Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

NGẠC NHIÊN VỚI CÁCH NGƯỜI NHẬT NGHĨ VỀ NGƯỜI VIỆT

NGẠC NHIÊN VỚI CÁCH NGƯỜI NHẬT NGHĨ VỀ NGƯỜI VIỆT 
Câu chuyện 1
“Nhân tiện sáng nay rảnh rỗi, nhớ lại một buổi nói chuyện cách đây không lâu với một ông kỹ sư trưởng người Nhật.
Ông người Nhật: Tao chẳng hiểu sao người Việt Nam chúng mày cứ thằng nào làm giỏi ở đây cứ được vài năm hết hợp đồng là tếch thẳng, thương lượng kiểu gì cũng không chịu ký hợp đồng tiếp, mặc dù lương cao đến đâu? Mà chúng nó đi chỗ khác làm nghe đâu lương còn thấp hơn ở đây?Sau khi trao đổi công việc xong, ông mời mình uống nước và hỏi vài câu. Câu chuyện được mình phiếm dịch theo cách nói của người Việt sao cho dễ hiểu.
Mình (trầm ngâm nửa phút, uống ngụm nước rồi mới cười, trả lời): Tại mày không hiểu người Việt Nam chứ sao nữa!
Ông người Nhật: Cái gì mà không hiểu? Tao đi qua đi lại Việt Nam cũng 3 – 4 năm rồi chứ ít gì.
Mình: Mày có ở Việt Nam thêm 10 năm nữa thì mình cũng không hiểu người Việt Nam. Bởi vì cách suy nghĩ và tư duy của mày là người Nhật. Mày không giữ được nhân viên giỏi bởi vì
Thứ nhất: Người Việt Nam là con em nông dân, họ làm theo mùa vụ, dĩ nhiên sau khi vất vả làm lụng, thu hoạch xong là lúc nông nhàn, họ sẽ được nghỉ ngơi. Còn mày, sau một dự án lớn, làm mệt nhoài ra chưa nghỉ ngơi mày đã nhét cho họ thêm một dự án tiếp theo to không kém. Lúc nào họ cũng căng như dây đàn, bảo sao họ không tìm đường đào tẩu.
Hết một dự án, mày cho anh em đi dã ngoại độ 1 ngày, hoặc cho họ đi làm vài cốc bia hơi, họ sẽ quý mày hơn nhiều. Mày cho cái đó là không tiến bộ, nhưng cũng vì thế mà nước tao không có rừng tự tử, thung lũng tự tử, hay là tuần nào cũng có thẳng ra lao đầu vào tầu hỏa như nước mày.
Thứ hai: Người Việt Nam vốn trọng tình cảm. Mày là người đứng đầu ở đây, nhưng mày luôn xuất hiện với bộ mặt trách nhiệm, công việc và quy định. Làm việc với cái máy suốt ngày chỉ biết sai bảo người khác, không hề tươi cười thì người ta ức chế cũng phải.Ở Việt Nam, nhân viên họ rất quý ông sếp nào ngoài giờ có thể ngồi trà đá chém gió với họ, có thể ngồi chia phe chơi AOE, Counter Stike với họ… Điều đó làm họ cảm thấy trong sếp có họ. Điều đó nhiều khi gắn kết họ nhiều hơn là lương cao.
Thứ 3:  Lại nhắc đến lương, mày ký hợp đồng lương với họ, nhưng chả bao giờ thưởng cái gì. Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Thà mày trả cho họ 13 triêu, thưởng 2 triệu, còn hơn là mày trả cho họ 15 triệu.
Thứ 4: Mày không hiểu văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam lo cơm từng bữa, hơi đâu mà đi thưởng thức văn hóa Nhật. Mày thích uống rượu sake, ăn sushi, nhưng dân Việt thích uống bia hơi, ăn bánh đa cơ. Mày có biết là quà Nhật Bản của mày tặng cho nhân viên toàn độ mỹ nghệ: hai đôi đũa giá 1tr, hai cái thìa giá 77$… Mày cho là đẹp, nhưng nhân viên của mình thì chửi sau lưng: đưa mẹ tiền cho nhanh. Với họ, đôi đũa, cái thìa của mày chả có giá trị mẹ gì hết, vì 1tr hay 77$ của mày, họ có thể nuôi con, phụng dưỡng mẹ già thay vì mang 1 cái vật về chỉ để ngắm, dùng không dám dùng, bán không ai mua.
Chính vì mày không hiểu người Việt Nam nên nhân viên của mày chỉ đến với mày lấy kinh nghiệm và giành dụm ít tiền thôi. Được vài năm là họ té thẳng, không quay đầu lại là đương nhiên. Họ chấp nhận lương thấp hơn nhưng không làm họ ức chế, bực mình.
Ông kĩ sư trưởng Nhật nhún vai, lắc đầu rồi im luôn. Có vẻ nó cũng không hiểu nên từ đó đến giờ cũng không có gì thay đổi.”.

Câu chuyện 2:
“Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp. Còn các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ, chính trị gia, các nhà ngoại giao, doanh nhân Việt Nam  thường chỉ nghe được những lời lẽ ngoại giao từ những người đồng nhiệm với họ phía Nhật Bản nên chưa chắc đã biết được người Nhật thực bụng nhìn vào Việt Nam  thế nào.
Chẳng hạn như thế này, một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam  kể lại khi một kỹ sư Nhật về nước ông ấy không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam : “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”. Rồi viên kỹ sư minh hoạ: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 đ mà rơi xuống đất thì Chủ nghĩa Việt Nam  các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó ko phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000 đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5tr/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoăc nhập thừa so với cần thiết”.
Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được nghe ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30 km, anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu, tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các Chủ Nghĩa Việt Nam  đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 đ thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 đ. Còn 300.000 đ chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi không mất gì cả”.

Nhìn nhận vấn đề qua hai câu chuyện

Qua hai câu chuyện trên, bạn nghĩ như thế nào? Còn tôi, tôi nhìn nhận thấy hai vấn đề.
Thứ nhất, nói về người Nhật, quả thật, họ rất đáng khâm phục, họ làm việc một cách chăm chỉ, liên tục không ngừng nghỉ và đặc biệt rất có quy củ. Họ đặt thành công của công việc lên trên hết chứ không mang lợi ích cá nhân làm mục tiêu hàng đầu, họ có quan điểm hết sức rõ ràng và công bằng, những điều đó đã là tính cách của họ rồi. Do đó, họ luôn mang lại những thành công nhất định trong công việc.
Còn người Việt Nam lại mang một tính cách ngược lại hoàn toàn. Người Việt mình thường không đặt lợi ích chung lên hàng đầu, cũng như không biết nhìn xa trông rộng, chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà không thấy cái lợi to lớn sau này. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến câu: “Cha chung không ai khóc”. Vâng, tôi thấy nó hoàn toàn đúng trong trường hợp này! Đó là một trong những thói hư tật xấu của người Việt Nam, chính thói xấu đã làm cho người Việt luôn đứng yên một chỗ, thậm chí thụt lùi, mãi không phát triển.
Thứ hai, như câu chuyện 1 đã nói, chắc hẳn bạn cũng sẽ nhận ra được đức tính chung của người Việt Nam đó chính là giàu tình cảm. Họ thà làm việc ở một nơi lương thấp hơn mà vui vẻ, tình cảm đồng nghiệp gắn kết còn hơn là làm ở một nơi lương cao mà suốt ngày làm việc như một cái máy, không biết cười đùa là gì. Có thể nói, đây là một đức tính tốt của người Việt nhưng trong công việc thì không hẳn là vậy. Bởi nếu cứ đặt tình cảm quá nhiều vào công việc thì chắc chắn hiệu quả làm việc sẽ không cao. Bản thân đang làm trong một công ty nước ngoài nhiều năm, nếu có nhảy việc, tôi cũng sẽ chỉ làm ở công ty nước ngoài mà thôi. Tôi rất sợ cái thứ “giàu tình cảm” này của người Việt trong công việc lắm! Nói thật, tôi thích kiểu làm việc rõ ràng của người Nhật, người phương Tây. Còn kiểu “tình cảm” như người Việt, xin lỗi, nó không phù hợp với tác phong làm việc chuyên nghiệp mà tôi đang cố gắng hoàn thiện mình.
Với tôi là như thế, còn bạn thì sao? Hi vọng qua 2 câu chuyện mà tôi đã sưu tầm này, người Việt chúng ta sẽ nhận ra được cái sai, cái thiếu sót của mình rồi từ đó có thể sửa chữa để mọi thứ tốt hơn và chúng ta có thể “đẹp” hơn trong mắt bạn bè quốc tế!

Theo PNGĐ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét