Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Chém Gió Muôn Mầu/ Bài 24. MINH BẠCH VỚI BÙI BÌNH THI


NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU
Văn ngắn/ nxb hội nhà văn
Sách dày 240 trang, khổ 20x20, bìa carton in 4 mầu, giấy Ford indo trắng, gồm tập hợp 33 bài chém gió xanh/đỏ/tím/ vàng của bút nhân Nguyễn Nguyên Bảy, chủ trang vandan BNN, đã..đã có mặt tại gia, và sẽ là món quà nhỏ/ thân/yêu tặng bầu bạn trước thềm Tết năm Mùi Ất..2015
Bài 24.

MINH BẠCH VỚI BÙI BÌNH THI

Giữa thời bom rơi đạn nổ
Mà anh muốn cưới tình
Cưới tình thời chiến tranh phải thề không được chết..



MINH BẠCH VỚI BÙI BÌNH THI

Lời dẫn: Biết mình mắc trọng bệnh Chém Gió, nên thường tôi chỉ chém gió với tôi, với chiếc ghế đẩu, với góc tối trong nhà và đôi ba điếu thuốc. Không dám ra ngoài trời, vì e vách có tai và sợ gió có lưỡi. Đã cố tu thân như thế, nhưng vốn cũng chỉ là thường người, người đang tu thân sống đời tử tế, nên đôi lúc cũng Chém Gió giữa trời, vung vít thanh âm vào tai bè bạn../ Được bạn vui coi bộ thích lắm, nhưng nếu làm bạn buồn thì trong lòng khổ sở ngày đêm, tát mình đôm đốp ngu..
Một, đến thời điểm này là duy nhất, một Chém Gió mà tôi coi như mắc nợ ân tình, sợ sau này cát bụi làm sao nợ trần  gánh theo, nên nhất định buộc mình phải minh bạch nợ vay..Đó là khúc tôi Đò đưa Tiểu thuyết Dại Tình của nhà văn Bùi Bình Thi/ Khúc Đò đưa này đã chém "xong" một tình bạn văn ngoài ý muốn, dù ngoài đời chúng tôi đã từng mến trọng nhau. Đăng lại dưới đây, nguyên văn, không tu chỉnh một chữ so với bải đăng lần đầu, duy nhất, trên mạng Trannhuong..com năm 2011, trước khi minh bạch trần tình.


NHÂN ĐỌC TIỂU THUYẾT
“DẠI TÌNH” CỦA BÙI BÌNH THI


1.Kể từ ngày huynh Bùi Bình Thi rời Đài TNVN về Hội làm nhà văn chuyên nghiệp, tính đến trưa nay, hè 2011, kể đã gần bốn chục năm, chúng tôi mới gặp lại nhau. Chỉ mới nắm tay nhau, tiếng cười "mục sư" đã rạng như hoa cùng câu nói không kịp nắn nót “ biến khỏi nhà Đài tau chỉ nhớ mỗi mình mày”. Thế rồi cười ôm nhau vỗ đến sướng cả vai. Sinh ra trước một ngày cũng kể là hơn, huynh Thi sinh trước tôi có lẽ đến vài trăm ngày, nên từ thuở  biết nhau, làm chung với nhau, cho tới giờ, tôi vẫn coi huynh Thi  bậc anh về tuổi tác. Anh ấn tượng nhất với tôi là nụ cười. Lúc nào cũng  bằng lòng. Lúc nào cũng viên mãn. Và lúc nào cũng vẻ như hỉ xả.
Bữa gặp duyên quá, vui quá, tiếc là ngắn quá, chưa đến hai giờ đồng hồ trước một chuyến bay không thể hoãn. Người hộ vệ anh tới nhà vườn Thiền Quang là em gái anh,  Bùi Bình Thơm. Và tôi được các huynh muội: Hoàng Xuân Họa, Trần Nhương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thị Ngọc Hà cùng nhiều ( lắm) các tài danh văn thơ Hà Nội đang hàn huyên không dứt với Lý Phương Liên, tất cả hộ vệ tôi đón “choảng” Bùi Bình Thi, theo kiểu giang hồ văn chương "yêu nhau”.
Sách đâu?
Là anh hỏi sách của tôi. Tôi còn đang lúng túng chưa kịp đáp,  anh đã  rút từ trong “bị cói” đeo kè bên hông, một cuốn sách khá nặng, đó là cuốn tiểu thuyết Dại Tình, mới ấn hành của anh, rồi anh lật mở trang đầu, lấy cây bút máy (bút viết mực, không phải bút bi) và đề nắn nót những dòng sau:
“ Rất thân quí tặng Nguyễn Nguyên Bảy và gia quyến. Ông Ăng Ghen có nói trong tác phẩm có tên là Nguốn gốc gia đình của ông như sau: “ Con người chỉ được coi là con người, khi tình dục ở trong nó bắt đầu hoạt động. May thay, tình dục lại là của tự nhiên, vì thế con người sống và hoạt động theo qui luật của tự nhiên, mà qui luật của tự nhiên thì không có nhánh tiêu cực.” Ở đây, chữ Dại trong chữ Dại Tình là hàm chỉ về tự nhiên thiên nhiên, chứ không phải là chữ dại… khôn. Nguyễn Nguyên Bảy đọc và cần thì trao đổi nhé.” Chữ ký Bùi Bình Thi và triện tên vuông đỏ chói.

Tôi nâng hôn gió sách Dại Tình, bìa 1 in hình một cô gái đứng trong một cái hộp giấy đến ngang hông, chữ Bùi Bình Thi che kín mặt cô gái, chỉ còn hớ hênh nửa vầng nhũ  trăng non.
Theo thói quen, tôi mở lật trang bìa 4, thấy giá bìa 80.000đ (thời điềm đầu năm 2010) và lời quảng bá sách, như sau:
Dại Tình: Thuần, Hồng, Hương, Thoa và Sâm Sâm, Kim Liên, Ngân và Thắm nữa, họ là những người phụ nữ thành đạt. Và họ lần lượt tự kể về cuộc đời của chính họ. Họ kể về bản năng vượt qua những khốn khó khôn lường, bản năng yêu thương. Họ kể về những vô vàn đau đớn, khắc khoải của chiến tranh, của cuộc đời. Và họ tự kể về đời sống tình dục cái thế giới tình dục có ngay trong mỗi con người họ; bởi theo quan niệm của đời họ, bản năng tình dục là cao quí, nó làm con người sống cao thượng hơn, hữu ích hơn và hòa đồng hơn.”

2. Tôi, không giả dối rằng: tôi là người rất thích đọc sách có hương vị sex và không đơn thuần chỉ là thích các sản phẩm đọc, mà thích tất cả các sản phẩm văn hóa nghe, nhìn khác có hương vị sex. Thích từ tấm bé, từ cắt dán hình cô gái đẹp, đến thức thỏm mấy ngày đêm chờ được xem bộ phim đồn là có Sex như phim Chiếc Sừng Dê của Bungari chẳng hạn, hay chìm đắm trong những trang tiểu thuyết Đôi Bạn Chân Tình của Hesse hay Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel Garcia Marquez, rồi sau năm 1975, tới giờ, xem phim Mỹ chữ A, đọc sách sex Mạc Ngôn và thậm chí cố công vượt bức tường lửa vào Net đọc và xem sex bạt ngàn, free toàn phần.
Thêm một háo hức nữa, nghe đồn sách Dại Tình gặp trục trặc trong việc phát hành. Xưa nay, sách đã in ra mà gặp lệnh văn bản hay lệnh miệng “cấm”, đều có sức quảng bá cực mạnh đối với sách, với người viết, người xuất bản, và đều được bạn đọc lùng xục tìm đọc với một tò mò khác thường.
Tôi đã chào đón sách Dại Tình của huynh Bùi Bình Thi trong hai tâm cảnh viết trên. Tâm cảnh một, tự thú về việc thích văn hóa sex, thú này ngày xưa ( từ 1985 về trước)  thành kiến nặng bị coi là phạm pháp, thành kiến nhẹ bị coi là hư hỏng, tha hóa và  là một thứ ghẻ, cùi đáng phải bị xa lánh. Những năm gần đây, văn hóa sex  đã được “tháo” “cởi”, tôi thì cho là không nên dùng hai từ tháo, cởi, vì tháo cởi sex trở về bản chất trần truồng, mà nên dùng chữ “thoáng”, đã được nhìn thoáng hơn, đánh giá thoáng hơn và  ít thành kiến hơn, và được thừa nhận trong một phạm vi nào đó.
Tâm cảnh hai, một thực tế không thể phủ nhận là văn hóa sex có như nó vốn có và được chấp nhận hoặc đào thải tự nhiên như mọi loại hình văn hóa đời sống khác. Vì vậy, cái gọi là cấm trở nên tiếu lâm trước nhu cầu và thực sự bất lực, vô nghĩa trước xa lộ thông tin, đặc biệt mạng. InterNet công bố: Cư dân mạng Việt Nam chiếm vị trí đầu bảng  truy cập các mạng sex. Thống kê ấy có nghĩa là chuyện ” đói” sex, “thèm” sex của bạn đọc Việt là có thực. Và một trong những nguyên nhân hàng đầu quy chụp cho sự “đói” và “ thèm” này là do sex bị pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt cấm cản. Sự thật thế nào? Tôi tự đặt câu hỏi và lúng túng lời đáp.
Giữa háo hức tâm cảnh ngổn ngang kể trên. Tôi đã suýt không mở đọc Dại Tình, khi đọc kỹ lại lời BBT ghi cho tôi: Ở đây, chữ Dại trong chữ Dại Tình là hàm chỉ về tự nhiên thiên nhiên, chứ không phải là chữ dại…khôn. Trời cao đất dầy ơi, hóa ra Dại Tình  của BBT là thứ tình dại như cỏ dại, cây dại, hoa dại, chó dại (không thể hiểu khác về lời giải thích nhấn mạnh của tác giả), thì liệu có nên và có đáng để đọc ? Lại nghĩ có thể  BBT nói đùa, vì có ai lại bảo sách mình viết ra là sách dại? Từ dại đi với từ hoang thành hoang dại. Từ dại không đồng âm nhưng nhiều đồng nghĩa với từ độc . Vậy dại tình ở đây nên hiểu nghĩa thế nào ? Nghĩa thẳng dại tình là hoang tình, là thứ nhà thổ dạng này hay dạng khác. Người ta (?) dậy tôi: Trong tình yêu có sex  nhưng không phải trong sex nào cũng có tình yêu, tất nhiên chỉ nên nghe, nhìn, đọc thứ văn hóa trong tình yêu có sex. Tất nhiên không ai cấm cản mình nghe, nhìn, đọc thứ văn hóa sex để tìm tình trong đó. Nghe, nhìn, đọc rồi mới biết mình “dại” thì ráng chịu. Huynh Bùi Bình Thi chẳng đã đề biển sách mình là Dại Tình, và chẳng đã nhấn mạnh (viện dẫn Ăng Ghen) với bạn đọc chữ dại này không phải là dại khôn mà là dại độc, rồi sao!
Thưa bạn đọc, chữ dại nghĩa gì, thì tôi cũng đã chọn phải phép với bạn văn chương  cho sách, mà đọc Dại Tình.

3. Thói quen không thể bỏ của tôi, là đọc xong bất kỳ cuốn sách nào, tôi cũng ghi ít dòng gọi là thu hoạch sau đọc sách. Dại Tình không ngoại lệ. Dưới đây, chép lại bản thu hoạch viết về sách Dại Tình của BBT
Sách dày 462 trang. NXB Phụ Nữ. Bìa 1 và 4 không ghi loại hình sách. Chữ tiểu thuyết rất nhỏ, nép dưới chữ Dại Tình in nơi trang 3. Sách nộp lưu chiểu quí 1/2010.
Nội dung: “Mây mưa” toàn không gian, thời gian.
Hình thức: Tiểu thuyết kể văn, kết cấu dọc, các nhân vật xếp hàng (chương hồi) thứ tự xuất hiện, toàn âm, đàn ông chỉ là bóng thoáng, lướt qua. Tổng số các nhân vật từ lớn nhỏ, xuất hiện hay chỉ là cái tên kể hoặc một ẩn dụ, một ví von, dưới số vài chục, nhưng vì đúc một khuôn nên coi như tiểu thuyết một chuyện, một nhân vật, chuyện là sex, nhân vật cũng là sex. Ngôn ngữ dạng nói, rất ít tính từ, trạng từ, hai từ chủ đạo từ trang đầu đến trang cuối là động từ Làm và danh từ Tình.
Thông điệp chủ quan:  Họ kể về những vô vàn đau đớn, khắc khoải của chiến tranh, của cuộc đời. Và họ tự kể về đời sống tình dục cái thế giới tình dục có ngay trong mỗi con người họ; bởi theo quan niệm của đời họ, bản năng tình dục là cao quí, nó làm con người sống cao thượng hơn, hữu ích hơn và hòa đồng hơn.”(BBT, đã dẫn)
Thông điệp khách quan: Hãy trải nghiệm sex (nhà thổ) trong chiến tranh mà yêu quí, mà thụ hưởng sex (nhà thổ) trong bình an, giầu có bây giờ.
Kết luận: Sách biếu, không cho mượn, không quảng bá, giữ một năm trong  tủ khóa chờ hoàn trả sách thay lời cảm ơn, quá một năm không trả được sách sẽ hóa.

4. Bài viết này có tựa đề là Nhân Đọc Tiểu Thuyết Dại Tình Của Bùi Bình Thi. Phần đọc với sách của huynh Thi như vậy cũng là đủ, xin huynh Thi  sẽ không giận dữ, mà anh  cứ tươi nở nụ cười "mục sư" như vốn có, xuề xòa cho những lời “Đò Đưa” của người mà anh ân cần viết:”
Nguyễn Nguyên Bảy đọc và cần thì trao đổi nhé.”
Vâng, bây giờ xin viết thêm ít dòng trao đổi.
Kể từ khi Thượng Đế phóng xuống trần gian một đạo âm và một đạo dương, đạo âm tên là gái đạo dương tên là trai. Thượng đế nhìn hai đạo trai gái ấy mà dậy duy nhất một điều, bằng mọi cách phải sống (sinh tồn). Hai đạo âm dương vâng lời bề trên săn bắt hái lượm mà tồn tại. Khi đã vững tin là hai đạo âm dương tồn tại, Thượng Đế quay trở lại dậy thêm lời nữa, yêu nhau (sinh lý) đi mà gìn giữ giống nòi người. Từ đó tới nay, sinh tồn và sinh lý vẫn là hai hạt cơ bản, xứng đáng tôn vinh của loài người. Từ hai hạt cơ bản đó mà sinh sôi nảy nở ngàn muôn hạt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…cũng chỉ với mục đích phụng sự hai hạt cơ bản sinh tồn và sinh lý ấy mà thôi.
Bản chất của hạt sinh lý là sex, là hai tấm thân âm dương, bỗng một ngày kia thấy trần nhộng thế này thì tội tấm thân, mới mượn lá nho, mo cau, vỏ cây trước là che chim che bướm cho khỏi vướng víu, sau là che thân mà tránh mưa gió, rét mướt. Rồi càng ngày càng được khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tìm kiếm những giải pháp mới tôn cao và vinh danh sinh lý của con người. Hành trình tôn vinh ấy cao đẹp nhường bao. Và con người hằng luôn khao khát được tôn vinh cao đẹp hạt sinh lý trời ban . Bản chất của hạnh phúc làm người là mức độ thụ hưởng vật chất thành tựu của hai hạt cơ bản sinh tồn và sinh lý. Do vậy, khi tụng ca hạt sinh lý (sex), người ta (?) mới nói chữ : Sex không hoàn toàn mang lại hạnh phúc, nhưng sex giúp ta đứng gần hạnh phúc.
Thế nên, việc nghe, nhìn, đọc tôn vinh sex là lẽ tự nhiên, nên lắm chứ và cần lắm chứ. Dân ta tôn vinh sex đầy trong ca dao tục ngữ. Kiều của Nguyễn Du không có sex liệu có thành Kiều say đắm lòng người đến vậy? Và nếu như không  có  Hồ Xuân Hương, tuyệt đỉnh sex, thì chúng ta làm sao có được những áng thơ trăm phần trăm Việt Nam được tôn vinh hàng đầu thi ca nhân loại? Từ tác phẩm của các bậc tiền bối, chắc chắc ai cũng ngộ ra điều, sex mà các bậc tiền bối dụng viết là cái sex có trong tình yêu, có trong nhân tình thế thái, đáng ghi lại, đáng lên tiếng và đáng tôn vinh. Tuyệt nhiên không phải là cái sex người ta quay phim nhà thổ, vẽ tranh nhà thổ, viết truyện nhà thổ, rổi bắt người xem, người nghe, người đọc tìm trong đó mà thấy tình, mà thấy những thông điệp tụng ca.
Và sau cùng, đều nên biết, không một quốc gia nào trên thế giới, dù được coi là tự do nhất như Mỹ và Bắc Âu, hay dù được coi khắt khe nhất như các đất nước Hồi Giáo, đến các nước gần ta như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại hàn, Thái Lan… Nơi nào cũng vậy, mức độ tuy khác nhau, đều có sắc luật nghiêm cấm sex nhà thổ. Nên, việc ở ta luật pháp không welcome văn hóa nhà thổ, nghiêm cấm văn hóa nhà thổ không ngoại lệ, không có gì phải than phiền ầm ỹ. Và dù, ở một xứ sở nào đó, người ta chẳng bận tâm tới việc cấm văn hóa nhà thổ, thì chính người sản xuất ra thứ văn hóa nhà thổ  phải tự đặt ra luật pháp lương tâm, nghiêm cấm với chính mình.
Sách Dại Tình bị cấm, không được phát hành rộng rãi, Bùi huynh nên tri ân người cấm và lệnh cấm. Thật phúc cho sách Dại Tình của BBT bị cấm, tôi cho là vậy.

Minh bạch:

Bài viết trên vừa đăng trên Trannhuong.com khoảng đôi ba canh giờ, tôi nhận được điện thoại của Bùi Bình Thi, thanh âm rất "mục sư", tôi nghe lặng và thuộc từng lời..Chỉ đáp lại, tôi xin lỗi, xin lỗi, tôi sẽ gỡ bài ngay..Hình như tôi chỉ hỏi thêm: Nhưng anh đã đọc chưa? Đáp: Chưa, nhưng mấy đứa bạn gọi phon bảo thế. Tôi cười ( tất nhiên BBT không thấy tôi cười) và lại nói lời xin lỗi, xin lỗi. Lời xin lỗi này được lập lại nhiều lần, tràn ngập năn nỉ nếu không muốn nói là năn nỉ đứt lưỡi Tổng Biên Tập Trần Nhương.Com gỡ dùm bài xuống..
Làm vui bạn mình để mình hưởng chút thoang vui mà sướng, mới khó làm sao. Làm buồn khổ bạn mình, thì thật là đáng tội, đáng xấu hổ quá, không thể thanh minh, lại chỉ biết gõ mõ tu thân sân hận mà hỷ xả..
Hỷ xả được đôi phần: Nguyên là Bùi Bình Thi có người em ruột là nhà văn Bùi Bình Thiết (An Bình Minh), ở Sài Gòn, cũng là bạn văn chương của tôi, nhưng thi thoảng chúng tôi mới gặp nhau. Mới rồi, tôi đã kể khúc oái oăm này với Thiết, anh nắm tay tôi rất chặt, ôm tôi rất chặt, lời đỗi chân tình: Cảm ơn anh đã yêu anh tôi, đã yêu anh tôi..

Nguyễn Nguyên Bảy
/ Mời đọc tiếp bài 26/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét