêm các bài viết của Đường Văn, Đỗ Trung Côn, Lê Thị Hương trên vunho.com, 11 - 2011)

Nhưng vấn đề tại sao lại là “Khi…”? Có lẽ, trong hàng ngàn lần tiếp khách thì cả hàng ngàn lần, Kiều đều bị say rượu? Sau mỗi cơn say ấy lại có một lần “tỉnh rượu”. Như vậy, mỗi lần “tỉnh rượu” sẽ trở thành một cơ hội hiếm hoi giúp Kiểu trở lại trạng thái tỉnh táo tự nhận thức bản thân: “Ta là ai?”. Nói cách khác, từ khi rơi vào lầu xanh Tú Bà, Bạc Bà; cuộc sống của Kiều chỉ còn là chuỗi thời gian dằng dặc chìm trong cõi mê nhục dục, sặc sụa hơi men. Những “Khi…” lặp đi lặp lại như những đốm sáng le lói của nhân tính, hi vọng… Mặc dù ta biết, Kiều thật phi thường, vì trong hoàn cảnh nhớp nhúa như vậy, vẫn không bị “súc vật hoá”, vẫn có buổi đoàn viênhậu đoàn viên nói năng thưa gửi theo đúng “nếp nhà phỉ phong”. Nhưng cũng chính Kiều cay đắng thừa nhận: “Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn”! Nghĩa là, sau mỗi lần “Khi…”, Kiều “giật mình” hiểu một cách tận cùng đau đớn rằng, thực ra nàng chỉ còn hiện hữu trên cõi đời này như cái thây ma hôi thối! Nhưng trong cái thây ma hôi thối ấy lại có một tâm hồn chưa bao giờ chịu ngừng hi vọng, một trái tim chưa bao giờ thôi thổn thức! Đó chính là một bi kịch nhỏ trong tấn bi kịch lớn của đời Kiều. Bi kịch nhỏ ấy cứ tái diễn sau mỗi lần “tỉnh rượu”…

Chỉ qua một chi tiết tự nhận thức bản thân sau mỗi lần “tỉnh rượu”, ta cũng thấy được tầm khái quát của Nguyễn Du. Để trả lời câu hỏi “Ta là ai?”; ngoài sự tự vấn khắc khoải của Kiều, còn có nhiều yếu tố hoang đường, ngẫu nhiên góp phần “tìm kiếm” câu trả lời. Giả sử tước bỏ tất cả những yếu tố ấy, thì câu chuyện 15 lưu lạc chắc chắn sẽ nhạt nhẽo và phi lí đến mức khó có thể chấp nhận. Yếu tố hoang đường cơ hồ như chất keo gắn bó các biến cố, sự kiện, nhân vật thành một chỉnh thể nghệ thuật. Khi đã nằm trong một chỉnh thể nghệ thuật, thì, đến lượt mình, các yếu tố hoang đường lại mang trong nó những tư tưởng, hoặc ít ra là một quan niệm, một cách lí giải của tác giả về cuộc đời. Nếu tiếp tục tước bỏ những yếu tố ngẫu nhiên trong cái màn sương khói hoang đường, mờ ảo kia, sẽ thấy thấp thoáng những luận điểm triết học mang tính vĩnh cửu của xã hội loài người, trước hết là luận điểm về sự tồn tại của cái bản ngã, bản thể. - Ta là ai? / -  Con người là gì? / - Sống để làm gì? / - Tình yêu là gì? / - Hạnh phúc là gì?...  Đó là những câu hỏi lớn, mãi treo trước mắt loài người và có lẽ không bao giờ có lời đáp cuối cùng! Chính điều đó lại thành mảnh đất dụng võ cho văn chương nghệ thuật. Bởi, xét cho cùng, sáng tạo nghệ thuật là quá trình đào sâu vào cái tôi - cá nhân - cá thể, cái tôi- cô đơn tuyệt đối của người nghệ sĩ để kiếm tìm lời giải đáp những câu hỏi trên bằng hình tượng nghệ thuật. Do đó, khi ý nghĩa triết học của hình tượng càng cao thì sức ám ảnh của nó càng tăng chiều  sâu trí tuệ của sự tự nhận thức cái bản thể.

Xin bàn thêm về câu hỏi liên quan đến khoảnh khắc “tỉnh rượu” của Kiều: - Ta là ai? Xưa, Nguyễn Gia Thiều từng kêu lên: Cái quay búng sẵn trên trời./Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm... (Cung oán ngâm khúc). Nay, Chế Lan Viên lại băn khoăn, khắc khoải: Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình,/Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt. (Hai câu hỏi – Ánh sáng và phù sa(1960). Còn Nguyễn Du thì: Chém cha cái số hoa đào,/Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi! Ta là cái quay, là ngọn gió, là cánh hoa đào... đã được sinh ra một cách thật tình cờ ngẫu nhiên, có mặt trên đời như một trò chơi để rồi cuối cùng mất hút trong hư vô! Cái ta ấy có phải là vô ngã trong cõi hồng trần vô thường của nhà Phật hay không? Kể từ buổi “gặp gỡ” Đạm Tiên, bóng ma ấy như đã thành cái bóng của Kiều, lại như chính Kiều phân thân để tự lí giải về những tai hoạ của đời mình. Nó vừa là vô thức, vừa là ý thức của bản ngã. Do đó nó vừa vô hình vừa hữu hình. Bóng ma Đạm Tiên xuất hiện trong những hoàn cảnh, diện mạo khác nhau, nhưng chỉ có một mục đích: nhắc nhở Kiều sự an bài của số mệnh - Thiên mệnh. Nó giúp Kiều cảm nhận về “cái ta”mong manh, mơ hồ. Ngay trong chiều chơi xuân,  bóng ma Đạm Tiên đã xuất hiện. Thoạt đầu  là hữu hình, sau đó: vô hình; Cuối cùng là sự gặp gỡ giữa hữu hình và vô hình: Đè chừng ngọn gió lần theo/Dấu giày từng bước in rêu rành rành. Nắm đất là sự vật có thể nhìn thấy, sờ thấy... nhưng tự nó đã là cát bụi, hư vô! Một kiếp người sẽ còn lại gì, ngoài những ngọn gió vô hình vu vơ?! Còn dấu giày trên rêu kia, là của ai? Của ma hay của Kiều? Dù dấu giày có thể thuộc hai cõi dương, âm khác nhau, nhưng kết cục lại hết sức giống nhau: Giày nào (cao sang hay thấp hèn, tài cán hay ngu dốt, đẹp như tiên sa hay xấu như ma hủi…), cuối cùng cũng chỉ còn là nắm đất vô tri, vô hồn, lăn lóc trên gò bãi hiu quạnh mà thôi!  Ngay trong tiết Thanh minh, Kiều đã rùng mình cảm nhận sâu sắc: ta chỉ là cát bụi (Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi/Để một mai tôi về làm cát bụi - Trịnh Công Sơn)! Ngày mai của tất cả mọi kiếp người đều kết thúc giống nhau. Người sống đôi khi lại phải đứng trước những nấm mồ để tìm kiếm sự đồng cảm với cái ta, với hồn ma đáng thương: Hữu tình ta lại gặp ta,/Chớ nề u hiển mới là chị em!

Lại gặp những cái ta khác: Một mảnh tình riêng ta với ta (Bà huyện Thanh Quan) Bác đến chơi đây ta với ta (Nguyễn Khuyến); Ta là một, là riêng, là thứ nhất (Xuân Diệu)…cô đơn quá! cao ngạo quá! Nhưng dù sao vẫn là nỗi cô đơn dương thế. Còn cái ta lại gặp ta đây mới thật hãi hùng! Một cuộc gặp gỡ tri âm, tri kỉ  của hai tâm hồn cô đơn giữa hai cõi âm dương cách biệt nghìn trùng... Sống cô đơn đã đành! Chết rồi vẫn cô đơn! Cảm nhận về cái ta cô đơn, lạc loài của Kiều quả đáng sợ! Ngay sau buổi gặp gỡ Kim Trọng với những rung động đầu đời đắm say, cuồng nhiệt, Kiều ngồi một mình đối diện với bản ngã để lí giải về ý nghĩa của cuộc sống và tình yêu: Người mà đến thế thì thôi!/Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi./Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không?

- Người phồn hoa như Đạm Tiên cũng không thoát khỏi kiếp liễu bồ đớn đau, tủi nhục thì thử hỏi sinh ra làm người như ta là hoạ hay phúc? - Người tình cờ gặp như chàng Kim liệu có làm cho cuộc đời đáng sống? Hay cũng chỉ là chuyện phù phiếm gió thổi, mây bay? Đang bối rối với những câu hỏi trên thì bóng ma Đạm Tiên xuất hiện và lạnh lùng phán quyết: …xem trong sổ đoạn trường có tên.…Cùng người một hội một thuyền đâu xa! Nữ Thiên sứ xem trộm sách trời và mách bảo Kiều: Tất cả đã được sắp đặt từ lâu rồi! chớ cưỡng lại, vô ích!  Có lẽ sau khi nghe phán quyết trên, Kiều ở vào trạng thái mất phương hướng, ngơ ngác như một sinh linh bé bỏng, tội nghiệp bị bỏ rơi trên cõi nhân gian đầy gió bụi: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!... Quả nhiên, thiên mệnh an bài đã vận ngay vào Kiều: bị thất tiết với gã Mã Giám Sinh bợm bãi, khiến nàng phải bật tiếng kêu ai oán, xé lòng; lúc bị mụ Tú Bà hạ nhục, Kiều đã ngước lên trời xanh thăm thẳm, kêu cứu tuyệt vọng: Thân này đã bỏ những ngày ra đi /Thôi thì thôi, có tiếc gì!. Khoảnh khắc rùng mình cảm nhận sự vô nghĩa của kiếp người hóa nỗi ám ảnh, biến Kiều từ một thiếu nữ phơi phới thanh xuân, rạo rực yêu đương thành kẻ nguội tắt tất cả lòng ham sống, ham yêu và muốn lập tức kết thúc đời. Nhưng, nghiệt ngã thay, thiên mệnh như  sợi dây vô hình càng ngày càng lạnh lùng thít chặt vào vòng nhân quả: Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao?...Người dù đã quyết, trời nào đã cho?...Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau!...Mỗi lần “tỉnh rượu” là một lần Kiều thảng thốt “giật mình” nhớ lại tất cả! Ngàn lần “tỉnh rượu” là ngàn lần nàng buộc phải “ôn lại” bài học thuộc lòng kia! Nhàm chán, đơn điệu, hãi hùng quá!... Hành trình tha hoá “cái ta”, từ người con gái khuê các đến một gái làng chơi thậm vô lí, nhưng cứ diễn ra như một sự thật bất khả kháng! Dù là người con gái cành vàng lá ngọc hay con đĩ bẩn thỉu, cuối cùng cũng kết cục giống nhau, không thể tránh: “Sè sè nắm đất bên đường… Biết vô lí, vô nghĩa, nhưng oái oăm thay, Kiều vẫn phải nuốt tủi, ngậm nhục mà sống, vì chưa được phép chết (Đạm Tiên đã “truyền lệnh Trời” như vậy!). Kiều đã đi đến tận cùng nối đau, nỗi nhục sau mỗi lần “tỉnh rượu”. Lần này không là lần đầu, cũng chưa phải lần cuối cùng, kể từ khi nàng phủ phục trước Tú Bà, run rẩy trong nước mắt: “Thân lươn bao quản lấm đầu/Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”!

…Đó là tâm trạng Thúy Kiều ở lầu xanh (Tú Bà, Bạc Bà), dưới ngòi bút phân tích tâm lý tàn nhẫn (Phan Ngọc) của thiên tài Nguyễn Du. Cái hay và sâu sắc là ở chỗ Tố Như tả cử chỉ giật mình của nhân vật trữ tình sau khi vừa tỉnh rượu từ bên trong - thế giới tinh thần của nó. Lời kể – tả trùng khít, chồng lên lời độc thoại nội tâm, tự mình phơi mở, phân tích những uẩn khúc sâu kín nơi đáy lòng nhân vật.

Cử chỉ giật mình, trong trường hợp cụ thể này, diễn ra dường như bộc phát khi tỉnh rượu và mang tính lặp lại (mỗi khi) vừa chủ động lại vừa bị động. Bị động ở chỗ Kiều không tự làm chủ được cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Cuộc sống nhục nhã, thê thảm, khốn nạn ở chốn lầu xanh cũng thật nặng nhọc, vất vả về thể chất, đặc biệt là về tinh thần: Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, hết ngày dài lại đêm thâu phải làm vợ khắp người ta…nên những lúc vắng khách chơi, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh (đêm về sáng, kết thúc những cuộc truy hoan, khi lũ khách chơi đã no nhục dục, đã say bét nhè). Hầu hết thời gian Kiều buộc phải dùng rượu, uống rượu, chuốc rượu để chiều khách ăn chơi thác loạn, như một cái máy, một con thịt bán mình, Kiều hầu như quên hẳn bản thân. Chỉ đến những khoảnh khắc tạm được ngưng công việc, mệt mỏi, ê chề, cô đơn một mình với ngọn đèn khuya, nàng mới chợt nghĩ đến thân phận riêng mình. Và cử chỉ giật mình nửa ý thức nửa vô thức bỗng xuất hiện. Sự chủ động bắt đầu từ đây. Ở nơi hang hùm nọc rắn, chốn ăn chơi trụy lạc này, hỏi có ai thương xót đến nàng như một con người, ngoài chính nàng thương thân?! Xót xa, tủi cực vô hạn. Nhịp thơ thoắt biến đổi lạ lùng: câu trên 3 - 3; câu dưới 2 - 4 - 2 như muốn uốn theo dòng tâm tư nổi chìm, vặn lên vặn xuống, giằng xé, trào cuộn từng cơn, từng trận mà trong đó cái giật mình đóng vai trò cử chỉ, dấu hiệu khởi đầu. Cần phân biệt từ mình đầu tiên (dùng như danh từ) với đại từ mình điệp lại 2 lần ở vế sau. Nguyễn Du đã học ca dao trữ tình truyền thống để nói lên từng cơn nức nở cố nén nhưng chốc chốc lại nấc lên, dồn lên không cưỡng nổi với những giọt nước mắt giàn giuạ, ròng ròng trên khuôn mặt hoa khôi tê tái của Thúy Kiều.

Đây là lần duy nhất trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nói đến rượu mà lại không tả cảnh uống rượu, say rượu, mà ngược lại. Rượu chỉ còn để lại dấu vết trên khuôn mặt, đôi mắt, dáng vẻ mệt mỏi cực độ, bộc lộ cõi lòng tan nát của người con gái đáng thương buộc phải hằng ngày, hằng đêm uống rượu, say sưa cùng khách, để dụ khách hoặc bị khách dụ trong trò chơi xác thịt bẩn thỉu, ê chề. Lúc tỉnh, ứa nước mắt xót xa cho thân phận khốn nạn của mình nhưng rồi chiều mai, đêm mai… lại phải uống, phải say, rồi lại tỉnh, lại xót xa thương mình, lại giật mình… cứ thế, cứ thế… có lẽ cho đến tàn đời?!

Theo tôi, đây là một trong những câu thơ mượn hơi rượu nhạt để đặc tả tâm trạng – tâm lý nhân vật cô đơn nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất, và hiện đại bậc nhất trong Truyện Kiều.


Trèm – Thạch Bàn, 22 – 7 – 2012;

Đọc, sửa lạ, bổ sung, 6 - 2013

ĐV – HD

Văn đò đưa Đường Văn-Hoàng Dân
Tác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét