Bạn đọc gặp lại Phùng Khắc Bắc ngang tàng một thời với lời sấm: “Hãy cho ta một lần tự do/ Dù ngắn ngủi nhưng một lần cũng đủ/ Một giờ, một phút, một lời hay một chỗ/ Nhưng đích thực là tự do”. Dĩ nhiên, vẫn Hoàng Cầm, Quang Dũng… ung dung uống trà bên những tác phẩm kinh điển của họ, bên cạnh đó còn có cả Lưu Quang Vũ đầy tâm trạng: “Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất/ Nhưng nghĩ đến người lòng tôi rách nát/ Xin người đừng trách giận, Việt Nam ơi” trong một bài thơ ít được phổ biến. Cũng mấy ai công phu in trọn “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ sau nhiều lần chỉnh sửa như một món quà tri ân người nghệ sĩ già.

Ở dòng thơ đương đại, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy nhẹ nhàng khép lại một “Kinh thành cổ tích” để làm một cuộc sang chấn khác - “Khai quật Hoàng triều”. Ở đó, có cuộc đối thoại gay gắt mà thú vị giữa người thơ và đức vua, đến nỗi: “Thơ bước đi mắt tứa máu/ Máu mắt hỏi mây/ Mây ngàn năm vẫn bồng bềnh Cờ Lau/ Máu mắt hỏi gió/ Gió ngàn năm vẫn xanh tóc Bạch Đằng… / Nay rồi xưa/ Hoàng Thành khai quật/ Lịch sử làm sao chôn?”. Trong những câu thơ trên như có tiếng sấm động, nhưng chỉ là tiếng vọng trong tâm thức của mỗi người. Thơ về quá khứ, mà cũng là về thế sự, con chữ vì thế cũng nặng trĩu, cũng đầy hồn vía. “Vì thế ở cõi người/ Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi”… Và cuối cùng như huyền thoại là cơn mưa Seattle có thể đi qua kinh thành cổ tích, “biến đường phố thành những khúc sông trôi?”.
Đứng cạnh kiệm lời là một Dã Phong Bình với nét vẽ: “Phố lên đèn/ Lối cũ/ Mảnh hồn loang ra những nét buồn cũ kỹ”, hay một Trần Bương rất tinh: “Nghe trong gỗ mục tiếng cười thần linh”, rồi Nguyễn Lâm Cẩn chân thành: “Tôi tìm trong đỉnh trầm lư/ Bao nhiêu thần tượng/ bây chừ khói bay/ Niềm tin thờ phụng xưa nay/ Vùi sâu nhát cuốc đường cày đói cơm”. Và một Đức Doanh ưu tư: “Lòng ta hẹp đựng khi nào cho hết/ Hiểu làm sao sự thật cõi người/ Họ bảo nắng là mưa, họ bảo mưa là nắng/ Tình cảm chân thành ở đầu lưỡi, đầu môi”. Hoàng Tấn Đạt tiếc nuối với “Nỗi buồn từng sợi ai đan/ Để cho tấm áo thời gian bạc màu”. Chân dung âm bản của Thi Hoàng vẽ nên con người hiện tại: “Vâng, tôi không tin tôi kiểm soát nổi mình/ Tôi xa lạ với chính tôi/ Như mảnh trăng giữa trời nhìn trăng dưới đáy hồ, ngơ ngác”… Lý Hữu Lương với “Phố nằm nghiêng/ Ta vẫn nằm nghiêng/ khỏa đời mình/ lên bất tận/ Nghiêng”.
Và còn có một Nguyễn Ngọc Tư “Mắt đã rêu lâu quên chạm mắt/ Tay đã rêu lâu quên chạm tay/ Cà phê sáng nay/(như cuộc đời)/ không dấu vết/ tiếc nuối/ cũng vừa tan khi đến cổng nhà… và “Máu chảy tự khô, vết đau tự liếm, hát tự nghe/ trong ngôi nhà khép cửa”…
12 nhà thơ đã mất và 79 giọng thơ đương thời cùng hòa điệu, làm thành tuyển thơ dày, có sự chăm chút đọc chọn và biên soạn của hai chủ biên. Một tập thơ đáng để trên kệ sách, dành cho những ai yêu văn đàn BNN. Tuy nhiên, tiếc là nhiều người đọc chọn, nên tập hơi loãng vẫn còn không ít bài hơi nhạt. Rất có thể, tình hình thơ là thế, làm sao có thơ hay ngay được? Nhưng phải nói đó là công lao rất lớn của cặp nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên, những người bỏ công sức tìm về từng câu thơ hay, rồi tự bỏ tiền túi in thơ, không bao giờ nhận một đồng nào từ phía những người thơ hội tụ về văn đàn của họ.