Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Mời chia sẻ/Tôn vinh Văn Bạn Văn 1/ 1. Văn Truyện Văn Tạ Duy Anh/ Thi Tuyển Khùng

VĂN BẠN VĂN 1/ TOÀN TẬP
Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương/
NXB Văn Học ấn hành 1.201

1.Văn Truyện
TẠ DUY ANH
THI TUYỂN KHÙNG


Chuyện này đã có nhiều người biết nhưng nay vẫn xin được kể lại và không hề có tí chủ ý đùa cợt nào. Số là xóm Duối có một gã đàn ông tính khùng khùng điên điên hình như cũng có tên tuổi hẳn hoi nhưng không ai nhớ. Mọi người nhất loạt gọi anh ta là Khùng. Lâu dần Khùng thành tên. Khùng là con hoang-chắc thế-và bị bỏ rơi từ bé. Khùng lớn lên bằng vật vờ kiếm ăn ở chợ, ở chùa, những nơi có đình đám hoặc nơi bãi rác. Tối về Khùng chui vào căn nhà trước kia dành cho người đi làm đồng nghỉ chân, gọi là nhà cầu, nhưng từ lâu đã bỏ hoang.

Vật bất ly thân của Khùng là một cái vỏ chai rượu ti thời Pháp và một con dao luôn đút trong bao. Không vợ con, không nghề nghiệp, Khùng là kẻ chuyên gây sự. Anh ta gây sự ngay cả khi chẳng có cớ gì, với khắp làng trên xóm dưới. Việc bằng cái kim anh ta cũng thổi lên bằng cái đũa, cốt để được gây sự. Không gây sự Khùng chẳng biết làm gì. Không gây sự Khùng buồn ủ ê hoặc ấp ủ làm những việc rất dại dột, khó lường.

Cả làng không ai chấp, không ai tranh hơn kém thua thiệt với Khùng. Thế là Khùng càng được thể lên nước, tự coi mình là người ghê gớm. Và cả xóm Duối đã quen với những cơn say mềm người, những vụ cởi truồng thông lông chạy khắp cánh đồng làng dưới ánh trăng vằng vặc, những đêm hát hò không khán giả... gắn với cái tên Khùng. Tuy làm những chuyện rất nghịch mắt, nói những lời cực kỳ chối tai... nhưng Khùng chưa hề gây tội ác với ai và ở đâu. Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, Khùng chỉ loanh quanh bắt nạt người ở xóm Duối.

Thế rồi bất ngờ, vào một đêm trăng thanh gió mát, Khùng lăn đùng ra chết. Nhiều người trước đó còn nghe thấy hắn hát í a, nói lung tung về chuyện trai gái, chuyện làng xóm, rồi hết khóc lại cười. Sau đó không thấy động tĩnh gì nữa cho đến khi người ta phát hiện ra Khùng chết còng queo, thân thể tím tái và người ta nghi là hắn bị cảm lạnh.

Cũng có người thương xót cho kiếp làm người của Khùng, sinh ra đã bị lưu đày. Nhưng đa phần coi cái chết của hắn là sự giải thoát cho họ khỏi một tai ương. Thật là nhẹ cả người. Xóm Duối tổ chức chôn cất cho Khùng theo kiểu bỏ thì thương vương vào thì nợ. Quan tài dành cho Khùng được tận dụng ghép lại từ những tấm gỗ thôi. Cũng có bát cơm quả trứng, chai rượu dành cho Khùng.

Trong khi đám đàn ông coi việc chôn cất Khùng chả khác gì vùi cho khuất mắt một cái thây vô chủ để lâu thối làng, thì đám đàn bà của xóm Duối lại tỏ ra là những người rộng lượng hơn. Họ tổ chức gọi hồn, cầu siêu cho Khùng, mong Khùng xuống dưới âm ty thoát kiếp đầu đường xó chợ, có danh phận, có công ăn việc làm tử tế, có quyền chức bổng lộc để được sướng hơn trên trần; mong cho hồn Khùng không bị cảnh sát âm ty kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, hộ khẩu, không  bị bảo vệ đang đêm xộc vào dựng dậy lên lớp cho một bài, không bị những hồn ma giả dạng là những cô gái thanh tân chặn đường quyến rũ khiến lạc vào bến mê khổ muôn kiếp; mong sao xuống đó Khùng có cửa có nhà, không le bè rượu chè, không khùng khùng điên điên mà chăm chỉ làm ăn, lo tu tỉnh để chờ ngày được đi đầu thai...

Nhiều lời khấn lắm và chúng được thể hiện khá là nghiêm trang, có làn điệu, đầy ắp cảm xúc, cực kỳ tha thiết, hay hơn bất cứ dàn đồng ca nào, kể cả trung ương hay địa phương đã từng có dịp về hát ở xóm Duối. Khi hạ quan, một bất ngờ lớn xảy ra là có tới cả chục chị em cùng xúm vào lôi Khùng ở lại. Họ cứ bám chặt lấy quan tài, dập đầu vật vã trông rất thương tâm. Bộ phận phụ trách văn hoá của xóm phải kéo từng người ra, việc chôn cất mới nhanh hoàn tất.

Cuối cùng thì Khùng cũng có mồ yên mả đẹp, cho dù nằm ở rìa bãi nghĩa địa do nhà nào cũng đã quây thành khu.

Thế là xóm Duối thoát cảnh bị Khùng hành hạ. Trẻ con ra đường không còn lo bị anh Khùng chân nam đá chân chiêu, miệng xều rớt rãi chặn lại tóm chim, dọa cho ma đói ăn. Con gái không còn phải ren rén đi qua khi gặp Khùng ngất ngưởng trên đường làng, moi quần mở toang. Sợ nhất là bỗng dưng Khùng tụt quần xuống gối rồi tiện thể vừa gãi cành cạch vừa đái vẽ rồng vẽ rắn.

Đám đàn ông trong làng thì từ nay tha hồ mà nói năng bạt mạng, cười hô hố, văng tục thỏa sức trong các bữa cỗ hoặc đình đám mà không sợ bị Khùng xuất hiện bất ngờ làm cho cụt hứng. Ra đường họ có thể tự do cợt nhả với đám đàn bà bằng những lời tục tĩu. Nếu Khùng còn sống, hắn sẽ quặm mắt, thở ra mấy câu đầy vẻ anh chị, sặc mùi sắt thép, máu me và trong cả hai trường hợp, bất cứ gã đàn ông nào cũng cắn răng bỏ qua cho dù tức nghẹn cổ.

Nhưng ăn ngon ngủ kỹ nhất lại là cánh nhà ông Hảo, có anh em toàn làm việc trong bộ máy chính quyền từ huyện xuống xã. Trước đây, khi Khùng còn sống, anh em nhà ông luôn bị Khùng cạnh khoé nhiều nhất. Đừng có mang chức vụ ra mà dọa Khùng. Cán bộ cỡ nào Khùng cũng coi chả hơn gì con tép. Khệnh khạng kiểu quan phụ mẫu là ăn đủ với Khùng. Đi ô tô về làng mà bấm còi toe toe cũng bị Khùng xỏ: Chỉ được cái to còi. Ăn mặc bảnh bao một chút mà gặp Khùng là rắc rối.

Có lần như vậy Khùng bảo: Em tao làm ngoài trung ương nhé, một bước lên máy bay nhé, ăn một bữa bằng cả làng tiêu hàng tháng, vậy mà nói năng hồ đồ tao còn chửi cho vuốt mặt không kịp, đừng có chưa chi đã lên mặt với ông mày. Nghe mà rực hết cả ruột nhưng đành cúi mặt đi qua. Trong các đám hiếu đám hỷ, anh em nhà ông Hảo đều đến và đi như ăn vụng. Cho nên không ai cảm thấy thoát món nợ đời hơn họ khi biết tin Khùng chết. Hình như có cả ăn mừng linh đình mặc dù được trá hình bằng cuộc liên hoan nhân ngày giỗ chạp cụ kỵ gì đó.

Chuyện về cuộc đời của Khùng tưởng chấm dứt ngay sau khi hắn chết. Ai hơi đâu mà để tâm ghi nhớ. Ngay cả quan lớn đại nhân, khi sống tưởng bỏ thiên hạ trong túi, mà vừa nhắm mắt đã chả ai nhớ, huống hồ một thằng khố rách, vô gia cư, con hoang, lại khùng khùng điên điên, chỉ còn thiếu ăn rơm ăn cỏ mà sống, thì đáng kể gì. Nhưng sự đời thường cứ hay oái oăm. Xóm Duối quen có Khùng lâu quá, như một thứ “đặc sản tinh thần”, ít nhiều tạo ra nét khác thường so với thiên hạ. Nay vắng Khùng, xóm Duối cũng mất luôn bản sắc riêng, chả có gì đáng kể, chả lên mặt doạ nạt, tinh tướng được với bất cứ ai.

Bỗng chốc mọi người cứ thấy thiêu thiếu, văng vắng một cái gì đó gắn với họ hàng ngày. Cuộc sống cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Trước kia, ngày ngày nhờ có Khùng mà xóm làng luôn trong tình trạng huyên náo, căng thẳng, cũng tức là phải động não. Trước kia luôn có chuyện cho biết bao cuộc ngồi lê đôi mách, chọc ngoáy, thị phi, dèm pha… nhờ thế mà làng nước quanh năm như có công to việc lớn, thì nay cứ buồn hiu buồn hắt. Chán nhất là chả có chuyện gì đủ sức tụ hội mọi người. Thỉnh thoảng cũng có ông cán bộ tuyên truyền từ trên cử xuống để nói chuyện về nếp sống mới, thì chỉ càng khiến dân làng thêm thấy tiếc là không còn Khùng.

Không có Khùng, bọn trẻ không có người để thỉnh thoảng kéo nhau hàng đàn rồng rắn chạy ngoài đường, chạy ré lên trong nỗi sợ nhưng sau đó cùng cười như nắc nẻ. Chúng nó cũng mất luôn niềm hãnh diện mỗi khi khoe với bọn trẻ làng khác về Khùng, nhờ thế nhiều khi chúng được an toàn.

Vắng Khùng đám các cô gái mới thấy mình hoá ra rất vô duyên. Trước đây thỉnh thoảng bị Khùng khật khưỡng trêu ghẹo, các cô thấy sờ sợ nhưng gây rất nhiều tò mò về bản thân. Giờ đi cả ngày ngoài đường cũng chẳng ai đoái hoài, bởi toàn gặp một lũ đua đòi, chỉ mải ăn hút, cờ bạc, đánh võng xe máy, học mót những ngôn từ lạ tai ngoài phố, rất đáng ghét. Trước kia gặp Khùng, dù luôn sợ mất mật, nhưng các cô cũng vì thế mà hãnh diện mình là con gái phải khép nép giữ của ngàn vàng.

Với các bà thì hoá ra Khùng mất đi là một tổn thất không thể bù đắp. Khi Khùng còn sống, nhiều phen hắn khiến các bà ngượng đỏ mặt. Ngượng nhưng ai bảo không thích thì bắt y cấm khẩu đi cho rồi. Cái thứ mà Khùng sở hữu sẽ chẳng tìm thấy ở bất cứ lão chồng nào của các bà. Với những bà vợ có chồng suốt ngày vùi đầu vào chiếu bạc, đêm trở về ướt đẫm rượu, vật vợ ra vần vò, chỉ tổ khiến họ bực mình, thì đương nhiên Khùng là niềm mong ước đoan chính nhất. Đoan chính bởi bà vợ nào đó biết chắc nó chỉ là mong ước. Mà mong ước chẳng thể có tội. Giờ thì chỉ biết chong chong nhìn đêm tối, vật vã với nỗi tủi thân không thể giãi bày cùng ai.

Không còn Khùng, hoá ra cũng tạo một khoảng trống ngay cả với đám đàn ông. Họ bỗng cảm thấy mất hết cả vị thế của những kẻ cai quản đầy quyền lực. Trước kia, khi so với Khùng, họ luôn được mặc nhiên coi là những kẻ danh giá, ít nhất với vợ con. Còn bây giờ, tan việc làng, việc họ, nhấc đít khỏi chiếu bạc cũng là lúc họ chả còn gì đáng mặt.

Xóm Duối, sau khi Khùng mất, rơi vào tình trạng sau:

Trẻ con không thích tụ tập chơi trò tập thể khiến làng xóm luôn đầy ắp tiếng cười nói, thay vào đó chúng trở nên lầm lỳ như những ông cụ non.

Bọn thanh niên, những gã đàn ông cờ bạc, gia trưởng thì lên những cơn khùng rất vô cớ.

Đám các cô tuổi chanh cốm thì mắc bệnh tự kỷ giới tính, nôm na là ghét bạn trai cùng lứa vì thấy anh chàng nào cũng thuộc loại ẽo ợt. Đêm đến các cô chỉ ru rú trong nhà, nghe có bạn trai đến là xuỵt chó ra. Nhưng từ khi Khùng chết, ngay cả việc đó các cô cũng ít khi phải làm.

Đám các bà thì luôn buồn nhớ linh tinh, hết thẫn thờ lại cáu giận vô cớ hoặc tủi phận mình sinh ra là đàn bà. Lầm lũi ngày đi làm, đêm về vùi đầu xuống gối chả thiết đến chồng.

Các cụ hàng phụ lão thì không biết dùng những lời giáo huấn hay ho nhất cho dịp nào. Bởi vì các cụ chỉ cảm thấy cao trọng khi con cháu có đứa nào đó hư hỏng, hoặc có kẻ là nguyên nhân của sự hư hỏng để nhân đó trình bày kinh nghiệm làm người tử tế. Các cụ vì thế đâm cứ thấy nhạt miệng, khó ở, từ đó buồn chán ủ ê, chỉ nghĩ và nói về chuyện hậu sự.

Tình hình không thể cứ mãi kéo dài.

Thế là có hẳn cả một cuộc hội nghị của những bậc cao trọng trong làng, những người luôn lo lắng cho thế hệ tương lai của xóm Duối. Người khởi xướng là cụ Thủ chỉ, năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, hồi trẻ làm công tác tuyên giáo. Các cụ họp bí mật nên mọi việc sau đó cũng chỉ vài cụ biết. Mở đầu cuộc hội nghị, cụ Thủ chỉ nói sơ qua về tình hình trong làng ngoài xóm kể từ khi Khùng mất, dẫn đến rất nhiều biến cố không ai lường tới.

Những biến cố đó vừa khách quan vừa là chủ quan, vừa có yếu tố bên trong vừa bị chi phối bởi bên ngoài, vừa phản ánh thực trạng chung, tức là mang tính xu thế, vừa là căn bệnh của riêng xóm Duối vân vân và vân vân. Cụ nói một hồi và chỉ dừng lại để lấy hơi hoặc đẩy hàm răng giả về đúng vị trí. Theo cụ tình trạng đã đến độ nguy hiểm và không thể để kéo dài. Kéo dài sẽ kéo theo nhiều hậu quả không ai có thể biết trước. Sau khi cụ Thủ chỉ dứt lời, lần lượt các cụ cho ý kiến và hội nghị “Diên Hồng xóm Duối” nhất trí với mấy nhận định sau:

- Xóm Duối đang có chuyện không bình thường, là có thật.

- Nguyên nhân từ biến cố cái chết của Khùng.

- Tình hình đã đến mức phải có sự can thiệp của những người còn tỉnh táo và có trách nhiệm.

Các cụ cùng nhất trí cho rằng: Một ngày xóm Duối không thể thiếu Khùng. Nhưng Khùng thì đã chết rồi. Người chết đương nhiên là không thể sống lại. Vì thế giải pháp khả dĩ nhất là xóm Duối, dưới sự chỉ đạo của các cụ, phải khẩn trương mở cuộc thi tuyển để tìm bằng được một gã khùng khác thay vào vị trí của Khùng. Việc này khó nhưng nếu quyết tâm cao, có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, được tổ chức tốt từ trong ra ngoài thì nhất định sẽ làm được. Điều khiến các cụ vững tâm vào thắng lợi của kế hoạch là thiên hạ không thể chỉ có một Khùng.

Dự định trên của các cụ xóm Duối lập tức nhận được sự đồng tình của đa số, đặc biệt là từ bọn trẻ con và cánh các bà. Một doanh nghiệp có ông chủ là người xóm Duối, kinh doanh trong lĩnh vực môi giới việc làm, đưa người đi lao động ở nước ngoài, đề nghị được là nhà tài trợ vàng cho cuộc thi. Câu lạc bộ thơ xóm Duối có tên là “Bánh đa, bánh đúc” do một thầy giáo chủ xướng cũng nhanh chóng cho ra tờ báo tường ca ngợi cuộc sống yên bình của xóm Duối dưới bóng mát của các cụ. Trên góc trái tờ báo có ghi cáo phó Khùng với đầy đủ ngày sinh tháng đẻ, không hiểu ông giáo thông kim bác cổ moi từ đâu ra.

Thế là ngay từ hôm sau, trên lối chính ra vào xóm Duối, có tấm biển làm bằng cót, nẹp tre, phết nền xanh, trang trí rất cầu kỳ, nổi bật dòng chữ: Thi tuyển Khùng. Mọi người, cả trong làng lẫn bên ngoài trông thấy đều rất phấn khích. Xóm Duối nhộn nhịp y như có hội. Người ta đi lại, ăn nói, bàn luận, hiến kế rất rôm rả.

Người già mang lễ phục truyền thống ra mặc. Các cụ ông thì áo the hoa mầu đen, khăn xếp, ô lục soạn, giầy kiểu Gia Định. Các cụ bà thì áo lương dài thâm, bao lụa tơ tằm đủ các mầu sắc, khăn nhung vấn mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Các bà thì te tái đi lại, hỏi han, nói cười rổn rảng, vỗ mông vỗ vai bôm bốp, hãnh diện khoe quần áo... y như chuẩn bị đón Khùng tái thế. Nhiều chiếu trà đã được trải ra cho đám đàn ông lấy cớ tụ tập đàm đạo, bình phẩm. Nhưng vui và náo loạn nhất vẫn là bọn trẻ con. Chúng được tự do chạy nhảy, hò hét, thi nhau khoe có họ hoặc có kỷ niệm với anh Khùng. Chúng mong xóm Duối ngày nào, tháng nào, năm nào cũng tràn ngập không khí hội hè đình đám như vậy.

Thí sinh đầu tiên xuất hiện trong sự hồi hộp của mọi người. Anh ta chính là Nhất Quất, con ông Nhất Quýt ở ngõ trên. Anh này bỏ ra phố làm cửu vạn về, mang theo khá nhiều điều lạ, từ ăn mặc, đầu tóc cho đến lời ăn tiếng nói. Tuy nghe đồn anh ta kiếm bộn tiền vì đào trúng một cái “mỏ” là bà quả phụ trẻ chồng bị chết, nhưng nhìn vào gia cảnh của Quất vẫn chả thấy khác gì khi anh ta cày sâu cuốc bẫm trên đám ruộng được chia ngoại trừ chị vợ ngày càng âu sầu.

Hồi trước còn Khùng, những hôm vắng chồng, chị thường hay qua lại căn nhà cầu, nói là mang cho Khùng mấy bắp ngô, củ khoai nhưng khi trở về thì khác hẳn. Ít ra thì nó cũng không héo rũ như từ ngày Quất từ phố trở về. Nghe tin chồng ra mặt muốn làm người thay Khùng, chị không nói một lời mà chỉ cười nhếch mép khá bí hiểm.

Thí sinh Nhất Quất trượt ngay từ vòng đầu. Anh ta hiểu sai đề bài, ra sức làm những trò mua vui, bất chấp thanh hay tục, nói năng toàn những lời có cánh mà Quất cóp được trên những tờ báo dày đặc chuyện phòng the, vụ án Quất đọc vơ đọc váo những khi ngồi chờ việc. Đã thế Quất đi lại y như phường chèo, rất không tự nhiên. Xong bài thi, nhìn vẻ mặt các cụ ngao ngán nhưng anh chàng Quất không hề linh cảm thấy điều gì, vẫn hơn hớn cười nói. Cuối cùng cụ trưởng ban phải đặt câu hỏi cho Quất:

- Anh Quất này, anh hiểu khùng khác với hề ở chỗ nào?

Quất đáp:

- Cũng cùng một giuộc, như ri như rứa cả!

Cụ ra câu hỏi lắc đầu theo đúng kiểu của một bậc giám khảo có thâm niên:

- Cảm ơn anh Quất nhưng rất tiếc là anh đã hiểu sai vai trò của hai loại người. Chúng tôi ghi nhận là anh rất khao khát chiến thắng, rất nỗ lực, rất chịu khó tìm tòi cách thể hiện... nhưng hình như anh chỉ làm hề được thôi. Làm hề khác hẳn với làm khùng. Làm hề không cần phải bày tỏ chính kiến, nhưng làm khùng thì có đấy. Làm hề có trăm cách. Cứ cười hềnh hệch là xong, là có thể gây cười. Cứ nhắm tịt mắt lại theo kiểu đầu đường xó chợ nhưng lời nói, cử chỉ như giáo sư, tiến sỹ là có thể gây cười. Cứ nghiêm trang như phỗng đá trong một trò biết chắc chắn là hề, là có thể gây cười. Cứ vung tay diễn trước mặt người khác một bài lặp đi lặp lại, thêm chút cau mày nhăn trán là có thể gây cười. Cứ  nhăn nhăn nhở nhở, nhạt toẹt, nói đế, nói theo cũng có thể gây cười... nhưng làm khùng thì không gây cười mà phải khiến người ta sợ nổi gai ốc, dựng tóc gáy, sun vòi lại, cáu tiết, bực tức, điên đầu muốn chết hoặc muốn gây án nhưng cuối cùng thì lại là cảm giác thích thú. Nó phức tạp và tinh tế thế đấy anh ạ.

Quất cười hi hi:

- Tưởng gì chứ làm cho người khác sởn tóc gáy, sợ vãi đái thì Quất làm ngon. Quất chỉ cần phồng mồm trợn mắt là đến ma quỷ cũng kinh hồn chứ nói gì đến người.

Cụ ra câu hỏi lại cười rất độ lượng, lần này cụ cho thấy mình không chỉ kỳ cựu trong nghề làm giám khảo mà còn rất thâm Nho:

- Chúng tôi biết anh còn làm cả những việc kinh thiên động địa hơn nữa kia. Chả hạn khi còn làm cửu vạn ngoài phố, một tấc một cắc không có mà anh đã bán cả thửa đất ngoài... sông cho người khác, còn hơn cả bán trời không văn tự, việc đó đương nhiên không phải ai cũng đủ liều lĩnh. Đúng là chỉ có anh mới dám làm như vậy. Nhưng anh cứ ngẫm mà xem, sau khi anh làm cho mọi người kinh hồn thì liền đó họ quay sang khinh bỉ cái hành động của anh - Xin lỗi nếu tôi làm anh phật ý nhưng tôi không tìm được cách nói khác dễ hiểu hơn. Mà tiêu chí của chúng tôi là phải vừa sởn gai ốc, vừa sướng rơn người kia. Sợ mà vẫn thích được sợ nhiều nữa. Bên ngoài thì sợ nhưng bên trong lại thích. Ở gần thì sợ mà xa thì cứ thấy muốn gần. Tỏ ra mặt bằng khinh thị nhưng trong lòng ngầm kính phục vân vân và vân vân... Ô, nói ra thì nó dài dòng lắm nhưng đại loại như vậy. Khó thế chứ. Nhưng khùng là thế anh hề Quất ạ. Cảm ơn anh đã tham gia cuộc thi, giúp chúng tôi có một khởi đầu không đến nỗi tồi.

Quất đành ngậm ngùi ra về, đổ lỗi cho thằng đàn em chả liên quan gì, rằng tại nó mà mình bị mất một món không nhỏ so với thu nhập chung.

Vậy là cuộc thi tìm người thay thế Khùng vẫn phải tiếp tục. Nhưng các cụ xóm Duối và mọi người không phải chờ lâu. Cùng một lúc có mấy thí sinh từ các làng cận kề, có lẽ đã đủ thời gian để cân nhắc, cùng đến đăng ký dự thi, nằm ngoài mọi tính toán có phần bi quan của các cụ. Đang lo không có người tham gia, nay kéo đến cả đống khiến các cụ lại đâm khó trong việc chọn ai trước.

Cuối cùng các cụ cũng nghĩ ra một cách là tổ chức hai vòng - như những cuộc thi khác - sơ khảo và chung khảo. Ban sơ khảo có nhiệm vụ phân loại đối tượng theo thang ABC. A là đối tượng cần chú ý. B là đối tượng đáng quan tâm, còn C thì coi như loại. Tất nhiên chỉ có loại A và B qua vòng sơ khảo và được thi tiếp. Kết quả đúng như các cụ phỏng đoán: phần lớn họ chưa hiểu về tính chất nghiêm túc của cuộc thi tuyển, lại quá háo danh, hám lợi. Họ tưởng trò đùa các cụ rỗi hơi bày ra thì thế nào cũng được.

Thành thử trong số 5 người đăng ký thi tuyển người thay Khùng đợt hai, chỉ trụ lại một đối tượng khả dĩ, được ban sơ khảo chấm mức đáng quan tâm. Nhưng người tinh mắt (may mà các cụ trong Ban chung khảo đều bị lòa) có thể thấy trước là thí sinh lọt qua sơ khảo kém xa Khùng về mọi mặt. Anh này tướng lấc láo, mặt lưỡi cày, miệng cá ngão, mắt lồi, nhiều lòng trắng, lại luôn có vằn đỏ. Ấn tượng nhất là khi anh ta nói. Nó y như chó sủa, tức là không thể nghe rõ từng lời mà chỉ thấy như tuôn ra từng tràng toang toác.

Chuyện kể rằng một lần anh ta có tên trong khoảng dăm bảy người may mắn từ dăm bảy xã, được một bậc hào phú của vùng mời đến nhà vào mỗi dịp sinh nhật cụ thân sinh ra ông ta. Khách mời, sau khi tham quan dinh cơ đồ sộ của bậc hào phú, sẽ được gia chủ mời cơm với những món sơn hào hải vị. Trước lúc khách ra về, bậc hào phú còn tặng cho mỗi người một gói quà.

Nhưng để được nhận món quà đó, khách phải vái lạy bố của ông ta một cái. Ông cụ đã ngót nghét tuổi trăm, người teo lại chỉ còn như thằng bé. Cụ không đi tiểu tiện được nữa nên lúc nào cũng phải đeo một bọc đựng nước bên sườn. Cụ ngồi như thánh sống trong khu dành riêng cho mình tại một căn phòng sơn son thiếp vàng, chỉ người hầu mới được phép vào.

Thiên hạ đồn rằng, đã nhiều năm nay cụ không ăn mà chỉ ngậm sâm. Con trai cụ cần cụ cứ ngồi đó để tạo dựng uy danh với đám có quyền lực trong vùng. Cụ còn sống thì con trai cụ còn tha hồ quẫy đạp mà vẫn được che chở. Việc năm nào lão cũng tổ chức mời khách đến nhà chính là một cách ngầm khoe khoang gia thế. Để có thể vái cụ, khách phải tập đi tập lại cách vái vài lượt.

Thoạt đầu người nhà bậc hào phú đem cho mỗi người một đôi giày vải và một bộ quần áo may theo lối đại gia trước đây. Khách đóng bộ vào rồi được dẫn vào phòng tập vái. Tại đó có một người chờ sẵn để hướng dẫn. Khách làm theo hiệu lệnh mà không được thắc mắc. Chả hạn người nhà hô: bước, khách phải bước. Người nhà hô: dừng lại, khách liền dừng lại. Người nhà hô: Quỳ xuống, khách mới được quỳ. Khi nào nghe tiếng hô: vái, khách mới được vái. Vái chưa đúng phải vái lại, bao giờ đúng mới được vào vái thật. Nhưng mà cũng bõ lắm. Chỉ phải quỳ rạp xuống một cái, áp môi tượng trưng lên vạt áo dài bằng nhiễu đỏ trùm che lấp chân người ngồi, là nhận ngay gói quà đủ cho gia đình người nghèo ăn cả tháng!

Năm ấy, anh chàng vừa được các cụ sơ khảo cuộc thi khùng cho điểm B, như đã kể, cũng có mặt và khi tập vái anh ta làm theo hiệu lệnh răm rắp. Đến phần vái thật, trong khi mọi người đang sửa sang chỗ đặt hai đầu gối, thì anh chàng tót lên trước, bế xốc ông cụ đặt xuống đùi sau khi ngồi vào chỗ của cụ. Thế là mọi người vái anh ta là chính vì thực tế ông cụ không còn khả năng nhận biết. Chuyện đương nhiên đến tai con trai cụ lập tức khiến lão tím bầm mặt.

Chưa ai dám to gan lớn mật với lão đến thế. Làm to chuyện thì lão không dại vì sợ thiên hạ biết, mang tiếng. Nhưng lão sẽ rút lại gói quà. Anh chàng bèn ghé tai lão bảo nhỏ: “Nếu không chịu đưa quà thì ông phải bảo cụ nhà bế đền tôi như tôi đã bế cụ. Cụ không làm được thì con trai cụ phải làm thay bố, lẽ đời vốn là vậy. Còn nếu con trai cụ cũng không làm được thì vợ ông ta phải làm. Và chắc là tôi sẽ thích lắm đấy, hơn đứt gói quà của ông.

Nói xong nằm kềnh ra trên sập gụ, cười lăn cười lộn.

Lão hào phú đành nuốt hận vào trong, chỉ còn biết thề sẽ có ngày rửa hận.

Tên anh ta là Bụp.

- Anh có cái tên nghe rất… mạnh và chắc - cụ trưởng ban hỏi - biệt danh hay ai đặt cho anh?

- Chịu, lớn lên thấy người ta gọi mình như vậy. Có lẽ do tính cháu thích bụp.

- Anh thích bụp, vậy cái thứ anh thích có thể gọi bằng tên khác không?

- Là uýnh. Thằng nào khiến cháu ngứa mắt là cháu bụp luôn, tức là uýnh luôn.

- Bất kể ai?

- Kể cả bố đẻ.

Bấy giờ cụ trưởng ban mới thong thả nói:

- Anh Bụp này, rất tiếc phải nói với anh chúng ta lại không có duyên với nhau. Nếu ở đâu người ta cần đầu gấu, cần người chuyên đi ăn vạ thì tôi tin họ sẽ mang võng điều đến rước anh mà không cần anh phí một lời. Nhưng chúng tôi tuyển người để thay anh Khùng chẳng may ngắn số của chúng tôi - cụ thở dài - Chúng tôi không nhận được anh là chúng tôi thất bại chứ không phải anh.

Cuộc thi tuyển thế là thất bại. Treo biển thêm một thời gian không thấy có người đến xin ứng thí, các cụ xóm Duối bèn chuyển hướng, thay vì ngồi chờ, các cụ sẽ thân chinh đi tìm. Ngay lập tức đoàn đi tìm người thay Khùng của các cụ xóm Duối gồm năm thành viên được chốt danh sách gấp. Toàn là các cụ có uy tín hàng đầu. Các cụ chuẩn bị khá chu tất cho một chuyến đi có thể sẽ kéo dài nhiều ngày và lên đường sau đó vài hôm.

Các cụ vạch trước lộ trình nên không mất nhiều công hỏi thăm. Thông thường tới một nơi nào đó, việc đầu tiên các cụ làm là vào dâng lễ vật bái yết Thành hoàng của nơi ấy, nói rõ mục đích của chuyến đi, mong Thành hoàng phù hộ. Sau đó các cụ đi gặp các bô lão đức cao vọng trọng, những người có khả năng nói ra những câu nặng hơn cả vàng. Rồi là đám chức sắc đương chức cũng như đã hồi hưu, giãi bày với họ nỗi khổ của cánh cha chú lo cho thế hệ mai sau, chỉ mong họ giúp đỡ. Vì thế đến làng nào các cụ cũng chỉ hỏi đúng một câu: Ở đây có ai bị coi là dở người không? Câu trả lời luôn khiến các cụ thất vọng. Nhưng các cụ không nản.

Tại một nơi, các cụ xóm Duối tưởng đã tìm thấy người như mình muốn thì hoá ra người đó cũng đã hết lộc trời từ lâu, chỉ còn dư âm lại chút tiếng tăm. Ở một xóm nọ, các cụ nghe phong thanh có một gã đàn ông khá giống với Khùng đã chết của xóm Duối. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy lời đồn đại luôn xa thực tế hàng cây số. Anh ta làm Cuội thì được chứ thay Khùng thì còn thiếu quá nhiều thứ. Các cụ bèn tìm đến những nơi xa hơn, cách xóm Duối vài ngày đường.

Qua biết bao mách nước, cuối cùng các cụ cũng tìm được một người tương đối ưng ý. Anh ta cũng không rõ nguồn gốc xuất thân. Anh ta cũng không có tên tuổi chính thức, sống vật vạ hết chợ này sang chợ khác, ai sai bảo gì cũng làm nhưng đừng ai dại mà động vào. Cũng giống như Khùng của xóm Duối, anh ta chưa từng đánh người, chưa chính thức ăn cắp của ai. Khi cần chửi thì chửi chua chanh như đàn bà. Nhưng lúc cần làm trò thì lại đọc thơ vanh vách, hát cải lương, quan họ, chèo tuồng… đều mùi mẫn và đúng điệu. Xét kỹ càng thì không thể sánh với Khùng được nhưng nếu không ra khỏi cái bóng của Khùng thì sẽ chỉ ra về tay trắng. Các cụ bảo nhau thế nên quyết định chấm anh ta cho xong chuyện.

Nhưng hoá ra anh ta cũng do làng ấy kỳ công lôi từ nơi khác về, một ngày không thể thiếu nên không thể nhường lại cho bất cứ ai. Cuối cùng cả năm cụ xóm Duối đều chỉ còn biết nhắn con cháu đến đưa về vì sức các cụ đã kiệt mà đường thì xa.

Suốt thời gian khá dài về sau, mặc dù tấm bảng thông báo tuyển khùng vẫn án ngữ ngay đầu làng, nhưng cho đến khi cả năm cụ trong ban tuyển chọn đều hai năm mươi về giời, xóm Duối vẫn không sao tìm được người thay thế Khùng.

Cho đến một hôm, có lẽ khá lâu sau sự cố đã kể, người chép lại chuyện này có việc phải qua xóm Duối, đúng vào hôm ở đây đang tưng bừng như có hội hè đình đám gì to lắm. Trống giong cờ mở, băng rôn khẩu hiệu đầy đường. Mọi người tụ tập túm năm tụm ba, mặt ai nấy đều rất phấn khích. Tò mò hỏi ra thì được biết xóm Duối đang mở cuộc thi vẽ chân dung. Điều kiện bắt buộc là kích thước tranh phải đúng bằng người thật và phải vẽ bằng chất liệu có độ bền lâu.

Từ đó mới biết câu chuyện đã kể về người có tên là Khùng. Do không thể tìm được người thay thế anh ta, các cụ trong Ban tuyển chọn (tất nhiên không phải là năm cụ đã quy tiên) bèn nghĩ ra cách vẽ anh ta để treo trước cửa miếu Thành hoàng, là nơi luôn có các cuộc tập trung đông người của xóm. Khá nhiều người đăng ký tham gia, trong đó có cả những họa sĩ chuyên nghiệp từ Hà Nội về. Nghe nói cuối cùng bức tranh được chọn của một thiếu phụ nổi tiếng là đoan chính, lại giỏi giang chữ nghĩa và rất mực yêu chồng. Không giống những người khác khuôn mặt Khùng dựa vào di ảnh, bức chân dung của chị được tạo lại hoàn toàn theo trí nhớ.



Hà Nội, tháng 12-2009


Văn truyện Tạ Duy Anh/ Sách Lãng Du NXB Thời Đại/
Hai  Xuân đọc chọn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét