Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Mời cùng tôn vinh/ Sách Văn Bạn Văn 2/ 10. Văn truyện NGUYỄN KHẮC KHOA CHÚ TÔI

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên: Nguyn Nguyên By

Văn truyện NGUYỄN KHẮC KHOA
CHÚ TÔI

Chú tôi sinh năm Dậu nên được ông nội tôi đặt tên cho là Dậu: Trần Thân Mậu Dậu. Ông tôi thường giải thích: Mấy gã Hoa kiều giỏi tướng số hay nói “Mậu dậu tắc xìn” nên tao tin nó mang tên Mậu Dậu tất sau nay sẽ có ối tiền (chẳng là tiếng “xìn” của mấy gã Hoa kiều kia có nghĩa là “tiền”, ai mà chẳng biết). Khổ thân ông tôi, “mậu dậu xìn” đúng nghĩa lại là “không có tiền”, còn “tắc” có lẽ chỉ là một tiếng đệm mà họ hay chêm vào khi nói, chứ đâu phải là “tất” (tất ối tiền!) như ông nghĩ. Vậy là cái nhẫm lẫn tai hại này của ông tôi suốt đời chú tôi đã phải gánh chịu.
Cầm tinh con gà, lại sinh đúng vào năm đói, nên số chú tôi luôn vất vả. Nhưng được cái chịu khó kiếm ăn – gà bới suốt ngày mà. Bới gì ư? Không phải bới thóc, bới giun, mà là bới ... chữ! Nghe thì buồn cười, “chữ như gà bới” là câu người ta vẫn dùng để chế diễu người viết chữ xấu, khó đọc. Nhưng ông chú tuổi gà của tôi thì đúng là sống được chỉ nhờ bới chữ, đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó. Thí dụ gần đây nhất là: Trước khi về hưu, chú có một thòi gian được làm một cái chân gì đó trong một Văn phòng to lắm, cấp Trung ương cơ. Người ta bảo, ở đó họ chuyên soạn thảo Văn kiện văn kiếc đủ loại. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa - sau khi về hưu, chui về sống lặng lẽ trong một căn hộ nhỏ ở một khu lắp ghép đang được Thành phố đưa vào quy hoạch sắp phá đi xây lại – chú thường nghe được lân bang hàng xóm thầm thì: “Ông này to lắm đấy, nay chán chốn hoạn lộ, đường công danh, nên về đây ẩn dật. Ông chuyên viết văn kiện, mà viết hay lắm, nghe đâu văn kiện nào cũng có chữ của ông ấy!!!...” Thời buổi kinh tế khó khăn, tình người như nước lã, em tranh anh tấc đất, con đòi bố chia nhà,... thiên hạ kiện cáo nhau um xùm. Mà muốn kiện phải có đơn nộp Toà, mà trong đơn nộp Toà nhất thiết phải có chữ. Quanh khu lắp ghép này toàn người nghèo, ít học, lấy đâu ra chữ, vậy là họ thì thọt xui nhau đến mua ... chữ ở chỗ ông. Nghĩa là họ đến thuê ông viết văn ... kiện, tức là viết đơn giúp họ đi kiện, đòi tiền, đòi đất, đòi chia nhà, đòi chia con cái,... Thoạt kỳ thuỷ chú tôi còn ngớ người ra, ngỡ họ trêu diễu mình. Sau hiểu ra, chú chặc lưỡi: “Mất gì của bọ, mà bán chữ lấy tiền thì có gì mà xấu”. Thế là chú nhận lời. Lại nhờ vị trí công việc trước khi về hưu có quan hệ với nhiều cửa, nên bán chữ xong chú còn mách cho họ các ngóc ngách để chui, để luồn, nên nhiều vụ rất thành công. Một đồn mười, mười đồn trăm, khách hàng của chú ngày một đông. Đến nỗi con chú có lúc đã xui chú mở hẳn một Công ty mang tên: “Công ty Văn kiện” cho nó oai. Nhưng cái này thì bố bảo chú cũng không dám!
Lại nói chuyện hồi xưa. Nhà nghèo, nhưng ông tôi vẫn cố cho bố tôi và chú tôi đi học. Chú học lười và dốt, nhưng được cái hiền lành dễ bảo nên ai cũng thương; vì vậy mỗi năm vẫn được lên một lớp. Cứ cho là mười chữ học được rơi mất chín, thì một chữ sót lại gom góp sau ba bốn năm học ở trường cũng đủ đầy một cái bồ to, đủ nuôi sống chú suốt đời, cho dù như đã kể, suốt đời vất vả - số con gà mà!

Với bồ chữ trong bụng đó, hồi kháng chiến chống Pháp, chú được làm công tác văn hoá, phụ trách bình dân học vụ. “Bình dân học vụ lập thành, Em nên tới đó học hành cho vui”, câu ca này hồi đó ai mà chẳng biết. Mọi người đua nhau đi học, vui đáo để. Chữ chú thì to như con gà mái mẹ, nhưng chữ to lại dễ đánh vần, nên ai cũng khen đẹp. Chú lại khéo đặt vè phục vụ cho công tác, đại loại những câu như: “Bình dân em chẳng chịu tham gia, Ngồi lê nghe kể chuyện em cũng biết ... Trung Hoa giáp Tàu”,... Bởi vậy cấp trên thì quý, học trò thì mê. Chuyện học trò mê thày Dậu thì nhiều lắm, có kể suốt ngày cũng chẳng hết. Chính nhờ vậy chú đã lấy được vợ, tức là cô tôi bây giờ, người mà hồi ấy ngày thì luôn mồm khen chữ của chú đẹp, đêm thì luôn mơ thấy vè của chú hay.
Lại kể chuyện tiếp. Với cái vốn văn hoá lớp ba lớp bốn như đã biết, lại đã kinh qua hoạt động bình dân học vụ, nên sau hoà bình, chú được phân công tác về Phòng Giáo dục Tiểu khu - đại khái ngày nay thì ngang với cấp Phường hay cấp Quận gì đó. Thực ra thì chú chỉ làm anh loong toong, chuyên viết bảng tin và chạy công văn giấy tờ thôi. Nhưng được làm nhà nước, thế là oai lắm rồi. Hiền lành, không hay để bụng, nên dễ sống. Ai khen, chú cười tít mắt. Ai chê, chú chẳng giận. Chú bảo: “Họ quý mình thì họ mới chê, để mình tốt lên. Nếu ghét mình, họ cứ khen bừa, mình cứ tin theo, có ngày chết!” Chú đúng là con người có tâm, dễ tin ngườt, chẳng hại ai bao giờ. Chú chịu khó đọc sách, vớ được cái gì đọc cái ấy, thượng vàng hạ cám. Và chịu khó giảng giải cho tôi nữa chứ, đủ chuyện trên trời dưới biển. Tôi còn nhớ, chú hay kể về các ông Mác Lê Sít Mao nào đó ở tận bên Tây bên Tàu, tài giỏi ghê lắm. Chú chỉ từng tấm ảnh và giảng cho tôi: Mác là cái ông râu xồm là người Nhật Nhĩ Man, Lê là cái ông trán hói, ở Nga La Tư, ông Sít thì có ria mép, còn ông mặt bóng lộn, không một sợi lông kia là Mao,... Tôi thì chỉ biết vểnh tai, tròn mắt mà nghe, mà nhìn, nào hiểu mô tê gì. Ngày đó, tôi phục chú tôi lắm (giá như bây giờ, phải gọi chú tôi là  Idol, là Thần tượng mới đúng!).

Số chú vất vả, nhưng lại hay gặp may. Hồi chống Mỹ, sức khoẻ kém, người cao già mét rưỡi, nặng ngót bốn mươi cân, nên đợt tuyển bộ đội nào chú cũng đều bị loại. Nhưng đến đầu những năm bảy mươi, nhu cầu chiến trường đòi hỏi, nên khâu này được bỏ qua và chú được đến lượt. Sau hơn một tháng theo đơn vị hành quân về Nam, sắp vào tới nơi tập kết thì bất ngờ chú được gọi quay trở về Hà Nội. Thì ra có một anh chàng nào đó cũng tên là Dậu như chú, có một cô người yêu. Cô này có bố làm to lắm, nghe nói đâu là cấp Trung ương. Cô đang được đi học đại học ở Liên Xô. Cô chỉ yêu có mình anh chàng Dậu kia, nay nghe tin anh ấy đi B nên cô hoảng quá. Cô doạ bố: Nếu không cho anh ấy về và sang đây học thì con sẽ lấy chồng Tây, không về nước đâu! Thế thì chết, làm thế khác gì tội phản quốc. Mà bố chưa chừng mất chức như chơi. Vậy là ông bố phải chiều con, lệnh anh thư ký phải tức tốc dùng uy của mình để giải quyết vấn đề. Ông to, nên mọi chuyện êm ru. Có điều anh thư ký chỉ biết tên chàng kia là Dậu, mà chuyến đi B này lại có ba bốn anh cùng tên Dậu, biết anh nào là anh Dậu thật? Thôi thì, thà thừa còn hơn bỏ sót, hướng giải quyết tối ưu là cho gọi tất cả về, tập trung ở Mễ Trì học ngoại ngữ một năm rồi cho sang nước ngoài học đại học. Đúng là mèo mù vớ cá rán, chó ngáp được ruồi, chú tôi – nhờ mang tên Dậu – nên nghiễm nhiên chẳng có tiêu chuẩn quái gì cũng được đi học nước ngoài.

Nhưng như đã nói, số chú tôi quả là vất vả. Tốt nghiệp về nước lại vào những năm đánh nhau với bọn bành trướng, nên chú vẫn phải lên biên giới phía Bắc. Và trong một đợt đánh úp của giặc, chú bị thương nặng, phải cắt đi một chân. Từ đó chú phải dùng chân giả. Tuy nhiên chú vẫn vô tư, yêu đời, đó là điều mà bọn chúng tôi còn thua chú xa. Một lần đi công tác xa về, nghe tin chú bị xe tải cán gãy chân, tôi lo quá, vội vã đến thăm. Vừa thấy mặt tôi, chú đã cười hềnh hệch: “Cháu vào xơi nước, may quá...” Tôi ngớ người, chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào - người bị gãy chân mà sao còn vui vậy? Thì ra đúng là xe tải đâm chú gãy chân, nhưng chỉ là cái chân giả. Chú khoe: cái chân ấy gỗ xấu, dùng lâu nên đã mọt. Chú lên Phòng Thương binh Xã hội xin giải quyết cho mua một chiếc mới theo giá cung cấp, nhưng năm lần bảy lượt đều bị từ chối. Họ bảo: vẫn còn tốt chán, còn dùng được ít ra là mười năm nữa, mà ông thì đã “cổ lai hy” rồi, nên nhường cho lớp trẻ. Tức đến lộn ruột! May mà có vụ tai nạn này. Chú đã cẩn thận lấy đầy đủ mọi thứ biên bản, nên chuyến này “bất chiến tự nhiên thành”! Chú rút trong cuốn sổ hộ tịch ra một tờ giấy được gấp ngay ngắn, chìa ra khoe tôi: “Đây, đã được duyệt rồi, thế có may không chứ!”

Tháng trước chú mất. Xuất huyết não, đột quỵ, bị một cái là đi ngay. Mọi lo liệu tang ma của gia đình đều gọn nhẹ. Nghĩa trang của quê tôi lâu nay đã chật đất, nhiều người lo xa phải dạm mua đất ở nghĩa trang các làng bên. Đúng hôm chú mất thì hay tin có một người ở quê đang chuẩn bị cải táng cho cụ ông ba đời. Giữa đêm khuya, cô bắt thằng em tôi tức tốc đèo về quê và sang ngay nhà họ đàm phán. Nể tình làng nghĩa xóm, nên sau một hồi khẩn khoản điều đình, cô tôi đã được họ đồng ý “ưu tiên”. Tốn kém chẳng là bao. Thế là đêm trước họ bốc, trưa hôm sau chú tôi đã có chỗ nằm, mà lại là một chỗ đàng hoàng, ngay giữa nghĩa trang, cạnh đường đi, quá đẹp.
Số chú tôi vất vả, nhưng quả là luôn gặp may.



Văn truyện Nguyễn Khắc Khoa/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét