Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Sách Phong Thủy Ứng Dụng/ Lời Thưa & Chương Đề Dẫn

Bìa 1 & Bìa 4 sách Dịch học tập 1.

SÁCH PHONG THỦY ỨNG DỤNG
LỜI THƯA VÀ CHƯƠNG ĐỀ DẪN


Lời Thưa,

Tôi yêu căn nhà của tôi không lời nào tả xiết.
25 năm đầu đời tôi sống dưới mái nhà của cha mẹ tôi trong một dốc phố Hà Nội, căn nhà 27 thước vuông cho bảy người cư ngụ. Đó là căn  nhà xây bằng gạch, tường mười, mái ngói, trước mặt là ao xóm, sau lưng là hồ chùa, một bên là bếp, là giếng nước, là nhà vệ sinh công cộng. Mùa nước lên, nhà chúng tôi chìm trong biển nước, mấy anh em chúng tôi thả thuyền giấy rong chơi trên biển nước ấy như thể những hoàng tử, công chúa nơi Địa đàng..
Năm tôi lấy vợ, cha mẹ cho ra ở riêng, cấp cho miếng đất sát ao, cạnh nhà vệ sinh công cộng. Đôi vợ chồng trẻ vừa làm thơ vừa bốc bùn ao, vừa gánh sỉ than xin được từ nhà máy rượu gần đó về lấn ao và dựng cho mình ngôi nhà tranh rộng dài gần 8 thước vuông. Trong căn nhà quê quán của ruồi muỗi ấy, có chiếc giường kê trục bắc-nam, chúng tôi sinh được một hoàng nam, nay con đang làm người..
Năm 35 tuổi, tôi vào Sài Gòn, ngụ trong căn nhà 2 tầng, mặt phố lớn, thắt đuôi chuột, tiền bốn hậu ba. Tôi không hề choáng ngợp trước ngôi nhà 200 thước vuông so với căn nhà 8 thước vuông vừa từ giã. Mà hiểu rằng, căn nhà mới này là chiếc ti vi lớn hơn, hiện đại hơn, cần thiết phải có dàn ăng ten nhiều chấn tử hơn, lắp đặt đúng hướng, mới mong thu nhận thanh/hình rõ đẹp. Tôi dạy các con tôi, muốn nên người phải học yêu căn nhà theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và căn nhà đã cho chúng tôi sức mạnh/đức tin vượt qua mọi giông bão cuộc đời và đến được với điều mà người đời gọi là phúc/lộc/thọ. Năm 60 tuổi, nghỉ hưu công chức, tôi mua được căn nhà nhỏ với ước muốn gia tiên có chốn đi về.
Cả một đời yêu quí căn nhà cư ngụ của mình, dù lớn hay nhỏ, dù xấu hay đẹp, dù ở đâu, suốt một đời đều được Thần Nhà cho hưởng phúc mưa, lộc nắng. Cảm ơn cao dầy ấy, tôi cố công soạn chép bộ sách Kinh Dịch Ứng Dụng, gồm 5 quyển, quyển 2 có lời thưa này là quyển Phong Thủy ứng dụng. Gọi là Phong thủy bởi nhân gian quen gọi thế, nhưng thực ra chỉ là chuyện nơi cư ngụ, chuyện môn/táo/chủ, chuyện cái giếng, miếng vườn..sắp xếp chúng thế nào, yêu chúng thế nào, để chúng yêu lại ta, mang lại lợi ích cho ta, như ví von khập khiễng cái ti vi và dàn ăng ten vậy.
Sách soạn chép này để dùng riêng trong gia đình, và làm tài liệu tham khảo cho thân bằng quyến thuộc, không mục đích nhân bản kinh doanh cầu danh, cầu lợi. Cúi xin các bậc tiền bối và các bậc hậu sinh có văn được sưu tầm/chép trong sách này mà chúng tôi (nếu có thiếu sót) không ghi tên và xuất xứ các soạn chép của quý vị, xin mở lòng hỷ xả tha thứ, bởi chúng ta đều là những người kế thừa và cùng vinh danh kinh dịch.

Nguyễn Nguyên Bảy


PHONG THỦY ỨNG DỤNG
CHƯƠNG ĐỀ DẪN
PHONG THỦY ĐỂ THỦY PHONG


TÊN GỌI
Phong là Khí, là Gió, Thủy là Nước. Phong và Thủy là hai thực thể vật chất hiện hữu (ti vi và ăng ten), biến hóa khôn lường (hình và tiếng phu thuộc vào đài phát và hướng sóng). Nghiên cứu phong thủy là nghiên cứu vị trí đặt ti vi tương ứng với vị trí lắp đăt ăng ten sao cho ti vi nhận được hình ảnh rõ nét và âm thanh trung thực mà thụ hưởng.

ĐẠO LÀ GÌ?
Là một chân lý không thể đảo ngược. Xuân tới hạ, tới thu, tới đông rồi lại vê xuân. Nói rộng ra là vũ trụ, là nhân loại sinh tồn trong tuần hoàn vĩnh hằng hợp lý. Nói hẹp là nói con người và thiên nhiên quanh mình sống thuận cách/ tương thích với nhau và con người gắng sao cho được hưởng nhiều hơn những tốt đẹp mà thiên nhiên vô tư ban tặng.

PHONG THỦY ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN LÝ THUYẾT NÀO?
Người Phương Đông từ ngàn xưa đã coi thuyết lý Âm Dương là nguyên lý gốc cho tất cả các nghiên cứu khoa học. Phong thủy không ngoại lệ. Vũ trụ tạo bởi Trời và Đất. Trời là dương, Đất là âm. Muôn loài được tạo ra bởi Âm Dương. Làm gì có nhân loại nếu trái đất toàn đàn bà hoặc ngược lại. Cười là dương, khóc là âm. Còn nhân loại chăng nếu 6 tỉ người ( trước thế kỷ 20) đồng loạt cười hoặc đồng loạt khóc? Số chẵn là âm, số lẻ là dương, 10 con số biến háo khôn lường, thành hằng hà sa số, thành điện toán, thành xa lộ thong tin. Trong Thái Dương có Thiếu Âm và trong Thái Âm có Thiếu Dương, luận ra người (nam hay nữ) bên trong là âm, bên ngoài là dương, trong nhà là âm, ngoài nhà là dương, trên bàn là dương, dưới bàn là âm.. Đó chính là Thái Cực, nguyên lý cùng tột của tạo hóa. Âm dương tượng Lưỡng Nghi là Trời/Đất vậy.

KHÍ PHẢI ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Vũ trụ tạo bởi hai nguyên lý tuy khác nhau nhưng không bao giờ tách rời nhau, đó là Lý và Khí. Trong vũ trụ có Khí bắt buộc phải có Lý. Lý là nguyên nhân hoạt động, là sức nẩy nở sinh ra vũ trụ. Lý là vô hình thuần khiết và trong suốt. Khí là vật chất bình thường, khi tan thành vô hình, khí tụ thành hữu hình. Lý chỉ có một. Khí thì muôn hình vạn trạng khác nhau. Lý ví như hồn, khí như xác. Khí là hơi thở, là năng lượng, là ý tưởng quan trọng nhất của phong thủy. Khí là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến sự sống của loài người. Trong con người khí là tinh thần, là sinh lực điều khiển cơ thể. Khí ở cùng ta từ khi sinh cho tới khi chết. Sức mạnh kết hợp giữa con người và môi trường xung quanh được gọi là khí, có nhiều loại khác nhau, loại vận chuyển trong lòng đất, loại xoay vần trong khí quyển, loại vận chuyển trong bản thân mỗi người. Khí làm con người ta linh hoạt và là đặc tính của từng con người, nếu khí không đến được phần nào đó của cơ thể con người thì phần đó bại liệt. Do đó, khí chẳng những là vận mạng của chúng ta mà là nguồn gốc của vận mạng. Khí được triển khai từ những phần tử của thai khí gọi là Linh. Linh vận hành khắp vũ trụ, khắp không gian. Khí Linh nhận vào trong bào thai người đàn bà trở thành Ngã, thành tinh thần và đó cũng là khí của một con người. Khí này tràn đầy trong cơ thể. Khi một con người được sinh ra, Khí sẽ giúp người ta làm tròn định mạng của mình. Khi người ấy chết đi, Khí lại trở về trạng thái ban đầu. Phong thủy nghiên cứu về Khí, nhằm tìm sự quân bình đạt đến hài hòa cuộc sống của con người với môi trường. Phong thủy né tránh những xấu hãm, tìm điều tốt lành, bằng việc chọn hướng nhà, hướng bếp, sắp xếp đồ đạc trong nhà. Điều này nghe có vẻ kỳ bí, nhưng thực ra còn sâu xa hơn thế.

HIỂU NGŨ HÀNH NHƯ THẾ NÀO ?
Cùng với âm dương, ngũ hành là sự diễn giải chi tiết về khí. Khí được phân thành năm yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm yếu tố này được tượng hình bằng mầu sắc, thời gian, mùa màng, phương hướng, các tinh tú, phủ tạng..Năm yếu tố này sinh ra nhau và hủy diệt lẫn nhau theo một trật tự thuận nghịch nhất định. Chu kỳ sinh: hỏa sinh thổ (tro tàn), thổ sinh kim (khoáng sản), kim sinh thủy (ly kim loại chứa nước lạnh đổ mồ hôi), thủy sinh mộc (rễ cây hút nước mà tươi tốt), mộc sinh hỏa (cây cối đốt cháy thành lửa). Chu kỳ khắc (diệt): mộc khắc thổ cây làm kiệt đất), thổ khắc thủy (con đê, dòng sông), thủy khắc hỏa ( nước dập lửa tắt), hỏa khắc kim (lửa đốt chảy kim loại), kim khắc mộc (kiếm chém cây đứt).

PHONG THỦY ĐỂ THỦY PHONG ?
Dẫn từ đạo, tới khí, tới âm dương, ngũ hành để luận nghĩa hai chữ phong thủy theo kinh dịch, trong một ý đơn giản, đời thường như bản chất vốn có của nó. 384 quẻ dịch luận giảng vàn muôn chuyện sự trên đời, thì phong thủy được dành vỏn vẹn hai quẻ Hoán và quẻ Tỉnh. Phong trên/ Thủy dười là quẻ Hoán. Nôm na, phàm mọi sự trong đời sống của con người, những gì liên quan không thuận (hung/xấu) đến Gió và Nước thì phải thay đổi, hoán chuyển, xếp đặt, cải tạo lại.. sao cho tương thích, thuận lý giữa sinh hoạt của con người với môi trường (vũ trụ) xung quanh.
Duy nhất một cách Hoán, đó là dịch biến Phong/Thủy thành Thủy/Phong. Thủy trên/Phong dưới là quẻ Tĩnh. Tỉnh là cái giếng. Nghĩa rằng: hoán chuyển thay đổi gió/nước của căn nhà cư ngụ thuận lý với môi trường, thì sẽ thụ hưởng phúc dầy của Tỉnh ( giếng). Phúc của Giếng là :  Uống mãi không cạn/ Vơi lại đầy/ Đầy không tràn. Vì vậy, dù có luận giảng cổ/kim, đông/tây, cao siêu bí hiểm, hay đơn giản/nông cạn gì đi nữa thì bản chất của Phong trên/Thủy dưới cũng chỉ là Hoán, Hoán để thành Thủy trên/ Phong dưới là quẻ Tỉnh (cái giếng) để thụ hưởng lợi ích của căn nhà cư ngụ.

/ Mời đọc tiếp Chương 1/
PHONG THỦY
ỨNG DỤNG
Sách đăng ký bản quyền.
Luật pháp cấm nhân bản dưới mọi hình thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét