CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
MỘT
DÙ SỰ
CHỜ ĐỢI LÀM CHO THỜI GIAN ĐI CHẬM HƠN, NẮNG CHIỀU CŨNG ĐÃ TẮT. THU NGA NHÌN VỀ
PHÍA CÔNG TRƯỜNG NGÀY MAI. TRỐNG VẮNG. HẾT GIỜ LÀM VIỆC TỪ LÂU. MỌI NGƯỜI ĐÃ RA
VỀ. CHẲNG HIỂU ANH ẤY VỀ LÚC NÀO? CHỜ THÊM CHÚT NỮA, THU NGA TỰ NHỦ, CỐ NÉP
MÌNH KHUẤT HƠN VÀO BÓNG CÂY.
Những lúc như thế này, đầu óc người ta thường những liên tưởng
lan man. Không hiểu sao, Thu Nga bỗng nghĩ tới nghĩa địa. Nếu không có con người,
công trường với nghĩa địa cũng chẳng có gì khác nhau. Nơi nào cũng bề bộn, ngổn ngang và hoang vắng.
Nhưng mà, cô lẩm bẩm, trong ý nghĩ sâu xa của nó thì lại rất khác nhau. Công
trường là từ hiện tại đi về tương lai. Còn nghĩa địa là từ hiện tại trôi vào
quá khứ. Chắc là anh ấy chưa về. Chờ thêm chút nữa. Hình như cô thì thầm với
bóng cây.
Thu Nga tốt nghiệp lớp 12. Rủi là thi đại học lại rớt. Ba má
đừng buồn, sang năm con sẽ thi đậu. Cô cố nghĩ những lời thiệt đẹp để an ủi ba
má. Cô biết ba má rất buồn, buồn hơn cô nhiều. Với cô, chuyện đại học chẳng phải
là con đường duy nhất vào đời. Và cô cho rằng cũng chẳng có gì quan trọng. Thế
rồi cô tới công trường do ba cô làm giám đốc, công trường Ngày Mai. Cái tên gọi,
cô vừa nghe đã mê liền. cô ký hợp đồng tình nguyện làm một cái gì đó, cho vui.
Ý nghĩ của cô thật đơn giản, nếu không nói là tùy tiện. Nhưng cô lại cứ cho rằng
quyết định đó chẳng có gì đơn giản và tùy tiện. Để chứng minh điều đó, cô lao
vào công việc với tất cả sự say mê.
Ba cô không chú ý tới chi tiết cô say mê công trường ngay từ khi nhập cuộc này. Điều đó không có căn cứ
thuyết phục ông. Nó say mê công trường vì nó đã yêu. Ông giảng giải với vợ. Cái
này không làm tôi ngạc nhiên đâu. Nó giống tính em. Chẳng phải em cũng yêu tôi
rất bất ngờ và rất nhanh đó sao. Thu Nga không muốn thanh minh với ba cô. Cái
đó, cô nghĩ không cần thiết và không quan trọng. Quan trọng ở cô: Công trường chính
là tôi, Thu Nga. Nghĩ rộng hơn một chút, chính là gia đình tôi, ba tôi, một thần
tượng cao đẹp của tôi. Chẳng phải bởi ông là giám đốc công trường mà với tôi,
ông là người bạn lớn. Má tôi, cán bộ Ban Thanh tra. Tuy vậy, nhưng vì gắn bó với
cuộc đời ba tôi, nên tâm hồn má tôi cũng hằng gắn bó với công trường này. Các
em tôi – đứa em trai đã hy sinh ngoài mặt trận hay cậu Út, chơi pianô rất điệu
nghệ - cũng vậy.
Chưa hết. Từ công trường, tôi gặp một làng quê. Một thành phố.
Một đất nước. Phải chăng, cũng chính từ tình yêu công trường ấy, mà cô đã nhanh
chóng đến với một chàng trai công trường để lúc này, như bao buổi chiều, cô lại
đứng chờ anh cùng về…
Chờ chút nữa đã. Mà vì sao anh ấy cứ tìm cách tránh mặt mình?
Câu hỏi hơn một lần trở lại trong tâm trí cô.
Đã ba ngày nay, cô chỉ thoáng gặp mặt anh ấy trên công trường.
Chưa nói được với nhau một lời. Như vậy là vô lý. Thu Nga không thể hiểu. Cô đang yêu. Tình yêu trong
cô lúc này như lửa cháy. Chẳng lẽ lòng anh ấy là dòng sông? Giận nhau. Tại sao
yêu nhau lại cứ phải giận nhau? Mà giận nhau vì cái gì mới được chứ?
Mọi ngày, tan làm, họ ra về giữa mọi người. Gương mặt cô sáng
đến nỗi những người xung quanh cô cũng sáng lây. Vậy mà bỗng dưng anh cố tình
tránh mặt. Đã hai bữa nay, cô đón anh ngoài cổng công trường, cả hai bữa anh đều
lọt tay cô. Và cả chiều nay nữa. Em chờ anh hết nổi rồi…
Anh đã dạy cho cô thế nào là cô đơn. Bước chân. Bước chân cô
nặng nề trên đường. Đường phố vắng hay lòng cô vắng? Mưa muốn rơi từ vùng mắt.
Cô chạy ùa vào căn phòng của cô. Không gian này của riêng mình, mình phải khóc.
Nằm vật xuống giường, cô khó nức nở như một đứa trẻ.
- Thu Nga!
Tiếng má hòa trong giai điệu pianô trên lầu vọng xuống. Mọi
ngày, tiếng đán mới vui làm sao. Nhưng bây giờ, âm thanh bỗng thành xa lạ với
lòng cô rối bời. Cô nghe má gọi lần thứ hai. Rồi nhiều lần nữa. Cô vẫn khóc.
Bàn tay của má ấm và mềm đậu xuống tóc cô.
- Chuyện gì đã xảy ra với vậy con?
Có chuyện gì đấu má. Cô định trả lời. Nhưng cổ cô tắc nghẹn.
Nước mắt cứ trào ra.
- Giận nhau rồi phải không?
- Con sẽ thôi anh ấy.
Cô không muốn nói với má như vậy đâu. Mối tình đầu, dễ gì
quên. Vậy mà cô đã nói. Cái miệng lúc này không vâng theo trí óc, chỉ muốn nói
cho đã giận hờn… Nhờn trong nước mắt, cô nhìn thấy má. Khuôn mặt đầy ắp nụ cười.
Cô hiểu nụ cười ấy nói gì. Thì ra với má, cô còn rất trẻ con. Má đừng nghĩ về
con như thế, con đã lớn rồi mà. Cô nói với
má bằng ánh mắt. Má hiểu nhiều hơn cả những lời trong ánh mắt ấy. Má lại cười.
Và nụ cười của má làm cho lòng cô nhẹ vơi đi đến nửa phần…
- Vì sao thế con?
- Anh ấy bỗng dưng lạnh nhạt.
- Lạnh nhạt. Cái đó thật đáng sợ. Nhưng tại sao?
- Từ hôm những công trình khu nhà xưởng số 2 không ký được
biên bản nghiệm thu, anh ấy, cứ làm như tại con mà những công trình ấy không đảm
bảo chất lượng.
- Là người trực tiếp thi công, anh ta lo lắng là phải.
- Lo lắng và lạnh nhạt hai cái đó hoàn toàn khác nhau.
- Có thể vì anh ta bận quá chăng?
- Con chịu hết nổi rồi, má ơi!
Đã dám nói với má những lời lẽ này, Thu Nga hiểu răng cô
không còn trẻ con nữa. Mới ngày nào, khi nghe má hỏi: Con đã yêu rồi sao? Mặt
cô có lửa. Tai cô chín. Vậy mà bây giờ cô ngồi luận với má về cái quyền của một người đang yêu.
- Thu Nga, má nghĩ…
Má nói. Cô hiểu má sẽ nói với cô nhiều lắm. Má gọi tình yêu
là lâu đài. Những giận hờn là cây cảnh trang điểm cho tòa lâu đài ấy. Cô muốn
cãi. Nhưng cô kịp nén lại. Lâu đài. Hình ảnh của má thiệt đẹp. Nhưng má lại bắt
đầu điệp khúc của những từ trừu tượng, nào phải xây dựng, phải đấu tranh, đấu
tranh cho chân lý, chân lý tất thắng. Thú thực, cô chán ngắt những lời dạy bảo
trừu tượng này rồi. Mà sao người lớn sinh nói những điều xa vời trong những cái
cụ thể. Đúng là mỗi thế hệ có một ngôn ngữ riêng. Cô cảm thấy có một cái gì đó,
xưa xưa, cũ cũ, trong cách nói của má. Lớp trẻ như cô không có cách nói ấy. Cô
là một đứa con ngoan. Đã là con ngoan thì tốt nhất nên ngồi nghe, dù là tai cô
muốn chống lại. Nó bồng bềnh, lan man tận đâu. Nhưng dù sao lòng cô cũng nhẹ dần.
Và cô bỗng cắt ngang lời má:
- Như vậy có nghĩa là con phải tự hỏi mình đã làm gì để anh ấy
lạnh nhạt phải không má?
- Phải như thế, con ạ.
- Nhưng con đã tự hỏi mình nhiều lần rồi. Con thấy anh ấy
không nên lạnh nhạt, dù có chuyện gì chăng nữa. Huống hồ, con chẳng có lỗi gì.
Hay tại vì con là con của ông giám đốc công trường?
- Đã khi nào con nói thẳng điều ấy với anh ta?
- Chúng con đã gặp nhau đâu má.
- Lúc này, má nghĩ, cần phải chia sẻ với anh ta hơn là giận dỗi.
Dù sao, nếu thực sự yêu nhau, anh ta cũng cần con…
- Dạ…
Cô đáp lời má một cách lơ đãng. Cô xin phép má được nằm một
mình. Cô viện cớ hơi mệt. Thực ra cô muốn được độc lập với những suy tư. Tiếng đàn của cậu Út vẫn rải những
hợp âm. Ba cô đã về. Ông có thói quen nói oang oang mỗi khi về đến nhà. Cô muốn
ông nói nhỏ một chút, đủ nghe. Nhưng nói lớn đã thành cổ tật của ba. Cô hoàn
toàn phản đối điều đó. Ba cô là giám đốc. Mà hình như là giám đốc, người ta hay
nói lớn. Ông đang hỏi má cô về thằng Út, về cô…
Tiếng máy nước. Ông đang ở trong nhà tắm. Tiếng nước chảy rất
mạnh. Cô nghe như thác lũ. Và từ trong thác lũ ấy, lại tiếng nói của ba cô. Cô
biết rằng, lúc này, má cô đang ở dưới bếp, bà hâm lại cơm canh để sau đó ngồi cạnh
ông, nhìn ông ăn cơm. Hôm nay khác với mọi
ngày, ông về muộn.
Cô vùng dậy. Không nên để ba biết mình đã nằm ở đây và đã
khóc. Cô chạy vội vào toa lét. Chiếc gương và khuôn mặt cô, kỳ chưa, gương mặt
dễ thương như thế này mà khóc. Cô cười với hình trong gương. Hình trong gương
chớp mắt nhìn lại. Cô mở vòi nước thật to. Nước xối vào la va bô bắn những tia
nhỏ lên mình. Cô cởi vội áo. Mắc cỡ với gương. Cô đứng dưới vòi nước hoa sen.
Nước chảy như mưa xuống người. Da thịt trắng hồng, mát rượi. Tuổi 18. Đầy đặn.
Thơm thảo.
Trong bộ đồ hoa, cô lại rất trẻ con. Cô chào ba và muốn sa
ngay vào lòng ông. Nhưng cô chợt hiểu, mình đâu còn bé bỏng nữa. Tâm hồn cô thật
mâu thuẫn. Cô ngồi xuống bên ba, nhõng nhẽo:
- Miệng ba lại hôi mùi rượu rồi.
- Hôm nay ba có nhậu lai rai với mấy chú.
- Hôm nào ba cũng lai rai.
- Có chuyện vui mà con…
Ba đưa mắt nhìn má. Hai người hay trao đổi tâm tình với nhau
qua ánh mắt. Hay là má đã nói chuyện của cô với ba? Một thoáng nghi ngờ len lỏi.
Chuyện của mình mà là chuyện vui sao? Câu hỏi đã gỡ cô thoát khỏi ngờ vực. Cô dự
cảm là ba cô báo tin vui thiệt. Cách đây ba tháng vào một buổi chiều, ba cô đã
báo cho má cô hay là ông đang được dự kiến đề bạt. Khi đó nhìn gương mặt ông
cũng sáng như lúc này. Chắc ba cô đã nhận được quyết định Tổng hay Phó Tổng
giám đốc gì đó. Ba cô được đề bạt cũng có nghĩa là cô được đề bạt. Vì dù sao cô
cũng là con gái cưng của ông. Chợt cô thấy hiện ra hình ảnh công trường. Có thể
nào như vậy được? Ba cô được đề bạt vào chính lúc này sao? Tình hình công trường
lộn xộn lắm. Dãy nhà xưởng số 2 không đảm bảo chất lượng nghiệm thu. Mấy hôm
nay, chính ba cô cũng bối rối vì hiện trạng công trường. Ông không thể đeo huy
chương lên ngực lúc này, dù ông là người có tính lạc quan trong mọi hoàn cảnh
và mọi tình huống. Thu Nga hỏi ba như không kịp suy nghĩ:
- Thưa ba, ba được đề bạt phải không?
- Con nghĩ về điều đó cho ba hơi sớm, - Ba cô cười thoải mái.
- Vậy mà ba nói có chuyện vui.
- Chuyện vui dành cho con. – Ông chỉ tay lại phía chiếc cặp
da để trên bàn. – Trong đó có niềm vui rất lớn dành cho con. Con có giấy triệu
tập đi học nước ngoài.
Ông vừa nói, vừa mỉm cười với cô. Không hẳn. Nụ cười đó dành
cho má cô thì đúng hơn. Cô chạy như cơn lốc lại bên bàn. Cô chẳng phải mất công
lục tìm, tờ giấy báo tin vui cho cô đã nằm trong tay.
- Ba, ba làm con muốn bể tim… - Gọi ba, nhưng cô lại sà vào
lòng má, - Má ơi… Má mừng cho con,… Con cảm ơn ba má.
Cô hôn chi chít lên mặt tờ giấy. Rồi như chợt hiểu sự vô lý,
cô ôm cổ má. Hôn. Cô thấy vị mặn. Thì ra những giọt nước mắt thấm vào môi cô.
Út ơi. Cô gọi với lên lầu. Tiếng đàn pianô vẫn rải những hợp âm. Mặc kệ. Con vẫn
cứ lên lầu, khoe với cậu Út. Nó sẽ ghen lên vì con mất thôi… Cô chạy vụt lên lầu.
Ba má hình như vui hơn con. Bà bỗng gọi chồng thật âu yếm:
- Anh…
Vũ Tiến nhìn vợ. Mọi lời nói lúc này đều làm giảm giá trị của
niềm vui. Nếu trong phòng riêng, ông đã nắm tay vợ, kéo vào lòng, dù tuổi ngoài
năm mươi, ông không còn sôi nổi như xưa nữa…
- Ngọc Bích ạ, anh định dành cho em một bất ngờ… - Đã lâu,
ông không gọi tên vợ. Những lúc cả nhà ngồi quây quần bên nhau, trước mặt các
con, ông gọi bà là: Má cái Nga hay má thằng Út. Đêm, khi chỉ có hai vợ chồng,
ông gọi bà bằng em, tiếng em bao hàm tất cả mọi rung cảm đẹp đẽ. Nhưng lúc này,
ông gọi tên vợ, thích hợp với hoàn cảnh và có học thức hơn. Ông tự hài lòng về
ý nghĩ của mình.
Ông chờ đợi vợ ông nói những lời cảm ơn. Mà sao lại cảm ơn?
Thu Nga không phải là con gái cưng của ông sao? Ông thích nghe những lời ca tụng.
Việc kiếm cho Thu Nga tờ giấy đi học nước
ngoài đâu phải dễ. Sao vợ ông cứ ngồi im lặng? Có thể bà đang tận hưởng dư âm của
hạnh phúc. Có thể lắm. Nghĩ vậy nên ông cũng ngồi im lặng.
Tất nhiên, vợ chồng già không thể cứ ngồi nhìn nhau hoài.
Khác với tuổi trẻ, lúc yêu, nhìn nhau bao nhiêu cũng chưa no, im lặng khi ấy cứ
như là vàng mười. Người phá cái im lặng lại là Ngọc Bích. Nhưng ông giận là bà
đã kể câu chuyện không hợp cảnh. Chuyện Thu Nga đã khóc vì sự lạnh nhạt gì đó của
tình yêu. Ông đột ngột cắt lời vợ:
- Anh yêu cầu em đừng nhắc tới thằng đó. Nó không liên quan
gì tới gia đình ta.
Vũ Tiến nghiêm mặt. Giọng nói của ông nhiều chất kim, hơi sắc.
Bà thoáng nhận ra điều đó.
- Anh cần thiết phải chấm dứt câu chuyện yêu đương vớ vẩn của
chúng…
- Anh đã lấy tư cách giám đốc can thiệp vào chuyện tình yêu của
con? Hèn chi, thằng nhỏ trở nên lạnh nhạt.
- Anh không phải người ít học. Anh ngăn cấm theo cách của
anh.
- Em hiểu. Tờ giấy gọi con đi học nước ngoài là tác phẩm của
anh.
Vũ Tiến đáp lời vợ bằng nụ cười. Vợ ông là người hiểu ông
hoàn hảo nhất. Vì thế, không nhất thiết phải diễn giải dài dòng về việc làm có
tính toán và suy nghĩ của ông.
- Thằng nhỏ đã biết chuyện này? Hay vì nó sợ anh nên tự ý xa
lánh?
- Em có muốn con mình yêu một thanh niên tầm thường không? Dưới
mắt anh, nó là đứa tầm thường. Không phải vì nó chỉ là một kỹ thuật viên. Anh
luôn nhìn con người trên những hành động cống hiến cho xã hội. Anh giao phó cho
nó thi công khu nhà xưởng số 2, vậy mà khu nhà xưởng đó đã không đảm bảo kỹ thuật,
chưa được nghiệm thu. Việc làm của nó đã phương hại đến cả uy tín của anh.
Ngọc Bích biết chồng là người ngay thẳng trung thực. Vì vậy
không thể có chuyện ông đơm đặt, vu khống cho người khác. Bà cảm thấy chồng có
lý. Cần phải ngăn cản mối tình của con gái bà với người thanh niên tầm thường
đó. Bà chưa biết tên anh ta. Như thế là may. Vì như vậy dễ xóa nhòa trong ký ức.
- Người yêu của con gái mình có thể là một công nhân, không
nhất thiết phải là một kỹ sư hay bác sĩ… Nhưng nó phải đáng mặt con trai, phải
có tư cách của một con người lao động.
Vũ Tiến nói hùng hồn. Ngọc Bích im lặng nghe. Vẫn như ngày
nào, bà đang nghe những lời hào hùng nhất ông nói về xã hội, về tình yêu, về một
ngày mai tươi sáng. Tính ông, bà đã thuộc. Một con người tốt nhất trên đời.
Không một gợn bụi chen vào những suy nghĩ bà đã dành cho ông.
Tiếng chuông cửa.
Thu Nga từ trên lầu chạy ào xuống. Có thể lắm. Anh ấy tới. Ý
nghĩ làm rối bước chân. Cái rối rít ấy không qua mắt bà má được. Bà nhìn theo
con. Không phải là anh ấy. Thu Nga dẫn khách của ba vào. Chú Hai Thơm, trợ lý của
ba cô. Bước chân cô nặng hơn. Cô ngồi xuống bậc cầu thang. Cô không muốn giúp
má pha nước mời khách. Cô chỉ nghĩ về anh ấy thôi. Đầy ắp trong đầu.
Má cô mang nước lên cho khách. Còn ba cô và chú Hai Thơm đã
cuốn vào câu chuyện chừng như không dứt được ra.
- Em làm xong công việc anh giao, vội chạy lại báo cáo anh.
- Chú thực đúng là tính cách một cán bộ công trường. Tôi ưa
thích lối làm việc khẩn trương đó.
- Dạ, đó là lối làm việc của những nước tiên tiến.
- Vào việc đi chứ. Quan trọng nhất là cái báo cáo với Tổng
công ty về việc những công trình không đủ tiêu chuẩn để nghiệm thu. Chú viết đến
đâu rồi.
- Còn đoạn kết nữa là xong. Em đang nghĩ cách hành văn để các
anh trên đó đánh giá đúng mức những sai phạm của công trường, để có sự thông cảm.
Vũ Tiến gật đầu, rồi bỗng hỏi:
- Còn các quyết định kỷ luật thế nào rồi?
- Dạ, em đã thảo xong. Bây giờ xin anh ký. Anh em công nhân
thấy anh xử lý cứng rắn thế này, phấn khởi lắm: Làm ăn lờ phờ, lấy cắp vật liệu,
đi muộn về sớm… Tất cả những cái đó mình không trị thẳng cánh thì không sao khắc
phục được những tệ hại, những tiêu cực của công trường.
- Cái này chú phải nhấn mạnh trong báo cáo. Vì tình hình này
công trường, nhà máy nào chẳng có. Cấp trên đọc dễ thông cảm với ta, chú hiểu ý
tôi chứ?
- Em sẽ tô đậm vấn đề này hơn.
Vừa nói, Hai Thơm vừa chậm rãi đưa từng tờ quyết định kỷ luật
cho Vũ Tiến ký. Số phận con người, có khi một chữ ký an bài tất cả.
Vũ Tiến ký các quyết định kỷ luật. Không đọc lại. Hình như điều
này không liên quan gì tới ông. Ông vừa nói chuyện với Hai Thơm, vừa ký.
Không hỏi han thêm điều gì. Tất cả dường như đều đã hợp lý.
- Chú uống nước.
Giọng Ngọc Bích ngọt ngào điểm thêm nụ cười mến cảm. Hai Thơm
bưng ly trà lên miệng. Cũng một ly trà mà cảm tưởng của anh như ngon hơn, trang
trọng hơn, ly trà do chính tay người vợ của thủ trưởng mời anh hôm nay…
- Còn chuyện gì nữa không chú?
Câu hỏi của Vũ Tiến cắt ngang dòng suy nghĩ của Hai Thơm. Anh
lại cuốn vào câu chuyện như một cái máy. Một câu chuyện đã sắp sẵn.
- Còn chuyện này. – Hai Thơm ngập ngừng. Anh nhìn về phía cầu
thang, nơi Thu Nga đang ngồi. Lại nhìn Ngọc Bích. – Em thấy khó nói quá.
- Chú cứ nói.
- Cứ suy nghĩ về anh, em lại không dám nói.
- Tại sao cứ suy nghĩ về tôi, cậu lại không dám nói?
- Em có mấy người bạn làm ở vụ tổ chức cán bộ nói anh sắp được
đề bạt.
- Chức vụ tôi đâu có ham.
- Nhưng người có tài, có đức như anh không thể không giữ chức
vụ quan trọng được. Cứ nghĩ tới chuyện ấy em lại đắn đo.
- Chú đắn đo việc gì mới được chứ?
- Về bản báo cáo này anh ạ.
- Thì chú cứ viết theo tinh thần tôi đã trao đổi.
- Nhưng tới cái đoạn: Ai là người chịu trách nhiệm chính về
những sai sót này, em khó viết quá.
- Theo chú, ai là người chịu trách nhiệm chính?
- Cậu Hòa… Vậng, chính là cậu Hòa.
Thu Nga giật thót. Tên anh ấy. Hai tai cô căng ra. Người ta
đang luận bàn về số phận của một con người. Với cô, đó không chỉ là số phận một
con người, mà là số phận cả nhân loại, trong đó có cô. Cô chợt nghĩ tới khả
năng tự vệ. Nhưng cô vẫn ngồi im. Vũ Tiến thở dài. Hình như câu chuyện lại làm
cho ông bực mình.
- Hòa ư? Nhiều nguyên nhân chứ đâu phải mình cậu ấy.
- Em cũng nghĩ là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết người
trực tiếp thi công phải chịu trách nhiệm.
- Cũng tội cho cậu ta.
- Dạ, em hiểu, em hiểu…
- Chú hiểu sao?
- Dạ, dạ…
- Sao chú lúng túng? À, tôi hiểu rồi. Chú nghĩ cậu Hòa là bạn
thân với con bé nàh tôi chứ gì?
Vũ Tiến nhếch mép cười. Ông đưa mắt nhìn vợ. Ngọc Bích cố làm
ra vẻ thật khách quan, cười lại với chồng. Hai Thơm cảm thấy bối rối thực sự.
Như mũi lao đã phóng, anh lấy hết can đảm:
- Em đã cân nhắc nhiều. Dù sao, cậu Hòa cũng phải chịu một kỷ
luật gì đó. Như vậy mới nghiêm minh, chứ không thì biết quy trách nhiệm về ai?
- Cậu ấy đáng chịu kỷ luật gì?
- Cái đó tùy thuộc vào anh.
Vũ Tiến chau mày. Có lẽ ông suy nghĩ thực sự. Mà cũng có thể
không. Người ta có thói quen chau mày khi cần tỏ ra là suy nghĩ.
- Việc này để mai tôi trao đổi thêm với anh Út Lâm. Chả lẽ buộc
thôi việc. Hay là thế này vậy. Đình chỉ công tác chỉ huy thi công, đưa xuống
làm công nhân. Chú thấy kỷ luật như vậy có hợp lý không?
- Dạ, ít ra cũng phải như thế.
Thu Nga không nén nổi mình nữa. Cô đã làm cái việc mà đạo đức
gia đình răn dạy là không được. Gương mặt cô căng cứng.
- Vậy là sao ba? Chẳng lẽ trong chuyện này một mình anh ấy có
lỗi?
Vũ Tiến nghiêm mặt:
- Thu Nga, lên lầu. Không được xen vào công chuyện của ba và
chú.
Hai Thơm bối rối. Anh thu xếp rất nhanh những giấy tờ vào cặp,
đứng dậy một cách ngượng ngập. Thu Nga chạy lên lầu. Ngọc Bích cũng chạy theo
con. Bà kéo con vào gần mình, nói câu gì đó an ủi. Nhưng Thu Nga vẫn không cầm
được nước mắt. Giông nói của cô chan hòa những tức nghẹn.
- Má chưa hiểu chuyện ở công trường đâu. Thiệt là oan cho anh
ấy.
- Đừng khóc nữa. Ba con là người công tâm, không khi nào để
ai bị oan ức.
Thu Nga cảm thấy lời an ủi của má là vô nghĩa.
- Cả má nữa. Má chưa biết chuyện người ta đổ lỗi cho anh ấy.
Anh ấy nhỏ bé như thế còn biết kêu ai… - Cô đứng vụt dậy, hơi ưỡn người ra phía
trước. Giọng cô mạnh, không còn âm sắc nhạt nhòa trong nước mắt. – Thật bất
công. Con không thể chấp nhận. Con sẽ… - Không nén được những uất ức đến bất chợt.
Cô lại òa khóc. Ngọc Bích an ủi con, bàn tay mềm ấm xoa mái tóc.
Thu Nga vẫn khóc. Khóc cho nguôi. Chuyện này đối với cô đâu
phải xa lạ. Cái công trường mà cô yêu mến, rồi ba cô, rồi chú Hai Thơm, rồi anh
ấy… Không một con người nào xa lạ với cô cả. Thế mà, sự bất công. Anh ấy không
thể kêu với ai. Ba cô đã quyết định có nghĩa là mọi chuyện đã chấm xuống hàng.
Cô chợt thấy mình bé nhỏ quá. Cô nhắm mắt hay mở mắt? Những điều cô được nhà
trường dạy dỗ, ba má cô dạy dỗ. Nhưng nhập vào cuộc đời, cô thấy nó biến hóa một
cách mênh mông, không bến bờ… Những tốt đẹp của sách vở không có nghĩa với thực
tế cuộc sống? Cô thấy mình lung lay như một cây non trước bão…
/Mời đọc tiếp, chương 2/
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
/Mời đọc tiếp, chương 2/
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
Tìm thấy trong Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét