HÔN NHÂN KHÔNG BẮT NGUỒN TỪ TÌNH YÊU,
Người xưa tin rằng, nhân duyên là do Thiên định, vợ chồng đến với nhau cũng là do ông mai bà mối kết tóc se tơ mà thành. Hôn nhân của người xưa không bắt nguồn từ tình yêu, vậy vì sao vẫn có thể hạnh phúc đến răng long đầu bạc?
Quan niệm hôn nhân của người xưa không giống với hiện nay. Hệ thống lý luận của người xưa về vũ trụ quan là: “Thiên Nhân hợp nhất”, và nhân sinh quan là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Với quan niệm “Thiên Nhân hợp nhất” thì nhân duyên là do Trời định nên hôn nhân phải theo ý mẹ cha, dựa vào mai mối. Vì hôn nhân là đại sự của đời người nên được đối đãi hết sức cẩn thận, cần phải được Trời Đất và thần linh an bài chứng giám.
Về quan hệ giới tính, trẻ em vốn hồn nhiên thơ ngây, quấn quít bên nhau như “thanh mai, trúc mã”. Nhưng khi các bé gái tới khoảng 11, 12 tuổi thì theo khuôn phép không thể tùy tiện ra ngoài nữa, bởi ở độ tuổi này biến đổi về sinh lý sẽ đem lại những hiếu kỳ về giới tính trong các em.
Người xưa hiểu rõ đây là thời kỳ nhạy cảm nhất và quan trọng nhất đối với sự trưởng thành nên các bé gái được cha mẹ dạy dỗ rất cẩn thận. Con gái phải học thêu thùa, pha trà, nấu ăn và những kỹ năng ứng xử trong gia đình; xem các sách về nhân luân lễ nghĩa, học làm thơ phú, hội họa, âm nhạc và các tài nghệ khác… Mục đích chủ yếu của thời kỳ này là chuẩn bị trạng thái tinh thần và tâm lý cho các em bước vào tuổi trưởng thành, biết đối đãi với hôn nhân và gia đình bằng lễ nghi khuôn phép. Như vậy, “giáo dục giới tính” của thời xưa hoàn toàn khác với quan niệm lệch lạc thời nay cho rằng là để ức chế tính dục.
Các bé trai khi bước vào tuổi thiếu niên thường được theo hầu bậc trưởng bối để học các lễ nghi trong giao tiếp, để từng lời nói và hành vi cử chỉ không được buông thả tùy tiện. Các đấng nam nhi tương lai này sẽ được học lễ nghi và đạo lý trong các cuốn cổ thư, như “Đại học”, “Trung dung” và “Luận ngữ” để giáo dưỡng sâu về nhân dục, xã giao, đối nhân xử thế…
Học thuyết âm dương ngũ hành không chỉ là hạt nhân của vũ trụ quan “Thiên Nhân hợp nhất”, mà còn là cơ sở của sinh lý học và y học cổ đại. Vì hôn nhân là do Thiên định, cần phải theo ý cha mẹ và dựa vào mai mối nên điều tiên quyết là ở xem tử vi và bát tự hai bên để tác thành nên đôi lứa. Điều này cũng rất khoa học, vì theo âm dương ngũ hành thì tính cách, năng lực, xu thế đời người đều có quan hệ mật thiết tới giờ, ngày, tháng, năm sinh. Nếu bát tự phù hợp thì đặc trưng sinh mệnh hai bên có thể bao dung lẫn nhau. Người xưa cho rằng đây là tiền đề cơ bản của hạnh phúc hôn nhân gia đình.
Với những điều kiện tiên quyết trên, đôi trẻ đồng trinh trong đêm tân hôn và động phòng hoa trúc sẽ có trạng thái tinh thần như thế nào? Nhẹ nhàng nâng tấm khăn hồng, cử chỉ ngượng ngùng mà lại đoan trang mực thước, nụ cười bẽn lẽn, ánh mắt e lệ, cung kính lễ nghi… ấn tượng ấy mãi mãi không thể phai mờ.
Hai người xa lạ được Trời Đất kết tóc se duyên, một mực giữ gìn phẩm giá, chờ đến đêm tân hôn mới chính thức thiết lập quan hệ vợ chồng, lần đầu tiếp xúc thông qua quan hệ sinh lý mà hiểu biết lẫn nhau. Tuy là lần đầu nhưng là ấn tượng khắc cốt ghi tâm.
Hạnh phúc thông qua giao tiếp sinh lý mà nảy sinh tình cảm luyến ái nên họ lưu ý từng cử chỉ ánh mắt của nhau, vậy mới nói ngày thứ hai sau hôn lễ tình yêu mới thực sự bắt đầu. Họ sẽ tìm ưu điểm và bao dung các khiếm khuyết của nhau. Thông qua giao lưu cầm, kỳ, thi, họa, ẩm thực, thưởng trà mà luận đàm nhân sinh, thiên thời, thế thái, cộng hưởng với sự thăng hoa về tinh thần mà đạt tới cảnh giới viên mãn của tình yêu, tâm đầu ý hợp.
Như đối với một bài thơ, một bức họa, một góc nhìn cảnh vật hay sự bài trí trong nhà, họ không cần nhiều lời mà chỉ cần một ánh mắt nụ cười là hiểu ý và đồng thuận với nhau. Bề ngoài như là thiếu sự gắn kết keo sơn, nhưng kỳ thực lại là một cảnh giới thời thời khắc khắc giao hòa về tinh thần.
Khi người chồng về muộn, từ xa đã thấy bóng hình vợ yêu dưới bóng đèn bên khung cửa sổ; người vợ cũng không mở cửa ngóng, nhìn thấy bóng chồng từ xa vẫn chỉ lặng lẽ chờ đợi cho tới khi bốn mắt giao nhau thắm đượm ân tình, rồi một người lặng lẽ ngồi chờ, một người lặng lẽ dọn cơm…
Vì vậy, cũng không khó để hiểu vì sao các cặp phu thê trong quá khứ, khi không may một người qua đời sớm thì người vợ sẽ thanh tâm thủ tiết cả đời, người chồng cũng chung thân quyết không đi bước nữa. Không giống như quan niệm lệch lạc thời nay cho đó là lễ nghi phong kiến hà khắc, mà đó hoàn toàn là tự nguyện chân thành, vì tình yêu của họ đã vượt khỏi sự yêu thương thế tục nam hoan nữ ái, đã bao gồm một nửa của đối phương thành một chỉnh thể không thể tách rời. Vì vậy quan hệ vợ chồng của người xưa là một quá trình không ngừng thăng hoa.
Từ đó có thể thấy, người xưa nhìn nhận hôn nhân là để cá thể thông qua các mối quan hệ mà thăng hoa, gia đình là môi trường rèn luyện sự trung hậu, nhân nghĩa và bao dung. Khi quan hệ vợ chồng dung hòa, gia đình hoà ái, thì toàn thể xã hội cấu thành từ những “tế bào” gia đình sẽ an định, thiên hạ nhờ đó mà thái bình. Vì vậy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là quan điểm chủ đạo của người xưa.
Ngày nay quan hệ vợ chồng bắt đầu từ việc tự do tìm hiểu, tự do luyến ái đi cùng với quan điểm đề cao bản thân, khác với tập tục của người xưa. Dù rằng tự do hôn nhân cũng không thoát khỏi nhân duyên Thiên định, nhưng xuất phát điểm và mục đích hoàn toàn ngược lại với quan niệm hôn nhân truyền thống, vậy nên hôn nhân cũng không còn mang ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc như xưa.
Hơn thế nữa, sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng sau hôn nhân đã trở nên phổ biến, tình cảm vợ chồng không bao hàm sự bao dung đồng thuận, mà trái lại, có lẽ là sự ích kỷ đơn thuần của mỗi người. Họ thường nhìn thấy khuyết điểm của nhau, rồi tranh luận với hy vọng cải biến đối phương theo mong muốn chủ quan của mình. Điều đó dẫn đến thực tế là khi nhận thấy người kia không thay đổi theo như mình mong muốn, họ trở nên thất vọng và cho rằng người kia chính là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh của họ và gia đình. Kết quả là vợ chồng trở thành đồng sàng dị mộng, hôn nhân chỉ còn là cái vỏ trống rỗng mang tính pháp lý và các ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ.
Trăm năm trôi qua trong nháy mắt. Nếu nhìn lại những câu chuyện phu thê của một thời không xa lắm, ta mới thấy chỉ trong lễ nghi truyền thống và khuôn phép mực thước ấy mới làm nên thứ tình nghĩa sắt son giữa vợ và chồng. Để kết thúc bài viết này, hãy đến với tâm sự của một người vợ gửi cho chồng ở ngoài biên ải, để thấy tình nghĩa phu thê của người xưa thật sâu sắc mặn nồng:
Chồng trấn tây cương, thiếp ở đông,
Gió tây lạnh thiếp, thiếp thương chồng.
Một dòng thư gửi, nghìn dòng lệ:
“Rét đến bên chàng, áo đến không?”
(“Ký phu” – nguyên tác Trần Ngọc Lan, bản dịch của Tương Như)
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét