Tìm thấy ở Thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
NĂM
MẶC
DÙ SỐNG ĐỘC THÂN, NHƯNG TRONG PHÒNG CỦA HỒNG CÁI GÌ CŨNG ĐÔI. HAI CHIẾC GIƯỜNG
ĐÔI KÊ SONG SONG NHAU, CÁCH KHOẢNG GIỮA LÀ CÁI TỦ BUÝP PHÊ NHỎ. HAI CÁI BÀN, MỘT
CÁI DÙNG LÀM BÀN ĂN, MỘT CÁI DÙNG LÀM BÀN TIẾP KHÁCH. NƠI BÀN ĂN HAI CHIẾC GHẾ
GỖ. BÀN TIẾP KHÁCH, HAI CHIẾC GHẾ BỌC DA.
Hồng có thói quen, khi ngồi trên chiếc ghế gỗ nơi bàn ăn, bao
giờ cũng để chiếc ghế kia đối diện. Và khi ngồi thu mình trên chiếc ghế xa
lông, thì chiếc kia cũng để gần trước mặt, trong tầm tay. Để đối thoại với cái
bóng của mình. Để mình bớt lẻ loi. Về điều này, Hồng không nói cho ai biết cả.
Hồng không có bạn thân, hay nói cách khác, Hồng không thích
giao du với những người đồng trang lứa tuổi. Cô bảo: Một mình mình cũng đủ chán
rồi, thêm, dù là một người nữa càng chán hơn. Nhưng Hồng lại có rất nhiều bạn
lít nhít. Mười tám hai mươi, các cô gái, chàng trai. Hồng coi đấy là bạn cốt của
mình dù tuổi cô đã ngoài bốn mươi và nhiều người trong đám bạn ấy đã xưng với Hồng
bằng cô. Nhằm nhò gì chuyện xưng hô. Miễn là đồng cảm với nhau. Hồng cảm thấy
thế hệ trẻ ấy gần với suy nghĩ của mình. Cô thích họ. Và ngược lại.
Những ngày chủ nhật, họ đến chơi với Hồng khá đông. Họ xúm lại
phá cô. Khi thì cùng nhau làm bún riêu cua, khi thì cùng nhau làm tiết canh vịt.
Và cũng có khi chỉ ngồi uống nước trắng pha trò. Can hệ gì. Miễn là vui.
Hồng không muốn giấu giếm gì. Cô muốn sống lại cái thời vàng
son tuổi trẻ của mình. Hơn nữa, theo cô, các lứa tuổi đồng thời với cô già cỗi
và xưa cũ cả rồi. Không có gì đáng quan tâm. Còn tụi trẻ, họ sống đẹp lắm, lạ lắm.
Và thực sự còn có thể hy vọng ở họ. Có họ, hình như cô bớt sự cô đơn…
Hồng tốt nghiệp đại học xây dựng năm hai mươi tám tuổi. Cô tốt
nghiệp muộn vì việc học, như cô giải thích, cũng có vài trục trặc. Thế rồi cô
lăn lộn khắp các công trường. Nào Thái Nguyên. Nào Hà Bắc. Nào Vinh. Và bây giờ
ở công trường Ngày Mai này, cô là trưởng phòng kỹ thuật. Cô đang theo học thêm
lớp kỹ sư kinh tế, sắp làm luận án tốt nghiệp. Với cô, học là một cái thú, bớt
được chỗ trống trong cuộc đời.
Hồng không thích nói về mình nên những kẻ tò mò cũng chẳng biết
gì nhiều hơn. Cô chưa lấy chồng. Nghe đâu cô yêu một người bạn cùng khóa. Mối
tình đầu. Và có lẽ mối tình quá sâu đậm, nên tới nay nó vẫn nguyên vẹn một mối
tình. Anh cùng ra trường với cô. Cùng lên một công trường. Nhưng chỉ ít lâu sau
đó, anh ra trận. Cuộc chiến tranh đã cướp mất anh. Khốn khổ. Bảy năm sau ngày
anh ra đi, mẹ anh mới nhận được tờ giấy báo tử. Tất cả đã muộn rồi. Sự thủy
chung của cô đã trao cho cô cái tuổi ba mươi sáu. Thời con gái. Cô tiếc nuối
cũng có cái lý của nó.
Sau này, cũng có vài người đàn ông đến với cô. Vô nghĩa. Họ
không phải đàn ông. Cô giảng giải với các bạn của cô như thế và không có thêm một
lời bình luận.
Cảnh ngộ của cô, cô phải tự đấu tranh dữ lắm. Thế mà đêm đêm
cô vẫn hụt hẫng và rơi vào nỗi cô đơn sâu
như hang núi. Nhưng cô vẫn giữ được thái độ đúng mực trong công việc,
trong quan hệ với mọi người. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cô cũng bất thường. Nổi
cáu. Bỏ cuộc họp ra về không giải thích lý do. Kinh nghiệm làm việc. Trình độ
công tác. Tất cả vẫn đảm bảo uy tín cho cô. Và mọi người đều cảm thấy, không
ai khác, ngoài cô, có thể đảm nhiệm một
cách xứng đáng chức trưởng phòng kỹ thuật ở công trường Ngày Mai.
Ngồi thu mình vào chiếc ghế da. Những trang sách nhạt nhòa
trước mặt. Nỗi cô đơn ập đến cùng với mệt mỏi. Cô đang cố chống lại nó. Nếu như
có một người bạn nào đó, con Huệ hay thằng Toàn, cô vẫn gọi họ thân mật như vậy,
mà đến chơi lúc này thì thú vị biết bao. Cô biết là tụi nó không đến. Chúng biết
cô đang ráo riết học để bảo vệ luận án tốt nghiệp. Đồ khỉ, cái chuyện học này
có ra gì, vậy mà chúng cứ tưởng với cô quan trọng lắm. Cô đã giải thích nhiều lần
điều này, nhưng chúng vẫn cứ không chịu tin.
Đứng dậy, sooi mình trong gương. Cô không muốn cười. Vì những
nếp nhăn đuôi mắt không ủng hộ cô. Cô thầm
đập cho vỡ cái mặt gương này đi, để được cười, thế thôi… Cái già không chống lại
được. Một thời đã qua. Cô ước gì được làm lại tất cả. Chắc chắn cô sẽ khác. Cô
đã giảng giải cho sắp nhỏ hiểu nỗi khổ của tuổi già, nhưng lũ bạn cứ nhơn nhơn.
Trong khi người ta còn son trẻ, người ta không hiểu hết giá trị của chính mình.
Rồi sẽ hối hận. Tụi bay hiểu chưa.
Tuy vậy, với đám bạn trẻ, cô nghiêm khắc lắm. Đứa nào phạm phải
những lỗi lầm mà cô gọi là đạo đức thông thường của con người như: nói dối, lừa
gạt đàn bà con gái, nịnh bợ cấp trên… là cô giận và lỗi nặng có thể đoạn tuyệt.
Cô bảo, cái đó không chấp nhận được dù dưới chế độ nào cũng vậy, con người phải
có liêm sỉ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa càng phải có liêm sỉ hơn. Cô là người
rất chính trị, đứa nào, dù chỉ một lời nói, bài xích chế độ cũng đủ để cô cho cả
một bài học dài, về sự gọi là ngu xuẩn, chưa từng trải, chưa biết giá trị cuộc
sống, cứ cho sống một ngày ở Phú Lợi là mọi sự rõ ngay. Bạn trẻ, đẻ phạm lỗi,
cười cười với cô, thế là cô lại bỏ qua. Cũng chính vì cái tính phóng khoáng pha một chút nghệ sĩ
của cô mà đám trẻ chơi với cô hết lòng. Họ mến cô và thương cô như một người chị
cả.
Vũ Tiến đến thăm cô lúc này như là không hợp cảnh. Vì vừa
nhìn thấy ông, cô đã cười châm chọc:
- Chắc có chuyện quan trọng nên anh mới tới kiếm kẻ này.
Vũ Tiến không đợi mời,
ngồi xuống chiếc ghế trước mặt cô.
- Chiếc ghế này trong tầm tay tôi đấy nghe. Người ta lại dị
nghị anh với tôi mất.
- Cô nghỉ học thi còn lâu nữa không?
- Theo chế độ nhà nước mà anh!
- Tốt nghiệp dễ dàng chứ?
Nghe Vũ Tiến hỏi, cô bật cười, cười lớn tiếng, giàn giụa.
- Anh hỏi lạ thiệt. Chế độ thi cử, học hành anh còn lạ gì. Đã
thi thì nhất định phải trúng. Thế thôi. Ngoài tiêu chuẩn học lực còn được cộng
điểm ưu tiên mà.
- Thôi đừng giỡn nữa. Tôi muốn trao đổi với Hồng một chuyện
nghiêm túc.
- Anh muốn trao đổi chuyện nghiêm túc với cá nhân tôi? Vậy
tôi xin nghe anh đây.
Vũ Tiến đốt thuốc lá. Ông có thói quen, trước khi nói một
chuyện gì mà ông cho là nghiêm túc, ông đều đốt thuốc. Ông đưa gói thuốc cho Hồng.
Cô lấy một điếu. Ghé lại gần phía Vũ Tiến, nhận lửa nơi chiếc quẹt ga.
- Tôi muốn trao đổi với Hồng về tình hình công trường.
Không đợi Vũ Tiến nói hết lời, Hồng cắt ngang:
- Chuyện công trường thì tôi không nghe. Chẳng lẽ suốt đời
anh chỉ có chuyện công trường để nói với tôi sao?
- Nhưng mà… quan trọng…
- Xin lỗi anh, tất cả những gì anh gọi là quan trọng tôi thấy
chẳng có gì là quan trọng cả. Hơn nữa, tôi biết cả rồi. Anh sẽ nói với tôi về
chuyện dãy nhà xưởng số 2 không đảm bảo chất lượng, không ký được biên bản nghiệm
thu bàn giao chứ gì.
Vũ Tiến gật đầu.
- Anh là một chỉ huy trưởng lâu năm, sao lại quá bận đến chuyện
đó vậy? Nếu bận tâm, thì anh phải bận tâm ngay từ lúc giác móng chứ. Tôi nghĩ
là anh đã tiên liệu cách xử lý, dù tình huống xấu nhất.
- Tại sao hồi đó Hồng không nói với tôi một tiếng?
- Tôi nói với anh? – Cười. – Có khác gì thằng Hòa nói, anh
cũng lại trả lời: Kế hoạch phải hoàn thành, tiến độ thi công phải khẩn trương,
chúng ta phải hoàn thành kế hoạch, phải nhận cờ thi đua. Đúng vậy không anh?
Tai tôi lúc nào cũng nghe văng vẳng lời anh nói. Và khi anh ngừng, lại tới cái
loa của anh, me xừ trợ lý, tôi không hiểu tại sao anh lại chịu nổi cái me xừ ấy nhỉ? Đàn ông chẳng ra đàn ông, đàn
bà chẳng ra đàn bà. Nhưng phải chịu là me xừ ấy nói ngọt. Anh lại ưa ngọt. Đúng
không? Chắc chắn trong hoàn cảnh khó khăn này, me xừ ấy lại cứu anh.
- Hồng đừng nói với tôi những lời như thế.
Hừ. – Hồng cười. – Anh bắt đầu nói ngọt ngào. – Hồng thở dài,
ánh mắt của cô bỗng muốn chạy trốn ánh mắt ấy. Ký ức thức dậy.
Dạo ấy, công trường Ngày Mai mới mở. Vũ Tiến và Hồng cùng được
Bộ điều động vào đây. Hồng son rỗi và ông cũng son rỗi. Chẳng là vợ ông chưa
vào được, còn phải đợi sắp nhỏ học tới hè. Hai người làm việc quấn quýt bên
nhau. Thú vị vì công việc mới. Thú vị vì bối cảnh Sài Gòn những ngày mới giải
phóng. Một không khí náo nức làm cho họ trẻ lại.
Và rồi một buổi tối. Cũng như tối hôm nay, chẳng khác gì, kể
cả không gian thời gian và hoàn cảnh nữa.
Chị đang bối rối trong chờ đợi. Mình vận chiếc áo này được
không? Chị ướm lên người chiếc áo đầm màu da trời. Anh ấy sẽ cho là mình đua
đòi chăng? Mặc kệ. Sao lại đua đòi. Cái gì hợp thì mình theo, có sao. Kể ra như
vậy Hồng cũng nhập cuộc hơi sớm. Ở ngoài Bắc, đã từ lâu, người ta không có thói
quen mặc đồ bộ ở nhà, còn mặc áo đầm thì thật là xa hoa, tư sản quá. Mình sẽ mặc
chiếc áo này. Hồng quyết định và làm ngay. Chạy vào toa lét, Hồng tắm và thay đồ.
Một chút nước hoa. Tuổi mười tám trở lại trong con người chị dịu dàng và thơ mộng.
Trong chiếc áo đầm màu da trời, Hồng hơi ngượng ngập và cứng.
Mặc kệ. Chị chạy lại tủ lạnh, chiếc tủ chị mua sau hai ngày vào Sài Gòn. Cần phải
sống tiện nghi. Mà tiện nghi cần nhất trong
nhà là chiếc tủ lạnh. Hồng định pha nước chanh. Nhưng chợt nhớ là hồi chiều mới mua được két bia chai ở
công trường.
Vũ Tiến tới, chẳng một chút đạo mạo. Trông anh thật đáng yêu.
Anh ngồi xuống ghế. Lẽ thường thì anh chờ đợi hoặc nói những chuyện không đâu cho
nhập cảnh. Nhưng anh đã đứng dậy, đi đi lại lại, bối rối và lúng túng hiện ra
nơi mặt.
Ang ngồi xuống đây, uống bia. Chị mời anh. Anh ngồi xuống
ngoan ngoãn. Mắt anh bắt gặp cái rung rinh của thân hình chị trong làn mỏng chiếc
áo đầm màu da trời. Tim anh rộn đập. Hình như tuổi tác nào trước ngưỡng cửa của
đàn ông, đàn bà đều hồi hộp và xúc động như nhau cả. Không còn điều đó, họa là
sắp chết.
Chị rót bia vào chiếc ly lớn trước mặt anh. Cánh tay trần trắng
hồng. Hai gò cao của bộ ngực. Thằng đàn ông vùng dậy trong anh, anh run run.
Anh hiểu rằng, mình có thể tới được người phụ nữ ấy. Mắt chị
đang nhìn anh chờ đợi. Ánh mắt ấy chẳng phải chỉ đêm nay, mà như đã từ lâu rồi…
Nhưng rồi để đi tới cái gì nhỉ? Anh tự hỏi. Anh đang có một hạnh phúc đẹp. Và Hồng…
Tình yêu năm xưa vẫn vẹn nguyên trong lòng chị. Vậy nếu có, thì sự gặp gỡ xác
thịt giờ đây là cái gì?
Nhưng khung cảnh này. Làn da và ánh mắt cô ấy. Chỉ một với
tay thôi. Nhưng chính lúc ấy, anh đã đừng lại. Anh đón ly bia từ tay Hồng, uống
một hơi cạn…
Nếu câu chuyện chỉ có vậy, thì cũng chẳng có gì đáng nói.
Nhưng sau đó, anh đã lạnh nhạt với chị một cách cay đắng. Làm như chính chị quyến
rũ anh và làm cho anh suýt tan vỡ hạnh phúc. Đã vậy, anh còn nhiều lần buông lời
khinh rẻ chị, coi chị là hạng đàn bà ngả ngớn, đua đòi. Chị không đáp lại sự
chua chát ấy. Chỉ im lặng. Chị đã khóc vì dại dột. Tiếc nuối và ân hận một giây
phút yếu lòng…
Chị đã hoàn toàn quên chuyện đó.
Vũ Tiến rút khăn lau mồ hôi trán.
- Để tôi đi rót nước anh uống, - Hồng đứng dậy, bước chân nặng
nề.
Hồng đặt hai ly nước xuống bàn, gương mặt rộng lượng và cởi mở.
- Anh uống đi. Trông anh dạo này già đi nhiều. Lại mệt mỏi nữa.
Mà kể cũng đã già rồi còn gì. Sắp hết một cuộc đời…
- Hồng cứ định sống mãi như thế này sao?
- Tôi biết làm sao khác được. Đàn ông như các anh thì ai cũng
có nơi có chốn cả rồi. Còn tuổi trẻ, họ có những bạn trẻ của họ. Đành phải đơn
ca thôi anh ạ. Cũng may là tôi chưa đến nỗi lẩn thẩn để nuôi chó hay nuôi mèo.
Sách vở, công việc vẫn làm cho mình quên…
Vũ Tiến cay cay nơi mắt. Ông thấm thía nỗi cô đơn của một con
người. Cô đơn như vực sâu. Không lối thoát. Những hoàn cảnh như thế này mình chưa bao giờ hiểu. Con người sinh ra
cần thiết có những tối thiểu của con người. Một mái ấm. Chuyện vợ chồng. Một đứa
con. Tất cả tưởng bình thường, vậy mà vẫn như một ước mơ. Người ta không thể
thiếu. Thiếu những cái đó, người ta khó sống lành mạnh một con người. Vậy mà xã hội lại mang nhiều thành kiến. Người
như Hồng chẳng hạn, thèm một đứa con. Và về chuyện đó, một chung chạ xảy ra. Đứa
con chào đời. Nó sẽ chẳng được tiếp đón lành mạnh như những đứa trẻ khác. Mẹ
nó, nếu là đảng viên, thì khai trừ. Còn nếu là cán bộ có chức vụ, điều đó lại
càng khó tưởng tượng. Bao nhiêu con mắt nhìn vào. Sự tẩy chay. Lạnh nhạt. Và
ngay cả người có cương vị như Vũ Tiến, giám đốc một cơ quan, cũng chẳng thể bảo
vệ được gì. Cao thượng nhất là làm ngơ. Còn không, sẽ là một đàm tiếu, một xét
xử. Tư cách đạo đức của người đàn bà ấy sẽ chẳng còn gì nữa, dù có là một chiến
sĩ thi đua hay một công nhân viên thạo việc. Tất nhiên, đứa trẻ còn phải chịu đựng
bi kịch dài của thân phận con hoang.
- Đến bây giờ tôi mới hiểu Hồng.
- Cảm ơn anh. Dù sao cũng vẫn còn sớm với anh. Nhưng với tôi
thì đã quá muộn rồi. Anh Vũ Tiến, có bao giờ anh ngồi mơ lại cái thời trai trẻ
của mình không? Còn tôi. Cứ nhớ lại cái tuổi 18, 20 của mình là tôi lại ngẩn
ngơ. Nó vừa mới là ngày hôm qua mà nay đã biến mất rồi. Cho nên, anh đừng ngạc
nhiên sao tôi lại thích đọc thơ và tiểu thuyết in cái hồi sáu mươi. Lúc ấy là của
tôi mà…
- Chắc là Hồng giận tôi nhiều lắm?
- Sao anh lại nói thế? Tôi hằng mong anh hạnh phúc.
- Tôi có lỗi với Hồng.
Chỉ có cái kết là anh có lỗi với tôi thôi. Lẽ ra anh nên cư xử
với tôi như với một người bạn. Như thế nhẹ nhàng cho tôi hơn. Và tình bạn ấy
cũng làm tôi không suy nghĩ một cách chán nản về thế hệ đồng thời với anh. Các
anh rất tốt. Nhu7ngcai1 tốt rất sách vở. Anh hiểu ý tôi chứ? Cái tốt nhiều khi
không đủ. Vì những người xung quanh anh đòi anh góp phần làm cho họ sung sướng.
Về điều đó các anh bất lực. Đúng không? Đến lớp người như chúng tôi cũng vậy. Nếp
nghĩ sách vở đã ăn sâu vào óc chúng ta lâu quá. Nó như con suối nhỏ bào mòn qua
năm tháng những phiến đá trơ lỳ. Bây giờ nhiều lúc muốn thức tỉnh, nhưng lại mệt
mỏi quá rồi… Anh cho tôi xin điếu thuốc.
Vũ Tiến châm lửa điếu thuốc, đưa cho Hồng.
Dạo này Hồng nghiện thuốc lá rồi sao?
Thỉnh thoảng. Có khói thuốc con người hiếu động hơn, tư duy bớt
mệt mỏi. Nhưng dù sao, anh Vũ Tiến ạ, chúng ta cũng phải sống những ngày còn lại
của mình một cách trong sạch. Tôi không có con, nhưng tôi sẽ xin một đứa bé về
nuôi. Tôi cần phải có một con người cụ
thể, để gửi gắm lại cho nó những cái mình thu lượm được ở cuộc đời này. Ta trở
lại vấn đề công trường. Thực ra nhiều lúc tôi muốn góp ý với anh. Nhưng tôi thấy
khó nói. Mà anh cũng chẳng dễ dàng nghe ý kiến tôi. Tình trạng quan hệ của
chúng ta xấu như vậy đó. Chúng ta hợp tác với nhau mà như bất hợp tác. Ai cũng
muốn thủ thế cả. Không ai dám chịu trách nhiệm. Do vậy, đã dẫn đến những kết quả
xấu, nếu không muốn nói là bi đát. Dãy nhà xưởng số 2 không nghiệm thu bàn giao
được, chỉ là một trong nhiều cái đáng nói. Mà về vấn đề đó anh định sửa sai như
thế nào?
- Tôi định giao công việc cho Viện thiết kế.
- Anh làm như vậy là đúng. Giao cho Viện thiết kế để họ giúp
chúng ta sửa chữa lại một cách căn bản. Tôi sẽ cố gắng thu xếp việc học để về
tham gia với anh.
- Cảm ơn Hồng.
- Anh tưởng là tôi không có lỗi trong chuyện này sao? Tôi đã
bỏ mặc anh sa đà vào những sai lầm. Tôi cài bẫy anh đó. Bởi tôi hiểu thế nào là
kỹ thuật mà. Tôi cũng xấu xa lắm chứ. Chỉ cần anh sập bẫy, các đồng chí phó của
anh lên tiếng. Cái mà anh tưởng là hạnh phúc sẽ đổ sụp. Tôi muốn nói sự nghiệp
của anh ấy. Không còn gì. Bây giờ thay một giám đốc đơn giản hơn thay một công
nhân lành nghề. Tôi nói vậy để tự lên án mình. Tôi với anh là đồng chí, là bạn,
mà lòng tôi nhơ bẩn xấu xa quá.
Vũ Tiến im lặng. Mái tóc anh rung lên vì xúc động. Xúc động
con người. Anh cảm thấy tất cả đều vô nghĩa, nhỏ bé, nào là chức vụ, nào là sự
đấm đá ganh tỵ nhau, nào là sự vun quén cho đời sống riêng, nó có nghĩa gì trước
tình cảm cao đẹp con người dành cho nhau. Khi con người, bạn bè, cha mẹ, anh
em, đồng chí không còn thương yêu nhau nữa, tất cả sẽ sụp đổ.
- Thôi, tôi phải về.
Vũ Tiến choáng váng.
Hồng gật đầu chào ông. Cô đứng dậy, mở cửa.
Khi cánh cửa khép lại. Cô đưa tay lên giụi mắt. Cô uống một
hơi, vội vàng, ly nước lớn. Cô muốn tức tưởi trôi khỏi cổ. Chợt nhớ tới đám bạn
trẻ. Họ tới chơi với cô không bao giờ đem theo sự nặng nề như thế này.
Có thể họ sẽ làm được cái gì chăng.
Cô chợt nghĩ. Ý nghĩ kéo dài trong đầu. Cũng khó. Những gương
mặt đám bạn trẻ lần lượt hiện ra trong tâm trí cô. Người nào cũng cười cười,
nói nói. Vô bổ. Có người chỉ nghĩ tới cái gì thật sâu xa. Không tin vào cái gì
thật chắc bền. Cái gì cũng đặt câu hỏi như một hoài nghi. Bốc đồng và năng nổ
là bản chất của họ. Nhưng nền móng con người họ là gì? Cô nghĩ tới lý tưởng. Cô
giật mình khi bên tai bỗng nghe con nhỏ Lan châm biếm cô hôm chủ nhật mới đây:
Lý tưởng là cái tưởng là có lý. Nguy hiểm thật, nếu họ suy nghĩ buông tuồng và
nông cạn như thế. Mình cũng đã im lặng. Chính mình cũng đã buông tuồng như họ,
chấp nhận họ như một tiêu cực của chính mình. Anh ấy, mối tình đầu của Hồng. Chẳng
phải máu anh ấy đã đổ xuống cho lý tưởng. Cả Hồng nữa, những ngày Mỹ ném bom
phá hoại miền Bắc, Hồng đã với khẩu súng trường cùng trung đội tự vệ công trường
trực chiến bắn máy bay. Những ngày sơ tán. Biết bao vất vả gian nan. Nhưng lý
tưởng vẫn sáng chói trong lòng. Lý tưởng đã cho Hồng đứng thẳng người, đã sống
và chiến đấu. Con người có thể nào sống thiếu lý tưởng…
Hồng hoang mang quá. Lý tưởng không phải là điều nói ra là
thành, nói ra là người ta nghe. Không có lời nói nào có thể có cánh, khi nó
chưa bay qua bầu trời cuộc sống. Mà thực tế cuộc sống phải soi qua các tấm gương,
phải va đập, phải bừng cháy. Hồng hiểu ra rồi. Chính các bạn trẻ đã soi vào những
tấm gương mờ như mình. Hồng có thể nói với họ như thế nào về lý tưởng, khi Hồng
sống héo hon, câm lặng và xa lạ như thế này. Một tấm gương mờ. Sự trỗi dậy của
tuổi hai mươi khiến Hồng cảm thấy một luồng sinh lực mới ào ào vào mình. Không
nhận ra mình thì mình sẽ sống ra sao.
Không
thể bắt người khác phải chịu chung bất hạnh của riêng mình. Hồng tự nhủ. Có những
cái có thể thay thế phần nào cái bất hạnh. Phải tìm những thay thế tích cực
trong chính cuộc sống của mình. Sau chiến tranh, bao nhiêu người phải chịu những
bất hạnh. Nhưng nếu ai cũng không muốn sống nữa… Hồng hiểu rằng mình đang nghĩ
đúng đắn nhất về mình. Hồng bỗng muốn nói với một ai đó những điều này. Nhưng,
một mình. Chiếm ghế trước mặt không ai ngồi. Lại phải đối thoại với chính cái
bóng của mình. Không phải. Không có bóng. Chỉ có lương tâm. Con người cần phải
đối thoại với lương tâm.
/ Mờ đọc tiếp Chương 6/
/ Mờ đọc tiếp Chương 6/
Tìm
thấy ở thư viện Mỹ
WASON
PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét