Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 15.6

QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP
Văn đò đưa
1. Hoàng Như Mai / 2. Tùng Bách/ 3. Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12 Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn/
 15.6.  N h à v ă n  MAI AN  N G U Y Ễ N  A N H  T U Ấ N


CHIÊU TUYẾT HOA NHÀI
Nguyễn Anh Tuấn, đò đưa


Là một người thơ yêu thiên nhiên, yêu hoa cỏ đến độ ” Tình có nụ cười bối rối các loài hoa”, NNB – người tự nhận là “một lãng du yêu”, trong khi nói về các loài hoa như trà mi, hoa sữa, hoa quỳnh, cả loại “hoa chân chim” – bước chân của “chim trống lặn lội đi tìm” chim cái, v.v, anh không thể không nói đến Hoa nhài. Phải chăng, “Hoa thơm ai giắt mái đầu/Mây kia bất tử một mầu nhớ thương” mà NNB ngẩn ngơ, trước hết chính là hoa nhài? Ta có thể hình dung, trong một đêm nọ, “Sân trăng tình lại ngồi kề bên nhau/ Mái đầu lại chụm mái đầu “, người thơ đã kể về một loài hoa thực đáng yêu song từng bị chịu đựng nhiều bất công hơn cả – đó là hoa nhài:


HOA NHÀI


Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm.

Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.
( Thơ Nguyễn Nguyên Bảy- Nxb văn học, Hà Nội, 2010)





JASMINE

The flower scent of Jasmine perfumed our tea
And perfumed on the hair of lady.
There were people’s despises
on this merely common flower of the night.
But Jasmine still blossomed at night,
Bathing under the moonlight
Soaking with the drops of dew.
Then the flower scent of Jasmine kept on perfuming our tea
And perfuming on the hair of lady.
Jasmine will always be the same as it is.
Jasmine.


1. Sinh ra nơi “Kinh thành cổ tích”, người thơ NNB hẳn thấm câu truyền miệng tự bao đời nay: “Ngát thơm hoa sói hoa nhài/ Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ”, và từ thưở thơ ấu hẳn đã có lần thắc mắc: trong những gói hoa cúng mà các cô gánh hàng hoa lặn lội từ các làng hoa ra đem treo nơi cửa Phật, cửa nhà ( rồi cuối tháng mới lấy tiền một thể), tại sao không có hoa nhài? Tại sao trên mái tóc những cô gái thường cài hoa bưởi, hoa nhài, hoa ngâu, và trong chén trà buổi sớm của người cha đáng kính vẫn thường ngan ngát hương nhài, hương sen, thế nhưng riêng hoa nhài lại bị mang một một cái “án” không tuyên dai dẳng trong tiềm thức nhiều tầng lớp người, trong định kiến toàn xã hội, khiến hoa chỉ biết lặng lẽ nâng vạt áo nâu sồng gạt lệ khóc thầm qua nhiều thiên niên kỷ ?… Thật đáng tiếc cho một tâm hồn vĩ đại như Nguyễn Trãi, dạt dào tình yêu dân trọng dân, nhưng chỉ vì từng là môn sinh nơi cửa Khổng sân Trình, hoặc chỉ vì định kiến chung áp đảo, lại thiếu chút thông tin về đời sống mà có ấn tượng không đẹp về hoa nhài:

Môi son bén phấn dây dây
/ Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay/ Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận/ Hồng nhan kia chớ cậy mình thay/ (Trong phần Môn hoa mộc của Quốc âm thi tập )

Nói “môi son bén phấn” là vì hoa nhài từ trước vẫn tượng trưng cho kỹ nữ, gái làng chơi; và hoa chỉ ban đêm mới thơm nên còn được gọi là Dạ lai hương ( “đêm nguyệt đưa xuân”), rất dễ liên tưởng tới nghề nghiệp của “gái lầu xanh” ( mà một cô gái mười phân vẹn mười như nàng Kiều của cụ nguyễn Du cũng có thể rơi vào bởi cái xã hội đảo điên ăn thịt người! ). Riêng tôi thì tin chắc rằng, nếu không mắc họa tru di tam tộc, có thêm một thời gian nữa sống nơi thôn dã lương dân, một trái tim nhạy cảm và thanh cao như Nguyễn Trãi sẽ có cách nhìn hoàn toàn thay đổi về một loài hoa rất gần với nhân cách của cụ, hơn mọi thứ hoa nào khác mà cụ đã ca ngợi ( Mai, đào, cúc, hải đường…)


2. Hãy trở lại với bài thơ Hoa nhài của NNB. Bài thơ chỉ có hai câu, và mỗi câu gồm những chữ ngắn, hầu hết là những động từ khẳng định ( câu 1 thì hoàn toàn là động từ ) được liên kết bằng những dấu chấm – người đọc chợt hình dung chúng tạo thành một vòng tròn. Vòng tròn diễn tả tính liên tục của sự vật, sự tuần hoàn, và cả sự thay đổi. Ở đây, mỗi nội dung của sự việc, của sự thay đổi được cô đúc ngắn gọn và diễn đạt như trong đồng dao trẻ em xưa.

Ở vòng tròn thứ nhất :”Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm”, tác giả khách quan hóa sự việc bằng cách để chính hoa kể lại sự việc và diễn tả thuần bằng động tác “Ướp trà em. Cài tóc em”. Nhưng chỉ một chữ “mà ” đã bộc lộ rõ rệt thái độ bực bội, phản kháng của hoa trước thái độ vô ơn của người đời ! Cuối câu giống như một sự thách thức của hoa trước sự quan sát say mê đầy tinh thần cổ vũ của người thơ: “Hoa nở đêm”!

Đến vòng tròn thứ hai, tác giả hoàn toàn tách khỏi hoa, làm người phán xét và bênh vực cho hoa : “Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.” Tác giả như kêu lên mừng rỡ trước thắng lợi của sự diễn tiến hợp quy luật: “Nhưng em vẫn nở đêm”. Sự hợp quy luật này cũng phù hợp với đạo lý ân nghĩa ( mặc dù không phải ai cũng hiểu được như thế!), vì vậy hoa mới có thể tự nhiên và kiêu hãnh ( ít nhất là trong con mắt người thơ): “Tắm mình trăng. Tắm mình sương”, để tiếp tục “Cho ngon trà. Cho ngọt tóc.” Và sau cùng là sự khẳng định đầy trân trọng và cũng thật giản dị của người thơ đối với hoa: “Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.”

Tới đây, hai vòng tròn ước lệ trên như nhập lại làm một trong mối đồng cảm, trong niềm tự hào về hoa. Và chúng ta có thể thấy nó giống như một vòng tròn của sự “Chuyển dịch càn khôn”, của triết lý Đạo Phật : “Thể mọi pháp đều không: không sinh cũng không diệt, mỗi sự vật đều có mặt tròn đầy trong sự rỗng lặng trong sáng của nó… ” ( Xem hình vẽ – cùng đoạn trích lấy từ sách: “Những nét văn hóa của đạo Phật” của Thích Phụng Sơn- Viện nghiên cứu Phật học VN, ấn hành 1995).

Chính tâm thế ấy sẽ giúp con người tỉnh thức, thoát khỏi mọi sự lôi kéo ràng buộc mê hoặc đã trở thành thói quen cố hữu, để nhìn nhận sự việc một cách chân thật, với một tình thương yêu rộng lớn và niềm hạnh phúc vô biên – điều đó đạo Phật gọi là “Chân tâm”. Với sự bênh vực- đúng hơn là với sự đánh giá đậm “Phật tính” này, Hoa Nhài từ nay đã đủ tư cách đàng hoàng để có mặt trong nơi linh thiêng nhất của Phật điện!

Còn riêng về chữ nghĩa, bài thơ Hoa Nhài của NNB có thể nói là một thứ “siêu kỹ thuật” của người luôn luôn tự nhận là “nghiệp dư thơ”!


3. Người đọc có thể dễ dàng cảm thấy: trái tim nhân hậu, giàu cảm thông của người thơ từ những năm tháng xa xưa phải chăng đã biết nhìn sâu vào tận đáy tâm trạng và thân phận người, thấu hiểu và mong chiêu tuyết cho những người phụ nữ bị định kiến khắt khe dìm dập trong dân gian: Thị Mầu, Đào Huế, Hến, “cô gái bánh đa bánh đúc”… – họ nếu không chìm nổi ngụp lặn trong đời sống dân dã thì cũng bị bêu rếu bởi công luận hẹp hòi, nhưng chắc hẳn họ đều có những “lời yêu mượn cánh thánh thần chở che”… Những nhân vật đó, cùng với Hoa nhài nhiều năm sau đã xuất hiện giữa “Nhật Nguyệt”- tên một phần trong tập thơ NNB! Để có những lời thơ giản dị đến thấm thía như vậy về Hoa nhài, chắc hẳn người thơ đã phải vượt qua biết bao những “Hoang tưởng”- cái hoang tưởng từng thử thách “trái tim người yêu nhau”, đã phải đi qua biết bao “Bụi bặm nhân gian mưa nắng cuộc đời”, thậm chí nhiều lúc “trước mặt sông Mê sau lưng bến Lú”… Nhưng, kỳ diệu thay, luôn luôn có vầng trăng “như thần linh chứng giám” cho mối “thủy chung yêu một đời”- và ai dám bảo trong vầng trăng đó không ngan ngát một mùi hương hoa nhài mách bảo cho lương tri về chân giá trị của Đời nói chung, của Tình yêu nói riêng?


4. Những năm gần đây, hoa nhài thậm chí còn thoát khỏi sự trầm luân lặng lẽ của mình để bước vào đời sống chính trị, sự thanh khiết và dịu nhẹ của nó được gắn với một phương thức cách mạng “Bất bạo động”. Mới đây nhất, cuộc cách mạng ở Tunisie và Ai Cập được gọi là “Cuộc cách mạng Hoa Nhài”- nghĩa là người dân đòi quyền sống, đòi công lý và hiến pháp một cách hòa bình thuần khiết theo tinh thần của Thánh Gandhi !

Để người đọc hiểu thêm về hoa Nhài và bài thơ Hoa Nhài của NNB, xin được trích dẫn làm phụ lục một đoạn trong bài tiểu luận rất lý thú của cố nhà thơ kiêm nghệ sĩ của cây cảnh và hoa – ông Đặng Tiến Nam, một người Hà Nội tài hoa:

“Từ ngàn xưa, từ các vương tôn công tử, các học giả, sĩ phu khắp chốn cung đình đến người dân nơi thôn dã ai ai cũng biết sử dụng hoa nhài để ướp trà… Ở đâu, nhài cũng sống giản dị, chẳng đòi hỏi gì, chỉ cần có đất, nước và khí trời. Một cuộc sống thầm lặng nép mình nơi bờ rào, ven lối đi, hoặc vạt đất thừa dưới ô cửa sổ, lầm lũi như hoa ngàn cỏ nội. Nhài cần mẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, chắt chiu từng sợi nắng, giọt mưa, để rồi cống hiến bao hương sắc cho đời.

Bông nhài tròn trịa, xinh xắn một màu trắng tinh khiết đâu kém dung nhan của bông mai, bông đào. cấu trúc của bông nhài đầy đặn phúc hậu. Từ lúc hàm tiếu đến lúc mãn khai, lúc nào cũng khư khư phong nhụy, như một cô gái đẹp tự thân không trang điểm, khôn khéo biết bảo vệ sự trinh trắng của mình.
Thú vị thay, khi chợt thoáng một dự cảm: Ban ngày nhài ít chịu nở hoặc xông hương, vì sợ lũ bướm ong côn trùng làm tỳ ố sự trong trắng của hoa. Dường như nhài còn cảm nhận được một điều, từ sớm tinh mơ đến lúc mặt trời lặn, con người còn mải mê bươn trải ngược xuôi vì kế mưu sinh. Nhài đã đón đợi lúc đêm về, lúc mà con người nghỉ ngơi sống bằng suy tưởng, nhài mới cựa mình phô dáng khoe hương, đem đến cho con người những cảm xúc nhỏ nhoi, nhằm làm dịu nhẹ những lo toan vất vả của cuộc sống đời thường… Đã bao đời rồi, nhài sống hết mình vì con người, đã cùng con người chia sẻ bao cảnh ngộ buồn vui.

Sau ngày lao động chân tay hoặc trí não, ta nhấp một ly trà ướp nhài, sẽ cảm thấy gân cốt thư dãn, tinh thần sảng khái thêm sáng suốt minh mẫn. Trưa hè oi nồng, cốc thạch, cốc chè đỗ đen có điểm xuyết mấy đóa nhài, như khêu gợi kích thích sự tò mò của cơ quan vị giác… Ôi, cái nghĩa tình giữa người và nhài!.. Nó mộc mạc mà u nhã, nó đã bộc lộ trọn vẹn mối giao cảm hòa đồng giữa thiên nhiên và con người. Nó đâu còn là một vật thể vô hồn, nó đang thầm thì và lay động đến nơi sâu thẳm trong ta.

Phương ngôn mình có câu nói rất đẹp: “Ân trả nghĩa đền”. Vậy mà thế gian nỡ phũ phàng cay độc, gán cho Nhài là loài hoa “Con đĩ”. Vậy nên từ xa xưa cho đến nay có bao giờ Nhài được người đời dùng làm hoa cúng. Nếu đem so sánh với đĩa hoa mà con người dâng cúng thần linh, thì Nhài đâu có điểm gì thua kém? Thậm chí còn hơn hẳn nhiều loài bởi vẻ đẹp và mùi hương! Trớ trêu thay, Nhài chỉ “can tội” trót nở và thơm về đêm để ướp tẩm giấc ngủ con người thêm đằm. Nỗi oan khiên của Nhài ai tỏ? Quả là “Hồng nhan đa mệnh bạc”.

Đã đến lúc chúng ta cần thẩm định lại vị trí của hoa nhài, một loài hoa quý đẹp sắc thơm hương đã hòa nhập vào cuộc sống trong ta, nhập vào nền văn hóa nước nhà… ”
( Duyên nợ trần gian- Tùy bút, truyện ngắn- Nxb Thanh nên, HN, 2003)

Hai người Thơ ở hai miền đất nước xa xôi đã vô tình gặp gỡ nhau ở mối tình đối với Hoa Nhài, và người đã bằng Thơ, người bằng Văn xuôi để chính thức “chiêu tuyết” cho hoa Nhài, như một thứ Duyên nợ trần gian cần phải trả thay cho biết bao thế hệ người Việt Nam !


Hà Nội, 2011

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét