Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/Tiểu thuyết TÌNH BIỂN / Sắp tái bản/



 
VANDANBNN : Tiểu thuyết TÌNH BIỂN tôi viết năm 1986-1987 tại Sài gòn,trong chuyến đi công việc tại Mỹ, tìm thấy trong Thư Viện  Seattle Wasington và trên các mạng thuvien.maivo.com, vnthuquan.net, và easycome.us/ liền post về lại trang nhà như món quà nhỏ trân trọng tặng bạn đọc.

 
 TÌNH BIỂN Tiểu thuyết/ Sắp tái bản
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
 
 
23. Một Chút Tâm Sự Người Lính

Đặt điện thoại xuống, ngồi ngả người trên chiếc ghế tựa xoay. Bài còn như nghe âm hưởng tiếng nói quen thuộc, thân thiết của Trường.
- Ngày mai anh chị sẽ xuống nghỉ ở chổ chú. Suốt tuần luôn. Chú lo cho anh một phòng “xịn” nhất trong khách sạn. Ăn cũng “xịn” như vậy.
- Chuyện đó anh khỏi lo. Ô kê. Anh kéo được chị cùng đi, thật tuyệt. Nhiều tiếng cười  khà khà ở đầu dây đáp lại.
9 giờ sáng mai, anh sẽ tới. Dạ, em rất vui được gặp lại anh chị. 
Nỗi bất ngờ pha trộn với niềm vui dâng tràn ngập lòng Bài. Bất ngờ vì lẽ, đây là lần đầu tiên Trường và vợ, là anh chị kết nghĩa của Bài, người thủ trưởng cũ trong những ngày ở chiến trường, Bài đã có biết bao nhiều kỷ niệm sống chết với họ. Mới đây Bài có nghe tin, qua một người bạn, là vợ chồng Trường lục đục với nhau, vậy mà bây giờ đích thân cả hai người xuống đây hưởng lại tuần trăng mật. Bài sẽ làm cho họ quyện vào nhau, tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em sẽ bền chặc mãi mãi. Một niềm vui nữa, là Bài sẽ báo cáo với người thủ trường cũ những trưởng thành của mình từ một người lính tới chức vụ quản đốc khách sạn. 
Anh ấy chuyển ngành với hàm thiếu ta, còn Bài – trung uý. Anh ấy đã làm tới Phó tổng giám đốc xí nghiệp liên hiệp. Như vậy rất xứng đáng với ảnh, một quá khứ oai hùng và một hiện tại rực rỡ. Hồi chuyển ngành, lẽ ra Bài cũng về xí nghiệp của ảnh, nhưng chờ đợi thủ tục quá lâu, mà Bài rất chán ngán sự chờ đợi, nghe nói Vũng Tàu cần người, Bài đầu quân liền. Hai anh em ở xa nhau, nhưng Bài vẫn ghé thăm ảnh mỗi khi qua Sài Gòn, những kỷ niệm đời lính không dễ gì phai nhoà trong tâm trí người lính. 
Năm ấy, ở Trảng Lớn, hai anh em lạc đơn vị một tuần liền. Lương thực chỉ có gạo rang, lá rừng, nước uống hố bom, mắt cứ giõi theo hướng mặt trời lặn mà đi. Anh bị một miểng đạn xăm vào đùi, đi nhiều máu tứa ra ngoài, đẫm hết cả ống quần, dìu anh đi vài đoạn, anh thương tội thằng em đã kiệt sức, lại gắng. Ngày thứ tám, hai anh em tìm lại được đơn vị. Trong chiến tranh, lạc đơn vị là chuyện thường. Chỉ có điều trong thời gian hai anh em lạc đơn vị mọi người nghĩ là hai anh em đã hy sinh, nên cả hai đều được báo tử. Sau hòa bình trở về nhà, cả hai anh em bước từ bàn thờ xuống, tấm ảnh cha mẹ thờ đã nhạt màu thuốc, tấm hình ám khói nhang, mọi người cứ ôm lấy nhau mà khóc. 
Mùa xuân bảy nhăm, trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn hai anh em gặp nhau ở Bàu Đờn. Lần gặp nhau ấy, tưởng đã là lần cuối cùng. Mỹ ném bom A37, các chiến sĩ ta ngồi trên xe tăng bị sức ép của bom, từ từ rớt xuống đường như những chiếc lá khô. Em muốn được che đạn cho anh, anh cũng muốn che đạn cho em, hai bờ vai chen sát vào nhau. Hãy nhớ lấy những người anh em của chúng ta đã chết ngày trên ngưỡng chiến thắng. Anh nói bằng tiếng trái tim mình, vang đập và hằn sâu trong trái tim em. Nếu chúng ta còn sống, thì chúng ta phải sống thêm cả phần  sống của những người đã chết. Em xin ghi nhớ suốt đời. Bài muốn nói với người chỉ huy của mình như thế. Nhưng trái tim cứ run lên và nước mắt chảy ngược vào lòng. 
Trường đã tới đúng như thông báo qua điện thoại. Vừa nghe người tiếp tân báo tin, Bài đã mở cửa chạy ra đón. Bốn cánh tay mở rộng, họ ôm nhau. 
- Chị đâu anh? 
Trường đánh đầu ra phía cửa, nơi chiếc xe Mazda đang đậu, cạnh đó, một cố gái chừng hai mươi hai, quần gin ống bó và chiếc áo cánh bướm bỏ trong quần, cặp kính mắt khá to che kín một phần ba gương mặt, đang ôm tay trước ngực, trân trân nhìn Bài và Trường. 
Bài sững lại. Thế này là thế nào? Mặt anh hơi xụ xuống nhưng anh liền hiểu ngay là không nên như thế, vì dù sao đây cũng là những người khách. 
- Giới thiệu với em, đây là chú Bài, quản đốc khách sạn. 
- Hân hạnh. 
Cô gái miễn cưỡng đưa cánh ta ra phía trước, Bài ngần ngừ, chưa quyết định có nên bắt tay cô gái hay không. Về tình cảm thì không, nhưng về trách nhiệm người quản lý khách sạn thì đó là một phép lịch sự cần thiết. 
- Mời anh chị. 
Bài thoáng lúng túng, anh lấy lại bình tĩnh, dẫn hai người tới quầy tiếp tân. 
- Đây là khách tôi đã bố trí phòng số 315. 
- Thưa chú, tất cả đã sẵn sàng, - Cô gái tiếp tân mặc chiếc áo dài màu đỏ, nét mặt tươi cười rồi nhã nhặn trả lời, và đưa chìa khóa phòng cho khách. 
- Mời anh chị. 
- Bài nhón tay xách chiếc va ly của Trường, ra hiệu mời lại phía thang máy, anh bấm nút thang máy và đưa họ về phòng. Bao nhiêu dự tính của Bài bỗng dưng nghẽn tất cả, trong lòng Bài dâng lên một cái gì đó đầy ứ. Lẽ ra sau khi mở cửa cho Trường bước vào phòng, anh sẽ nán lại để hàn huyên vài chuyện và tính kế hoạc cho Trường những ngày ở Vũng Tàu. Nhưng anh đã chẳng nói điều gì, chỉ tay về phía điện thoại: 
- Anh chị cần gì xin cứ gọi điện thoại. – Một nụ cười gượng, - Anh chị đi  đường xa, nên mệt, có nước nóng, anh chị có thể tắm và nghỉ ngơi, tới giờ cơm trưa em sẽ kêu. 
Mình phải thật bình tĩnh, Bài vừa khép cửa phòng đi ra hành lang, vừa nghĩ, rất có thể anh đã ly dị với chị và lấy cô gái này. Đúng như vậy, thì cô này là chị dâu mới của mình, mình phải có bổn phận chăm sóc, kính trọng và… Bài dừng lại nơi cửa thang máy. Nhưng không hiểu nghĩ sao, anh không chờ thang máy từ dưới lên, mà men ra cầu thang chầm chậm đi bộ xuống. 
 - Chú phải luôn nhớ rằng chú là một người lính, đã là người lính thì không bao giờ được phép thất bại, ngay cả trong môi trưởng quản lý kinh tế. 
 - Anh sẽ chẳng bao giờ phải hổ thẹn vì em đâu. Người đàn bà chủ khách sạn này trước đây, khi bàn giao khách sạn, đã tiên đoán một cách đau xót là chúng em sẽ phá hủy khách sạn ngay trước mắt bà ta. Đó là một tiên đoán thất bại, mà người lính thì không được phép. Dưới con mắt nhiều người, lính chỉ biết cầm súng, không biết làm kinh tế, họ nghĩ về người lính thảm hại đến nỗi, chỉ muốn giao cho người lính nhiệm vụ gác cổng. Em đã vâng lời anh lao vào học hỏi. Bởi thật công bằng mà nói, ngoài danh hiệu đảng viên, mấy tấm huy chương, đúng là  những người lính như em chưa qua lớp học kinh tế nào. Được giao trọng trách một quản đốc khách sạn, thực quá sức. Nhưng em tin là mình có thể làm được. Em học nghề buôn, nghề bán, em học nghề  bếp, nghề quản lý. Việc học tập đã khiến em tự tin, em sẽ không để cho danh hiệu người lính bị bôi nhọ. 
Chú phải luôn ghi nhớ, bí quyết của người lãnh đạo là tấm lòng đối với người cấp dưới mình. 
Em đã vận dụng hai chữ tấm lòng của anh dạy theo một nghĩa rộng rãi và bao quát hơn. Cấp trên chưa tin mình, cấp dưới cũng chưa tin mình, chỉ bởi mình chưa qua trường lớp, chưa kinh qua công tác quản lý kinh tế. Vậy việc trước tin phải xây dựng lòng tin đó. Tất cả những gì bị thiệt thòi trong chiến tranh, phải biết chấp nhận, bởi thời gian còn lại cho mình chưa bao giờ là muộn. Những đồng đội khác, tuổi như mình, giờ này bao nhiêu người đã đi vào hư vô cho mình sống. Thế thì cớ gì cớ gì minh  lại tự coi là muộn. Quan trọng nữa là không được lạc lõng, không được theo sau thời cuộc. Tấm lòng không phải sự trừu tượng, tấm lòng ở mỗi người mỗi khác, em đã làm như thế, còn anh, anh đã làm như thế nào? 
Bài gieo mình ngồi xuống ghế. Métđôten Kỷ từ ngoài bước vào theo, hình như cô quan sát sự khác thường đột ngột của Bài, trên gương mặt đổ màu tro và dáng đi thất thường. 
- Tôi nói các em pha cho đồng chí quản đốc một ly cam vắt? Hình như đồng chí hơi mệt? 
- Cảm ơn bác. 
Bài lơ đãng trả lời. Métđôten Kỷ bước vội ra. 
Anh ây đã ly dị vợ rồi chăng? Tai sao mình không biết? Đúng là hai người có những bất hòa quan điểm với nhau, cụ thể thế nào thì mình không biết. Chị nói với mình: Anh chú khác xưa nhiều quá. Còn anh trước những câu hỏi dồn dập của mình chỉ cười: Bả bảo thủ quá, xã hội tiến rầm rầm mà mình cứ khư khư giữ cái cũ. Người nào nói cũng có lý, Bài không xem vào đời tư của cả hai. Vì anh nghĩ, những bất hòa đó luôn luôn là cần thiết để hiểu nhau hơn. Tuổi tác của hai người, những kỷ niệm tình nghĩa và đặc biệt là những tác phẩm của tình yêu cứ mỗi ngày mỗi khôn lớn trưởng thành. 
Mình thật bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ. Phải chi ảnh đi với chị, đàng này… Nhưng nếu ảnh lấy vợ khác thì đây cũng là chị mình,. Nhưng mà chuyện đó xảy ra thì anh chị ai lỗi, ai phải? 
Chuông điện thoại. Giọng nhỏ nhẹ của Trường vang lên: 
- Anh rất hài lòng về căn phòng, Bài à. Cổ đang tắm anh muốn nói với chú thế này, những ngày anh ở đây, chú nên hiểu anh, anh sẽ giải thích tất cả, chú đừng làm mặt giận như thế, vì cổ quen được cưng chìu. Còn  nếu như chú cảm thấy sự có mặt của anh làm chú không vui thì anh sẽ sang khách sạn khác. 
Bài buộc lòng phải đóng màn kịch vui vẻ và trách Trường sao lại nghĩ như thế, anh đang chuẩn bị bữa ăn trưa thịnh soạn cho hai người, tất nhiên anh cũng tham dự, và chắc chắn sẽ rất vui. 
Chẳng lẽ anh ấy lại là hạng người, mà từ ngày làm quản đốc khách sạn Bài đã quen mặt, biết tên, họ thành đạt trên đường danh vọng, nào là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… đủ cỡ, đủ loại, họ đem theo bồ bịch tới Vũng Tàu để hú hí trong sự lừa dối vợ con và cơ quan. Không, nhất định không phải như thế, bởi ảnh là con người đã hiểu cái giá của máu, cái giá tình bạn và cái nghĩa tào khang vợ chồng. 
Ngày mình lấy vợ, ảnh đã tới. Ảnh nắm tay mình rất chặt, đe mình trước mặt cô dâu: Chỉ cần nó nặng lời với em, bất nhã với em, hay vì lý do gì đó bỏ bê em, thì chính anh, anh sẽ đánh đòn nó. Anh thương chị ở nhà như thế nào, nó đã biết, nó phải có bổn phận noi theo. Mình nghe lời răn dạy của ảnh mà thầm hứa sẽ sống với vợ mình như là ảnh sống với chị. Trong mọi chuyện ảnh luôn luôn là thần tượng của mình. Chẳng lẽ thần tượng đó bây giờ sụp đổ? Mà vì nguyên cớ gì mới được chú? Danh  vọng làm con người ta kiêu ngạo, đồng tiền làm người ta vênh vang, gái đẹp làm người ta lóa mắt? Đó là thói thông thường của suy thoái đàn ông, ai cũng biết cả, ai cũng phòng ngừa và ai cũng tự tin có thể vượt qua. 
Cô ấy có cảm tình với minh, thú thật là mình cũng có cảm tình với cô ấy. Đêm. Hành lang khách sạn vắng ngắt. Mình trực ban phụ trách, cổ trực quầy. Phòng ngủ trực của cổ hôm ấy không hiểu vì lý do gì đơn chiếc. Cổ gọi điện cho mình, mời lên uống trà. Minh lên. Cổ từ phòng tắm bước ra, thơm mùi nước và mùi da thịt. Mình chỉ cần bước lên phía cổ thêm vài bước là tất cả coi như không còn gì bàn nữa. Nhưng mình đã ra hiệu cho cổ thay quần áo khác, rồi mình quay lại, mở cửa ra vào, ngồi xuống ghế chờ cổ ra uống trà… Người lính không lừa gạt. Phải chi mình chưa có vợ, thì , thì việc mình ôm ấp một cô gái, không có gì đáng nói. Đàng này mình vẫn hạnh phúc với vợ con mình. Một không gian chẳng lẽ hai tình yêu song hành? 
Chính mình đã kể cho anh nghe chuỵên đó, anh vỗ vai mình, cười, mình không hiểu anh khen hay chê mình cù lần. 
Bài uống cạn ly cam vắt do Métđôten Kỷ đưa vào. Anh tự trấn tĩnh lại mình. Dù sao họ cũng là những người khách từ xa tới Vũng Tùa. Luân lý,đạo đức, đó lại là chuyện khác. 
Bữa cơm thịnh soạn và ấm áp. Bài đã đóng vai trò một quản đốc khách sạn đãi khách rất cừ, anh đã cuốn mọi người vào câu chuyện đặc biệt Vũng Tàu và cũng biết gợi chuyện để những người khách tự thoải mái nói về những mong muốn của mình. Anh được biết Trường đang đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc xí nghiệp liên hiệp thay cho Tổng giám đốc nghỉ bệnh. Và cô gái có cái tên rất ngọt Giáng Vân. Là thư ký của Tổng giám đốc. Anh quan sát khá kỹ cô gái, còn trẻ, nhưng vẻ dày dạn của ánh mắt, nụ cười. Nét khêu gợi của làn môi. Và thế là anh đã hiểu tất cả nội tình. 

Anh không nghĩ ngợi thêm về Trường, về cô gái có cái tên Giáng Vân. Mà anh nghĩ về sai phạm của mình, chính mình đã xếp cho đôi trai gái này căn phòng vợ chồng. Những cấp dưới của anh có cảm thông cho nỗi éo le của anh không, khi chính anh giới thiệu với họ lúc giao phòng: Đây là anh chị dâu của tôi. Một vô tình, anh đã dung chứa sự thoái hóa của người anh nuôi, Quyền Tổng giám đốc. Điều này, quả là anh chưa được học trong suốt thời gian làm quản đốc khách sạn. Nhưng anh tin là  chuyện như thế này không xảy ra lần thứ hai trong đời anh.


/ Mời đọc tiếp/
Tiểu thuyết rút gọn/ Tình Biển của Nguyễn Nguyên Bảy
VANDANBNN 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét