Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Mời cùng tôn vinh sách Thơ Bạn Thơ 5/ Từ trang 1-24 theo sách in/ Phần Lời Thưa + Dư âm


Mời cùng tôn vinh sách THƠ BẠN THƠ 5
Từ 1-24 / Phần 1, Lời Thưa và Dư Âm


NHIỀU TÁC GIẢ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy (Chủ biên)

THƠ BẠN THƠ, 5
NXB HỘI NHÀ VĂN


TỔNG MỤC
THƠ BẠN THƠ 5

Lời thưa / 003
Dư âm và dư âm/
Lục Bát Trăm Nhà
384 Câu Thơ Hay
Thơ Người Thơ Đã Mất
Thơ Người Thơ Đương Thời

  
   Lời thưa,

Cảm ơn các đấng sinh thành và gây dựng Thi Đàn Việt, cảm ơn các thi nhân tiền bối giờ này nơi cõi khác vẫn mong đợi ngâm ca tình thơ con cháu. Cảm ơn và kính dâng lên miền thiêng thơ những áng thơ thời chúng tôi đang sống.
Cảm ơn thơ, Cảm ơn các người thơ cao cả đã ban cho chúng tôi vinh dự thực hiện ước mơ tự nguyện được đọc chọn và nhân bản quảng bá những bông thơ bầu bạn. Bảo là ước mơ tự nguyện, bởi đây là sự tri ân đạo lý với thơ và các bạn thơ đã sinh dưỡng đức tin, trợ cứu đời sống, chỉ dạy chúng tôi tu thân sống làm người tử tế.
Cảm ơn các bạn thơ mở lòng đón nhận sách Thơ Bạn. Xin hỷ xả chúng tôi kiến văn giới hạn trước vườn thơ trăm hoa, khó tránh việc đọc chọn còn nhầm quên mạch nguồn tiềm ẩn. Xin hỷ xả chúng tôi tâm chưa đắc bồ đề còn chịu áp lực đời thường, tình thơ còn vướng lụy sân si. Xin hỷ xả và nuôi dưỡng đức tin, đã là thơ đúng nghĩa và hay, không sớm thì muộn, chưa hôm nay sẽ ngày mai, chưa kịp quảng bá trong sách Thơ này sẽ được in trong sách Thơ tiếp sau, chúng tôi sót quên, các bạn thơ khác sẽ nhớ, sẽ đọc chọn, là Thơ hay, nhất định sẽ hiển lộ sắc hương.
Cảm ơn thơ kết nối tình thơ. Cảm ơn Thơ Bạn góp điệu vần vinh danh Thi Đàn Việt. Cảm ơn bạn thơ đã hưởng ứng, trợ sức chọn đọc, phát hiện thơ . Xin nắm tay nhau, đồng lòng, hiệp sức cùng đi tiếp hành trình Thơ Bạn.

Hè 2012
Lý Phương Liên, Nguyễn Nguyên Bảy, kính bút.


DƯ ÂM VÀ DƯ ÂM..

NNB: Sách Thơ Bạn Thơ sau chào đời Bộ 4 tập Xuân/Hạ/Thu/Đông (1-4) đã nhận được bao nhiêu là bao nhiêu phản hồi của bạn đọc từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước.. Nay nhân khởi động Bộ 4 tập mới Nắng/Gió/Cỏ/Hoa (5-8), nên trích đăng dưới đây một số những phản hồi để vinh danh Thơ, Bạn thơ..và cũng để tiếp thu thêm sức mạnh, sức vui cho Nhóm Chủ Biên và các cộng sự thực hiện  Dự án Sách Thơ Bạn Thơ về đích đọc chọn thành công Sách Kinh Thi Một Thời. Nguyện mang Dư âm..và Dư âm..này về với Kinh thi thời chúng ta..

  
CUỘC CÁCH MẠNG BÌNH ĐẲNG THI CA
Ts Trần Đình Hoành, Washington, USA 

Nói đến bình đẳng là chúng ta thường nghĩ đến chính trị và luật pháp—bình đẳng trước luật pháp, mỗi người một lá phiếu, cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh, tự do bầu cử và ứng cử…  Chẳng mấy ai nghĩ đến bình đẳng trong thi ca.  Và thực sự là xưa nay chẳng hề có bình đẳng thi ca.Trong xã hội luôn luôn có một guồng máy định giá thi ca vĩ đại, gồm các biên tập viên thi ca tại các tờ báo, các nhà phê bình thi ca cũng là những người có tiếng nói lớn và, đôi khi, quyền quyết định tại các tờ báo, các thi sĩ đã có thơ đăng thường xuyên ở các tờ báo và đã xuất bản một hai tập thơ, các hội lớn của văn sĩ và thi sĩ, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và các thầy cô dạy văn ở trường…  Guồng máy vĩ đại bao trùm cả nước này sẽ định giá bài thơ nào hay, bài nào nên được đăng ở đâu, bài nào nên được vào các tuyển tập thi ca, bài nào nên được học..Đương nhiên là chẳng có gì sai với guồng máy tuyển chọn như thế.  Dù là lâu lâu các vị có danh tiếng cũng bất đồng ý về thơ hay thơ dở, nhà thơ nào là thi sĩ nhà thơ nào là thợ thơ, hoặc đôi khi chính guồng máy tuyền chọn bị chỉ trích là phe đảng hoặc bị chính trị hóa quá đáng, thì các bất đồng ý và các chỉ trích đó không làm cho guồng máy tuyển chọn trở thành vô ích.  Cái gì trừu tượng và sâu sắc như thi ca thì thường đòi hỏi có người hướng dẫn quần chúng hiểu biết và thưởng thức.Tuy nhiên trong thời đại bình đẳng về truyền thông ngày nay, với Internet và blogging, mỗi người đều có thể tự xuất bản thơ của mình cho mọi người khác cùng đọc, thì vai trò của guồng máy tuyển chọn truyền thống không còn tính cách quyết định như xưa, và số lượng thơ được đăng ra cho quần chúng, từ báo chí đến các trang mạng và blogs, nhiều hơn bao giờ hết. Ai làm công việc lượm lặt một ít đá quý trong kho tàng thi ca vĩ đại đó để giới thiệu đến những người yêu thi ca? Cặp uyên ương Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên đã làm công việc lượm lặt đó. Người yêu thơ  tìm lượm lặt thơ là chuyện  chẳng có gì đáng nói.  Nhưng lượm lặt chỉ vì mình thấy đó là đá quý, mà không theo một định hướng có sẵn - như là, đá đỏ thì được, đá xanh thì bỏ - thì đó là một cách mạng lớn trong thi ca, vì như thế là tự nhiên gạt ngang guồng máy tuyển chọn truyền thống, gạt ngang cách lựa chọn truyền thống chỉ chọn người đã có tiếng, và đưa vào thi ca một ý niệm  bình đẳng mà có lẽ ta chỉ có được  nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin với những người dùng công nghệ thông tin. Và đây là một cuộc cách mạng đòi hỏi nhiều can đảm và tự tin, vì đưa các tác giả vô danh tiểu tốt (như chính chúng tôi) vào đứng trong cùng một tuyển tập thi ca với các thi sĩ lớn, thì chẳng khác nào nhà nhiếp ảnh đưa lính tò te vào đứng chung với các tướng lãnh để chụp hình. Tấm ảnh có thể nổi tiếng hay bị dìm? Sự nghiệp của nhiếp ảnh gia sẽ được ủng hộ hay trù ếm? Dù sao thì đây là một tấm ảnh được hai tác giả rất trân quý.  Cuốn Thơ Bạn Thơ do hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên, và nhà xuất bản Văn Học ấn hành (mùa hè 2012) là một cuốn sách quý về hình thức:  bìa cứng, giấy trắng, bìa trang nhã, bên trong 300 trang sách trình bày sáng sủa. Hình thức đẹp đó chuyên chở 99 câu thơ hay từ cổ đại đến cận đại, thơ của 10 nhà thơ vừa mất trong những  năm gần đây, và phần “Thơ người thơ đương thời” gồm các tên tuổi lớn nhỏ trong thi ca hiện đại và một số các tên tuổi chẳng ai biết. Chính các tên tuổi nhỏ và tên tuổi chẳng ai biết này là vật liệu cho cuộc cách mạng bình đẳng thi ca của hai vị chủ biên. Và dù mỗi người chúng ta thích một số bài thơ nào đó và không thích một số bài thơ nào đó, tất cả chúng ta đều yêu mến tính cá nhân, tính tự do, và tính bình đẳng của thi ca:  Thi ca là phương tiện để diễn tả cảm xúc riêng của mình và để chia sẻ với những ai đồng cảm với mình. Đối với tác giả thì, tôi trân quý tự do biến cảm xúc riêng của tôi thành chất xúc tác cho cảm xúc của độc giả của tôi.  Đối với độc giả thì, tôi trân quý tự do dùng một bài thơ của ai đó để làm  chất xúc tác cho cảm xúc của riêng tôi. Trong tinh thần cá nhân, tự do, và bình đẳng đó, mọi người sẽ tiếp tục hân hoan đón nhận Thơ Bạn Thơ cũng như những tuyển tập tương tự sau này. Và tất cả chúng ta nên cảm ơn anh chị Nguyễn Nguyên Bảy Lý Phương Liên đã khởi đầu cuộc cách mạng bình đẳng thi ca.

Trần Đình Hoành/ Washington, USA
21.8.2013


Trân trọng cảm ơn
 Bầu bạn đã chia sẻ, góp sức, khích lệ, động viên và cùng tôn vinh Bộ sách Thơ Bạn Thơ/ Xuân/Hạ/Thu/Đông 4 tập:
Bùi Hạnh Cẩn, Hạt Cát, Văn Chinh, Nguyễn Chính, Đinh Ngọc Diệp, Thạch Đà, Nguyễn Tấn Đạt, Lê Xuân Đố, Trần Vân Hạc, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Văn Hòa, Hoàng Xuân Họa, Tô Hoàng, Trần Ninh Hồ, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Khôi, Trúc Linh Lan, Phạm Lân, Nhật Lệ, Vũ Bình Lục, Ngô Minh, Nguyễn Xuân Nhã, Bích Ngọc, Nguyễn Xuân Nguyên, Vĩnh Nguyên, Lê Thiếu Nhơn, Võ Thi Nhung, Trần Nhương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Vũ Quân, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Anh Tuấn, Thanh Tùng, Hoàng Vũ Thuật, Dung Thị Vân, Bằng Việt, Triệu Xuân..


Nhà văn TRIỆU XUÂN
Anh chị Nguyễn Nguyên Bảy-Lý Phương Liên đã mời tôi và tôi đã nhận lời với vai trò biên tập tình nguyện cho dự án sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn..Một dự án quá đẹp, quá nghĩa tình với những người cầm bút, với văn chương Việt.

Nhà thơ HOÀNG XUÂN HỌA
Đồng cảm tình yêu thơ và tấm lòng ân nghĩa với bầu bạn thơ của hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy/ Lý Phương Liên , tôi xin góp sức cùng anh/chị đọc chọn những câu thơ/ bài thơ hay của những bút thơ Hà Nội, đặc biệt với những Người Thơ hoàn cảnh này khác thơ hay bị lãng quên..

Nhà thơ NGUYỄN VĂN HÒA
Tôi tình nguyện vinh dự được mời biên tập đọc chọn thơ ca trên văn đàn Văn Thơ Việt cho sách Thơ Bạn Thơ. Tôi sẽ đặc biệt với tài hoa thơ trẻ bị bỏ sót, bị lãng quên..

Nhà thơ NGÔ MINH
Tôi xin cống hiến phần sức khỏe đau bệnh tuổi chiều đọc chọn để góp mặt đầy đủ các tài hoa thơ xứ Huế mưa buồn..

Nhà thơ HOÀNG VŨ THUẬT
Muốn nói rằng: Đất Quảng Bình là một trong không nhiều những nôi thơ Việt. Điều đó sẽ chứng minh công bằng trong Dự án sách Thơ Bạn Thơ..

Nhà thơ HỒNG VINH
Tôi là Hồng Vinh, điện cảm ơn Anh/ Chị đã dầy công tập họp, chọn lọc để xuất bản Tập Thơ Bạn Thơ rất có ý nghĩa. Trân quý vô cùng.



ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
THƠ BẠN THƠ/ VĂN BẠN VĂN
TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG ĐỒ SỘ

Thời buổi các Nhà xuất bản chỉ bán giấy phép cho tác giả in thơ chứ không nhà nào dại gì xuất bản thơ để ôm lỗ, vậy mà cặp vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy đã làm một cuộc ngoạn mục: in thơ của bạn thơ. Bạn ở đây là “bạn đồng nghiệp”, cùng làm thơ và cùng đứng trong bộ sách “Thơ Bạn Thơ” dự kiến 10 tập. Cuối năm 2012 tập 1 đã được ra mắt ở TP HCM và Hà Nội. Đầu năm 2013, tập 2 của “Thơ Bạn Thơ” và tập 1 “Văn Bạn Văn” cũng vừa ra mắt.
Trong số tác giả có bài in trong tập “Thơ bạn Thơ 2” và “Văn bạn Văn 1”, có nhiều gương mặt đã thành danh, đã có nhiều tác phẩm “đi cùng năm tháng”, còn có một số tác giả chưa bao giờ tự nhận mình là: “Nhà thơ”, “Nhà văn”. Người đọc nhớ tới quan niệm về thơ trong bài “Thủng thẳng với thơ” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy: “thơ là thơ”, hay nói cách khác, thơ hay, thơ chân chính đồng nghĩa với cái đẹp, mà cái đẹp thì không phân biệt vị trí xã hội và trường tồn với thời gian. Ấp ủ những tập thơ này, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy chỉ với một ước mong, khắc vào thời gian, không gian những bài thơ hay những câu văn đẹp của các bạn thơ, bạn văn.
“Tôi không dám nghĩ là mình làm được việc gì lớn lao. Trong các bạn thơ của tôi hoặc là hoàn cảnh này hoặc hoàn cảnh khác chưa có điều kiện công bố thơ của mình, cho nên chúng tôi muốn tập hợp lại để đánh dấu một thời của chúng tôi đang sống có những người làm thơ thế này thế khác. Chúng tôi tự nhớ về nhau, góp một lát cắt nhỏ cho nền thi ca” – nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy cho biết

(..) Nhà thơ Trần Vân Hạc cho rằng, vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên – Nguyễn Nguyên Bảy đã tạo ra 1 sân chơi bổ ích và lý thú cho các nhà văn, nhà thơ: “Đa màu sắc, như một bức tranh của xã hội vì mỗi người tự chọn rồi được ban biên tập xem xét lựa chọn một lần nữa. Nguyễn Nguyên Bảy cũng không nói là đề tài là gì, cho nên rất nhiều đề tài, rất nhiều giọng điêu, như một vườn hoa muôn sắc. Chưa hẳn đã là hay nhất nhưng mang một giọng điệu sắc thái riêng…”.
(..) “Thơ Bạn Thơ”, “Văn Bạn Văn” do các nhà thơ, nhà văn tự chọn gửi đến cho cặp nhà thơ chủ biên và được chọn lọc thêm lần nữa rồi mới xuất bản nên chất lượng khá cao. Để thể hiện sự công tâm, hai chủ biên Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy đã không đưa thơ của mình vào, mặc dù hầu hết những ai trưởng thành vào những năm 70 về trước, đều thuộc lòng thơ của hai người. Và đã dành cho tác giả tự chọn bài chắc người chủ biên không hề muốn bộc lộ một quan niệm thơ nào.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ cho rằng, cầm tập thơ được trình bày công phu, trang trọng và đẹp mắt bạn đọc cảm nhận được tình yêu thơ của hai vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy chưa bao giờ tắt lửa. Chưa nói đến công phu chọn đọc và bỏ kinh phí ra tạo một sân chơi bổ ích cho những người yêu thơ chân chính.
“Điều mà khiến tôi rất cảm động là anh chị ấy bỏ tiền riêng ra để in cho bạn bè, hằng trăm tác giả. Ngay công để đọc ít nhất một tác giả có một bài, nhiều nhất là 4-5 bài để chọn ra, thì đấy là cả một công rất lớn, cộng lại hằng nghìn trang sách. Tôi cho rằng đấy là một tình yêu thơ ghê gớm lắm, đáng trân trọng vô cùng. Bỏ công sức, bỏ tiền túi. Đấy là sự vinh danh thơ đáng quý vô cùng…” –nhà thơ Trần Ninh Hồ.

Ước muốn của vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy là sẽ giới thiệu tập “Thơ Bạn Thơ”, “ Văn Bạn Văn” từ tập 1 đến tập 4 mang tên 4 mùa, còn tập thứ 5 sẽ chọn những bài hay nhất để ra một tuyển tập. Nếu bộ sách xuất bản trọn 10 tập, số lượng nhà thơ, nhà văn ở đây có thể lên đến gần nghìn người.
Theo nhà thơ Trần Nhương, phải có tấm lòng yêu văn chương lắm, vợ chồng Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy mới có thể làm được công việc này: “Trong lúc thơ ca bề bộn, lẫn lộn hay dở, trắng đen, đúng lúc này vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy-Lý Phương Liên đứng ra chọn ra những bài thơ hay, không dựa vào cái gì, không có áp lực gì cả cũng không phân biệt vị trí xã hội, vì thế thơ ca có vị trí công bằng, tự do…”.

VOV1 Lê Thu




ĐÀI TRUYỀN HÌNH TP.HCM
Dự án sách Thơ Bạn Thơ khởi động dịp 30/4 - 1/5 năm 2012, tính đến nay vừa đầy 14 tháng. Nhóm Bạn thơ do Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ trương, đã làm việc say mê, kiên trì, liên tục và đã in ấn phát hành 3 đầu sách Thơ Bạn Thơ 1 ( Xuân), Thơ Bạn Thơ 2 ( Hạ), Thơ Bạn Thơ 3 (Thu) và Văn Bạn Văn 1 ( Xuân). Hiện đang trong nhà in sách Văn Bạn Văn 2 ( Hạ), tức là 5 đầu sách đã thực hiện xong trong 14 tháng. Nhân sự kiện văn hóa này, Đài Truyền hình TPHCM (HTV9) đã thực hiện chương trình truyền hình dài 60 phút, tọa đàm và giới thiệu dự án sách Thơ Bạn Thơ.

Sau đề dẫn Tọa đàm của nhà báo Hoàng Vũ Quân, nhà thơ Lý Phương Liên nói lời cảm ơn thơ và các bạn thơ đã tạo cơ hội và trợ giúp vợ chồng chị thực hiện bộ sách Thơ Bạn Thơ. Tiếp đó, Nhà thơ Trương Minh Nhựt, với tư cách Bạn thơ và tư cách nhà lãnh đạo Tuyên Huấn đã bằng những thống kê cụ thể chi tiết nội dung các bài thơ, số lượng các bạn thơ góp mặt trong hai tập Thơ Bạn Thơ 1 và 2, anh khảng định nhấn mạnh: Việc thực hiện bộ sách Thơ Bạn Thơ là việc làm nhân văn, tính cộng đồng cao và thực sự mang lại hiệu quả tích cực không chỉ trong phạm vi thơ văn, mà lan tỏa, kích hoạt, thức gọi các loại hình văn nghệ khác có những sáng kiến mới, góp công, góp sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Nhà thơ Trương Minh Nhựt cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn và bầy tỏ ý muốn cá nhân được cùng tham gia làm sách Thơ Bạn Thơ. Nhà Thơ Lý Phương Liên đã vui vẻ kính mời..
… 
Nhà văn/ Đạo diễn Tô Hoàng:
Trên tay tôi là hai tập thơ mang tựa đề “ THƠ BẠN THƠ” mà vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy và Lý Phương Liên là người chủ trì, chủ biên và...cũng là người chủ chi, vừa cho ra mắt bạn hữu và giới yêu thơ vào những ngày cuối năm 2012, đầu năm 2013 vừa qua.
Cấu trúc của hai tập giống nhau, đều được chia làm 3 phần. Phần 1 của mỗi tập-giống như khúc nhạc dạo  là 99 câu thơ hay của thi nhân từ xưa tới nay. Phần 2 cũng của mỗi tập là phần thơ dành cho 10 nhà thơ đã khuất núi. Phần 3 là phần “ Thơ Người thơ đương thời”. Tính tổng cộng cả 2 tập đã có thơ của 130 nhà thơ và người làm thơ được giới thiệu.
Xin bạn lưu tâm ngay tới những con số. Tại sao mở đầu mỗi tập “ THƠ BẠN THƠ” là 99 câu thơ hay, chứ không phải 100, 110, 120? Tại sao mỗi tập chỉ giới thiệu thơ của 10 nhà thơ quá cố, dù tính cho tới mùa hè năm 2013 này chưa có ai công bố con số những thi nhân rời bỏ cuộc đời trần thế này để phiêu diêu sang thế giới cực  lạc là bao nhiêu? Với những nhà thơ, những người làm thơ đương đại số tổng ở tập 1 là 55; số tổng ở tập 2 là 75. Tại sao không đông đúc hơn, xôm tụ hơn nhỉ? Dù biết rõ rằng, 2 tập này chỉ là sự mở đầu của những tập “ THƠ BẠN THƠ” sẽ ra mắt dài dài những năm tháng sau. Vì vậy, chắc chắn những con số vừa nêu tuyệt nhiên không phải là do sự hạn chế của số trang mỗi tập; càng không là sự so đo, tính toán của đồng tiền chi ra cho khâu in ấn!
Trở lại với tiêu đề của mỗi tập thơ, “THƠ BẠN THƠ”. Tuyệt nhiên không phải Thơ của Bạn Thơ.
Cũng không phải Thơ và Bạn Thơ . Hiểu như thế nào đây?
Thơ và nhà thơ, và người làm thơ được tuyển chọn, giới thiệu trong 2 tập “ THƠ BẠN THƠ” tuyệt nhiên không xếp theo danh phận sang hèn, chức tước cao thấp, sự nổi danh nhiều hay ít. Họ xếp hàng đấy, mà không ra hàng lối, đan xen nhau, ríu ran, tíu tít, hồ hởi trong một sự dân chủ, bình đẳng khi đã trút bỏ được mọi hư danh thật, giả; lớn nhỏ mà miệng thế ban tặng. Họ mãn nguyện, sung sướng khi bước vào thế giới “THƠ BẠN THƠ” để không bị xếp vào những tổng tập, tuyển tập, toàn tập, thoát tránh khỏi những ánh mắt ne nét; những cái gật gù khắt khe của những quan niệm công thức; những thứ lý luận đã trở nên quê mùa, kệch cỡm. Họ họp mặt trong “ THƠ BẠN THƠ” không theo ngày sinh tháng đẻ; không theo năm tháng bài thơ ra đời, quê quán của nhà thơ, để khỏi bị biệt loại thành hàng lối thơ thời tiền chiến, thời hậu chiến; thơ phía bên này hay phía bên kia; thơ mang tính chiến đấu, hay chỉ là thứ thơ buồn vui thì bật nẩy ra thơ? Còn điều này nữa cũng đáng là cái lạ, điều đáng lưu tâm trong “ THƠ BẠN THƠ”. Xét gần lại, kể từ năm Dân chủ Cộng hòa tới nay sự sống của thơ (xin nhấn mạnh không phải là “sức sống” ) trong rất nhiều chục năm được nuôi bằng đồng tiền của Nhà nước. Tạm nói đơn giản, một tập thơ của anh của chị chỉ khi được Nhà xuất bản gật đầu, chịu chi tiền nó mới có quyền cất tiếng khóc chào đời. Đến thời buổi kinh tế thị trường, mọi chuyện trở nên đơn giản, dễ dàng, vui vẻ hơn. Có trong tay 5,7 chỉ vàng hoặc do con cháu cho, hoặc chắt chiu, bo bỏm từ đồng lương hưu bạn cứ ngồi vào bàn làm thơ đi. Và tự kiểm tra, tự kiểm soát lấy những gì sẽ bị cấm đoán, cắt bỏ. Dăm bữa, nửa tháng gom được một tập, mang tới nhà xuất bản và chờ đợi chừng ấy thời gian nữa..bạn nhất định trở thành nhà thơ; thơ của bạn sẽ được ngâm vịnh, được tung hô, chí ít ra là trong câu lạc bộ phường xóm. Đồng tiền đã và đang lũng đoạn cả thế giới thi ca thiêng liêng. Khi Thơ trở thành mặt hàng thì cũng có nhiều hàng rổm là lẽ đương nhiên. Chả đã xẩy ra những vụ om xòm, ầm ĩ quanh việc đại gia này, đại gia kia vung tiền ra để mong làm thi nhân bất tử, để mong những vần thơ nôm na, mách qué của mình trở thành tuyệt tác mang tầm nhân loại đó sao?
Với “ THƠ BẠN THƠ” vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên đã hành xử đồng tiền trong lĩnh vực thánh thiện này như chưa từng ai làm thế. Anh chị kêu gọi bạn hữu văn chương, kể cả những bạn bè yêu văn chương, có tấm lòng với văn chương hãy gửi thơ của mình tới; hãy giới thiệu những bài thơ hay mà họ biết. Anh chị gom lại, tuyển chọn,biên tập, soạn thành sách…Và điều quan trọng hơn là tự móc tiền túi in ấn hàng ngàn bản “ THƠ BẠN THƠ” ; hết tập đầu, tiếp tập 2 và lại móc tiền túi ra để thanh toàn tiền cước bưu điện, gửi hết chục tập này, chục tập khác ra miền Trung, lên Tây Nguyên, lên tít tận Tây Bắc, Việt Bắc tới những bạn thơ có thơ in trong tập. Thơ có thể đã bị lãng quên trong trí nhớ, bị mục ải trong hộc bàn, bị nghẹt thở ngay trong bào thai mà không thể cất tiếng khóc chào đời…Với “ THƠ BẠN THƠ” thơ đã hồi sinh, thơ tìm lại ban mai sinh sôi, nẩy nở của mình; thơ được khai sinh để bước vào đời..
Đã có những cuộc tài trợ lớn của những tấm lòng nhân ái để mang lại ánh sáng cho người mù lòa; mang lại sự sống cho trẻ nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Sự góp sức góp tiền để cho ra đời “ THƠ BẠN THƠ” có được sánh như việc từ thiện nhân đạo trong văn chương không? Và có nên xếp sự ra đời của “ THƠ BẠN THƠ” là một sự kiện văn học của năm 2012 hay 2013 không? Tự bỏ công sức để tuyển chọn, để biên tập, để mang thơ bạn hữu tới nhà in..Tự bỏ tiền túi ra trang trải tất cả. Một tấm lòng thanh sạch, không toan tính, không vụ lợi vì Thơ, vì Bạn Thơ như vậy sẽ có ý nghĩa ra sao trong khi đời sống văn học hôm nay có quá nhiều diễn tiến xấu, nhiều việc làm vẩn đục,  vì danh, vì lợi cho bản thân, chứ không phải vì Thơ, vì Văn…Giải thích ra sao những gì vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên manh nha, ấp ủ, gửi gắm, ký thác vào sự ra đời của “ THƠ BẠN THƠ” đây?
Tôi ngẫm nghĩ, tôi giả định, tôi nâng lên đặt xuống các giải pháp, các lời đáp…
Sau cùng, tôi vẫn tin rằng, hai người bạn của tôi, hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên khi thực hiện việc cho ra mắt hai tập “ THƠ BẠN THƠ” họ chỉ có một mục đích duy nhất: Làm MỘT CUỘC CHƠI với thi ca, với bạn bè, với người yêu thơ, với Đời, với cái Hữu hạn trong cái Vô Hạn. Ngoài ra bạn tôi không có một đích ngắm nào khác..Như bất cứ cuộc chơi nào, cuộc chơi này của hai người thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên cũng chứa đầy những điều lý thú, những bí ẩn cần hợp sức khám phá! 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Cũng rất ít khi thấy có một dân tộc nào lại hay làm thơ như dân tộc ta, từ những người có chức quyền cao, đến những nhà thơ chuyên nghề được xếp vào hội nhà văn, rồi thơ nghiệp dư của những người dân trên đường phố, xóm làng .v.v…Thơ rất khó đọc, thơ trực cảm ngay vào tâm hồn vì thế thơ hay, khi đọc ta nhận ra  ngay bằng trực giác của mình - thơ không hay đọc vào truội ra ngay. Có rất nhiều người làm thơ - bây giờ phát hành sách không còn là điều quá khó khăn - Nếu thơ không có vần đề nhạy cảm, bỏ tiền ra là có thể tự in thơ của mình thơ in ra bán, tặng, thơ hay, thơ giở lẫn lộn, có bài còn trụ được, có tập in ra rơi vào quên lãng ngay. Chúng ta thiếu những nhà phê bình, thiếu sự chọn lọc tinh tế, chuyên nghiệp, công bình để có thể công tâm chọn ra được trong muôn vàn bài thơ của nhiều tác giả, tên tuổi, chức quyền, nhà thơ trẻ, những tài năng mới nhú, hay đâu đó những bài thơ hay được tuyển chọn với con mắt tinh tế, nhạy cảm, nhà nghề, công tâm nhất, những bài thơ hay trong muôn ngàn bài thơ của rất nhiều tác giả.
Để tuyển chọn những bài thơ của nhiều tác giả đưa vào tập “Thơ bạn thơ” này, nhiều người đã tuyển chọn thơ gửi tới hai nhà thơ. Anh Nguyễn Nguyên Bẩy và chị Lý Phương Liên chọn kỹ, biên tập lại và anh chị đã tự bỏ tiền của mình ra in những bài thơ này cho các bạn thơ của mình. Sách đẹp - Bìa cứng - Trang trọng. Đó là tập “Thơ bạn thơ”.  Như những nhà phê bình nghiêm túc, chuyên nghiệp, công bình, công tâm nhất. Thơ hay thế là đủ, không vì chức danh, chức quyền, tên tuổi. Thơ hay, tinh tế, tràn đầy cảm xúc của nhiều nhà thơ không tuổi - già trẻ bình đẳng từ Bắc, Trung, Nam - suốt chiều dài đất nước được tuyển chọn để đưa vào tuyển tập “Thơ bạn thơ” như 1 món quà được tinh cất từ những tinh hoa của nhiều người, chắt lọc đưa vào tập thơ này. Tình cảm của anh Bẩy và chị Liên dành cho các bạn thơ của mình như 1 đốm lửa thắp lên, đánh thức những thăng hoa đang rộ, đánh thức những tài năng định buông bỏ, khơi dậy sự hứng khởi trong niềm say mê sáng tạo của những người thơ. Không cầu danh, không cầu lợi, với tấm lòng thân thương trân trọng nâng niu - với tập “Thơ bạn thơ” anh chị đã gióng lên 1 tiếng chuông: hãy chắt lọc, nâng niu, gìn giữ những đóng góp của mọi người để cho thơ đứng đúng vào vị trí đáng gìn giữ trân trọng của văn đàn trong 1 đất nước, 1 dân tộc. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, mỗi nước đều có niềm tự hào riêng về nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc họ về những nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ - đó là những người đóng góp đặc sắc, độc đáo cho nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc - văn hóa, nghệ thuật chính là cầu nối của các dân tộc trên thế giới đến và hiểu nhau.
Xưa chúng ta có Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, .v.v... Những thế hệ sau này đã nối dài văn hóa dân tộc của ngàn xưa đến bây giờ. Trong 1 đất nước đang phát triển - Kinh tế dường như làm mọi người mải mốt - nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu, đất đai, chứng khoán - Những villa biệt thự sang trọng bên trong treo những bức tranh chép, thơ, văn, nhạc họa, dường như là phù phiếm xếp xuống hàng sau … trong sự sao lãng ấy đôi lúc phải có những hồi chuông gióng lên đòi, tìm trở về vị trí xứng đáng đúng của nó trong thế giới tâm hồn người. Để 1 ngày nào đó sau những giờ bận rộn kiếm ăn con người còn biết thưởng thức thơ hay, tranh đẹp, còn có sự tĩnh lặng để đọc sách, nghe nhạc và để hiểu rõ rằng thời gian qua đi sự đọng lại của tâm hồn, của dân tộc cuối cùng chính là văn hóa, nghệ thuật, là cốt lõi tinh hoa là văn, thơ, họa, nhạc.
Anh Bẩy, chị Liên đã thực sự hiểu được tầm quan trọng này, đã dành tình cảm, công sức, trí tuệ, tiền riêng của mình để cho ra mắt những tập “Thơ bạn thơ” - “Văn bạn văn” của nhiều tác giả được tuyển chọn một cách trân trọng, công bằng, với tình cảm chân thành nhất của mình. Tôi thật sự cảm động về tấm lòng, nghĩa cử tốt đẹp này của anh Nguyễn Nguyên Bẩy và chị Lý Phương Liên - Nhà thơ, người bạn, một tấm lòng cao đẹp đối với nền văn chương của nước nhà.

Chủ biên 1/ Nhà thơ Lý Phương Liên:
Thưa các bạn, Tôi Lý Phương Liên, ghi tên trách nhiệm chủ biên ngoài bìa hai bộ sách Thơ Bạn Thơ cùng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, nhưng thực ra đây là công sức đóng góp của rất đông các bạn thơ, văn trên cả nước. Hà Nội với Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Vân Hạc, Trần Nhương, Lê Hoài Nguyên, Nguyễn Khắc Phục.. Tp HCM với Triệu Xuân, Tô Hoàng, Nguyễn Thị Hiền, Thanh Tùng, Nguyễn Thái Sơn, Lê Thiếu Nhơn..Huế với Ngô Minh.. Quảng Bình với Hoàng Vũ Thuật.. Phú Yên với Nguyễn Văn Hòa.. Xin cho tôi được nói lời cảm ơn tất cả các bạn. 
Văn chương đối với chúng tôi là một cuộc tình, trời se duyên, thủy chung trọn đời, không ly thân, ly dị. Chúng tôi đã yêu văn chương mối tình duyên kiếp ấy, và trong bể đời không mối tình nào là không hỷ nộ ái ố, không lên thác xuống ghềnh, không thênh thênh hạnh phúc. Thơ đã đưa bàn tay nâng chúng tôi đứng dậy, thơ đã bắc nhịp cầu đưa chúng tôi qua sông, và khi cánh đồng đời mất mùa, thơ đã cùng chúng tôi tranh đấu với Trời cho thuận hòa mưa nắng. Việc chúng tôi thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn đơn thuần chỉ là tấm lòng tự nguyện tri ân thơ và các bạn thơ đã sống thời chúng tôi.

Chủ biên 2/ Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy: Đầu những năm 1970 thế kỷ trước, tôi có viết và đăng báo một bài Đò Đưa thơ, trong bài viết có 14 chữ mà thời đó bị coi là phạm húy, trọng tội. Vì 14 chữ đó tôi chẳng những bị cấm cửa vườn thơ, mà đời sống gia đình cũng theo thơ mà lên bờ xuống ruộng. 14 chữ toàn văn: “ Thơ là thơ. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ”. Hơn 40 năm đã qua, tôi vẫn trung thành với quan niệm ấy, hôm qua, hôm nay, ngày mai, và mãi mãi 14 chữ ấy vẫn là kim chỉ nam cho ứng xử yêu thơ và đọc chọn thơ của tôi.Thơ là thơ, ba chữ thật mơ hồ, nhưng trước khi có một định nghĩa triết luận khả dĩ, xin cứ tạm bằng lòng với định nghĩa thô sơ Thơ là Thơ, / Là Khi Anh Nói Về Em/ Bông Hoa Trước Cửa Tự Nhiên Nở Bùng/ Trên Cành Một Giọt Sương Rung/ Gió Nhẹ Vô Cùng Thổi Mãi Không Rơi../ Bạn ơi, khi bạn cất lời mà cảm thấy hoa nở, sương rung, gió thổi..thì những lời của bạn dù xuôi hay vần, dù lục bát hay tứ tuyệt, cũng đích thị là thơ còn cần bàn thêm gì nữa..
Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ. Chắc chắn 11 chữ này không chỉ ám ảnh tôi suốt 40 năm, mà ám ảnh hầu hết bầu bạn thơ thời tôi. Thơ là bộ môn nghệ thuật chơi được nhân loại xếp đứng hàng đầu, là nghệ thuật tiếng lòng chân thật, vô tư, công bằng và luôn có nhu cầu chia sẻ cùng nhau. Vì nhu cầu có thực ấy, chiếu thơ có ở khắp nơi, quan có chiếu thơ quan, dân có chiếu thơ dân, chiếu nào cũng trọng lẽ công bằng, cũng dị ứng với cường quyền thô tục nhảy vào chiếu thơ xưng vương, xưng bá, bắt tiếng lòng thơ phải thế này, thế khác. Tôi đã mượn thơ giải cái nghĩa mang mang, tránh đụng chạm, chụp mũ, suy diễn của 11 chữ “ Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ” bằng 4 câu lục bát có tựa bài Chân Hương: / Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương../
Thơ là Thơ/ Tôi theo thế mà đọc chọn. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ/ Tôi theo thế đọc chọn. Tôi đọc chọn say mê, kiên trì và liên tục tìm cho bằng được những giọng điệu thơ đã hình thành, đang hình thành và chờ mong sẽ hình thành. Thơ hay chắc chắn phải có giọng điệu riêng. Ví von: Thơ như vườn rừng, trong rừng lim, tùng là rừng, dây leo và cỏ cũng là rừng. Chớ bảo cỏ không là rừng, rừng không có cỏ liệu có là rừng? Ví von thêm: Thơ như vườn hoa, có lan, có hồng, có cúc..và có đủ loài hoa, mỗi hoa một sắc hương riêng, không ganh ghét, không tỵ hiềm, không tráo đổi nhau. Bữa kia, trước thềm Đại hội Hoa, tôi nghe Nắng thủ thỉ dụ hoa Nhài đừng nở trong đêm mà chuyển nở vào ngày, hoa Nhài cười đáp: Uống trà em/ Cài tóc em/ Mà vẫn khinh em hoa nở đêm/ Em vẫn cứ nở đêm/ Cho ngon trà/ Cho ngọt tóc/ Em vẫn cứ là em/ Hoa Nhài../ Thưa bạn, thơ bạn là Lan xin cứ là lan, thơ bạn là Nhài xin cứ là nhài..
Hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn được thực hiện thế nào?
Khởi đầu, chúng chỉ định thực hiện 4 tập sách Thơ Bạn Thơ (Xuân Hạ Thu Đông) và kết với tập 5 (Tết Thơ) chọn đọc 100 bài thơ hay của các bạn thơ cùng thời. Trong quá trình thực hiện, hiện thời đã mở rộng thành kế hoạch thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn, mỗi sách 10 tập. Chương trình mới đầy năm, sách đã in ra gồm Thơ Bạn Thơ 1,2,3 và Văn Bạn Văn 1. Sách hiện trong nhà in Văn bạn Văn 2.
Cầu trời, nếu chúng tôi còn đủ sức khỏe làm việc và còn được các bạn thơ yêu mến, tin cậy hưởng ứng trợ sức cùng chúng tôi như đã từng cùng chung lòng, chung tay anh chị em một nhà, thì nhất định hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Văn Văn sẽ có một kết cuộc tốt đẹp.
.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Trước hết tôi muốn nói về cách tổ chức Ban Biên tập (BBT) cuốn sách Thơ Bạn Thơ. Thông thường để làm sách người ta thành lập BBT ngay tại chỗ, ít nhất từ ba người trở lên, như các nhà xuất bản xưa nay; hoặc tự biên tập và chọn bài lấy như trường hợp nhà thơ Gia Dũng đã làm. Đằng này anh Nguyễn Nguyên Bảy và chị Lý Phương Liên là người chủ trương đồng thời cũng là người tuyển chọn sau cùng, sau khi chúng tôi đã chọn từ các cơ sở. Chúng tôi như chân rết của một BBT mở rộng. Trước đây và ngay cả bây giờ các nhà xuất bản không thể nào chọn những tên tuổi không quen biết. Họ tuyển chọn theo thứ tự, lớp lang, may thì dăm ba người mới lọt vào cuốn sách. Còn chúng tôi ở tận cơ sở, chúng tôi hiểu ai là người sáng tác lâu năm, ai là tác giả mới đang được chú ý, ai mang dáng nét riêng?
Khi chúng tôi nhận những thùng sách từ bưu điện chuyển về các bạn như Giang Biên, Thái Hải, Trần Thị Huê, Hoàng Đăng Khoa…đều thốt lên: “Thế mới công bằng!” Nghĩa là lâu nay việc in sách có tình trạng không công bằng đối với người sáng tác. Tôi cho rằng, để có những cuốn sách Thơ Bạn Thơ như đã làm, trước tiên nhờ biết kiến tạo một BBT kiểu mới, linh động và sáng tạo. Một BBT biết tìm tòi, phát hiện, công bằng, dân chủ trong xuất bản. Như vậy, Thơ Bạn Thơ là bộ tuyển phong phú, có chất lượng, thể hiện diện mạo thơ của cả nước trong tiến trình đổi mới của văn học Việt Nam ta. Dù rất khiêm tốn vẫn có thể coi là bộ tuyển đầy đủ các gương mặt thế hệ, đa dạng về nội dung và hình thức nghệ thuật so với những tuyển tập khác. Thơ Bạn Thơ không phân biệt vùng miền, cảm quan chính trị, già trẻ, cũ hay mới…miễn sao có thơ hay.


Đài THTPHCM/ HTV9
Ban Văn Nghệ/ Chương trình Tiếng Thơ
Tổ chức chương trình: Nhà báo Hoàng Vũ Quân

 
 Trân trọng cảm ơn
 Các phương tiện thông tin đã chia sẻ, khích lệ, động viên và quảng bá tôn vinh Bộ sách Thơ Bạn Thơ/ Xuân/Hạ/Thu/Đông 4 tập:

Báo QĐND, báo SGGP, báo Lao Động Cuối Tuần, báo Công An TPHCM, báo Văn Hóa & Thể Thao, báo Thanh Niên.
Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền Hình TPHCM (HTV9), Đài Phát Thanh và Truyền Hình Hà Nội, Đài VTC9.
Cá trang mạng xã hội : Trannhuong, Lethieunhon, Trieuxuan, Quatangxumua, Lexuanquang, Vandanviet, Dotchuoinon, Nguoibanduong, Tranvanhac...



HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG BÌNH
VỚI SÁCH " THƠ BẠN THƠ"

(Trích lời dẫn của nhà văn Kim Cương, UVTV Hội-Trưởng Phân hội Văn học Quảng Bình tại buổi Tọa Đàm "Thơ bạn thơ” và thi ca Quảng Bình đương đại)
/…/ Nhà thơ Phùng Quán từng viết: “Có những phút ngã lòng – Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”. Quả là thơ có sức sống hết sức mãnh liệt. Làm thơ là một việc khó và không phải ai cũng có thể làm được. Nhiều khi người ta cho rằng khả năng làm thơ là một thiên phú và thường gây cảm xúc thán phục nếu ai đó có khả năng “xuất khẩu thành thơ”. Nhớ lại những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thơ gần như thấm đẫm trong mỗi con người Việt Nam. Mọi tầng lớp thanh niên, học sinh ai cũng mua các tập thơ, lại còn có những cuốn sổ chép thơ dày cộm để lưu giữ, để nghiền ngẫm và người nào cũng thuộc lòng rất nhiều bài thơ hay, thuộc cả những bài thơ rất dài, có khi thuộc cả trường ca. Thơ đến với phần đông những người lao động, thơ đi theo các chiến sĩ vào trận. Thơ đã động viên, cổ vũ, giúp con người vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy lao vào sản xuất và chiến đấu chống kẻ thù trên các mặt trận, như một ma lực cực mạnh. Thơ bấy giờ đã trở thành sản phẩm xã hội và nhu cầu của thời đại. Quảng Bình thường được gọi là đất thơ với rất nhiều nhà thơ và nhiều bài thơ nổi tiếng trên thi đàn nước nhà, đây là điều kỳ diệu đáng kể. Đó là chuyện “bao giờ cho đến ngày xưa”. Những thập kỷ gần đây, thơ được phát triển một cách ồ ạt. Người làm thơ đi đâu cũng gặp. Mỗi năm trên đất nước ta đã xuất hiện hàng trăm tập thơ, mỗi tập chí ít cũng vài chục bài. Có tác giả mỗi năm cho ra liền hai, ba tập, chưa kể hàng ngàn bài  thơ được đăng trên các sách và báo. Đó là điều đáng mừng cho nền văn học, nhưng thử hỏi độc giả và những người yêu thích thơ tự nguyện mua được bao nhiêu tập thơ? Số người đến với thơ càng ít lại. Vì sao thế? Tác giả phải đút sách vào bị mang đi khắp nơi cò kè bán thơ như người rao hàng bán đi sản phẩm ế ẩm. Tác giả cứ ngồi đưa thơ của mình ra đọc với nhau theo phấn chấn. Trên diễn đàn thì lạm dụng những cuộc hội thảo thơ. Việc trao giải thưởng thơ từ Hội nhà văn Trung ương đến các Hội văn học nghệ thuật của tỉnh với các tập thơ được giải còn nhiều phản ứng. Những ý kiến trái chiều nhau tạo ra những cuộc tranh luận dữ dội, gay gắt. Thế nào là thơ hay? Thế nào là thơ hậu hiện đại? Rồi thơ thiền, thơ cách tân... Tình trạng thơ “loạn chuẩn”, giá trị của thơ chưa phân định rạch ròi trong đời sống văn học hiện nay là vấn đề còn nhức nhối cần phải được định vị, quan tâm đúng mức. Hơn lúc nào hết, ý thức trách nhiệm được đặt ra đối với những nhà quản lý, những người gác cổng văn nghệ và cả đội ngũ những người cầm bút. Văn học nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng, là một bộ phận quan trọng của văn hóa, nó mang tính đặc thù. Không phải ai cầm bút đều trở thành nhà thơ. Cũng như không phải ai biết đá bóng đều trở thành cầu thủ. Người làm thơ đích thực, đòi hỏi tài năng đích thực. Xã hội ngày nay khác hôm qua rất nhiều. Thơ phải theo kịp đà phát triển của xã hội, nghĩa là thơ có mặt trong cuộc sống thường nhật, những thân phận của con người, thơ len vào tâm tư nhịp thở con người, có như thế thơ mới không bị con người từ bỏ, xa lánh.
Trong bối cảnh như vậy thì từ tháng 8 năm 2012, Nhà xuất bản văn học đã phát hành sách “Thơ bạn thơ” là một tập sách có giá trị về mặt văn chương và học thuật. Đó là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang giá trị thời đại của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy. Một việc làm, một nghĩa cử đáng quý, đáng trân trọng cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Vì rằng: vợ chồng ông đã tự nguyện bỏ tiền túi, bỏ thời gian và công sức, bằng tất cả sự nhiệt huyết, niềm hăng say hết mình để tạo ra một sân chơi cho chính những người yêu thơ chân chính; tập hợp những bài thơ của bạn thơ cả nước chứ không phải là làm riêng cho cá nhân mình. Thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy đã khẳng định: “ Thơ là thơ. Thơ không  phải là địa vị xã hội của người làm thơ. Muốn cho thơ là thơ thì chính mình đừng bao giờ gán ép cho nó những gì không phải của nó. Tư tưởng  đẻ ra thơ chứ không phải dùng thơ vá bọc tư tưởng. Khi thơ đã thực sự là thơ thì không cần phải chia loại nào là thơ tư tưởng, loại nào là thơ anh hùng ca, loại nào là tâm trạng... Người đọc cần thưởng thức bài thơ hay và người đọc tự phán xét mọi điều. Không còn nghi ngờ gì nữa khi thơ đã thực sự là thơ, thì bạn đọc càng mở rộng lòng chào đón, mong đợi, hồi hộp như một hẹn hò bất tuyệt”. Thơ bạn thơ đã tập hợp những bài thơ bị bỏ quên, bỏ sót hay vì lý do nào đó chưa công bố; những bài thơ gắn liền với những tên tuổi khá nổi tiếng, nó đã sống được trong lòng bạn đọc theo cùng thời gian và năm tháng, đến những bài thơ của những tác giả mới xuất hiện (dù họ chưa thành danh, bạn đọc có thể chưa từng đọc thơ họ) nhưng miễn là thơ hay thì được chọn và đưa vào sách được sắp xếp tên tác giả theo vần A,B,C, người đã mất trước, người còn sống sau, không phân biệt ngôi thứ bậc. Thơ bạn thơ đã được đông đảo bạn đọc cảm phục đánh giá đúng là  thơ, một trong những tuyển tập thơ hay, như tấm gương trong vắt, mà khi soi mình vào đó ta thấy nhan sắc của thơ và phẩm hạnh của người cầm bút, nhan sắc và phẩm hạnh của những người biết trân trọng nâng niu thơ hay, trân trọng cái đẹp. Hai vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên  Bảy dự định sẽ xuất bản 5 tập “ Thơ bạn thơ” và 5 tập “Văn bạn văn”, đến  nay đã công bố ba tập “Thơ bạn thơ” với gần 1000 trang in cở 20 x 20, 268  tác giả với 789 bài thơ và 297 câu thơ hay.
Trong tấm gương sáng của thơ ấy, người Quảng Bình chúng ta đã có rất nhiều tác giả được chọn thơ in. Số tác giả đã mất có: Hải Kỳ, Lưu  Trọng Lư, Xuân Hoàng, Trần Nhật Thu, Diệp Minh Luyện, Lê Đình Ty...Số tác giả ở xa quê có: Lâm Thị Mỹ Dạ, Bạch Diệp, Lê Xuân Đố, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Hà Nhật, Nguyễn Hữu Quý, Mai Văn Hoan...Đặc biệt có 13 tác giả là hội viên còn sống đang hoạt động trong Hội văn học Quảng Bình, như: Nguyễn Bình An (4 bài), Giang Biên (2 bài), Phan Văn  Chương (3 bài), Cảnh Giang ( 2 bài), Trương Vĩnh Hạnh (3 bài), Thái Hải ( 2 bài), Trần Thị Huê (2 bài), Hoàng Đăng Khoa (3 bài), Văn Lợi (3 bài), Phan Đình Tiến (5 bài), Hồng Thế (3 bài), Hoàng Vũ Thuật (5 bài) với 45 bài quả là nhiều... Các tập Thơ bạn thơ được ví như vườn hoa thơ đa sắc hương, một dàn đồng ca với nhiều cung bậc, nhiều thanh âm du dương, trầm bổng, lắng đọng nơi người đọc, những tình cảm, cảm xúc đặc biệt. Ở đó, người  đọc có thể nhận thấy những khoảnh khắc đồng vọng, những sự đồng cảm  của mình với những gì mà các tác giả đã gửi gắm. Tất cả mọi khía cạnh của đời sống được thể hiện một cách sinh động, phong phú dưới nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn khác nhau...Những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đổ vỡ, sự sống và cái chết, những suy tư, trăn trở trước cuộc đời, nỗi ám ảnh về tính vô thường của kiếp người...đã dệt nên những vần thơ thực sự hay và có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

/ Mời đọc tiếp LỤC BÁT TRĂM NHÀ/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét