Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Chiến tranh 1979: Đặng Tiểu Bình ngông cuồng và thua nhục thế nào?

Chiến tranh 1979: Đặng Tiểu Bình ngông cuồng và thua nhục thế nào?

Đặng Tiểu Bình ngông cuồng và thua nhục thế nào?



Trong loạt bài viết kỷ niệm 37 năm Chiến tranh biên giới 1979, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu tình hình, quan điểm thực tế từ chính các lãnh đạo, tướng lĩnh và truyền thông Trung Quốc trước và sau cuộc xâm lược của quân đội nước này nhằm vào Việt Nam.
Ở phần tiếp theo, chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết về “cú huých” đã đưa tới việc Đặng Tiểu Bình quyết định tấn công xâm lược Việt Nam và những sai lầm chiến lược sau đó.
Ngày 17/2/1979, Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở đầu cuộc tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Chỉ trong vòng một tháng, quân đội Trung Quốc đã thiệt hại hơn 10% lực lượng, số người bị thương “không đếm được”, cuối cùng phải rút quân thê thảm.

“Cú huých cuối cùng”
Không sai khi nói rằng tấn công Việt Nam là quyết định khiến Trung Quốc phải trả cái giá quá đắt mà ông Đặng đã đưa ra.
Trong cuốn sách “Thời đại Đặng Tiểu Bình” do NXB Trung Văn Hồng Kông ấn hành, Giáo sư Đại học Harvard, Ezra Feivel Vogel cho biết kế hoạch “động binh” với Việt Nam vốn bị nhiều nhân vật thuộc tầng lớp cấp cao trong quân đội Trung Quốc phản đối gay gắt.
Theo đó, những tội ác diệt chủng kinh hoàng mà chính quyền Khmer Đỏ của Polpot gây ra tại Campuchia giai đoạn 1975-1979 đã khiến Việt Nam phải điều động quân đội để bảo vệ người dân Campuchia và Việt kiều.
Trong bối cảnh đó, Polpot đã nhiều lần xin Đặng Tiểu Bình đưa quân sang giúp. Đặng cũng duy trì quan hệ hợp tác với Polpot, bất chấp sự phản đối và chỉ trích gay gắt từ dư luận quốc tế giai đoạn đó.
Đặng Tiểu Bình cho rằng, Polpot là kẻ duy nhất có thể giúp Bắc Kinh chống lại Việt Nam, theo giáo sư Vogel.
Nhưng Đặng vốn không hề có có ý định điều lực lượng tới Campuchia, vì sợ rằng điều đó sẽ khiến Trung Quốc sa lầy vào chiến sự mà họ không thể rút ra được, đồng thời mất khả năng kiểm soát và ảnh hưởng với khu vực.
Ông ta nghĩ tới việc thông qua một trận “tốc chiến tốc thắng”, tấn công vào Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.
Ý định ban đầu của Đặng vấp phải sự phản đối của phần lớn thành viên Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi tất cả đều nhận định Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) “không được chuẩn bị cho chiến tranh”.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nói chung cho rằng PLA chưa phục hồi sau Đại cách mạng văn hóa (1966-1976), kỷ luật lỏng lẻo, huấn luyện yếu kém. Có chăng chỉ là số vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam đã tăng từ 234 vụ năm 1975 lên 2.175 vụ năm 1978, gấp gần 10 lần.
Lần cuối cùng mà lực lượng PLA “thực sự đánh trận” là chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962. Trong khi đó, quân đội Việt Nam được tôi luyện nhiều thập kỷ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo của ĐCSTQ cũng hết sức hoài nghi, cho rằng quyết định tấn công Việt Nam, “đổ các nguồn tài nguyên khan hiếm trong giai đoạn hiện đại hóa mới cất bước vào một mục đích khác” là hành động thiếu lý trí.
Thậm chí, có quan điểm lo sợ rằng việc tấn công quân sự Việt Nam có thể đưa tới hậu quả là Bắc Kinh sẽ bị “bẽ mặt” trong một thời gian rất dài.
Một mối lo ngại khác mà các nhà quyết sách Trung Quốc nêu ra là khả năng quân đội hùng mạnh của Liên Xô sẽ can thiệp nếu PLA dám hành động càn rỡ.

 Trần Vân (trái) và Đặng Tiểu Bình tại Hội nghị trung ương 3 khóa XI của ĐCSTQ năm 1978. (Ảnh tư liệu)

Trần Vân (trái) và Đặng Tiểu Bình tại Hội nghị trung ương 3 khóa XI của ĐCSTQ năm 1978. (Ảnh tư liệu)
Trước các rủi ro tiềm ẩn này, Đặng Tiểu Bình đã trưng cầu ý kiến của các “nguyên lão” trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trần Vân, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương ĐCSTQ đã nhận định trong một báo cáo đánh giá chi tiết rằng: Lực lượng của Liên Xô hiện diện khi đó ở khu vực biên giới Xô-Trung không đủ để thực hiện một cuộc tấn công Trung Quốc.
Trần Vân tin rằng, Moscow sẽ phải điều động lực lượng từ châu Âu sang phía Đông nếu chiến sự với Trung Quốc xảy ra, và hành động này sẽ mất khoảng 1 tháng.
Trần đưa ra kết luận, nếu thời gian Trung Quốc tác chiến (xâm lược Việt Nam-PV) rất ngắn, thì Liên Xô sẽ “không kịp ra tay can thiệp”.
Theo Ezra Vogel, chính đánh giá này của Trần Vân là “cú huých cuối cùng” để Đặng Tiểu Bình ra quyết định thực hiện dã tâm nhằm vào Việt Nam.
Đặng tuyên bố ngang ngược rằng thời gian xâm lược Việt Nam “sẽ không dài hơn cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962″ (33 ngày) và “chỉ đánh trên bộ, không dùng không quân”.
Đặng Tiểu Bình biết rõ lực lượng không quân Việt Nam được đào tạo bài bản và tinh nhuệ hơn Trung Quốc, trong khi PLA không có khả năng tiếp cận các sân bay của Việt Nam. Ngoài ra, tránh “không chiến” cũng là cách để Bắc Kinh né khả năng Liên Xô áp dụng hình thức tương tự với nước này.

 Xe tăng của quân Trung Quốc xâm lược tấn công tỉnh Lào Cai, Việt Nam trong ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh biên giới, 17/2/1979 (Ảnh tư liệu)

Xe tăng của quân Trung Quốc xâm lược tấn công tỉnh Lào Cai, Việt Nam trong ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh biên giới, 17/2/1979 (Ảnh tư liệu)

Những điều Đặng không thể tính
Thế nhưng, khi cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra, sự kháng cự hiệu quả của quân và dân Việt Nam đã vượt xa khỏi dự đoán của Đặng Tiểu Bình, tác giả Vogel cho hay.
Các sĩ quan quân đội Trung Quốc nhanh chóng rơi vào trạng thái hoang mang, quân đội hỗn loạn bởi thiếu sự chuẩn bị.
Mổ xẻ nguyên nhân thảm bại của PLA, trong một bài viết được chia sẻ rất lớn tại Trung Quốc trong suốt 10 năm qua đăng trên Diễn đàn Tiexue, tác giả (giấu tên) đã chỉ ra nhiều sai lầm chiến lược của đội quân xâm lược.
Bài viết cho biết, theo bố trí của Quân ủy trung ương Trung Quốc, tất cả quân khu của nước này đều có lực lượng được bố trí tham gia Chiến tranh biên giới 1979.
“Việc sắp xếp để các quân khu đều tham chiến theo một kiểu tổ chức tạm thời như thế là không khoa học, tạo khó khăn cho việc phối hợp.
Ngoài ra, quân đội miền Bắc Trung Quốc vốn không thể thích nghi nhanh chóng với môi trường rừng núi và khí hậu miền Nam.”
Cách bố trí nhân sự của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến phi nghĩa này cũng bộc lộ vấn đề lớn: “Tướng Hứa Thế Hữu được điều từ Nam Kinh làm Tổng chỉ huy trong cuộc chiến với Việt Nam, là người không thông thạo lực lượng hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây cũng như địa hình, khí hậu biên giới Việt-Trung.
Tại sao không lựa chọn tướng chỉ huy từ các quân khu miền Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam…? Ngay từ đầu, (Hứa Thế Hữu) cho thực hiện chiến thuật ‘biển người’, làm quân đội tổn thất vô số…
Xét trên nhiều phương diện, trong cuộc chiến tranh này, quân đội Trung Quốc phải trả cái giá thê thảm nặng nề là điều đất yếu”, bài viết kết luận.
Kế hoạch ngông cuồng “chiếm 5 tỉnh thành lớn của Việt Nam sau 1 tuần” của Đặng Tiểu Bình cùng các tướng lĩnh thân tín bị thất bại nhanh chóng khi trải qua 3 tuần, quân Trung Quốc xâm lược đã bị chặn đứng tại Lạng Sơn.
Cuối cùng, PLA buộc phải rút lui một cách thảm hại sau khi tổn thất hơn 62.000 quân, một cái giá quá lớn cho cuộc xâm lược chỉ kéo dài gần 1 tháng.

(Theo Tri Thức Trẻ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét