Tìm thấy ở Thư viện Mỹ.
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
MƯỜI
HÒA
TỚI QUÁN CÀ PHÊ LÁ ME SỚM HƠN GIỜ HẸN. MẤY HÔM NAY KHÔNG GẶP THU NGA, NHỚ NHUNG
LÀM CHO NHAU BỒN CHỒN. HÒA KÊU MỘT LY ĐEN. GÓI THUỐC LÁ HOA MAI CÒN ĐẦY. CHIẾC
QUẸT GA. TẤT CẢ BÀY GỌN GÀNG TRÊN CHIẾC GHẾ VUÔNG THAY BÀN.
Hòa muốn quên đi tất cả mọi việc xảy ra ở công trường. Nhưng
dễ gì đánh lừa trí óc. Nó cứ cồm cộm, nghèn nghẹn trong đầu. Những lời nói của
Hai Thơm cứ như sóng biển vỗ đập vào tâm trí Hòa. Hòa sẽ không nói điều này với
Thu Nga đâu. Dù sao Thu Nga cũng còn ít tuổi hơn Hòa. Tuổi mộng mơ, trắng tinh.
Không nên bôi những gam màu tối lên đó. Nên chịu đựng một mình. Những gì nặng nề
đừng để sụp xuống mi mắt tươi non ấy. Hòa phả hơi thuốc lá vào không trung trước
mặt, bằng lòng với ý nghĩ của mình.
Hòa tốt nghiệp kỹ sư xây dựng sau giải phóng hai năm. Như thế
có nghĩa là Hòa không xa lạ gì với chế độ này, nếu như không muốn nhận mình
chính là con đẻ, là sản phẩm của chế độ mới. Còn xét trên bình diện lý lịch của
một con người, Hòa tự nhận mình có một lý lịch trong sạch và đẹp đẽ. Ba Hòa là
công nhân xí nghiệp Caric, mẹ Hòa bán bông ở chợ Vườn Chuối. Hòa có hai chị
gái. Một chị đi du học ở Mỹ trước giải phóng do tốt nghiệp tú tài hai một cách
xuất sắc. Một chị lấy chồng năm ngoái. Chồng đâu phải ai xa lạ, là bạn của Hòa
trong phong trào sinh viên tranh đấu, anh ta học trên Hòa hai lớp, hiện đang
công tác ở Thành đoàn. Hòa đã có một thời oanh liệt, với những cuộc mít tinh, hội
thảo, biểu tình chống Mỹ Thiệu. Đã từng bị bắt một lần. Bọn cảnh sát đánh cho một
trận nên thân, rồi thả. Hòa yêu mến chế độ mới từ những ngày cắp sách đó, một
chế độ mà Hòa mơ thấy trong những giấc mơ sống động tuổi đi trường. Hòa tranh đấu
và mong được phụng sự cho chế độ đó. Vì thế, khi Sài Gòn giải phóng, Hòa tiếp
nhận một cuộc sống mới một cách thoải mái, tin yêu.
Thêm vào đó, mối tình với Thu Nga đã khiến Hòa nhìn cuộc sống
đầy màu hồng và tất yếu Hòa tin vào con đường đi tới tương lai. “Cuộc đời vẫn đẹp
sao. Tình yêu vẫn đẹp sao”. Đó không phải là lời một bài ca, mà là tiếng lòng
chân thành của Hòa. Bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, với Hòa chỉ là tất yếu
phải như thế và cần phải vượt qua.
Nhưng dù sao, với Hòa, những va chạm gần đây ở công trường
Ngày Mai, cũng là những va chạm đầu tiên của chính bản thân Hòa với cuộc sống.
Hòa không khỏi ngỡ ngàng và giật mình khi hiểu rằng cuộc sống thật muôn màu
muôn vẻ và thật đa dạng. Hòa đứng ở chỗ nào trong cuộc sống ấy. Nếu những chân
lý mà Hai Thơm truyền dạy cho Hòa là những chân lý đích thực thì rõ ràng chẳng
hiểu gì cuộc sống. Những suy nghĩ của Hòa từ trước tới nay sụp đổ. Hòa trở nên
bé nhỏ vô cùng giữa bao la cuộc sống. Một sự bé nhỏ của vô vọng, của bất lực.
Con người ta sống phải dối trá. Có những dối trá vô luận và có những dối trá hợp
lý. Như vậy là sao? Không thể biện minh được. Dối trá là dối trá. Và Hòa cũng
phải sống dối trá. Dối trá xếp lên nhau tầng tầng lớp lớp. Như vậy cuộc sống dẫn
tới đâu?
Hòa nhâm nhi ngụm cà phê, cố tìm một lời giảng giải hợp lý nhất.
Hòa hiểu rằng phải tự mình lý giải. Không thể cầu viện ai. Ba Hòa với bao nhiêu
khó khăn trong cuộc sống với những công việc bề bộn nơi xí nghiệp, không thể
giúp Hòa. Má Hòa, lúc nào cũng kêu rêu về chuyện thuế khóa, chợ búa. Với ba, chẳng
có gì dễ chịu ở trong cuộc sống quật lộn này. Chị gái du học ở Mỹ, Hòa không thể
kể lể với chị những điều đó, chị sẽ ban phát cho sự thương hại bằng những gói
quà hay chút đô la thừa. Hòa chợt nghĩ tới Thu Nga. Không được phép làm khổ cô
gái ấy bằng những suy nghĩ không đâu của mình, vậy thì ai? Hòa tự hỏi trong làn
thuốc đặc quánh.
Bạn bè, Hòa không muốn nói là chúng hư hỏng cả. Nhưng một số
đứa lạ lùng cách chi, gặp nhau ở đâu cũng hỏi chuyện nước Mỹ, nói chuyện những
món quà vừa mới nhận, nói chuyện những thằng
bỏ trốn qua bên đó giờ sống đế vương. Hòa khinh miệt tất cả những điều
đó. Đối với Hòa, bỏ trốn khỏi tổ quốc, dù với lý do gì chăng nữa cũng là không
đáng nói. Vì vậy, chính Hòa tự xa lánh đám bạn ấy. Xa lánh không thương tiếc.
Hòa không phải típ người bảo hoàng hơn vua, nhưng Hòa hiểu cái đạo lý làm người.
Con người sinh ra có cha mẹ. Coi khinh cha mẹ nghèo bỏ đi làm con nuôi, làm tôi
đòi cho người khác giàu sang, thì đâu còn là con người nữa. Nuôi con chó cũng
còn phải cần đến cơm gạo và thịt. Người ta có thể nuôi chó và sẵn sàng nuôi mình
vì không tốn kém hơn chó, mà còn được lợi hơn: nó biết nói tiếng của con người.
Cũng vì những suy nghĩ và sự bài xích ấy, mà đám bạn gọi Hòa là madman (người
mát, gàn). Hòa chỉ cười, vì nếu như vậy mà thành madman, thì thà là madman còn
hơn là sinh vật chó.
Hòa kêu tính tiền cà phê, không muốn gặp Thu Nga nữa. Thà để
cho cô ta giận còn hơn phải buồn vì những ý nghĩ và gương mặt đưa ma của Hòa.
Hòa đứng dậy, đi một mình trên con đường rơi nghiêng những lá me… Hòa không muốn
ý nghĩ kéo căng đầu óc. Từng bước đi chậm nhịp, Hòa muốn hát. Nhưng vô vọng. Đầu
óc không tha Hòa. Ý nghĩ cứ như là tự trên trời rơi xuống.
Vì sao phải sống dối trá? Câu hỏi chỉ vừa buông xuống, Hòa đã
lại thao thao với những giảng giải, những triết lý đã có sẵn trong đầu.
Dối trá đã gây biết bao tác hại cho đời sống xã hội. Dối trá
trở thành bệnh truyền nhiễm, thành thói quen, đến nỗi người ta đinh ninh rằng đấy
không phải là dối trá nữa. Những ly rượu mừng được nâng lên trong chính sự dối
trá ấy. Dối trá, thực ra chỉ là căn nguyên của sự không dám nhìn nhận mình thật
đúng đắn. Người ta không tự vượt được chính mình, đang đầu hàng chính mình, để
cho vui vẻ cả. Mà cũng có thể Hòa sai. Một sai lầm không thể tha thứ. Bởi dối
trá thực ra chỉ là ước lệ xã hội, mà ngày nay những ước lệ ấy đã khác trước rồi.
Ra biển tắm phải mặc đồ lót, không thể mặc quần chùng áo dài, dù đó là lịch sự.
Và ngược lại, không thể mặc đồ lót đi trong thành phố.
Hòa bỗng nhớ tới câu chuyện một người bạn đã kể cho Hòa nghe.
Cái xã của anh ta, một xã rất đẹp và được ngưỡng mộ. Bữa kia, người ta bỗng
phát hiện ra bệnh cúm đang tràn lan trong xã. Lẽ ra, mọi việc giải quyết êm
xuôi, chỉ việc báo cáo với Huyện và lên đó xin thuốc về trừ dịch cúm. Nhưng người
ta đã không làm như vậy. Vì người ta cảm thấy xấu hổ tại sao cái làng đẹp như
làng mình, sạch sẽ như làng mình lại co 1the63 mắc dịch cúm. Huyện ủy sẽ đánh
giá thế nào về thành tích bấy nay của xã mình. Những ý nghĩ đó đã khiến người
ta âm thầm chịu đựng bệnh cúm. Câu chuyện mà Hòa cho là người bạn bịa đặt nhưng
chợt giờ đây nhớ lại, Hòa thấy có thể như thế lắm. Đó cũng là một dạng của dối
trá và hãnh tiến, Hòa liên tưởng tới trang mở đầu của cuốn sách địa lý nước
ngoài và cuốn sách địa lý của ta. Địa lý của họ viết: Nước ta là một quốc gia
nghèo khoáng sản và tài nguyên. Còn sách của ta: Tổ quốc ta tiền rừng bạc bề…
Thế mà nước họ đã trở thành một cường quốc về kinh tế. Còn chúng ta? Cái gì đã
ngăn cản chúng ta trở thành một cường quốc kinh tế? Hòa phì cười, có lẽ mình
madman thật, mình đã suy nghĩ tới cái không trong khả năng mình. Hòa bước đi lững
thững mệt mỏi.
Chợt một tiếng gọi làm Hòa đứng sựng lại. Diệu Cầm, cô bạn
gái học dưới Hòa hai lớp, ngày xưa ở gần nhà.
- Anh Hòa đi đâu một mình vậy?
Chiếc honđa đỗ lại cùng với câu hỏi của cô gái.
- Lâu quá không gặp Diệu Cầm.
- Anh tránh mặt em hoài còn trách.
- Lu bu công chuyện quá…
- Tính rủ anh đi ăn kem Con Rùa nè.
Hòa thực sự không đợi lời mời đó. Diệu Cầm đã ngồi lui phía
sau xe Honđa, nhường cho Hòa cầm lái.
- Dành cho em một buổi ăn kem không sao đâu. Em có giấy xuất
cảnh rồi, chỉ ít bữa nữa là xa nhau, biết đâu chẳng xa nhau mãi mãi.
Hòa miễn cưỡng ngồi lên xe Honđa. Diệu Cầm rất tự nhiên ôm eo
bạn. Tấm áo pun pó sát đã dính vào da thịt Diệu Cầm giờ cũng chỉ là một cách
ngăn mỏng manh với da thịt Hòa. Hòa cảm nhận thấy mùi thơm của nước hoa phả vào
mặt cùng với những sợi tóc. Quán kem cạnh Hồ Con Rùa khá đông, nhưng họ cũng
tìm cho mình được hai chiếc ghế dựa êm ái.
- Anh tránh mặt tất cả mọi người. Em cũng chung số phận đó.
Vì sao vậy anh?
- Đừng trách anh, anh đã nói là công việc lu bù mà em.
- Anh quên em luôn?
- Sao quên. Chúng mình từng là bạn lối xóm, từng cùng học một
trường, từng đi ăn kem với nhau như thế này bao nhiêu lần mà.
- Anh nói vậy, chứ thực ra anh quên em rồi. Cô gái ấy làm anh
quên hết phải không?
- Cô gái nào?
- Thu Nga.
- Em cũng biết Thu Nga?
- Em không thờ ơ với cuộc sống của anh đâu. Cô ta đẹp và dễ
thương. Em ghen với cô ta đấy, tại sao cô ta có thể dễ dàng cảm được anh đến thế.
Mà thôi, nói chuyện đó làm gì. Em có giấy xuất cảnh ba tháng nay rồi, đi Mỹ, chắc
là sắp sửa đi phỏng vấn. Anh không ham chuyện này, nhưng em vẫn cứ phải nói, số
phận của mỗi người khác nhau, cả nhà em đi, không lẽ em ở lại một mình. Đúng vậy
không anh?
- Ờ đúng.
- Anh lơ đãng quá. Chẳng nhẽ những lúc như thế này mà anh
cũng không dành cho em. Kể chuyện cho wem nghe đi. Công việc của anh tiến hành
tốt đẹp chứ?
- Dù không tốt đẹp cũng phải tốt đẹp.
- Anh nói vậy là sao?
- Em sắp qua Mỹ, xứ sở mà em mơ ước, anh cầu chúc cho em hạnh
phúc.
- Anh cầu chúc như vậy hơi sớm, em đã đi đâu. Hơn nữa bữa nay
đâu phải ngồi để nghe anh cầu chúc. Em hỏi chuyện của anh mà.
- Anh chẳng có chuyện gì để nói cả.
- Giận anh ghê.
Diệu Cầm tấm tức. Với cô, Hòa là một người bạn chân thành, từ
nhỏ cô rất có cảm tình nếu không nói là đã mê. Nhưng Hòa bao giờ cũng đối xử với
cô như với một người em gái. Cách đối xử ấy, cô không chấp nhận. Cái gì mà em
gái. Là bạn gái cũng không thể. Trai gái chỉ có tình yêu. Chẳng lẽ anh ấy không
hiểu điều đó. Diệu Cầm căm cái chuyện anh ấy đã dành tình yêu cho cô gái khác,
con nhỏ Thu Nga mà với mắt nhìn của Diệu Cầm thì ngoài cái vẻ trẻ hơn, con nhỏ ấy
chẳng thể hơn cô mặt nào khác. Trẻ mà làm gì. Với lại, con nhỏ từ Bắc vào, nhà
quê lắm. Hòa đã mê Thu Nga vì cớ gì? Mình cần phải thử sức của mình. Dẫu sao
cũng không thể để trôi đi một kỷ niệm.
Diệu Cầm bạo dạn đặt bàn tay mình lên bàn tay Hòa.
- Anh Hòa, sắp xa cách nhau, em mới cảm thấy mình thiếu nhiều
thứ quá, thiếu bạn bè, thiếu tất cả…
- Sẽ có nhiều bạn mới, đừng lo. Thanh niên Mỹ thích các cô
gái Việt Nam lắm.
- Anh bảo sao?
Diệu Cầm giận dỗi bỏ bàn tay ra khỏi bàn tay Hòa. Hòa cảm thấy
lỡ lời, nhưng không bào chữa. Anh ngồi im lặng. Diệu Cầm cũng im lặng. Ly kem
tan tan trong lạnh buốt.
Gió vẫn nhẹ thổi. Mái tóc xõa ngang vai Diệu Cầm vẫn bay nhè
nhẹ về phía Hòa. Những lọn tóc thơm thoảng làm cho người ta dễ chịu. Hòa cũng
chẳng biết vì sao bàn tay mình lại đột nhiên vuốt làn tóc ấy. Diệu Cầm cảm thấy
nỗi tự ái của mình được đền bù. Cô ngả đầu gần lại với Hòa. Giọng cô dịu dàng
thủ thỉ:
- Tại sao bao nhiêu năm nay anh vẫn lạnh nhạt với em? Có phải
vì em xấu hay là nom em dễ ghét. Sang bên đó, em sẽ mất anh mãi mãi. Nhiều khi
em cố quên đi nhưng càng quên, hình ảnh anh lại càng sâu đậm. Em đang cảm thấy
mất anh. Thế là hết. Cuộc đời còn có nghĩa gì nữa, khi mình không được yêu người mình yêu. Anh Hòa,
đừng trách em, con gái mà sao đường đột thế, chúng mình bình đẳng, em yêu anh,
anh có ghét em, em cũng cứ nói, em yêu anh, yêu nhiều lắm. Anh có yêu em không?
Thu Nga sẽ không mang lại hạnh phúc cho anh đâu, dù sao giữa anh và cô ta cũng
khác biệt hẳn nhau, hai hệ tư tưởng xa lạ nhau…
- Đừng nói đến người thứ ba em.
- Em biết là anh bênh cổ. Như thế là bất công với em.
- Nhưng anh yêu cô ấy. Anh không muốn dối trá với em. Anh
không muốn đánh mất mình vì dối trá.
- Cảm ơn anh.
Tự ái trong người Diệu Cầm tràn ngập. Cô ngồi ngay ngắn trở lại.
Gương mặt buồn lặng. Cô hiểu như thế là không thể, ít ra là trong lúc này. Hai
người cùng im lặng. Phải lâu lắm họ mới bắt đầu lại câu chuyện. Nhưng câu chuyện
chẳng còn ăn nhập vào đâu. Hòa kêu tính tiền. Xe Honđa. Diệu Cầm lại ôm eo.
Nhưng lặng im chẳng ai nói với ai lời nào. Hòa đột ngột dừng xe nơi ngã tư đường.
- Anh xuống đây vào thăm một người bạn. Chúng mình sẽ gặp lại
nhau.
Diệu Cầm giận lắm. Nhưng cô bình tĩnh đến thản nhiên.
- Tối mai em sẽ lại tìm anh. Em muốn anh đưa em đi chơi thăm
bạn bè. Dù sao anh cũng phải chiều em. Em là người sắp đi xa.
- Anh sợ bận.
- Không. Anh không thể từ chối em.
Diệu Cầm nói một cách quả quyết. Cô không đợi tiếng trả lời của
Hòa. Lên ga cho xe chạy. Tóc bay tung. Hòa đứng nhìn theo. Một cảm giác buông hẫng
gieo vào lòng. Thực ra không phải đã không có lúc Hòa cảm Diệu Cầm. Nhưng cái
đó đã chưa tới. Trong không gian còn bay thoảng mùi nước hoa của Diệu Cầm. Hòa
đứng lặng giây lát vì mùi hương thơm ấy. Một chiếc ô tô vụt qua. Tiếng kèn xe gọi
Hòa về với thực tại. Hòa nhìn hai bên đường phố. Hòa tìm nhà Hồng, nữ thủ trưởng
trực tiếp, tính hơi ngang ngang, nhưng theo Hòa thì đây là một con người đáng
tin cậy.
Hồng hình như hơi đột ngột vì tiếng gõ cửa vào giờ này, đã gần
mười giờ đêm. Và đột ngột hơn nữa vì người xuất hiện là Hòa.
- Em có làm mất giấc ngủ của chị không?
- Vào đi. Chị không có thói quen đi ngủ sớm. Tuổi của chị
hình như không thể ngủ nhiều được. Ngồi xuống đây. Đi đâu àm khuya dữ vậy?
- Em đi qua thấy nhà chị còn để đèn, tình vào nói chuyện
không vui với chị…
- Trời ơi, chú em nghĩ chị là cái sọt rác hay sao mà tới đây
đổ những chuyện không vui. Nói thật tình, chị đã nghe quá nhiều những chuyện
không vui rồi, chỉ muốn nghe một cái gì đấy hoặc là thật buồn, hoặc là thật vui
vẻ. Nói vậy thôi, uống nước với chị. Hút thuốc nhé. Chị mới ra đường mua mấy điếu
Million. Ngồi một mình hay hút thuốc quá.
Hòa thấy thoải mái, dễ chịu.
- Em nói chuyện công trường có làm chị bực không?
- Nói chút chút thôi thì được. Cũng có lúc con người ta cần một
cái gì cho riêng mình chứ, chẳng lẽ suốt đời chỉ toàn công việc.
- Nếu vậy em nói chuyện khác. Có người nói với em rằng có hai
thứ giả dối, một loại giả dối phi luân, một loại giả dối hợp lý. Điều ấy có đúng
không chị?
- Tại sao bỗng nhiên chú lại hỏi tôi như vậy? Giả dối phi
luân, giả dối hợp lý, như vậy là sao? Tôi chịu không hiểu.
- Đại loại là con người ta có nên sống dối trá không và có thứ
dối trá nào là chấp nhận được.
- Không có thứ dối trá nào chấp nhận được. Giả dối là gải dối
không thể biện minh. Không có mục đích nào cao cả theo đúng nghĩa mà lại xây đắp
bằng những biện pháp lừa dối. Kẻ nào khuyên chú sống giả dối, kẻ đó là tên mạt
hạng, một thằng vô lại. Chú nên nhổ toẹt vào nó. Phải sống trung thực. Thời nào
cũng vậy, vì mình là con người. Tôi, chú hiểu không, tôi đã phải đau khổ bị lừa
dối, tôi căm ghét bọn gian dối.
Hồng nói một hơi như không thở. Cô không thể giấu nén nỗi bực
tức trong lòng. Da mặt căng và tái hẳn. Hòa nhìn gương mặt và cảm thấy lúng
túng.
- Nếu sống giả dối thì thà không sống nữa. Tôi nói vậy là nói
những người còn có liêm sỉ. Còn những quân đã mất liêm sỉ thì cái đó tất nhiên
chúng ta không bàn tới. Mà này, tại sao bỗng nhiên chú lại hỏi tôi điều này?
- Dạ, vì em bỗng nghĩ tới.
Hồng cười.
Chú em cả nghĩ quá. Thôi dẹp chuyện này đi. Bàn tới chuyện
này cả chú và tôi đều mệt. Uống nước đi
em. Thế nào câu chuyện tình giữa chú với con gái ông Vũ Tiến đến đầu rồi?
- Dạ, vẫn bình thường.
- Con nhỏ ấy được đó. Chị không quá quan tâm đến sắc đẹp, mà
chị khen cái tính cách của nó. Mới mười tám, mười chín tuổi mà đã biết suy
nghĩ, đã dám hành động tự lập. Bằng tuổi nó ngày trước chị nhát hơn nhiều.
Hồng nói với cảm tình của người đang che chở người khác. Giọng
sôi nổi, nhưng vẫn pha chút buồn sâu lắng.
- Tình yêu là cái không thể để tuột mất. Nó là của mình,
không ai cho mình và không ai có thể thay thế tình yêu cho mình, vì vậy phải giữ
gìn nó. Một tình yêu thực sự khi bị mất sẽ làm cho cuộc đời ta vô vị, đau khổ lắm
chú ạ. Vì thế, trong tình yêu có chút gì đấy như là ích kỷ, phải nghĩ cho mình
trước, đấu tranh vì mình và gìn giữ. Hy sinh tình yêu là một điều dại dột. Chú
có biết là tôi tiếc nuối cái thời tươi trẻ vàng son của mình như thế nào không?
Nhưng mà tiếc thì cũng đã muộn rồi. Hoàn toàn muộn mất rồi.
Hồng uống một miếng nước và ngồi lặng đi. Cô muốn được khóc
quá cho hả nếu như trước mặt cô lúc này không phải là Hòa, là một người mà cô
nghĩ là mình đang che chở, đang chia xớt nỗi phiền muộn trong lòng. Nhưng dù vậy,
lòng cô cũng cứ gai gai, sao mà xót xa đau đớn làm vậy. Ai hiểu cho cảnh ngộ của
cô đây.
Hòa muốn chấm dứt câu chuyện. Lòng nặng trĩu. Thì ra những vướng mắc, những bất
bình, những bi kịch trong cuộc đời Hồng còn lớn gấp nhiều lần những va chạm với
cuộc sống của Hòa. Hòa muốn đứng dậy, nhưng câu chuyện của Hồng chưa cho Hòa có
thể rút ra.
- Em có quá phiền muộn vì người ta đã thi hành kỷ luật mình
không?
- Em không nghĩ tới điều đó nhiều lắm. Bởi chính em có lỗi và
em cần thiết phải chịu một kỷ luật như vậy mới đúng.
- Chị hiểu là em đang kìm nén lòng mình. Từ cương vị một cán
bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ huy thi công, phải xuống làm một công nhân. Điều đó
không đơn giản đâu. Nhưng cái đáng quý là em đã không bỏ trốn. Em đã dám đương
đầu với kỷ luật ấy một cách dũng cảm, người như em đâu phải nhiều, nếu không nói là hiếm. Sau khi nghe tin em bị kỷ
luật, chị muốn tới chia buồn với em, nhưng rồi chị lại thấy không cần thiết. Chị
muốn nhìn thấy em tự đứng trên đôi chân mình như thế nào. Chị cũng như em, lớn
lên đã thấy mọi người xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi. Và chị nghĩ em cũng không
phản đối chị, khi chị tin rằng em cũng yêu mến chân thành chủ nghĩa xã hội.
Trên bình diện lý thuyết và khoa học thì không có loại hình xã hội nào đẹp đẽ
hơn chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nhưng hiện thời có những cái không phải là
chủ nghĩa xã hội mà mặc nhiên được công nhận là chủ nghĩa xã hội. Chúng ta dễ
đau lòng vì những cái đó. Nhưng con người phải có cặp mắt nhìn nhận ra đâu là bản
chất, đâu là hiện tượng. Và điều quan trọng hơn cả là tự mình phải soi xét
chính mình. Hành động của em đã giúp chị hiểu em một cách đúng đắn hơn. Và thú
thực chị rất có cảm tình với em.
- Chị bỏ qua cho em, tại sao em không hiểu chị sớm hơn.
- Chúng ta, vì nhiều lẽ luôn luôn ngộ nhận về nhau, đối phó với
nhau và tự xa cách nhau. Chị nói vậy không có nghĩa là lên án em mà lên án tất
cả chúng ta. Chính chị, những mất mát trong cuộc sống riêng, đã khiến chị cảm
thấy bơ vơ, không lối thoát. Vì thế, chị chán nản với tất cả và muốn thu mình
vào cái vỏ ốc cá nhân của mình. Chị k hông nhập cuộc với tất cả hăng say và nhiệt
tình của mình cho cuộc sống mới. Mọi lý thuyết và lời lẽ hàng ngày cư xử với nhau, miễn cho xong, cho qua,
chính chị cũng đã sống dối mình, tuy không dối ai, không hại ai. Nhưng như thế
có ích gì. Song, chị đã không thể làm khác được.
- Chị Hồng, em đã khơi gợi những phiền muộn trong lòng chị,
em xin phép về để chị nghỉ.
Hòa đứng dậy một cách kiên quyết, như sợ đột ngột Hồng muốn
giữ cậu ở lại để trút thêm bầu tâm sự. Hòa cảm thấy đầu óc nặng quá, nghe thêm,
nhận thêm Hòa sẽ không chịu nổi. Một cái gì đấy vô hình xâm chiếm tâm hồn Hòa.
Có lẽ đó là lòng thương mến, chứ không phải thương hại. Chị ấy mất mát nhiều quá. Và dường như giờ đây, lòng
chị ấy như trống không. Hòa muốn được đặt bàn tay mình lên bàn tay chị ấy như một
đứa em, hay như một người bạn cũng được. Và Hòa muốn nói những lời tình cảm nhất
với chị ấy, dù sao, như vậy cũng làm cho lòng chị ấy yên tĩnh phần nào. Nhưng
Hòa không thể. Mặc cảm tuổi tác.
Hồng đưa Hòa ra cửa. Hòa chào và bước đi rất nhanh. Phía sau
Hòa, khoảng không gian còn lại dành cho Hồng, trống trải gần như tuyệt đối.
Lần đầu tiên Hòa hiểu thế
nào là sự muôn hình ngàn vẻ của xã hội. Có đàn ông lại có đàn bà. Có hy
vọng lại có thất vọng. Có niềm vui lại có nỗi buồn. Có nụ cười lại có nước mắt. Có thỉnh cầu lại có từ chối. Có sum
vầy lại có đoạn tuyệt. Có cao thượng lại có thấp hèn. Có trung thực lại có giả
dối. Thế mà bấy lâu nay Hòa nhìn đời một màu hồng. Chủ nghĩa xã hội ra đời tự
thân nó không thể hoàn thiện. Cần phải có con người. Con người tranh đấu làm bớt
đi những xấu xa nhơ bẩn sót lại từ xã hội cũ để hoàn thiện nó. Nhưng mà Hòa,
Hòa bé nhỏ quá. Hạt cát và bàn tay. Biển cả và mặt trời. Hòa thấy mình chới với.
Lý tưởng cái quái gì đó, khi thất vọng, thì thất vọng càng cao sâu và người ta
đi tới tuyệt vọng.
Hòa bỗng nghĩ tới Thu Nga. Trong trắng hoàn toàn. Đêm nay sẽ
khóc lên mất, vì người yêu lỗi hẹn. Và sẽ thất vọng chừng nào nếu như trông thấy
cảnh chiếc xe Honđa người con gái ôm eo. Rồi hai bàn tay nắm vào nhau. Những lọn
tóc bay. Mùi thơm nước hoa nhẹ thoảng đâu đấy. Hòa có dám kể sự thật với Thu
Nga không. Và cho dù kể sự thật, Thu Nga có đủ lòng tin không? Tốt hơn hết là
không kể mà không kể là lừa dối. Nhưng hình như Hai Thơm có lý. Lừa dối này
không phương hại. Lừa dối này thuận với những ước lệ từ bấy lâu nay của con người.
Hòa nhớ tới Diệu Cầm. Chẳng lẽ cô ấy yêu mình một tình yêu
không được đáp lại là cô ấy xấu xa sao? Mình đã hành động, một hành động không
bình thường của người đàn ông. Mình đã từ chối cô ấy một cách lỗ mãng không cần
thiết. Mình cứ ngĩ rằng sự trung thực ấy của mình đáng ngợi khen sao? Cô ấy đâu
có đòi hỏi ở mình cái gì ngoài tình cảm bè bạn. Dù sao cô ấy cũng sắp ra đi. Và
có thể chẳng bao giờ gặp nhau. Giữ cho nhau một
kỷ niệm tốt chẳng hơn sao. Hòa cảm thấy tiếc đến ngơ ngẩn cái giây phút
mà Hòa cho là sẽ không bao giờ có ấy. Tối mai Diệu Cầm hẹn lại chơi. Nhưng cũng
có thể là cô ta sẽ nghĩ lại. Thời cơ sẽ chẳng khi nào trở lại với mình lần thứ
hai. Trung thực và giả dối, tự mình giày vò và làm khốn khổ mình.
Chị Hồng chẳng đã nói thế sao. Gìn giữ cho riêng mình. Trời đất
rộng bao la nhưng mỗi người vẫn phải có cho riêng mình một chỗ đứng trong trời
đất. Bạn bè đã không quá lời khi nói mình là madman. Mình khùng mất thật. Mỗi
loài hoa một hương sắc riêng, không thể chỉ vì thích hoa hồng mà cho rằng ngoài
hoa hồng ra chẳng có loài hoa nào đẹp nữa. Diệu Cầm ra đi. Trường hợp này như
chẳng có gì là chạy trốn là phản bội. Cô ấy không thể ở lại một mình trong khi
tất cả gia đình ra đi. Cô ta chưa có những quá khứ xấu xa, vì thế cô ta cần gì
phải chạy trốn khỏi một chế độ mà thâm tâm cô ta chắc gì đã ghét bỏ. Trước đây
mình vơ đũa cả nắm, mình nghĩ về mọi người bỏ Tổ quốc ra đi đều là phản động cả,
hình như mình đúng là bảo hoàng hơn vua.
Hòa cứ đi như thế, trên phố đã rất vắng. Không gian như riêng
dành cho Hòa suy nghĩ. Hòa nghĩ về tất cả mọi chuyện. Xem xét và định nghĩa lại.
Hòa nên như thế nào? Cuộc đời chưa trải qua những kinh nghiệm. Cây trồng trên đất,
nhưng rễ non chưa đủ sức bám vào đất và phân biệt được loại nước nào mát trong
mà hút lên thân nuôi sự sống.
Hòa qua phố nhà Thu Nga. Mọi khi qua đoạn phố này, Hòa thường
khó lòng kìm nén những xúc động xôn xao. Nhưng hôm nay, Hòa thấy mình bình tĩnh
hơn, thanh thản hơn. Thì ra còn nhiều chuyện làm rung động lòng người lắm.
Ngoài cảm giác tình yêu còn nhiều cảm giác khác. Hòa chưa biết những cảm giác ấy,
chưa thụ hưởng vì thế Hòa đã quá tôn thờ cái đầu tiên. Có thể là nụ hôn. Run rẩy
và nồng nàn. Thu Nga đã dành cho Hòa nụ hôn ấy. Nhưng không thể chỉ có thế. Khi
bàn tay Diệu Cầm đặt lên bàn tay Hòa, Hòa cũng một cảm giác hừng hực, một cảm
giác rất đàn ông. Như thế nghĩa là sao. Phản bội hay là không phản bội. Lại còn
cảm giác cay đắng nữa. Những âm điệu trong mỗi câu nói của chị Hồng đều ngân
lên cảm giác cay đắng ấy. Hòa cảm thấy đầu môi mình chan chát. Lại còn Hai
Thơm, câu chuyện của anh ta đâu chỉ với những xấu xa, mà có cái gì đấy của sự từng
trải, chí tình. Hai Thơm dạy cho Hòa một lối sống, mà lối sống của anh ấy đâu
phải không phổ biến trong cuộc sống này. Mình sống khác với lối sống ấy chẳng
phải mình madman sao. Madman là cái chắc.
Hòa dừng lại dưới gốc cây trước cửa nhà Thu Nga. Không một chờ
đợi. Trong nhà ánh đèn còn hắt ra màu sáng đục. Có thể cô ta chưa ngủ, mà cũng
có thể vợ chồng Vũ Tiến chưa ngủ. Cái đó không can hệ gì. Hòa cứ đứng như thế.
Chẳng để làm gì. Câu chuyện ở công trường lúc này gần như đã chìm vào quên
lãng. Hòa chỉ muốn cái gì đó. Không biết. Không thể giải thích. Chỉ nghĩ đến
thôi Hòa đã thấy dịu ngọt ở đầu môi. Tình yêu. Tình yêu nào cũng được. Lúc này
không ngôn ngữ, không dài dòng. Ôm nhau trong im lặng và hôn nhau. Hình như cái
hôn làm cho người ta quên tất cả, chỉ còn nhớ là mình đang yêu. Mà khi đang yêu
thì không ai không cảm là mình hạnh phúc nhất.
Hòa thấy là mình thật vớ vẩn. Mình đã cưỡng lại cuộc sống một
cách vô lý. Hòa sẽ sống bình thường như mọi người. Không quá nhìn đời màu hồng,
cũng không quá màu đen. Làm được cái gì thì làm, không sáng tạo, không tranh đấu.
Và điều quan trọng là chẳng cần tôn thờ rõ rệt một cái gì. Kể cả tình yêu. Thu
Nga chấp nhận Hòa hay không chấp nhận Hòa điều đó không thật quan trọng nữa.
Chuyện ông Vũ Tiến và dãy nhà xưởng số 2 sẽ không phải bận tâm. Mà cần thiết có
thể ngay ngày mai sẽ xin nghỉ không ăn lương cho tới khi nào công trình ấy hoàn
thành và bàn giao. Rồi muốn tới đâu thì tới. Như vậy có nghĩa là chấp nhận giả
dối vắng mặt. Hòa tự khen thầm mình đã có một biện pháp trốn tránh hữu hiệu.
Hòa cần phải dành thời gian ấy cho tình yêu. Với Thu Nga hay với Diệu Cầm cũng
vậy thôi.
Hòa cũng có lừa dối Thu Nga đâu. Một chàng trai có thể yêu một
tình yêu, nhưng ngoài ra cũng có thể chơi với những bạn gái, cái đó đâu có
phương hại gì. Và chuyện đạo đức thực ra cũng chỉ do cuộc đời ước lệ. Còn với
Diệu Cầm, sự giả dối là hoàn toàn không có. Vì mình đâu có tự đến với cô ấy,
mua chuộc và quyến rũ. Ngược lại cô ấy tìm đến với mình. Người con gái còn có
can đảm và bản lĩnh làm chuyện đó thì tại sao một người đàn ông như mình lại vì
những ước lệ nhỏ hẹp mà thu mình lại. Chuyện muốn tới đâu thì tới. Mình sẽ yêu
và sẽ hưởng cái đáng được hưởng. Kẻo khi nó bay qua thì hối tiếc cũng là quá muộn
rồi. Ý nghĩ bỗng làm Hòa thấy xót thương Hồng quá. Những ý nghĩ này tới sớm hơn
với Hòa, thì khi nãy Hòa đã chẳng bối rối lúng túng trước người đàn bà lớn tuổi
hơn mình ấy. Hòa sẽ làm cái gì đó, xoa dịu một nỗi đau lòng. Chính mình mới là
người lừa dối. Đạo đức giả đã khiến mình thành tên lừa dối mà mình không hay.
Tại sao Hòa lại có những ý nghĩ lung tung không đầu k hông cuối
như vậy nhỉ? Những ý nghĩ mà chỉ mới đây
thôi, nếu có nghĩ tới thì Hòa cũng tự phỉ nhổ mình, lên án mình, vậy mà bây giờ
Hòa dám nghĩ một cách thản nhiên, lại
dám dự định trong đầu óc những phương án hành động. Con người có thể biến đổi
nhanh đến thế sao. Nhanh thật. Đến nỗi Hòa không kịp nhận ra mình. Hay đây
không là mình, là một thằng Hòa khốn nạn nào đó.
Một đồng chí công an bước lại cắt ngang ý nghĩ của Hòa.
- Xin lỗi, anh đứng đây làm gì vậy?
Hình như là mình đã đứng ở chỗ này hơi lâu. Và con người đen
tối đến mức tỏa ra ngoài cả sự đen tối ấy. Nhưng tâm trí Hòa cưỡng lại một cách
ngạo mạn.
- À, có gì đâu, tôi đang nghĩ…
Câu nói của Hòa hình như càng làm cho Hòa trở nên vô duyên
hơn, khiến đồng chí công an kinh ngạc.
- Đã khuya rồi, anh nên về nhà nghỉ đi.
- Tôi không buồn ngủ. Thời buổi này ngủ nhiều không tốt.
- Anh nói gì lạ vậy?
- Tôi nói là ngủ nhiều không tốt. Đang tuổi yêu đương mà ngủ
nhiều là không tốt.
Đồng chí công an chắc rằng mình đang va phải một kẻ thất
tình, đồng chí cười, nhìn nụ cười đủ biết.
- Dù sao, tôi khuyên anh cũng nên về nghỉ, khuya rồi. Chuyện
tình yêu nghĩ ở nhà vẫn dễ chịu hơn.
- Tôi không có quyền đứng đây?
- Tôi không muốn làm phiền anh đâu. Chỉ khuyên anh vậy. Còn
anh muốn đứng hay đi là tùy…
- Vậy thì tôi đi, chào anh.
Hòa chợt cảm thấy mình bị xúc phạm con người một cách kỳ cục.
Hòa nhận ra ngay điều đó, và hối hận. Cậu chưa bước được hai bước liền quay lại.
- Đồng chí, đừng buồn tôi nghe. Hút với tôi điếu thuốc, tôi
dang buồn quá mà…
Hòa đưa thuốc cho người công an.
Nàng đi với người khác sao?
Không phải.
Vậy thì có gì phải buồn. Nàng vẫn yêu mình như vậy là đủ rồi.
Có thể nhỡ hẹn hoặc một hiểu lầm gì đó.
Cảm ơn, tôi buồn vì chuyện khác.
Hòa không chào người công an, bỏ đi. Bước chân nặng nề và chậm
chạp. Hòa không muốn về nhà lúc này. Hòa muốn đi lang thang khắp phố phường. Nhớ
lại tất cả và suy nghĩ về tất cả.
Hòa đi ngược trở lại. Qua đường Lê Thánh Tôn, qua nhà thờ Đức
Bà. Và không hiểu vì sao lại dừng chân trước cửa nhà Hồng, thực lạ lùng. Trong
nhà vẫn còn ánh đèn. Chị ấy vẫn chưa ngủ. Hòa bước rất rối, vội vàng, đầu óc trống
rỗng, không suy nghĩ. Lại qua nhà thờ Đức Bà, lại qua đường Lê Thánh Tôn. Và lần
này Hòa rẽ vào đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Rồi đi thẳng.
/ Mời đọc tiếp Chương 11/
Tìm thấy ở thư viện Mỹ
WASON
PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL
UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA,
N.Y.14853
John
M. Echols
Collection
on Soucheast Asia
JOHN
M OLIN LIBRARY
ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét