Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 13/ Những Người Đãi Vàng



13. Những Người Đãi Vàng


Thực ra trong cách nói văn vẻ này tôi không chỉ dừng lại ở việc chọn chữ. Mà phải nói khái quát một quá trình chọn: Hình tượng, hình ảnh, câu, chữ, vần điệu…


Quá trình chọn được tiến hành như thế nào?
Lúc mới tập làm thơ (tất nhiên là bây giờ cũng vẫn tập) tôi đóng khá nhiều những sổ tay, trong sổ đó tôi ghi chép những gì thuộc về thơ, và có liên quan đến thơ. Quá trình ghi chép này có bổ ích rất lớn là nó làm giàu trí tưởng tượng, ký ức và cảm xúc. Ngày nay, mỗi khi đọc lại những dòng ghi chép ấy còn nhặt chọn được khá nhiều những hạt vàng mà từ đó có thể đứng dậy những câu thơ hoàn chỉnh. Nhưng thực ra cái quan trọng và lợi ích không chỉ có thế, mà nó như một sự tích lũy vốn, trong mọi phương diện cho thơ. Có khi những ghi chép của tôi là một câu thơ, có khi là một mầm mống của tứ thơ, có khi là một hình ảnh và đặc biệt nhiều là chữ nghĩa.
Quá trình ghi chép này thực sự là một quá trình rèn luyện rất thú vị.
Xin dẫn ra một trang sổ tay trong đó tôi đã ghi chép nhiều lộn xộn như sau:
Vì sao đời hoa quỳnh lại ngắn? Tâm trạng một đêm trăng? Nghĩ về lòng thủy chung của hoa, vì khi trăng tàn – người tình đã chết – thì cuộc sống của hoa còn ý nghĩa gì, chẳng lẽ dâng mình cho bướm, ong cho mặt trời.
Hoặc: Sau cơn mưa trời đất như rộng ra
Hoặc: Thử sử dụng chữ cầu với gió, chữ nhai với nắng, chữ ngủ với sông, chữ vô cùng làm sao có nét đẹp?
Từ những dòng ghi chép ấy, tôi đã viết bài thơ (tập thì đúng hơn) về trăng và hoa quỳnh cả một kịch thơ nữa. Chữ vô cùng và chữ nhai nắng về sau tôi đã viết được những câu thơ như thế này:
Là khi anh nói về em/ Bông hoa trước cửa tự nhiên nở bùng/ Trên cành một giọt sương rung/ Gió nhẹ vô cùng thổi mãi không rơi…
/ Con bò lạnh nhạt đứng nhai nắng tàn…/

Có rất nhiều tài liệu ghi chép sau này chỉ trở nên một mớ giấy lộn. Điều đó không có gì lạ, phải đãi bao nhiêu cát mới được một hạt vàng. Nếu không có một quá trình đãi lọc thì đừng bao giờ hy vọng có được vàng. Càng về sau công việc ghi chép của tôi càng ngắn gọn cô đúc và gợi cảm. Thí dụ: Lúc bình minh, mặt trời như quả bóng đỏ. Hoặc: Gió se se gợi nhớ đến áo rét. Hoặc sự luyến lập khác nhau: trập trùng, vô cùng, hào hùng, cây tùng, côn trùng, rùng mình, hãi hùng…Phải tinh lọc được trong quá trình ghi chép, càng tinh lọc được bao nhiêu thì hiệu quả sử dụng nó càng nhiều bấy nhiêu.
Ghi chép có nhiều loại. Ghi chép hình ảnh, ghi chép cảm xúc, ghi chép hình tượng, ghi chép một gợi ý, ghi chép từ ngữ, ghi chép nhạc điệu, ghi chép vần, ghi chép âm thanh…
Quá trình ghi chép chính là quá trình gọt rũa lần thứ nhất. Nhiều quá trình gọt rũa lập đi lập lại gây cho trí óc có nếp gọt rũa, tự óc biết tiếp nhận và đào thải chất liệu cho thơ.
Trong tất cả những ghi chép nói trên, ghi chép từ ngữ là điều thiết cốt hơn cả. Vì lẽ, từ ngữ quyết định cho việc hoàn chỉnh một hình ảnh, một hình tượng, quyết định mầu sắc, hương vị, quyết định nhạc điệu, thậm chí quyết định cả tình cảm của câu thơ nữa.
Một ví dụ: Tôi đã viết được bài Từ Thức Bơ Vơ bắt đầu bằng hai chữ Bơ Vơ . Ôi, thực sự chẳng ai bơ vơ hơn Từ Thức, háo hức cõi tiên, tiên cho mượn cánh, lên miền tiên lại nhớ miền quê, nằng nặc đời về, tiên lại cho về, về quê, thân thích họ hàng, lân bang làng xóm chẳng một ai nhận ra Từ Thức, thế là miền quê từ chối, miền tiên không thể lên, đắng lòng về núi làm đời gió mây. Thật không có bơ vào nào hơn bơ vơ Từ Thức, bơ vơ cô đơn ngay trên chính quê hương mình.
Khúc Từ Thức vừa từ miền Tiên trở lại miền quê mình:
…Vẫn phiên chợ củ sông trưa/ Vẫn lưng ong thắt ngọt thưa mời chào/ Vẫn làn điệu ấy ca dao/ Cây đa bến nước lào xào gió chim/ Vẫn quai thao nón ai nhìn/ Hương tiên còn chút ta dìm vào sông/ Áo quần ta lại nâu sồng/ Thỏa thê mắt lại nghe trông mặt người/ Cuộc người dài được mấy mươi/ Mà uổng tạo hóa một thời con trai/ Không làm nên trúc nên mai/ Cũng xin là gió hát lời thiên nhiên/ Ta về như buổi chiều quen/ Dạo chơi trong núi chân đem nhớ về/ Cõi tiên tỉnh ngộ cơn mê/ Quê hương ơi gió bốn bề tay reo/ Mái gianh nhà cũ liêu xiêu/ Vai ai tựa cửa mấy chiều bặt tin…

Cuộc về nguồn háo hức là thế, bao nhiêu lạ kỳ mắt thấy, tai nghe, bao nhiêu so sánh thật ảo, đẹp xấu hai cõi tiên-người, muốn thuật lại lời lòng cho xóm làng hiều, mà nuôi trí trai, sức gái làm người, bởi chẳng ở đâu đẹp tươi hạnh phúc hơn cõi người, hơn làng quê ta cả. Nhưng chỉ với mấy ngày sống ở cõi tiên, mà nơi cõi người đã là mấy trăm năm…Từ Thức đã phải chấp nhận hành trình bơ vơ.
Lạnh nhạt ngày về:
…Nghe chào đàn chó chạy ra/ Áo quần ta có gì là ngạc nhiên/ Sao ngơ ngác những mắt nhìn/ Lạ xa chi phải dò tìm mặt nhau/ Sao không đáp lại mấy câu/ Vênh vênh diễu võ ngầu ngầu dương oai/ Chó vây tiếng sủa inh tai/ Con bò lạnh nhạt đứng nhai nắng tàn/ Rằng tôi Từ Thức…ồ ran/ Ngắt lời nghe rợn tan tan sóng cười/ Trẻ già cười mãi không thôi/ Chuyện đâu có chuyện lạ đời ngô nghê/ Rằng tôi Từ Thức đã về/ Già làng quắc mắt tay kề đốc gươm/ Chuyện hoang đường, quá hoang đường/ Khùng điêm sao dám vơ quàng nhận xiên/ Tổ chúng ta đã quy tiên/ Chiếu trăm năm trước mây biền biệt bay…

Dù biết không còn cơ may sống cùng thế hệ đồng bào thời mình, Từ Thức vẫn kịp chia sẻ với đồng bào các thế hệ sau lời chân thành, dù cay đắng:
Đừng rằng ta kẻ loạn ngôn/ Chê đời tiên để về trần làm dân/ Quê nghèo vật lộn miếng ăn/ Ngô khoai nuôi một tấm thân lưng dài/ Gánh gồng mòn vẹt bờ vai/ Vợ ta vẫn chỉ một lời thương yêu/ Con ta đời lại vòng vèo/ Cái khổ theo một guồng nghèo cứ quay/ Thì ta vẫn cứ về đây/ Là chim chẳng sống xa bầy được đâu/ Lưng dài ta bắc nên cầu/ Vai rộng ta biết thay trâu cày bừa/ Lòng buồn đã có bạn thơ/ Con chim cuốc cuốc trưa hè thôi kêu/ Ruột bầu vợ nấu canh nghêu/ Chồng chan, con húp bao nhiêu nghĩa tình…
Và rồi Từ Thức đón nhận cho mình hai chữ bơ vơ:
Phận tôi Tứ Thức phận tôi/ Bơ vơ về núi làm đời gió mây…

Thêm một ví dụ. Như trên đã viết, thử dụng chữ cầu (cây cầu, không phải nguyện cầu) với chữ gió. Tôi đã cứ miên man nghĩ như thế mãi, cho đến bữa kia, Cầu Gió thành bài thơ dài viết về Cầu Long Biên vắt ngang sống Cái. Trước khi viết được bài này, tôi đã có viết một bài Cầu Long Biên, khá đẹp, được đăng báo Văn Nghệ TW, còn nhớ bài thơ đó có mấy câu thế này:
/ Sông Hồng thướt tha như tóc người con gái/ Cầu Long Biên đẹp tựa chiếc nơ cài/ Cầu bắc qua sông lành hiền như nắng mai/ Đón những chuyến xe đi gọi những chuyến tầu vế tấp nập…/

Đại loại vây, tôi cón thích bài đó cho đến khi viết được bài Cầu Gió thì bài thơ kia gần như bước ra khỏi khu vực thơ tôi.
/Gió vẫn gió nhưng gió thời đó/ Hình như rất thơm/ Gió ngồi thảm cỏ/ Mải mê gió vẽ sông Hồng…/
/ Gió vẫn gió nhưng gió ngày đó/ Hình như giữa hạ/ Sợ mồ hôi mặn cỏ/ Gió đứng một chân/ Gió vẽ/ Khúc sông xưa gió vẽ cây cầu/ Lại đám trẻ vớt củi rều xúm lại/ Ngắm nhìn cây cầu tranh/ Cầu thật lạ mà người thì quen lắm/ Nội mặc áo the/ Ngoại khoe yếm thắm/ Ngựa xe ríu rít qua cầu…/

Sự đứng được của bài thơ là kết quả của một quá trình tu từ và tu vần.
Tôi thường luyện cách gieo vần như thế này; Tôi cố viết được tất cả những từ có thể ghép vần với từ mình sử dụng, thí dụ: từ đời, tôi đã tìm được những từ kết vận với nó: Đời, lời, mời, thời, ngời, người, lười, mười, rời, vời…
Tìm như vậy chỉ để luyện tai quen nghe âm vận và khi sử dụng đỡ lúng túng, chứ tuyệt nhiên không phải tất cả những chữ tìm được đều huy động cùng một lúc và trong một bài. Vần trong thực tế ngoài việc làm cho ăn vận với câu trên hoặc dưới, nó còn có sức nổ dây truyền rất lớn, sức kêu gọi của vần liên tục, giúp một cách đắc lực cho việc hoàn tất một bài thơ. Sự trôi chảy con sông thơ là do hiệu quả vần, không phải không có những vần thơ phá hỏng cả bài thơ và ngược lại có những vần cứu cả bài thơ.
Đối với người làm thơ khác như thế nào tôi không biết, chứ với tôi việc tu từ – tôi gọi là tu vần – là công việc chọn vàng chính.
/…Gió trao cho đám trẻ cây cầu/ Đám trẻ khiêng cầu/ Vắt ngang sông gió
/ Quã thật, nếu không có chữ khiêng và chữ vắt thi ba câu thơ quá tầm thường nhat nhẽo.
/ Đám trẻ lớn lên / Rồi già thành gió/ Rồi lại sinh ra/ Sinh ra trẻ vớt củi rều/ Củi rều nhóm lửa/ Bếp lửa lùi khoai/ Bếp lửa mài gươm đọc sách/ Bếp lửa giao duyên/ Giao duyên lời thề non nước/ Tượng hình con gái con trai/ Tượng hình dòng sông đầy gió/ Trên sông có cây cầu gió vẽ/ Quê hương còn đó gió về…/

Nếu không có chữ giao duyên trên quyện vần với chữ giao duyên dưới và khái quát vấn đề thì bài thơ sẽ lạc đến tận đâu!
Giao duyên lời thề non nước
Quê Hương còn đó gió về

Việc tu vần đã khiến cho những câu thơ viết ra đạt được những tiêu chuẩn nhất thiết phải có của nó, về tính họa trong thơ, tính nhạc trong thơ, tính tư tưởng trong thơ. Khi đã đạt được một trong số những tiêu chuẩn nói trên thì câu thơ ấy đã có thể đứng được trong hoàn cảnh toàn cục của nó.
Công việc tu vần (hay tu từ) giúp được rất nhiều cho việc sử dụng những từ mòn, sảo, những từ trừu tượng. Thí dụ: Theo bầy đàn, tôi bắt chước thích dùng từ thân thương, sôi động, thẳm sâu…Nhưng khi dùng mà không đúng chữ của nó khiến nó trở nên sáo mòn, gượng gạo, vô bổ. Về sau, tôi rất sợ dùng những từ này, thậm chí tôi ghét lây cả những người đã sử dụng nó. Ngôn ngữ vốn không có lỗi gì, lỗi là do người sử dụng nó không đúng chỗ, lạm dụng nó, sử dụng mà không hiểu nghĩa đã khiến nó chết yểu.
Quá trình tu vần tôi thường một mình đọc to câu thơ mình viết, tìm sự thuận tai nhất trong khả năng của nó. Thí dụ có khi dùng ca ngợi, lại có khi đảo thành ngợi ca, hoặc mến thân, thân mến. Quá trình đọc to chính là quá trình hiện hình trong nghệ thuật nhiếp ảnh, dạo đàn trong nghệ thuật âm nhạc, nhiều sàng lọc, sửa chữa thành đạt nhờ việc đọc to này.
Nhắc lại: Việc tu vần đã góp phần rất quan trọng cho bài thơ thành công. Nói cách khác, hình ảnh, hình tượng, triết lý, trí tuệ đều làm nên bởi câu chữ, mà câu chữ sử dụng trong thơ là câu chữ của vần điệu.
Sẽ có người nói rằng: Thơ tự do chính là thơ không vần! Đúng, nó không nằm trong qui luật vần thông thường, nó tuân theo qui luật vần ẩn, vần kín kín đáo nằm trong nhịp điệu, trong các thanh bằng chắc và chấm phẩy. Đó là sự tự do trong giới hạn thơ, chứ tuyệt nhiên không phải tự do là muốn lắp ghép từ ngữ thế nào cũng được, không tôn trọng một nguyên tắc nào. Tôi đã thử làm thơ tự do, thử nhiều lần và nhận thấy thể thơ tự do cũng có vần điệu của nó – tôi gọi là vần không thông thường.Tuy nhiên, thơ vần hay không vần điều đó không quan trọng, mà quan trọng là sử dụng những chất liệu từ ngữ vần hoặc không vần nhưng làm nên điệu thơ.
Thực ra người làm thơ không cố chấp về vần – ở đấy phạm trù tu vần trên thực tại là tu từ – Tu những từ thơ. Xét về phương diện tu vần, nhận thấy, những vần chắc gam mầu thường nóng, ức chế một phẫn nộ nội tâm, là những nốt cao trong nhạc. Còn những vần bằng gam mầu thường lạnh, mang tâm tình buồn vui, than thở, là những nốt trung trầm và trầm trong nhạc. Đối với hai loại vần này, vần bằng hợp hơn với thơ và chứ nhiều nhạc điệu, vần chắc khó sử dụng hơn vì chất điêu khắc họa hội họa của nó. Do vậy, có thể làm một bài thơ toàn thanh bằng, chứ không nên làm một bài thơ toàn thanh chắc.
Nếu quan niệm thật đúng đắn về công tác tu từ, tu vần thì những hạt vàng nhặt được ngày mỗi nhiều thêm và tất nhiên càng nhiều hạt vàng trong thơ thì giá trị bài thơ ấy càng tăng.
Với tôi, sự thành công thuộc về công việc đãi vàng này. Người làm thơ chính là người đãi vàng, đừng quên!

Sách Thủng Thẳng Với Thơ, chương 13.
Mời đọc tiếp Chương 14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét