NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy
Văn truyện ĐẶNG KHÁNH CƯỜNG
Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy
Văn truyện ĐẶNG KHÁNH CƯỜNG
GIAI NHÂN ẢO
Tranh của hắn vẽ lúc nào cũng như có lửa. Cứ ngỡ xếp lại một góc nào thì chỉ
lát sau góc đó sẽ bốc khói. Hắn bảo người ta thiếu cái gì thì hay nghĩ về cái
đó. Có lý, nhưng hắn sống độc thân mấy chục năm nay, sao không thấy hắn vẽ một
bức tranh nào về phụ nữ. Có kẻ thối mồm còn tung tin hồi đi lính, hắn bị đạn pháo
của giặc Tàu “phăng teo” cái của quý rồi, nên mới âm thầm chia tay cô vợ xinh
nhất hội.Đã vậy, hắn quyết định vẽ bức tranh nude đầu tiên trong đời sau hơn
hai mươi năm cầm cọ. Hắn vẽ bằng ký ức, không cần mẫu. Sau một ngày miệt mài,
người đàn bà nằm nghiêng, giấu khuôn mặt vào bóng tối đã hiện ra trên nền
toan.. Ánh sáng chỉ tập trung vào làn da vùng bụng trắng nuột nà như hoa nhài,
mềm như lụa. Hắn dùng toàn màu lạnh để gợi không khí tang tóc, vì hắn đang chủ
tâm vẽ một xác chết. Hắn muốn bức tranh phải thật ảo. Nhưng làn da của cô vợ
năm nào, dù chỉ kịp nhìn nhoáng trong một hoàn cảnh trớ trêu đã khắc sâu vào
tâm khảm hắn cứ tự nhiên hiện ra. Giống quá, thực quá, không được. Như thế chỉ
là chính ả, không đại diện cho lớp người như ả. Hắn vùng dậy, vớ cái dao nhọn
xẻ chéo bức tranh hàng chục vết cắt tơi tả. Hắn thẳng tay quẳng thật mạnh
panh-tuya vào tường rồi nằm vật xuống sàn ngổn ngang đống tuýp màu, thở dốc,
trân trân nhìn lên trần nhà. Vài tuýp màu bị đè nặng, phọt ra lưng hắn mấy đám
nhờn nhờn. Mặc kệ!
Mình hắn im lìm nằm đấy, không ai
biết. Nếu có người chứng kiến màn kịch câm vừa rồi thì hắn chối sao được cái
biệt danh lập dị mà hắn vẫn tưng tức bấy lâu nay. Hắn đâu muốn lập dị, nhưng
cái nghiệp khốn nạn này nó thế. Tay chân lúc nào cũng sạch sẽ, quần áo lúc nào
cũng tươm tất thì vẽ thế chó nào được. Mọi tinh hoa của ngôn từ hắn dồn cả vào
màu sắc, đường nét, hình khối trong tranh rồi, ngoài đời nói thế nào chẳng
được. Thành ra cái bề ngoài của hắn luôn nhếch nhác, bân bẩn, bất cần. Lại thêm
có lúc lẩm bẩm không thành lời như ma làm. Đừng bảo hắn giả bộ nhé. Hắn cũng
muốn sạch sẽ như mọi người lắm. Hắn tự an ủi, thế nào cũng được sạch sẽ ít nhất
một lần trong đời trước lúc vào quan tài, lo gì. Trước mắt hắn còn một núi việc
đang chờ kia kìa, mà hắn đã già nửa đời người rồi. Chả mấy nỗi. Hắn cứ nằm dưới
sàn như thế thiếp đi…và những ngày ấy lại hiện về.
Ngày ấy hắn còn là một sinh viên,
con liệt sĩ, đàn hay vẽ giỏi. Nhiều bạn gái thường hay lui tới gian nhà tập thể
của hai mẹ con. Mẹ hắn chưa già lắm nhưng đau yếu luôn, cứ giục hắn lấy vợ. Mẹ
gợi ý lấy cái Lê là con bà bạn thân cùng cơ quan, nhưng hắn chọn Nhài. Hắn có
kinh nghiệm gì đâu, chẳng qua là vì Nhài đã hút hồn hắn bằng nước da nõn nà và
cặp mắt to đen quá cỡ, luôn ngơ ngác như nai tơ. Vài tháng sau, để ổn định kinh
tế gia đình, hai vợ chồng trẻ đi thuê một cửa hàng cho Nhài làm nghề cắt tóc,
gội đầu. Còn hắn ra trường thì bị gọi đi lính. Chốn biên ải đang có loạn. Vì
công việc, Nhài đi làm từ sáng tới khuya mới về nhà, thành thử có con dâu mà mẹ
hắn vẫn thui thủi một mình. Hắn đóng quân tận biên giới, may ra một năm được
qua nhà đôi lần. Ở nhà có Nhài, hắn cũng yên tâm hơn.
Cho đến một lần hắn được kết hợp
theo xe đơn vị về Hà Nội mua đồ vẽ. Xe chạy từ sáng sớm, mười một giờ đêm mới
tới nhà. Cửa khóa bên trong. Hắn thò tay vào lỗ quen, mở khóa thật nhẹ nhàng
như ngày xưa mỗi khi hắn đi chơi về quá khuya. Đèn bật sáng. Một thằng trần
truồng đang ngáy như sấm, tay vẫn vòng qua ôm mông trần của vợ hắn. Hắn quẳng
mạnh cái ba lô xuống nền nhà. Thằng đàn ông hốt hoảng chui xuống gầm giường. Vợ
hắn há hốc mồm nằm cứng đơ không thốt được lời nào, mặc cho ánh đèn điện chiếu
vào khoang bụng trắng nhễ nhại của ả. Cái khoảng trắng ấy chỉ một loáng thôi mà
ăn sâu vào ký ức của hắn đến thế. Hắn quay mặt đi, giọng đanh lại:
- Mặc quần áo vào, tao không giết
đâu mà sợ.
Mất vài phút, hai đứa lết đến quỳ
trước mặt hắn, chắp tay vái lia lịa. Hắn thừa sức làm mọi việc hung hãn như
người ta vẫn làm trong trường hợp này, nhưng lòng hắn lạnh tanh. Hắn hất hàm về
phía vợ:
- Mẹ tôi đâu?
- Mẹ về quê ăn giỗ ạ
- Mẹ tôi chứ không phải mẹ cô. Cô
còn dám mở miệng gọi như vậy được à?
Còn thằng kia, cút. Tao không
thèm nói với mày.
Câu chuyện ấy chỉ có thêm bà thẩm
phán tòa án quận biết tường tận. Bà cũng đồng ý giải quyết theo yêu cầu của hắn
thật êm và kín đáo, cho cô vợ phản bội kia cơ hội làm lại cuộc đời. Còn mẹ hắn
cho đến khi chết cũng chỉ nghe phong thanh rằng con dâu cá cược gì đó thua lỗ
nhiều lắm, phải cấp tốc trốn vào miền nam để bảo toàn tính mạng.
Hết nghĩa vụ quân sự, hắn về xin
tổ dân phố dọn dẹp cái gầm cầu thang chung làm “giang sơn” từ bấy đến nay. Bà
thẩm phán quận giờ đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng vẫn qua lại chuyện trò với hắn. Bà
cũng coi hắn là người lập dị, nhưng là lập-dị- nhân-hậu nhất trong suốt cuộc
đời làm ở tòa án của bà.
+
Vào khoảng giữa giờ sáng, khu tập
thể này vắng ngắt. Bỗng một bóng người xô cửa lao vào “giang sơn” của hắn. Hắn
sợ quái gì dù là một tên cướp ngày, nên vẫn ngồi tại chỗ, đánh mặt ra thay cho
câu hỏi. Cô gái còn trẻ quá, lập cập chốt cửa, mặt tái mét chạy đến nép vào
hắn, lắp bắp:
- Anh ơi cứu em với, bọn nó đang
truy bắt em.
Hắn khẽ đẩy cô gái ra, trừng mắt:
- Ai bắt?
- Bọn công an và dân phòng.
- Ăn cắp hả?
- Không, không. Em không phải kẻ
cắp, em làm ở tiệm tẩm quất cuối phố.
À, ra vậy. Lúc này hắn mới nhìn
toàn thân cô gái. Cái áo ngắn cũn cỡn để lộ ra cả khoảng da bụng trắng hếu.
Tiếp đến là cái quần soóc bò gấu tua rua chỉ che vừa vặn chỗ cần che. Với kiến
thức hình họa hắn được học kỹ thì cô gái này chắc chắn chưa qua tuổi hai mươi.
Ấn tượng nhất là cặp mắt xếch đầy thách thức nằm dưới đôi lông mày dậm không
tỉa tót, dài như liền vào nhau thành một vệt. Mắt như vậy là loại người không
vừa. Hắn hất hàm:
- Kiếm cái gì ra góc kia ngồi.
Lúc nào im ắng thì biến. Có đói gặm cái bánh mỳ để phía trên ấy.
Không tìm được cái gì để ngồi, cô
gái vừa đứng vừa gặm lấy gặm để nửa cái bánh mỳ đã bị ăn dở. Ăn xong vớ chai
nước lọc tu ừng ực rồi thản nhiên sán lại ép sát bộ ngực mẩy vào lưng hắn:
- Anh tốt quá. Hôm nay mà bị bọn
nó bắt được thì đời em ra bã. Anh là họa sĩ à, vẽ đẹp thế. Chắc là bán được
nhiều tiền lắm.
Hắn nhích lên tránh cặp vú khêu
gợi của cô gái đang cố cọ vào lưng, lặng lẽ miết màu. Cô gái làm ra vẻ bẽn lẽn
bước sang cạnh, tò mò sờ vào bức tranh nude rách tơi tả:
- Ôi tiếc quá, người trong
tranh đẹp thế sao ai lại rạch nát đi thế này. Cái bụng nõn nà đáng yêu hơn cả
bụng thật của em. Không tin, anh hãy nhìn đi, đây này. Hay là em lột ra cho anh
vẽ nhá, anh cứ thoải mái hết cỡ đi để giải xui cho em hôm nay. Không chịu đựng
nổi nữa, hắn lừ lừ nắm vai cô gái đẩy ra khỏi cửa và gài mạnh chốt. Phía ngoài
vọng vào loáng thoáng tiếng được tiếng mất:
- Tốt thì tốt thật, nhưng
mà đéo phải đàn ông.
Ngày hôm sau cũng vào giờ ấy lại
có một người phụ nữ khác, chừng ba mươi tuổi hay hơn một chút, đứng khá lâu ở
chân cầu thang ngay trước “giang sơn” của hắn. Chắc không phải loại gái hôm
qua. Nhưng chả liên quan gì, hắn mặc kệ. Chừng như quá sốt ruột, người phụ nữ
rụt rè tiến lại gõ cửa. Tiếng gõ nhẹ, rất từ tốn. Hắn thò đầu ra, một tay vẫn
giữ mép cửa sẵn sàng đóng sập lại.
- Chào bác, à chào chú. Chú làm
ơn cho hỏi thăm nhà anh Hùng họa sĩ ạ. - Tôi hỏi khí không phải, chị tìm anh
Hùng làm gì?
- Dạ, cháu có việc nhà cần báo
tin gấp cho anh ấy. Chú làm ơn chỉ giúp cháu được không ạ? Cháu còn phải về,
nhà cháu ở xa nên xe chạy ít chuyến lắm.Thấy vẻ mặt thiểu não nhưng chân thật
của người trước mặt, hắn mở toang cửa bước ra ngoài:
- Tôi là Hùng đây, Hùng họa
sĩ đây, nhưng chị là ai nhỉ?
Người phụ nữ nhao tới nắm chặt
lấy tay Hùng líu ríu:
- Trời ơi, anh Hùng! Em là
Xoan, em anh Ban ở Mường Hồng đây. Bố bảo em phải tìm bằng được anh. Ngày mai
người ta đưa hài cốt của anh Ban về nghĩa trang xã. Anh phải về với nhà em. Ôi
sao anh mau già thế, chả giống tẹo nào với người trong ảnh chụp cùng anh Ban
em.
Hùng đỡ Xoan vào “giang sơn” của
mình, loay hoay không kiếm được cái gì mời Xoan ngồi, hắn gãi tóc cười xòa thân
mật:
- Hơn hai chục năm rồi, làm gì mà
không già. Bố có khỏe không em?
Chỉ một loáng, Hùng đã xắp xong
đồ nghề và tư trang. Vẫn bộ quần áo lem nhem vệt sơn dầu, Hùng đưa Xoan về bằng
chiếc xe máy dã chiến của mình. Câu chuyện dọc đường hơn trăm cây số đủ cho
Hùng hình dung ra cuộc sống của Xoan. Học xong sư phạm, Xoan tình nguyện lên
vùng cao dạy học. Cầm tờ quyết định của Ty Giáo dục, khoác ba lô trên vai, Xoan
vừa đi vừa hát vang rừng suốt năm chục cây số về cái trường xa xôi nhất tỉnh.
Ba năm sau Xoan trở thành đảng viên đảng Cộng sản và cô được chi bộ vận động ở
lại nơi này thêm ba năm nữa. Năm hai mươi tám tuổi, Xoan yêu một anh cán bộ
kiểm lâm. Địa phương đã chuẩn bị chia cho hai người một vạt đất để xây tổ ấm
thì anh ấy bị bọn lâm tặc bắn chết. Năm sau, có người mai mối cho cô anh chàng
con một, nhà khá giả trong vùng. “Gái ba mươi tuổi đã toan về già”, nghĩ vậy
Xoan tặc lưỡi cho xong, mặc dù anh ta có cái gì đó không ổn. Đàn ông hơn ba
mươi tuổi mà bàn chuyện nào cũng bảo anh nhất trí với em trăm phần trăm, nhưng
để về hỏi lại mẹ anh xem đã. Một chiều nọ, anh ta đến chỗ Xoan thì xe máy bị
hỏng, cô phải đưa anh ta về nhà bằng xe máy của mình. Trời đã tối hẳn, mẹ anh
ta tha thiết giữ Xoan ngủ lại qua đêm, nhưng cô kiên quyết ra về. Ra khỏi nhà
vài chục mét, cô nhớ ra là anh ta còn cầm cái túi xách của mình. Cô tắt máy đi
bộ quay lại. Mẹ anh ta vẫn đứng giữa sân, đang bô bô:
- Mày ngu lắm con ạ, nó đã một
lần có người yêu, tức là biết mùi giai rồi, lai quá lứa nhỡ thì, khoản kia như
cái quả đang chín nẫu, đụng tay vào một cái là rụng liền. Mày phải thử trước
“máy móc” của nó xem còn tốt không thì mới cưới chứ. Nhỡ rước một con điếc về
nhà này thì để tao nuôi báo cô suốt đời à?
- Mẹ cứ tưởng dễ lắm í. Đến cầm
tay cô ấy còn khó nữa là.
- Ngu, con gái thời bi giờ chả
coi cái ấy là gì đâu. Mày cứ phải sấn sát vào. Cái con IC xe máy của mày tao đã
cố ý nhờ người nới lỏng vít, đi đường sóc đến chỗ nó là vừa đủ rời dây ra. Ở
đấy ai biết gì mà chữa. Tao tính rồi, một là mày sẽ ngủ lại đấy, hai là con bé
phải đưa mày về. Phải chủ động tạo ra cơ hội chứ. Tao đã chuẩn bị sẵn phòng cho
hai đứa tối nay, sao mày không cố ôm nó lại. Ngu hết chỗ nói…
Hú hồn, suýt nữa Xoan toan ném
đời mình vào vũng bùn của nhà ấy.Ngược lại, Hùng lặng thinh khi Xoan hỏi về
cuộc sống của hắn. Gặng hỏi về người vợ năm xưa, hắn chỉ buông sõng một câu:
chết rồi!
Chiều hôm đó, hắn kịp làm hai
việc. Một là vẽ chân dung của Ban, để sang mai làm lễ, hai là vẽ chân dung bố
Ban, để khi nào cụ ra đi thì đặt lên ban thờ. Cả xóm xúm lại xem, suýt xoa về
tài nghệ của anh họa sĩ. Trong lúc ấy, Xoan mang hết quần áo trong ba lô của
Hùng đi giặt. Chả có bộ nào tươm tất. Xong việc, cô ép anh đi cắt tóc. Trong
lúc thợ cạo hành nghề, cô tranh thủ ra mua cho anh mấy bộ quần áo mới. Thấy hai
đứa vui vẻ bên nhau, ông bố mừng ra mặt. Mong giời se cho chúng thành đôi thì
ông coi như thằng Ban sống lại. Ngày xưa hai thằng thân nhau còn hơn anh em
ruột.
Hôm sau, mọi nghi lễ tuyên dương
công trạng, mai táng liệt sĩ Ban và cỗ bàn xong, Hùng vẫn không về được vì có
một ông khách tha thiết nhờ qua bên nhà vẽ dùm bức chân dung từ cái ảnh cũ của
cha mình. Thú thực là Hùng rất ngại công việc truyền thần này, nhưng bố Ban bảo
người trong ảnh là cụ Lang Cun, ân nhân của nhà mình, anh phải làm. Đường sang
nhà Nhà Lang phải qua một khu thành cổ bằng đá đã đổ nát, rêu phong. Vẽ truyền
từ ảnh sang chỉ mất vài giờ là thành bức chân dung sống động. Nhưng Hùng đắm
chìm thêm mấy ngày nữa vào việc tìm hiểu, đo đạc, ký họa những nét tinh hoa của
công trình cổ này còn sót lại. Mấy ngày ấy, Xoan luôn bên anh như hình với
bóng. Không chỉ có Xoan, mà ông khách kia cũng lặng lẽ chăm lo từ ngụm nước,
bát cơm tới cái ô che nắng cho cả ba người. Khi việc của Hùng tạm ổn, ông khách
mới có lời:
- Thưa ông Hùng, tôi vô cùng biết
ơn ông về bức chân dung của bố tôi. Nhưng không chỉ có vậy, mấy ngày được theo
ông làm việc tôi thấy cần phải đề nghị với ông một ý tưởng, mong ông đừng từ
chối. Ngày mai tôi có ô tô đưa ông về Hà Nội và chúng ta cùng bàn việc này.
- Nhưng tôi còn cái xe máy…
- Không sao, ông cứ để xe
lại đây. Mọi việc sẽ đâu vào đó. Có cô Xoan đây đảm bảo cho lời nói của tôi.
Không biết bằng cách nào mà khi
ông khách chở Hùng về đến nhà đã thấy một chiếc xe máy SH màu nho mới tinh dựng
trước của. Ông khách vui vẻ chỉ vào chiếc xe mới:
- Tôi xin được tặng ông chiếc xe
máy kia, ngoài ra để tiện việc liên hệ giữa chúng ta xin ông vui lòng dùng
chiếc laptop này. Hai món quà nhỏ đây không kèm theo một điều ràng buộc nào.
Tôi sắp phải trở lại Pháp. Nếu chấp nhận được ý tưởng của tôi thì tháng sau tôi
sẽ quay về Việt Nam gặp ông. Đây sẽ là một vụ làm ăn lớn.
+
Quan sát niềm đam mê của hắn khi
tìm hiểu khu thành đá cổ, ông ta biết đây là họa sĩ tâm huyết với nghề. Bức
tranh đầu tiên ông ta đề nghị hắn phục dựng lại toàn cảnh khu thành đá cổ này
như khi nó chưa bị đổ nát, bởi đó là chứng tích về một cuộc chiến đấu chống
ngoại bang, bị lịch sử lãng quên của Mường Hồng, mà ông ta là hậu duệ của
các quan Lang, với giá một tỷ tiền mặt đưa trước. Tất nhiên là hắn phải làm hết
sức mình cho xứng với khoản tiền khổng lồ kia mà chưa bao giờ hắn dám mơ tới.
Bức tranh được trưng bày ở bảo tàng tỉnh một tháng, trước khi chuyển bằng tàu
thủy sang Pháp. Với khả năng tài chính của mình, ông ta còn liên hệ với các nhà
phê bình mỹ thuật đặt bài ca ngợi trên báo chí. Tại Pháp, ông ta lại tổ chức
giới thiệu tác phẩm này rất linh đình, kèm theo các bài báo ca ngợi từ Việt
Nam. Khách mời chủ yếu là người Việt xa xứ có máu mặt từ châu Âu tới châu Mỹ.
Ông ta còn làm tấm pano có hình cành tre và con cò bay ngang mặt trăng, đặt
ngay cửa nhà với lời mời: “Chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi quý vị
nếu cần một bức họa tuyệt tác về phong cảnh điển hình của chính làng quê đã
sinh ra mình, do một họa sĩ tài danh vẽ trực tiếp. Những tranh này sẽ được kiểm
chứng tại Việt nam qua triển lãm quê hương của những người xa Tổ quốc. Xin vui
lòng liên hệ với gia chủ để biết thêm chi tiết”. Với mỗi khách có nhu cầu liên
hệ, ông ta lại chụp ảnh và cho hiện ngay lên băng hình chạy liên tục trong
phòng chính. Người nọ kích động người kia, chỉ sau nửa tháng ông ta đã có tới
gần trăm khách đặt hàng.
Thời buổi này, có tiền làm gì
cũng dễ. Mười tháng sau, một triển lãm như vậy đã mở ra tại Hà Nội, được quay
thành băng hình gửi tới từng khách hàng. Đặc biệt phòng triển lãm này không
giống bất cứ triển lãm tranh nào trên thế giới bởi có dòng chữ in đậm treo
trước cửa: “Tất cả tranh ở đây đã có chủ nhân mua trước”. Hùng trở thành người
hùng trong làng hội họa nhờ dòng chữ ấy. Bức nào cũng ký tên hắn, mặc dù hắn
chỉ trực tiếp vẽ mươi bức, còn lại là thuê người khác vẽ với thỏa thuận như
vậy.
Mới hơn một năm cộng tác với con
trai cụ Lang Cun, hắn đã thành ông chủ ngôi biệt thự nguy nga và chiếc xe con
sang trọng. Bây giờ cái xe máy SH chỉ để cho người giúp việc đi chợ hàng ngày.
Xưởng vẽ rộng mênh mông, xây lui về phía sau, mở cổng riêng, người ra vào tấp
nập. Hắn đi đứng bệ vệ, giầy da ngoại bóng lộn, áo quần lúc nào cũng được là
phẳng lỳ, thơm phức. Người không biết, tưởng hắn đào được cục vàng vài chục ký,
còn hắn biết rõ của nả ấy từ đâu ra. Người biết hơn hắn là ông Việt kiều kia,
vì chính ông ta là người chia tiền cho hắn. Là thương gia lõi đời, bằng nước
bọt mà ông ta ăn ba phần, hắn chỉ được một. Nhận một phần tư, nhưng Hùng đã là
họa sĩ giầu nhất trong nước, tiếng tăm nổi như cồn. Công việc thì thuê khoán
một tốp họa sĩ dưới xưởng, chả mấy khi hắn bước chân xuống. Hàng ngày hắn chỉ
việc mở máy tính chờ Email từ Pháp gửi về rồi lướt Facebook và xem phim sex. Cơ
thể được tẩm bổ hết cỡ nên hắn quen rất nhanh với các dịch vụ ăn chơi hết mình.
Chính hắn cũng không hình dung ra nổi, mới năm ngoái đây, ai nhờ việc gì hắn
cũng rối rít: bận lắm, bận lắm, thông cảm nhá, đừng trách nhá. Mà lúc đó hắn
bận thật. Bận đến mức, dù độc thân mà chưa lần nào có đủ thì giờ nấu một bữa ăn
cho tử tế cho mình. Ở góc “giang sơn” của hắn, (hắn thích gọi cái gầm cầu thang
nhà tập thể được hắn tận dụng như vậy) có một cái kệ nhỏ bằng tờ giấy A3. Lúc
đầu hắn cũng có ý thức ăn uống sao cho sạch sẽ nên được phủ một mảnh vải trắng
tinh. Bánh mỳ mua về được để lên đấy cạnh cái lọ gốm bé xíu, đủ cắm một bông
hoa hồng. Hắn nheo mắt ngắm cái chỗ sạch sẽ nhất “giang sơn” ấy và nghĩ, chỉ
bày thêm ba cái quả gì đó bên cạnh là thành bức tranh tĩnh vật. Nhưng mấy ngày
sau chưa kịp bày cái gì cả thì mảnh vải trắng đã đầy vết nước trà và cà phê.
Hắn lấy cái gạt tàn thuốc lá to tổ bố đặt lên vết ố. Bông hoa hồng chỉ cắm một
lần héo quắt vì cạn nước, cánh hoa chuyển dần sang màu nâu đất. Ha ha, một thời
người ta đổ vào tai hắn, bánh mỳ và hoa hồng là biểu tượng của cái chi chi đó
nghe hay đáo để.
Cái đó chỉ lừa được những thằng
kiết xác. Còn hắn bây giờ, chập tối nào cũng có gái trẻ đến tận nhà đấm bóp,
sướng lên thì qua đêm luôn. Nhưng hắn vừa mơn trớn vừa coi khinh cái thân xác
đang hết lòng cong ưỡn để thỏa mãn hắn. Có lúc hắn chợt nghĩ đến Xoan,
đến mấy bộ quần áo may sẵn Xoan mua cho hắn và những cử chỉ kín đáo của cô.
Nhưng bóng cô nhòe ngay trước cơ thể trẻ trung hừng hực của đứa con gái đang
nằm ngửa trên giường hắn. Có mấy đứa thay phiên nhau đấm bóp, nhưng hắn không
nhớ rõ tên, hay gọi nhầm đứa nọ thành đứa kia. Không đứa nào làm hắn si mê bằng
cô gái có cái ảnh đại diện đẹp trong sáng như thiên thần mà mấy tháng nay hắn
làm quen được trên facebook. Ngày nào hắn cũng tìm cô ấy trên máy để nhắn tin
riêng. Hắn căm ghét mấy thằng cha trơ tráo gửi ảnh công khai tán tỉnh em bằng
những lời rẻ tiền. Hắn rất khao khát gặp mặt, nhưng em chưa cho, chắc là còn e
lệ. Dù sao đây cũng là mạng ảo, em là con nhà lành, cảnh giác là đúng thôi.
Càng thế, càng quý. Người được giáo dục tử tế phải như thế. Trao đổi qua tin
nhắn riêng tư, hắn càng thương cảm em nhiều hơn. Hoàn cảnh của em sao mà éo le.
Hắn rất hãnh diện là đã kịp chuyển vào tài khoản cho em hai trăm triệu để cứu
sống mẹ em, và nhận về lời hứa cho lần gặp mặt khi mẹ em khỏe hẳn. Lúc đó, em
có chê hắn già, không nên duyên phận được, thì hắn cũng sẽ mua cho mẹ con em
một ngôi nhà mặt đường để mở cửa hàng buôn bán gì đó đủ sống. Hắn chỉ cần thỉnh
thoảng được nhìn gương mặt thiên thần của em.
Rồi một hôm ông Việt kiều về nước
đến thăm hắn vào lúc hắn đang tắm. Máy tính vẫn mở đúng trang có ảnh thiên
thần. Ông lướt qua phần tin nhắn riêng tư của hai người, lắc đầu ngán ngẩm. Một
lúc sau hắn chỉnh tề ra bắt tay chào mỏ vàng của mình, cười vui vẻ:
- Lần này ông mang về cho tôi
những gì đây?
Ông Việt kiều tủm tỉm:
- Có hai thứ, ông muốn cái nào
trước? Chuyện hợp đồng vẽ tranh nói sau nhé. Tôi nghĩ cái ông cần hơn là tin về
thiên thần của ông. Tôi cũng đã từng mê đắm nàng trên mạng hơn ông hiện nay,
nhưng chỉ chi năm trăm đô-la cộng với cái mẹo vặt thì nàng đã hiện nguyên
hình.Tôi tặng ông chiếc ảnh thật của nàng đây.
Cầm chiếc ảnh trên tay, hắn há
hốc mồm. Đúng nó, chính nó, cặp mắt xếch với đôi lông mày dính liền làm một
không thể là ai khác. Cái con bé bị công an truy đuổi năm ngoái, xô cửa vào gầm
cầu thang của hắn đây. Hắn kể lại câu chuyện cho ông Việt kiều nghe rồi hai
người ôm nhau cùng cười. Cười đến chảy nước mắt, nước mũi.
Cười như điên, như dại…
Hà Nội, sáng sớm 26/8/2013
Văn truyện Đăng Khánh Cường/ Tác giả gửi bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét