Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT/ Chương 6

  

Tìm thấy ở Thư viện Mỹ 

WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

SÁU

TRẦN HÀ XẾP TẤT CẢ NHỮNG ĐƠN TỐ TỤNG VÀO CHIẾC CẶP DÂY. ÔNG LẤY BÚT ĐỎ, ĐỂ PHÍA NGOÀI BÌA CHIẾC CẶP: CÔNG TRƯỜNG NGÀY MAI. ÔNG TÔ ĐI, TÔ LẠI, NÉT CHỮ ĐỎ CHÓI. CÔNG VIỆC ĐÃ NGẬP MẶT LẠI CÒN RƠI VÀO HOÀN CẢNH KHÓ XỬ NHƯ THẾ NÀY. ÔNG LẨM BẨM MỘT MÌNH. ÔNG ĐÂU NGỜ, VỀ GIÀ ÔNG LẠI BỊ CHÔN CHÂN Ở CÁI CÔNG VIỆC MÀ ÔNG CHO LÀ QUÁ NẶNG NỀ NÀY, CÔNG VIỆC THANH TRA.
Mỗi ngày, cơ quan ông nhận được ít nhất hàng chục đơn từ kiện tụng từ khắp nơi trong thành phố gửi về. Lời lẽ trong đơn, cái nào đọc cũng dễ rơi nước mắt. Chỉ riêng việc hàng ngày ngồi đọc những lá đơn ấy, cũng đủ giảm thọ. Nặng nề. Thống thiết. Kêu gọi công lý. Minh oan. Vậy mà ông vẫn cứ phải làm việc một cách nhẫn nại, gỡ rối lần lần. Và những kết quả công việc cũng thường làm ông vui lòng. Nhưng không phải ít trường hợp làm ông khó xử. Sự công  minh trong ông chông chênh. Ở đời, ai chẳng có thân nhân, mà bên tình, bên lý, mấy khi đã rành rọt phải trái. Tập phồ sơ “Công trường Ngày Mai” này chính là loại trường hợp làm ông khó xử. Những lá đơn kiện giám đốc công trưởng cửa quyền, làm ăn trái nguyên tắc, đuổi người tùy tiện, tham ô, trai gái nữa. Ông thấy phiền lòng. Giữa ông và Vũ Tiến tuy không phải là anh em nhưng cũng có thể gọi là anh em. Hơn nữa, vợ Vũ Tiến, Ngọc Bích, lại là nhân viên của ông. Chính tập hồ sơ này, ông đã đưa NGọc Bích đọc, và cô ta mới hoàn lại ông hồi sáng. Ông bước lại bàn nước, ngồi xuống chiếc ghế xa lông da đã cũ, quấn một điếu thuốc rê. Ông hút loại thuốc nặng. Cứ nhìn làn khói tỏa ra thì biết, khói đặc quánh, mùi khen khét, loại thuốc lá cắt to sợi được trồng ở Gò Vấp. Điếu thuốc làm ông trấn tĩnh và thong thả với suy nghĩ. Ông với tay cầm chiếc điện thoại trên bàn. Không nhấc lên. Một lát, ông buông tay ra. Thở dài. Một hình ảnh sâu đậm của quá khứ lại hiện lên trong lòng ông.
Chuyện ấy mà mình quên thì thiệt lạ. Chuyện thế nào nhỉ? Một loạt đạn địch bất thần nổ, Vũ Tiến lao lên che đạn cho mình. Có ai ngờ 12 ngày sau sự kiện trọng đại ấy của đời mình, chúng ta đã toàn thắng ở Điện Biên. Có lẽ suốt đời mình phải trả ơn Vũ Tiến. Chú ấy đã  không cứu lầm một con người. Mình cũng đã xứng đáng với chú ấy. Nhưng giờ đây, chú ấy gặp nạn, có thể nói như vậy: Gâp nạn. Mà người tham gia vào số phận chú ấy lại là mình. Tình bạn dù sao cũng không phải là một công thức, nhưng rõ ràng là chuyện đời thực không khi nào đơn giản…
Ngọc Bích bước vào đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Trần Hà.
- Ngồi xuống đây cô. – Trần Hà rót ly nước đặt trước khách không mời mà đến. – Cô còn nhớ những lá đơn khiếu nại của cậu Nguyễn Khang không?
- Dạ nhớ. Cậu ta đã từng kiên nhẫn viết đến lá đơn thứ 69 về trường hợp oan ức của mình.
- Cậu ta tới thăm và cảm ơn tôi. Nghĩ cũng lạ, cha giám đốc xí nghiệp Chào Mừng vô lý cách chi sa thải cậu ta vô nguyên tắc. Thế mà chi bộ đảng, công đoàn, tất cả đều ủng hộ giám đốc. Nội vụ lẽ ra chẳng có gì rắc rối. Thế mà phải hơn một năm mới giải quyết xong.
- Cậu ta đã được đi làm lại phải không anh?
Trần Hà gật đầu:
- Cậu ta là một thanh niên thạo việc, tháng nào cũng được khen thưởng trong công tác. Nhưng phải cái bướng bỉnh. Thấy cái gì ngứa  mắt không bỏ qua. Lỗi của cậu ta chỉ ở chỗ chưa biết sống thẳng  như lưỡi liềm. Làm nghề thanh tra phải nắm được bản chất. Và phải đi từ bản chất đến sự việc mà giải quyết. Bởi người có nỗi oan ức đặt niềm tin nơi mình. Mình không công tâm, không kiên trì đấu tranh với cái tiêu cực thì những người oan ức còn biết kêu ai. Bên nguyên, bên bị bên nào cũng lý lẽ đầy mình. Thanh tra đứng ở chỗ nào để cầm cân, bên yếu hay bên mạnh? Đã làm đến giám đốc thì có nhiều bằng hữu làm giám đốc, làm cục, vụ trưởng, thậm chí làm cả trưởng ban thanh tra nữa… Nhưng không công tâm thì làm nghề thanh tra làm gì, suốt đời sẽ phải sống trong dối trá, xu nịnh…
- Dạ, em hiểu, em hiểu… - Ngọc Bích cố giấu sự bối rối của mình. – Anh Hà, từ ngày em về làm công tác với anh, anh thấy em là người thế nào?
- Sao cô lại hỏi tôi như vậy?
- Anh trả lời em đi.
- Là người thế nào à? Thật khó nói. Tính tôi cô biết rồi đó, nhiều người bảo tôi là giáo điều, máy móc. Cái đó cũng có mặt đúng. Tôi máy móc một cách nguyên tắc. Nếu em trai tôi phản bội tổ quốc, tôi sẽ bắn. Còn nếu tham ô t ài sản Nhà nước, tôi sẽ đệ trình truy tố. Trong gia đình thì tôi từ, coi như không anh em gì hết. Với cô, tôi cũng có những nguyên tắc của tôi. Nguyên tắc của người vừa là đồng chí, vừa là anh em. Chúng ta cùng chung lý tưởng, chung hành động, chung mọi suy nghĩ tốt đẹp về xã hội chúng ta, về con người. Tấm thẻ Đảng của cô cũng như tấm thẻ Đảng của tôi, đã được trao bởi trăm phần trăm cánh tay đảng viên và quần chúng. Tôi nói vậy, cô hiểu chứ.
- Anh nghĩ thế nào về những lá đơn khiếu nại đối với ban lãnh đạo công trường Ngày Mai?
- Trước hết, tôi nghĩ về chú ấy. Chú ấy đã cứu sống không lầm một con người là tôi…
- Mấy đêm nay, em mất  ngủ về tập hồ sơ anh cho mượn đọc.
- Cô nghĩ là tôi ngủ được sao? Về nguyên tắc, lẽ ra tôi không đưa cô đọc. Như vậy sẽ mất tính khách quan. Nhưng tôi thiết nghĩ cô nên biết. Đã trao đổi với chú ấy chưa?
- Mấy hôm rày công trường bận rộn quá, anh ấy về đến nhà là mệt rũ, em không muốn cho anh ấy mệt thêm.
- Chứ không phải vì nguyên tắc người cán bộ thanh tra?
- Dạ không. Anh Hà, em muốn được xin anh trực tiếp giải quyết hồ sơ công trường Ngày Mai.
- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Dạ.
- Cái chính yếu tôi muốn hỏi cô: Chú ấy là người thế nào?
- Trước đây em vẫn thường nói với anh, nhà em là một người tuyệt diệu.
- Trước kia tôi đã chứng kiến rồi. Nhưng quan trọng là bây giờ. Bây giờ chú ấy có còn là con người tuyệt diệu  nữa không?
- Về điều đó em chưa thể trả lời với anh được.
- Cô và chú ấy sẽ sống với nhau tới đầu bạc răng long, cô không thể không biết chú ấy là con người như thế nào. Không ai cần câu trả lời ấy hơn cô.
- Chính vì vậy em mới đề nghị anh…
- Lời đề nghị của cô tôi không phản đối. Nhưng dù sao cũng không đúng nguyên tắc. Vợ đi thanh tra chồng. Ở nước mình điều này người ta chưa quen. Nhưng tôi không phản đối. Tôi sẽ trao đổi thêm với cấp ủy và đồng chí phó ban. Tôi sẽ trả lời cô sau. Kể cũng rắc rối thật…
- Em vẫn tin là chẳng có chuyện gì xảy ra với anh ấy.
- Tôi cũng mong như vậy.
- Anh Trần Hà, em khổ quá…
- Ơ, cô đã nói với tôi hay ai nói với tôi nhỉ: không có tình yêu dễ dàng…
Nhưng nếu sự thật phũ phàng?
- Không có sự thật nào đáng lảng tránh cả. Chú ấy là chồng cô. Còn ai gần gũi chú ấy hơn cô? Thế  mà đến cả cô cũng chưa trả lời được câu hỏi: Chú ấy là con người như thế nào? Chẳng lẽ tôi cần câu trả lời đó hơn cô sao?
Ngọc Bích hoàn toàn cảm thấy Trần Hà nói đúng. Ít ra mình cũng còn sống với Vũ Tiến trong một căn nhà, ngủ chung trên một chiếc giường, dạy dỗ hai đứa con. Vậy mà mình không hiểu con người anh ấy là thế nào thì vô lý quá.
Ngọc Bích đứng dậy.
- Lời đề nghị của cô tôi sẽ trả lời sau. Cần phải bình tĩnh cô ạ.
Ngọc Bích nhìn Trần Hà cảm ơn. Trần Hà hiểu ý nghĩa cái nhìn đó. Gần như lần đầu tiên ông nghĩ tới những điều mà đầu óc máy móc của ông chưa hề nghĩ tới. Ông sẽ cố gắng dàn xếp mọi chuyện ổn thỏa. Dù sao, chú ấy cũng đã cứu mình sống. Ơn nghĩa vẫn là điều mà con người ta không thể quên. Ông đứng dậy, đi đi lại lại. Ổn thỏa nhất là để cho chính Ngọc Bích xem xét vấn đề này. Cổ là vợ Vũ Tiến, lại cũng là người rất có uy tín trong cơ quan. Mình tin là cổ sẽ không làm điều gì thái quá để lương tâm ân hận. Và như vậy, đối với mình cũng sẽ dễ chịu hơn…
Mắt Trần Hà vẫn không rời cặp hồ sơ công trường Ngày Mai. Ông lại cầm cây bút đỏ tô đậm hàng chữ ông viết khi nãy. Ông lẩm bẩm. Một loạt đạn nổ bất thần. Chú ấy lao lên che đạn cho mình. Cũng may mà chú ấy chỉ bị thương. Trong người chú ấy đến bây giờ còn chưa gắp hết mảnh đạn. Nếu chẳng may, hồi ấy, Vũ Tiến chết, thì chính mình, mình đã sống hai cuộc đời, một của mình và một của chú ấy. Chú ấy đã sống và đã trưởng thành xứng đáng. Mình cũng đã từng tự hào về chú ấy. Cả bây giờ cũng vậy, mình vẫn tin chú ấy. Nếu chú ấy có những sai lầm thì những sai lầm ấy cũng là sai lầm của mình. Mình không thể xa chú ấy trong lúc này.
Trần Hà cứ ngồi như thế, với những suy nghĩ thành lời trong óc. Chuông điện thoại reo lên hai lần, ông vẫn không nhấc ống nghe. Cô thư ký trẻ rón rén bước vào:
- Thưa chú, có điện thoại bên Văn phòng Thành ủy. – Ông gật đầu và vẫn ngồi im lặng. Cô thư ký nhẹ tay khép cửa lại, đi ra.

/ MờI đọc tiếp Chương 7/

Tìm thấy ở thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét