Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

PHONG THỦY PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI


PHONG THỦY PHỤC SINH
TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI 
Nguyễn Nguyên Bảy

Nhật Lệ: Phong thủy từ lâu đã là bộ môn khoa học về thay đổi, sắp xếp không gian, môi trường sao cho phù hợp với các yếu tố tự nhiên, xã hội, cải thiện cuộc sống cho con người. Vậy theo ông, tại sao ở VN lại coi đây như lĩnh vực “nhạy cảm” và chưa đưa bộ môn này vào các trường kiến trúc? 

NNB: “Nhạy cảm” tàng ẩn ý nghĩa cấm đoán, xăm soi pháp luật, kết tội thì ở Việt Nam nhiều lĩnh vực bị hù dọa và bị ngộ nhận là nhạy cảm lắm, chứ đâu chỉ lãnh vực phong thủy. Tuy nhiên, với lãnh vực phong thủy và với trường hợp của riêng tôi, thì tôi không thấy lĩnh vực phong thủy bị ghép vào khu vực nhậy cảm. Tôi hành nghề phong thủy, từ những năm 70 thế kỷ trước tới nay, trước 1975, thỉnh thoảng có được công an/ tuyên huấn nhắc nhở, nhưng sau 1975 đến nay, hầu như chưa có bất kỳ sự phiền phức nào của đại diện luật pháp/ tuyên huấn..với công việc phong thủy và với cá nhân tôi hoạt động trong lĩnh vực này. Thậm chí tôi còn được mở công ty “danh chính ngôn thuận” – Công ty phong thủy BNN, do tôi làm giám đốc, có dấu mộc, đóng thuế và tự do tư vấn phong thủy, giảng dạy phong thủy tại các trung tâm văn hóa nhà nước, tham dự hội nghị hoặc giảng dạy ở nước ngoài, và xem phong thủy thu phí cho thập loại khách hàng, mà đâu có bị ngăn cấm, hù dọa hoặc gây bất kỳ sự làm khó nào! Là một doanh nghiệp hoạt động địa ốc phong thủy, tôi khảng định không có bất kỳ việc/sự nào có mầu sắc ”nhạy cảm”, xin cảm ơn về sự tôn trọng của luật pháp đối với các hoạt động thuộc lãnh vực phong thủy. 
Trường Đại Học Kinh Tế TPHCM có mở, hình như duy nhất, một khóa học về khoa học phong thủy, tôi đã tham dự khóa học đó, để lấy chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Các trường Đại học xây dựng hoặc kiến trúc thỉnh thoảng, theo tôi biết có mở các lớp bồi dưỡng khoa học phong thủy, tại sao không thành môn học chính thức tại các trường Đại học, việc này ngoài tầm biết của tôi. Tại TPHCM, nhiều Nhà văn hóa, như nhà văn hóa Phụ nữ, Nhà văn Hóa Thanh niên..đã mở nhiều khóa học về phong thủy và tôi đã từng giảng dạy trong các lớp phong thủy này. 

Nhật Lệ: Theo ông, tầm quan trọng của việc nghiên cứu và ứng dụng phong thủy vào đời sống như thế nào? 

NNB: Cung cầu là vận động tự nhiên của đời sống. Chừng nào người ta còn thấy ích lợi của phong thủy cải thiện được chất lượng cuộc sống thì chừng đó việc nghiên cứu và ứng dụng phong thủy còn là cuộc vận động cung cầu có thật, ví von một chút, hiện nay, bây giờ, trong cuộc sống đương đại của chúng ta phong thủy đang phục sinh, đang được cầu muốn như một đức tin. 

Nhật Lệ: Trào lưu xem phong thủy đang khá thịnh hành hiện nay ở ta, cả về âm trạch lẫn dương trạch, nhưng xem ra chỉ mới ở phần ngọn, vì thật ít, giả nhiều, và những thầy phong thủy xuất hiện nhiều vô kể, với đủ trường phái du nhập, nhưng mỗi thầy mỗi kiểu, khiến người ta không còn biết tin ai? Nên nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông? 

NNB: Phong thủy cổ chủ yếu lý giảng các vấn đề thuộc Âm Trạch (mồ mả)/ Phong thủy hiện đại nghiêng về việc nghiên cứu và lý giảng các vấn đề thuộc Dương Trạch. 
Nghiên cứu Âm trạch, là nghiên cứu những phạm trù vô hình, siêu nhiên, bí hiểm của vũ trụ kể cả yếu tố Người sau khi trở về cát bụi, tức là trở về vũ trụ cũng đã thành bí hiểm của phúc đức, của đạo hồn. Đây là lĩnh vực cực cực khó và sức nghiên cứu của con người (phạm vi nhân loại, thế giới) thường là lời đáp bó tay. Bản thân tôi, dù 50 năm dùi mài đèn sách, lội đông, trèo tây, bái đủ các bậc tiền bối làm thầy, nay xin thành thực thưa: Tôi hoàn toàn không lý giảng được bất kỳ điều gì hung cát thuộc phạm vi Âm trạch, ngoài các kiến thức được dân gian đúc kết qua đời sống mà thành phong thục/ tập quán, thành hương ước bảo nhau theo. 
Nghiên cứu Dương trạch là nghiên cứu những cái tai nghe, mắt thấy, tay cầm..tức là nghiên cứu cái hiện có, tìm ở nó cái chưa thích hợp (gọi là hung) và cái đã và sẽ thích hợp (gọi là cát) để làm thay đổi nó (cái nghiên cứu) mà nâng cao hay thu hoạch nhiều hơn nữa chất lượng cuộc sống như mong cầu của con người. Việc nghiên cứu và ứng dụng phong thủy dương trạch hiện đang là trào lưu có tính toàn cầu, đó chính là trào lưu thực dụng, thực chất, nôm na là nghiên cứu cầu sự lợi lạc ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay, thời này, chứ không màng lắm thứ phong thủy âm trạch hoang đường, mơ hồ cho cái gọi là tạo cát phúc cho muôn đời con cháu mai sau. 
Minh bạch được hai khu vực phong thủy Âm Trạch và Dương Trạch, bạn sẽ xác lập cho mình đức tin/ hoặc dị đoan, với phong thủy, với “ông bà” thầy phong thủy mà bạn bảo là đông như quân Nguyên, hề chi, chân giả đều hiển lộ dưới minh bạch đức tin của bạn. Đức tin là thế nào/ Dị đoan là thế nào? Mách nước: Bạn luôn đặt câu hỏi cho việc/sự bạn quan tâm, trả lời được câu hỏi thì đó là đức tin/ Không trả lời được thì đó là dị đoan. Ví dụ: Cái cửa số này hư, chữa đi, khỏi đau mắt. Lời phán này tin được không? Có cơ sở, tin được./ Bà thầy đang sang tai lời oan của Bà Nguyễn Thị Lộ chết từ mấy trăm năm trước, than thế này, kể lể thế kia../ Tin được chăng? Hòn đất mà biết nói năng/ Thì bà địa lý hàm răng chẳng còn.. 

Nhật Lệ: Chuẩn phong thủy nên nhìn ở góc độ nào? Bởi lẽ, hiện nay, như đã nói trên, loạn môn phái, loạn lý thuyết, loạn thầy pháp, trong khi tính khoa học của phong thủy mà cả phương Đông lẫn phương Tây từng dày công nghiên cứu lại bị coi nhẹ? 

NNB: Kinh dịch 384 quẻ, chỉ duy nhất một quẻ giảng luận về phong thủy. Phong trên/ Thủy dưới là phong thủy, là quẻ Hoán (hoán chuyển, thay đổi, sữa chữa..), nghĩa rằng phàm cái gì phạm đến phong (gió) và thủy (nước) thì phải Hoán. Làm sao Hoán? Tôi học dịch từ nhỏ, nhưng mãi tới năm 2000, tức là 60 tuổi, mới tìm ra được lời lời đáp cho chữ Làm Sao Hoán? Trong một chiều thất nghiệp (vì về hưu) ngồi buồn tự lật bàn tay mình chơi dịch. Trời ơi là đất, tôi lật bàn tay quẻ Phong trên / Thủy dưới mà được quẻ Thủy trên/ Phong dưới là quẻ Tỉnh. Reo lên tạ ân Trời. Tỉnh nghĩa là Cái Giếng. Đức của phong/thủy chính là cái Giếng. Định nghĩa Giếng: Uống Mãi Không Cạn/ Vơi Lại Đầy/ Đầy Không Tràn. Phong thủy cổ xưa tiền nhân nói đơn giản quá, căn nhà bị hư cửa, bị giột nóc, bị nọ, này..tức là đều phạm/ làm sai lạc/ nguồn gió/nước hay gọi là khí. Thế nên sửa lại, sửa thật đúng, thật tốt, thì căn nhà lại tốt đẹp như cái giếng để uống mãi, để nếu vơi thì lại đầy, nếu đầy thì không tràn..Có thấy nói đến trường phái tàu/ta, thánh thần cây đa/ con cóc nào đâu..Ghê thay, chỉ vì tìm sự tương thích con người và môi trường sống mà “các phong thủy vương bá” đẻ ra bao nhiêu là bao nhiêu thần thánh ma quỷ, nghĩ mà ghê kinh ma quỷ. 

Nhật Lệ: Những bậc thầy phong thủy của VN từ xưa đến nay là những ai, theo ông? Họ để lại những bí truyền cho con cháu, hay tiếp thu từ nền phong thủy Tàu? 

NNB: Có thể, một trong những bậc thầy phong thủy Việt Nam, hiện chưa được vinh danh, đó là Kiến trúc sư, Đại sư phong thủy Nguyễn Văn An, người đã thiết kế và trực tiếp chỉ huy thi công xây dựng Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc. 
Qua bằng chứng Nguyễn Văn An, có thể góp phần giải đáp câu hỏi có tính tự ái dân tộc là phong thủy Việt Nam tiếp thu từ phong thủy Trung Hoa! Hiện nay, các nhà khảo dịch VN đã tìm thấy những bằng chứng pho Kinh Dịch xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ/ Đông Sơn Việt Nam. Riêng với Bậc thầy Tả Ao, vì Ngài chỉ để lại cuốn phong thủy chép tay về pháp đặt mộ huyệt hung cát Âm Trạch, lĩnh vực tôi không đủ kiến thức trả lời câu hỏi đức tin/ hay dị đoan, nên không dám lạm bàn. 

Nhật Lệ: Một ngôi nhà cư ngụ đẹp theo nghĩa phong thủy là ngôi nhà thế nào? 

NNB: Một câu hỏi quá thú vị mà không dễ trả lời. Ngôi nhà cư ngụ thuộc thổ, chính xác là Đại Trạch Thổ. Đại trạch thổ nghĩa rằng sinh ra con người, Trời Đất ban tặng cho mỗi nhân một nơi chui ra chui vào che mưa che nắng, nơi đó bậc vương giả là lâu đài, bậc quan quyền tòa ngang dãy dọc, kẻ thi nhân một mái lầu tranh hai trái tim vàng, kẻ tiều phu một cái hang cỏ và kẻ vô gia cư một vuông ghế công viên..Tất cả, dù dạng này hay dang khác đều là căn Đại trạch thổ. Có vuông đất, cất cái nóc là thành nhà bảo rằng đã xong Ốc Thượng Thổ, xây các bức vách mà chia không gian phòng ốc, là đã xong Bích Thượng thổ…Căn nhà chỉ có ba bước ấy, móng, nóc, và vách..hà cớ gì ta không làm ba bước ấy cho tốt, cho đẹp, cho vừa ý ta, vừa đồng tiền của ta mà đón ngọn gió lành, mà hong phơi nắng ấm… 
Nhấn mạnh, thực hành ba bước ấy, ta nên dụng hết cái thích (tự do) của ta, cái nhân quyền của ta, mà không sợ lụy phiền xung quanh, môi trường. Và luôn nhờ chỉ tự do/nhân quyền ba bước này thôi nhé. Vì sang bước thứ tư, tức là ngôi nhà ta đã làm xong, những ngôi nhà xung quanh cũng đã làm xong, hợp thành một khu dân dư, một làng xóm, một đường phố..Ấy là ta đã hòa nhập ta vào Thành Đầu Thổ, khu/cụm dân cư rồi đấy. Và rồi cả cum dân cư ấy tỏa theo các con đường ( Lộ bàng thổ), kết nối khắp các vùng đất dai khác (Sa trung thổ) mà hòa ca cuộc sống nhân quần..Nói vậy, tức là căn nhà của ta từ khi hòa nhập vào cụm dân cư rồi tỏa đi..tức là căn nhà ta đã hòa nhập với môi trường đang cư ngụ, đang sống. 
Thế nên, một căn nhà cư ngụ đẹp theo nghĩa phong thủy là một căn nhà tốt đẹp bản thân nó và tương thích cùng cái tốt đẹp của xóm giềng, của môi trường xung quanh, mà thành tốt đẹp hoàn hảo..như Giếng ấy, uống mãi không cạn (tình người), khi khốn khó, lúc gian nan, sự vơi của giếng ấy mà, tin đi giếng lại đầy, bán anh em xa/ mua láng giềng gần/ và..thay lời cầu chúc, vì nói về cái tốt đẹp không cần nhiều lời. Chúc các bạn cư ngụ hạnh phúc trong ngôi nhà xây dựng hoặc sửa chữa thuận lý theo khoa học phong thủy 

http://epaper.laodong.com.vn/2014/LDCT37/#/6/
Báo LĐ cuối tuần
VANDANBNN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét