Tìm thấy trong Thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
BỐN
NHỮNG
GIỌT MƯA VỪA RƠI XUỐNG, ĐÁM CÔNG NHÂN ĐÃ CHẠY TÚA VÀO. HÒA ĐỊNH GỌI CÁC BẠN MỖI
NGƯỜI MỘT TAY THU DỌN CÔNG TRƯỜNG, CHE MƯA CHO CÁC KHÚC TƯỜNG MỚI XÂY. NHƯNG
NGHĨ SAO CẬU LẠI THÔI. HOÀN CẢNH CỦA MÌNH BÂY GIỜ KHÁC RỒI, KHÔNG CÒN VỚI CƯƠNG
VỊ CHỈ HUY THI CÔNG NHƯ NGÀY TRƯỚC NỮA. CẬU TỰ THU DỌN. XUÂN-NĂNG-NỔ THẤY THẾ,
CŨNG CHẠY RA ĐỠ CẬU MỘT TAY .
Khi cậu chạy được vào lán thợ sắt, thì quần áo đã ướt. Cậu ngồi
chỗ nhiều gió cho quần áo mau khô. Mắt nhìn trời mưa. Tai nghe câu chuyện của
đám thợ. Một đề tài đangnói dở.
- Cảm ơn trời mưa, không thì chúng ta sẽ bị phê bình. – Đó là
giọng của Huy, có biệt hiệu Huy-lờ-phờ.
- Sớm muộn gì người ta cũng phê bình cậu.
Giọng hơi châm chích của Lan, có biệt hiệu Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương.
- Bà chê tôi ngon quá ta.
- Ngon là cái chắc.
- Chỉ xạo.
- Ai thèm xạo. Ngon thì làm như đây coi. Nạp một tờ đơn xin
nghỉ không ăn lương ít ngày. Chạy một chuyến hàng đường dài Sài Gòn – Châu Đốc.
Trúng khẳm đó nghe…
- Thôi đi.
Đó là giọng ồ ề của Chính, có biệt hiệu Chính-hến, một con
người ít nói, bí hiểm. Và chưa ai dò ra là người như thế nào mà cậu ta lại dám
công nhiên gọi giám đốc Vũ Tiến là ba, và giám đốc cũng gọi cậu ta một cách
thân ái là con. Nhưng hễ ai có ý nghi ngờ cậu có tình ý gì với con gái giám đốc,
thì có thể ăn đòn. Cậu không tha thứ cho trò đùa nhảm nhí đó. Cậu bảo Thu Nga
là em gái cậu. Cũng vì cậu không giải thích gì thêm, nên cũng chẳng ai dám dò hỏi.
Tiếp vào câu nói ngắn khốc của Chính là giọng Xuân-năng-nổ,
hơi trang nghiêm:
- Các cậu cứ tán nhảm!
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Tích cực thì lại mấy tổ đàng kia nghe, đây chỉ toàn quân
tiêu cực.
Xuân-năng-nổ:
- Bà không thích làm việc thì mặc bà. Còn chúng tôi, danh dự
công nhân là làm việc…
Huy-lờ-phờ:
- Danh dự công nhân… nghe cũng hay…
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Tôi cũng không phiền các bồ lâu đâu. Đã làm đơn xin nghỉ việc
không ăn lương rồi.
Huy-lờ-phờ:
- Nạp đơn xin nghỉ việc không ăn lương, mai mốt có bình bầu,
không được lao động tiên tiến đừng có than.
Chính-hến:
- Đã bảo thôi mà.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thì thôi. – Cô kéo dài chữ thì thôi. Rồi đằng hắng và cất
giọng ca câu vọng cổ. - Nặng lời với nhau làm gì để cho tan nát cõi lòng đang
trống trải… buồn…
Tiếng vỗ tay, Huy-phờ-lờ:
- Vọng cổ mùi quá ta.
Chính-hến:
- Đã bảo thôi mà. Nhức đầu…
Xuân-năng-nổ:
- Cậu mà cũng nhức đầu sao? Cứ tưởng chỉ mình người ta mới nhức
đầu chứ.
Hòa không nhìn thấy điệu bộ của Xuân, nhưng cậu biết, thế nào
cũng có một ngón tay chỉ về phía cậu. Hay ít ra cũng những cái nháy mắt ra hiệu
với nhau. Cái đó Hòa biết lắm. Nhưng đã sao. Hòa không giận các bạn.
Huy-lờ-phờ:
- Chuyện công trình nhà xưởng số 2 có vẻ căng đấy. Khối người muốn khóc ra nước mắt.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Xí, khóc lại chẳng ra nước mắt. Nhưng chẳng quan trọng khỉ
mốc gì đâu?
Xuân-năng-nổ:
- Sao lại không quan trọng? Làm lơ cho nhau quá lâu rồi. Bây
giờ phải là lúc quy trách nhiệm.
Chính-hến:
- Lại lương tâm, lại trách nhiệm.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thì kẻ đạo đức nói lời lương tâm, còn kẻ tầm thường nói lời
mánh khóe.
Xuân-năng-nổ:
- Sao bà cứ nói ngang như cua thế nhỉ?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thì tôi vẫn ngang như cua bò. Nhưng con cua này không bò
ngang mãi đâu. Con cua này dám chịu trách nhiệm. Chứ không như ai kia, đổ trách
nhiệm cả lên đầu tốt đen, tốt đỏ.
Chính-hến:
- Nói gì ba trợn vậy?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Này, tôi không đụng tới ông già đâu đó, chưa chi đã phải
binh.
Huy-lờ-phờ:
- Kết cục là cuối năm vẫn
mít tinh, vẫn cứ trao cờ, vẫn cứ khen thưởng, vậy là ngon… Ba, bốn tháng
lương ăn Tết chẳng phấn khởi sao…
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thèm mấy thứ đó lắm sao?
Huy-lờ-phờ:
- Có nhận không Chính-hến?
Chính-hến:
- Tôi?
Xuân-năng-nổ:
- Không nhận bộ khùng sao?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thà tôi thành con phe buôn một chuyến hàng đường dài Sài
Gòn – Châu Đốc còn hơn.
Huy-lờ-phờ:
- Bà cà chớn.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Ai cà chớn?
Xuân-năng-nổ:
- Tôi sẽ báo cáo với phòng nhân sự về chuyện bà xin nghỉ việc
không ăn lương đi phe.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Nè bồ! Đừng tưởng đây đi phe là đây thú vị lắm đâu nghe.
Đây muốn chạy trốn.
Huy-lờ-phờ:
- Chạy trốn ai? Chạy trốn cái gì?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Chạy trốn để khỏi phải coi một vở bi hài kịch giả dối.
Huy-lờ-phờ:
- Ô hay. Làm láo, báo cáo hay, lại khen, lại thưởng, lại trao
cờ, lại hứa hẹn, lại bắt tay, lại thằng quan, tiến chức.
Xuân-năng-nổ:
- Quá lắm rồi. Tôi sẽ đem việc này ra chi đoàn, phải tranh luận
thẳng thắn với nhau.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Thẳng thắn và trung thực, dám không?
Chính-hến:
- Sao không dám?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Hoan hô. Sợ không dám! Chứ tôi dám tranh luận hàng giờ, hai
ngày, hai tháng…
Huy-lờ-phờ:
- Chuyện đâu mà tranh luận dữ vậy?
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Tất nhiên tôi cũng sẽ chỉ nói về tôi thôi. Tôi làm việc như
thế nào, tôi chạy chợ vì sao. Nói thiệt, tôi đâu có muốn chạy chợ. Đi buôn đâu
phải sở trường của tôi. Dơ hầy à. Tôi biết các vị không dám đâu. Các vị sợ nhìn
thẳng vào lương tâm mình, trong khi các vị rất thích nói đến lương tâm.
Chính-hến:
- Sao lại sợ?
Huy-lờ-phờ:
- Sợ chứ. Tôi sợ phải nói sự thật về mình. Người nào đó có thể
nói tôi là một công nhân lờ phờ, còn tôi, tôi không đủ can đảm tự nói về mình
như thế. Mà các vị cũng buông trôi cho tôi, trong các cuộc họp bình bầu các vị
cố cho tôi được tiên tiến, các vị sợ tôi không được tiền thưởng thì cả tổ sẽ mất
vui.
Xuân-năng-nổ:
- Tại đời sống khó khăn cậu hiểu chưa. Không giúp được nhau
thì phải nương cho nhau lĩnh thưởng chứ. Một hai tháng lương ăn Tết không phải
nhỏ đâu.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Nhưng bây giờ sẽ không ai khoan nhượng chuyện đó nữa đâu.
Xuân-năng-nổ:
- Vậy chúng ta sinh hoạt chứ?
Chính-hến:
- Tổ chức lẹ đi. Tôi cũng sẽ không ít nói nữa đâu nghe. Tôi sẽ
nói về tất cả, chúng ta là những công nhân như thế nào.
Huy-lờ-phờ:
- Cậu sẽ nói về tôi nữa chứ?
Chính-hến:
- Không. Trước hết cậu phải tự nói về mình.
Xuân-năng-nổ:
- Thiếu, tụi này sẽ bổ sung.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Vậy thì tôi phải lên phòng nhân sự xin rút lá đơn xin nghỉ
việc không ăn lương…
Chính-hến:
- Một phản ứng kịp thời… hay đấy…
Xuân-năng-nổ:
- Tôi sẽ đề nghị chi đoàn tổ chức cuộc họp mở rộng.
Huy-lờ-phờ:
- Ngay hôm nay chứ?
Xuân-năng-nổ:
- Được.
Huy-lờ-hờ:
- Thế còn ai sẽ nói về giám đốc? Ai sẽ nói về công đoàn, về
đoàn thanhnie6n, về phòng kỹ thuật? Những công trình không đảm bảo chất lượng
nghiệm thu lãng phí bao nhiêu tiền bạc của nhà nước.
Lan-nghỉ-việc-không-ăn-lương:
- Khỏi lo, cứ nói về mình trước đã. Mỗi người đều phải nói về
mình, lương tâm không chịu ngủ đâu…
Huy-lờ-phờ:
- Lương tâm, lương tâm gì, chúng ta sẽ coi những kẻ không chịu
nói về mình là đồ tồi.
Hình như họ còn tranh luận với nhau nữa. Nhưng Hòa đã men
theo hàng hiên, ra phía đầu nhà. Tâm tư cậu xáo trộn và xúc động thực sự. Trước
đây, đã có lúc cậu nghĩ về những người bạn công nhân này không đúng. Cậu cảm thấy
họ ít học. Hay chọc ghẹo phụ nữ và không có chí tiến thủ. Một thoáng xấu hổ
nóng bừng mặt cậu. Cậu định bụng sẽ kể cho Thu Nga nghe tất cả. Một câu chuyện
đáng nghe. Trong đó có một cái gì đó, cậu không gọi được thành tên nhưng gần với
cậu lắm. Rung rinh trong trái tim. Thì ra thế hệ của cậu, dù được học nhiều,
hay ít học, dù là công nhân hay là cán bộ, cũng đều có cái gì đó rất chung với
nhau. Đẹp quá. Ngày Mai bắt đầu từ những con người này, thì Ngày Mai làm sao có
thể vô nghĩa. Cậu thích thú nhìn mưa. Thu Nga sẽ được nghe câu chuyện này. Trời
ơi, nếu không đụt mưa, thì chắc đâu cậu đã được nghe câu chuyện thú vị như thế
này. Cậu định bụng sẽ gặp từng người một, phải có dịp tâm sự để hiểu nhau hơn.
Chính-hến lại phía Hòa. Cái anh chàng ít nói này có gương mặt
hơi ngầu. Hàng lông mày rậm và đen nhánh. Hai gò má cao, cái cằm bạnh khiến cho
gương mặt càng trở nên gân guốc. Thực tình, Hòa thấy ngài ngại đụng với những
anh chàng hình tướng dữ dằn như vầy.
- Buồn lắm phải không?
Hòa cười. Anh ta vào đề một cách từng trải, vừa như hiểu hết
tâm tư của Hòa, vừa như lời an ủi.
- Có gì đâu mà buồn.
- Cậu nói thực đấy chứ?
- Tôi không quen nói dối.
- Cậu là một tay có bản lĩnh đấy. Chứ ở hoàn cảnh cậu, khối
người không trụ nổi. Đang làm cán bộ chỉ huy thi công, kỷ luật xuống làm công
nhân vôi vữa.
- Thì cũng như anh em có gì đâu mà xấu.
Chính tủm tỉm cười. Nụ cười làm cho bộ mặt bớt căng cứng và
trở nên dễ thương hơn. Trong trường hợp này Hòa mới thấy nụ cười có ý nghĩa. Nghe nụ cười mới hiểu tâm
địa thực của nhau.
- Cậu hận ba mình lắm phải không?
- Sao?
- Cậu ngạc nhiên khi nghe mình kêu ông Vũ Tiến là ba? Không
ai biết chuyện đâu, vì mình không kể cho ai nghe.
- Bí mật lắm sao?
- Cũng chẳng có gì bí mật, nếu cậu muốn nghe, mình sẽ kể.
Mình kể để cậu khỏi hận ba mình. Mà nè, cậu với Thu Nga thế nào rồi? Qua sự vụ
này nó có rung rinh không?
- Tụi này vẫn quan hệ bình thường.
- Cậu nên nhớ, Thu Nga là em mình. Nó hết sức ngoan, vì vậy cậu
phải thương nó thực lòng. Cậu nên nhớ rằng thằng anh trai này không cho phép ai
tầm bậy với nó đâu nghe.
- Cậu nói vậy là sao?
- Răn đe trước. Nhưng mà không sao đâu. Mình linh cảm cậu là
một thằng con trai tốt.
Bàn tay Hòa ngập trong bàn tay thô rắn của Chính. Cậu thấy
như có gì gửi gắm trong bàn tay ấy. Thật đáng tin cậy. Cậu tự nhủ. Hòa đứng sát
lại gần Chính. Vai choàng vai như một người bạn thân.
- Cậu biết là mình có biệt danh đấy chứ?
- Chính-hến.
- Ờ phải, Chính-hến. Tụi bạn thấy mình ít nói nên gọi vậy. Mà
cũng có thể do chúng lần mò mãi không ra vì sao mình lại gọi ông Vũ Tiến bằng
ba, nên kêu mình bằng hến. Có biệt danh cho vui. Chẳng xấu xa gì, đúng không.
Hòa gật đầu.
- Mình ít nói vì mình có một quá khứ rất tồi.
- Cậu?
- Đừng ngạc nhiên. Cậu tưởng những mánh ăn cắp vặt ở công trường
này qua được mắt mình hả? Không đâu. Thằng nào giở mánh gì mình cũng biết ngay.
Từ việc ăn cắp xi măng, đến việc ăn cắp sắt thép, ăn cắp gạch bông… Biết hết.
Nhưng Chính-hến này vẫn nín như hến.
- Cậu sợ đấu tranh à?
- Mình chẳng sợ gì hết. Mình đã nói rồi, mình có một quá khứ
rất tồi nếu không nói là nhơ bẩn. Vì vậy bây giờ mình không muốn nói. Nói ai
nghe. Cái thằng như mình mà nói đạo đức với người khác, nghe hài hước lắm… -
Hòa lắc đầu. Cậu đang cố hiểu điều bí ẩm trong câu chuyện của Chính. – Cậu có
tin ở con người đã có một quá khứ nhơ bẩn không?
Hòa trả lời một cách sách vở:
- Con người là một sinh vật biết nhận thức. Hơn nữa mọi sự vật
đều có vận động. Hay nói theo các cụ thì: Sông có khúc, người có lúc. Chẳng ai
xấu mãi được, nếu người ta biết chữa cái xấu.
- Người có quá khứ xấu, có quyền nói về cái tốt được không?
- Sao không được. Miễn là bây giờ người đó tốt.
- Thôi được. Cứ tạm tin như vậy. Cái gì cũng cần có thời
gian. Chúng mình biết nhau thì lâu, nhưng hiểu nhau thì chưa bao nhiêu. Cái lúc
cậu đang thịnh mà mình làm quen thì dơ lắm. Mình không thích thế. Dù mình rất
có cảm tình với cậu. Nhưng bây giờ, cậu đang gặp hoạn nạn, mình thích được chia
sẻ với cậu những gì có thề…
- Cảm ơn cậu.
- Đừng khách sáo. Lúc này cậu mới cần có những người bạn.
Mình có thể để cậu tin cậy được. Nếu như cậu không chê quá khứ của mình. Vì đã
là bạn thì mình không thể câm miệng hến với cậu. Cậu hãy nghe đây…
Chính bỗng quan trọng một cách đặc biệt. Hòa nhìn vào gương mặt
bạn. Cậu thấy một nỗi đau đang đè xuống hai mắt. Chính phải nghiến hàm răng lại
mới nén được cảm xúc của đôi mắt. Cậu ta lấy hơi, rồi giữ hơi. Và khi buông
thành lời nói, thì gọn đanh, đau đớn.
- Mình vốn là thằng chém mướn, đâm thuê, giật đồ ngoài xa cảng
miền Đông.
Hòa hơi bất ngờ. Bàn tay cậu đang choàng vai Chính như rung
lên. Và cậu hiểu, bàn tay ấy đang chia sẻ nỗi đau quá khứ với bạn. Chính như tiếp
nhận sự cảm thông của Hòa. Cậu thoải mái hơn, giọng trở nên ấm áp, hiền hòa:
- Lẽ ra cuộc đời mình cứ như thế trôi mãi. Như con thuyền
không bến đậu. Nếu cái tai họa ấy không giáng xuống đầu mình. Và cũng chính nhờ
cái tai họa ấy mà con thuyền mình đã tới bến. Mình giật đồ của ông Vũ Tiến,
ngay khi ông vừa từ ô tô miền Trung đi xuống…
- Cậu? – Hòa ngạc nhiên.
- Mình đã bị ông Vũ Tiến bắt tại trận. Cuộc đời vậy kể như
tiêu. Tù là cái chắc. Nhưng ông Vũ Tiến đã không giao mình cho công an xử lý,
ông dẫn mình tới một quán cơm gần đó, gọi hai đĩa cơm, rồi cùng ngồi ăn. Ông hỏi
hoàn cảnh đời sống của mình, căn dặn mình không được tiếp tục cuộc sống tội lỗi.
Ông ghi địa chỉ công trường, nói mình tới tìm ổng, ổng sẽ xếp cho mình việc
làm. Mình mồ côi cả cha lẫn mẹ. Như vậy chẳng phải ông Vũ Tiến đã sinh ra mình
lần thứ hai sao. Từ đó, mình gọi ổng bằng ba. Và mình đã không hổ thẹn vì ông
có đứa con như mình. Chuyện chỉ có vậy thôi…
Chính bất ngờ kết thúc câu chuyện. Im lặng toàn phần giữa hai
chàng trai. Hòa thấy cay cay nơi đôi mắt.
- Mình biết là cậu buồn, nên mình kể câu chuyện của mình để cậu
yên tâm. Ba mình không phải là người hẹp hòi. Ba mình nhất định sẽ làm cho mình
trở thành con người tốt… Cậu cứ nghĩ coi. Ông là người trong chuyện cổ tích chứ
không phải người thường. Nhiều lúc mình nghĩ, Trời Phật thương mình, cho ổng hiện
ra để cứu đời mình. Nhưng nghĩ cho cùng ổng là con người bằng xương, bằng thịt.
Và mình sẽ thương ổng suốt đời…
- Cảm ơn cậu. Cậu đã cho mình biết về bản chất con người chú
Vũ Tiến.
- Sao kêu chú? – Chính hỏi bạn một cách tinh nghịch. – Phải
kêu ổng bằng ba chứ.
- Kêu vậy sợ sớm quá, ổng không chịu.
- Thu Nga chưa chịu hay ba mình chưa chịu.
- Có lẽ cả hai.
- Này, đừng có lấp lửng. Cậu nên nhớ rằng ba mình rất thương
Thu Nga và cả mình nữa, mình không phải là một thằng anh tồi đâu. Tay mình mạnh lắm đó nghe, mình sẽ bin thẳng cánh đứa nào
làm cho nó khổ. Mình không hù đâu.
- Mình không sợ cậu. Nhưng chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra.
Mình chỉ lo không xứng đáng với Thu Nga.
- Phải có niềm tin chứ.
Chính cười thật dễ thương.
Mưa đã nhẹ hạt. Đã có vài người từ trong lán thợ sắt đi ra. Đợi
mưa lâu cũng sốt ruột. Dù sao làm việc cũng là một đòi hỏi, một nhiệm vụ tự
giác…
- Tụi mình đi làm chứ? – Hòa hỏi chính.
- Cậu nên nhập cuộc với tụi mình. Tổ mình nói vậy chứ không đến
nỗi nào đâu. Mọi người ai cũng hiểu cậu, dễ chịu ngay thôi à. Cậu bằng lòng chứ?
- Tất nhiên.
- Vậy thì đi.
Chính
dắt tay Hòa như dắt một người bạn mới. Chỉ có điều khác là cậu khỏi cần giới
thiệu với tập thể tổ cậu. Vì tất cả đã nhìn thấy hai người. Một nụ cười chung.
Và tất cả đều đã đứng dậy, đi trong mưa nhẹ hạt, tiến lại phía bức tường đang
xây dở khi nãy. Công việc đang chờ họ.
/ Mờ
đọc tiếp Chương 5/
Tìm
thấy ở thư viện Mỹ
WASON
PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét