Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT/ NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG BỐN/ 4.3



Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG BỐN/ 4.3


Anh ơi, bao nhiêu hy vọng em đặt ra trong chuyến đi Hà Nội. Chưa đến nỗi phải tan như bong bóng xà phòng, nhưng chim vẫn bay trên trời và cá vẫn bơi dưới nước. Chị Hằng, sau khi học xong bổ túc công nông, đã được sang Liên Xô học. Em đã viết thư theo địa chỉ của chị…
Em đã về được hai ngày rồi, buồn rũ người. Em chẳng thiết đi đâu, kể cả tới dì Năm. Em cũng chẳng tới nhà Nguyệt. Nó sao ấy. Trong chuyện của chúng mình, nghĩ của nó không giống nghĩ của em. Cũng chẳng trách nó được. Bởi nó đang thật sự hạnh phúc. Nó yêu đến quên mình. Theo em, lần này, chắc chắn nó dính với anh Minh, hai người sẽ chẳng thể xa nhau, như chúng mình chẳng thể xa nhau vậy! (Không hiểu sao, câu này Kim lại đánh một chấm than). Em định viết thư cho anh mấy lần, nhưng rồi viết lại xé, lại viết, anh chắc nóng như em, chắc sốt ruột vì muốn biết tin từ Hà Nội. Chỉ nghĩ đến điều đó là em lại không dám viết thư cho anh. Em không muốn làm anh khổ thêm vì những dòng chữ của em! (Lại chấm than).
Nhưng bây giờ em viết cho anh đây.
Dì Năm vừa ở đây về, dì tới và ngồi vào chiếc ghế anh vẫn ngồi. Dì hỏi em chuyện đi Hà Nội. Em khóc. Anh ạ, mọi lời an ủi đối với chúng ta vào lúc này thật vô nghĩa. Em đã chán tất cả những lời an ủi. Và tất nhiên khi thấy em khóc, dì Năm cũng đoán ra tất cả và dì cũng an ủi như nhiều người từng an ủi. Chỉ có con Nguyệt là không lời an ủi, nó cứ nhơn nhơn, nó bảo cứ yêu đi, lấy nhau đi, rồi mọi sự thuộc về chân lý sẽ tự sáng tỏ theo thời gian. Nói như nó mà nghe được. Nhưng thôi đừng thèm trách nó, nó đang yêu mà. Em viết tới đâu rồi nhỉ? Nhớ rồi. Sau khi dì Năm an ủi em, dì thông báo choe m một tin “vô cùng trọng đại” đối với chúng ta. (Bốn chữ vô cùng trọng đại được đánh trong ngoặc kép). Anh hãy nghe cho rõ em nói này: Thường vụ đã quyết định xác minh cho anh, bằng cách điều động anh trở lại Thành phố, nhận chức giám đốc xí nghiệp xây dựng của Quận. Thế đó. Mặt trời luôn chiếu sáng. Sự công bằng đã trả lại cho anh. Anh hãy cười đi, cười thiệt lớn vào. Em muốn dù đang ở khá xa anh, nhưng em vẫn nghe rành rẽ tiếng cười sảng khoái của anh. Anh ơi, em mừng hết nói, em muốn nhảy lên như đứa trẻ, lại muốn xà vào lòng dì Năm, em muốn khóc, khóc cho đã những đau đớn về tinh thần mà chúng ta phải chịu đựng trong những tháng ngày qua. Nhưng em đã không khóc. Em muốn dành nước mắt để ngày gặp anh, ôm anh mà khóc. Em sẽ khóc ướt hết cả áo anh cho anh coi.
Nhận được thư này của em, chắc anh cũng đã nhận được quyết định của Quận. Chú Tám Yên đã ký quyết định điều anh về. Anh thấy chưa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, các dì, các chú, các đồng chí cũng luôn ở bên cạnh chúng ta.
Em dừng bút ở đây. Bởi viết nữa chắc em sẽ lại viết lung tung mất. Hơn nữa, em còn phải đi thông báo cho mọi người tin vui này. Về ngay anh nhé. Em. Vợ của anh. Hôn anh.
Đúng như dự đoán của Kim, Dũng đã nhận được thư Kim cùng với Quyết định điều động công tác của Ủy ban Quận. Anh đã mất cả một buổi đọc và suy nghĩ, trong đủ mọi trạng thái tình cảm khác, vui xen lẫn với buồn. Mặc dù cố dấu nén tình cảm, nhưng nỗi vui và buồn của anh vẫn lẫn cả sang Tú. (Cô đã tới nông trường được ba ngày. Đoàn thực tập chấp nhận cho cô vô giúp nông trường thiết kế nhà ở trại viên và chuồng nuôi gia súc).
- Nên để tới đêm mà thưởng thức niềm vui anh Dũng ạ. Đêm không có ai quấy rầy đâu.
-Tôi cũng nghĩ thế, nhưng cô không phải là người quấy rầy tôi.
- Có đấy. Thư của chị phải không?
- Cổ mới ở Hà Nội về.
- Thú vị thật…
Cô không nói gì thêm lại chùi đầu xuống các bản vẽ.
Tại sao mình không đủ can đảm để nói tất cả với cô gái này, thậm chí đưa hẳn thư và quyết định công tác cho cô đọc. Không nên. Sẽ phải giảng giải vòng vo nhiều chuyện lắm.
Và phải mất thêm một đêm Dũng mới quyết định được mình nên làm gì. Mới năm giờ sáng, anh đã trở dậy, cẩn thận viết thư gửi cho đồng chí Tám Yên. Nội dung thư: Cảm ơn sự quan tâm của Ủy ban đối với cá nhân anh, nhưng anh không thể rời bỏ nông trường vào lúc này. Anh nhấn mạnh, là anh rất hài lòng được công tác ở nông trường. Anh tha thiết đề nghị Ủy ban xem xét lại quyết định. Anh sẽ làm việc tốt hơn trên nhiệm vụ công tác mà anh đang đảm trách.
Kế đó là thực hồ Kim. Tất nhiên văn chương hơn, nhiều lời cảm ơn về những vất vả của Kim dành cho anh. Nhiều lời động viên Kim đừng nên bi quan về những gì chưa công bằng trong cuộc sống. Còn chuyện trở về lại Thành phố, anh không thể, bởi những con người ở trên này rất cần ảnh, bản thân anh cũng thấy không dễ dàng gì có thể xa họ.
Sau khi gửi hai lá thư đi, Dũng cảm thấy tâm hồn thanh thản trở lại. Bữa nay, anh và Tú sẽ xem lại lần cuối cùng các đề án thiết kế.
- Những dãy nhà này khi dựng lên rồi, anh sẽ lại phải chịu trận đó.
- Chịu trận gì, bộ mặt nông trường coi như thay đổi hoàn toàn về căn bản.
- Em không đề cập tới khía cạnh đó. Thể nào cũng có nhiều ý kiến cho rằng anh thích phô trương, thích chơi trội. Đây là nông trường lao động, chứ không phải khu nghỉ mát.
Dũng cười ngất.
- Sao anh cười?
- Tôi cười vì óc tưởng tượng của cô ghê quá.
- Em đâu có tưởng tượng.
- Thì tưởng tượng ra những lời búa dìu đè lên cổ tôi đó. Nhà cửa chưa xây, chỉ mới lập lò gạch người ta cũng đã nói rồi. Nhưng ai nói mặc ai, việc tôi làm, tôi cứ làm. Cô nghĩ coi, ở những nông trường khác, trại viên tìm đủ mọi cách trốn đi, còn ở đây, thỉnh thoảng chuyện đó mới xảy ra. Vì sao? Đừng để cho cái tên nông trường chỉ là cái tên, mà thực chất của nó vẫn là trại cải tạo người phạm tội bằng lao động. Phải làm mọi cách hoàn thiện cái tên nông trường bằng những việc làm đích thực, có như vậy, những trại viên mới cảm thấy mình đang sống và làm việc ở nông trường, chứ không phải bị cưỡng bức lao động.
- Điều đó em biết rồi.
- Cô biết rồi, thì tôi xin kết luận, tôi hoàn toàn bằng lòng với những thiết kế của cô
- Thiệt sao?
- Cô sẽ nhận bằng kiến trúc sư, còn tôi tất nhiên vẫn chỉ là một sinh viên.
- Tại sao tự nhiên anh lại nói vậy?
- Nói vậy là bởi vì cô rất khá, mà tôi thì khen ngược, nhưng dù sao tôi cũng là một giám đốc nông trường.
- Trời ơi, anh nói năng bắt đầu rối rồi đó.
- Thiệt sao? Nên hiểu như thế nào cho không rối?
- Sau khi nói bằng lòng với những bản thiết kế, thì tốt hơn hết nên nói tới phần thù lao.
Dũng bật cười, ai cũng nhận thấy mấy ngày gần đây anh cười nhiều hơn, tiếng cười lan vang ra cả khu nhà năm gian, và mỗi khi nghe thấy tiếng cười đó, Tây Vườn Lài cười một mình. Lúc này, Tây Vườn Lài đang tính vào gặp anh để báo cáo về chuyện lò gạch, tất nhiên là Tây lại tủm tỉm cười.
- Cô muốn nông trường trả thù lao bằng gì?
- Với nông trường thì em không đòi gì. Nhưng với anh thì có.
- Với tôi?
- Vâng.
- Tôi vô sản thế này biết trả cô bằng cái gì?
- Em sẽ cho nợ.
- Nhưng cái gì mới được chứ?
- Anh sẽ phải… Mà thôi…
Cô tự nhiên bối rối, hai tai nóng bừng. Cô định đòi anh cái gì không biết? Cô đưa mắt nhìn ra cửa, thấy Tây Vườn Lài, cô reo lên vui vẻ:
- Anh Tây, vào đây, hôm nay gạch ra lò phải không?
Tây Vườn Lài nép bên cửa, nói vào:
- Gạch ra lò, tôi tính mời anh Dũng và chị ra đó.
- Tại sao lại mời, chẳng phải chính tôi đề nghị với anh, khi nào gạch ra lò thì cho tôi hay, để tôi tham quan cho biết. – Cô quay lại với Dũng, - Anh cho phép giải lao chứ?
- Tất nhiên. Còn chuyện… Mà thôi…
Cả hai cùng cười, tất nhiên Tây Vườn Lài chẳng để ý là họ cười về chuyện gì với anh, cứ miễn được thấy họ cười là vui rồi. Họ cùng đi về phía lò gạch.
Tám Yên nhận được thư của Dũng, phải nói là anh hơi phật ý. Em đề nghị xem xét lại. Em rất biết ơn anh và các đồng chí. Em không có điều gì băn khoăn về công việc đang làm. Em hứa. Anh Tám gạch đít dưới những chữ đó. Anh đọc lại. Muốn tìm trong đó những lời thở than, cắng đắng được dấu kín. Không thấy gì. Thằng này sắt. Một kiểu Paven. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân nó. Nó cần phải hiểu rằng, nó không được tự bằng lòng với những cống hiến hiện thời. Mình đòi ở nó những đóng góp lớn hơn nữa, chứ không phải điều nó về đây để nghỉ an dưỡng. Anh tính cầm lá thư của Dũng qua bên văn phòng dì Năm, nhưng vừa hay dì Năm và một cô gái – Cô này, anh quen mặt, nhưng chưa biết tên – Xuất hiện. Dì Năm giới thiệu với anh cô gái tên Kim, thế là anh hiểu tất cả. Đêm qua chắc cô nàng khóc, mắt còn đỏ, hẳn là nhận được thư của Dũng.
- Ý anh thế nào?
- Tôi sẽ viết thư nói kỹ cho thằng Dũng nó hiểu, dù sao công việc mới đang chờ nó còn nặng nề hơn cả công việc dưới nông trường.
Dì Năm gật đầu, quay qua nhìn Kim:
- Tôi đề nghị anh viết thư cho Dũng và để cháu Kim mang thư ấy xuống nông trường, Kim sẽ đón Dũng về luôn.
Anh Tám mỉm cười vừa như hiểu tất cả, vừa như thông cảm với tất cả.
- Sáng mai, có xe của bên văn phòng xuống dưới đó, cô muốn, có thể đi luôn.
Kim tới nông trường thì Dũng lại vừa đạp xe ra Phố Huyện. Tây Vườn Lài chỉ thông báo với Kim thế thôi. Đương nhiên là không giải thích vì sao Dũng lại ra Phố Huyện sớm thế, và có chuyện gì. Nhưng điều Tây muốn giữ bí mật, thì chính Choai đã phun ra hết.
- Ba con đưa cô Tú ra Huyện. Cổ là kiến trúc sư, con thấy ba con giới thiệu với các chú các bác vậy mà, cô vẽ nhà cho nông trường, bây giờ hết hạn, cổ phải đi. Ba con đưa cổ đi bằng xe đạp.
Kim thấy lòng hơi se se. Một luồng gió lạnh, không biết từ đâu, thổi ùa vô, chạy cùng với những vi ti máu.

Tây Vườn Lài và Nhon cũng qua chơi. Tây Vườn Lài xuống bếp đun nước. Kim với hai đứa trẻ, nom cũng sạch sẽ dễ thương, đang nhìn cô xét nét.
- Cháu tên gì?
Nhon chưa kịp trả lời, thì Choai đã nhanh nhẩu.
- Nó tên Nhon, con chú Tây, hồi nó lên đây ba cháu cải tên cho nó là Mỹ. Mỹ là đẹp chớ không phải Mỹ là đế quốc Mỹ đâu cô ạ. Còn cháu tên là Mã.
- Ảnh tên Choai Ngựa, được ba anh cải tên là Mã đó cô, Mã cũng là ngựa, nhưng nghe đẹp hơn…
Kim mỉm cười, đã nghe lòng ấm lại một chút. Hai bức tranh trên tường, một bức vẽ cảnh đồng lúa chín, một bức vẽ những con ngựa đang phi. Thấy Kim đưa mắt nhìn lâu nơi hai bức tranh đó, Choai giải thích.
- Bức này cháu tự cắt trong họa báo. Phải chi cháu là họa sĩ, cháu đã vẽ cánh đồng lúa chín ngay trên nông trường… Lúa chín ở nông trường chúng cháu còn đẹp hơn cả lúa chín vẽ trong này cô ạ. Còn bức tranh kia – Nó chỉ bức vẽ những con ngựa – Của em Mỹ tặng cháu. Cháu đã hứa với em là cháu sẽ giữ bức tranh này suốt đời.
- Ảnh hứa với cháu như thế thật đấy. – Nhon đế vào, hai bím tóc con nhỏ lắc lư tức cười.
Tây Vườn Lài pha nước. Anh chợt mừng hú, Dũng đã đạp xe về tới sân. Chẳng hiểu có phải lời cầu xin của anh có cánh? Khi nãy, vừa ngồi đun nước anh vừa ném muối vào lửa và xin: Ba chân bốn cẳng, hãy về nhanh lên, anh Dũng ơi… Tây ném muối bảy lần cầu xin thần lửa. Phép thần đã linh?
Dũng vội vã dựng xe, lau mồ hôi trên trán, bước vào nhà.
- Anh nhìn thấy em trên ô tô chỗ quẹo vào nông trường, gọi với theo mà xe không dừng lại. Anh vội đạp xe về…
Ra là vậy, chứ không phải những lời cầu xin Thần lửa của Tây Vườn Lài hiệu nghiệm. Anh ra hiệu cho Choai và Nhon theo mình vào bếp.
- Đường sá vất vả quá phải không em?
- Em quá giang ô tô của văn phòng Quận.
- Em ra sau rửa mặt mũi chân tay cho mát.
- Thôi khỏi.
Mình thật khéo tưởng tượng, Dũng nghĩ, những búp tay của em xòe ra như những cánh hoa, mình xối nước xuống đó, nước chảy từ từ từng giọt. Dũng chợt thấy những búp tay của Tú.
- Em vừa nhận được thư của anh, em vội lên đây…
Anh biết… Anh đã làm em phải buồn.
Em không chỉ buồn đâu. Em phẫn nộ với anh thực sự đó. Bao nhiêu công sức của em để có được cái quyết định quan trọng như thế, mà anh lại dửng dưng, lại lạnh nhạt.
- Anh nghĩ như thế nào mà nỡ viết lá thư đó cho em?
Kim nghe thấy một tiếng thở dài rất nhỏ nơi anh. Và hình như anh không muốn trả lời câu hỏi đó. Mắt Kim nhìn anh với sự chờ đợi. Dũng không hề lẩn tránh.
- Anh không muốn ai phải thương hại mình. Nếu hoàn cảnh lại một lần nữa thử thách anh, thì anh xin chập nhận. Anh tin là chính anh, anh sẽ chứng minh và khẳng định được con người mình.
- Nhưng đây không phải sự thương hại, sự ban ơn.
Anh cười đắng. Vị đắng chạm cả vào môi chị.
- Hình như anh không muốn em xuống đây?
Anh không chờ một câu hỏi đại loại như thế này của chị.
- Sao em nói vậy? Phải chi em biết được là anh mong em tới với anh như thế nào, bao nhiêu đêm anh gặp em trong giấc ngủ, nhưng không hiểu sao, cứ mở mắt ra là anh lại thấy em ở rất xa, và sự thực là em ở rất xa.

- Chính em muốn xóa bỏ sự xa cách ấy, thì anh lại từ chối.
- Anh nói thực nhé, anh ngàn lần cảm ơn em đã làm tất cả những gì có thể để thanh minh cho anh, nhưng… Anh cảm thấy những việc làm ấy không cần thiết, anh bị xúc phạm… Nếu em hoàn toàn tin anh, thì có cần phải quá khổ sở vì điều nghi vấn đó không?
Thật là một con người mơ mộng, anh tưởng rằng đeo đẳng những hoài nghi đó, anh sẽ sống được yên ả sao? Tin mà nói ra lời, chưa đủ đâu. Tin phải được minh xác bằng giấy trắng mực đen.
Kim lấy trong túi xách lá thư của Tám Yên.
- Anh đọc đi.
Dũng nhận thư, lướt mắt rất nhanh.
Nếu là người khác, thì lá thư này sẽ làm cho người ta điên lên vì sung sướng. Sao anh không reo lên. Sao mặt anh không rạng rỡ. Sao anh không trả công cho em bằng vòng tay ôm, bằng những cái hôn nóng ấm. Những lúc như lúc này, cái hôn của anh, dù một cái thôi cũng đủ bù đắp cho em tất cả. Nhưng đã không một thay đổi gì trên gương mặt khắc khổ, khô lạnh.
- Chú Tám dặn em, vấn đề của anh đã thông qua Thường vụ.
- Anh sẽ trao đổi lại với Thường vụ.
- Không. Em cấm anh. Đây là nghị quyết của Thường vụ, anh phải thi hành.
Nghị quyết của Thường vụ. Lần đầu tiên anh cảm thấy câu nói của Kim cũng khô lạnh như chính cái mà Kim gọi là nghị quyết đó. Khi buộc anh thôi giữ chức Chủ tịch Phường, chuyển qua làm giám đốc Nông trường, Thường vụ có ai hỏi ý kiến anh đâu. Bây giờ cũng vậy. Thời đánh Mỹ, còn viện dẫn lý do thời gian, không gian hoàn cảnh, để những sự hỏi ý kiến bỏ qua. Chỉ thị, nghị quyết là mệnh lệnh. Bây giờ, dù sao, cũng có rất nhiều điều kiện để trao đổi, bàn bạc. Vậy mà không. Chẳng lẽ đảng viên chỉ có bổn phận thi hành, không được bày tỏ ý kiến của mình? Làm việc kiểu này nọ đã vi phạm nguyên tắc Đảng. Dũng định nói thẳng điều đó với Kim, nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi.
- Công việc sắp tới với anh rất nặng nề, rất quan trọng, anh Tám dặn em nói với anh như thế.
Họ muốn nói thế nào chẳng được. Khi điều mình xuống đây, họ bảo công việc dưới này phải có những người như cậu mới đảm đương được. Bây giờ cậu cần phải về Thành phố, công việc rất nặng nề, rất quan trọng đang chờ đợi những đóng góp của cậu.
Chỉ cần các vị ở nông trường vài ngày thôi, hẳn các vị sẽ thấu hiểu hoàn cảnh của tôi lúc này, tôi xa mọi người thực không dễ đâu. Lai lịch của chú Tây Vườn Lài như thế nào, anh đã kể cho em nghe rồi. Nhưng bây giờ, anh với chú ấy là anh em. Chú ấy đã tìm lại cho mình cuộc đời một người lao động lương thiện. Chú ấy không muốn xa anh, chú ấy đã đem vợ con lên đây lập nghiệp. Cả thằng Choai nữa, nó mồ côi, anh thương nó như con, anh muốn trả lại cho nó những gì mà tuổi thơ của nó đã bị cướp mất. Chỉ ít năm nữa, những người như nó, như chú Tây sẽ là những chủ nhân ông của một nông trường giầu có…
- Em chỉ được phép nghỉ ngày hôm nay, mai em có cuộc họp quan trọng phải tham dự.
- Tiếc quá…
Kim thực sự không hiểu Dũng nói tiếc đây là tiếc cái gì.
Tây Vườn Lài thập thò nơi cửa bếp.
- Chú về kêu cả nhà qua đây ăn cơm luôn.
- Nhà em?
Đúng. Hôm nay, chúng tôi muốn liên hoan với vợ chồng chú.
- Nhà em làm việc ngoài đồng mà anh.
- Gọi cổ về. – Dũng nói như ra lệnh, giọng da diết buồn.
Tây không hỏi lại gì thêm, anh chạy ra cửa. Dũng nhìn theo. Nếu biết phải xa mình, chắc vợ chồng nó buồn lắm. Nghị quyết của Thường vụ. Hệ thống kinh tưới đã đào xong, hệ thống kinh tiêu đang hoàn chỉnh. Lò gạch số hai đã ra lò đều đều. Những thiết kế của Tú đã được toàn Ban giám đốc chấp thuận, đầu tháng bắt đầu khởi công. Bao nhiêu việc phải làm. Vậy mà, chỉ vì một nghi vấn cần phải xác minh, cần phải ban ơn. Nghị quyết của Thường vụ. Công việc ở Thành phố rất nặng. Giám đốc xí nghiệp xây dựng Quận. Tay nghề cần được sử dụng. Thư Kim. Anh phải về bởi vì em tha thiết mong anh về. Chúng mình không thể xa nhau. Chúng mình phải tổ chức đám cưới.
- Ba ơi, con dọn cơm chứ?
- Để cô giúp cháu một tay.
Kim tự gỡ ra khỏi bối rối của mình, trước gương mặt lặng nín của Dũng, cô hiểu rằng mọi suy nghĩ đang vật vã trong đầu anh, và chắc chắn là anh đang xiêu. Nghị quyết của Thường vụ, đó không phải là chuyện đùa. Một con người nguyên tắc như ảnh, không khi nào coi chuyện này là đùa cả.
Căn phòng quen thuộc chỉ còn lại mình Dũng. Phòng rộng quá, nhưng cũng không chứa đủ những suy nghĩ của anh. Thôi được cứ phải xếp lại mọi chuyện đã. Gặp Thường vụ sẽ tính. Nhưng bất giác anh nghe hai câu lục bát của Tây thức dậy trong hồn: Đã ở thì chẳng muốn đi. Mà đã đi, thề chẳng quay về nữa đâu…

/ Mời đọc tiếp 5.1/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét