Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT/ Chương 8


Tìm thấy ở Thư viện Mỹ.
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

TÁM

VŨ TIẾN NẰM YÊN BÊN VỢ, LẶNG NHƯ ĐANG NGỦ NGON, NHƯNG ĐẦU ÓC CHẬT NÍCH NHỮNG SUY TƯ…Trần Hà đột ngột gọi điện thoại cho mình. Không có chuyện gì mới. Mà vẫn câu chuyện của ký ức, câu chuyện của thời trai trẻ. Điều đó có vô cớ không? Lại nữa, thái độ của Ngọc Bích. Lo lắng và băn khoăn cho mình. Hai  mắt sụp xuống như là khóc và thiếu ngủ. Như vậy, có nghĩa là dư luận đã đúng. Một số kẻ ở công trường đã chơi khăm mình. Họ đã tố cáo.

Mình không muốn đối thoại với vợ. Chuyện sẽ chẳng ra sao. Già một đời rồi. Lại là giám đốc. Để vợ lo lắng nỗi lo lắng của mình thì thật là phi lý. Nhưng mình thật là kém cỏi trong cách xử lý. Đã mang về nhà gương mặt méo mó và ốm mệt. Như vậy, vợ không băn khoăn sao được. Những năm chung sống, chưa khi nào mình tỏ ra kém cỏi và ốm mệt cả. Tổ ấm gia đình là hạnh phúc cuối cùng, lâu đài này không được phép lung lay vì những điều ngoài nó.
Mà họ tố cáo mình về điều gì mới được chứ? Với cương vị một giám đốc, người ta dễ phạm phải: Tham ô, ăn cắp tài sản nhà nước, ăn hối lộ, cửa quyền, vi phạm luật lao động với cấp dưới, tha hóa, lừa dối cấp trên. Mình có thể nói về những điểm này như thế nào? Hơn ba chục năm đi theo cách mạng, mình đã có một gia tài ra sao? Căn nhà ư? Nhà của Nhà nước, người ta đã cấp căn nhà này cho mình sau đợt dánh tư sản thương nghiệp. Một căn nhà bình thường mà nhiều cán bộ như mình, hoặc thấp hơn mình, thậm chí cả công nhân viên cũng được cấp. Dạo đó, cơ quan được cấp ba căn hộ. Hội đồng phân phối nhà cơ quan cấp cho mình, cho cô Ba Thảo, nhân viên căng tin, và chú Hợi, nhân viên phòng Tổ chức lao động tiền lương. Còn đồ đạc trong nhà ngoài cái tủ lạnh là cái ti vi là của riêng, còn từ cái giường, cái tủ, cái bàn đều là tài sản còn lại của căn nhà mình tiếp thu. Cuộc sống của mình thanh đạm, bình thường, không có lấy một chỉ vàng cho con gái, còn chiếc pianô là của người bạn cho mượn, thằng Út tranh thủ học. Cũng mong khi nào có tiền mua cho con một cái, nhưng biết đến khi nào mới có.
Tài sản của công trường chưa khi nào mình xin về lấy một ký xi măng, mặc dù nhiều lúc muốn sửa cái thềm nhà bị bể mấy viên gạch, cũng chưa lấy một thanh sắt, một tấm kiếng hay mượn thêm một cái bàn cho con học. Không, tất cả những trò đụng chạm vào tài sản của công trường, mình tự không cho phép. Không muốn vì chuyện đó mà nêu gương xấu của người giám đốc. Hơn nữa, Ngọc Bích cũng không bao giờ cho phép làm như vậy.
Mình cũng chưa hề chạy chọt sự quen biết bạn bè để móc ngoặc xin xỏ mo65tcai1 gì cho bản thân hay cho vợ con. Việc Thu Nga đi học nước ngoài cũng bình thường như năm, sáu đứa khác con em công nhân viên ở công trường. Mà việc này cũng do phòng tổ chức cán bộ giải quyết. Mình cũng không yêu cầu, không gây sức ép gì trong chuyện này.
Mình chưa khi nào tự ý quyết định một cái gì mà không có ý kiến của Ban giám đốc hoặc Đảng ủy. Như vậy đâu phải kẻ độc tài. Mình cũng không phải hạng người ỷ vào quyền hành để ức hiếp công nhân viên. Đối với họ, mình coi như em, như cháu. Thực ra gần đây mình mới thi hành một số biện pháp cứng rắn. Nhưng ngay cả trong những trường hợp phải thi hành kỷ luật một cá nhân nào mình cũng đưa ra hội đồng kỷ luật xét xử. Tập thể vẫn là ý kiến cuối cùng. Và mình chỉ là người thi hành. Anh em công nhân vẫn thương mình, một tình thương thực sự.
Chỉ có một số người, mà đáng tiếc lại là những người ở cương vị lãnh đạo, chống lại mình. Mình thực sự đau đầu về nạn bè phái, chống đối này, nhưng mình không thề làm cách nào khác được. Cấp trên chưa cho mình cái quyền được tuyển kể từ người phó trở đi. Mà cấp trên cử về, và mình, mình phải tiếp nhận. Đủ mọi thứ cán bộ. Người nào cũng thành tích đầy mình. Còn chuyên môn gần như không. Nhưng họ cần gì phải có chuyên môn. Họ đã có bè phái. Và cả đám ấy tụm lại, chống mình. Họ sẵn sàng chờ đợi một sơ hở là thọc vào ngay. Có thể là bây giờ họ đang thực hiện ý đồ đó.
Nhưng thọc vào mình điều gì mới được chứ? Có thể bắt đầu từ chuyện những ngôi nhà xưởng số 2 không đảm bảo chất lượng. Điều ấy có gì là quan trọng. Mình có sai lầm và sẽ sửa sai. Công việc được tiến hành ngay. Mà họ nghĩ là họ không chịu trách nhiệm gì trong chuyện này sao? Họ lầm. Mà chắc là không phải, vì họ sẽ chẳng ngu ngốc gì mà tố giác chuyện này, chuyện trách nhiệm chung của mọi người trong đó có mình.
Vậy thì chuyện gì?
Mình tha hóa rồi chăng? Con người mình, không rượu chè, không cà phê, thuốc lá. Gần như không tất cả những thói vui của con người. Lúc nào cũng công việc. Một con người như vậy mà gọi là tha hóa sao? Cho dù mình có nhận là tha hóa cũng không ai tin. Tha hóa không khó, nhưng nếu không có điều kiện thì tha hóa không phải dễ. Dù rằng người ta cứ nghĩ rằng làm giám đốc dễ có điều kiện tha hóa. Tất cả những vu khống theo chủ nghĩa hình thức đó đều nhảm nhí. Mình sẽ xem xét lại tất cả, xem xét một cách khách quan và đúng đắn nhất. Chỉ cần một cú phôn cho Trần Hà là mọi việc ổn thỏa. Mình tin như thế. Bởi lẽ, Trần Hà không thể không tin mình.
Vũ Tiến hài lòng với những ý nghĩ ấy. Ông vuốt ve cánh tay trần của vợ, và sau đó, thiếp ngủ một cách mệt  mỏi.
Ngọc Bích như đang trôi theo những ý nghĩ của chồng. Bà muốn nói với chồng là dù sao bà cũng là vợ, là đồng chí của ông, lúc nào bà cũng bên ông, bà chia sẻ những khó khăn và những vui sướng của ông.
Mình sẽ không cần phải nói với ảnh, không nên làm cho ảnh mệt thêm, mà tự mình, mình sẽ thu xếp mọi việc tốt đẹp. Đối với hai lá đơn khiếu nại về việc sa thải, nội vụ hình như có hơi thái quá. Ngọc Bích chợt nhớ lại cây bút trong tay Vũ Tiến, ký tại nhà, những quyết định kỷ luật do Hai Thơm mang tới. Nếu như anh ấy cẩn trọng hơn, có một người trợ lý có tâm hồn hơn, chứ không phải hãng người láu lỉnh như Hai Thơm, thì chắc chắn đã không phạm sai lầm. Ngọc Bích chợt thấy giận người cán bộ trợ lý của chồng. Dù sao, chuyện này cũng không có gì nghiêm trọng. Anh ấy có thể sai nhưng cái sai có lý do giải thích. Một công nhân đã phạm lỗi, dù chỉ ăn cắp hai ký xi măng. Ăn cắp hiện đang là hiện tượng tiêu cực mà cả xã hội lên án. Nếu xét trên nguyên tắc vi phạm thì ăn cắp hai ký xi măng hay hai trăm ký xi măng cũng đều là ăn cắp. Vấn đề là tâm hồn con người phải rung động trước mỗi hiện tượng đó. Hoàn cảnh nào xô đẩy người công nhân đó tới việc ăn cắp? Nhà anh ta nghèo. Mà có phải thực nghèo như trong đơn anh ta viết không? Anh ta vốn là một công nhân có bản chất tốt, ba năm liền là lao động tiên tiến. Nhà anh ta bị dột. Anh ta khiếu nại nhiều lần với công đoàn xin sửa chữa nhà, mà chưa được chấp thuận, anh ta đã tự ý lấy cắp xi măng của công trường. Nội vụ chỉ có vậy. Còn lá đơn kia, khiếu nại về việc sa thải do không thi hành đủ ngày công lao động trong tháng. Anh ta khẳng định đó chỉ là nguyên nhân ngụy trang, còn nguyên nhân chính thì lại khác. Anh ta vốn là lính ngụy, nên bị thanh lọc. Sự thật là như thế nào? Trả lời câu hỏi này cũng chẳng khó khăn, mình có thể làm được.
Một lá đơn tố cáo anh ấy tham ô. Mà lại tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Anh ấy đã lấy xi mặng của công trường. Điều này mình không thể tin. Một ký xi măng anh ấy cũng chẳng đem về nhà. Mình là vợ anh ấy mình biết. Sự vu khống thật trắng trợn. Một con người như anh ấy mà ăn cắp sao? Hoàn toàn vô lý. Có thể đây là một trò đấu đá. Em sẽ ở bên anh, không phải như một phe cánh mà như một đồng chí, em sẽ đem tất cả sự trong sạch của cuộc đời em để đảm bảo với mọi người anh là con người như thế nào. Chuyện đấu đá bây giờ thường trực quá, cơ quan, nhà máy, công trường nào chẳng có. Em đâu phải con người lý tưởng hóa cuộc đời này. Em đâu phải con người không nhìn thấy những mặt trái của xã hội. Bè phái. Đấu đá. Ganh ghét nhau. Nhưng tại sao người ta lại đấu đá. Khoan xét đoán theo kiểu ấy. Ngọc Bích nghe như tiếng lá đơn vang lên, lời lẽ thống thiết: “Chúng tôi không vì mục đích gì khác, chỉ vì sự đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo cho tính trong sạch của người cán bộ, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí tới thanh tra công trường!”. Cũng có thể khi cần phải đấu đá nhau, người ta vẫn thường nhân danh. Có thể nhân danh một chủ trương chính sách của Đảng,có thể nhân danh những cái cao quý trong đời sống, và tất nhiên không ai nhân danh cho sự hằn thù, vậy thì anh ấy mang của tham ô đi đâu? Mình là vợ anh ấy mình lại không hiểu anh ấy sao? Sáng dậy, khi thì anh ăn một khúc bánh mì, khi thì ăn cơm chiên. Buổi trưa ăn cơm ở công trường, tối ăn cơm với vợ con. Lương được đồng nào về đưa cho vợ. Chỉ giữ lại mươi mười lăm đồng phòng chuyện bất trắc. Ngọc Bích thường kiểm tra ví của anh ấy luôn, chưa khi nào Ngọc Bích thấy ví của chồng nhiều hơn số tiền đó. Cuộc sống của anh ấy đạm bạc và cao nhã. Một con người như thế không thể ăn cắp. Sự vu khống trắng trợn! Chỉ vừa nghĩ tới điều đó, Ngọc Bích đã thấy giận vô cùng. Thế mà kẻ viết đơn tố cáo còn nhân danh. Đã vậy càng cần phải nhanh chóng tổ chức thanh tra công trường, để đảm bảo uy tín cho anh ấy.
Những lá đơn tập thể đề nghị xem xét về chất lượng công trình khu nhà xưởng số 2. Điều này Ngọc Bích tin là sự thật. Vì chính Vũ Tiến cũng đã tự công nhận điều đó. Nguyên nhân? Phải đi tìm nguyên nhân. Nhưng sự việc này, không thể quy kết vào đạo đức con người anh ấy. Hơn nữa, những tình trạng kiểu này không phải hiếm thấy trong các nhà máy, công trường. Và sự chịu trách nhiệm là mọi người, là tập thể ban lãnh đạo, chứ không phải một người. Dù câu trả lời được tìm thấy dưới dạng nào cũng không làm cho Ngọc Bích bớt đi sự đau lòng. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa. Sai lầm này ít liên quan tới đạo đức, chỉ liên quan tới trình độ chuyên môn, khả năng lãnh đạo. Hơn nữa, ai trong cuộc đời lãnh đạo của mình chẳng một lần sai lầm, nếu như lúc đó sơ suất và chủ quan?
Nhưng lá đơn tố cáo sự sa đọa của con người Vũ Tiến làm Ngọc Bích bồn chồn lo lắng hơn cả. Sa đọa. Hai từ ấy đối với Ngọc Bích khủng khiếp quá. Mình với anh ấy ngày nào cũng bên nhau, dù xa nhau bằng thể xác, nhưng trong tâm trí vẫn đầu ấp tay kề, anh ấy sa đọa thì cũng có nghĩa là mình sa đọa. Mà sa đọa hiểu theo nghĩa nào đây?
Sa đọa về tinh thần và sa đọa về thể xác. Tờ đơn tố cáo: “Vũ Tiến là một con người đã bị sa đọa về tinh thần. Sự sa đọa được ngụy trang khéo léo bằng cái vỏ đạo đức, trách nhiệm và tinh thần công tác. Sự sa đọa đến mức có thể làm tất cả để lừa dối Đảng, lừa dối lãnh đạo, chỉ muốn gắn lên ngực mình những huy chương và che đậy cho mình bằng những lời khen của cấp trên, và những lời nịnh của cấp dưới. Sự sa đọa về tinh thần bọc trong cái vỏ đời sống đạm bạc và thanh khiết. Nhưng sự đạm bạc và thanh khiết ấy chỉ là sự tiết kiệm cho bản thân mình từng xu, nhưng lại đốt của nhà nước bạc triệu. Sự sa đọa rất khó nhận thấy. Nhưng rõ ràng là sa đọa”. Thật là một kiểu lập luận phi lý. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thù hằn. Sự sa đọa hiểu theo nghĩa đơn giản là một con người đã mất hết phẩm chất, tha hóa về lối sống, tham ô, móc ngoặc, chỉ mong muốn hưởng thụ nhiều nhất cho mình, rượu chè, cờ bạc, trai gái… Tất cả những điều này, anh ấy không có. Ngọc Bích tự nói với mình một cách khẳng định. Chưa bao giờ, anh ấy, dù chỉ thoáng qua, lại nghĩ tới một người con gái khác. Thì buộc tội cho anh ấy ăn nằm với một người con gái lạ, trên một chiếc giường lạ, điều ấy ai mà tin được. Chỉ nguyên việc nghĩ tới thôi cũng đã là lăng nhục và xúc phạm anh ấy. Ngọc Bích vẫn nghe anh ấy nói, cái mùi người em làm anh say, anh mê, và chẳng ai có hương vị ấy. Anh sẽ ói ra mất, nếu như bên anh không phải là em. Ngọc Bích hoàn toàn tin lời chồng. Mà sao lại không tin. Cũng như mình, mình chỉ cần nghĩ tới một người nào đó, không phải là anh ấy, cũng đã cảm thấy ô nhục rồi. Ngọc Bích đã kiêu hãnh, kiêu hãnh một cách xứng đáng khi nói về chồng mình. Anh ấy là một con người tuyệt diệu. Đã tuyệt diệu, thì chẳng khi nào, dù một lần, anh ấy phản bội lại mình.
Ngọc Bích chợt nhớ lại câu chuyện nói với con gái. Tình yêu là một điều lớn nhất trong cuộc đời này con ạ. Người ta không yêu nhau chân thành và trung thực, không giúp nhau lớn lên, cao thượng hơn lên, đẹp hơn lên, thì tình yêu sẽ chẳng có gì đáng để ý. Không có tình yêu thì con người sẽ sống què quặt trong cuộc đời. Bởi vậy, không có tình yêu dễ dàng đâu con. Muốn có tình yêu như ba má đã yêu nhau, cả ba và má đã phải trải qua bao nhiêu đêm mất ngủ. Bởi hai người yêu nhau như hai bánh xe răng khía không cùng cỡ, muốn cho chúng hòa nhập vào nhau ăn khớp với nhau trong hạnh phúc gia đình, thì phải làm sao cho các bánh răng chạy quyện vào nhau. Điều quan trọng là phải tìm thấy trong nhau bản chất tốt đẹp, những hành vi luôn mới. Ngọc Bích hài lòng về suy nghĩ của mình. Một cảm giác dễ chịu. Bà nghĩ tới Trần Hà, bà sẽ đề nghị ông cho bà đi thanh tra công trường Ngày Mai, không phải với tư cách một người vợ đi thanh tra chồng, mà với tư cách một người đồng chí đến với người đồng chí. Bởi vì bà rất muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vũ Tiến hiện là con người như thế nào? Câu hỏi cần thiết cho cuộc đời của bà.
Nếu người ta viện lý do thủ tục hành chính, không cho phép Ngọc Bích được đảm nhiệm cuộc thanh tra này, thì với lợi ích của chính mình, với hạnh phúc của gia đình mình, bà sẽ tự làm. Bà không muốn bất kỳ một lý do nào, cơn giông hay cơn bão, hay những trận mưa rào vô lý có thể làm ẩm ướt, làm lung lay tòa lâu đài hạnh phúc của bà. Với bà, đó là tất cả, bà phải bảo vệ bằng mọi giá.
Tự nhiên bà cảm thấy thư thái trong lòng. Với Trần Hà, anh ấy không thể, nếu không nói là không nỡ từ chối. Còn với chồng bà, thì ai có thể hơn bà trong công việc này. Bà là người thu xếp khéo léo nhất tất cả mọi rối rắm.
Anh ấy đã ngủ chưa? Tiếng thở đều đều. Nhưng Ngọc Bích biết chắc là Vũ Tiến chưa ngủ lại được. Không thể đánh lừa giấc ngủ. Đêm chẳng riêng ai. Lương tâm, khi có một mình, đòi tự đối thoại và chất vấn. Nghĩ vậy, Ngọc Bích vẫn nằm im, rất im, lắng nghe tiếng thở đều đều, mệt mỏi của chồng. Bà đang cố tìm hiểu những ý nghĩ trong từng hơi thở ấy. Ngọc Bích tin là anh ấy cũng đang nghĩ như mình, cũng như khi Ngọc Bích nghĩ về cái chết của con trai, thì chính anh ấy đã nằm mơ thấy con hiện về… Bây giờ chắc cũng vậy, hai ý nghĩ giống nhau, đi với nhau suốt đời…

/ Mờ đọc tiếp Chương 9/

Tìm thấy ở thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét