Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT/ Chương 7

  

Tìm thấy ở Thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY


ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987

NGUYỄN NGUYÊN BẢY


BẢY

VŨ TIẾN VỀ ĐẾN NHÀ ĐÃ 10 GIỜ KHUYA. NGỌC BÍCH HỐT HOẢNG TRƯỚC GƯƠNG MẶT XANH XAO, MỆT MỎI CỦA CHỒNG. BÀ ĐÓN CHIẾC CẶP TRONG TAY VŨ TIẾN VÀ DÌU ÔNG NGỒI XUỐNG GHẾ. VŨ TIẾN GƯỢNG CƯỜI. ÔNG BẢO RẰNG CÔNG VIỆC CƠ QUAN LÀM CHO BỆNH HEN CỦA ÔNG CÓ NGUY CƠ TÁI PHÁT. NGỰC ĐÃ NGHE NẰNG NẶNG. TIẾNG THỞ ĐÃ KHÒ KHÈ. BÀ KHUI MỘT CHAI NƯỚC NGỌT VÀ KHUYÊN ÔNG NÊN UỐNG VÀI VIÊN THUỐC HEN ĐỂ NGỪA CƠN. ÔNG GẬT ĐẦU. MỘT CÁI GÌ ĐÓ, HỮU HÌNH, KHIẾN ÔNG CẢM THẤY GẦN GŨI VÀ ẤM ÁP. VỢ ÔNG VẪN NHƯ NGÀY NÀO, VẪN LÀ VẦNG TRĂNG MÁT, VẪN LÀ CÁI CÂY ĐỂ ÔNG TỰA VÀO, VẪN LÀ TIẾNG RU ĐỂ ÔNG QUÊN TẤT CẢ MỆT NHỌC. NGƯỜI VỢ, ÔNG BỖNG HIỂU LÀ KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÀN BÀ NÀY, CUỘC ĐỜI ÔNG SẼ HOÀN TOÀN CHẲNG CÒN GÌ NỮA, ÔNG SẼ CHỚI VỚI TRÊN ĐẠI DƯƠNG ĐỜI, VÀ SẼ NHƯ NGỌN GIÓ BÔNG LÔNG, HOANG DÃ TRÊN ĐỒNG CỎ. ÔNG NẮM RẤT LÂU BÀN TAY VỢ, KHÔNG NÓI MỘT LỜI. NHƯNG ÔNG TIN LÀ VỢ ÔNG HIỂU TẤT CẢ. VỢ ÔNG KHUYÊN ÔNG NÊN NẰM NGHỈ CHO LẠI SỨC. ÔNG NGHE LỜI VỢ MỘT CÁCH NGOAN NGOÃN BƯỚC VỘI LÊN LẦU, CỞI BỘ QUẦN ÁO NGOÀI, GIEO MÌNH XUỐNG GIƯỜNG. NGỌC BÍCH DỌN DẸP NHÀ DƯỚI VỘI VÃ. BÀ LO LẮNG, RỐI BỜI.

Lên lầu, bước vào phòng ngủ, bà đã nghe tiếng thở đều đặn, nặng nề của chồng. Bà hiểu là ông đã ngủ. Cái đầu nặng trịch cả chiếc gối trắng.
Bàn tay thay cho ngôn ngữ. Bà đặt bàn tay mát rượi lên trán chồng hâm hấp nóng. Bà nhẹ nhàng xoa vầng trán ấy. Nơi cửa sổ, trằng mười bảy sáng mát một vùng. Mùi hoa lan từ ngoài vườn tỏa hương thơm dịu. Ngọc Bích nhìn chồng ngủ. Những bết nhăn nơi trán, nơi đuôi mắt, bên miệng. Thời gian đã đánh dấu những khó khăn trên vẻ đẹp của khuôn mặt đầy tự tin này. Hơn hai  mươi lăm năm chung sống, một chặng đường thật dài của ngày hôm nay với cái ngày đầu tiên ấy…
Hà Nội đang là mùa đông của năm Thủ đô giải phóng. Hai cô nữ sinh Trưng Vương, đồng phục quần trắng áo dài trắng, mặc ngoài chiếc áo len đan dày, màu thiên thanh. Đó là Huệ và Ngọc Bích của tuổi 17. Phố phường chứng kiến cảnh hai cô, ngày nào cũng trên hai chiếc xe đạp, tới khắp các đơn vị bộ đội đóng quân trong thành phố để hỏi tin Vũ Tiến. Vũ Tiến là anh ruột của Huệ, nữ sinh trường Nguyễn Trãi, cuối năm 1951, theo người chú ra vùng tự do, tòng quân. Chàng thanh niên học sinh ấy, lẽ ra phải về nhà ngay sau khi hòa bình lập lại. Nhưng như một hòn đá ném xuống nước, mất tăm. Mấy tháng nay rồi, gia đình anh chờ đợi và lo lắng.
Bà mẹ đã khóc hết nước mắt. Tối tối, bà thắp hương nguyện cầu. Và trong làn khói hương lan tỏa ấy, ngồi trắng đêm để nhớ thương con. Huệ và Ngọc Bích chỉ biết an ủi mẹ bằng cách đi tìm Vũ Tiến, với niềm tin là anh còn sống và hiện đang ở đâu đó, chưa thể về nhà. Ngọc Bích coi mẹ của Huệ cũng là mẹ của mình. Với Vũ Tiến cô chưa quên gương mặt, vì ngày Vũ Tiến đi, chính cô và Huệ đã cùng đi ăn kem chia tay với anh.
Lòng tin ủng hộ đôi bạn gái. Họ đã tìm thấy Vũ Tiến trong một quân y viện.
Nước mắt. Các cô cùng khóc. Vũ Tiến không khóc, nhưng mắt đỏ hoe. Tay phải, vai phải, và bên sườn phải của anh, băng trắng quấn đầy. Anh kể rằng anh chỉ bị thương xoàng. Vừa mổ lấy đạn ra. Và bây giờ sắp bình phục. Anh nói vậy để làm vui lòng hai cô gái. Nhưng anh không thể giấu là mình bị mất máu khá nhiều, mặt xanh lét. Anh chống chế rằng, anh muốn gây bất ngờ với mẹ và em gái. Ngày xuất viện, anh sẽ trở về nhà, trong bộ quân phục người chiến thắng. Cả nàh sẽ thấy là anh lành lặn, nguyên vẹn như ngày ra đi. Anh khen Huệ đã lớn nhiều, ra dáng thiếu nữ. Còn Ngọc Bích thì đẹp hơn anh tưởng tượng rất nhiều. Anh bảo, trong những ngày đi chiến đấu, anh thường gặp mẹ và hai em trong những phút hiểm nguy nhất. Vaà những hình ảnh ấy đã cho anh thêm sức mạnh, tuy anh đã có vẻ người lớn nhưng trong giọng nói vẫn còn giữ nét nghịch ngợm của tuổi học trò nhất là nụ cười và cái nheo nheo mắt.
Ngọc Bích chỉ ngồi nhìn anh. Cô thấy như anh chưa hề đi xa các cô bao giờ. Chỉ mới hôm qua đây, ở hiệu kem, ba anh em còn ngồi ăn với nhau, chuyện trò vui lắm. Cảm giác thương mến dâng đầy trong lòng Ngọc Bích. Cứ nhìn những vòng băng trắng quấn quanh người anh, cô đã muốn khóc rồi. Cô không có anh trai, nên với cô Vũ Tiến như một người anh, gần gũi. Trước đây cô đã nghĩ về anh như thế. Mong sao bây giờ cũng vậy. Nhưng chẳng biết vì sao, mắt cứ chạm vào cái nhìn của anh là má cô lại nóng bừng. Cô muốn nói một câu gì đó mà người em gái thường nói với anh, nhưng không tìm được lời.
Hôm sau, hôm sau nữa rồi một tuần lễ, Huệ rủ Ngọc Bích đi thăm Vũ Tiến. Cô đều từ chối. Vì sao từ chối cô cũng không biết nữa. Cô che giấu cảm xúc của mình. Anh ấy đâu còn như hôm qua, đã là anh bộ đội, đã lớn rồi. Còn mình, bé bỏng gì nữa, đã 17 tuổi. Bố mẹ sẽ bảo mình là con gái hư. Nhưng nỗi nhớ đã xâm chiếm lòng cô. Nó chưa có hình, chưa rõ nét, nhưng man mác, bâng khuâng. Những vòng băng trắng quấn quanh người anh ấy làm cô khóc. Cái nheo mắt và nụ cười tinh nghịch làm cô cười. Thế nào nhỉ, anh ấy gọi mình bằng em. Tiếng gọi như ngày nào, tự nhiên, chẳng cách xa, ngượng ngập. Vậy mà sao rung động trái tim cô. Cô chợt hiểu, một cái gì khác lạ đã len lỏi vào cô.
Sau mỗi lần đi thăm anh trai về, Huệ lại mang lời thăm hỏi của anh ấy cho Ngọc Bích. Tại sao không thấy Bích tới? Em giận nhau với Bích rồi sao? Hay là Bích không muốn gặp anh khi thấy anh thương tật? Ngọc Bích ôm vai bạn. Cô muốn thét to. Thôi đừng nói nữa. Nói như thế làm gì. Ngọc Bích là con người thế nào mà anh ấy thương tật không muốn gặp. Cô chợt hiểu. Anh ấy trách mình. Trách có nghĩa là còn nhớ. Nhớ, cô lắng dài cảm xúc ấy. Bởi không có gì với mình thì việc gì anh ấy phải nhớ. Mình sẽ đi thăm anh ấy, ngay ngày mai. Mình sẽ làm những gì mình muốn. Mình sẽ nói tất cả. Thương nhớ đã đầy trong lòng.
Sự có mặt của Ngọc Bích làm cho anh ấy vui hẳn. Anh đứng dậy. Ôm mẹ. Và cái nhìn đọng lại rất lâu cùng với lời chào: Bích cũng đến thăm anh…
Lúc ba mẹ con tới, Vũ Tiến đang nói chuyện với một anh bộ đội lớn tuổi hơn. Sau này Ngọc Bích được biết, đó là anh Trần Hà, thủ trưởng của Vũ Tiến. Anh Trần Hà cũng rất vui. Anh nắm bàn tay mẹ, mời mẹ ngồi xuống ghế, ân cần như chính mẹ mình.
- Vũ Tiến nó gan lắm. Con hỏi số nhà để tìm mẹ, nó giấu. Nó bảo, khi mẹ đưa nó ra vùng tự do đi tòng quân, nó lành lặn, đẹp trai, thì khi nó về cũng phải lành lặn đẹp trai. Nó đã làm mẹ khóc hết nước mắt phải  không mẹ.
Bà mẹ gật đầu. Mắt mọng nước và lại trào ra. Từ ngày gặp lại Vũ Tiến, ai nhắc tới niềm vui, bà cũng khóc. Gặp ai, mỗi khi kể về con mình, bà không giấu nổi nước mắt.
Trần Hà nhìn hai cô gái:
- Cậu ta vẫn đẹp trai phải không các cô?
Bà mẹ mắng yêu:
- Đẹp với chả xấu. Mẹ thương nó, cần nó, chứ đẹp với xấu mà làm gì.
Ngọc Bích muốn thưa với mẹ, trong mắt cô, anh ấy vẫn tươi trẻ và đẹp như hồi nào. Chẳng những thế còn rắn rỏi hơn. Nhưng cô không thể nói. Ngượng ngập ríu lưỡi cô.
Trần Hà nắm bàn tay nhăn nheo của mẹ. Dù là người đã từng trải, nhưng anh vẫn xúc động. Anh kể cho mẹ nghe trường hợp nào mà Vũ Tiến bị thương. Lúc đó cả đơn vị đang ém dưới giao thông hào chờ mệnh lệnh xung phong. Và khi một tiếng ai đó hô lê: Xung phong, Trần Hà băng khỏi giao thông hào lên, Vũ Tiến bám sát theo. Chợt cả hai nhìn thấy hỏa điểm súng máy của địch phía cánh trái nhả đạn chéo cánh sẻ. Lửa và tiếng nổ bay nhanh hơn lời nói. Trần Hà bỗng thấy Vũ Tiến lao lê, đè anh ngã sấp xuống. Anh chỉ thấy đạn bay vèo vèo qua đầu mình…
- Mẹ biết không, nếu không có Vũ Tiến thì con chắc không thoát được loạt đạn  bất ngờ ấy. Em nó đã cứu con, mà… cũng may, em chỉ bị thương. – Lặng đi một lát. – Mẹ, xin mẹ hãy coi con như là con trai của mẹ.
Ngọc Bích bàng hoàng. Cô không phải là nữ sinh ngốn ít sách. Cô nhớ lại những nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết. Cô chưa gặp ai dám lao lên trước làn đạn cứu đồng đội. Thế mà chuyện này đã xảy ra. Anh ấy, một con người bằng xương bằng thịt. Con người ấy đang ngồi trước mặt cô, bẽn lẽn khi nghe người khác kể lại kỳ tích của mình. Ánh mắt cô phủ hào quang lên gương mặt anh ấy. Lúc này, những gương mặt các bạn trai cô trở thành mờ nhạt. Đã có anh chàng con trai bạn của ba cô, có ý với cô nhưng lòng cô chưa lúc nào có được nỗi rung động bằng phút giây này, trước mặt Vũ Tiến. Vũ Tiến. Cô bỗng gọi tên anh trong lòng. Nếu không có ai, chỉ hai người, cô đã dám tiến lại trước mặt anh ấy, đặt bàn tay tring trắng này lên bàn tay anh ấy và nói: Em yêu anh.
Một tháng sau, Vũ Tiến ra viện. Ngày đầu anh nghỉ phép về thăm nhà. Ngọc Bích không dám tới nhà Huệ mặc dù cô đã hứa chắc chắn sẽ tới phụ Huệ và mẹ làm bún thang. Cô bồn chồn, dắt xe ra mấy lần. Nhưng chỉ đi được một quãng, cô lại quay trở về. Lần thứ tư, khi vừa định dẫn xe ra thì đột ngột anh ấy tới. Lòng tự ái của cô được đền bù. Vũ Tiến đã tới tìm cô chứ không phải ngược lại.
- Anh tới xin phép bố mẹ…
Ngọc Bích gật đầu. Cái nóng bừng của gương mặt cô hình như đã nói cả với anh.
Anh phá tan sự bối rối của cô. Anh hỏi chuyện học hành của cô. Có chuyện gì đáng kể đâu, cô chỉ muốn nghe chuyện của anh thôi. Cô cảm thấy bạo dạn vì sự cởi mở của anh. Cô muốn anh kể cho nghe về cái chuyện cô gọi là lao lên trước làn đạn. Anh chỉ cười. Và hình như cảm thấy không có gì đáng kể.
- Khi ấy anh không sợ sao?
- Giáp mặt với cái chết người ta quên sợ hãi.
- Lúc đạn nổ có biết không?
- Thấy đau nhói như kiến đốt. Sờ tay vào thấy ướt, biết là chảy máu.
- Thế rồi người ta cứu anh?
- Tất nhiên, đồng đội cứu anh, nếu không, anh đã chẳng thể về với mẹ và với em…
Thế là rõ cả rồi. Ngọc Bích tự nói với mình. Anh ấy đã yêu mình, có thể từ cái ngày ấy, cái ngày chia tay nhau ở quán kem. Cô hiểu rằng, cô không thể sống thiếu anh. Và chắc anh cũng vậy, nhìn vào đôi mắt anh, cô thấy tất cả điều đó…
Đứa con đầu lòng chào đời. Chị đang dạy cấp một, trường phổ thông gần nhà. Còn anh, đang đi học. Đơn vị cho anh chuyển ngành, anh thi đậu vào trường kỹ thuật.
Những ngày tháng này hạnh phúc biết bao. Câu chuyện của họ một màu hồng. Họ cảm như cuộc đời mình đẹp như vẫn thường kể trong các chuyện cổ tích. Mà họ là đôi chim, cánh lộng gió bay tới chân trời mơ ước.
- Con chúng ta sẽ thành nhạc sĩ, em có đồng ý như vậy không?
- Em thích con chúng mình thành nhà thơ.
- Anh không phản đối. Nhưng muốn thành nhà thơ cũng cứ phải biết chơi đàn. Tuyệt lắm em ạ, khi hoàng hôn xuống, mặt trời đỏ những tia cuối cùng, trong tay một cây đàn ghi ta… Em thử tưởng tượng xem còn gì thơ mộng cho bằng.
- Lúc đó ngồi đọc thơ, những vần thơ hùng tráng nhất về con người, không phải là không tuyệt đâu anh. Đọc thơ trong hoàng hôn đang xuống…
- Anh hình dung ra rồi. Kể như vậy cũng tuyệt. Không còn chiến tranh nữa, con chúng mình sẽ thành nhạc sĩ hay nhà thơ, ước mơ cha mẹ chưa làm được các con sẽ làm đúng không em?
- Con chúng ta sẽ thụ hưởng những sáng tạo của nhân loại.
- Và cũng sẽ cống hiến cho nhân loại những sáng tạo của mình.
Họ đã nói với nhau như thế, ngày này qua ngày khác. Đầu óc họ rộng mở tới chân trời thế giới đại đồng, trong đó tất cả trẻ con đều đọc thơ và đánh đàn trước hoàng hôn kỳ diệu.
Tình yêu đối với họ thanh thoát và cao thượng, không vẩn những ham muốn vật dục. Họ lý tưởng hóa tất cả mọi quan hệ, mọi sự kiện xảy ra quanh mình. Cả đến sự âu yếm, những cái hôn, họ cũng trao cho nhau một cách thanh cao. Họ dành cho nhau những đêm trăng trò chuyện. Họ tặng nhau những những món quà nho nhỏ khi là một cuốn sách đang được hâm mộ, khi một tấm bưu ảnh. Cũng có khi chị bạo dạn, làm cả thơ tặng anh. Thơ không hay, nhưng cái đó quan trọng gì, với anh như thế là tuyệt vời rồi. Anh cảm động, học thuộc và thỉnh thoảng ngồi đọc một mình.
Thế rồi Vũ Tiến ra trường. Điều mọi người cho là không may mắn đã xảy ra với Vũ Tiến. Anh được điều động công tác về Thái Nguyên, chứ không phải Hà Nội. Nhưng chị biết, chính anh đã xin lên trên đó, bởi anh muốn lao vào thực tế, anh cần đóng góp cao nhất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có một thoáng buồn khi phải xa anh nhưng chị không tìm cách buộc chân anh lại.
Xa nhau,ai bảo cuộc sống ít lãng mạn hơn. Những lá thư chị gửi anh, không có nước mắt nhưng tràn ngập thương nhớ. Anh đáp lại những lá thư chị bằng niềm tin phơi phới vào tương lai. Một thời kỳ đẹp như tiểu thuyết. Chị lên Thái Nguyên thăm anh trong mùa thi công. Và anh về thăm chị mười ngày nghỉ phép năm. Họ vẫn say nhau, âu yếm nhau, mê nhau như trong tuần trăng mật…
Vũ Tiến cựa mình, quờ tay theo thói quen tìm thân hình vợ, trong mơ, ông ôm vào lòng chiếc gối dài.
Ngọc Bích đặt lại đầu Vũ Tiến ngoẹo một bên, vào giữa chiếc gối trắng.
Ngọc Bích đứng dậy, thay bộ đồ ngủ. Rón rén nằm xuống bên chồng. Bà gỡ tay ông ra khỏi chiếc gối. Nâng đầu ông lên cánh tay mình. Bà nghe từng hơi thở đều của ông. Cánh tay phải, vai phải, những vết sẹo còn đó, cọ vào da thịt bà. Cũng như mọi lần, niềm kiêu hãnh về chồng lại dậy trong lòng. Một con người với một quá khứ như thế, chẳng phải đáng kiêu hãnh sao. Trước làn đạn của quân thù, coi thường cái chết, đã lao vào cứu đồng đội. Quá khứ ấy, không phải sau này lu mờ, mà sức tỏa sáng đã bền lâu trong con người Vũ Tiến.
Từ Thái Nguyên, Vũ Tiến được điều động về xây dựng khu công nghiệp Cao-xà-lá Hà Nội. Những mùa thi công trắng đêm. Người anh gầy tọp. Chị tới thăm, vẫn chỉ bắt gặp ở chồng một nụ cười. Khu Cao-xà-lá bước vào sản xuất. Bộ định cho anh đi học. Anh từ chối và tình nguyện đi xây dựng nhà máy điện Uông Bí. Đầu năm 1965, Vũ Tiến được điều động về chỉ huy thi công nhà máy dụng cụ cắt gọt Hà Nội.
Những cái ao của khu đất làng Mọc Chính Kinh được san lấp vội vã. Cần phải mọc dậy nhà máy càng sớm càng tốt. Kẻ thù đang muốn đốt lên cuộc chiến tranh cục bộ trên miền Bắc. Những quả bom phá hoại đầu tiên do máy bay Mỹ đã rải xuống. Lại đêm nối vào đêm thức trắng. Và một đêm, cũng rất khuya, anh trở về nhà mệt mỏi. Anh hỏi chị, tình cảm và đột ngột:
- Từ ngày chúng mình lấy nhau, anh có làm em buồn khổ nhiều lắm không?
- Sao lại buồn khổ? Anh không vừa lòng vì em và các con sao?
- Về em, anh chẳng có điều gì phải phàn nàn. Em là người vợ tốt nhất đời của anh.
- Thế vì sao anh lại hỏi em như vậy?
- Anh biết, em đã yêu anh vì anh là một người chồng dũng cảm và cao thượng. Nhưng nếu như bây giờ anh đã mất những đức tính ấy, thì em nghĩ sao.
- Không bao giờ anh là người hèn nhát. Anh mãi mãi là người xứng đáng với lòng tin yêu của em.
Anh ôm chị vào lòng.
Những ngày ở xa nhau, trên Thái Nguyên, ngoài Uông Bí, lúc gặp khó khăn, chính là lúc anh viết thư về cho chị nhiều nhất. Và bao giờ anh cũng tìm được giải pháp tốt nhất cho công việc. Chính lúc này anh đang tìm một giải pháp. Hoặc dũng cảm hoặc hèn nhát. Việc lấp những ao hồ ở vùng đất làng Mọc đã khiến anh mất ngủ nhiều đêm. Một bên là sự hối thúc của cấp trên. Một bên là sự thật của kỹ thuật. Nền móng trên đất bùn và cát cần thiết phải được gia cố một cách cẩn trọng. Chỉ huy trưởng công trường, một cán bộ chính trị đã có tuổi, yêu cầu anh bằng mọi cách phải vượt qua giai đoạn thi công nền móng. Ông đã hứa trước Bộ rồi. Không còn cách nào khác. Nếu không xử lý bằng những cọc tre đơn thuần, thì nền móng không thể đảm bảo. Phải xử lý bằng cọc  bê tông dài. Chỉ huy trưởng không chấp nhận. Vũ Tiến sẽ là ai? Đấu tranh hay lùi bước? Lá đơn xin vào Đảng của anh với lời thề trung thành với Đảng. Anh day dứt. Chẳng lẽ cam chịu để đạt mục đích của mình.
Trong thời khắc bồng bềnh đó, người anh đã nghĩ tới nhiều nhất chính là chị. Chị đã thủ thỉ với anh:
- Anh vào Đảng để phục vụ lợi ích của Đảng, chứ không phải vì sự  mát mặt cho em hay giành giật quyền lợi cho con…
Anh hiểu ý chị. Anh đã đấu tranh một cách vất vả cho cái đúng. Anh viện dẫn những người bạn trên Viện thiết kế, anh hỏi ý kiến các chuyên gia Liên Xô. Sự say mê của anh đã khiến tất cả các bạn bè đồng chí hiểu anh. Ngày anh vào Đảng, chính đồng chí chỉ huy trưởng công trường đã nắm tay anh rất chặt và bày tỏ sự sung sướng khi có thêm anh đứng trong đội ngũ. Anh đã chia niềm vui này với chị. Anh đã nói một cách chân thành rằng: Chính chị đã bỏ một lá phiếu đúng đắn nhất kết nạp anh. Niềm vui của anh hôm ấy cũng là niềm vui của chị ba năm sau. Lễ kết nạp chị được tiến hành giữa hai đợt máy bay ném bom bắn phá. Chị đã viết thư kể cho anh nghe. Và anh, từ một nơi sơ tán tức tốc đạp xe bay về với chị. Những cái hôn đồng chí chia vui. Thằng Út ra đời đúng lúc chiến sự ác liệt nhất xảy ra. Đồng thời thằng lớn lại nằng nặc đòi lên đường đánh giặc. Nó chưa đủ tuổi. Những lá đơn viết bằng máu với cái tuổi 17. Tờ giấy gọi nhập ngũ cuối cùng đã tới tay con trai. Chị từ Hà Bắc xuống. Anh từ Hà Tây về. Hà Nội những ngày tháng chạp 1972. Đêm trước buổi con lên đường. Giặc Mỹ rải thảm B.52 những khu đông dân Hà Nội.
Sát kề khu nhà anh chị, tiếng bom rền và lửa cháy. Con trai và bố vùng từ dưới hầm cá nhân lên. Cháy khu nhà lá Lương Yên. Hai bố con chạy ra đường lao về phía đám cháy. Lửa đỏ rực. Những thây  người chết đen, tan nát. Những chiếc cáng cứu thương rẽ đám người, vội vã, họ khiêng từ trong lửa cháy ra những nạn nhân đang bị đốt thành than. Những thân hình nằm trên cáng. Mùi khét thịt người. Mười đầu ngón tay, ngón chân lửa ngún đỏ như những điếu thuốc lá trong màn đêm đen ảm đạm. Hai bố con khiêng chung một cái cáng. Không cần phải nói gì với con trước buổi lên đường. Ngày mai con đi, con sẽ hiểu tất cả.Con phải làm gì để những thây người chết tức tưởi này ngậm cười nơi lòng đất. Lúc tiễn con hai vợ chồng nhìn nhau. Chị đã khóc. Và mắt anh đỏ bầm.
- Đừng khóc nữa em. Con nó lên đường không yên lòng.
- Cuộc chiến tranh đã suýt nữa cướp mất anh. Và nây giờ đến con, biết bao giờ nó trở về. Nếu… - Chị không nói hết câu trong tiếng khóc.
- Không có cách nào khác em ạ. Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng quân thù không để chúng ta yên.
- Con ơi, mẹ cầu nguyện cho con chóng đến ngày trở về. – Chị cắn răng cầm tiếng nức nở. Anh ôm chị trong vòng tay. Chính lúc này anh cũng cảm thấy mình yếu đuối. Anh đang an ủi chị, nhưng anh đang cần lấy lại sức mạnh cho mình. Con người không phải gỗ đá hay loài sinh vật bình thường. Đau lòng của biệt ly, anh hiểu lắm. Chính ở công trường, nơi anh đang giữ cương vị chỉ huy trưởng, anh đã chứng kiến những cảnh đời trái ngược. Người ta đã sợ hãi và chán ghét chiến tranh. Người ta tìm đủ mọi cách để con cái không phải ra mặt trận. Nhân viên của anh có người được gọi ra mặt trận, đã bỏ trốn. Còn anh, với sự quen biết, có thể xin hoãn nhập ngũ cho con. Rồi lo cho con, tới hè vào đại học, vậy là xong. Nhưng anh không thể. Cả chị cũng không thể. Anh chị không muốn tự phỉ nhổ vào lương tâm mình. Nhưng là đơn viết bằng máu của con. Chẳng lẽ anh chị bắt con mình không được sống theo lý tưởng đã lựa chọn.
Mẹ buồn nhớ con. Nhưng con của mẹ hãy đi đi. Đừng làm hổ thẹn cuộc đời của bố con. Chị đưa con nhập vào đám đông các chiến sĩ mới. Tất cả các bà mẹ đều khóc.
Và đứa con trai ấy đã không trở về.
Chợt nghĩ về con, Ngọc Bích lại thấy nước mắt trào ra, nóng hổi, rơi xuống gối. Người chồng, người cha, mái tóc đã nhiều sợi bạc, đang thở nặng nề bên vợ. Tay gối đầu cho chồng đã mỏi nhưng Ngọc Bích vẫn giữ yên trong êm dịu. Tay bên kia đưa lên thấm những giọt nước mắt.
Vũ Tiến nói ú ớ trong mơ. Ngọc Bích nắm bàn tay chồng như lay gọi. Ông vẫn li bì. Bà bóp trán cho chồng. Vũ Tiến lại nói như quát. Và bỗng ông choàng dậy, thấy vợ vẫn đang bóp trán cho mình.
- Em chưa ngủ sao?
- Em ngủ rồi, nhưng thấy anh nói mơ… Một giấc mộng khủng khiếp phải không anh?
- Anh thấy thằng Dũng nhà mình…
- Anh mơ thấy con?
- Ờ, nó hiện về, trẻ quá, ngây thơ quá, nó hỏi anh, ba ơi má con đâu? Anh chưa kịp nói gì với nó, đã thấy nó lao lên phía trước, hỏa lực địch nhả đạn quyết liệt, anh thấy con mình ngã xuống, anh thét lên… Thật đau lòng, nó trẻ quá, đẹp quá, mà không được sống tiếp cuộc đời…
Vũ Tiến thấy vai vợ rung lên. Tiếng khóc tận đáy lòng.
- Thôi em, đừng khóc nữa. Dù sao, con chúng  mình cũng đã không hổ thẹn.
Vũ Tiến vuốt nhẹ cánh tay vợ. Ông muốn tìm một lời an ủi. Mà tại sao ông lại mơ thấy thằng Dũng. Và ông kể lại cho vợ nghe làm gì. Chẳng phải khi nhận được tờ giấy báo tử màu xanh, vợ ông đã khóc vật vã, ngất đi đó sao?
Ngọc Bích cũng ngạc nhiên về giấc mơ của chồng. Một cái gì đấy như là sự thần giao cách cảm. Bà cũng đang nghĩ về con, về cái ngày nó ra đi và mãi mãi không trở về…

/ Mờ đọc tiếp Chương 8/

Tìm thấy ở thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét