Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

TRI KỶ CỦA THI CA/ Hoàng Việt Hằng

 
TRI KỶ CỦA THI CA

Hoàng Việt Hằng

Người viết có cần tri kỷ không, cần lắm. Nhưng tìm người bạn tri kỷ có khó không, tôi xin thưa khó lắm. Trong thơ ca vẫn có những cặp vợ chồng, bạn thơ tri kỷ, có tình yêu văn chương, họ nắm tay nhau đi đến cuối chặng đường. Dù vậy nghiệp của  người cầm bút vẫn rất cô đơn, và mỗi khi viết xong, thấy trong người trống rỗng.

Tôi cũng chọn nghề cầm bút, từng viết tiểu thuyết, hàng tuần lễ không ra khỏi nhà, không bật đèn không muốn nhìn thấy ai, hụt hẫng cảm giác không còn chỗ nào bấu víu. Phải rất lâu sau, khi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tôi nói với ông về cảm giác cô đơn kiệt cùng này. Tôi từng ước nếu là mùa hè thì sẽ ra biển cho mình chìm hẳn xuống nước, không cần nổi lên thở nữa. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng trải, thấu hiểu, ông đi qua nhiều trạng thái, cung bậc như thế, và cho tôi lời khuyên, “ cô nên đi về phía thiên nhiên, nhìn thác, nhìn cây, sẽ khuây dần tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống”. Và tôi đã thấy ông đúng. Hàng tháng sau tôi tìm lại được chính mình để không chán nản, khoảng lặng của u buồn tạm mờ nhạt đi. Dẫu vậy, bạn tri kỷ của thi ca vẫn phải kể đến nhà thơ Thạch Quỳ, người xứ  Nghệ, ông có một bạn thơ, nhà thơ Trần Thu Hà. Một thời vào những năm 1990, đời chị cũng có khoảng thời gian vấp phải những đau đớn không dễ sẻ chia với ai. Từ một người có nghiệp chơi đàn tranh ở đoàn văn công Nghệ An, vậy mà Trần Thu Hà từng có những giờ phút  mê đánh đề, có thời đi buôn đá đỏ, có thời đi may vá quần áo thuê, và làm đủ thứ để mưu sinh, nuôi con khôn lớn. Khổ cực mấy cũng có thơ cứu rỗi. Và chị làm thơ, từng đọc thơ cho nhà thơ Thạch Quỳ nghe. Nghe nói tình bạn của hai người lạ lắm, có lần chứng kiến cảnh đối đáp nhau ra thơ 4 câu như thế này: “ trong trò chơi ú tim/tôi là người thắng cuộc/trò chơi vừa kết thúc/tôi tìm chẳng thấy tôi”. Nghe dứt câu, anh Thạch Quỳ đáp ngay “ ngày tháng đã xa xôi/chưa dễ qua khôn dại/ bất chợt ở cuối đời/ trò ú tim lặp lại.”.Và chị Hà có lần tâm sự với tôi, cuộc đời cần lắm một người bạn nghe thơ và hiểu thơ bạn. Người tri kỷ chắc hẳn phải cao hơn cả người yêu nữa nhỉ? Bạn tri kỷ của phong trào thơ mới phải kể đến câu chuyện của nữ sỹ Anh Thơ với nhà thơ Xuân Diệu. Vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Tôi nhớ những ngày bà Anh Thơ ở một căn phòng nhỏ tầng 1, trong khu tập thể văn Chương. Sau này bác sỹ Dinh chồng bà mất đi, bà chuyển đổi bán nhà tầng một, mua lên tầng ba, kiếm chút  tiền nhà chênh lệch để thuốc men. Vào có một chiều ba mươi, tôi đến thăm bà, bà lủi thủi một mình. Bà ngồi nhớ lại kỷ niệm, kể cho tôi nghe về những chiều ba mươi tết xa lắc xa lơ, thời bà làm biên tập cùng nhà thơ Xuân Diệu ở Tạp chí Tác phẩm mới. “Ai lại chiều ba mươi tết, lòng cô cứ vấn vương nghĩ thương Xuân Diệu quá. Mình có chồng, còn anh Diệu lủi thủi, chắc buồn lắm”. Và bà kiếm  cớ muốn nghe Xuân Diệu đọc thơ tiếng Pháp, bà mời ông đến nhà dùng cơm tất niên cùng với người chồng của mình là bác sỹ Dinh. Biết tính Xuân Diệu ngày thường thích ăn cơm với cà pháo canh rau mùng tơi, hay món đậu phụ nhồi thịt băm với mộc nhĩ đen; hoặc món thịt xay cùng hành tây và ớt đỏ, nhồi trong từng quả cà chua, đem hấp cách thủy, ông thích lắm. Bà Anh Thơ là người nấu ăn rất khéo nên không khí ấm áp của ba  người bạn gìa cũng tạo ra không gian vô cùng thú vị. Bà nói, sau bữa ăn Xuân Diệu thường dùng trà, cao hứng đọc thơ bằng tiếng Pháp cho bà Anh Thơ  cùng bác sỹ Dinh nghe. Ông đọc thơ hay không thể tả được. Đọc xong rồi dịch nghĩa, cũng từng có chiều ba mươi anh Chế Lan Viên cũng tới, hai ông đều đọc thơ bằng tiếng Pháp, rồi dịch nghĩa cho bà Anh Thơ nghe. Thơ hay, hay truyện ngắn hay khi đọc xong đều rất cần bạn tri kỷ để chia sẻ. Bà Anh Thơ nói: “ cho đến phút giây này, khi kể lại cho cháu nghe cô vẫn còn nổi da gà lên đây”, vì cô không ngờ  đời mình được làm nghề với hai bạn thơ tri kỷ, tài giỏi, uyên thâm như hai ông Chế Lan Viên và ông Xuân Diệu. Cô thấy có người bạn, tri kỷ với thơ ca thật không gì hạnh phúc bằng. Nghe thơ thì phải nghe Chế Lan Viên và Xuân Diệu đọc bằng tiếng Pháp, rồi họ bình thơ dịch thơ bằng tiếng Việt cho  Anh Thơ nghe, đấy là học cái sự đọc qua bạn  khi không có ngoại ngữ. Còn những bài thơ hai ông ấy sáng  tác bà cũng được nghe khi còn ở dạng bản thảo. Bà luôn cảm thấy đó là những chiều ba mươi vàng ròng. Khi  thời gian sau này bác sỹ Dinh, chồng bà, hai  người bạn thơ tri kỷ cũng bỏ bà để về thế giới bên kia.

Nhưng kỷ niệm vẫn chảy trong ký ức, bởi thế, mỗi lần chiều ba mươi tôi đến thăm bà Anh Thơ bà cũng nhắc đến tri kỷ của bà một cách trân trọng và nâng niu như một thứ tài sản không  gì có thể đánh đổi. Trong cặp vợ chồng thi sỹ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cũng là cặp tri âm tri kỷ.  Tôi nhớ một chiều vào thăm chị ở bệnh viện hữu nghị Việt Xô. Đôi môi hơi tím  khi mắc bệnh tim của chị vẫn mỉm cười khi nhắc về Lưu Quang Vũ, thơ của anh chị thuộc lòng. Những câu thơ nằm lòng/ có em anh hiểu lại cuộc đời/có em anh bắt đầu tất cả… bắt đầu con đường bắt đầu nhịp thở/mùa hạ đầu tiên ngọn gió đầu tiên… Và người tri kỷ của nhà thơ  Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã viết/ nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
Những câu thơ tình đắm say, còn lưu lại trong lòng bạn đọc, cả người đang yêu và người thất bại trong tình yêu cũng đều đọc  được thơ. Những câu thơ đem lại cho đời sống tinh thần con người những giá trị vô giá, nâng bước họ đi tiếp, lạc quan yêu sống hơn.

Tri kỷ của thơ và bạn thơ phải nhắc đến vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên, Nguyễn Nguyên Bẩy.Vào những năm 1970, tên tuổi Lý Phương Liên nổi như cồn với Ca bình minh in trên báo Nhân Dân thuở ấy. Bao nhiêu năm dòng mưu sinh mà họ chưa thể bỏ cuộc với thơ.Thơ Lý Phương Liên được chồng chị, anh Nguyễn Nguyên Bẩy, người đọc cho, nghe cho, rồi in thơ cho vợ; trân quý như mọi người bạn thơ khác. Họ in thơ cho bạn bè  với thái độ bình đẳng, không phân biệt chức sắc, vùng miền, miễn là thơ hay. Khi anh chị có tiền, sẵn lòng bỏ tiền in thơ cho bạn, để lưu giữ ở các thư viện châu Mỹ và các bạn yêu thơ trong cả nước, với ước nguyện lưu giữ, nhằm tôn vinh thơ Việt đi ra thế giới, cũng là một cách tri kỷ lớn hơn cả đôi ta; lớn hơn  anh và em. Lớn hơn em và anh là ngôi chúng ta.  Thơ bạn thơ nước Việt cần lưu lại thế hệ mai sau, và để thế hệ sau nhìn nhận về  lịch sử một thời chúng ta đang sống và đi qua. Mới đây hay tin chị Lý Phương Liên đột quỵ, con cháu ở Mỹ  tìm về. Khi vừa khỏe lại vợ chồng nhà thơ lại đưa con trai từ Mỹ về để ra Hà Nội, tặng sách bè bạn có thơ in trong tập thứ 7 và xin chuẩn bị làm cuốn thơ bạn thơ, quyển thứ 8 năm tới. Mẹ ốm thì bàn giao lại cho con gắng sao in thơ hay cho mọi người cùng đọc. Anh Nguyễn Nguyên Bẩy còn  vui mừng cho rằng, có cô con gái trình bầy bìa, con trai cùng làm sách in thơ, quảng bá thơ người Việt Nam lưu trữ ở thư viện nước Mỹ để kiều bào và bạn đọc trên thế giới gần với người Việt Nam hiểu Việt Nam hơn.
Đó cũng một cách tri kỷ với thơ ca, anh chị Nguyễn Nguyên Bẩy Lý Phương Liên, không  màng vụ lợi và hào sảng với thơ. Để thơ hay  được lan rộng như khi bạn ta cho ta nước và lửa, nước thì lan rộng và lửa luôn sưởi ấm hồn người.

Xuân 2018
Hoàng Việt Hằng/ Tác giả gừi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét